Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 4928/QĐ-BGTVT Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải Người ký: Đinh La Thăng
Ngày ban hành: 25/12/2014 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4928/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU LĨNH VỰC HÀNG HẢI GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14/6/2005;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20/12/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Giao thông vận tải phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 3177/QĐ-BGTVT ngày 20/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Giao thông vận tải phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Tái cơ cấu lĩnh vực giao thông hàng hải đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Đề án) với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

a) Quán triệt Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và Đề án Tái cơ cấu ngành giao thông vận tải (GTVT) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020.

b) Tái cơ cấu đầu tư công kết hợp huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hàng hải.

c) Phát triển mạnh vận tải biển, chú trọng khai thác tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của đất nước, tạo sự cân đối giữa vận tải biển với các phương thức vận tải khác, hiệu quả, cạnh tranh.

d) Kết hợp hài hòa giữa mục tiêu quan trọng, cấp bách với các mục tiêu cơ bản, dài hạn theo hướng phát triển bền vững; coi trọng khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng hàng hải hiện có, kết hợp đầu tư mới để nâng cao hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực; gắn phát triển giao thông hàng hải với mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

đ) Tăng cường vai trò quản lý nhà nước, đổi mới thể chế chính sách tạo khung pháp lý minh bạch, thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng hải theo hướng tạo điều kiện, tháo gỡ các khó khăn, rào cản, tạo động lực khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển ngành hàng hải.

e) Chú trọng công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực hàng hải.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Tái cơ cấu lĩnh vực hàng hải gắn với đổi mới và nâng cao năng lực quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải, hoàn thành các mục tiêu đã được phê duyệt trong đề án Tái cơ cấu ngành GTVT đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông hàng hải, phát huy vai trò là đầu mối kết nối với các ngành giao thông khác.

b) Mục tiêu cụ thể

- Phát triển giao thông hàng hải theo hướng hiện đại, bền vững, hiệu quả và gắn với bảo vệ môi trường, phát huy tiềm năng, thế mạnh của đất nước;

- Từng bước nâng cao thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển; nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế;

- Xây dựng hệ thống kết cấu giao thông hàng hải đồng bộ, hiện đại, trên cơ sở sử dụng nguồn lực hợp lý để đầu tư, ưu tiên các cảng cửa ngõ quốc tế, các cảng cho tàu trọng tải lớn, có tính lan tỏa, bảo đảm kết nối các phương thức vận tải, các trung tâm kinh tế lớn; tăng cường công tác bảo trì kết cấu hạ tầng hiện có để nâng cao năng lực thông qua;

- Nâng cao hiệu quả, cải thiện năng lực sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành hàng hải thông qua việc củng cố, phát triển các doanh nghiệp nắm giữ các khâu then chốt, huyết mạch;

- Tăng cường vai trò quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải, đổi mới thể chế chính sách tạo khung pháp lý minh bạch, thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn, rào cản; tạo động lực khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hàng hải;

- Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại trong xây dựng phát triển và quản lý ngành hàng hải; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực hàng hải chất lượng cao; chú trọng nâng cao năng lực hoạch định chính sách, dự báo, tổ chức quản lý đầu tư phát triển, quản lý khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải và quản lý vận tải biển.

II. ĐỊNH HƯỚNG TÁI CƠ CẤU LĨNH VỰC HÀNG HẢI

1. Phát triển vận tải biển theo hướng hiện đại, bền vững, phát huy lợi thế của vận tải biển

- Tái cơ cấu vận tải biển theo hướng chủ yếu đảm nhận vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, tuyến quốc tế, các tuyến ven biển, nhất là vận tải Bắc - Nam, vận tải than nhập khẩu phục vụ các nhà máy nhiệt điện, vận chuyển dầu thô phục vụ các nhà máy lọc hóa dầu, ga, khí hóa lỏng, xi măng...

- Nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu lên 25¸30%. Phát triển tuyến vận tải hành khách ven biển, hải đảo. Đến năm 2020, thị phần vận tải hàng hóa là 21,25%, vận tải hành khách là 0,07% so với khối lượng vận tải toàn ngành giao thông vận tải;

- Phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, đặc biệt nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.

