Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 256/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa Người ký: Mai Xuân Liêm
Ngày ban hành: 17/01/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 256/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 17 tháng 01 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA GIAI ĐOẠN 2021-2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

Căn cứ Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 02/2021/TT-BGTVT ngày 04 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;

Căn cứ Quyết định số 3013/QĐ-UBND ngày 17 tháng 9 năm 2014 của UBND tỉnh phê duyệt vị trí các điểm đón, trả khách tuyến cố định trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa;

Căn cứ Quyết định số 1966/QĐ-UBND ngày 08 tháng 6 năm 2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 3227/QĐ-UBND ngày 29 tháng 8 năm 2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2234/QĐ-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1895/QĐ-UBND ngày 16 tháng 5 năm 2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt giai đoạn 2020-2024;

Căn cứ Quyết định số 2119/QĐ-UBND ngày 09 tháng 6 năm 2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ Logistics trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 5467/QĐ-UBND ngày 24 tháng 12 năm 2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề cương, nhiệm vụ và dự toán Đề án phát triển hoạt động vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 6427/TTr- SGTVT ngày 18/12/2021, văn bản số 92/SGTVT-QLVT ngày 07/01/2022 về việc phê duyệt Đề án phát triển hoạt động vận tải bằng ô tô trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển hoạt động vận tải bằng ô tô trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm, mục tiêu phát triển

a) Quan điểm

- Phát triển vận tải hành khách và hàng hóa bằng ô tô phù hợp, đảm bảo tính thống nhất với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung xây dựng tỉnh, quy hoạch giao thông vận tải và các quy hoạch có liên quan trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

- Phát triển phương tiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, du khách và nhu cầu vận tải hàng hóa, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

- Tăng cường, nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành hoạt động vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông; phát triển hệ thống giao thông bền vững gắn với phát triển phương tiện vận tải bằng ô tô sử dụng nhiên liệu sạch.

- Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hoạt động vận tải bằng ô tô.

b) Mục tiêu phát triển

- Mục tiêu chung

Thúc đẩy hoạt động vận tải bằng ô tô trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phát triển đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động vận tải bằng ô tô trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

- Mục tiêu cụ thể

+ Đến năm 2025: Tổng khối lượng vận chuyển hành khách bằng ô tô đạt khoảng 64,05 triệu lượt hành khách, tăng trưởng bình quân 8,8%/năm giai đoạn 2021-2025. Tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng ô tô đạt khoảng 84,67 triệu tấn, tăng trưởng bình quân 8,7%/năm giai đoạn 2021-2025.

+ Đến năm 2030: Tổng khối lượng vận chuyển hành khách bằng ô tô đạt khoảng 87,46 triệu lượt hành khách, tăng trưởng bình quân 6,4%/năm giai đoạn 2026-2030. Tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng ô tô đạt khoảng 124,5 triệu tấn, tăng trưởng bình quân 8,0%/năm giai đoạn 2026-2030.

2. Phương án phát triển hoạt động vận tải bằng ô tô trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030

a) Phương án phát triển vận tải hành khách tuyến cố định

- Phát triển vận tải hành khách liên vận quốc tế

Nghiên cứu phát triển các tuyến vận tải hành khách liên vận quốc tế kết nối với các tỉnh, thành phố nước bạn Lào (Viêng Chăn, Luông Pha Bang...).

- Phát triển vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh

+ Phát triển theo danh mục mạng lưới tuyến vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh được Bộ Giao thông vận tải công bố và cập nhật hàng năm.

+ Giai đoạn 2021-2025: Tiếp tục mở mới các tuyến vận tải hành khách từ bến xe loại IV trở lên đến các tỉnh, thành phố có nhu cầu cao như Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh... Đến năm 2025, phát triển khoảng 950 ÷ 1.000 phương tiện.

+ Giai đoạn 2026-2030 tiếp tục mở mới các tuyến vận tải hành khách từ bến xe loại IV trở lên đến tất cả các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước theo nhu cầu vận tải. Đến năm 2030, phát triển khoảng 1.200 ÷ 1.300 phương tiện.

- Phát triển vận tải hành khách tuyến cố định nội tỉnh

+ Phát triển theo danh mục mạng lưới tuyến vận tải hành khách tuyến cố định nội tỉnh được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1966/QĐ-UBND ngày 08/6/2015 và Quyết định số 184/QĐ-UBND ngày 15/01/2020.

+ Giai đoạn 2021-2025: Phát triển các tuyến vận tải hành khách từ các bến xe thành phố Thanh Hóa đến tất cả các huyện, thị xã theo nhu cầu vận tải. Đến năm 2025, phát triển khoảng 300 ÷ 320 phương tiện.

+ Giai đoạn 2026-2030: Tiếp tục mở mới các tuyến vận tải hành khách từ bến xe trung tâm các đô thị lớn (thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn,...) đến tất cả các huyện, thị xã và kết nối trực tiếp giữa các địa phương có nhu cầu. Đến năm 2030, phát triển khoảng 650 ÷ 700 phương tiện.

- Về chất lượng dịch vụ vận tải hành khách tuyến cố định

+ Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phương tiện mới đạt tiêu chuẩn, phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch (CNG, LPG, năng lượng điện).

+ Ngoài các thiết bị lắp đặt trên phương tiện theo quy định của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, khuyến khích doanh nghiệp lắp đặt thêm các thiết bị như: công cụ hỗ trợ cho người khuyết tật, thiết bị wifi... nhưng phải đảm bảo an toàn kỹ thuật phương tiện và được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

+ Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và cung cấp dịch vụ vận tải hành khách tuyến cố định (cung cấp thông tin hành trình tuyến, dịch vụ, đặt vé trực tuyến,...).

b) Phương án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt

- Giai đoạn 2021-2025

Giữ nguyên 13 tuyến xe buýt đang hoạt động, khôi phục lại 04 tuyến đang tạm dừng khai thác; mở thêm 05 tuyến xe buýt kết nối các điểm tập trung dân cư nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân; tăng cường phát triển tại các đô thị loại III trở lên. Đến năm 2025, mạng lưới tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh đạt 22 tuyến, phát triển xe buýt khoảng 270 ÷ 300 phương tiện.

