BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2553/QĐ-BYT
|
Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH “HƯỚNG DẪN TẠM THỜI CÔNG TÁC KIỂM DỊCH Y TẾ PHÒNG CHỐNG
LÂY NHIỄM COVID-19 ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN VÀ NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN
HÀNG HÓA TẠI CÁC CỬA KHẨU ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SẮT, ĐƯỜNG THỦY VÀ ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG”
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền
nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới;
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Y tế;
Căn cứ diễn biến tình hình dịch
COVID-19 và Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc
tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất, nhập khẩu, vận
chuyển hàng hóa qua biên giới;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Y
tế dự phòng, Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này “Hướng dẫn tạm thời công tác kiểm dịch y tế phòng chống lây nhiễm
COVID-19 đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng
hóa tại các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không”.
Điều 2. Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định này có hiệu
lực kể từ ngày ký ban hành và thay thế Hướng dẫn ban hành kèm theo Công văn số
829/BYT-MT ngày 21/2/2020 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn kiểm dịch y tế biên giới
phòng chống COVID-19 đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện vận
chuyển hàng hóa.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra
Bộ; Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng Cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế;
Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc
Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng
y tế các Bộ, ngành; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- PTTg. Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- Thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia;
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- UBND các tỉnh, thành phố;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế;
- Lưu: VT, DP
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Xuân Tuyên
THỨ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
|
HƯỚNG DẪN TẠM THỜI
CÔNG TÁC KIỂM DỊCH Y TẾ PHÒNG CHỐNG LÂY NHIỄM COVID-19 ĐỐI VỚI PHƯƠNG
TIỆN VÀ NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA TẠI CÁC CỬA KHẨU ĐƯỜNG
BỘ, ĐƯỜNG SẮT, ĐƯỜNG THỦY VÀ ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2553/QĐ-BYT ngày 18 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
I. Phạm vi
1. Phòng chống lây nhiễm COVID-19
thông qua công tác kiểm dịch y tế đối với phương tiện và người điều khiển
phương tiện vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ,
đường sắt, đường thủy và đường hàng
không.
2. Đảm bảo an toàn phòng chống COVID-19 cho các lực lượng tham gia thực hiện công việc tại cửa khẩu.
II. Đối tượng áp dụng
1. Người điều khiển phương tiện, nhân
viên phục vụ, thành viên tham gia và phương tiện vận chuyển
hàng hóa đến từ hoặc từng đi qua quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19, cụ
thể bao gồm:
- Lái xe, chủ hàng, chủ xe, nhân viên
xếp dỡ hàng hóa, người giao hàng đi theo xe và xe ô tô vận chuyển hàng hóa đường bộ.
- Nhân viên đường sắt phục vụ chạy
tàu liên vận quốc tế chở hàng qua cửa khẩu biên giới.
- Thuyền viên, người đi theo tàu
(không bao gồm hành khách) và tàu thuyền, phương tiện vận tải đường thủy (gọi tắt
là tàu thuyền) chở hàng.
- Tổ bay và tàu bay chở hàng.
(Sau đây gọi tắt là người điều khiển
phương tiện và phương tiện vận chuyển hàng hóa).
2. Cán bộ, nhân viên các lực lượng
làm việc tại khu vực cửa khẩu: Hải quan, kiểm hóa, biên
phòng; an ninh hàng không, kỹ thuật mặt đất; cảng vụ, hoa tiêu, đại lý hàng hải
hoặc người được ủy quyền làm thủ tục; kiểm dịch y tế biên giới, kiểm dịch động
vật, kiểm dịch thực vật; đơn vị y tế tại cửa khẩu; trạm vận tải đường bộ; bốc xếp
hàng hóa tại cảng; cung ứng hàng hải và dịch vụ tại cảng; khu lưu trú tạm thời
và các đối tượng có liên quan khác.
