Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 655/QĐ-TTg năm 2024 về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu: 655/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Trần Hồng Hà
Ngày ban hành: 16/07/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng cảng hàng không

Ngày 16/7/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 655/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng cảng hàng không

Cụ thể, xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển, cải tạo, mở rộng các cảng hàng không một cách có trọng tâm, trọng điểm; tập trung các dự án có tính lan tỏa lớn; ưu tiên nguồn lực đầu tư các cảng hàng không đầu mối, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế tại vùng Thủ đô Hà Nội (Cảng hàng không quốc tế Nội Bài) và vùng Thành phố Hồ Chí Minh (Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành).

Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị an ninh hàng không theo Quyết định 34/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực bảo đảm an ninh hàng không như: hàng rào vành đai, các cổng, cửa, các lối ra vào khu vực hạn chế, hệ thống bốt gác, đường tuần tra canh gác, chiếu sáng, bãi đỗ biệt lập. Tiêu chuẩn hóa, đầu tư trang bị đầy đủ hệ thống phương tiện, trang bị, thiết bị an ninh hàng không như: cổng từ, máy soi, camera giám sát, thiết bị chống đột nhập, máy phát hiện chất nổ...; từng bước hiện đại hóa hệ thống thiết bị an ninh hàng không theo công nghệ tiên tiến của thế giới.

(Chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Quyết định 655/QĐ-TTg năm 2024)

Về hạ tầng bảo đảm hoạt động bay, các nhiệm vụ được đặt ra là:

- Lập, cập nhật, điều chỉnh các kế hoạch tổng thể phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay nhằm khai thác an toàn, hiệu quả trong toàn bộ hai vùng thông báo bay của Việt Nam và tại các cảng hàng không trên cả nước trong bối cảnh tốc độ phát triển ngành hàng không dân dụng ngày càng gia tăng và yêu cầu đặc thù của hội nhập quốc tế đối với dẫn đường hàng không. Đôn đốc thực hiện các dự án cung cấp dịch vụ dẫn đường hàng không (ANS) trọng điểm bảo đảm tiến độ như Dự án Trung tâm kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh.

- Đầu tư, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị bảo đảm hoạt động bay tại tất cả các cảng hàng không đáp ứng yêu cầu bảo đảm hoạt động bay an toàn với tầm nhìn dài hạn, hiệu quả gắn với nhiệm vụ tham gia đảm bảo an ninh, chủ quyền vùng trời và tuân thủ các yêu cầu, tiêu chuẩn của ICAO. Từng bước đầu tư các trung tâm logistics, trung tâm đào tạo, huấn luyện bay, bảo dưỡng sửa chữa máy bay.

- Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ dẫn đường hàng không theo Kế hoạch tổng thể phát triển hệ thống thông tin, dẫn đường, giám sát và quản lý không lưu (CNS/ATM) hàng không dân dụng Việt Nam định hướng đến năm 2030, bao gồm các giải pháp về tổ chức hệ thống cung cấp dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường hiệu quả phối hợp hoạt động bay hàng không dân dụng và quân sự, tối ưu hóa sử dụng vùng trời; hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị song song với đổi mới áp dụng các phương thức bay mới và phương thức điều hành bay tiên tiến.

Quyết định 655/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 16/7/2024.

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 655/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 7 năm 2024

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY TOÀN QUỐC THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 21 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch; Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1485/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2023 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tại Tờ trình số 3362/TTr-BGTVT ngày 29 tháng 3 năm 2024 về việc phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các công văn số 6313/BGTVT-KHĐT ngày 13 tháng 6 năm 2024 và số 7139/BGTVT-KHĐT ngày 05 tháng 7 năm 2024,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Cục Hàng không Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, QHĐP, NC, NN, PL, QHQT, KGVX;
- Lưu: VT, CN (2).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trần Hồng Hà

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY TOÀN QUỐC THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 16 tháng 7 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao nhận thức và hành động trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch hệ thống cảng hàng không).

- Xác định các nhiệm vụ, giải pháp, phương thức, danh mục các dự án, nguồn lực thực hiện theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 phù hợp với điều kiện của các bộ, ngành, địa phương.

- Xác định nhiệm vụ của các bộ, ban, ngành và địa phương trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống cảng hàng không.

2. Yêu cầu

- Kế hoạch thực hiện quy hoạch phải bám sát mục tiêu, định hướng của Quy hoạch hệ thống cảng hàng không đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Đảm bảo tuân thủ các Nghị quyết, chương trình hành động, các quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch cấp quốc gia liên quan đã được phê duyệt; đảm bảo không chồng lấn, mâu thuẫn giữa các nhiệm vụ, chương trình, dự án của các ngành, các địa phương.

- Đảm bảo đồng bộ giữa kế hoạch với giải pháp, chính sách và nguồn lực thực hiện; bảo đảm khả thi, linh hoạt trong triển khai thực hiện các dự án theo từng thời kỳ, phù hợp với bối cảnh và nguồn lực quốc gia.

- Huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển hệ thống cảng hàng không.

II. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Các nhiệm vụ chủ yếu

a) Thực hiện quy định của pháp luật về quy hoạch

- Tổ chức công bố quy hoạch, tuyên truyền phổ biến nội dung quy hoạch, cung cấp thông tin về quy hoạch đến các tổ chức, cá nhân để tham gia giám sát việc thực hiện quy hoạch, tham gia phát triển hệ thống cảng hàng không theo quy hoạch được phê duyệt.

- Cung cấp các dữ liệu quy hoạch phục vụ xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, làm cơ sở để các bộ, ngành và địa phương tích hợp vào các quy hoạch có liên quan; triển khai thực hiện lưu trữ hồ sơ quy hoạch theo quy định.

- Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong quá trình lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng về nội dung quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không.

- Báo cáo, đánh giá việc thực hiện Quy hoạch theo định kỳ hằng năm, 05 năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

b) Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hàng không dân dụng

- Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành hàng không dân dụng (Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Nghị định, Thông tư, đề án, các văn bản hướng dẫn) để phù hợp với điều kiện thực tiễn và các quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), đáp ứng nhu cầu phát triển; tạo thuận lợi trong hoạt động đầu tư, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng hàng không; quản lý khai thác cảng hàng không và sân bay chuyên dùng.

- Xây dựng, hoàn thiện Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không nhằm hoàn thiện các giải pháp, xây dựng cơ chế chính sách cụ thể (bao gồm nội dung rà soát xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan) để tạo hành lang pháp lý đầy đủ làm cơ sở triển khai huy động các nguồn lực ngoài nhà nước; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung Chương trình an toàn hàng không quốc gia, Bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay.

- Triển khai việc cải thiện điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực hàng không dân dụng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.

- Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực hàng không dân dụng.

(Chi tiết tại Phụ lục I)

c) Lập quy hoạch các cảng hàng không

- Tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch các cảng hàng không thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch cấp cao hơn và các quy hoạch liên quan, bảo đảm hiệu quả thực hiện quy hoạch, trong đó:

+ Giai đoạn 2021 - 2025: Hoàn thành công tác lập quy hoạch 30 cảng hàng không (gồm 14 Cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc; 16 Cảng hàng không quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa), bảo đảm đồng bộ với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

+ Giai đoạn 2026 - 2030: Hoàn thành công tác nghiên cứu, lập quy hoạch Cảng hàng không Cao Bằng, Cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô, Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng.

(Chi tiết tại Phụ lục II)

- Phối hợp với các địa phương tổ chức lập đề án quy hoạch cảng hàng không tiềm năng (khi có nhu cầu) bao gồm (i) các sân bay phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (Yên Bái, Gia Lâm, Gia Bình), (ii) các vị trí tiềm năng theo đề xuất của các địa phương, có vị trí quan trọng về khẩn nguy, cứu trợ, có tiềm năng phát triển về du lịch, dịch vụ (gồm Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Nông, Tây Ninh) và (iii) các vị trí khác có thể xây dựng, khai thác cảng hàng không khi đủ điều kiện; trong đó đánh giá kỹ lưỡng nhu cầu, điều kiện, khả năng hình thành cảng hàng không cũng như các tác động liên quan, huy động tối đa nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư theo phương thức đối tác công tư và xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bổ sung quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng khi đủ điều kiện.

- Tổ chức đánh giá, rà soát tình hình thực hiện quy hoạch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch các cảng hàng không khi không triển khai được hoặc bổ sung các cảng hàng không khi có nhu cầu và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

- Nguồn vốn lập quy hoạch: Sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.

d) Ưu tiên đầu tư phát triển

- Về hạ tầng cảng hàng không:

+ Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển, cải tạo, mở rộng các cảng hàng không một cách có trọng tâm, trọng điểm; tập trung các dự án có tính lan tỏa lớn; ưu tiên nguồn lực đầu tư các cảng hàng không đầu mối, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế tại vùng Thủ đô Hà Nội (Cảng hàng không quốc tế Nội Bài) và vùng Thành phố Hồ Chí Minh (Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành).

+ Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị an ninh hàng không theo Quyết định số 34/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực bảo đảm an ninh hàng không như: hàng rào vành đai, các cổng, cửa, các lối ra vào khu vực hạn chế, hệ thống bốt gác, đường tuần tra canh gác, chiếu sáng, bãi đỗ biệt lập. Tiêu chuẩn hóa, đầu tư trang bị đầy đủ hệ thống phương tiện, trang bị, thiết bị an ninh hàng không như: cổng từ, máy soi, camera giám sát, thiết bị chống đột nhập, máy phát hiện chất nổ...; từng bước hiện đại hóa hệ thống thiết bị an ninh hàng không theo công nghệ tiên tiến của thế giới.

(Chi tiết tại Phụ lục III)

- Về hạ tầng bảo đảm hoạt động bay:

+ Lập, cập nhật, điều chỉnh các kế hoạch tổng thể phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay nhằm khai thác an toàn, hiệu quả trong toàn bộ hai vùng thông báo bay của Việt Nam và tại các cảng hàng không trên cả nước trong bối cảnh tốc độ phát triển ngành hàng không dân dụng ngày càng gia tăng và yêu cầu đặc thù của hội nhập quốc tế đối với dẫn đường hàng không. Đôn đốc thực hiện các dự án cung cấp dịch vụ dẫn đường hàng không (ANS) trọng điểm bảo đảm tiến độ như Dự án Trung tâm kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh.