- Giai đoạn 2026-2030

+ Hình thành các tuyến xe buýt đô thị hoạt động tại khu vực trung tâm các đô thị lớn trên địa bàn tỉnh như thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, thị xã Bỉm Sơn để kết nối các điểm phát sinh thu hút nhu cầu vận tải lớn trong khu vực đô thị như bến xe khách, trung tâm thương mại, khu đô thị, khu dân cư, trường học, bệnh viện...

+ Điều chỉnh mạng lưới tuyến xe buýt đô thị và nội tỉnh theo mức độ mở rộng đô thị tại các đô thị hiện hữu (thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn), phù hợp với nhu cầu đi lại và mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh.

+ Nghiên cứu hình thành các tuyến buýt khối lượng lớn, xe buýt nhanh hoạt động theo hình thức BRT kết nối các khu vực có nhu cầu đi lại lớn gồm thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, huyện Như Thanh (khu du lịch Bến En).

+ Nghiên cứu phát triển thêm các tuyến xe buýt điện trong các khu vực du lịch, khu đô thị lớn như: thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, khu du lịch Bến En...

+ Phát triển các tuyến buýt liền kề kết nối các tỉnh lân cận Ninh Bình và Nghệ An.

+ Đến năm 2030, mạng lưới tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh đạt 29 tuyến, phát triển xe buýt khoảng 440 ÷ 490 phương tiện.

+ Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch (đến năm 2030 có khoảng 10 ÷ 15% đoàn phương tiện sử dụng năng lượng điện).

c) Phương án phát triển vận tải hành khách bằng taxi

- Giai đoạn 2021 - 2025: Định hướng phát triển tổng số lượng xe taxi đạt 3.000 ÷ 3.100 xe.

- Giai đoạn 2026 - 2030: Định hướng phát triển tổng số lượng xe taxi đạt 3.300 ÷ 3.400 xe.

- Duy trì ổn định lượng xe taxi hoạt động tại khu vực thành phố Thanh Hóa và Sầm Sơn.

- Khuyến khích các doanh nghiệp taxi đầu tư đổi mới phương tiện có niên hạn không quá 10 năm và phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch. Mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 10% số taxi sử dụng năng lượng điện.

d) Phương án phát triển vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch

- Giai đoạn 2021-2025: Định hướng phát triển khoảng 1.800 xe trên 9 chỗ và 1.100 ÷ 1.200 xe dưới 9 chỗ.

- Giai đoạn 2026-2030: Định hướng phát triển khoảng 2.100 xe trên 9 chỗ và 1.600 ÷ 1.800 xe dưới 9 chỗ.

- Khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ và đầu tư phương tiện mới, hiện đại, tiện nghi, đạt tiêu chuẩn khí thải theo quy định.

đ) Phương án phát triển vận tải hàng hóa bằng ô tô

- Xác định mặt hàng chủ yếu cần vận chuyển bằng xe ô tô

Các mặt hàng chủ yếu vận chuyển bằng ô tô gồm: Hóa dầu, hóa chất và các chế phẩm từ hóa dầu; vật liệu xây dựng (thép, xi măng, đá ốp lát...); may mặc, da giày; lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm; cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại; các sản phẩm chế biến từ gỗ; các sản phẩm về phân bón…

- Xác định khu vực phát triển hàng hóa

+ Công nghiệp lọc hóa dầu, hóa chất và chế biến sản phẩm từ hóa dầu: Tập trung phát triển tại Khu kinh tế Nghi Sơn và Khu công nghiệp Bỉm Sơn.

+ Công nghiệp cơ khí và sản xuất kim loại: Tập trung phát triển tại thị xã Bỉm Sơn và Khu kinh tế Nghi Sơn.

+ Công nghiệp điện, điện tử, viễn thông: Tập trung phát triển tại các Khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng, Khu công nghiệp phía Tây thành phố Thanh Hóa.

+ Công nghiệp sản xuất thép, luyện kim: Tập trung phát triển tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

+ Công nghiệp sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu: Tập trung phát triển tại Khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng, Khu kinh tế Nghi Sơn.

+ Công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống: Tập trung phát triển tại Khu công nghiệp Lễ Môn, Khu kinh tế Nghi Sơn.

+ Công nghiệp dệt may, giầy da: Tập trung phát triển tại địa bàn các huyện đồng bằng và miền núi, Khu công nghiệp Hoàng Long, Khu công nghiệp Lễ Môn, Khu kinh tế Nghi Sơn.

+ Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: Phát triển tại Khu kinh tế Nghi Sơn, Khu công nghiệp Lễ Môn, Khu công nghiệp Bãi Trành.

+ Công nghiệp hỗ trợ: Thu hút đầu tư các ngành công nghiệp hỗ trợ tại các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp trên địa bàn cả tỉnh.

+ Công nghiệp sản xuất các sản phẩm từ chế biến gỗ: Tập trung phát triển tại các huyện miền núi, Khu công nghiệp Ngọc Lặc, Khu công nghiệp Bãi Trành, Khu kinh tế Nghi Sơn.

+ Công nghiệp sản xuất phân bón: Tập trung phát triển tại Khu công nghiệp Bỉm Sơn.

- Phát triển phương tiện vận tải hàng hóa bằng xe ô tô

+ Đến năm 2025, phát triển đoàn phương tiện vận tải hàng hóa đạt khoảng 23.198 phương tiện; trong đó số lượng xe tải trên 10 tấn khoảng 60% đoàn phương tiện, đáp ứng 70 ÷ 75% nhu cầu vận tải hàng hóa của tỉnh Thanh Hóa.

