QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG TAXI TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 78/2013/QĐ-UBND ngày /11/2013 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Đồng Nai)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Văn bản này quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải hành khách
bằng taxi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Văn bản này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh
nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc quản lý hoặc
khai thác vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Xe taxi là loại xe ôtô có
không quá 09 chỗ ngồi (kể cả lái xe) được thiết kế để vận chuyển hành khách đáp
ứng các điều kiện tại Chương II của Quy định này.
2. Kinh doanh vận tải
hành khách bằng taxi là kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô có lịch
trình và hành trình theo yêu cầu của khách; cước tính theo đồng hồ tính tiền.
3. Điểm đỗ xe taxi là nơi cơ quan
có thẩm quyền quy định cho xe taxi được đỗ chờ đón khách hoặc đỗ trong thời
gian xe ngừng hoạt động.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ XE TAXI
Điều 4. Điều kiện của xe
taxi
1. Niêm yết:
a) Hai bên thành xe: Tên và
số điện thoại của doanh nghiệp, hợp tác xã;
b) Trong xe: Bảng giá cước
tính tiền theo ki lô mét, giá cước tính tiền cho thời gian chờ đợi và các chi
phí khác (nếu có) mà hành khách phải trả;
c) Hai bên cánh cửa xe có
sơn biểu trưng (logo) của doanh nghiệp, hợp tác xã.
2. Có phù hiệu “XE TAXI” do Sở Giao thông Vận tải
cấp; có hộp đèn với chữ “TAXI” gắn trên nóc xe; hộp đèn phải được
bật sáng khi xe không có khách và tắt khi trên xe có khách.
3. Có máy bộ đàm liên hệ với Trung tâm điều hành
của doanh nghiệp, hợp tác xã.
4. Có đồng hồ tính cước được cơ quan có thẩm quyền
kiểm định và kẹp chì.
Chương III
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI
HÀNH KHÁCH BẰNG TAXI
Điều 5. Quy định chung đối với
đơn vị kinh doanh
1. Có phương
án kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 của Quy định này.
2. Có đủ số lượng phương tiện thuộc quyền sở hữu
của doanh nghiệp, hợp tác xã. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng
phương tiện mang biển số đăng ký không thuộc tỉnh Đồng Nai thì phải
có quyết định điều chuyển phương tiện hoặc hợp đồng thuê phương
tiện của tổ chức, cá nhân cho thuê tài chính hoặc cho thuê tài sản theo
quy định của pháp luật và có xác nhận của Sở Giao thông Vận tải địa phương nơi phương tiện mang biển số đăng ký.
3. Khuyến khích doanh nghiệp, doanh
nghiệp, hợp tác xã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình của xe để phục vụ
công tác quản lý vận tải và trật tự an toàn giao thông.
4. Đối với chi nhánh không được đưa xe ở địa
phương khác về hoạt động lâu dài tại Đồng Nai khi chưa có quyết định điều động
của cơ quan quản lý chi nhánh và phù hiệu không phải do Sở Giao thông Vận tải Đồng
Nai cấp; không được điều xe mà phù hiệu do Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai cấp để
hoạt động quá 30 (ba mươi) ngày ở địa phương khác.
5. Có trung tâm điều hành, đăng ký tần số liên lạc
và có thiết bị liên lạc giữa trung tâm với các xe; có giấy chứng nhận của cơ
quan có thẩm quyền cấp cho doanh nghiệp, doanh nghiệp, hợp
tác xã được phép sử dụng tần số vô tuyến điện.
6. Có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về
an toàn giao thông để thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Lập và thực hiện kế hoạch
bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải của doanh nghiệp, doanh nghiệp,
hợp tác xã theo mẫu tại Phụ lục 1 của Quy định này;
thống kê, phân tích tai nạn giao thông, tổ chức rút kinh nghiệm trong đội ngũ
lái xe và cán bộ quản lý của đơn vị.
b) Kiểm tra đảm bảo các điều
kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi xe hoạt động; đôn đốc,
theo dõi, giám sát việc thực hiện chế độ kiểm định kỹ thuật và bảo dưỡng, sửa
chữa định kỳ phương tiện.
c) Tổ chức hoặc phối hợp với
cơ quan có chức năng để tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về
trật tự an toàn giao thông; giáo dục đạo đức nghề nghiệp, tập huấn nghiệp vụ
cho đội ngũ lái xe.