III. Người điều khiển phương tiện
và phương tiện vận chuyển hàng hóa đến quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19
1. Người điều khiển phương tiện:
1.1. Trước khi tham gia điều khiển phương tiện đến quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19: Tự theo dõi sức khỏe bản
thân nếu có sốt hoặc ho, khó thở, mệt
mỏi thì chủ động ở nhà theo dõi sức khỏe, thông báo cho đơn vị quản lý (nếu có)
và đến cơ quan y tế để được khám, tư vấn và điều trị. Thực hiện đầy đủ các biện
pháp vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của Bộ Y tế (rửa tay
thường xuyên với xà phòng trong ít nhất 30 giây hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn trên
60% nồng độ cồn, giữ vệ sinh khi ho, hắt hơi...), đảm bảo
ăn uống hợp vệ sinh, đủ dinh dưỡng.
1.2. Khi tham gia điều khiển
phương tiện vận chuyển hàng hóa đến quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19 và
trở về Việt Nam
- Chỉ được chở hàng đến khu vực giao,
nhận hàng hóa ở khu vực cửa khẩu đường sắt, đường bộ, cảng hàng không, cảng biển,
không đi sâu vào nội địa. Hạn chế rời khỏi phương tiện khi chờ lấy hàng hoặc chờ dỡ hàng. Tăng cường sử dụng các phương
tiện thông tin liên lạc từ xa để giảm tiếp xúc trực tiếp.
- Mặc quần áo phòng hộ, đeo khẩu
trang đúng cách, kính, mũ, găng tay, bao giầy khi đến cửa
khẩu, cảng biển hoặc trước khi rời
tàu bay nếu là người điều khiển tàu bay. Khi về Việt Nam hoặc trước khi vào tàu
bay nếu là người điều khiển tàu bay để bay về, phải loại bỏ
quần áo phòng hộ, khẩu trang, kính mũ găng tay để thải bỏ tại khu vực lưu trú tạm
thời của cửa khẩu, cảng và thực hiện kiểm dịch y tế theo quy định.
- Tự theo dõi nhiệt độ và sức khỏe
hàng ngày, nếu có sốt hoặc ho, khó thở, mệt mỏi thì thông báo cho đơn vị quản
lý và cơ quan y tế để xử lý kịp thời.
- Thực hiện đầy
đủ các biện pháp vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của Bộ Y tế (rửa tay thường
xuyên với xà phòng trong ít nhất 30 giây hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn, giữ vệ sinh khi ho, hắt hơi...), đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh, có cốc uống dùng riêng, đựng khẩu trang và khăn giấy thải bỏ
vào các túi đựng rác kín. Bỏ túi rác vào nơi quy định và rửa tay.
- Khi phải rời khỏi phương tiện: Hạn
chế đến các khu vực tập trung đông người; giữ khoảng cách an toàn 1,5-2m khi tiếp xúc với người khác.
- Người điều khiển phương tiện (đường
bộ, đường thủy, đường sắt) thực hiện đúng, đầy đủ các quy định trên không bị
cách ly khi trở về, phải tự theo dõi sức khỏe trong vòng
14 ngày và kịp thời báo ngay cho đơn vị quản lý và cơ quan y tế địa phương khi
có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở.
- Người điều khiển phương tiện đường
hàng không về Việt Nam khi rời khỏi khu vực cửa khẩu phải thực hiện cách ly tại
cơ sở cách ly do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ định, lựa chọn; thực hiện
lấy xét nghiệm COVID-19 ngay khi về cơ sở cách ly. Nếu ở Việt Nam quá 5 ngày
thì tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm lần 2 (nếu lần 1 có kết quả
âm tính). Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính với
SARS-CoV-2 thì xử lý như trường hợp dương tính theo quy định.
Người điều khiển phương tiện đường
hàng không chỉ được cấp phép bay chuyến tiếp theo nếu đã được lấy mẫu xét nghiệm
COVID-19 trong vòng 5 ngày (tính từ khi ngày lấy mẫu lần cuối đến ngày dự kiến
rời Việt Nam).
2. Phương tiện vận chuyển hàng hóa
phải được khử khuẩn cả hai chiều (chiều đi và chiều đến)
tại khu vực cửa khẩu theo quy định.
IV. Người điều khiển
phương tiện, phương tiện vận chuyển hàng hóa đến từ hoặc từng đi qua quốc gia,
vùng lãnh thổ có dịch COVID-19
1. Đối với người điều khiển phương
tiện
- Chỉ được chở hàng đến và hoạt động trong khu vực giao hàng ở khu vực cửa khẩu đường bộ,
đường sắt, cảng hàng không, cảng biển, không đi sâu vào nội địa.
- Khi đến cửa khẩu đường bộ, đường sắt,
cảng hàng không, cảng biển, người điều khiển phương tiện nên hạn chế ra khỏi
phương tiện vận chuyển hàng hóa. Nếu ra khỏi phương tiện vận chuyển hàng hóa phải
đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn theo quy định.
- Sau khi rời khỏi phương tiện vận
chuyển hàng hóa, người điều khiển phương tiện sẽ phải di chuyển ra khu lưu trú
tạm thời trong khu vực cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển
để làm thủ tục kiểm dịch y tế theo quy định.
- Khi đến khu vực kiểm dịch, cơ quan
kiểm dịch y tế quốc tế thực hiện kiểm dịch trước khi thực hiện các thủ tục khác
theo quy định.
- Đồ bảo hộ, kính mũ khẩu trang, bao giầy được cởi bỏ và để trong túi có dán nhãn chất thải lây nhiễm trong khu lưu trú tạm thời.
Túi được đặt trong thùng có nắp đậy và dán nhãn theo đúng quy định về rác thải
lây nhiễm.
- Vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa
tay với xà phòng, đeo khẩu trang và thực hiện đúng các quy
định trên phương tiện vận chuyển hàng hóa hoặc trong khu vực lưu trú tạm thời tại
khu vực cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không.
- Trường hợp người
điều khiển phương tiện có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở, mệt mỏi trên đường đi
hoặc phát hiện khi thực hiện kiểm dịch y tế phải thực hiện cách ly y tế theo
đúng quy định.
- Đối với các
phương tiện vận chuyển có các điều kiện cho người điều khiển lưu trú thì được
phép ở ngay trên phương tiện, không bắt buộc phải tới các
khu lưu trú tạm thời.
- Trong thời gian tàu thuyền neo đậu,
bốc xếp hàng hóa:
+ Đối với thuyền viên nước ngoài,
không giải quyết cho thuyền viên, người đi theo tàu lên bờ;
+ Đối với thuyền viên quốc tịch Việt
Nam có nhu cầu thay đổi thuyền viên, thuyền viên hết hợp đồng
lao động, thuyền viên có nhu cầu hồi hương hoặc qua cửa khẩu khác, Ban chỉ đạo
phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh, thành phố có cửa khẩu đường thủy mà tàu
thuyền đang neo đậu xem xét, quyết định bố trí địa điểm
cách ly phù hợp. Thuyền viên rời tàu
lên bờ phải thực hiện kiểm dịch y tế, cách ly tập trung 14 ngày (kể từ ngày rời
tàu) và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.
- Trường hợp đặc
biệt thuyền viên phải đi cấp cứu thì thực hiện theo các yêu cầu của cơ quan kiểm
dịch y tế quốc tế và y tế địa phương.
- Người điều khiển phương tiện đường
hàng không đến Việt Nam: sau khi nhập cảnh Việt Nam, rời khỏi khu vực cửa khẩu
phải thực hiện cách ly tại cơ sở cách ly do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ
định, lựa chọn; thực hiện lấy xét nghiệm COVID-19 ngay khi về cơ sở cách ly. Nếu ở Việt Nam quá 5 ngày thì tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm lần 2 (nếu lần 1 có kết quả âm tính). Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý như trường hợp dương tính
theo quy định.
Người điều khiển phương tiện đường
hàng không đã đến Việt Nam chỉ được cấp phép tiếp tục bay chuyến tiếp theo nếu đã được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trong vòng 5 ngày
(tính từ khi ngày lấy mẫu lần cuối đến ngày dự kiến điều khiển rời Việt Nam).
2. Đối với phương tiện
- Bố trí khu vực đỗ và dỡ hàng riêng,
gần khu lưu trú tạm thời (nếu được) và phù hợp với thực tế khu vực cửa khẩu, thuận lợi cho tổ
chức kiểm dịch y tế thực hiện nhiệm vụ.
- Khử trùng phương tiện vận chuyển và
hàng hóa khi đến khu vực cửa khẩu Việt Nam theo quy định. Đối với tàu thuyền, phương
tiện vận tải đường thủy, việc khử khuẩn được áp dụng với các khu vực có tiếp
xúc trực tiếp với người điều khiển phương tiện, không bắt
buộc phải áp dụng đối với các khu vực khác. Đối với tàu
thuyền, phương tiện vận tải đường thủy vào sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ thì tiến
hành khử khuẩn toàn bộ trước khi đội ngũ sửa chữa, bảo dưỡng bắt đầu thực hiện
công việc.
- Khử trùng xe chuyên chở người điều
khiển phương tiện từ địa điểm đỗ vào khu lưu trú tạm thời. Sau mỗi lần thực hiện
chuyên chở: vệ sinh, dọn rửa, lau khử khuẩn bề mặt tay nắm cửa xe, ghế ngồi, cửa
sổ, sàn xe, điều hòa trong xe và các vị trí bị nhiễm bẩn.
V. Đảm bảo an
toàn, phòng chống lây nhiễm cho cán bộ, nhân viên các lực lượng làm việc tại
khu vực cửa khẩu
1. Trước khi làm việc
- Tự theo dõi sức
khỏe bản thân nếu có sốt hoặc ho, khó thở, mệt mỏi thì chủ động ở nhà, theo dõi sức khỏe và thông báo cho đơn vị quản lý. Nếu cần thiết, đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị;
- Chuẩn bị các trang bị cần thiết đủ cho thời gian làm việc: Nước uống hợp vệ sinh và cốc uống dùng riêng (đảm bảo vệ sinh); khăn giấy, khẩu trang, găng tay, sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn; quần áo sử dụng
riêng khi làm việc,...
2. Trong khi làm việc
- Người trực tiếp tiếp xúc với người
điều khiển, phương tiện vận chuyển, hàng hóa phải sử dụng khẩu trang, găng tay đúng cách. Sử dụng găng tay phù hợp để giảm tiếp xúc không cần thiết. Nếu không sử dụng
găng tay, phải rửa tay thường xuyên với xà phòng trong ít
nhất 30 giây hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn; tránh đưa
tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm. Không khạc nhổ bừa bãi.
- Sử dụng bộ quần áo phòng hộ (bao gồm
cả khẩu trang, kính, mũ, găng tay) khi phải tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
- Chủ động thực hiện các biện pháp vệ
sinh cá nhân: che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất
bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường
hô hấp. Bỏ khăn giấy che mũi, miệng vào thùng rác đúng nơi
quy định và rửa tay với xà phòng; ăn chín, uống chín và đảm
bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng;
- Trong quá trình làm việc nếu thấy
có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở cần thông báo với đơn vị quản lý và cơ quan kiểm dịch y tế biên giới tại khu vực cửa khẩu, cảng, nhà ga để xử lý theo quy định.
3. Khi kết thúc ca làm việc
Thải bỏ khẩu trang (nếu khẩu trang
dùng một lần) vào thùng đựng rác có đậy nắp kín hoặc giặt
khẩu trang bằng xà phòng và phơi khô
để sử dụng lại (đối với khẩu trang sử
dụng nhiều lần)
Không mặc quần áo sử dụng khi làm việc
về nhà; Để quần áo đã sử dụng trong
túi kín và giặt sạch sau mỗi ca làm việc.