+ Đến năm 2030, phát triển đoàn phương tiện vận tải hàng hóa đạt khoảng 31.010 phương tiện; trong đó số lượng xe tải trên 10 tấn khoảng 65%, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu vận tải hàng hóa của tỉnh Thanh Hóa.

+ Khuyến khích phát triển phương tiện vận tải hàng hóa có tải trọng lớn, định hướng phát triển phương tiện container đạt 5 ÷ 7% đoàn phương tiện phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa bằng container tại các khu công nghiệp, cảng biển Nghi Sơn.

3. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

a) Các giải pháp thông tin tuyên truyền

- Tuyên truyền, hướng dẫn quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đến các đơn vị kinh doanh vận tải và các tổ chức cá nhân để biết và thực hiện.

- Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, hợp tác giữa các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa với các chủ hàng trên địa bàn tỉnh.

- Khuyến khích việc liên doanh, liên kết đầu tư phát triển vận tải hành khách, hàng hóa để hình thành doanh nghiệp vận tải lớn, phát triển dịch vụ vận tải đa phương thức và logistics nhằm giảm chi phí vận tải, hạn chế vận tải một chiều, tăng sức cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics tại Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo lượng hàng ổn định vận chuyển hàng hóa.

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về tiềm năng, mục tiêu, kế hoạch phát triển vận tải hàng hóa và hành khách của tỉnh đến các doanh nghiệp vận tải, các nhà đầu tư để kêu gọi, thu hút đầu tư vào hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông, thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng trên các kênh thông tin đại chúng, mạng xã hội...

- Đa dạng các hình thức tuyên truyền về lợi ích việc sử dụng dịch vụ giao thông công cộng nhằm nâng cao nhận thức, hình thành thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng và tăng khả năng tiếp cận thông tin về các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông của người dân.

b) Giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước

- Xây dựng kế hoạch phát triển và quản lý phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đảm bảo phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân và thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh và các văn bản quy phạm pháp luật quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Xây dựng và công bố danh mục mạng lưới tuyến xe buýt nội tỉnh và liền kề; mạng lưới tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh; ban hành quy định quản lý bãi đỗ xe; quy định quản lý hoạt động của xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách; quy định về quản lý các vị trí đón trả khách cho xe taxi; quy định về tiêu chí và tổ chức, quản lý các vị trí đón, trả khách cho xe hợp đồng, xe du lịch trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện chấp thuận, công bố khai thác tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh theo danh mục tuyến được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, thường xuyên rà soát, báo cáo Bộ Giao thông vận tải cập nhật, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

- Khi thực hiện lập quy hoạch xây dựng cần nghiên cứu bố trí quỹ đất để xây dựng bến xe hàng tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các đầu mối hàng hóa như siêu thị, trung tâm thương mại, chợ...

- Bố trí quỹ đất cho phương tiện dừng đỗ để bốc xếp hàng hóa và đón trả khách khi thực hiện lập quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình trung tâm thương mại, siêu thị, khu du lịch, khu vui chơi giải trí,...

- Đối với dự án đầu tư xây dựng mới, dự án nâng cấp cải tạo các tuyến đường phải xác định vị trí điểm dừng, đón trả khách và bố trí quỹ đất xây dựng vịnh dừng đảm bảo hạn chế ảnh hưởng đối với dòng giao thông khi phương tiện dừng đón, trả khách.

- Rà soát các quy hoạch xây dựng, ưu tiên bố trí quỹ đất cho việc xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động vận tải hành khách khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trong đô thị (bãi đỗ xe, điểm dừng, nhà chờ, điểm trung chuyển xe buýt,...).

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải tại các đơn vị kinh doanh vận tải nhằm kiểm soát chặt việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp; xử lý nghiêm theo quy định đối với đơn vị vi phạm.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về tình trạng xe dù, bến cóc, xe dừng, đón trả khách không đúng quy định gây mất an toàn giao thông, đặc biệt các khu vực gần các đầu mối giao thông bến xe, nhà ga...

- Rà soát các khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng phương tiện dừng, đỗ đón trả khách trái quy định; thực hiện lắp đặt camera giám sát tại vị trí có nhiều phương tiện dừng đỗ để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm.

- Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô.

- Thường xuyên tổ chức đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý vận tải hành khách.

c) Giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng

- Tiếp tục kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa các bến, bãi đỗ xe theo danh mục tại Quyết định số 4331/QĐ-UBND ngày 22/10/2019 của UBND tỉnh phê duyệt danh mục các công viên, bến xe, bãi đỗ xe cần kêu gọi đầu tư giai đoạn 2020 - 2025.

- Rà soát, xây dựng nhà chờ tại tất cả các điểm dừng xe buýt đảm bảo điều kiện hạ tầng giao thông (bề rộng hè đường từ 5 mét trở lên trong đô thị và bề rộng lề đường từ 2,5 mét trở lên ngoài đô thị); thực hiện thay thế toàn bộ nhà chờ cũ đang sử dụng bằng nhà chờ mới, thiết kế mới đảm bảo mỹ quan đô thị.

- Xây dựng mô hình nhà chờ xe buýt kiểu mẫu, điểm đón trả khách xe taxi kiểu mẫu trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, lắp đặt trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác quản lý, giám sát.

- Rà soát, bố trí biển báo hiệu bằng biển báo và vạch kẻ sơn tại các điểm dừng xe buýt.

- Tận dụng các bến xe hình thành các đầu mối trung chuyển xe buýt; nghiên cứu bố trí các điểm trung chuyển hành khách tại khu du lịch Sầm Sơn, suối cá Cẩm Lương, Khu kinh tế Nghi Sơn... để hình thành mạng lưới tuyến buýt phân cấp (buýt nội đô, buýt nội tỉnh, buýt liên tỉnh).