2. Phát triển đội tàu biển theo hướng hiện đại

- Phát triển đội tàu biển Việt Nam theo hướng hiện đại, chú trọng phát triển các loại tàu chuyên dùng (tàu công-te-nơ, hàng lỏng...) và tàu trọng tải lớn;

- Đến năm 2020, tổng trọng tải đội tàu là 6,8 - 7,5 triệu DWT, trong đó tàu chở hàng khô là 4,72 - 5,21 triệu DWT, tàu chở hàng lỏng là 1,44 - 1,58 triệu DWT, tàu chở công-te-nơ là 0,68 - 0,72 triệu DWT;

- Từng bước trẻ hóa đội tàu biển Việt Nam đến năm 2020 đạt độ tuổi bình quân 12 năm.

3. Phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải

- Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hàng hải gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2016-2020, đồng thời xác định các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm cần đầu tư, kết hợp thực hiện bảo trì và sử dụng hiệu quả kết cấu hạ tầng hàng hải nhằm tăng cường năng lực vận tải biển;

- Huy động mọi nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải; ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới nhằm hạ giá thành đầu tư xây dựng công trình;

- Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, chú trọng việc cho thuê khai thác cầu bến cảng biển quan trọng và bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải;

- Tập trung, ưu tiên khai thác hiệu quả cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải để tiếp nhận tàu có trọng tải trên 100.000 DWT (8.000 TEU). Tiếp tục đầu tư phát triển và khai thác có hiệu quả các cảng, bến trong khu vực theo quy hoạch được duyệt. Xây dựng luồng tàu mới vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố cho tàu trọng tải 10.000 DWT đầy tải (tàu 20.000 DWT giảm tải) gắn với việc mở rộng, nâng cấp cụm cảng Cần Thơ - Cái Cui thành cụm cảng đầu mối khu vực miền Tây Nam Bộ;

- Tiếp tục xây dựng, nâng cấp và mở rộng các cảng: Nghi Sơn, Cửa Lò, Vũng Áng, Đà Nẵng, Dung Quất, Quy Nhơn, nhằm đáp ứng nhu cầu theo từng thời kỳ. Xây dựng các cảng chuyên dụng phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện, xuất khẩu alumin. Lựa chọn, xây dựng bến hành khách quốc tế tại khu vực Huế, Đà Nẵng, Nha Trang;

- Tập trung, ưu tiên đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, đủ khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 DWT (8.000 TEU); tiếp tục phát triển các cảng biển, bến công-te-nơ và bến cảng chuyên dụng đáp ứng nhu cầu trong từng thời kỳ; xây dựng cảng khách tại khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh;

- Đầu tư mở thêm 22 tuyến luồng hàng hải mới với tổng chiều dài 500 km phục vụ nhu cầu hoạt động của tàu thuyền, bao gồm các tuyến luồng: Hải Hà - 80.000 DWT, Sông Chanh 50.000 DWT, Nghi Sơn- 50.000 DWT, Đông Hồi - 30.000 DWT Sơn Dương- 50.000 DWT, Mỹ Thủy - 50.000 DWT, Liên Chiểu - 80.000 DWT, Dung Quất II - 350.000DWT, Nhơn Hội - 50.000 DWT, Gò Gia, Đồng Nai - 5.000 DWT (tư rạch Ông Nhiêu đến cầu Đồng Nai), Long Sơn -300.000 DWT, Bến Đầm - 5.000 DWT, Bến Tre - 5.000 DWT, Sông Tiền - 5.000 DWT (từ Mỹ Tho đến biên giới Campuchia), Kênh Tắt - Trà Vinh - 20.000 DWT, Sông Hậu - 20.000 DWT (rạch Ô Môn đến Vàm Nao), Ông Đốc - 3.000 DWT, Bãi Nò - 3.000 DWT, An Thới - 3.000 DWT, Vịnh Đầm - 3.000 DWT;

- Xây dựng chính sách kêu gọi vốn đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong.

4. Quản lý, khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng hàng hải:

- Xây dựng kế hoạch nạo vét, duy tu hệ thống luồng hàng hải và tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải hiện có;

- Hoàn chỉnh hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành;

- Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong quản lý kết cấu hạ tầng hàng hải. Phối hợp với các địa phương quản lý quy hoạch phát triển, quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng hàng hải;

- Tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải.

5. Tái cơ cấu doanh nghiệp hàng hải

- Thực hiện thành công, hiệu quả các đề án tái cơ cấu đối với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy theo các quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ;

- Nghiên cứu, đề xuất tái cơ cấu các doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, bảo đảm hoạt động hiệu quả.