+ Đầu tư, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị bảo đảm hoạt động bay tại tất cả các cảng hàng không đáp ứng yêu cầu bảo đảm hoạt động bay an toàn với tầm nhìn dài hạn, hiệu quả gắn với nhiệm vụ tham gia đảm bảo an ninh, chủ quyền vùng trời và tuân thủ các yêu cầu, tiêu chuẩn của ICAO. Từng bước đầu tư các trung tâm logistics, trung tâm đào tạo, huấn luyện bay, bảo dưỡng sửa chữa máy bay.

+ Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ dẫn đường hàng không theo Kế hoạch tổng thể phát triển hệ thống thông tin, dẫn đường, giám sát và quản lý không lưu (CNS/ATM) hàng không dân dụng Việt Nam định hướng đến năm 2030[1], bao gồm các giải pháp về tổ chức hệ thống cung cấp dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường hiệu quả phối hợp hoạt động bay hàng không dân dụng và quân sự, tối ưu hóa sử dụng vùng trời; hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị song song với đổi mới áp dụng các phương thức bay mới và phương thức điều hành bay tiên tiến.

2. Dự án đầu tư công

Nguồn vốn ngân sách nhà nước được bố trí để đầu tư: xây dựng cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng hiện hữu là tài sản công do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu tại các cảng hàng không; các công trình thiết yếu phục vụ sử dụng lưỡng dụng; các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước tại cảng hàng không và tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Việc sử dụng vốn đầu tư công cho đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Đầu tư công.

3. Dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công

Dự án sử dụng nguồn vốn khác ngoài ngân sách nhà nước bao gồm: các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không theo phương thức đối tác công tư; các dự án đầu tư xây dựng công trình thiết yếu của cảng hàng không bằng nguồn vốn của doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp bảo đảm hoạt động bay; các dự án đầu tư xây dựng công trình dịch vụ hàng không, phi hàng không bằng nguồn vốn của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Việc đầu tư xây dựng cảng hàng không mới hoặc đầu tư xây dựng các hạng mục công trình trong cảng hàng không hiện có phải phù hợp với quy hoạch hệ thống cảng hàng không và quy hoạch chi tiết cảng hàng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về hàng không dân dụng, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng và các quy định hiện hành có liên quan.

4. Kế hoạch sử dụng đất

Tổng nhu cầu sử dụng đất dự kiến phát triển hệ thống cảng hàng không được xác định theo quy hoạch phù hợp với Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025. Dự kiến nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 23,83 nghìn ha; tầm nhìn đến năm 2050 khoảng 26,09 nghìn ha.

(Chi tiết tại Phụ lục IV)

Quá trình lập quy hoạch cảng hàng không thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và chuẩn bị đầu tư các dự án sẽ tiếp tục rà soát, chuẩn xác nhu cầu sử dụng đất cho phù hợp nhu cầu phát triển, quy hoạch sử dụng đất của địa phương.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm quản lý quỹ đất dành cho đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không phù hợp với quy hoạch cảng hàng không, quy hoạch sử dụng đất tại địa phương.

5. Xác định các nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực để thực hiện quy hoạch

a) Nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ của quy hoạch

Kinh phí thực hiện nhiệm vụ của Kế hoạch này được bố trí trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước của các bộ, ngành, địa phương liên quan theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành, bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật, bảo đảm thời hạn, tiến độ và sử dụng tiết kiệm hiệu quả.

Các bộ, ngành liên quan và các địa phương chủ động bố trí, lồng ghép các nhiệm vụ và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác ngoài nguồn ngân sách nhà nước đế thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch này.

b) Nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng theo quy hoạch

Tổng nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không (không bao gồm các công trình do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tự cân đối đầu tư) dự kiến giai đoạn 2021 - 2030 ước khoảng 422,64 nghìn tỷ đồng.

(Chi tiết tại Phụ lục V)

III. CHÍNH SÁCH, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Thu hút nguồn vốn cho phát triển hạ tầng giao thông hàng không

- Cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không theo lộ trình quy hoạch đã được phê duyệt, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư phát triển hạ tầng giao thông hàng không và các hạ tầng liên quan tại khu vực. Tăng cường sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương để bố trí nguồn lực thực hiện khả thi, hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch.

- Huy động tối đa nguồn vốn của xã hội đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các cảng hàng không mới. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế đầu tư nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không đang khai thác theo phương thức đối tác công tư và các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Nghiên cứu, xây dựng cơ chế cho phép các đơn vị hàng không dân dụng được đầu tư, vận hành, khai thác công trình trên đất, tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Bộ Quốc phòng quản lý tại các cảng hàng không, sân bay lưỡng dụng bảo đảm đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

- Tiếp tục nghiên cứu cơ chế phân cấp đầu tư, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông hàng không theo yêu cầu của Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.

2. Phát triển nguồn nhân lực

- Tiếp tục tổ chức hoặc cử nhân sự trong lĩnh vực hàng không tham dự các khóa đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ trong nước và nước ngoài; phối hợp với các cơ sở đào tạo, huấn luyện chuyên ngành tăng cường phát triển nguồn nhân lực ngành hàng không dân dụng, bảo đảm cả về chất lượng cũng như số lượng.