- Rà soát toàn bộ điểm dừng, nhà chờ, điểm đầu cuối xe buýt, đảm bảo 100% các điểm dừng, nhà chờ cung cấp đủ thông tin gồm số hiệu tuyến, tên tuyến, hành trình, tần suất chạy xe, thời gian hoạt động trong ngày của tuyến…; Mục tiêu đến năm 2030 lắp đặt bảng thông tin điện tử tại 100% các điểm đầu cuối và tối thiểu 50% nhà chờ xe buýt.

- Phân làn, bố trí làn ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến trục chính có nguy cơ ùn tắc giao thông; từng bước bố trí các vịnh dừng xe buýt đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

- Rà soát, bố trí biển báo hiệu vị trí điểm dừng vận tải hành khách tuyến cố định; biển báo khu vực đón trả khách xe taxi, xe hợp đồng, du lịch đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

d) Các giải pháp về cơ chế chính sách

- Ban hành chính sách ưu đãi nhằm thu hút doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách và hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường phát triển vận tải đa phương thức, thu hút doanh nghiệp logistics lớn tham gia hoạt động vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh để kết nối giữa các phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, hàng không) gắn kết chủ tàu, chủ hàng và chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa khi lựa chọn khu vực cảng biển Thanh Hóa để làm hàng.

- Hỗ trợ các chủ hàng, chủ tàu, chủ cảng, bến trong nước và quốc tế mở các tuyến vận tải hàng hóa đi và đến cảng biển Thanh Hóa nhằm phát triển nguồn hàng, qua đó thúc đẩy phát triển vận tải hàng hóa bằng đường biển trên địa bàn tỉnh; kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp vận tải và các chủ hàng, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng các yêu cầu trong thời kỳ mới.

- Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mức hỗ trợ lãi suất vay đầu tư phương tiện xe buýt phù hợp có thể thu hút được các doanh nghiệp đầu tư phương tiện đảm bảo mục tiêu thay mới 100 phương tiện trong giai đoạn 2022-2024.

- Thực hiện chính sách hỗ trợ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo Nghị quyết 235/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 đối với các tuyến buýt mở mới và các tuyến khôi phục lại; xem xét nghiên cứu chính sách hỗ trợ các tuyến buýt đang khai thác nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm mức giá vé thu hút người dân sử dụng.

- Khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách đầu tư phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường (ô tô sử dụng năng lượng điện; khí hóa lỏng LPG...) để phát triển hệ thống vận tải hành khách đô thị bền vững.

đ) Các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin

- Đẩy mạnh chia sẻ, kết nối liên thông thông tin, dữ liệu giữa các ngành Công an, Thông tin truyền thông, Giao thông vận tải,... với Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng giao thông thông minh (ITS) trong quản lý điều hành giao thông vận tải nói chung, quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô nói riêng trên địa bàn tỉnh.

- Lắp đặt camera tại các điểm đầu cuối, các điểm dừng đỗ xe buýt, xe khách tuyến cố định, điểm dừng đón trả khách xe taxi, xe hợp đồng du lịch, nhằm tăng cường công tác quản lý, giám sát.

- Số hóa hệ thống điểm dừng đón trả khách của các phương tiện kinh doanh vận tải (điểm đón trả khách xe tuyến cố định, taxi, du lịch, điểm dừng nhà chờ xe buýt...) nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước; đổi mới cách thức cung cấp thông tin về lộ trình tuyến, điểm dừng đỗ tại các điểm dừng, nhà chờ và trên phương tiện bằng hệ thống loa, đèn led cung cấp thông tin thời gian thực.

(Chi tiết nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Phụ lục 01 kèm theo)

4. Kinh phí thực hiện Đề án

Nhu cầu vốn thực hiện Đề án là 4.379 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 54 tỷ đồng (chiếm 1,25%); vốn xã hội hóa khoảng 4.325 tỷ đồng (chiếm 98,75%). Cụ thể:

- Giai đoạn 2022-2025: Nhu cầu 2.278 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 23 tỷ đồng; vốn xã hội hóa khoảng 2.255 tỷ đồng.

- Giai đoạn 2026-2030: Nhu cầu 2.101 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 31 tỷ đồng; vốn xã hội hóa khoảng 2.070 tỷ đồng.

(Chi tiết tại Phụ lục 02 và Phụ lục 03 kèm theo)

5. Tổ chức thực hiện

a) Sở Giao thông vận tải

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Đề án theo quy định của pháp luật và phù hợp với chủ trương của tỉnh. Các nhiệm vụ cụ thể như sau:

- Tham mưu UBND tỉnh thực hiện các giải pháp quản lý điều hành hoạt động vận tải bằng ô tô phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng và nhu cầu vận tải.

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục mạng lưới tuyến vận tải hành khách tuyến cố định nội tỉnh, vận tải hành khách bằng xe buýt phù hợp với tình hình thực tế.

- Thực hiện công bố mở tuyến, xây dựng biểu đồ chạy xe, điều chỉnh điểm dừng, tần suất, biểu đồ chạy xe hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định nội tỉnh, xe buýt phù hợp với tình hình hoạt động vận tải và nhu cầu đi lại của hành khách; quản lý hạ tầng các điểm dừng đón trả khách, điểm đầu cuối và chất lượng dịch vụ vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan thực hiện quản lý, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, xe khách tuyến cố định.

- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động vận tải bằng ô tô, phương tiện vận tải và hỗ trợ giá vé khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng.

- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách hỗ trợ hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa.

- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan báo cáo UBND tỉnh xem xét đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng giao thông phục vụ vận tải bằng ô tô trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương tổ chức tuyên truyền đến các doanh nghiệp vận tải, nhà đầu tư và toàn thể nhân dân về tiềm năng mục tiêu, kế hoạch phát triển vận tải hàng hóa và hành khách.

- Kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ và bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải bằng ô tô trên địa bàn tỉnh.

- Hướng dẫn thực hiện công tác quản lý các vị trí đón, trả khách cho xe taxi có hiệu quả.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi theo quy định của pháp luật đặc biệt là tình trạng xe taxi hoạt động không phép “taxi dù”.

- Hướng dẫn thực hiện công tác quản lý các vị trí đón, trả khách cho xe hợp đồng, du lịch có hiệu quả.

b) Sở Tài chính

- Căn cứ vào dự toán do Sở Giao thông vận tải tổng hợp và khả năng cân đối ngân sách tỉnh hàng năm thẩm định trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kinh phí thực hiện Đề án theo thẩm quyền; đồng thời, hướng dẫn các đơn vị thực hiện thanh quyết toán theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu đề xuất với UBND tỉnh bố trí kinh phí đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, taxi, xe hợp đồng, du lịch từ ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hóa.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các đơn vị có liên quan nghiên cứu mức giá vé, mức trợ giá đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

c) Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng vốn của chủ dự án sau khi được hỗ trợ lãi suất và trợ giá.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng chương trình kêu gọi các nhà đầu tư lớn tham gia hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

d) Sở Công Thương

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh và các Sở, ngành liên quan xây dựng chương trình kêu gọi các nhà đầu tư lớn tham gia hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

- Tập trung phát triển hệ thống phân phối các loại nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường; thích ứng với tốc độ phát triển của phương tiện vận tải. Tăng cường tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách đầu tư phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường (ô tô sử dụng năng lượng điện; khí hóa lỏng LPG...) để phát triển hệ thống vận tải hành khách đô thị bền vững.

đ) Sở Xây dựng

Trong quá trình thẩm định quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng cần nghiên cứu xem xét bố trí các bến xe khách, bến xe hàng, bãi đỗ xe công cộng, điểm đầu, điểm cuối các tuyến xe buýt phù hợp với quy hoạch giao thông vận tải đã được phê duyệt.

e) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Phối hợp Sở Giao thông vận tải và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác tổ chức, quản lý vị trí đón, trả khách cho xe hợp đồng, xe du lịch tại các điểm tham quan, điểm du lịch, di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.

- Hướng dẫn, kiểm tra và quản lý việc tổ chức quảng cáo tại các khu vực bến xe, nhà chờ, điểm dừng xe buýt theo quy định; thường xuyên kiểm tra, quản lý việc quảng cáo trên phương tiện vận tải hành khách công cộng và tại các bến xe, nhà chờ, điểm dừng xe buýt theo quy định.

g) Sở Tài nguyên và Môi trường

Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí quỹ đất hợp lý dành cho phát triển vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh, cập nhật các khu đất vào Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, làm căn cứ để thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.

h) Công an tỉnh

- Phối hợp Sở Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra và xử lý những vi phạm liên quan đến các vị trí đón, trả khách cho xe taxi trên địa bàn tỉnh theo quy định.

- Kết nối, chia sẻ thông tin về xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi cho Sở Giao thông vận tải để phối hợp quản lý.

- Phối hợp Sở Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra và xử lý những vi phạm liên quan đến quản lý hoạt động xe trung chuyển hành khách trên địa bàn tỉnh theo quy định.

- Kết nối, chia sẻ thông tin về xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô cho Sở Giao thông vận tải để phối hợp quản lý

i) Sở Khoa học và Công nghệ

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh quản lý thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào hoạt động vận tải hành bằng xe ô tô, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác quản lý và điều hành hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô.

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải xây dựng các phần mềm cung cấp thông tin hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô (xe buýt, taxi) trên địa bàn tỉnh.

k) Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải xây dựng các phần mềm ứng dụng như: ứng dụng tìm xe buýt, ứng dụng trên thiết bị di động... nhằm cung cấp thông tin cho người dân có thể tra cứu các thông tin về hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống truyền thanh cơ sở tuyên truyền, phổ biến Đề án đến đông đảo tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, từng bước xây dựng thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng của người dân.

l) Cục Thuế tỉnh

Hướng dẫn doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt lập thủ tục và thực hiện việc miễn, giảm thuế đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo quy định của Nhà nước.

m) Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp

- Trong quá trình tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng cần nghiên cứu xem xét bố trí các bến xe khách, bến xe hàng, bãi đỗ xe công cộng, điểm đầu, điểm cuối các tuyến xe buýt phù hợp với quy hoạch giao thông vận tải đã được phê duyệt.

- Kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics tại Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo lượng hàng ổn định vận chuyển hàng hóa.

n) UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Trong quá trình tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng và điều chỉnh quy hoạch xây dựng cần nghiên cứu xem xét bố trí các bến xe khách, bến xe hàng, bãi đỗ xe công cộng, điểm đầu, điểm cuối các tuyến xe buýt phù hợp với quy hoạch giao thông vận tải đã được phê duyệt.

- Bố trí quỹ đất, nguồn vốn của địa phương để đầu tư xây dựng các điểm đầu, điểm cuối đối với các tuyến xe buýt có lộ trình điểm đầu, điểm cuối trên địa bàn; sau khi đầu tư xây dựng xong các điểm đầu, điểm cuối bàn giao lại cho Sở Giao thông vận tải để khai thác và bảo trì theo quy định.

- Nghiên cứu bố trí quỹ đất đầu tư, xây dựng và quản lý các điểm đậu, đỗ đón, trả khách cho xe taxi, xe hợp đồng, du lịch trên các tuyến đường do địa phương quản lý.

- Khi thực hiện lập quy hoạch xây dựng; cải tạo, nâng cấp, đầu tư mới các tuyến đường trên địa bàn phải bố trí quỹ đất để xây dựng bến xe hàng để phục vụ vận chuyển hàng hóa.

