THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
280/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 08 tháng 03 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG
XE BUÝT GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2012 ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ
ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị quyết số 88/NQ-CP
ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các biện pháp trọng
tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ
Giao thông vận tải,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng
xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. QUAN ĐIỂM
1. Giai đoạn từ năm 2012 đến năm
2020, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đóng vai trò then chốt và là
nhiệm vụ chiến lược của các đô thị trong việc khắc phục ùn tắc giao thông, kiềm
chế tai nạn giao thông và giảm ô nhiễm môi trường.
2. Phát triển vận tải hành khách
công cộng bằng xe buýt phải dựa trên quy hoạch và điều kiện thực tế của mạng lưới
giao thông vận tải. Phù hợp với quy hoạch dân cư, khu công nghiệp của từng tỉnh,
thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đồng thời tạo thuận lợi cho
người khuyết tật khi sử dụng phương tiện công cộng.
3. Ưu tiên áp dụng các công nghệ hiện
đại, an toàn và thân thiện với môi trường để trang bị phương tiện, kiểm soát, vận
hành hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
4. Quản lý chặt chẽ, khoa học và kịp
thời xử lý các vướng mắc chung hoặc vấn đề cụ thể phát sinh trong quá trình vận
hành hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
5. Tập trung đầu tư phát triển
phương tiện xe buýt bảo đảm số lượng và chất lượng; nâng cao chất lượng dịch vụ
và tăng tần suất hoạt động.
II. MỤC TIÊU
1. Phát triển mạng lưới vận tải
hành khách công cộng bằng xe buýt đồng bộ và tương thích giữa các loại hình vận
tải trong đô thị (đường sắt đô thị, tàu điện ngầm, đường thủy) và từ trung tâm
đô thị đến các huyện thị thuộc tỉnh, thành phố, từ các đô thị đặc biệt đến các
đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp.
2. Phát triển vận tải hành khách
công cộng bằng xe buýt theo hướng cung cấp dịch vụ xe buýt thuận tiện, phù hợp
với nhu cầu đi lại của đa số người dân (bao gồm số lượt xe buýt chạy trong
ngày, thời gian mở tuyến và đóng tuyến, bố trí điểm dừng đón, trả khách phù hợp,
phát hành các loại vé đi xe buýt thuận tiện sử dụng) để khuyến khích người dân
sử dụng xe buýt, tạo tiền đề cho việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, góp
phần giải quyết ùn tắc giao thông khi đô thị ngày càng phát triển.
3. Xây dựng mạng lưới tuyến hợp lý,
bảo đảm thuận lợi cho việc đi lại của người dân theo hướng phát triển tuyến xe
buýt đến các trung tâm các huyện, thị xã, các khu công nghiệp thuộc tỉnh, thành
phố.
4. Nâng cao chất lượng phương tiện
vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, bảo đảm đầu tư phương tiện phù hợp với
hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông và nhu cầu đi lại của người dân.
5. Khuyến khích các tỉnh, thành phố
đầu tư phương tiện xe buýt sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường.
6. Áp dụng công nghệ mới trong việc
quản lý và điều hành hoạt động xe buýt, đảm bảo điều chỉnh hợp lý và giám sát dịch
vụ xe buýt.
III. NỘI DUNG
1. Quy hoạch phát triển mạng lưới
tuyến xe buýt của các tỉnh, thành phố
a) Các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương phải lập quy hoạch phát triển mạng lưới tuyến xe buýt giai đoạn từ
năm 2012 đến năm 2020 để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân trước
mắt và lâu dài, góp phần hạn chế được vấn đề ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh,
thành phố;
b) Đối với thành phố Hà Nội và
thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung quy hoạch lại mạng lưới tuyến xe buýt hiện
có, kết hợp với việc đầu tư các tuyến xe buýt nhanh vận chuyển khối lượng lớn
và hệ thống đường sắt đô thị, tàu điện ngầm trong thời gian tới;
c) Nghiên cứu lập quy hoạch để đưa
dịch vụ xe buýt kết nối giữa trung tâm thành phố, thị xã với trung tâm các huyện,
tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân đối với các tỉnh trung du, miền
núi.
