ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
152/2005/QĐ-UBND
|
Đà
Nẵng, ngày 26 tháng 10 năm 2005
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ THI CÔNG TRÊN ĐƯỜNG BỘ ĐANG KHAI THÁC
THUỘC ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND
ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông Đường bộ
ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số
186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ Quy định về quản lý và bảo
vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Quyết định
2525/2003/QĐ-BGTVT ngày 28 tháng 8 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc ban
hành Quy định thi công công trình trên đường bộ đang khai thác;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Giao thông Công chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về thi công
trên đường bộ đang khai thác thuộc địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Điều 2.
Giám đốc Sở Giao thông Công chính có trách nhiệm tổ
chức, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy định này, định kỳ báo cáo UBND
thành phố.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày
ký.
Điều 4.
Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc Sở Giao
thông Công chính, Chủ tịch UBND quận, huyện, phường, xã, Thủ trưởng cơ quan,
đơn vị và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- TVTU, TT HĐND (b/c);
- Đoàn ĐBQH TP (b/c);
- Bộ GTVT (b/c);
- Bộ Xây dựng (b/c);
- CT, các PCT UBND;
- Các CPVP UBND TP;
- Sở Tư pháp;
- Lưu VT, QLĐTh, NCPC.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Hoàng Tuấn Anh
|
QUY ĐỊNH
VỀ THI CÔNG TRÊN ĐƯỜNG BỘ ĐANG KHAI THÁC THUỘC ĐỊA BÀN THÀNH
PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 152/2005/QĐ-UBND ngày 26 tháng 10 năm 2005
của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
1. Tổ chức,
cá nhân khi thi công sửa chữa, nâng cấp, cải tạo xây dựng mới các công trình
trong phạm vi đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ, phần trên không, phần
dưới đất, phần dưới mặt nước liên quan đến an toàn công trình và an toàn giao
thông đường bộ phải tuân thủ Nghị định 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004
của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ,
Quy định thi công công trình trên đường bộ đang khai thác (ban hành kèm theo
Quyết định số 2525/2003/QĐ-BGTVT ngày 28 tháng 3 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải), Quy định này và các quy định khác của Pháp luật có liên quan để
bảo đảm cho người và phương tiện qua lại an toàn, thông suốt liên tục; công
trình đường bộ đang khai thác bền vững và bảo vệ môi trường.
2. Tổ chức, cá nhân quản lý đường bộ
làm công tác quản lý, sửa chữa thường xuyên không phải xin giấy phép thi công
nhưng phải nghêm chỉnh thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông và vệ
sinh môi trường theo quy định hiện hành trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ
thi công.
3. Quy định này không áp dụng đối với
đường chuyên dùng của lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ an ninh, quốc phòng và đường
chuyên dùng của các tổ chức, cá nhân tự đầu tư xây dựng.
4. Khuyến khích tổ chức, cá nhân
trong nước và nước ngoài đầu tư, xây dựng các hầm kỹ thuật qua đường bộ để lắp
đặt các công trình ngầm.
Điều 2. Giải
thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1. Đường bộ gồm: đường,
cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ.
2. Công trình đường bộ gồm:
đường bộ, nơi dừng xe, đỗ xe trên đường, hệ thống thoát nước, đèn tín hiệu, cọc
tiêu, biển báo hiệu, dải phân cách và công trình, thiết bị phụ trợ khác.
3. Đất của đường bộ là
phần đất trên đó chỉ dành để xây dựng công trình đường bộ, sử dụng và khai thác
phục vụ cho mục đích an toàn giao thông vận tải đường bộ.
4. Hành lang an toàn đường bộ
là dải đất dọc theo hai bên đường (đối với đường đô thị là bề rộng vỉa hè
được duyệt) để bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ công trình đường bộ.
5. Phần trên không là
phần giới hạn chiều cao tối thiểu tính từ cao độ mặt đường hoặc cao độ mặt hành
lang an toàn đường bộ đến mép dưới thấp nhất của công trình.
6. Phần dưới mặt đất và phần
dưới mặt nước về nguyên tắc không có giới hạn.
7. Hầm kỹ thuật qua đường bộ
là công trình dự trữ, nhằm bố trí các công trình cơ sở hạ tầng lắp đặt ngầm
dưới đường bộ.
8. Kinh phí hoàn trả mặt bằng
là toàn bộ chi phí cần thiết, để khôi phục lại nguyên trạng kết cấu ban đầu
của đường bộ và các công trình đường bộ hoặc các công trình liên quan khác.
Điều 3.
Việc thi công các công trình trên đường bộ đang
khai thác chỉ được tiến hành khi đã có giấy phép thi công của cơ quan quản lý
nhà nước có thẩm quyền được quy định tại Điều 15 Quy định này; khi thi công
xong phải hoàn trả phần đường theo đúng nguyên trạng; đối với công trình ngầm
phải lập hồ sơ hoàn công và chuyển cho cơ quan quản lý đường.
Điều 4.
Khi Nhà nước cần giải tỏa để xây dựng công trình
công cộng, mở rộng nâng cấp đường trong phạm vi đã lắp đặt công trình thì chủ sở
hữu hoặc chủ đầu tư công trình phải có trách nhiệm di chuyển và giao trả mặt bằng
đúng tiến độ, thời gian yêu cầu và chịu mọi chi phí trong việc di chuyển công
trình.
Điều 5.
Nghiêm cấm mọi hành vi thi công các công trình trên
đường bộ đang khai thác làm thay đổi kết cấu ban đầu của công trình đường bộ và
các công trình hạ tầng kỹ thuật khác; để vật liệu ảnh hưởng đến an toàn giao
thông; trộn bê tông, trộn vữa trực tiếp xuống lòng đường, vỉa hè.
Chương 2.
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 6.
1. Đối với
trường hợp đường nhánh xây dựng mới nối trực tiếp vào đường chính hiện có thì
điểm nối phải được cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ có thẩm quyền quy định
tại khoản 1 Điều 15 Quy định này cho phép từ khi lập dự án và thiết kế phải bảo
đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn.
2. Đối với trường hợp xây dựng các
công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường bộ phải tuân thủ các quy
định sau:
a) Lập và duyệt dự án, thiết kế
theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng;
b) Phải được cơ quan quản lý nhà nước
về đường bộ có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 15 đồng ý bằng văn bản ngay
từ khi lập dự án và chấp thuận hồ sơ thiết kế trước khi trình cấp có thẩm quyền
phê duyệt theo quy định.
Điều 7. Quy định
về đào ngang qua đường bộ để thi công lắp đặt công trình ngầm
1. Các công trình ngầm băng ngang
qua đường phải được lắp đặt trong hầm kỹ thuật đã xây dựng.
2. Đối với đường bộ đã được đưa vào
khai thác sử dụng, nhưng chưa bố trí xây dựng hầm kỹ thuật thì giải quyết cho
phép khoan khô qua đường bộ.
3. Trong trường hợp áp dụng biện
pháp khoan khô qua đường nhưng không đáp ứng được yêu cầu thì cơ quan có thẩm
quyền cho phép đào ngang qua đường để lắp đặt công trình, nhưng phải tuân theo
nguyên tắc sau:
a) Dùng phương pháp ép cừ Larsen để
chống sạt lở nền đường;
b) Cấu kiện công trình phải được
đúc sẵn trước khi thi công đào đường;
c) Dùng máy cắt bê tông nhựa để cắt
phần mặt đường nhựa;
d) Chỉ được phép thi công trong thời
gian từ 22 giờ đêm đến 05 giờ sáng ngày hôm sau, kể cả thời gian thi công lắp đặt
cấu kiện công trình và thời gian hoàn trả tạm thời mặt bằng bảo đảm giao thông
thông suốt, an toàn;
đ) Thi công dứt điểm 1/2 phần đường,
1/2 phần đường còn lại dùng để bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn;
e) Thi công tiếp phần đường còn lại
sau khi đã thi công và hoàn trả tạm thời để bảo đảm lưu thông êm thuận, an toàn
và thông suốt đối với phần đường đã thi công trước đó;
g) Chậm nhất sau 5 ngày đối với các
công trình có diện tích phá dỡ nhỏ hơn 10m2 và 10 ngày đối với công
trình có diện tích phá dỡ lớn hơn 10m2 kể từ khi thi công lắp đặt
công trình ngầm dưới mặt đường, đơn vị được cấp giấy phép thi công phải hoàn trả
lại mặt đường theo đúng nguyên trạng bằng bê tông nhựa nóng hoặc bê tông nhựa
nguội.
Điều 8. Quy định
về đào dọc theo phần đường bộ để thi công lắp đặt công trình ngầm:
1. Trường hợp đào dọc theo phần đường
bộ có chiều dài từ 20m trở xuống để thi công lắp đặt công trình ngầm, cơ quan
có thẩm quyền cấp giấy phép giải quyết cho phép đào đường nhưng phải tuân thủ
các nguyên tắc quy định tại các điểm a, b, c, d và g khoản 3 Điều 7 của Quy định
này.
2. Trường hợp đào dọc theo phần đường
bộ có chiều dài trên 20m để thi công lắp đặt công trình ngầm, cơ quan có thẩm
quyền cấp giấy phép phải lập thủ tục trình UBND thành phố Đà Nẵng quyết định.
Sau khi được UBND thành phố chấp
thuận, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép giải quyết cho phép đào đường nhưng
phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại các điểm a, b, c, d và g khoản 3 Điều
7 của Quy định này. Thi công lắp đặt công trình phải dứt điểm trong phạm vi 100
mét và tiến hành thu dọn vật liệu thừa, hoàn trả tạm thời mặt đường bộ bảo đảm
lưu thông thông suốt, an toàn và vệ sinh môi trường trong phạm vi 100m vừa thi
công mới được tiếp tục thi công đoạn tiếp theo.
Điều 9. Thi
công lắp đặt công trình trong hành lang an toàn đường bộ
1. Đối với hành lang an toàn đường
bộ có kết cấu bằng bê tông xi măng, bê tông nhựa và kết cấu tương tự phải dùng
máy cắt bê tông để cắt phần mặt hành lang an toàn đường bộ cho phép thi công.
2. Đối với hành lang an toàn đường
bộ có kết cấu bằng gạch các loại, phải có biện pháp tháo dỡ thu hồi, bảo quản
và sau khi thi công phải lắp đặt lại như nguyên trạng ban đầu.
3. Đối với hành lang an toàn đường
bộ có kết cấu đất, đá, cấp phối đồi, cấp phối đá dăm và kết cấu tương tự cho
phép đào để thi công lắp đặt công trình.
4. Khi thi công trong phạm vi hành
lang an toàn đường bộ phải có biện pháp đảm bảo hoạt động bình thường của các tổ
chức, đơn vị và nhân dân trong phạm vi thi công; biện pháp gia cố chống sạt lở
gây ảnh hưởng tới các công trình ngầm hiện có và công trình dân dụng khác.
5. Thi công lắp đặt công trình phải
dứt điểm trong phạm vi 100 mét và tiến hành thu dọn vật liệu thừa, hoàn trả tạm
thời hành lang an toàn đường bộ bảo đảm lưu thông thông suốt, an toàn và vệ
sinh môi trường trong phạm vi 100m vừa thi công mới được tiếp tục thi công đoạn
tiếp theo.
Điều 10. Giấy
phép thi công trên đường bộ đang khai thác bao gồm
1. Giấy phép thi công lắp đặt các
công trình.
2. Giấy phép thi công các công
trình sửa chữa, cải tạo nâng cấp đường bộ.
3. Giấy phép thi công mở đường
ngang đấu nối vào đường bộ đang khai thác.
Điều 11. Thủ tục
cấp giấy phép thi công
1. Đối với giấy phép thi công lắp đặt
công trình, thủ tục gồm có:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép thi
công của tổ chức, cá nhân thi công;
b) Văn bản cam kết về việc tháo dỡ
và di chuyển công trình đã lắp đặt trả lại mặt bằng để Nhà nước xây dựng công
trình công cộng hoặc nâng cấp mở rộng nền mặt đường;
c) Hồ sơ thiết kế kỹ thuật và thiết
kế tổ chức thi công hoặc hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công phải được cơ quan quản
lý đường bộ có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản và được cấp có thẩm quyền phê
duyệt;
d) Biện pháp đảm bảo an toàn công
trình giao thông đường bộ và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác hiện có trên
đường bộ;
đ) Biện pháp bảo đảm an toàn giao
thông trong suốt thời gian thi công có xác nhận của Ban Quản lý dự án (trường hợp
các công trình đơn giản, không có thiết kế tổ chức thi công);
e) Báo cáo đánh giá tác động môi
trường do Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng thẩm định (đối với công trình quy
định lập báo cáo đánh giá tác động môi trường) hoặc Biện pháp đảm bảo vệ sinh
môi trường (đối với công trình không quy định lập báo cáo đánh giá tác động môi
trường);
g) Hồ sơ thiết kế - dự toán hoàn trả
mặt bằng theo nguyên trạng ban đầu do Sở Giao thông Công chính Đà Nẵng thẩm định;
h) Hợp đồng xây lắp (Nếu chủ đầu
tư là pháp nhân có chức năng thi công và tự thi công thì không cần thủ tục
này);
i) Nộp tiền đặt cọc bằng 100% kinh
phí hoàn trả mặt bằng nguyên trạng theo đơn giá dự toán được cấp có thẩm quyền
phê duyệt tại cơ quan cấp giấy phép thi công; khoản tiền này được hoàn trả lại
sau khi đơn vị đã thi công hoàn thành công trình, nộp hồ sơ hoàn công cho cơ
quan cấp phép và tự tổ chức hoàn trả đúng thời gian quy định tại điểm g khoản 3
Điều 7 của Quy định này.
Sau thời gian 5 ngày kể từ ngày thi
công lắp đặt công trình ngầm dưới mặt đường, hành lang an toàn đường bộ hoàn
thành, cơ quan cấp giấy phép thi công được quyền sử dụng tiền đặt cọc trên để
chỉ định đơn vị thi công hoàn trả mặt bằng theo nguyên trạng ban đầu và không
chi trả lại cho đơn vị được cấp giấy phép.
2. Đối với giấy phép thi công các
công trình sửa chữa, cải tạo nâng cấp đường bộ, thủ tục gồm có:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép thi
công của tổ chức, cá nhân thi công;
b) Quyết định công nhận đơn vị thi
công và cho phép khởi công công trình của cơ quan có thẩm quyền;
c) Hồ sơ thiết kế kỹ thuật và thiết
kế tổ chức thi công hoặc hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công phải được cơ quan quản
lý đường bộ có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản và được cấp có thẩm quyền phê
duyệt;
d) Biện pháp đảm bảo an toàn công
trình giao thông đường bộ và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác hiện có trên
đường bộ;
đ) Biện pháp bảo đảm an toàn giao
thông trong suốt thời gian thi công có xác nhận của Ban Quản lý dự án (trường hợp
các công trình đơn giản, không có thiết kế tổ chức thi công);
e) Báo cáo đánh giá tác động môi
trường do Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng thẩm định (đối với công trình quy
định lập báo cáo đánh giá tác động môi trường) hoặc Biện pháp đảm bảo vệ sinh
môi trường (đối với công trình không quy định lập báo cáo đánh giá tác động môi
trường);
3. Đối với giấy phép thi công mở đường
ngang nối vào đường chính đang khai thác, thủ tục gồm có:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép thi
công của chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân thi công;
b) Hồ sơ thiết kế kỹ thuật và thiết
kế tổ chức thi công phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền chấp thuận
bằng văn bản và được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Hợp đồng xây lắp (Nếu chủ đầu
tư là pháp nhân có chức năng thi công và tự thi công thì không cần thủ tục
này);
d) Các văn bản thống nhất về phương
án thi công, biện pháp đảm bảo an toàn giao thông và thời gian thi công giữa chủ
đầu tư hoặc đơn vị thi công và cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền (Chủ đầu
tư hoặc đơn vị thi công phải lập phương án thi công, biện pháp đảm bảo an toàn
giao thông và dự kiến thời gian thi công. Cơ quan cấp phép sau khi xem xét, nếu
nhất trí thì có văn bản chấp thuận để làm căn cứ giám sát, kiểm tra);
Điều 12. Quyền
và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hầm kỹ thuật qua đường bộ
1. Quyền:
a) Tổ chức quản lý, khai thác và
thu phí các công trình ngầm lắp đặt trong hầm kỹ thuật theo phương án được duyệt;
b) Được toàn quyền sử dụng hầm kỹ
thuật trong thời gian hoàn vốn theo phương án được duyệt.
2. Nghĩa vụ:
a) Liên hệ với đơn vị quản lý dự án
sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới đường bộ hoặc đơn vị quản lý đường
bộ có thẩm quyền để có kế hoạch xây dựng hầm kỹ thuật theo tiêu chuẩn và quy mô
phù hợp với đường bộ;
b) Lập phương án quản lý, khai thác
hầm kỹ thuật và lập thiết kế kỹ thuật thi công - dự toán hầm kỹ thuật gửi Sở
Giao thông Công chính thẩm định trình UBND thành phố phê duyệt;
c) Lập phương án tổ chức quản lý
thu phí và mức thu phí các công trình ngầm lắp đặt trong hầm kỹ thuật gửi Sở
Tài chính Đà Nẵng thẩm định trình UBND thành phố phê duyệt;
d) Báo cáo định kỳ hàng tháng bằng
văn bản với cơ quan quản lý Nhà nước về đường bộ có thẩm quyền kết quả công tác
quản lý, khai thác hầm kỹ thuật.
Điều 13. Tổ chức,
cá nhân thi công công trình trên đường bộ đang khai thác có trách nhiệm
1. Nộp đủ lệ phí cấp giấy phép và
các khoản thu khác (nếu có) theo quy định.
2. Thực hiện đúng nội dung ghi
trong giấy phép thi công;
3. Trước khi khởi công xây dựng
công trình phải thông báo bằng văn bản cho UBND xã, phường nơi có tuyến đường
thi công để thực hiện việc quản lý và kiểm tra trong quá trình thi công.
Điều 14.
Ban quản lý dự án (đại diện chủ đầu tư) có trách nhiệm
kiểm tra đơn vị thi công trong suốt quá trình thi công về tiến độ thi công (kể
cả thời gian hoàn trả mặt bằng), công tác đảm bảo an toàn giao thông, bảo đảm vệ
sinh môi trường; trường hợp đơn vị thi công thực hiện không đạt yêu cầu thì xem
xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp trên xử lý.
Điều 15. Cơ
quan cấp giấy phép
1. Thẩm quyền cấp giấy phép:
a) Giám đốc Sở Giao thông Công
chính có thẩm quyền cấp các loại giấy phép nêu tại Điều 10 của Quy định này đối
với các tuyến đường thuộc Sở quản lý;
b) UBND quận, huyện cấp các loại giấy
phép nêu tại Điều 10 của Quy định này đối với các tuyến đường phân cho UBND quận,
huyện quản lý;
2. Trách nhiệm của cơ quan cấp giấy
phép:
a) Đảm bảo đúng trình tự, thủ tục cấp
phép theo Đề án Cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa” của cơ quan,
đơn vị đã được UBND thành phố phê duyệt;
b) Trường hợp không giải quyết được
phải trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân và chủ đầu tư thi công công
trình;
c) Tổ chức thu tiền hoàn trả mặt bằng
và triển khai công tác hoàn trả mặt bằng theo nguyên trạng ban đầu; ngay sau
khi tổ chức, cá nhân bàn giao mặt bằng đã thi công xong.
Điều 16.
Cơ quan được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý đường bộ
có trách nhiệm thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn
giao thông, vệ sinh môi trường, tiến độ thi công của tổ chức, cá nhân thi công
trong suốt quá trình thi công và báo cáo định kỳ bằng văn bản về cơ quan có thẩm
quyền cấp giấy phép thi công.
Điều 17.
Các đơn vị quản lý đường bộ và lực lượng Thanh tra
Giao thông Công chính trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm
kiểm tra, thanh tra các tổ chức, cá nhân thi công trong suốt thời gian thi
công.
Chương 3.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18.
1. Trường hợp
tổ chức, cá nhân thi công vi phạm các quy định ghi trong giấy phép thi công và
các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ thì cơ quan quản lý
đường bộ và Thanh tra Giao thông Công chính xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Nếu tổ chức, cá nhân thi công
tái phạm thì cơ quan quản lý đường bộ và Thanh tra Giao thông Công chính có quyền
đình chỉ thi công, thu hồi giấy phép thi công và trong thời gian 24 giờ phải
báo cáo về cơ quan cấp giấy phép thi công để xem xét giải quyết. Tổ chức, cá
nhân thi công tự chịu trách nhiệm về việc chậm trễ và mọi phí tổn do bị ngừng
thi công.
Điều 19.
Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực
hiện các quy định về thi công công trình trên đường bộ đang khai thác được khen
thưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 20.
1. Tổ chức,
cá nhân có hành vi vi phạm quy định về thi công công trình trên đường bộ đang
khai thác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc
truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
2. Cán bộ, công chức, nhân viên nhà
nước có hành vi vi phạm trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao có liên
quan đến Quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật
hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
3. Người nào do vi phạm mà gây thiệt
hại về vật chất cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại
theo quy định của pháp luật.
Điều 21. Trong quá trình thực
hiện nếu có vướng mắc các ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân phản ảnh về Sở
Giao thông Công chính để nghiên cứu, tổng hợp trình UBND thành phố xem xét, sửa
đổi, bổ sung cho phù hợp./.