ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2938/QĐ-UBND
|
Phú Thọ, ngày 15
tháng 11 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH
CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2013 - 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Giao thông Đường
bộ ngày 13/11/2008;
Căn cứ Quyết định số
280/QĐ-TTg ngày 08/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển vận
tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020;
Xét đề nghị của Sở Giao thông
vận tải (tờ trình số 4135/TTr-SGTVT ngày 25/10/2013),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải hành khách
công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2020, với những nội
dung chủ yếu như sau:
I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN:
- Giai đoạn 2013 -
2020, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt đóng vai trò then chốt,
là nhiệm vụ chiến lược của các đô thị, các khu vực đông dân cư thuộc các huyện,
thị, thành trên địa bàn tỉnh đối với việc giảm thiểu phương tiện cá nhân, khắc
phục ùn tắc giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
- Phát triển
VTHKCC bằng xe buýt dựa trên quy hoạch và điều kiện thực tế của mạng lưới giao
thông, phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt, đáp ứng nhu cầu đi lại của
người dân đồng thời tạo thuận lợi cho người khuyết tật khi sử dụng phương tiện
công cộng.
- Ưu tiên áp dụng
các công nghệ hiện đại, an toàn, thân thiện với môi trường để quản lý chặt chẽ,
khoa học và kịp thời xử lý các vướng mắc hoặc các vấn đề phát sinh trong quá
trình vận hành hệ thống VTHKCC bằng xe buýt.
- Tập trung đầu tư
phát triển phương tiện xe buýt bảo đảm số lượng và chất lượng, nâng cao chất lượng
dịch vụ và tăng tần suất hoạt động.
II. MỤC TIÊU QUY HOẠCH:
- Phát triển mạng
lưới tuyến xe buýt phủ khắp địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế -
xã hội của tỉnh, kết nối thành phố Việt Trì với thị xã Phú Thọ và các huyện
trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm chi phí trong việc đầu tư mua sắm phương tiện
cá nhân, chi phí nhiên liệu, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước đối với các khoản
chi cải tạo, sửa chữa hệ thống đường giao thông.
- Xây dựng mạng lưới
các tuyến xe buýt hợp lý, bảo đảm thuận lợi cho việc đi lại của người dân, từ
năm 2013 đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh phát triển VTHKCC bằng xe buýt gồm 02
giai đoạn chính:
+ Giai đoạn 2013 -
2015: Thí điểm phát triển các tuyến xe buýt trong thành phố Việt Trì kết hợp với
một số tuyến xe buýt nội tỉnh có khả năng khai thác hiệu quả (kết nối từ thành
phố Việt Trì đến thị xã Phú Thọ, các huyện, các khu công nghiệp, khu du lịch, …
trên địa bàn tỉnh).
+ Giai đoạn 2016 -
2020: Hoàn thiện mạng lưới xe buýt trên cơ sở phát triển các tuyến xe buýt
trong thành phố Việt Trì và các tuyến tiềm năng kết nối giữa thành phố Việt Trì
với các huyện còn lại.
III. NỘI DUNG QUY HOẠCH:
1.
Giai đoạn 2013 - 2015:
Thí điểm phát triển
04 tuyến xe buýt, trong đó tập trung phát triển 02 tuyến trong thành phố Việt
Trì và 02 tuyến kết nối thành phố Việt Trì đến thị xã Phú Thọ và huyện Thanh
Sơn, lộ trình các tuyến cụ thể:
- Tuyến số 01 (tuyến
trong thành phố Việt Trì): Phường Bạch Hạc - Cầu Việt Trì - Đường Nguyễn Tất
Thành - Đường Trần Phú - Đường Hùng Vương - Đường Quang Trung (đường Hòa Phong
cũ) - Đường Nguyễn Tất Thành - Đường Hùng Vương - Quốc lộ 32C - Đền Hùng.
- Tuyến số 02 (tuyến
trong thành phố Việt Trì): Big C Việt Trì - Đường Hùng Vương - Đường Trần Phú -
Phố Hàn Thuyên (đường Tân Bình) - Đường Châu Phong - Đường Hùng Vương - Đường
Lê Đồng - Khu công nghiệp Thụy Vân.
-
Tuyến số 03: Phường Bạch Hạc (thành phố Việt Trì) - Cầu Việt Trì - Đường Hùng
Vương - Quốc lộ 2 - Đường tỉnh 315B - Bến xe thị xã Phú Thọ.
-
Tuyến số 04: Big C Việt Trì - Đường Hùng Vương - Quốc lộ 32C - Cầu Phong Châu -
Quốc lộ 32 - Bến xe Thanh Sơn.