VI. Yêu cầu đối với
khu lưu trú tạm thời
1. Sắp xếp người điều khiển phương
tiện ở vào khu lưu trú tạm thời ở khu vực cửa khẩu tốt
nhất đảm bảo mỗi người 1 phòng; trong trường hợp phải lưu trú theo nhóm, tốt nhất khoảng cách giữa các giường/vị trí nghỉ phải cách nhau tối thiểu 01 m trở
lên.
2. Địa điểm: Trong khu vực cảng, cửa khẩu, nhà ga hoặc khu vực do Ban chỉ đạo chống
dịch COVID-19 tỉnh, thành phố chỉ định, lựa chọn (phải gần khu vực cảng, cửa khẩu,
nhà ga). Khu lưu trú tạm thời phải đặt dưới sự giám sát, quản lý, đảm bảo an
toàn an ninh của chính quyền địa phương.
3. Hình thức: Cố định hoặc lưu động phù hợp
với điều kiện thực tế tại khu vực cảng, cửa khẩu, nhà ga.
4. Hướng dẫn các quy định đối với
người điều khiển phương tiện ở khu lưu trú tạm thời
- Người điều khiển phương tiện được
hướng dẫn các biện pháp tự phòng bệnh và phòng lây nhiễm
cho người khác bao gồm: tự đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày
(sáng, chiều), tự theo dõi sức khỏe, thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân,
đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trong ít nhất 30 giây hoặc sử
dụng dung dịch sát khuẩn trong trường hợp không có xà
phòng. Người điều khiển phương tiện cần thông báo cho cán
bộ y tế ngay khi có một trong những triệu chứng nghi ngờ
như sốt hoặc ho, khó thở.
- Người điều khiển phương tiện ở khu
lưu trú tạm thời thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng
vào thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có màu sắc và biểu
tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh. Đối với các rác thải sinh hoạt
khác, thu gom vào các thùng đựng rác thải thông thường.
- Không ra khỏi vị trí lưu trú tạm thời
trong thời gian lưu trú; Tránh tiếp xúc trực tiếp với người
khác trong khu vực lưu trú tạm thời. Đơn vị quản lý khu vực
lưu trú tạm thời cần có phương án đảm bảo kiểm soát việc tuân thủ quy định của
khu vực lưu trú tạm thời đối với người điều khiển phương
tiện.
- Được cung cấp suất ăn đảm bảo an
toàn thực phẩm hàng ngày, đảm bảo cơ sở vật chất thiết yếu
cho nhu cầu sinh hoạt. Không tổ chức ăn uống tập trung
đông người trong khu vực lưu trú tạm thời.
5. Quy định đối với cán bộ y tế và
nhân viên làm việc tại khu vực lưu trú tạm thời
Theo dõi tình trạng sức khỏe và thân
nhiệt người điều khiển phương tiện ít nhất 2 lần (sáng, chiều) một ngày, báo
cáo kết quả theo dõi hàng ngày cho tổ chức kiểm dịch y tế
tại cảng, cửa khẩu, nhà ga hoặc cơ quan y tế dự phòng địa phương tại khu vực
lưu trú tạm thời.
6. Phòng chống lây nhiễm tại khu vực
lưu trú tạm thời
- Các cơ sở lưu trú tạm thời phải đảm bảo thực hiện phòng chống lây nhiễm tại cơ sở bằng việc thực
hiện vệ sinh thông khí, thông thoáng nơi lưu trú, tăng cường
thông khí, hạn chế sử dụng điều hòa. Hằng ngày lau rửa nền nhà, tay nắm cửa và
bề mặt các đồ vật trong phòng, khu vực lưu trú bằng xà
phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường hoặc các dung dịch sát khuẩn.
- Cung cấp khẩu trang và hướng dẫn
người điều khiển phương tiện sử dụng khẩu trang đúng cách.
- Tại các khu vệ sinh phải bố trí nơi
rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.