6. Tái cơ cấu, đổi mới thể chế, chính sách phát triển hàng hải

- Tái cơ cấu, đổi mới thể chế, chính sách phát triển hàng hải nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước; bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, kinh doanh vận tải;

- Đẩy mạnh cải cách nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính và phấn đấu giảm 20% trở lên các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng hải, tăng 70% mức cải cách dịch vụ công mức 3 và 50% mức cải cách dịch vụ công mức 4.

III. GIẢI PHÁP VÀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH CHỦ YẾU

1. Đổi mới thể chế, chính sách và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển lĩnh vực hàng hải

a) Đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) chuyên ngành và tổ chức thực hiện

- Tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005 trình Chính phủ trong tháng 12/2014 và trình Quốc hội thông qua trong năm 2015; tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Bộ luật, thực hiện trong giai đoạn đến năm 2020.

- Tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật cho tổ chức, cá nhân liên quan.

- Chú trọng công tác tuyển dụng, bồi dưỡng, đào tạo, bảo đảm đủ về số lượng và tốt về chất lượng đối với người làm công tác pháp chế.

- Bảo đảm đầy đủ, kịp thời kinh phí phục vụ công tác xây dựng và phổ biến, tuyên truyền văn bản QPPL.

b) Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC)

- Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa TTHC, giảm thời gian, giảm, bãi bỏ hoặc thay thế các loại giấy tờ phải nộp trong hồ sơ; thiết lập cơ sở dữ liệu tra cứu về giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền viên, giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm của tàu thuyền, hạn chế việc nộp hoặc xuất trình bản chính trong làm thủ tục;

- Triển khai sử dụng chữ ký số trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến;

- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện phần mềm dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 đối với 15 thủ tục về nhóm cấp chứng chỉ thuyền viên và thủ tục vào, rời cảng đối với tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa.

c) Nâng cao hiệu quả trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan

- Hoàn thiện và tổ chức ký kết quy chế phối hợp trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành với Lực lượng Cảnh sát biển và Tổng cục Hải quan;

- Thực hiện tốt các nội dung quy định tại các quy chế phối hợp đã ký với Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam.

2. Nâng cao chất lượng công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch

- Định kỳ rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành hàng hải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, bảo đảm đáp ứng mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020;

- Tổ chức triển khai thực hiện tốt và hiệu quả các chiến lược, quy hoạch đã duyệt; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện để kịp thời chấn chỉnh, điều chỉnh, bổ sung đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao tính khả thi của quy hoạch;

- Tăng cường sự phối, kết hợp giữa các các cơ quan của Bộ Giao thông vận tải, địa phương trong việc xây dựng, quản lý và thực hiện quy hoạch, đặc biệt việc hoạch định các Khu kinh tế, Khu công nghiệp cần tập trung và gắn liền với cảng biển nhằm giảm chi phí vận tải đến cảng;

- Nghiên cứu tổng thể giải pháp vận tải thích hợp đến các cảng biển, trên cơ sở siết chặt việc thực hiện nghiêm quy định tải trọng chuyên chở của xe ô tô, nhằm thiết lập lại sơ đồ vận tải, giảm chi phí và giảm áp lực vận tải trên hệ thống đường bộ.

3. Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư

- Tập trung đầu tư các công trình trọng yếu theo định hướng Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam và các quy hoạch được duyệt; chống đầu tư dàn trải. Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ để bố trí vốn tập trung, nâng cao hiệu quả đầu tư;

- Đẩy mạnh các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng trong đầu tư xây dựng các công trình giao thông. Ban hành hệ thống đồng bộ các định mức kinh tế, kỹ thuật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải;

- Tiếp tục triển khai cơ chế xã hội hóa trong nạo vét, duy tu luồng hàng hải;

- Nghiên cứu rà soát, cập nhật, điều chỉnh kịp thời các loại phí của ngành hàng hải cho phù hợp với thực tế.

4. Khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách

- Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng và duy tu bảo dưỡng cấu hạ tầng giao hàng hải, đặc biệt là theo hình thức hợp tác công-tư (PPP), lựa chọn các dự án ưu tiên để thực hiện nhằm tạo bước đột phá về huy động nguồn vốn trên cơ sở nghiên cứu lựa chọn mô hình, hoàn thiện khung chính sách về hình thức đầu tư PPP trong ngành giao thông vận tải;

- Đẩy mạnh cổ phần hóa các cảng biển; nghiên cứu hình thành quỹ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải;

- Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hàng hải đối với những dự án đặc biệt quan trọng, dự án đặc thù, kết hợp bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam;

- Cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về danh mục các dự án đầu tư theo hình thức BOT, PPP; kiện toàn các tổ chức huy động vốn, xây dựng trang thông tin điện tử để xúc tiến đầu tư và các chính sách có liên quan.