- Tiếp tục phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên sâu, trình độ cao để tham gia vào việc xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, giải quyết các vấn đề kỹ thuật, công nghệ phức tạp trong phát triển hàng không dân dụng.

- Có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường hợp tác với các đối tác, các tổ chức quốc tế nhằm phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

3. Phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ

- Hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về hàng không (vận tải, hạ tầng, phương tiện, người điều khiển, doanh nghiệp...), chú trọng công tác bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin đối với hệ thống thông tin, sử dụng các phần mềm để hỗ trợ lập kế hoạch đầu tư và bảo trì công trình.

- Tiếp tục đầu tư, phát triển các hệ thống phần mềm phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hàng không, làm cơ sở phát triển và sử dụng có hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại, đặc biệt là những thành tựu công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng nền tảng số trong quá trình xây dựng, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng hàng không (trong đó ưu tiên cho hạ tầng kỹ thuật bảo đảm hoạt động bay) và lĩnh vực cung cấp dịch vụ vận tải, logistics.

- Phát triển đội tàu bay phù hợp với nhu cầu thị trường, hạ tầng cảng hàng không, năng lực khai thác, bảo dưỡng của các hãng hàng không và năng lực giám sát an toàn khai thác tàu bay của nhà chức trách hàng không.

4. Bảo đảm an sinh xã hội

Nghiên cứu đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không tại vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo; các cảng hàng không có hoạt động quân sự thường xuyên và các cảng hàng không khác trong hệ thống để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, công tác khẩn nguy, cứu trợ.

5. Bảo vệ môi trường

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường, thực hiện các giải pháp nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phòng chống thiên tai.

- Thực hiện việc xây dựng bản đồ tiếng ồn cho các cảng hàng không lớn; cung cấp, trao đổi thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn phục vụ cảnh báo, dự báo trong hoạt động hàng không dân dụng và phòng chống thiên tai.

- Phát triển đội tàu bay theo hướng sử dụng các thế hệ tàu bay áp dụng công nghệ mới, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường.

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, bảo vệ môi trường trong xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống cảng hàng không, đáp ứng các tiêu chí công trình xanh.

- Tăng cường hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế trong công tác nghiên cứu, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

6. Bảo đảm nguồn lực tài chính

- Nghiên cứu xây dựng cơ chế tài chính để doanh nghiệp cảng hàng không và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay đủ năng lực tự đầu tư, quản lý và khai thác các công trình hạ tầng cảng hàng không và công trình kỹ thuật bảo đảm hoạt động bay.

- Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các chính sách về giá, phí dịch vụ hàng không dân dụng để nâng cao hiệu quả khai thác đường bay, tăng tính hấp dẫn đối với các doanh nghiệp kinh doanh hàng không, thu hút hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư các cảng hàng không.

7. Bảo đảm quốc phòng, an ninh

- Nghiên cứu phát triển các sân bay chuyên dùng tại các đảo, quần đảo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển đảo.

- Tiếp tục tăng cường chủ động phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ chủ quyền và thực hiện quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia về biển, đảo.

8. Phát triển công nghiệp hàng không

- Khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia cung ứng vật tư, phụ tùng, sản phẩm từng công đoạn...; liên doanh, liên kết trong và ngoài nước để huy động vốn, chuyển giao công nghệ, tiếp cận và áp dụng công nghệ, phương tiện kỹ thuật hàng không tiên tiến.

- Tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư vào công nghiệp sản xuất hàng không, phát triển dịch vụ bảo dưỡng tàu bay; từng bước nghiên cứu phát triển, sản xuất phương tiện kỹ thuật hàng không.

9. Hợp tác quốc tế

- Tăng cường liên kết, hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực và các quốc gia có ngành hàng không phát triển; liên kết chuyển giao công nghệ quản lý, đầu tư xây dựng; tăng cường phối hợp trong công tác đào tạo, huấn luyện nâng cao trình độ, học tập trao đổi kinh nghiệm giữa các nước.

- Phát triển các đường bay quốc tế trực tiếp giữa các cảng hàng không của Việt Nam với các cảng hàng không đầu mối của các quốc gia nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Giao thông vận tải

- Tổ chức công bố, cung cấp thông tin và lưu trữ hồ sơ Quy hoạch theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch.

- Chủ trì rà soát các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn thi hành tạo thuận lợi trong hoạt động lập quy hoạch, đầu tư, quản lý, bảo trì, khai thác hạ tầng giao thông hàng không; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật.

- Ưu tiên cân đối vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung giai đoạn 2026 - 2030 phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải để thực hiện đầu tư các công trình cấp thiết.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo, đánh giá việc thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không định kỳ hằng năm, 05 năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

- Chủ trì phối hợp các bộ ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để lập, điều chỉnh quy hoạch các cảng hàng không, bảo đảm quốc phòng - an ninh; phối hợp với Bộ Quốc phòng nghiên cứu, điều chỉnh phương án tổ chức vùng trời, phương thức bay đối với các sân bay quân sự đề xuất bổ sung quy hoạch cảng hàng không để bảo đảm tối ưu khai thác và an toàn bay.