2. Đầu tư phương tiện tham gia hoạt
động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt
a) Phương tiện tham gia vận chuyển
hành khách công cộng bằng xe buýt phải đảm bảo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn theo
quy định;
b) Khuyến khích việc đầu tư các
phương tiện xe buýt sàn thấp, xe buýt có thiết bị hỗ trợ người khuyết tật, xe
buýt sử dụng nhiên liệu giảm ô nhiễm môi trường;
c) Việc đầu tư phương tiện xe buýt
phải bảo đảm phù hợp với hạ tầng giao thông.
3. Đối với hạ tầng hiện có, xem xét
ưu tiên bố trí làn đường ưu tiên cho xe buýt. Đối với hạ tầng đầu tư mới cần
thiết kế và xây dựng làn đường ưu tiên cho xe buýt, bảo đảm kết hợp hài hòa để
khai thác sử dụng có hiệu quả hệ thống bến xe buýt và cầu vượt dành cho người
đi bộ trong đô thị. Khuyến khích đầu tư kết cấu hạ tầng để đáp ứng việc phát
triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
4. Quản lý chất lượng dịch vụ vận tải
hành khách công cộng bằng xe buýt
a) Các tỉnh, thành phố có số lượng
tuyến xe buýt lớn, do nhiều đơn vị tham gia vận chuyển hành khách cần nghiên cứu
thành lập trung tâm quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng để giám sát
và quản lý chất lượng dịch vụ xe buýt;
b) Ứng dụng công nghệ mới để quản
lý, điều hành đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt;
c) Quy định về đấu thầu áp dụng
trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt bảo đảm tính minh bạch nhằm
nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ;
d) Áp dụng định mức kinh tế - kỹ
thuật đối với hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt.
5. Tuyên truyền vận động nhân dân
hưởng ứng đi xe buýt, tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc trong
lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt
a) Tuyên truyền đến người dân về lợi
ích, tác dụng của việc đi xe buýt, các thông tin về chất lượng dịch vụ xe buýt,
các cơ chế chính sách đối với người đi xe buýt như: miễn vé, giá vé tháng ưu
đãi;
b) Tổ chức đào tạo nâng cao chuyên
môn nghiệp vụ cho đội ngũ phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng
xe buýt, đặc biệt là đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ để đảm bảo chất lượng phục
vụ hành khách tốt nhất;
c) Tuyên truyền giáo dục nâng cao đạo
đức nghề nghiệp người lái xe, nhân viên phục vụ để tăng cường trách nhiệm, thái
độ phục vụ hành khách, ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông
trong quá trình làm việc.
6. Cơ chế, chính sách phát triển vận
tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020
a) Đối với các địa phương chưa tổ
chức loại hình xe buýt hoạt động, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố cần có những
quy định ưu đãi hỗ trợ cho các tuyến xe buýt mở mới để bảo đảm hoạt động trong
thời gian đầu;
b) Các tỉnh, thành phố xem xét, quyết
định việc trợ giá cho các tuyến xe buýt thiết yếu đáp ứng nhu cầu giảm ùn tắc
giao thông nhưng có doanh thu chưa đủ bù đắp chi phí đối với các đô thị từ loại
II trở lên, đảm bảo tính ổn định của mạng lưới tuyến xe buýt;
c) Ưu tiên việc mua phương tiện để
tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đặc biệt ưu tiên
đối với các dự án đầu tư phương tiện xe buýt sử dụng nhiên liệu thân thiện với
môi trường như khí ga LPG, CNG được vay tín dụng đầu tư của Nhà nước;
d) Xây dựng trạm bảo dưỡng sửa chữa,
bãi đỗ xe buýt của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt
được miễn tiền thuê đất theo Quyết định số 62/2009/QĐ-TTg ngày 20 tháng 4 năm
2009 của Thủ tướng Chính phủ;
đ) Quảng cáo trên xe buýt và sử dụng
nguồn thu từ quảng cáo để hỗ trợ cho hoạt động của xe buýt.
7. Kinh phí thực hiện Đề án
a) Kinh phí xây dựng Định mức khung
kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và
xây dựng Quy chế đấu thầu trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe
buýt được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định;
b) Kinh phí thực hiện Đề án được bảo
đảm từ các nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn huy động từ các nguồn khác (vốn
tự có của doanh nghiệp, vốn vay của các tổ chức tín dụng, tài trợ quốc tế).
