ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số:
04/2009/QĐ-UBND
|
TP.
Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 01 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHUYỂN ĐỔI NGHỀ CHO NGƯỜI NGHÈO ĐANG SỬ
DỤNG LOẠI PHƯƠNG TIỆN XE BA, BỐN BÁNH TỰ CHẾ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính
phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kềm chế tai nạn giao thông;
Căn cứ Chỉ thị số 1405/CT-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ
về việc tiếp tục thực hiện quản lý xe công nông, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ
ba, bốn bánh theo quy định tại Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm
2007 và Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP ngày 04 tháng hai năm 2008 của Chính phủ;
Nhằm hỗ trợ cho các đối tượng thuộc hộ nghèo đang sử dụng các loại phương tiện
xe ba, bốn bánh tự chế có điều kiện chuyển đổi ngành nghề khác, loại phương tiện
khác nhằm tiếp tục ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo;
Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số
7594/LĐTBXH-VPB ngày 19 tháng 12 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Về đối
tượng được hỗ trợ
Người nghèo (có mã số hộ nghèo
giai đoạn 2 của thành phố) được Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn khảo sát
và lập danh sách xác nhận, đang sử dụng loại phương tiện xe ba, bốn bánh tự chế
để làm phương tiện mưu sinh trên địa bàn thành phố.
Điều 2. Về
chính sách hỗ trợ
1. Chính sách hỗ trợ không hoàn
lại, bao gồm:
a) Hỗ trợ đào tạo nghề để giải
quyết việc làm hoặc chuyển đổi nghề.
b) Hỗ trợ ban đầu cho hộ nghèo
và hộ cận chuẩn ngheo (có mã số) (gọi tắt là hỗ trợ ban đầu).
c) Hỗ trợ 100 (một trăm) xe gắn
máy hai bánh cho hộ nghèo khó khăn nhất, có thu nhập từ 5 triệu đồng/người/năm
trở xuống.
2. Chính sách hỗ trợ cho vay vốn
lãi suất ưu đãi và có bù lãi suất cho người vay:
a) Hỗ trợ vốn vay mua sắm phương
tiện làm ăn sau khi học nghề (máy móc thiết bị) hoặc chuyển đổi nghề.
b) Hỗ trợ vốn vay mua xe hai hoặc
bốn bánh được phép lưu hành theo quy định (thay thế xe tự chế cũ) để làm phương
tiện làm ăn (vận chuyển khách hoặc hàng hóa).
c) Hỗ trợ vốn vay để tham gia
làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Điều 3. Về mức
hỗ trợ, nguồn kinh phí và phương thức thực hiện
1. Đối với chính sách hỗ trợ
không hoàn lại:
a) Về mức hỗ trợ:
- Hỗ trợ đào tạo nghề: Áp dụng mức
hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo theo chương trình xóa đói giảm nghèo thành
phố, mức hỗ trợ được căn cứ theo giá học phí của cơ sở đã đăng ký với cơ quan
quản lý nhà nước về đào tạo nghề, nhưng tối đa không quá 3.600.000 đồng/người/khóa
đối với khóa đào tạo trung cấp và sơ cấp (kể cả đào tạo lái xe hoặc chuyển đổi
hạng của bằng lái xe để chuyển đổi nghề).
- Hỗ trợ ban đầu:
Mức hỗ trợ là 7.000.000 đồng/hộ nghèo có phương tiện xe. Đối với trường hợp hộ
nghèo có nhu cầu vốn lớn hơn mức hỗ trợ ban đầu để tổ chức sản xuất-kinh doanh
dịch vụ, sẽ được vay vốn bổ sung từ nguồn Quỹ Xóa đói giảm nghèo hoặc vay từ
Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương và được hướng dẫn chính sách hỗ trợ
bù lãi suất trong thời gian 3 năm.
- Hỗ trợ 100 xe môtô hai bánh để
làm phương tiện sinh sống cho 100 hộ nghèo khó khăn có thu nhập thấp bình quân
từ 5 triệu đồng/người/năm trở xuống (15 triệu đồng/xe Honda Wave a theo mẫu thiết
kế do Công ty Honda Việt Nam sản xuất) (100 hộ nghèo này sẽ không nhận hỗ trợ
ban đầu).
b) Nguồn kinh phí thực hiện:
- Nguồn ngân sách thành phố cấp
cho việc hỗ trợ đào tạo nghề nhằm chuyển đổi nghề và hỗ trợ xe môtô hai bánh
cho 100 hộ nghèo có thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng/người/năm trở xuống.
- Ủy ban nhân dân quận - huyện
được cân đối sử dụng nguồn ngân sách địa phương và tổ chức vận động từ các mạnh
thường quân để thực hiện việc hỗ trợ ban đầu (7.000.000 đồng/hộ) cho số người
nghèo (hộ nghèo) có sử dụng xe ba, bốn bánh làm phương tiện mưu sinh, nhằm giúp
họ tổ chức sản xuất - kinh doanh dịch vụ ổn định cuộc sống thoát nghèo bền vững.
c) Phương thức thực hiện:
- Về đào tạo nghề: Việc tổ chức
dạy nghề cho đối tượng quy định tại Điều 1 do các cơ sở dạy nghề thuộc Ủy ban
nhân dân quận - huyện tổ chức thực hiện (các trung tâm dạy nghề, các trường nghề,
các doanh nghiệp có chức năng đào tạo nghề giải quyết việc làm).