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các ngành có liên quan trong công tác kiểm tra xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải trên địa bàn.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến những quy định về công tác quản lý các vị trí đón, trả khách cho xe taxi, xe hợp đồng, du lịch.

o) Các đơn vị kinh doanh vận tải

- Phối hợp Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô do đơn vị quản lý.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến những quy định về công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô đến người lao động.

p) Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng cụm công nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, khu du lịch, khu vui chơi giải trí...

Bố trí quỹ đất cho phương tiện dừng, đỗ để bốc xếp hàng hóa và đón, trả khách; bãi đỗ xe khi thực hiện lập quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Tư pháp, Giao thông vận tải, Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; Giám đốc Công an tỉnh; Trưởng Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN; Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các ngành và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2 QĐ;
- TTr: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh (để b/c);
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Lưu: VT, CN (V)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Xuân Liêm

 

PHỤ LỤC 01:

TỔNG HỢP NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA GIAI ĐOẠN 2021-2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 256/UBND-QĐ ngày 17 tháng 01 năm 2022 của Chủ tịch UBND tỉnh)

TT

Nhiệm vụ, giải pháp

Mục tiêu/ nội dung

Cơ quan thực hiện/trình

Cơ quan phối hợp

Thời gian thực hiện

I

Các giải pháp về thông tin, tuyên truyền

 

 

 

1

Thông tin tuyên truyền về kế hoạch phát triển vận tải tỉnh Thanh Hóa

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về tiềm năng, mục tiêu, kế hoạch phát triển vận tải hàng hóa và hành khách của tỉnh đến các doanh nghiệp vận tải, các nhà đầu tư để kêu gọi, thu hút đầu tư vào hoạt động vận tải trên địa bàn Tỉnh

Sở Giao thông vận tải

Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị khác có liên quan

2022-2025

2

Tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Thực hiện tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông, thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng trên các kênh thông tin đại chúng, mạng xã hội,...

Sở Giao thông vận tải

Sở Thông tin và Truyền thông; Công an tỉnh; Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa; Văn phòng Ban ATGT tỉnh và các đơn vị khác có liên quan

2022-2030

Đa dạng các hình thức tuyên truyền về lợi ích việc sử dụng dịch vụ giao thông công cộng nhằm nâng cao nhận thức, hình thành thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng và tăng khả năng tiếp cận thông tin về các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông của người dân

3

Tuyên truyền nhằm phát triển hoạt động vận tải hàng hóa

Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, hợp tác giữa các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa với các chủ hàng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Sở Công Thương; Sở Giao thông vận tải; Sở Thông tin và Truyền thông; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh

2022-2025

Khuyến khích việc liên doanh, liên kết đầu tư phát triển vận tải để hình thành doanh nghiệp vận tải lớn, phát triển dịch vụ vận tải đa phương thức và logistics nhằm giảm chi phí vận tải, hạn chế vận tải một chiều, tăng sức cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Sở Giao thông vận tải

Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Công Thương; Sở Thông tin và Truyền thông; các đơn vị có liên quan

2022-2025

4

Tuyên truyền kêu gọi đầu tư

Kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics tại Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo lượng hàng ổn định vận chuyển hàng hóa.

Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp

Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Giao thông vận tải; Sở Công Thương; Sở Thông tin và Truyền thông; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh; các đơn vị có liên quan

2022-2025

II

Giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước

 

 

 

1

Xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô trên địa bàn Tỉnh

- Xây dựng kế hoạch phát triển và quản lý phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đảm bảo phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân và thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng và công bố danh mục mạng lưới tuyến xe buýt nội tỉnh và liền kề; mạng lưới tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh.

- Xây dựng và ban hành quy định quản lý bãi đỗ xe; quy định quản lý hoạt động của xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách; quy định về quản lý các vị trí đón trả khách cho xe taxi; quy định về tiêu chí và tổ chức, quản lý các vị trí đón, trả khách cho xe hợp đồng, xe du lịch trên địa bàn Tỉnh.

Sở Giao thông vận tải

Sở Tư pháp; Sở Xây dựng; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan

2022-2023

2

Siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải tại các đơn vị kinh doanh vận tải nhằm kiểm soát chặt việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp; xử lý nghiêm theo quy định đối với đơn vị vi phạm.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về tình trạng xe dù, bến cóc, xe dừng, đón trả khách không đúng quy định gây mất an toàn giao thông, đặc biệt các khu vực gần các đầu mối giao thông bến xe, nhà ga...

- Rà soát các khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng phương tiện dừng, đỗ đón trả khách trái quy định; thực hiện lắp đặt camera giám sát tại vị trí có nhiều phương tiện dừng đỗ để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm.

- Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô.

Sở Giao thông vận tải

Công an tỉnh; Sở Thông tin và Truyền thông; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan

2022-2030

3

Rà soát các quy hoạch xây dựng

- Nghiên cứu bố trí quỹ đất để xây dựng các bến xe khách, bến xe hàng, bãi đỗ xe công cộng, điểm đầu, điểm cuối các tuyến xe buýt

- Đối với tuyến đường giao thông quy hoạch mới, nâng cấp cải tạo cần nghiên cứu xem xét xác định vị trí điểm dừng, đón trả khách và bố trí quỹ đất xây dựng vịnh dừng đảm bảo hạn chế ảnh hưởng đối với dòng giao thông khi phương tiện dừng đón, trả khách.

- Đối với các dự án đầu tư xây dựng cụm công nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, khu du lịch, khu vui chơi giải trí… khi lập quy hoạch cần xác định quỹ đất để xây dựng điểm dừng đỗ để bốc xếp hàng hóa và đón trả khách, bãi đỗ xe cho phù hợp.

- Đảm bảo quỹ đất xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động vận tải hành khách khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trong đô thị (bãi đỗ xe, điểm dừng, nhà chờ...).