5. Khai thác có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải

- Tổ chức thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải nhằm bảo đảm chất lượng công trình, khắc phục kịp thời các hư hỏng, sự cố tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho hoạt động hàng hải;

- Thực hiện các giải pháp bảo đảm chống ùn tắc hàng hóa tại cảng biển;

- Đầu tư trang thiết bị bốc xếp và phương thức quản lý hiện đại nhằm nâng cao năng suất xếp, dỡ hàng tại cảng biển;

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát các loại giá, phí tại cảng biển; kịp thời chấn chỉnh các hành vi tự ý đưa ra các loại phí, giá không phù hợp với thực tế; Kiến nghị, đề xuất áp dụng các biện pháp kiểm soát giá trần, giá sàn tại cảng biển trong trường hợp cần thiết, bảo đảm giữ ổn định và lành mạnh thị trường;

- Rà soát, xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế, kỹ thuật trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu, bảo trì luồng hàng hải và các công trình hàng hải; khuyến khích áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới để giảm giá thành đầu tư xây dựng công trình;

- Tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu về cảng biển phục vụ quản lý khai thác cảng biển và hướng dẫn cho tàu thuyền vào, rời, hoạt động tại cảng biển;

- Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện mô hình cơ quan quản lý cảng trên cơ sở kết hợp giữa mô hình quản lý cảng của các nước tiên tiến trên thế giới và điều kiện thực tế của Việt Nam.

6. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp hàng hải

- Tiếp tục tổ chức thực hiện việc tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy theo Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 04/02/2013 và Quyết định số 1224/QĐ-TTg ngày 26/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo liên quan.

- Nghiên cứu, đề xuất tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực hàng hải.

7. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hàng hải

- Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong thiết kế, xây dựng, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải, góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành công trình;

- Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin ngành Hàng hải hoàn chỉnh theo hướng tận dụng tối đa hạ tầng kỹ thuật hiện có, đảm bảo phục vụ hiệu quả công tác quản lý và công tác cải cách hành chính;

- Xây dựng, khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ lĩnh vực hàng hải, phần mềm quản lý giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền viên, giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm của tàu thuyền, phục vụ nghiên cứu khoa học và tra cứu trong thực hiện thủ tục hành chính;

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành và khai thác đội tàu nhằm giảm chi phí vận tải biển;

- Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ; chủ động tích cực xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác về khoa học - công nghệ với các nước, tổ chức quốc tế;

- Tiếp tục tham gia sâu, rộng, thường xuyên các hội nghị, diễn đàn hàng hải của IMO và các tổ chức quốc tế liên quan tại khu vực và trên thế giới như: IMO, IALA, APEC, ASEAN, Tokyo MOU;

- Tạo lập quan hệ và hợp tác với các quốc gia có biển, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngành nghề; sử dụng hiệu quả nguồn tài trợ và hợp tác kỹ thuật trong phát triển cơ sở hạ tầng hàng hải cũng như đào tạo nguồn nhân lực; cơ hội mở rộng thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam;

- Tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút nguồn vốn ODA và các nguồn vốn ưu đãi khác cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hàng hải và đội tàu biển;

- Lập kế hoạch gia nhập các công ước, văn kiện quan trọng của IMO; tích cực đàm phán, ký kết hiệp định, thỏa thuận song phương với các nước trên thế giới và trong khu vực;

- Tổ chức thực hiện tốt các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thực hiện chương trình đánh giá các công ước bắt buộc của IMO (IMSAS);

8. Phát triển nguồn nhân lực

a) Nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện đội ngũ thuyền viên

- Thực hiện quy chế quản lý, kiểm soát, kiểm định chất lượng độc lập để thực hiện các chức năng quản lý chất lượng đào tạo chuyên môn đối với tất cả các cơ sở đào tạo, huấn luyện; Xây dựng cơ chế quản lý hoạt động của các cơ sở đào tạo, huấn luyện;