- Chủ trì tổng hợp, rà soát đề án quy hoạch cảng hàng không mới của các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc bổ sung quy hoạch khi đủ điều kiện hoặc đưa ra ngoài quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch đối với các cảng hàng không chưa bảo đảm hiệu quả, tính khả thi trên cơ sở điều kiện, bối cảnh thực tế.

- Hoàn thiện Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không để tổ chức thực hiện, làm cơ sở nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách, hành lang pháp lý trong việc huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không.

- Phối hợp với các bộ, ngành trong việc triển khai thực hiện các nội dung có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Phối hợp với các địa phương nghiên cứu, huy động nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không và quy hoạch sử dụng đất phù hợp, đồng bộ với quy hoạch.

2. Bộ Quốc phòng

- Chủ trì phê duyệt vị trí sân bay chuyên dùng theo đề nghị của địa phương để bảo đảm nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

- Bộ Quốc phòng quản lý công trình, tài sản kết cấu hạ tầng trên đất quốc phòng; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các bộ ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế cho phép các đơn vị hàng không dân dụng được đầu tư, vận hành, khai thác công trình trên đất, tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Bộ Quốc phòng quản lý tại các cảng hàng không, sân bay lưỡng dụng bảo đảm đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, điều chỉnh phương án tổ chức vùng trời, phương thức bay đối với các sân bay quân sự đề xuất bổ sung quy hoạch cảng hàng không để bảo đảm tối ưu khai thác và an toàn bay.

- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để xác định cấp sân bay quân sự theo quy định khi triển khai lập mới hoặc điều chỉnh quy hoạch các cảng hàng không.

- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không.

3. Bộ Công an

Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch/điều chỉnh quy hoạch các cảng hàng không nhằm bảo đảm an ninh - quốc phòng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời hoạt động lợi dụng quá trình hợp tác phát triển cảng hàng không để xâm phạm an ninh, lợi ích quốc gia.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn đầu tư công để đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không.

5. Bộ Tài chính

Chủ trì, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn chi thường xuyên cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng cảng hàng không, lập quy hoạch cảng hàng không thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương theo khả năng cân đối ngân sách hàng năm.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện chính sách ưu đãi về sử dụng đất xây dựng hạ tầng cảng hàng không; xây dựng các quy định về quản lý, sử dụng đất dành cho hạ tầng cảng hàng không.

7. Bộ Công Thương

Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện pháp luật về hoạt động dịch vụ logistics (gắn với cảng hàng không); cơ chế chính sách liên quan đến phát triển công nghiệp phụ trợ lĩnh vực hàng không dân dụng.

8. Bộ Khoa học và Công nghệ

Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức nghiên cứu, thử nghiệm các công nghệ mới, vật liệu mới; ban hành hệ thống tiêu chuẩn thuộc lĩnh vực hàng không dân dụng.

9. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí nguồn lực, đề xuất các cơ chế chính sách để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và địa phương.

10. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan

- Tổ chức thực hiện quản lý nhà nước hàng không theo quy định của pháp luật trong phạm vi quản lý của địa phương; quản lý chặt chẽ quỹ đất theo quy hoạch.

- Rà soát, cập nhật các quy hoạch, các dự án trên địa bàn bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch ngành giao thông vận tải.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quy hoạch cảng hàng không mới (bao gồm cả cảng hàng không Biên Hòa, Thành Sơn) xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan có thẩm quyền để thực hiện đầu tư cảng hàng không theo phương thức đối tác công tư; triển khai đầu tư khi bảo đảm hiệu quả, an toàn, đánh giá đầy đủ tác động có liên quan.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quy hoạch cảng hàng không, sân bay tiềm năng tổ chức lập đề án quy hoạch cảng hàng không, trong đó đánh giá kỹ lưỡng nhu cầu, điều kiện, khả năng hình thành cảng hàng không cũng như các tác động liên quan, huy động tối đa nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư theo phương thức đối tác công tư, gửi Bộ Giao thông vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bổ sung quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng khi đủ điều kiện.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động quy hoạch vị trí các sân bay chuyên dùng trong quy hoạch tỉnh sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng.

PHỤ LỤC I

KẾ HOẠCH XÂY DỰNG, SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CÁC CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH
(Kèm theo Kế hoạch tại Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 16 tháng 7 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên văn bản

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Dự kiến thời gian thực hiện

Ghi chú

I

Các văn bản quy phạm pháp luật

1

Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi) và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn

Bộ Giao thông vận tải

Các bộ, ngành, địa phương

2023 - 2025

II

Các đề án, chương trình khác có liên quan

1

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực hàng không

Bộ Giao thông vận tải

Bộ Khoa học và Công nghệ

2023 - 2030

2

Công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực hàng không

Bộ Giao thông vận tải

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

2023 - 2025

3

Rà soát, sửa đổi, bổ sung Chương trình an toàn hàng không quốc gia

Bộ Giao thông vận tải

Các bộ, ngành, địa phương

2025 - 2026

4

Rà soát, sửa đổi Bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay

Bộ Giao thông vận tải

Các bộ, ngành, địa phương

2023 - 2024

Rà soát 02 năm một lần

5

Xây dựng, hoàn thiện Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng hàng không

Bộ Giao thông vận tải

Các bộ, ngành, địa phương

2023 - 2025

6

Triển khai công tác cải thiện điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực hàng không dân dụng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025