- Về hỗ trợ ban đầu cho hộ
nghèo: Do Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn lập danh sách hộ nghèo thuộc đối
tượng thực hiện đề án trình Ủy ban nhân dân quận - huyện xét duyệt hỗ trợ.
- Về hỗ trợ 100 xe cho hộ nghèo
có thu nhập dưới 5 triệu đồng/người/năm: Giao Ủy ban nhân dân phường - xã, thị
trấn lập danh sách hộ nghèo thuộc đối tượng thực hiện đề án đề nghị Ủy ban nhân
dân quận - huyện có ý kiến trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét và phê duyệt
(thông qua Thường trực Ban chỉ đạo Xóa đói giảm nghèo và Việc làm thành phố tổng
hợp và đề xuất).
2. Đối với chính sách cho vay vốn
ưu đãi:
a) Đối với hộ nghèo có mã số (hộ
khẩu KT1, KT2, KT3) được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ xóa đói giảm nghèo (gọi tắt là
Quỹ 140), mức vay tối đa không quá 50 (năm mươi) triệu đồng/hộ. Ngoài ra, hộ
nghèo có thành viên đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được vay vốn từ chương
trình xuất khẩu lao động của Ngân hàng Chính sách xã hội với mức vay tối đa
không quá 30 (ba mươi) triệu đồng/hộ.
b) Nguồn vốn vay: Từ Quỹ xóa đói
giảm nghèo và các chương trình vay quốc gia về việc làm, cho vay hộ nghèo và xuất
khẩu lao động của Ngân hàng Chính sách xã hội.
c) Mức hỗ trợ lãi vay:
- Đối với hộ nghèo vay vốn từ
nguồn Quỹ xóa đói giảm nghèo, được ngân sách thành phố hỗ trợ lãi vay 4%/năm
trên số dư nợ thực tế. Phần chênh lệch với lãi suất thực vay, hộ nghèo tự trả
là 2%/năm; thời gian hỗ trợ lãi vay là 03 năm.
- Đối với hộ vay vốn của Ngân
hàng Chính sách xã hội (từ các chương trình quốc gia về việc làm, cho vay hộ
nghèo và xuất khẩu lao động) được ngân sách thành phố hỗ trợ lãi vay với mức
5,8%/năm trên số dư nợ thực tế. Phần chênh lệch với lãi suất thực vay hộ tự trả
là 2%/năm; thời gian hỗ trợ lãi vay là 03 năm.
d) Phương thức thực hiện cho
vay:
- Đối với Quỹ 140: Ban chỉ đạo
Xóa đói giảm nghèo và việc làm phường - xã, thị trấn thực hiện các thủ tục giải
ngân vốn vay trên cơ sở đơn vay vốn của hộ được thẩm định và phê duyệt.
- Đối với vốn vay thuộc các
chương trình quỹ quốc gia về việc làm, cho vay hộ nghèo và xuất khẩu lao động:
Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh thành phố thực hiện các thủ tục giải ngân
vốn vay trên cơ sở dự án vay vốn của hộ được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và
phê duyệt.
đ) Thanh toán phần hỗ trợ lãi
vay do Sở Tài chính trực tiếp cấp phát:
- Đối với hộ gia đình vay vốn Quỹ
140: Hàng quý, Ủy ban nhân dân quận - huyện tạm ứng ngân sách quận - huyện để
chi trả phần hỗ trợ lãi vay cho Quỹ Xóa đói giảm nghèo của Ban chỉ đạo Xóa đói
giảm nghèo và Việc làm phường - xã, thị trấn nơi cho hộ vay vốn. Việc chuyển trả
phần hỗ trợ lãi vay do Sở Tài chính thành phố chuyển đến Ủy ban nhân dân quận -
huyện theo kế hoạch 6 tháng/lần và thực hiện quyết toán theo quy định.
- Đối với hộ gia đình vay vốn
chương trình quốc gia về việc làm, cho vay hộ nghèo, xuất khẩu lao động thuộc
Ngân hàng Chính sách xã hội: Sở Tài chính trực tiếp cấp phát cho Ngân hàng
Chính sách xã hội Chi nhánh thành phố theo kế hoạch 6 tháng/lần và thực hiện
quyết toán theo quy định.
Điều 4. Về tổ
chức thực hiện
1. Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội (Thường trực Ban chỉ đạo Xóa đói giảm nghèo và Việc làm) chịu trách nhiệm:
a) Phối hợp với Ủy ban nhân dân
quận - huyện lập kế hoạch triển khai thực hiện đề án về cơ chế chính sách hỗ trợ
và biện pháp tổ chức chuyển đổi nghề cho người sử dụng phương tiện xe ba, bốn
bánh tự chế được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
b) