ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 22/2015/QĐ-UBND
|
Sóc Trăng, ngày 25 tháng 05 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN, HÌNH
THỨC ĐÀO TẠO VÀ NỘI DUNG, PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC SÁT HẠCH CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE MÔ TÔ
HẠNG A1 CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ CÓ TRÌNH ĐỘ HỌC VẤN QUÁ THẤP TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH SÓC TRĂNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND
ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ
ngày 13/11/2008;
Căn cứ Thông tư số
46/2012/TT-BGTVT ngày 07/11/2012 của Bộ Giao thông
vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy
phép lái xe cơ giới đường bộ;
Căn cứ Thông tư số 38/2013/TT-BGTVT ngày 24/10/2013
của Bộ Giao thông vận tải về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
46/2012/TT-BGTVT ngày 07/11/2012 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao
thông vận tải tỉnh Sóc Trăng,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy định về điều kiện, hình thức đào tạo và nội dung, phương án
tổ chức sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 cho đồng bào dân tộc thiểu
số có trình độ học vấn quá thấp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh,
Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch
UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và tổ
chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Giao thông vận tải;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ
Tư pháp);
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: TH, KT, VX, XD,
NC, HC.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Thành Nghiệp
|
QUY ĐỊNH
VỀ ĐIỀU KIỆN, HÌNH THỨC ĐÀO TẠO VÀ NỘI
DUNG, PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC SÁT HẠCH CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE MÔ TÔ HẠNG A1 CHO ĐỒNG
BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ CÓ TRÌNH ĐỘ HỌC VẤN QUÁ THẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 22/2015/QĐ-UBND ngày 25/5/2015 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Sóc Trăng)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi,
đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định về điều
kiện, hình thức đào tạo và nội dung, phương án tổ chức sát hạch cấp giấy phép
lái xe mô tô hạng A1 cho đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ học vấn quá thấp
trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
2. Quy định này áp dụng đối với các
cơ quan quản lý đào tạo, các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe,
tổ chức, cá nhân có liên quan và đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ học vấn quá thấp, có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Sóc
Trăng.
Điều 2. Giải thích
từ ngữ
Đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ học vấn quá thấp là những người có giấy khai sinh thể hiện là dân tộc thiểu số, đồng thời không
biết nói tiếng Việt hoặc biết nói tiếng Việt nhưng nói chậm, hiểu chậm tiếng
Việt; hoàn toàn không biết viết, không biết đọc tiếng Việt
hoặc biết đọc chậm, viết chậm tiếng Việt.
Điều 3. Các quy
định chung
1. Địa điểm để đăng ký đào tạo, sát
hạch là tại các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe có đủ điều kiện theo
quy định của Bộ Giao thông vận tải.
2. Thời gian mở lớp do cơ sở đào tạo
đề nghị và được Sở Giao thông vận tải chấp thuận đưa vào lịch đào tạo, sát hạch
theo quy định.
3. Số lượng học viên tối đa là 50
người/01 lớp.
4. Giáo viên giảng dạy phải là người
đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Khoản 9, Khoản 10, Khoản 11 Điều 5 Thông tư số
46/2012/TT-BGTVT ngày 07/11/2012 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo,
sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ và biết nói tiếng của người dân
tộc thiểu số đến dự học. Trường hợp không có giáo viên
biết nói tiếng dân tộc thiểu số thì cơ sở đào tạo phải thuê người phiên dịch,
kinh phí thuê do cơ sở đào tạo chi trả.
5. Mức thu học phí do cơ sở đào tạo
xây dựng theo mức học phí quy định tại Thông tư liên tịch số
72/2011/TTLT-BTC-BGTVT ngày 27/5/2011 của Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải
hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đào tạo lái xe cơ giới đường bộ. Không thu
thêm học phí hoặc các khoản lệ phí khác ngoài quy định.
6. Mức thu phí sát hạch thực hiện
theo Thông tư số 23/2013/TT-BTC ngày 27/02/2013 của Bộ Tài
chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe
cơ giới đường bộ.
Chương II
ĐIỀU KIỆN, HÌNH THỨC
ĐÀO TẠO
Điều 4. Điều kiện
đào tạo
1. Đối với cơ sở đào tạo
Cơ sở đào tạo lái xe đã được cơ quan
có thẩm quyền cấp giấy phép đào tạo hạng A1 và có đủ các điều kiện về giáo
trình, giáo án, giáo viên theo Khoản 4 Điều 3 và Khoản 1 Điều 6 của Quy định
này.
2. Đối với người được đào tạo
Tuổi và sức khỏe của người được đào
tạo phải đảm bảo theo quy định tại Điều 60 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và
thuộc phạm vi, đối tượng của Quy định này.
Điều 5. Hồ sơ của
người được đào tạo
1. Hồ sơ theo quy định tại Khoản 1
Điều 10 Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT ngày 07/11/2012 của Bộ Giao thông vận tải
quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ và phải có
giấy xác nhận trình độ học vấn quá thấp kèm theo trong hồ sơ.
2. Việc xác nhận trình độ học vấn quá
thấp do UBND xã, phường, thị trấn nơi người được đào tạo cư trú thực hiện, có
dán ảnh và đóng dấu giáp lai của nơi xác nhận. Nội dung xác
nhận ghi rõ họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký hộ khẩu
thường trú, số chứng minh nhân dân và trình độ học vấn quá thấp.
Điều 6. Hình thức
đào tạo
1. Về lý thuyết
a) Trên cơ sở giáo trình đào tạo mô
tô hạng A1 đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành, cơ sở đào tạo soạn
riêng giáo trình, giáo án có lược bỏ một số nội dung không phù hợp với đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ học vấn quá
thấp. Giáo trình, giáo án đào tạo phải được Sở Giao thông vận tải phê duyệt.
b) Lớp học được giảng dạy riêng và
theo giáo trình đã ban hành trong đó cần nhấn mạnh thêm về:
Tốc độ chạy xe trên đường, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, tác hại của
việc đã uống rượu, bia tham gia giao thông; chuyển hướng đúng
quy tắc giao thông đường bộ, đi đúng làn đường, trường hợp
tránh, vượt, khi qua cầu,...
2. Về thực hành:
Giáo viên hướng dẫn và thực hiện các
thao tác mẫu như sơ cứu tai nạn giao thông, lái xe trong
hình, trong sân tập và chỉ dẫn vị trí cũng như tác dụng các bộ phận chủ yếu của
xe mô tô.
3. Người có nhu cầu được đào tạo cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 theo Quy định này phải được đào tạo tập
trung tại các cơ sở được phép đào tạo Học viên phải dự học
tối thiểu 70% số tiết từng phần theo quy định.
4. Thời gian đào tạo theo quy định
tại Điểm a Khoản 1, Khoản 3 Điều 24 và Khoản 1 Điều 27 Thông tư số
46/2012/TT-BGTVT ngày 07/11/2012 của Bộ Giao thông vận tải.
Điều 7. Phương pháp
đào tạo
1. Sử dụng phương pháp giảng dạy trực quan, chủ yếu bằng hình ảnh, bằng động tác mẫu, bằng chỉ dẫn và hỏi đáp.
2. Trong quá
trình giảng dạy phải hướng dẫn cụ thể về cách điều khiển xe trên đường, các biện pháp đảm bảo an toàn khi tham
gia giao thông trên đường công cộng, nêu nhiều ví dụ cụ thể sinh động nhằm làm
cho học viên dễ hiểu dễ nhớ.
3. Dành thời gian để hướng dẫn, nhắc nhở học viên về nội dung và quy trình sát hạch,
đồng thời giáo viên phải điều khiển xe trong hình sát hạch liên hoàn làm mẫu.
4. Tổ chức và hướng dẫn cho học viên
thi thử lý thuyết và thực hành.
Chương III
NỘI DUNG, PHƯƠNG
ÁN TỔ CHỨC SÁT HẠCH
Điều 8. Đề sát
hạch lý thuyết
1. Bộ đề sát hạch lý thuyết do Sở Giao
thông vận tải ban hành và thống nhất quản lý trên cơ sở bộ
đề sát hạch lý thuyết chung của Tổng cục Đường bộ Việt Nam được lược bỏ một số câu hỏi để phù hợp với
thí sinh và có tham khảo giáo trình đào tạo đã được phê duyệt.
2. Bộ đề sát hạch lý thuyết gồm 15
đề, được đánh số từ 01 đến 15, mỗi đề có 15 câu hỏi, trong đó, có 07 câu về
khái niệm và quy tắc giao thông (01 câu về khái niệm, 05 câu về
quy tắc, 01 câu về tốc độ), 05 câu biển báo, 03 câu sa
hình.
3. Áp dụng hình thức đảo đề theo quy
định của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước mỗi kỳ sát hạch để bảo đảm tính khách quan.
Điều 9. Nội dung,
phương án tổ chức sát hạch lý thuyết
1. Hình thức: Sát hạch trắc nghiệm trên giấy để chọn đáp án đúng.
2. Quy trình sát hạch lý thuyết
a) Đối với thí sinh là người biết đọc
chậm, viết chậm tiếng Việt
- Thí sinh tự ghi thông tin cá nhân
trích ngang và ký tên vào mẫu bài sát hạch lý thuyết theo quy định.
-Thí sinh được
phát đề trong bộ đề sát hạch và đánh dấu kết quả từng câu hỏi vào mẫu bài sát
hạch lý thuyết.
- Thời gian làm bài 20 phút (kể từ khi phát đề sát hạch), đúng 12/15 câu là đạt yêu cầu.
b) Đối với thí
sinh là người không biết nói tiếng Việt hoặc biết nói tiếng Việt nhưng nói
chậm, hiểu chậm tiếng Việt; hoàn toàn không biết viết, không biết đọc tiếng Việt
- Sát hạch viên ghi thông tin cá nhân
trích ngang của thí sinh và yêu cầu thí sinh ký tên (hoặc in vân tay) vào mẫu
bài sát hạch lý thuyết.
- Thí sinh được phát đề trong bộ đề
sát hạch, sát hạch viên đọc câu hỏi cho thí sinh nghe và đánh dấu vào mẫu bài
sát hạch lý thuyết theo đáp án mà thí sinh lựa chọn.
- Thời gian làm bài 20 phút (kể từ
khi phát đề sát hạch), đúng 12/15 câu là đạt yêu cầu.
3. Sát hạch viên chấm bài sát hạch lý
thuyết bằng thẻ soi lỗ, sau đó công bố ngay kết quả để
thí sinh biết và yêu cầu thí sinh ký tên (hoặc in vân tay) vào
biên bản tổng hợp kết quả lý thuyết. Sát hạch viên ký tên xác nhận kết quả.
Điều 10. Nội dung
và phương án sát hạch thực hành
1. Thí sinh đạt sát hạch lý thuyết
mới được dự sát hạch thực hành.
2. Quy trình sát hạch thực hành thực
hiện theo Điểm b Khoản 3 Điều 37 Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT ngày 07/11/2012 của Bộ Giao thông vận tải.
3. Sau khi hoàn thành sát hạch thực
hành, sát hạch viên yêu cầu thí sinh ký tên xác nhận (hoặc in vân tay) vào biên
bản tổng hợp kết quả thực hành sát hạch lái xe. Sát hạch viên ký tên xác nhận
kết quả và công bố kết quả chung toàn kỳ sát hạch.
Điều 11. Xét công
nhận kết quả
Việc công nhận kết quả thực hiện theo
Điều 43 Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT ngày 07/11/2012 của Bộ Giao thông vận tải.
Điều 12. Cấp giấy
phép lái xe
Việc cấp giấy phép lái xe thực hiện
theo Điều 51 Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT ngày 07/11/2012 của Bộ Giao thông vận
tải.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM THỰC
HIỆN
Điều 13. Trách
nhiệm của Sở Giao thông vận tải
1. Hướng dẫn, kiểm tra và triển khai
thực hiện Quy định này.
2. Chỉ đạo cơ sở đào tạo lái xe biên
soạn giáo trình, giáo án giảng dạy, kiểm tra và phê duyệt
theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 6 Quy định này.
3. Chủ động lập kế hoạch và thống
nhất với cơ sở đào tạo về lịch đào tạo, sát hạch và thông báo rộng rãi để đối
tượng biết tham gia.
4. Soạn đề sát hạch, thẻ soi lỗ chấm
bài sát hạch lý thuyết theo Điều 8 Quy định này.
5. Bố trí sát hạch viên biết tiếng
dân tộc thiểu số để hỗ trợ thí sinh trong kỳ sát hạch. Trường hợp không bố trí được thì phải thuê người phiên dịch trong kỳ sát hạch.
6. Tổ chức kỳ sát hạch đúng thời
gian, địa điểm và đúng quy định.
7. Việc thanh tra, kiểm tra công tác
đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 14. Trách nhiệm
của cơ sở đào tạo
1. Cơ sở đào tạo phải nâng cao ý thức
trách nhiệm, chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị giảng dạy,
đội ngũ giáo viên, chú trọng đào tạo giáo viên là người biết tiếng dân tộc.
2. Phối hợp với UBND các huyện, thị
xã, thành phố và các cơ quan chức năng tổ chức thông tin phổ biến để Nhân dân
học và sát hạch lấy giấy phép lái xe đúng quy định.
3. Soạn giáo trình, giáo án và trình
Sở Giao thông vận tải phê duyệt.
4. Tổ chức đào tạo đúng nội dung, giáo trình và giáo án đã được phê duyệt.
Điều 15. Trách nhiệm
của UBND các huyện, thị xã, thành phố
1. Phối hợp với
Sở Giao thông vận tải và các sở, ban ngành chức năng thường xuyên thông tin,
tuyên truyền về chế độ chính sách ưu tiên của Nhà nước cho đối tượng là đồng
bào dân tộc thiểu số có trình độ học vấn quá thấp được học và sát hạch cấp giấy
phép lái xe mô tô hạng A1; động viên Nhân dân tự giác tham
gia học và sát hạch theo đúng Quy định này.
2. Chỉ đạo, kiểm tra UBND xã, phường,
thị trấn trong việc xác nhận nội dung theo quy định tại Khoản
2 Điều 5 Quy định này.
Điều 16. Trách nhiệm
của UBND các xã, phường, thị trấn
Xác nhận và tạo điều kiện thuận lợi
cho người dân đến xác nhận nội dung tại Khoản 2 Điều 5 của Quy định này; đảm
bảo tính chính xác đối với nội dung xác nhận và không thu tiền lệ phí xác nhận
đối với đối tượng trong Quy định này.
Điều 17. Xử lý vi
phạm
1. Người khai man
hồ sơ để được đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe theo Quy định này sẽ bị
xử lý bằng hình thức lập biên bản, cảnh cáo trước toàn thể thí sinh đến dự sát hạch, hủy kết quả sát hạch và toàn bộ hồ sơ học lái
xe, đồng thời, không được dự đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe trong thời
gian 12 tháng kể từ ngày bị lập biên bản.
2. Cán bộ, công chức các xã, phường,
thị trấn lợi dụng chức vụ, quyền hạn xác nhận sai quy định
tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp
luật hiện hành.
3. Những người làm việc thuộc cơ sở
đào tạo và sát hạch viên vi phạm các quy định về đào tạo, sát hạch bị xử lý kỷ
luật theo Thông tư số 06/2012/TT- BGTVT ngày 08/3/2012 của Bộ Giao thông vận
tải quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp
giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó
khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, cơ sở đào tạo phản ánh kịp thời về Sở
Giao thông vận tải để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.