Bộ Giao thông vận tải

Các bộ, ngành, địa phương

2023 - 2025

Rà soát hàng năm

PHỤ LỤC II

KẾ HOẠCH TỔ CHỨC LẬP QUY HOẠCH CÁC CẢNG HÀNG KHÔNG
(Kèm theo Kế hoạch tại Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 16 tháng 7 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên quy hoạch

Thời gian hoàn thành dự kiến

1

Quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Đã hoàn thành năm 2023[1]

2

Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Cát Bi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2024

3

Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2024

4

Quy hoạch Cảng hàng không Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2024

5

Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2024

6

Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2024

7

Quy hoạch Cảng hàng không Pleiku thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2024

8

Quy hoạch Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2024

9

Quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2024

10

Quy hoạch Cảng hàng không Thành Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2024

11

Quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2024

12

Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2024

13

Quy hoạch Cảng hàng không Lai Châu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2024 - 2025

14

Quy hoạch Cảng hàng không Nà Sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2024 - 2025

15

Quy hoạch Cảng hàng không Phú Bài thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2024 - 2025

16

Quy hoạch Cảng hàng không Chu Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2024 - 2025

17

Quy hoạch Cảng hàng không Tuy Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2024 - 2025

18

Quy hoạch Cảng hàng không Biên Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2024 - 2025

19

Quy hoạch Cảng hàng không Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2024 - 2025

20

Quy hoạch Cảng hàng không Rạch Giá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2024-2025

21

Quy hoạch Cảng hàng không Côn Đảo thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2024 - 2025

22

Quy hoạch Cảng hàng không Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2025 - 2026

23

Quy hoạch Cảng hàng không Sapa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2025 - 2026

24

Quy hoạch Cảng hàng không Vân Đồn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2025 - 2026

25

Quy hoạch Cảng hàng không Thọ Xuân thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2025 - 2026

26

Quy hoạch Cảng hàng không Đồng Hới thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2025 - 2026

27

Quy hoạch Cảng hàng không Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2025 - 2026

28

Quy hoạch Cảng hàng không Phan Thiết thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2025 - 2026

29

Quy hoạch Cảng hàng không Tân Sơn Nhất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2025 - 2026

30

Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2025 - 2026

31

Quy hoạch Cảng hàng không thứ 2 Vùng Thủ đô

2026 - 2030

32

Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2026 - 2030

33

Quy hoạch Cảng hàng không Cao Bằng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2026 - 2030

Ghi chú:

(1) Cơ quan tổ chức lập quy hoạch là Bộ Giao thông vận tải (theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 11 Nghị định số 05/2021/NĐ-CP ngày 25/01/2021 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay).

(2) Cơ quan phối hợp là các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan (theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định số 05/2021/NĐ-CP ngày 25/01/2021 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay).

(3) Trình tự thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 05/2021/NĐ-CP ngày 25/01/2021 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.

PHỤ LỤC III

DANH MỤC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN 2021-2030
(Kèm theo Kế hoạch tại Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 16 tháng 7 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên Cảng hàng không

Cấp sân bay

Tỉnh, thành phố

Ước tính chi phí đầu tư (tỷ đồng)

Tính chất

Ghi chú

2021 - 2025

2026 - 2030

Tổng

133.714

155.474

289.188

1

Cảng hàng không quốc tế Long Thành

4F

Đồng Nai

87.200

21.800

109.000

Quan trọng QG

2

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất

4E

TP. Hồ Chí Minh

12.233

12.233

3

Cảng hàng không quốc tế Nội Bài

4F

Hà Nội

6.963

62.000

68.963

Quan trọng QG

4

Cảng hàng không Phan Thiết

4E

Bình Thuận

8.190

3.510

11.700

Hai dự án

5

Cảng hàng không Điện Biên

3C

Điện Biên

3.100

3.100

6

Cảng hàng không Côn Đảo

4C

Bà Rịa - Vũng Tàu

1.000

1.099

2.099

7

Cảng hàng không Sa Pa

4C

Lào Cai

1.360

2.840

4.200

8

Cảng hàng không quốc tế Cát Bi

4E

Hải Phòng

1.216

4.721

5.937

9

Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh

4E

Khánh Hòa

410

7.323

7.733

10

Cảng hàng không Phù Cát

4C

Bình Định

297

3.276

3.573

11

Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng

4E

Đà Nẵng

554

11.949

12.503

Hai giai đoạn

12

Cảng hàng không quốc tế Chu Lai

4F

Quảng Nam

145

6.307

6.452

13

Cảng hàng không quốc tế Phú Bài

4E

Thừa Thiên Huế

2.538

2.538

14

Cảng hàng không Đồng Hới

4C

Quảng Bình

1.522

1.522

15

Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc

4E

Kiên Giang

9.595

9.595

16

Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân

4E

Thanh Hóa

564

2.256

2.820

17

Cảng hàng không quốc tế Vinh

4E

Nghệ An

601

4.976

5.577

18

Cảng hàng không Pleiku

4C

Gia Lai

2.500

2.500

19

Cảng hàng không quốc tế Liên Khương

4E

Lâm Đồng

2.700

2.700

20

Cảng hàng không Biên Hòa

4E

Đồng Nai

5.322

5.322

21

Cảng hàng không Thành Sơn

4C

Ninh Thuận

3.300

3.300

22

Cảng hàng không Quảng Trị

4C

Quảng Trị

5.821

5.821

Ghi chú: Các dự án dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030 hoặc giai đoạn sau năm 2030, trường hợp có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và huy động được nguồn lực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận kế hoạch đầu tư sớm hơn.