* Điểm dừng dọc đường:
Trên toàn mạng lưới giai đoạn 2013 - 2020 có tổng số 256 điểm dừng, trong đó:
- 190 điểm dừng chỉ
bố trí biển báo và vạch sơn.
- 66 điểm dừng bố
trí biển báo, vạch sơn và nhà chờ.
2. Giai đoạn 2016
- 2020:
Hoàn thiện mạng lưới
tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh, phát triển thêm 02 tuyến xe buýt trong thành
phố Việt Trì và 11 tuyến xe buýt nội tỉnh, lộ trình các tuyến cụ thể:
- Tuyến số 05 (tuyến
trong thành phố Việt Trì): Thành phố Việt Trì - Đường Lạc Long Quân - Đường Âu
Lạc - Đường Thanh Đình Chu Hóa - Khu công nghiệp Thụy Vân.
- Tuyến số 06 (tuyến
trong thành phố Việt Trì): Bến xe Tây Bắc - Đường Trường Chinh - Đường Phù Đổng
- Đường Tản Viên - Đường Âu Cơ - Đường Trần Phú - Đường Vũ Thê Lang - Đường
Nguyễn Tất Thành - Big C Việt Trì.
-
Tuyến số 07: Phường Bạch Hạc (thành phố Việt Trì) - Cầu Việt Trì - Đường Nguyễn
Tất Thành - Đường Hùng Vương - Quốc lộ 32C - Cầu Phong Châu - Quốc lộ 32
- Đường tỉnh 316 -
Bến xe Thanh Thủy.
- Tuyến số 08: Big
C Việt Trì - Đường Âu Cơ - Đường tỉnh 323 (đường chiến thắng sông Lô) - Đường tỉnh
323C - Quốc lộ 2 - Bến xe Đoan Hùng.
- Tuyến số 09: Ga
Việt Trì - Đường Lạc Long Quân (đường Sông Thao cũ) - Đường tỉnh 324 - Đường tỉnh
320 - Cầu Phong Châu - Quốc lộ 32C - Bến xe Cẩm Khê.
- Tuyến số 10: Bến
xe Tây Bắc (thành phố Việt Trì) - Quốc lộ 2 - Thị trấn Phong Châu - Đường tỉnh
325B - Quốc lộ 32C - Thị trấn Lâm Thao - Đường tỉnh 324 - Đường Lạc Long Quân -
Ga Việt Trì.
- Tuyến số 11: Xã
Cổ Tiết (huyện Tam Nông) - Quốc lộ 32 - Thanh Sơn - Tân Phú - Thu Cúc (huyện
Tân Sơn).
- Tuyến số 12: Xã
Cổ Tiết (huyện Tam Nông) - Quốc lộ 32C - Bến xe Cẩm Khê - Đường tỉnh 313 - Bến
xe Yên Lập.
- Tuyến số 13: Bến
xe Thanh Sơn - Quốc lộ 32 - Đường tỉnh 313 (quốc lộ 70B mới) - Bến xe Yên Lập -
Đường tỉnh 321 (quốc lộ 70B mới) - Cụm công nghiệp Lương Sơn (huyện Yên Lập).
- Tuyến số 14: Bến
xe Ấm Thượng (huyện Hạ Hòa) - Cầu Hạ Hòa - Quốc lộ 32C - Bến xe Cẩm Khê.
- Tuyến số 15: Bến
xe Ấm Thượng (huyện Hạ Hòa) - Đường tỉnh 320 - Bến xe thị xã Phú Thọ.
- Tuyến số 16: Bến
xe thị xã Phú Thọ - Đường tỉnh 320 - Đường tỉnh 320C - Đường tỉnh 314 (quốc lộ
70B mới) - Đường tỉnh 314E (quốc lộ 70B mới) - Bến xe Ấm Thượng (huyện Hạ Hòa).
- Tuyến số 17: Khu
di tích Đền Hùng - Vườn Quốc gia Xuân Sơn.
* Điểm dừng dọc đường:
Trên toàn mạng lưới giai đoạn 2016 - 2020 có tổng số 510 điểm dừng, trong đó:
- 398 điểm dừng chỉ
bố trí biển báo và vạch sơn.
- 112 điểm dừng bố
trí biển báo, vạch sơn và nhà chờ.
3. Nhu cầu quỹ đất
cho dự án:
Quỹ đất dành cho dự
án phục vụ các công trình gồm: Điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng dọc đường và công
trình phụ trợ, tổng nhu cầu như sau:
- Giai đoạn 2013 -
2015: 5.110,0 m2.