- Chất thải là khẩu trang, khăn, giấy
lau mũi, miệng đã qua sử dụng của người điều khiển phương tiện tại khu lưu giữ
tạm thời được thu gom, vận chuyển và xử lý như chất thải lây nhiễm, cụ thể như
sau: Túi đựng khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng được đựng
vào thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có màu sắc và biểu
tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh phải được buộc kín miệng và tiếp
tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ hai, thu gom vào thùng đựng chất thải
lây nhiễm.
- Thùng đựng chất thải lây nhiễm phải
có thành cứng, có nắp đậy kín, có lắp bánh xe và được vận chuyển về nơi lưu giữ
tạm thời ít nhất 2 lần/ngày.
- Chất thải lây nhiễm phải được vận
chuyển đi xử lý ngay trong ngày. Các thùng đựng chất thải lây nhiễm phải được
khử khuẩn bằng dung dịch khử trùng có chứa 0,05% Clo hoạt
tính ngay sau khi sử dụng.
- Các chất thải sinh hoạt khác được
thu gom, vận chuyển, xử lý như chất thải thông thường.
- Phương tiện vận chuyển người mắc bệnh
hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải được khử trùng theo đúng quy định.
- Vật dụng cá nhân như quần áo, chăn
màn, bát đĩa, cốc chén được giặt, rửa bằng xà phòng hoặc
chất tẩy rửa thông thường.
- Người không phận sự không được vào khu
vực lưu trú tạm thời.
7. Xử lý khi phát hiện trường hợp
nghi ngờ mắc bệnh tại khu vực lưu trú tạm thời
- Nếu phát hiện có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, người quản lý khu vực lưu trú
tạm thời báo cáo ngay cho cơ quan kiểm dịch y tế tại cảng, cửa khẩu, nhà ga để hướng dẫn xử lý kịp thời hoặc cơ quan y tế dự phòng địa
phương tại khu vực lưu trú tạm thời.
- Chuyển những
người cùng phòng với người nghi ngờ mắc bệnh sang khu vực riêng.
- Cơ quan kiểm dịch y tế tại cảng, cửa
khẩu, nhà ga tiến hành xử lý, khử khuẩn khu vực lưu trú của người nghi ngờ mắc bệnh theo đúng quy định.
VII. Khử khuẩn hàng hóa nhập khẩu
và phương tiện vận chuyển hàng hóa
1. Khử khuẩn hàng hóa nhập khẩu
- Đảm bảo hàng hóa được bao gói kín,
không rò rỉ, không ảnh hưởng tới chất lượng hàng hóa bên trong khi thực hiện khử
khuẩn. Thực hiện khử khuẩn toàn bộ bề mặt thùng, kiện hàng bằng dung dịch khử
khuẩn chứa 0,05% Clo hoạt tính hoặc sử dụng các chế phẩm
diệt khuẩn tương tự đã được Bộ Y tế cấp chứng nhận đăng ký lưu hành.
- Đối với hàng hóa là động vật, thực
vật, thực phẩm, không thể tiến hành khử khuẩn bằng hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn
dùng trong gia dụng và y tế: thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương.
2. Khử khuẩn phương tiện vận chuyển
hàng hóa
2.1. Khử khuẩn tàu bay thực hiện theo
hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, quy định của hãng hàng không hoặc Tổ chức
Hàng không dân dụng quốc tế ICAO.
2.2. Ngay sau khi hoàn thành bốc dỡ
hàng hóa, tiến hành khử khuẩn toàn bộ những vị trí, bề mặt của phương tiện giao
thông đường bộ, tàu hỏa, tàu thuyền có tiếp xúc với người
bằng dung dịch khử khuẩn chứa 0,1% Clo hoạt tính hoặc sử dụng
các chế phẩm diệt khuẩn tương tự đã được Bộ Y tế cấp chứng nhận đăng ký lưu hành.