- Xây dựng ngân hàng đề thi đối với các môn thi của các cấp sĩ quan quản lý và vận hành. Xây dựng quy chế thi và quản lý thi ở tất cả các hạng chức danh;

- Triển khai chương trình đào tạo sỹ quan thuyền viên không qua cấp đào tạo đại học;

- Bổ sung, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ giáo viên tại các trường hàng hải, bảo đảm trình độ năng lực và khả năng chuyên môn theo quy định các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; Đầu tư trang thiết bị phục vụ giảng dạy và thực hành cho học viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

b) Đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức

- Thực hiện việc tuyển chọn công chức viên chức thông qua thi tuyển công khai; định kì tổ chức chương trình bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành cho công chức, viên chức; nghiên cứu việc thi tuyển công khai các chức danh lãnh đạo cơ quan tham mưu, đặc biệt là cấp trưởng đơn vị thuộc Cục và các đơn vị trực thuộc;

- Nâng cao chất lượng, tầm nhìn của công tác quy hoạch cán bộ và thực hiện định kỳ luân chuyển công chức, viên chức thuộc diện phải luân chuyển công khai, minh bạch và tạo điều kiện cho công tác quy hoạch, phát triển nguồn cán bộ lãnh đạo;

- Có chính sách đãi ngộ thiết thực, hợp lý nhằm động viên, khuyến khích công chức, viên chức, người lao động và thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao ngoài Ngành;

c) Củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực hàng hải;

d) Đẩy mạnh triển khai quy hoạch phát triển nhân lực ngành giao thông vận tải giai đoạn 2011 - 2020 đã được phê duyệt.

9. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí

- Hoàn thiện Đề án Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động thanh tra chuyên ngành hàng hải, triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt;

- Tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; Thực hiện công khai minh bạch, thành lập đường dây nóng, đặt hòm thư phản ánh tại trụ sở, cơ quan đơn vị để tiếp nhận thông tin phản ánh về tham nhũng.

10. Tăng cường công tác bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường

- Triển khai thực hiện nội dung các đề án, quy hoạch về an toàn, an ninh hàng hải đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt;

- Xây dựng và đưa vào sử dụng hải đồ điện tử vùng nước cảng biển và luồng hàng hải;

- Triển khai thực hiện Quy hoạch các khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu biển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 2494/QĐ-BGTVT ngày 30/6/2014;

- Xây dựng, hiện đại hóa hệ thống điều hành giao thông tàu thuyền (VTS);

- Đổi mới mô hình tổ chức của công tác bảo đảm an toàn hàng hải, hoa tiêu hàng hải để nâng cao tính hiệu quả, an toàn, đủ tầm quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế và thể hiện vai trò của một quốc gia có biển;

- Quản lý và kiểm soát chất thải phát sinh từ hoạt động hàng hải, bao gồm: hoạt động của tàu biển, cảng biển, luồng hàng hải;

- Triển khai có hiệu quả, thực hiện tốt các quy định của công ước quốc tế về môi trường, từng bước nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách đầu tư phương tiện, thiết bị để khắc phục sự cố dầu tràn, thu gom chất thải tại các cảng biển;

- Nghiên cứu lồng ghép các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu tới ngành hàng hải, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát ô nhiễm, ứng dụng, áp dụng khoa học công nghệ gắn với bảo vệ môi trường; tăng cường giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong hoạt động hàng hải.

11. Giải pháp đổi mới cơ cấu tổ chức quản lý và phân cấp quản lý của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành

- Nghiên cứu đổi mới cơ cấu tổ chức của Cục Hàng hải Việt Nam; mối quan hệ giữa Cục với Cảng vụ hàng hải và các đơn vị trực thuộc khác; giữa Cục với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác, địa phương và doanh nghiệp;

- Bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Cục Hàng hải Việt Nam cụ thể, đầy đủ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải để thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;

- Phân cấp quản lý rõ ràng trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải giữa Bộ với Cục Hàng hải Việt Nam; tăng cường sự phối hợp giữa các Cục thuộc Bộ bảo đảm không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Cục, Vụ thuộc Bộ GTVT:

- Tham mưu, đề xuất để Lãnh đạo Bộ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách mới; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu lĩnh vực hàng hải.

- Phối hợp, đôn đốc, hướng dẫn Cục Hàng hải Việt Nam và các cơ quan có liên quan triển khai bảo đảm các yêu cầu về nội dung, tiến độ Đề án.