7. Quản lý điều hành hoạt động
của doanh nghiệp, hợp tác xã: người trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh (đảm
nhận một trong các chức danh: Giám đốc hoặc Phó Giám đốc các doanh nghiệp; Chủ
nhiệm hoặc Phó Chủ nhiệm hợp tác xã; trưởng bộ phận nghiệp vụ điều hành vận tải)
phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
a) Có trình độ chuyên ngành vận tải từ trung cấp
trở lên hoặc trình độ cao đẳng, đại học chuyên ngành khác;
b) Tham gia công tác quản lý vận tải tại doanh
nghiệp, hợp tác xã vận tải bằng ô tô từ 03 (ba) năm trở lên;
c) Phải chứng minh có đủ thời gian cần thiết (ba
năm trở lên) trực tiếp điều hành hoạt động vận tải.
Điều 6. Đăng ký biểu trưng
(logo)
1. Trước khi đưa xe vào khai thác, doanh nghiệp,
hợp tác xã phải thực hiện việc đăng ký biểu trưng (logo) và số điện thoại giao
dịch trên phương tiện;
2. Hồ sơ đăng ký gửi đến Sở
Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Vận tải xác nhận biểu trưng (logo) của đơn vị
nếu không trùng với biểu trưng (logo) đã đăng ký của doanh nghiệp, hợp tác xã
khác và có trách nhiệm thông báo công khai biểu trưng (logo) của doanh nghiệp,
hợp tác xã trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh Đồng Nai hoặc của Sở Giao thông
Vận tải.
Điều 7. Đăng ký chất lượng dịch
vụ
1. Doanh nghiệp, hợp tác xã
phải đăng ký chất lượng về dịch vụ vận tải hành khách. Giấy đăng ký chất lượng
dịch vụ vận tải theo mẫu tại Phụ lục 3 của Quy định
này;
2. Nội dung đăng ký chất lượng dịch vụ gồm:
a) Đối với phương tiện vận tải gồm: nhãn hiệu
xe, trọng tải, tiêu chuẩn khí thải; giới hạn tuổi xe, trang thiết bị phục vụ
hành khách trên xe, chế độ bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ, chế độ kiểm tra điều kiện
kỹ thuật, an toàn và vệ sinh phương tiện trước khi đưa xe ra hoạt động; số điện
thoại đường dây nóng của doanh nghiệp, hợp tác xã.
b) Đối với lái xe: hạng giấy phép lái xe, tuổi,
thâm niên lái xe theo hạng, thời hạn hợp đồng lao động, chứng nhận hoàn thành
chương trình tập huấn nghiệp vụ kinh doanh vận tải hành khách bắng taxi do
doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức;
c) Quyền lợi của hành khách: có ghế ngồi riêng,
chế độ bảo hiểm.
d) Quy trình tiếp nhận và xử lý, giải quyết các
thông tin phản ánh, kiến nghị của hành khách và cơ quan thông tin đại chúng.
3. Giấy đăng ký chất lượng dịch vụ được gửi đến
Sở Giao thông Vận tải cùng với hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng
xe taxi. Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc niêm yết
và thực hiện các nội dung chất lượng dịch vụ mà doanh nghiệp, hợp tác xã đã
đăng ký.
Điều 8. Điểm đỗ xe
1. Điểm đỗ xe gồm 2 loại:
a) Điểm đỗ xe do doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức
và quản lý, điểm đỗ xe có thể thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp, hợp tác xã
hoặc doanh nghiệp, hợp tác xã tự thuê;
b) Điểm đỗ xe công cộng: do Sở Giao thông Vận tải
quản lý. Doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện theo quy định tại Quyết định số
3293/QĐ-UBND ngày 2/11/2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển
vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2012-2020
và định hướng phát triển đến năm 2030.
2. Yêu cầu đối với điểm đỗ xe:
Đảm bảo trật tự, an toàn, không gây ùn tắc giao
thông; đáp ứng yêu cầu về phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.
Điều 9. Quy định chung về quản
lý, sử dụng phù hiệu
1. Phù hiệu không được tẩy xóa hoặc
sửa chữa các thông tin và được gắn lên kính chắn gió phía bên phải người lái
xe.
2. Thời
hạn có giá trị của phù hiệu theo thời hạn có hiệu lực của Giấy phép kinh doanh
vận tải và không quá thời hạn theo thời hạn sử dụng của phương tiện. Đối với
các phương tiện được bổ sung để phục vụ vận chuyển khách trong các dịp Lễ, Tết
thì phù hiệu có giá trị như sau: Tết Nguyên đán không quá 30 (ba mươi) ngày;
các dịp Lễ, Tết không quá 10 (mười) ngày.
