ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 09/2012/QĐ-UBND
|
Bạc Liêu, ngày 14 tháng 8 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC
GIAO THÔNG, HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN NỘI Ô THÀNH PHỐ BẠC LIÊU
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ năm 2008;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại tờ trình
số 72/TTr-SGTVT ngày 10 tháng 7 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về tổ chức giao thông, hoạt
động vận tải đường bộ trên địa bàn nội ô thành phố Bạc Liêu.
Điều 2. Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân thành phố Bạc Liêu có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng
có liên quan tổ chức triển khai thực hiện nội dung Quyết định này; đồng thời,
phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân được biết
và thực hiện.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải,
Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Bạc
Liêu và các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày
ký và thay thế Quyết định số 20/2009/QĐ-UBND ngày 05 tháng 10 năm 2009 của Ủy
ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định về tổ chức giao thông, hoạt động
vận tải đường bộ trên địa bàn nội ô thị xã Bạc Liêu./.
|
TM. UBND TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Thanh Dũng
|
QUY ĐỊNH
VỀ TỔ CHỨC GIAO THÔNG, HOẠT ĐỘNG VẬN
TẢI ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN NỘI Ô THÀNH PHỐ BẠC LIÊU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09/2012/QĐ-UBND ngày 14 tháng 8 năm 2012
của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp
dụng
1. Quy định này nhằm tổ chức giao thông, hoạt động vận tải
trên các tuyến giao thông đường bộ thuộc địa bàn nội ô thành phố Bạc Liêu để
đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn giao thông, vệ
sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
2. Quy định trách nhiệm các tổ chức, cá nhân tham gia giao
thông đường bộ trên địa bàn đô thị thành phố Bạc Liêu.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được giải thích như
sau:
1. Xe cơ giới gồm: Xe ôtô, máy kéo, rơ mooc hoặc sơ mi
rơ mooc được kéo bởi ô tô, xe môtô 02 bánh (kể cả xe máy điện), xe môtô 03
bánh, xe gắn máy (kể cả xe dành cho người tàn tật) và các loại xe tương tự;
2. Ôtô tải: Là ôtô chở hàng có tổng trọng tải từ 1,5
tấn trở lên;
3. Máy kéo: Là đầu máy tự di chuyển bằng xích hay bánh lốp
để thực hiện các công việc đào, xúc, nâng, ủi gạt, kéo, đẩy;
4. Xe máy chuyên dùng: Gồm xe máy thi công, xe máy nông
nghiệp, lâm nghiệp;
5. Ô tô khách: Là ô tô có kết cấu và trang bị dùng để chở
người và hành lý mang theo, có số chỗ ngồi bao gồm cả người lái từ 10 chỗ trở
lên;
6. Xe lam: Là xe cơ giới 03 bánh hiệu Lambro hoặc các
loại xe có kết cấu tương tự được phép chở khách và hàng hóa;
7. Trọng tải: Là hàng hóa được phép chở do cơ quan Đăng
kiểm Việt Nam ghi trong Chứng nhận Kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi
trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của xe đó.
Chương II
TỔ CHỨC GIAO THÔNG, HOẠT ĐỘNG VẬN
TẢI ĐƯỜNG BỘ TRONG NỘI Ô THÀNH PHỐ BẠC LIÊU
Điều 3. Quy định đường một chiều cho các loại xe ôtô và
các phương tiện có đặc tính tương tự
1. Đường Phan Ngọc Hiển (từ cầu Kim Sơn đến đường Lê Văn
Duyệt): Hướng đi bắt đầu từ cầu Kim Sơn.
2. Đường Lê Văn Duyệt (từ đường Phan Ngọc Hiển đến đường
Hoàng Văn Thụ): Hướng đi bắt đầu từ đường Phan Ngọc Hiển.
3. Đường Hoàng Văn Thụ (từ đường Ninh Bình đến cầu Kim Sơn):
Hướng đi bắt đầu từ đường Ninh Bình.
4. Đường Hà Huy Tập (từ đường Hoàng Văn Thụ đến đường Phan
Ngọc Hiển): Hướng đi bắt đầu từ đường Hoàng Văn Thụ.
5. Đoạn đường Trần Phú cặp cầu Kim Sơn:
a) Từ đường Hoàng Văn Thụ đến đường Phan Ngọc Hiển: Hướng đi
từ đường Hoàng Văn Thụ.
b) Từ đường Hoàng Văn Thụ đến đường Hai Bà Trưng: Hướng đi
từ đường Hoàng Văn Thụ.
Điều 4. Cấm các loại xe ô tô tải có trọng tải từ 3,5 tấn trở
lên, máy kéo lưu thông trên một số tuyến đường nội ô thành phố Bạc Liêu: Đường
Võ Thị Sáu, Cách Mạng (đoạn từ đường Lê Duẩn đến cầu Xáng), Lộc Ninh và Nguyễn
Thị Minh Khai (đoạn từ cầu Ông Bổn đến Cao Văn Lầu) vào các khoảng thời gian
sau:
- Sáng: Từ 6 giờ đến 8 giờ;
- Trưa: Từ 10 giờ 30 phút đến 12 giờ;
- Chiều: Từ 16 giờ 30 phút đến 18 giờ.