- Trưởng Tiểu ban chỉ đạo Tái cơ cấu của Bộ theo nhiệm vụ được phân công, chỉ đạo triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện các nội dung Đề án.

2. Cục Hàng hải Việt Nam:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ GTVT và các Bộ, ngành, liên quan và các địa phương triển khai Đề án;

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về quản lý, phát triển lĩnh vực hàng hải.

- Chỉ đạo các đơn vị tham mưu, các Cảng vụ hàng hải, các Ban Quản lý dự án, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Cục xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết các nội dung và tiến độ của Đề án.

3. Kế hoạch sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành hàng hải đến năm 2020 và danh mục đề án, dự án nghiên cứu và triển khai thực hiện đến năm 2020 tại Phụ lục I, Phụ lục 2 của Quyết định này.

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các Tổng công ty: Hàng hải Việt Nam, Công nghiệp tàu thủy và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Các Thứ trưởng;
- Trung tâm CNTT;
- Báo GT; Cổng TTĐT Bộ GTVT;
- Lưu: VT, KHĐT(5b)

BỘ TRƯỞNG




Đinh La Thăng

 

PHỤ LỤC I

KẾ HOẠCH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CHUYÊN NGÀNH HÀNG HẢI ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4928/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 12/2014)

TT

Tên văn bản

Cơ quan soạn thảo

Cơ quan chủ trì trình

Thời gian thực hiện

I

Luật

1

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005

Cục HHVN

Vụ Pháp chế

2015

II

Pháp lệnh

1

Pháp lệnh thay thế Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển ngày số 05/2008/PL-UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cục HHVN

Vụ Pháp chế

2016 - 2020

III

Nghị định của Chính phủ

1

Nghị định thay thế Nghị định số 128/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam

Cục HHVN

Vụ Pháp chế

2015 - 2020

2

Nghị định thay thế Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21/3/2012 và Nghị định số 146/2013/NĐ-CP ngày 30/10/2013 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải và công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam

Cục HHVN

Vụ KCHTGT

2015 - 2020

3

Nghị định thay thế Nghị định số 161/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển

Cục HHVN

Vụ Vận tải

2015 - 2020

4

Nghị định thay thế Nghị định số 93/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa

Cục HHVN

Vụ ATGT

2015 - 2020

5

Nghị định thay thế Nghị định số 57/2010/NĐ-CP ngày 25/5/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển

Cục HHVN

Vụ Pháp chế

2015 - 2020

6

Nghị định thay thế Nghị định số 173/2007/NĐ-CP ngày 28/11/2007 và Nghị định số 49/2011/NĐ-CP ngày 21/6/2011 về tổ chức và hoạt động của hoa tiêu hàng hải

Cục HHVN

Vụ Pháp chế

2015 - 2020

7

Nghị định thay thế Nghị định số 30/2014/NĐ-CP ngày 14/4/2014 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải biển và dịch vụ hỗ trợ vận tải biển

Cục HHVN

Vụ Vận tải

2015 - 2020

8

Nghị định thay thế Nghị định số 95/2010/NĐ-CP ngày 16/9/2010 của Chính phủ quy định về cấp phép và phối hợp hoạt động với lực lượng tìm kiếm cứu nạn nước ngoài tại Việt Nam

Cục HHVN

Vụ ATGT

2015 - 2020

IV

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ

1

Quyết định thay thế Quyết định số 70/2013/QĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng chính phủ về công bố phân loại Danh mục cảng biển Việt Nam

Cục HHVN

Vụ KCHTGT

2015 - 2020

2

Quyết định thay thế Quyết định số 125/2004/QĐ-TTg và Quyết định số 11/2009/QĐ-TTg ngày 16/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố, tiếp nhận, truyền phát và xử lý thông tin an ninh hàng hải

Cục HHVN

Vụ ATGT

2015 - 2020

3

Quyết định thay thế Quyết định số 148/2008/QĐ-TTg ngày 20/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, công nhân, nhân viên trên tàu tìm kiếm cứu nạn hàng hải

Cục HHVN

Vụ TCCB

2015 - 2020

4

Quyết định thay thế Quyết định số 141/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tiền lương và chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải

Cục HHVN

Vụ TCCB

2015 - 2020

5

Quyết định thay thế Quyết định số 19/2013/QĐ-TTg ngày 02/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế cung cấp, quản lý, khai thác dữ liệu phao Cospas-Sarsat và tiếp nhận, xử lý, truyền phát thông tin báo động cấp cứu Cospas-Sarsat

Cục HHVN

Vụ Pháp chế

2015 - 2020

6

Quyết định thay thế Quyết định số 06/2014/QĐ-TTg ngày 20/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế phối hợp, TKCN hàng hải trong vùng nước cảng biển và trên các vùng biển Việt Nam

Cục HHVN

Vụ ATGT

2015 - 2020

7

Quyết định thay thế Quyết định số 73/2013/QĐ-TTg ngày 27/11/2013 của TTCP về thí điểm thực hiện cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ GTVT quản lý

Cục HHVN

Vụ KCHTGT

2016

V

Thông tư của Bộ trưởng

1

Thông tư thay thế Thông tư số 47/2011/TT-BGTVT ngày 30/6/2011 quy định về tiếp nhận, truyền phát và xử lý thông tin an ninh hàng hải

Cục HHVN

Vụ ATGT

2014 - 2015

2

Thông tư thay thế Quyết định số 56/2005/QĐ- BGTVT ngày 28/10/2005 về tổ chức và hoạt động của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam và Thông tư số 03/2012/TT-BGTVT  ngày 20/01/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 56/2005/QĐ-BGTVT

Cục HHVN

Vụ TCCB

2015

3

Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 17/2010/TT- BGTVT ban hành quy chuẩn kỹ thuật về báo hiệu hàng hải

Cục HHVN

Vụ KHCN

2015

4

Thông tư liên tịch của Bộ GTVT và Bộ TN&MT thay thế Thông tư số 50/2012/TT-BGTVT ngày 19/12/2012 quy định về quản lý tiếp nhận và xử lý chất thải lỏng có dầu từ tàu biển tại cảng biển Việt Nam

Cục HHVN

Vụ Môi trường

2015

5

Thông tư ban hành Định mức kinh tế kỹ thuật của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam

Cục HHVN

Vụ KHCN

2015

6

Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 07/2012/TT- BGTVT ngày 21/3/2013 quy định về chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam.

Cục HHVN

Vụ TCCB

2015 - 2020

7

Thông tư liên tịch của Bộ GTVT và Bộ TNMT quy định về quản lý chất thải phát sinh từ hoạt động hàng hải

Cục HHVN

Vụ Môi trường

2015 - 2020

8

Thông tư thay thế Thông tư số 04/2012/TT-BGTVT ngày 29/02/2012 của Bộ Giao thông vận tải quy định về thủ tục cấp phép cho tàu biển nước ngoài vận tải nội địa.

Cục HHVN

Vụ Vận tải

2015 - 2020

9

Thông tư thay thế QĐ 41/2005/QĐ-BGTVT ngày 26/9/2005 về trình tự, thủ tục xác nhận việc “Kháng nghị hàng hải” tại Việt Nam

Cục HHVN

Vụ Pháp chế

2015 - 2020

10

Thông tư thay thế Quyết định số 43/2005/QĐ-BGTVT ngày 19/9/2005 về cách thức phân chia tiền công cứu hộ của thuyền bộ tàu biển Việt Nam

Cục HHVN

Vụ Pháp chế

2015 - 2020

11

Thông tư thay thế Thông tư số 10/2013/TT-BGTVT ngày 08/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21/3/2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải.

Cục HHVN

Vụ Pháp chế

2015 - 2020

12

Thông tư thay thế Thông tư số 13/2013/TT-BGTVT ngày 04/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành định mức kinh tế kỹ thuật bảo dưỡng, vận hành, khai thác hệ thống VTS.

Cục HHVN

Vụ KHCN

2015 - 2020

13

Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BTP-BGTVT ngày 30/3/2012 hướng dẫn về việc đăng ký, cung cấp thông tin về cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển.

Cục HHVN

Vụ Pháp chế

2015 - 2020

14

Thông tư thay thế Thông tư số 14/2013/TT-BGTVT ngày 05/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định bảo trì công trình hàng hải.

Cục HHVN

Vụ KCHTGT

2015 - 2020

15

Thông tư thay thế Thông tư số 25/2013/TT-BGTVT ngày 29/8/2013 quy định về trình tự thủ tục thực hiện nạo vét, duy tu luồng hàng hải, khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển kết hợp tận thu sản phẩm và quản lý nhà nước về hàng hải đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trong vùng nước cảng biển và luồng hàng hải.