VIII. Tổ chức thực
hiện
1. Bộ Giao thông vận tải
- Phối hợp với Ủy
ban Nhân dân các tỉnh/thành phố trong việc chỉ định, lựa
chọn cơ sở cách ly; rà soát xét nghiệm của Tổ bay trước khi cấp phép bay.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan
hướng dẫn thực hiện công tác kiểm dịch y tế phòng chống lây nhiễm COVID-19 đối
với phương tiện và người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa tại các cửa
khẩu đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không theo hướng dẫn này.
2. Ủy ban Nhân dân các tỉnh/thành
phố
- Phối hợp với Bộ
Giao thông vận tải chỉ định, lựa chọn cơ sở cách ly; ra quyết định cách ly tổ
bay theo quy định.
- Chỉ đạo Sở Y tế thực hiện các thủ tục
kiểm dịch y tế; thực hiện việc cách ly, giám sát sức khỏe người cách ly; xét
nghiệm cho các thành viên tổ bay theo hướng dẫn. Khi phát
hiện các trường hợp nghi ngờ hoặc có ca dương tính thực hiện khoanh vùng, dập dịch
theo quy định.
- Căn cứ các chỉ đạo của Ban chỉ đạo
Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo
các đơn vị liên quan trên địa bàn tổ chức triển khai thực
hiện Hướng dẫn này tại các khu vực cửa khẩu trên địa bàn;
tổ chức kiểm tra giám sát và kịp thời
báo cáo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (qua Bộ Y tế - Cơ quan
thường trực) để có các phương án xử lý kịp thời với tình hình thực tế.
3. Tổ chức kiểm dịch y tế quốc tế
tại khu vực cửa khẩu
- Đảm bảo nhân lực, trang thiết bị,
phương tiện để bảo đảm thực hiện công tác kiểm dịch y tế tại
khu vực cửa khẩu, theo quy định.
- Phối hợp với các
cơ quan, đơn vị liên quan tại cửa khẩu xây dựng hướng dẫn cụ thể công tác kiểm dịch y tế phòng, chống
COVID-19 tại cửa khẩu để thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa bàn.
- Hỗ trợ các đơn vị liên quan hướng dẫn
việc sử dụng các trang thiết bị, phương tiện phòng hộ cho các cơ quan, đơn vị
và tổ chức, cá nhân liên quan tại khu vực cửa khẩu để bảo đảm công tác phòng,
chống COVID-19 hiệu quả.
4. Đơn vị quản lý, doanh nghiệp
khai thác tại khu vực cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển
- Tổ chức và phối hợp với các đơn vị liên quan thiết lập khu vực lưu trú tạm thời và đảm bảo
phòng chống lây nhiễm tại khu vực này.
- Tuyên truyền hướng dẫn thực hiện.
5. Cơ quan quản lý của từng lực lượng
tại cửa khẩu
Đảm bảo điều kiện làm việc an toàn,
phòng chống lây nhiễm cho người lao động thuộc phạm vi quản lý tại khu vực cửa
khẩu:
- Bố trí chỗ rửa
tay bằng nước sạch với xà phòng hoặc cung cấp các sản phẩm vệ sinh tay có chứa
cồn;
- Cung cấp khẩu trang, găng tay và các phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động;
- Duy trì vệ sinh sạch sẽ, thường
xuyên lau nền nhà và khử trùng các bề mặt các đồ vật tại nơi làm việc như tay nắm
cửa, nút bấm thang máy, điện thoại dùng chung, bàn phím máy tính, mặt bàn,... bằng
xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường hoặc các dung dịch sát khuẩn;
- Đảm bảo thông gió tốt, tăng cường
thông gió tự nhiên tại nơi làm việc;
- Có quy định và hướng dẫn người lao
động cách tự bảo vệ, thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của Bộ
Y tế khi có các biểu hiện mắc bệnh hoặc tiếp xúc với người nghi mắc bệnh;
- Khi có trường hợp cán bộ, nhân viên nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế,
tổ chức kiểm dịch y tế quốc tế tại cảng, cửa khẩu, nhà ga để được hướng dẫn, xử
lý theo quy định.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó
khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để nghiên cứu,
giải quyết./.