Điều 5. Quy định về thời gian, tuyến đường được phép
đậu và lên xuống hàng hóa, bến bãi, phương tiện đậu để bảo quản tại nhà
1. Cấm ôtô tải có trọng tải từ 3,5 tấn trở lên đậu và lên
xuống hàng hóa trên một số tuyến đường: Võ Thị Sáu, Trần Phú, Trần Huỳnh, Cách
Mạng, Hai Bà Trưng, Mai Thanh Thế, Nguyễn Công Tộc (đoạn từ đường Trần Huỳnh
đến Châu Văn Đặng), Cao Văn Lầu (đoạn từ cầu Kim Sơn đến đường Nguyễn Thị Minh
Khai), Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn từ đường Cao Văn Lầu đến cầu Ông Bổn), vào
các khoảng thời gian sau:
- Sáng: Từ 6 giờ đến 8 giờ;
- Trưa: Từ 10 giờ 30 phút đến 12 giờ;
- Chiều: Từ 16 giờ 30 phút đến 20 giờ.
2. Cấm ôtô tải có trọng tải từ 3,5 tấn trở lên đậu và lên
xuống hàng hóa từ 6 giờ đến 18 giờ đối với các tuyến đường sau:
- Đường Phan Ngọc Hiển;
- Đường Hoàng Văn Thụ;
- Đường Hà Huy Tập (từ đường Bà Triệu đến đường Phan Ngọc
Hiển);
- Đường Lê Văn Duyệt (từ đường Hòa Bình đến đường Phan Ngọc
Hiển);
- Đường Điện Biên Phủ (từ đường Mai Thanh Thế đến cầu Kim
Sơn).
3. Cấm các loại xe ô tô, xe cơ giới 03 bánh đỗ đậu trên vỉa
hè.
4. Tạm thời cho phép đậu:
- Ô tô tải đậu lên xuống hàng hóa, xe lam khách đậu rước trả
khách các tuyến đường ngắn hiện có tại bãi trống giáp ranh giữa ba đường Lý Tự
Trọng - Hai Bà Trưng - Phan Đình Phùng (khu vực trước trụ sở Tổ dân phố 3,
phường 3, thành phố Bạc Liêu) kể cả ngày và đêm.
- Ô tô con, ô tô khách đậu trên đường Hai Bà Trưng (đoạn từ
đường Trần Phú đến đường Hà Huy Tập).
5. Phương tiện vận tải cần đậu bảo quản tại nhà phải có nơi
đậu riêng.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với các cơ quan thông tin đại
chúng có kế hoạch tuyên truyền thực hiện nghiêm túc Quy định này.
Điều 7. Sở Giao thông vận tải
1. Cấp các loại giấy phép lưu hành đặc biệt cho các phương
tiện tham gia giao thông:
a) Thực hiện việc cấp và thu hồi giấy phép lưu hành đặc biệt
cho các xe bánh xích, xe quá tải, quá khổ, siêu trường, siêu trọng theo đúng
các quy định hiện hành (trừ các trường hợp xe quá tải, quá khổ đặc biệt mà khi
lưu thông trên đường phải thực hiện các điều kiện bắt buộc như: Đi theo làn
đường quy định, có lực lượng dẫn đường, hộ tống hoặc phải gia cố cầu, đường
hoặc thực hiện các quy định bắt buộc về an toàn giao thông khác);
b) Thực hiện việc cấp, thu hồi giấy phép cho các hoạt động
vận tải khác như: Phương tiện chạy trong giờ cấm, đường cấm, các khu vực cấm
đậu, lên xuống hàng hóa trong giờ cấm. Chỉ cấp phép cho những trường hợp đặc
biệt thật sự cần thiết và chịu trách nhiệm về việc cấp phép đó.
2. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường quản lý, kiểm
tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
3. Thực hiện việc điều chỉnh, thay thế, tháo dỡ hệ thống
biển báo cho phù hợp với Quy định này và quản lý sử dụng hiệu quả tiết kiệm,
đúng quy định.
Điều 8. Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuần
tra kiểm soát, nhắc nhở, xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Ủy ban nhân dân thành phố Bạc Liêu
- Tạm thời tổ chức quản lý và sử dụng vỉa hè, lòng đường các
tuyến đường đối với xe 02 bánh theo đúng các quy định của pháp luật.
- Tổ chức quản lý, hoạt động bãi đậu xe ôtô tại Khoản 4,
Điều 5 theo đúng các quy định của pháp luật.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường tăng cường giám
sát, vận động nhân dân thực hiện nghiêm Quy định này.
Điều 10. Các tổ chức, cá nhân
Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an
toàn giao thông đường bộ và các điều khoản trong Quy định này.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Quy định này,
nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Sở Giao thông vận tải để báo
cáo Ủy ban nhân dân tỉnh có hướng chỉ đạo, xử lý kịp thời./.