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Bộ Giao thông vận tải
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học
và Công nghệ, xây dựng và ban hành định mức khung kinh tế - kỹ thuật áp dụng
cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Hoàn thành trong năm
2012;
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn quy định về đấu thầu áp dụng trong hoạt động
vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Hoàn thành trong năm 2012;
c) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc quy hoạch phát triển mạng lưới
vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và hướng dẫn các vấn đề có liên quan;
d) Tổng hợp, kiểm tra việc thực hiện
quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương. Hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả
thực hiện và đề xuất những biện pháp nhằm phát triển vận tải hành khách công cộng
bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020;
đ) Phối hợp và Bộ Kế hoạch và Đầu
tư và Bộ Tài chính cân đối ngân sách hàng năm để thực hiện các nhiệm vụ của Đề
án.
2. Bộ Tài chính
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành liên quan đề xuất cơ chế hỗ trợ lãi suất vốn vay ngân hàng để đầu tư
phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của các doanh nghiệp.
Hoàn thành trong năm 2012;
b) Hướng dẫn việc thực hiện các cơ
chế, chính sách có liên quan đến hỗ trợ phát triển vận tải hành khách công cộng
bằng xe buýt và chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng cơ chế,
chính sách đặc thù đối với phát triển phương tiện xe buýt sử dụng nhiên liệu
thân thiện với môi trường như khí ga LPG, CNG, trình Thủ tướng Chính phủ trong
năm 2012;
c) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu
tư cân đối ngân sách hàng năm để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án;
d) Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải
trong việc ban hành quy định về đấu thầu áp dụng trong hoạt động vận tải hành
khách công cộng bằng xe buýt.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao
thông vận tải kiểm tra việc thực thi các quy định của pháp luật về đất đai liên
quan đến quản lý, sử dụng trong việc phục vụ mục đích hoạt động vận tải hành
khách công cộng bằng xe buýt;
b) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc bố trí quỹ đất dành cho hoạt động
vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo
Chỉ đạo các trường học tổ chức việc
đưa đón học sinh, sinh viên bằng xe buýt. Tuyên truyền, khuyến khích học sinh,
sinh viên sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt khi đi học
và các chuyến đi khác.
5. Bộ Thông tin và Truyền thông
a) Phối hợp với Ủy ban An toàn giao
thông Quốc gia và Bộ Giao thông vận tải đẩy mạnh việc tuyên truyền ích lợi của
việc sử dụng xe buýt cho các chuyến đi, tạo sự đồng nhất trong cộng đồng dân cư
đối với việc sử dụng xe buýt, góp phần hạn chế phương tiện cá nhân tham gia
giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông;
b) Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải,
Bộ Tài chính trong việc triển khai bán vé và cung cấp các dịch vụ liên quan đến
tuyến xe buýt thông qua hệ thống mạng Internet, điện thoại.
6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
a) Phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất
ngân sách nhà nước trợ giá cho hoạt động xe buýt của các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương;
b) Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải
trong việc ban hành quy định về đấu thầu áp dụng trong hoạt động vận tải hành
khách công cộng bằng xe buýt;
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài
chính, Bộ Giao thông vận tải cân đối ngân sách hàng năm để thực hiện các nhiệm
vụ của Đề án.
7. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương
a) Lập quy hoạch phát triển vận tải
hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020, hoàn
thành trước quý III năm 2012;
b) Thực hiện chính sách trợ giá cho
các tuyến xe buýt nêu tại điểm a, điểm b khoản 6 mục III Điều 1 của Quyết định
này;
c) Căn cứ định mức khung kinh tế -
kỹ thuật do Bộ Giao thông vận tải ban hành, xây dựng và ban hành định mức chi
tiết áp dụng cho hoạt động vận tải hành khách công cộng tại địa phương theo
nguyên tắc đảm bảo phù hợp với điều kiện đường sá, khí hậu của địa phương;
d) Thực hiện việc đấu thầu tuyến xe
buýt theo quy định;
đ) Chỉ đạo triển khai thực hiện việc
quảng cáo trên phương tiện tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt;
e) Thực hiện việc quy định tỷ lệ phương
tiện tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đảm bảo thuận lợi cho
người khuyết tật khi đi xe buýt.
Điều 2. Hiệu
lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành
kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3.
Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: NC, KGVX, KTTH, PL, ĐMDN, ĐP;
- Lưu: Văn thư, KTN (5b).
|
KT.
THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Hoàng Trung Hải
|