PHỤ LỤC IV

DỰ KIẾN NHU CẦU SỬ DỤNG ĐẤT
(Kèm theo Kế hoạch tại Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 16 tháng 7 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên Cảng hàng không

Cấp sân bay

Tỉnh, thành phố

Công suất thiết kế dự kiến 2050 (triệu hành khách/năm)

Diện tích đất dự kiến 2030 (ha)

Diện tích đất dự kiến 2050 (ha)

I

Cảng hàng không quốc tế

448,0

15.141,82

16.258,55

1

Cảng hàng không quốc tế Nội Bài

4F

Hà Nội

100,0

1.500,00

2.230,00

2

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn

4E

Quảng Ninh

20,0

326,55

470,22

3

Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (giai đoạn đến năm 2030)/Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng (tầm nhìn đến năm 2050)

-

Hải Phòng

13,0 / 12,0

490,61

-

4

Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân

4E

Thanh Hóa

7,0

844,86

1.092,53

5

Cảng hàng không quốc tế Vinh

4E

Nghệ An

14,0

557,33

557,33

6

Cảng hàng không quốc tế Phú Bài

4E

TT Huế

12,0

527

527,00

7

Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng

4E

Đà Nẵng

30,0

855,57

855,57

8

Cảng hàng không quốc tế Chu Lai

4F

Quảng Nam

30,0

2.006,56

2.006,56

9

Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh

4E

Khánh Hòa

36,0

628,41

628,41

10

Cảng hàng không quốc tế Liên Khương

4E

Lâm Đồng

7,0

340,84

486,84

11

Cảng hàng không quốc tế Long Thành

4F

Đồng Nai

100,0

5.000,00

5.000,00

12

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất

4E

TP. Hồ Chí Minh

50,0

791

791,00

13

Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ

4E

Cần Thơ

12,0

388,9

728,90

14

Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc

4E

Kiên Giang

18,0

884,19

884,19

II

Cảng hàng không quốc nội

85,5

8.689,90

9.830,70

1

Cảng hàng không Cao Bằng

4C

Cao Bằng

2,0

-

350,00

2

Cảng hàng không Lai Châu

3C

Lai Châu

1,5

117,09

117,09

3

Cảng hàng không Điện Biên

3C

Điện Biên

3,0

201,39

201,39

4

Cảng hàng không Sa Pa

4C

Lào Cai

5,0

371

376,69

5

Cảng hàng không Nà Sản

4C

Sơn La

2,0

498,67

498,67

6

Cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô

-

-

-

-

-

7

Cảng hàng không Cát Bi (tầm nhìn đến năm 2050)

4E

Hải Phòng

18,0

-

490,61

8

Cảng hàng không Đồng Hới

4C

Quảng Bình

5,0

193,86

233,36

9

Cảng hàng không Quảng Trị

4C

Quảng Trị

2,0

316,57

316,57

10

Cảng hàng không Pleiku

4C

Gia Lai

5,0

383,68

383,68

11

Cảng hàng không Phù Cát

4C

Bình Định

7,0

948,73

948,73

12

Cảng hàng không Tuy Hòa

4C

Phú Yên

5,0

697

697,00

13

Cảng hàng không Buôn Ma Thuột

4C

Đắk Lắk

7,0

518,34

518,34

14

Cảng hàng không Phan Thiết

4E

Bình Thuận

3,0

580,56

835,56

15

Cảng hàng không Rạch Giá

4C

Kiên Giang

1,0

200

200,00

16

Cảng hàng không Cà Mau

4C

Cà Mau

3,0

244,43

244,43

17

Cảng hàng không Côn Đảo

4C

B.Rịa - V.Tàu

3,0

181,75

181,75

18

Cảng hàng không Biên Hòa

4E

Đồng Nai

10,0

1.050

1.050

19

Cảng hàng không Thành Sơn

4C

Ninh Thuận

3,0

2.187

2.187

Tổng

533,5

23.831,72

26.089,25

Ghi chú: Nhu cầu sử dụng đất của các cảng hàng không sẽ được xác định cụ thể trong Quy hoạch cảng hàng không theo quy định.

PHỤ LỤC V

NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ KẾT CẤU HẠ TẦNG CẢNG HÀNG KHÔNG THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Kế hoạch tại Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 16 tháng 7 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên CHK

Ước tính chi phí đầu tư theo QH (tỷ đồng)

Hạng mục dự kiến

Dự kiến nguồn vốn

I

Cảng hàng không quốc tế

354.932

1

Cảng hàng không quốc tế Nội Bài

96.599

Đầu tư nhà ga T3 và khu bay phía Bắc, phía Nam

NSNN/Nguồn vốn ngoài NSNN

2

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn

5.280

Đường lăn, sân đỗ, xây dựng nhà ga

Nguồn vốn ngoài NSNN

3

Cảng hàng không quốc tế Cát Bi

10.568

Hoàn thiện đường lăn song song trên đường cất hạ cánh (CHC) cũ, đường lăn nối, sân đỗ; đầu tư nhà ga