UBND các huyện, thị xã, thành phố; Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp

Sở Xây dựng; Sở Giao thông vận tải; Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan

2022-2025

III

Các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

 

 

 

1

Phát triển hạ tầng phục vụ hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt

Rà soát, xây dựng nhà chờ tại tất cả các điểm dừng xe buýt đảm bảo điều kiện hạ tầng giao thông (bề rộng hè đường từ 5 mét trở lên trong đô thị và bề rộng lề đường từ 2,5 mét trở lên ngoài đô thị); thực hiện thay thế toàn bộ nhà chờ cũ đang sử dụng bằng nhà chờ mới, thiết kế mới đảm bảo mỹ quan đô thị

Sở Giao thông vận tải

UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan

2022-2030

Xây dựng mô hình nhà chờ xe buýt kiểu mẫu, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, lắp đặt trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác quản lý, giám sát

Sở Giao thông vận tải

Sở Xây dựng; Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan

2022-2030

Rà soát, bố trí biển báo hiệu bằng biển báo và vạch kẻ sơn tại các điểm dừng xe buýt

Sở Giao thông vận tải

UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan

2022-2025

Tận dụng các bến xe hình thành các đầu mối trung chuyển xe buýt; nghiên cứu bố trí các điểm trung chuyển hành khách tại khu du lịch Sầm Sơn, suối cá Cẩm Lương, khu kinh tế Nghi Sơn,... để hình thành mạng lưới tuyến buýt phân cấp tuyến trục - tuyến nhánh

Sở Giao thông vận tải

Doanh nghiệp kinh doanh bến xe, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan

2022-2030

Rà soát toàn bộ điểm dừng, nhà chờ, điểm đầu cuối xe buýt, đảm bảo 100% các điểm dừng, nhà chờ cung cấp đủ thông tin gồm số hiệu tuyến, tên tuyến, hành trình, tần suất chạy xe, thời gian hoạt động trong ngày của tuyến,…

Sở Giao thông vận tải

UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan

2022-2025

Phân làn, bố trí làn ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến trục chính có nguy cơ ùn tắc giao thông; từng bước bố trí các vịnh dừng xe buýt đảm bảo an toàn.

Sở Giao thông vận tải

UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan

2022-2025

2

Phát triển hạ tầng phục vụ hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch.

Rà soát, bố trí biển báo hiệu vị trí điểm dừng vận tải hành khách tuyến cố định; biển báo khu vực đón trả khách xe taxi, xe hợp đồng, du lịch đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Sở Giao thông vận tải

UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan

2022-2030

3

Phát triển bến xe, bãi đỗ xe

Tiếp tục kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa các bến, bãi đỗ xe theo danh mục tại Quyết định số 4331/QĐ-UBND ngày 22/10/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh mục các công viên, bến xe, bãi đỗ xe cần kêu gọi đầu tư giai đoạn 2020 - 2025.

Sở Giao thông vận tải

UBND các huyện, thị xã, thành phố, doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan

2022-2025

IV

Các giải pháp về cơ chế chính sách

 

 

 

1

Cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động vận tải hàng hóa

Ban hành chính sách ưu đãi nhằm thu hút doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách và hàng hóa trên địa bàn tỉnh

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Sở Tài chính; Sở Tư pháp; Sở Giao thông vận tải; Sở Công Thương và các đơn vị có liên quan

2022-2025

Tăng cường phát triển vận tải đa phương thức, thu hút doanh nghiệp logistics lớn tham gia hoạt động vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh để kết nối giữa các phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, hàng không) gắn kết chủ tàu, chủ hàng và chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa khi lựa chọn khu vực cảng biển Thanh Hóa để làm hàng.

Sở Công Thương

Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Thông tin và Truyền thông; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại & Du lịch tỉnh; Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp và các đơn vị có liên quan

2022-2025

Hỗ trợ các chủ hàng, chủ tàu, chủ cảng, bến trong nước và quốc tế mở các tuyến vận tải hàng hóa đi và đến cảng biển Thanh Hóa nhằm phát triển nguồn hàng, qua đó thúc đẩy phát triển vận tải hàng hóa bằng đường biển trên địa bàn tỉnh; kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp vận tải và các chủ hàng, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng các yêu cầu trong thời kỳ mới

Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp

Sở Công Thương; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan

2022-2025

2

Cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động vận tải hành khách

Nâng cao vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp vận tải bằng ô tô tỉnh Thanh Hóa, kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp vận tải và các chủ hàng, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng các yêu cầu trong thời kỳ mới

Sở Giao thông vận tải

Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan

2022-2025

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mức hỗ trợ lãi suất vay đầu tư phương tiện xe buýt phù hợp có thể thu hút được các doanh nghiệp đầu tư phương tiện đảm bảo mục tiêu thay mới 100 phương tiện trong giai đoạn 2022-2024

Sở Tài chính

Sở Giao thông vận tải; Sở Công Thương và các đơn vị có liên quan

2022-2022

Thực hiện chính sách hỗ trợ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo Nghị quyết 235/2019/NQ- HĐND ngày 12/12/2019 đối với các tuyến buýt mở mới và các tuyến khôi phục lại; tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ các tuyến buýt đang khai thác nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm mức giá vé thu hút người dân sử dụng.

Sở Giao thông vận tải

Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan

2022-2025

Khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách đầu tư phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường (ô tô sử dụng năng lượng điện; khí hóa lỏng LPG...) để phát triển hệ thống vận tải hành khách đô thị bền vững.

Sở Giao thông vận tải

Sở Công Thương và các đơn vị có liên quan

2022-2025

V

Các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin

 

 

 

1

Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý điều hành hoạt động vận tải bằng ô tô

Đẩy mạnh chia sẻ, kết nối liên thông thông tin, dữ liệu giữa các ngành Công an, Thông tin truyền thông, Giao thông vận tải,... với Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải.