- Giai đoạn 2016 -
2020: 13.970,0 m2.
4. Nhu cầu vốn của
dự án:
Các hạng mục đầu
tư phục vụ dự án gồm: Cơ sở hạ tầng (điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng dọc đường,
duy tu bảo dưỡng; phương tiện (đầu tư, sửa chữa lớn).
- Nguyên tắc đầu
tư:
+ Nhà nước đầu tư
xây dựng, thực hiện duy tu bảo dưỡng sửa chữa điểm dừng dọc đường (bao gồm: Vạch
sơn, biển báo, nhà chờ) và cho phép các đơn vị kinh doanh dịch vụ xe buýt trên
địa bàn tỉnh được khai thác, sử dụng.
+ Đơn vị kinh
doanh dịch vụ xe buýt tự đầu tư, thực hiện duy tu, bảo dưỡng và khai thác điểm
đầu, điểm cuối, các công trình phụ trợ, phương tiện xe buýt bảo đảm yêu cầu,
tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường để kinh doanh, hoạt động.
- Tổng nhu cầu vốn:
+ Giai đoạn 2013 -
2015: Vốn ngân sách 4,596 tỷ đồng, vốn xã hội hóa 57,145 tỷ đồng.
+ Giai đoạn 2016 -
2020: Vốn ngân sách: 20,319 tỷ đồng, vốn xã hội hóa 301,925 tỷ đồng.
- Trợ giá:
Đối với các tuyến
xe buýt trong thành phố Việt Trì, kinh phí trợ giá thực tế được tính toán, xác
định căn cứ vào tình hình ngân sách tại thời điểm xem xét điều kiện khai thác
thực tế trên nguyên tắc:
Kinh phí trợ giá
|
=
|
Tổng chi phí hợp lý (đã tính lợi nhuận cho đơn vị xe buýt)
|
-Doanh thu của đơn vị kinh doanh xe buýt
|
IV. CƠ CHẾ
CHÍNH SÁCH:
1. Giải pháp quản lý điều hành:
- Lựa chọn doanh nghiệp có năng
lực, khả năng trong lĩnh vực VTHKCC, có bộ máy tổ chức chặt chẽ, có bộ phận kiểm
tra giám sát nội bộ.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ
thông tin trong điều hành, giám sát hoạt động xe buýt.
- Phối hợp chặt chẽ cùng địa
phương, công an trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông, xử lý các hành vi vi
phạm, …
- Sở Giao thông vận tải phối hợp
với Sở Tài chính, Cục thuế tỉnh trong quản lý vé và giá vé.
- Tiến tới phát triển Trung tâm
quản lý điều hành VTHKCC bằng xe buýt thuộc Sở Giao thông vận tải.
2. Giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng,
phương tiện:
- Căn cứ quy hoạch phát triển,
xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng xe buýt trên địa bàn tỉnh
phù hợp với từng giai đoạn.
- Tạo điều kiện tối đa cho doanh
nghiệp thuê đất đầu tư cơ sở phụ trợ, mở rộng ngành nghề kinh doanh sang các
lĩnh vực có lợi nhuận cao.
3. Giải pháp ưu đãi, hỗ trợ tài
chính:
- Xem xét áp dụng trợ giá cho
các tuyến xe buýt nội thị của thành phố Việt Trì. Kinh phí hỗ trợ cho các doanh
nghiệp được thực hiện trên cơ sở căn cứ tình hình ngân sách địa phương tại thời
điểm và các chỉ tiêu khai thác, kết quả tính toán doanh thu, chi phí hợp lý của
doanh nghiệp xe buýt, mức hỗ trợ bằng chi phí hợp lý trừ doanh thu. Tổ chức đấu
thầu hoạt động các tuyến xe buýt để chấm dứt trợ giá từ ngân sách nhà nước trước
năm 2020.
- Miễn thuế giá trị gia tăng đối
với dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt.
- Được hưởng miễn, giảm thuế suất
thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xe buýt
thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn đặc biệt khó khăn, địa bàn khó khăn
theo quy định.
- Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh
doanh VTHKCC bằng xe buýt được miễn tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian thuê đất
đối với diện tích để xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe (bao gồm cả
khu bán vé, khu quản lý điều hành, khu phục vụ công cộng) trên địa bàn tỉnh
theo quy định của nhà nước.
- Được nhận hỗ trợ ban đầu (1 lần):
Kinh phí nghiệm thu khảo sát, xây dựng phương án tổ chức vận chuyển các tuyến
xe buýt, kinh phí tuyên truyền quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại
chúng trong thời gian hoạt động thí điểm.