Cục HHVN

Vụ KCHTGT

2015 - 2020

16

Thông tư thay thế Thông tư số 01/2014/TT-BGTVT ngày 24/01/2014 của Bộ Giao thông vận tải Quy định chi tiết về mẫu hồ sơ yêu cầu và hồ sơ mời thầu cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng, cầu cảng được đầu tư bằng vốn Nhà nước

Cục HHVN

Vụ KCHTGT

2015 - 2020

17

Thông tư thay thế Quyết định số 54/2005/QĐ-BGTVT ngày 27/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Danh mục giấy chứng nhận và tài liệu của tàu biển và tàu công vụ Việt Nam.

Cục HHVN

Vụ Pháp chế

2015 - 2020

18

Thông tư thay thế Thông tư số 58/2011/TT-BGTVT ngày 28/11/2011 về vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc của Việt Nam.

Cục HHVN

Vụ Pháp chế

2015 - 2020

19

Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 59/2014/TTLT-BTC-BGTVT ngày 9/5/2014 của Bộ Tài chính và Bộ GTVT hướng dẫn về thu, nộp và sử dụng nguồn thu cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng, cầu cảng được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước

Cục HHVN

Vụ Tài chính

2015 - 2020

20

Thông tư thay thế Thông tư số 219/2010/TT-BTC ngày 30/12/2010 của Bô Tài chính hướng dẫn tiêu chí xác định tổ chức bảo hiểm có uy tín trong lĩnh vực hàng hải theo quy định tại Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển

Cục HHVN

Vụ Tài chính

2015 - 2020

21

Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 220/2012/TTLT-BTC-BGTVT ngày 24/12/2012 của Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc bảo đảm chi phí bắt giữ tàu biển và duy trì hoạt động của tàu biển trong thời gian bị bắt giữ từ ngân sách nhà nước.

Cục HHVN

Vụ Tài chính

2015-2020

22

Thông tư thay thế Thông tư số 27/2012/TT-BGTVT ngày 20/7/2012 của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải về Báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải.

Cục HHVN

Vụ ATGT

2015 - 2020

* Ghi chú: Trên cơ sở Phụ lục này, các cơ quan, đơn vị chủ động nghiên cứu, đăng ký thời gian cụ thể vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án hàng năm của Bộ Giao thông vận tải.

 

PHỤ LỤC II

DANH MỤC ĐỀ ÁN, DỰ ÁN NGHIÊN CỨU VÀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4928/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 12/2014)

TT

Tên văn bản

Cơ quan soạn thảo

Cơ quan chủ trì trình

Thời gian thực hiện

1

Đề án nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, đề xuất quy hoạch và triển khai xây dựng các công trình tiếp nhận và xử lý chất thải từ tàu đáp ứng yêu cầu của công ước MARPOL 73/78 và quy định của pháp luật liên quan

Cục HHVN

Vụ KHCN

2014

2

Đề án huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực Hàng hải

Cục HHVN

Ban PPP

2014

3

Đề án nâng cao năng lực, thị phần vận chuyển hàng hóa XNK của các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam

Cục HHVN

Vụ Vận tải

2014-2015

4

Đề án Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động thanh tra chuyên ngành hàng hải

Cục HHVN

Thanh tra Bộ

2014-2015

5

Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của Cục Hàng hải Việt Nam

Cục HHVN

Vụ TCCB

2014-2015

6

Đề án thành lập cơ quan quản lý cảng

Cục HHVN

Vụ HTQT

2014-2015

7

Đề án rà soát, cập nhật điều chỉnh quy hoạch chi tiết các nhóm cảng biển 1; 2; 3; 4; 6 đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Cục HHVN

Vụ KHĐT

2015-2016

8

Đề án nghiên cứu hình thành quỹ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải

Cục HHVN

Vụ KCHTGT

2017-2018

9

Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu về cảng biển phục vụ quản lý khai thác cảng biển và hướng dẫn cho tàu thuyền vào, rời, hoạt động tại cảng biển;

Cục HHVN

Vụ KCHTGT

2015-2016

* Ghi chú: Trên cơ sở Phụ lục này, các cơ quan, đơn vị chủ động nghiên cứu, đăng ký thời gian cụ thể vào Chương trình xây dựng đề án hàng năm của Bộ Giao thông vận tải.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 4928/QĐ-BGTVT ngày 25/12/2014 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu lĩnh vực giao thông hàng hải đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.262

DMCA.com Protection Status
IP: 18.117.105.230
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!