Sở Giao thông vận tải

Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Khoa học và Công nghệ; các đơn vị khác có liên quan

2022-2025

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng giao thông thông minh (ITS) trong quản lý điều hành giao thông vận tải nói chung, quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô nói riêng trên địa bàn tỉnh

Sở Giao thông vận tải

Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Khoa học và Công nghệ; các đơn vị khác có liên quan

2022-2025

2

Ứng dụng CNTT quản lý các điểm dừng đỗ phục vụ hoạt động VTHK bằng ô tô

Lắp đặt camera tại các điểm đầu cuối, các điểm dừng đỗ xe buýt, xe khách tuyến cố định, điểm dừng đón trả khách xe taxi, xe hợp đồng du lịch, nhằm tăng cường công tác quản lý, giám sát

Sở Giao thông vận tải

Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Khoa học và Công nghệ; Công an tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị khác có liên quan

2022-2030

Số hóa hệ thống điểm dừng đón trả khách của các phương tiện kinh doanh vận tải (điểm đón trả khách xe tuyến cố định, taxi, du lịch, điểm dừng nhà chờ xe buýt,...) nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước; đổi mới cách thức cung cấp thông tin về lộ trình tuyến, điểm dừng đỗ tại các điểm dừng, nhà chờ và trên phương tiện bằng hệ thống loa, đèn led cung cấp thông tin thời gian thực

Sở Giao thông vận tải

Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị khác có liên quan

2022-2030

 

PHỤ LỤC 02:

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
(Kèm theo Quyết định số 256/UBND-QĐ ngày 17 tháng 01 năm 2022 của Chủ tịch UBND tỉnh)

TT

Nội dung chi

Kinh phí (tỷ đồng)

Nguồn vốn

Ghi chú

Tổng

2022-2025

2026-2030

1

Cải tạo, xây dựng mới hệ thống nhà chờ xe buýt.

29

13

16

NSNN

- Giai đoạn 2022-2025. Đầu tư xây dựng mới và cải tạo, thay thế khoảng 65 nhà chờ xe buýt, bình quân 200 triệu đồng/01 nhà chờ.

- Giai đoạn 2026-2030. Đầu tư xây dựng mới và cải tạo, thay thế khoảng 73 nhà chờ xe buýt, bình quân 220 triệu đồng/ 01 nhà chờ.

2

Cắm biển các vị trí đón, trả khách xe taxi, xe khách liên tỉnh.

9

4

5

NSNN

- Đầu tư khoảng 1 tỷ đồng/1 năm

3

Lắp đặt camera tại các điểm đầu cuối, các điểm dừng đỗ xe buýt chính, xe khách tuyến cố định, điểm dừng đón trả khách xe taxi, xe hợp đồng du lịch

16

6

10

NSNN

Giai đoạn 2022-2025: Lắp đặt camera tại các điểm đầu cuối xe buýt, điểm dừng đón trả khách xe taxi, xe hợp đồng, du lịch.

Giai đoạn 2026-2030: tiếp tục thực hiện lắp đặt camera tại các điểm trên và tại các điểm dừng đỗ chính của xe buýt, tuyến cố định.

4

Đầu tư phương tiện

4.325

2.255

2.070

 

Chỉ tính phương tiện đầu tư mới, không tính kinh phí thay thế phương tiện đang hoạt động.

-

Xe buýt

460

160

300

XHH

- Giai đoạn 2022-2025 đầu tư mới khoảng 80 xe

- Giai đoạn 2026-2030 đầu tư mới khoảng 150 xe

-

Taxi

475

325

150

XHH

- Giai đoạn 2022-2025 đầu tư mới khoảng 650 xe

- Giai đoạn 2026-2030 đầu tư mới khoảng 300 xe

-

Xe khách tuyến cố định

1.815

945

870

XHH

- Giai đoạn 2022-2025 đầu tư mới khoảng 630 xe

- Giai đoạn 2026-2030 đầu tư mới khoảng 580 xe

-

Xe hợp đồng, du lịch

1.575

825

750

XHH

- Giai đoạn 2022-2025 đầu tư mới khoảng 150 xe trên 9 chỗ và 1.200 xe dưới 9 chỗ

- Giai đoạn 2022-2025 đầu tư mới khoảng 300 xe trên 9 chỗ và 600 xe dưới 9 chỗ

 

Tổng

4.379

2.278

2.101

 

 

 

PHỤ LỤC 03:

PHÂN KỲ NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
(Kèm theo Quyết định số 256/UBND-QĐ ngày 17 tháng 01 năm 2022 của Chủ tịch UBND tỉnh)

TT

Nội dung chi

Kinh phí (tỷ đồng)

Nguồn vốn

Ghi chú

Tổng

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Năm 2026

Năm 2027

Năm 2028

Năm 2029

Năm 2030

1

Cải tạo, xây dựng mới hệ thống nhà chờ xe buýt.

29

3,6

3,4

3,0

3,0

3,3

3,3

3,3

3,3

2,8

NSNN

 

2

Cắm biển các vị trí đón, trả khách xe taxi, xe khách liên tỉnh.

9

1,0

1,0

1,0

1,0

1,0

1,0

1,0

1,0

1,0

NSNN

 

3

Lắp đặt camera tại các điểm đầu cuối, các điểm dừng đỗ xe buýt chính, xe khách tuyến cố định, điểm dừng đón trả khách xe taxi, xe hợp đồng du lịch

16

1,5

1,5

1,5

1,5

1,5

2,0

2,0

2,0

2,0

NSNN

 

 

Tổng cộng

54

6,1

5,9

5,5

5,5

5,8

6,3

6,3

6,3

5,8

 

 

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 256/QĐ-UBND ngày 17/01/2022 phê duyệt Đề án phát triển hoạt động vận tải bằng ô tô trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.522

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.153.251
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!