- Được miễn lệ phí dừng, đỗ đón
trả khách tại bến xe, bãi đỗ xe.
- Các cá nhân, tổ chức, doanh
nghiệp thực hiện tài trợ đầu tư xây dựng các nhà chờ xe buýt (dọc trên các tuyến
xe buýt) được quảng cáo tại nhà chờ và trên xe buýt theo quy định của pháp luật
về hoạt động quảng cáo để thu tiền.
4. Giải pháp nâng cao chất lượng
phục vụ:
- Chất lượng dịch vụ VTHKCC bằng
xe buýt phải được bảo đảm duy trì trong mọi thời điểm.
- Để bảo đảm tính tin cậy, thuận
lợi cho quản lý chất lượng dịch vụ các tuyến xe buýt quy định màu sơn thống nhất,
xây dựng hệ thống điện thoại đường dây nóng.
5. Giải pháp tuyên truyền vận động:
Tuyên truyền đến người dân về lợi
ích, tác dụng của việc đi xe buýt, thông tin về lộ trình, thời gian phục vụ và
giãn cách chạy, các cơ chế chính sách đối với hành khách, như: Miễn giảm giá
vé, ưu đãi, trách nhiệm của người dân đối với việc chống ùn tắc giao thông, giảm
thiểu ô nhiêm môi trường.
Điều 2.
Tổ chức thực hiện:
1. Sở Giao thông vận tải:
- Công bố Quy hoạch theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa
học và Công nghệ xây dựng và ban hành định mức khung kinh tế, kỹ thuật áp dụng
cho hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, cùng Sở Kế hoạch và Đầu
tư, Sở Tài chính thực hiện quy định về đấu thầu áp dụng trong hoạt động VTHKCC
bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân
các huyện, thị, thành trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển VTHKCC
bằng xe buýt và các nội dung có liên quan.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu
tư, Sở Tài chính đề xuất nguồn kinh phí từ ngân sách hằng năm để thực hiện Quy
hoạch.
2. Sở Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành liên quan đề xuất cơ chế hỗ trợ lãi suất vốn vay để đầu tư phương tiện
VTHKCC bằng xe buýt.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu
tư đề xuất nguồn kinh phí từ ngân sách hằng năm để thực hiện Quy hoạch.
- Phối hợp với Sở Giao thông vận
tải trong việc thực hiện quy định về đấu thầu áp dụng trong hoạt động VTHKCC bằng
xe buýt.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Giao
thông vận tải kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai
liên quan đến quản lý, sử dụng hoạt động VTHKCC bằng xe buýt.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân
các huyện, thị, thành đề xuất bố trí quỹ đất dành cho hoạt động VTHKCC bằng xe
buýt.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo:
Chỉ đạo các trường học tổ chức
việc đưa, đón học sinh, sinh viên bằng xe buýt. Tuyên truyền, khuyến khích học
sinh, sinh viên sử dụng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt.
5. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Phối hợp với Ban An toàn giao
thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích của việc sử dụng
xe buýt, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư đối với việc sử dụng xe buýt,
góp phần hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông và giảm thiểu tai nạn
giao thông.
- Phối hợp với Sở Giao thông vận
tải, Sở Tài chính triển khai bán vé và cung cấp các dịch vụ liên quan đến hoạt
động của xe buýt thông qua hệ thống mạng Internet, điện thoại, ...
6. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở
Giao thông vận tải đề xuất hỗ trợ kinh phí từ ngân sách cho hoạt động VTHKCC bằng
xe buýt.
- Chủ trì, cùng Sở Tài chính, Sở
Giao thông vận tải đề xuất cân đối ngân sách hằng năm để thực hiện các nhiệm vụ
của Quy hoạch.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Giao
thông vận tải, các sở, ngành liên quan hướng dẫn lựa chọn đơn vị tham gia hoạt
động VTHKCC bằng xe buýt.
7. Công an tỉnh:
Chỉ đạo bảo đảm an ninh trật tự
trong hoạt động VTHKCC bằng xe buýt.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị,
thành:
Phối hợp với các sở, ban, ngành,
các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp, chính sách để thực hiện
Quy hoạch bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả. (chi tiết theo nội dung Quy hoạch
phát triển VTHKCC bằng xe buýt giai đoạn 2013 - 2020).
Điều 3.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các
sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành; các cơ quan,
đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thực hiện, Quyết định có hiệu lực kể từ ngày
ký ban hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TTTU, TT HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT;
- CVP, các PCVP;
- Chuyên viên NCTH;
- Lưu: VT, KT1 (L-62b).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Chu Ngọc Anh
|