Điều 10. Quy định cấp mới
hoặc cấp lại phù hiệu
1. Doanh nghiệp, hợp tác xã
kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe
taxi được Sở Giao thông Vận tải cấp phù hiệu cho xe taxi tham gia kinh doanh
trong danh sách do đơn vị đề nghị theo quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Doanh nghiệp, hợp tác xã
gửi 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị cấp mới hoặc cấp lại phù hiệu đến Sở Giao thông Vận
tải Đồng Nai. Hồ sơ gồm:
a) Giấy đề nghị cấp mới hoặc cấp lại phù hiệu
theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 của Quy định này;
b) Bản sao kèm bản chính để
đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực giấy đăng ký xe ô tô và hợp đồng thuê
phương tiện với tổ chức, cá nhân cho thuê tài chính hoặc cho thuê tài sản, cam
kết kinh tế giữa xã viên và hợp tác xã nếu xe không thuộc sở hữu của doanh nghiệp,
hợp tác xã (chỉ áp dụng đối với những xe đề nghị cấp mới phù hiệu). Đối với những
phương tiện mang biển số đăng ký không thuộc tỉnh Đồng Nai thì phải gửi kèm
theo xác nhận về tình trạng của xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải của Sở Giao
thông Vận tải địa phương nơi phương tiện mang biển số đăng ký theo mẫu quy định
tại Phụ lục 5 của Quy định này;
c) Phù hiệu hư hỏng hoặc hết
giá trị sử dụng hoặc biên bản xử lý vi phạm thu hồi phù hiệu theo quy định tại
Điều 11 của Quy định này (áp dụng trong trường hợp cấp lại phù hiệu).
3. Trong thời hạn 02 (hai)
ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ đúng quy định, Sở Giao thông Vận tải có
trách nhiệm cấp phù hiệu cho xe của doanh nghiệp, hợp tác xã. Trường hợp từ chối
không cấp, Sở Giao thông Vận tải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Sở Giao thông Vận tải có
trách nhiệm:
Kiểm tra quá trình thực hiện
các điều kiện kinh doanh, chế độ báo cáo của doanh nghiệp, hợp tác xã để thực
hiện thủ tục cấp lại phù hiệu;
6. Thủ tục xác nhận về tình
trạng của xe taxi tham gia kinh doanh vận tải hành khách:
a) Doanh nghiệp, hợp tác xã
gửi giấy Đề nghị xác nhận về tình trạng của xe taxi tham gia kinh doanh vận tải
đến Sở Giao thông Vận tải theo mẫu quy định tại Phụ lục
5 của Quy định này;
b) Trong thời hạn 01 (một)
ngày làm việc, kể từ khi nhận được giấy Đề nghị xác nhận, Sở Giao thông Vận tải
có trách nhiệm xác nhận vào giấy Đề nghị và gửi lại doanh nghiệp, hợp tác xã.
Trường hợp không xác nhận, Sở Giao thông Vận tải trả lời bằng văn bản và nêu rõ
lý do;
c) Việc tiếp nhận và trả kết
quả xác nhận được thực hiện tại trụ sở của Sở Giao thông Vận tải hoặc qua đường
bưu điện.
Điều 11. Thu hồi phù hiệu
1. Sở Giao thông Vận tải có
trách nhiệm thu hồi phù hiệu do sở cấp khi doanh nghiệp, hợp tác xã vi phạm các
quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp thu hồi phù hiệu có thời hạn thì Sở
Giao thông Vận tải phải lập và giao biên bản thu hồi cho doanh nghiệp, hợp tác
xã.
2. Thu hồi có thời hạn phù
hiệu của xe khi vi phạm một trong các trường hợp sau:
a) Thu hồi 06 (sáu) tháng đối
với trường hợp sử dụng phù hiệu không đúng quy định hoặc cố ý làm sai lệch các
thông tin đã được ghi trên phù hiệu đã cấp cho xe;
b) Thu hồi phù hiệu 01 (một)
tháng đối với xe không thực hiện từ 03 (ba) nội dung trở lên trong cam kết chất
lượng dịch vụ hoặc không thực hiện niêm yết cam kết chất lượng dịch vụ trên xe;
c) Thu hồi phù hiệu 01 (một)
tháng đối với xe không có đồng hồ tính tiền hoặc không có hộp đèn trên nóc xe
theo quy định hoặc có gian lận trong việc tính tiền trên đồng hồ tính tiền;
Điều 12. Chính sách hỗ trợ
đối với vận tải hành khách bằng taxi
1. Các doanh nghiệp, hợp tác xã được quảng cáo
trên xe.
2. Các Sở, ban, ngành, các địa phương có trách
nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp, hợp tác xã các thủ tục để đơn vị có bãi đậu
xe ban đêm tại các bến xe; các điểm đỗ xe cố định, tạm thời tại các Trung tâm
thương mại, Khu du lịch và các tuyến đường đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết
định số 3293/QĐ-UBND ngày 2/11/2012.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC, DOANH NGHIỆP, LÁI XE VÀ KHÁCH ĐI XE
Điều 13. Sở Giao thông Vận
tải
1. Là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý
nhà nước về hoạt động vận tải hành khách bằng taxi theo đúng Quy hoạch đã được
UBND tỉnh phê duyệt.
2. Xây dựng kế hoạch phát triển vận tải hành
khách bằng taxi trên địa bàn tỉnh theo từng giai đoạn, đảm bảo về số lượng xe
và đáp ứng nhu cầu và chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách.
3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan
và các địa phương tổ chức khảo sát, lập các điểm đỗ taxi theo quy hoạch đã được
UBND tỉnh phê duyệt.
4. Làm chủ đầu tư các công trình hạ tầng điểm đỗ
xe taxi công cộng do nhà nước quản lý.
5. Chủ trì, xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra liên
ngành theo định kỳ hoặc đột xuất gồm các ngành liên quan như: Công an, Sở Khoa
học và Công nghệ, Cục Thuế, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, Trung tâm Quản lý
và Điều hành vận tải hành khách công cộng. Kinh phí thực hiện lấy từ nguồn thu
xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông.
6. Công bố các điểm đỗ xe taxi phù hợp với quy
hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt và tham mưu cho UBND tỉnh để bổ sung khi thấy
cần thiết.
7. Quản lý và cấp mới hoặc cấp lại phù hiệu cho
xe taxi của các doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh
hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
8. Thu hồi phù hiệu đã cấp khi
doanh nghiệp, hợp tác xã có vi phạm.
Điều 14. Công an tỉnh
1. Thường xuyên tổ chức kiểm tra hoạt động kinh
doanh vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn tỉnh và xử lý các trường hợp vi
phạm theo quy định của pháp luật.
2. Cử cán bộ, chiến sỹ tham gia cùng đoàn kiểm
tra liên ngành để kiểm tra hoạt động vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn
tỉnh.
Điều 15. Sở Tài chính
1. Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải,
Cục Thuế thẩm định, kiểm tra việc thực hiện giá cước vận tải hành khách bằng
taxi do các doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký, kê khai.
2. Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư,
Sở Giao thông Vận tải, Cục Thuế tham mưu cho UBND tỉnh về các chính sách hỗ trợ
của tỉnh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng
taxi trên địa bàn tỉnh.
Điều 16. Sở Kế hoạch và Đầu
tư
Tiếp nhận hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký
doanh nghiệp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã có ngành nghề kinh doanh vận tải
hành khách bằng taxi; thông báo danh sách doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp Giấy
chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh vận tải hành khách bằng
taxi đến Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải và Cục Thuế để phối hợp quản lý.
Điều 17. Sở Khoa học và
Công nghệ
1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan
và các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi định kỳ
hoặc đột xuất kiểm tra đồng hồ tính tiền của xe taxi bảo đảm đồng hồ luôn ở
tình trạng hoạt động tốt.
2. Cử cán bộ tham gia cùng đoàn kiểm tra liên
ngành để kiểm tra hoạt động vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn tỉnh.
Điều 18. Ban An toàn giao
thông tỉnh
1. Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn
vị liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã lắp đặt biển báo hiệu, kẻ vạch
sơn đường tại các điểm đỗ cố định, tạm thời cho xe taxi sau khi Sở Giao thông Vận
tải công bố đưa vào khai thác theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.
2. Tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông
trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn tỉnh.
Điều 19. Cục Thuế
1. Tiếp nhận hồ sơ đăng ký, kê khai nộp thuế của
các doanh nghiệp, hợp tác xã; thực hiện việc thu thuế theo quy định của pháp luật.
2. Xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực
thuế theo quy định, thông báo danh sách các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh
vận tải hành khách bằng taxi không thực hiện nghĩa vụ thuế cho Sở Giao thông Vận
tải biết để phối hợp xử lý.
3. Cử cán bộ tham gia cùng đoàn kiểm tra liên
ngành để kiểm tra hoạt động vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn tỉnh.
Điều 20. UBND các huyện, thị
xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa
1. Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các cơ
quan, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức khảo sát (khi doanh nghiệp, hợp
tác xã có đề nghị) để lựa chọn các điểm đỗ cố định, tạm thời cho xe taxi phù hợp
với quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.
2. Phối hợp với các cơ quan liên quan quản lý hoạt
động của các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi
trên địa bàn.