NSNN/Nguồn vốn ngoài NSNN

4

Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân

8.887

Đầu tư đường CHC, đường lăn, sân đỗ, khu HKDD và các công trình hạ tầng đồng bộ khác

NSNN/Nguồn vốn ngoài NSNN

5

Cảng hàng không quốc tế Vinh

14.942

Đầu tư đường lăn song song kết nối CHC cũ, sân đỗ; đầu tư nhà ga, đường CHC số 2

NSNN/Nguồn vốn ngoài NSNN

6

Cảng hàng không quốc tế Phú Bài

16.578

Hoàn thiện đường lăn song song trên đường CHC cũ, đường lăn nối, sân đỗ; đầu tư nhà ga

NSNN/Nguồn vốn ngoài NSNN

7

Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng

19.505

Đầu tư sân đỗ, nhà ga, nâng cấp đường CHC

NSNN/Nguồn vốn ngoài NSNN

8

Cảng hàng không quốc tế Chu Lai

15.968

Đầu tư đường CHC, sửa chữa và xây mới nhà ga

NSNN/Nguồn vốn ngoài NSNN

9

Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh

23.760

Đầu tư sân đỗ, nhà ga, nâng cấp đường CHC

NSNN/Nguồn vốn ngoài NSNN

10

Cảng hàng không quốc tế Liên Khương

4.591

Hoàn thiện đường lăn song song trên đường CHC cũ, đường lăn nối, sân đỗ; đầu tư nhà ga

NSNN/Nguồn vốn ngoài NSNN

11

Cảng hàng không quốc tế Long Thành

109.000

Đầu tư 1 đường CHC, đường lăn, sân đỗ và nhà ga T1

NSNN/Nguồn vốn ngoài NSNN

12

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất

12.233

Đầu tư nhà ga T3

NSNN/Nguồn vốn ngoài NSNN

13

Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ

7.426

Đầu tư đường lăn song song kết nối CHC cũ, đường lăn nối, sân đỗ; nhà ga

NSNN/Nguồn vốn ngoài NSNN

14

Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc

9.595

Đầu tư thêm 1 đường CHC và hệ thống đường lăn, sân đỗ; đầu tư nhà ga

NSNN/Nguồn vốn ngoài NSNN

II

Cảng hàng không quốc nội

67.709

1

Cảng hàng không Lai Châu

4.350

Xây dựng mới

Nguồn vốn ngoài NSNN

2

Cảng hàng không Điện Biên

3.100

Đầu tư đường CHC, sân đỗ, nhà ga

NSNN/Nguồn vốn ngoài NSNN

3

Cảng hàng không Sa Pa

4.200

Xây dựng mới

NSNN/Nguồn vốn ngoài NSNN

4

Cảng hàng không Nà Sản

5.688

Xây dựng mới

NSNN/Nguồn vốn ngoài NSNN

5

Cảng hàng không Đồng Hới

2.804

Đầu tư sân đỗ; nhà ga

NSNN/Nguồn vốn ngoài NSNN

6

Cảng hàng không Quảng Trị

6.054

Xây dựng mới

Nguồn vốn ngoài NSNN

7

Cảng hàng không Pleiku

4.583

Đầu tư sân đỗ, nhà ga

NSNN/Nguồn vốn ngoài NSNN

8

Cảng hàng không Phù Cát

2.864

Đầu tư sân đỗ, nhà ga

NSNN/Nguồn vốn ngoài NSNN

9

Cảng hàng không Tuy Hòa

1.385

Đầu tư sân đỗ, nhà ga

NSNN/Nguồn vốn ngoài NSNN

10

Cảng hàng không Buôn Ma Thuột

3.814

Đầu tư đường lăn song song kết nối CHC cũ, đường lăn nối, sân đỗ; nhà ga

NSNN/Nguồn vốn ngoài NSNN

11

Cảng hàng không Phan Thiết

7.714

Xây dựng mới

NSNN/Nguồn vốn ngoài NSNN

12

Cảng hàng không Rạch Giá

4.454

Đầu tư đường CHC; sân đỗ; nhà ga

NSNN/Nguồn vốn ngoài NSNN

13

Cảng hàng không Cà Mau

3.117

Đầu tư đường CHC; sân đỗ; nhà ga

NSNN/Nguồn vốn ngoài NSNN

14

Cảng hàng không Côn Đảo

1.605

Đầu tư đường CHC; sân đỗ; nhà ga

NSNN/Nguồn vốn ngoài NSNN

15

Cảng hàng không Biên Hòa

6.655

Đầu tư đường CHC; sân đỗ; nhà ga

NSNN/Nguồn vốn ngoài NSNN

16

Cảng hàng không Thành Sơn

5.322

Đầu tư đường CHC; sân đỗ; nhà ga

NSNN/Nguồn vốn ngoài NSNN

Tổng

422.641



[1] Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 22/QĐ-BGTVT ngày 08/01/2019

[1] Quyết định số 1686/QĐ-BGTVT ngày 22/12/2023 của Bộ Giao thông vận tải.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 655/QĐ-TTg ngày 16/07/2024 về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.669

DMCA.com Protection Status
IP: 3.12.155.6
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!