Điều 21. Quyền và trách nhiệm
của doanh nghiệp, hợp tác xã
1. Đăng ký mẫu thẻ tên và đồng phục của lái xe với
Sở Giao thông Vận tải. Cấp đồng phục và thẻ tên cho lái xe, thẻ tên phải được
dán ảnh, ghi rõ họ tên, doanh nghiệp, hợp tác xã tải quản lý.
2. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn
nghiệp vụ vận tải hành khách, an toàn giao thông và đạo đức nghề nghiệp cho lái
xe theo chương trình khung do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành.
3. Thường xuyên kiểm tra đối với lái xe trong việc
chấp hành pháp luật về an toàn giao thông và các quy định của doanh nghiệp, hợp
tác xã; có phương án điều hành, phân tài cho xe hoạt động hợp lý, khoa học
tránh xảy ra tình trạng tranh giành khách gây mất an toàn giao thông.
4. Lập kế hoạch đảm bảo an
toàn giao thông trong hoạt động vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện
việc kiểm tra, giám sát, thống kê, phân tích và đánh giá tình hình thực hiện kế
hoạch.
5. Đầu tư đổi mới phương tiện đảm đúng tiêu chuẩn,
chất lượng theo quy định.
6. Chịu trách nhiệm khi
phương tiện, lái xe của doanh nghiệp, hợp tác xã vi phạm các quy định về hoạt động
vận tải.
7. Bố trí vị trí đỗ xe tại các điểm đỗ do doanh
nghiệp, hợp tác xã tổ chức và quản lý hoặc tại các điểm đỗ công cộng đã được Sở
Giao thông Vận tải công bố đưa vào khai thác theo quy hoạch đã được UBND tỉnh
phê duyệt.
Điều 22. Quyền và trách nhiệm
của lái xe
1. Đeo bảng tên, mặc đồng phục theo mẫu thống nhất
của doanh nghiệp, hợp tác xã; xuất trình các giấy tờ cần thiết khi có yêu cầu
thanh tra, kiểm tra.
2. Cung cấp thông tin về tuyến
đường khi hành khách yêu cầu; ứng xử hòa nhã, lịch sự với hành khách; hướng dẫn
và giúp đỡ hành khách (đặc biệt là người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ có
thai hoặc có con nhỏ) khi lên, xuống xe.
3. Đi theo hành trình có lợi nhất cho hành
khách; thu tiền cước theo đồng hồ tính tiền và thời gian chờ đợi (nếu có).
4. Có quyền từ chối vận chuyển đối với hành
khách không tự kiểm soát được hành vi, gây mất an ninh, trật tự, an toàn trên
xe.
5. Tham gia các đợt tập huấn nghiệp vụ vận tải
hành khách, pháp luật an toàn giao thông và đạo đức nghề nghiệp.
6. Nghiêm cấm hành vi gian lận tiền cước đối với
hành khách hoặc hành vi xâm phạm tài sản của hành khách.
Điều 23. Quyền và trách nhiệm
của hành khách đi xe
1. Yêu cầu lái xe cung cấp
thông tin về hành trình chạy xe.
2. Trả tiền cước theo đồng hồ
tính tiền trên xe và yêu cầu lái xe xuất hóa đơn đúng số tiền khi thanh toán tiền
xe.
3. Chấp hành các quy định
khi đi xe và sự hướng dẫn của lái xe.
4. Được khiếu nại, kiến nghị,
phản ánh những hành vi vi phạm quy định về quản lý vận tải của đơn vị kinh
doanh vận tải, lái xe và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 24. Chế độ báo cáo
Định kỳ hằng tháng, quý, 6 tháng cả năm hoặc đột
xuất các doanh nghiệp, hợp tác xã báo cáo về tình hình hoạt động và xây dựng kế
hoạch năm sau gửi Sở Giao thông Vận Tải và Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải
hành khách công cộng theo mẫu thống nhất do Trung tâm Quản lý và Điều hành vận
tải hành khách công cộng hướng dẫn.
Điều 25. Kiểm tra hoạt động
vận tải hành khách
Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm phổ biến,
hướng dẫn, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm các quy định về quản lý vận tải,
an toàn giao thông đối với hoạt động vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn
tỉnh.
Điều 26. Trách nhiệm thi
hành
1. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh và
thành phố Biên Hòa, Giám đốc các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan căn cứ vào
chức năng, nhiệm vụ được giao và các quy định của pháp luật chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh vướng
mắc, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã có liên quan kịp thời phản
ánh về Sở Giao thông Vận tải để báo cáo UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung./.
Phụ lục I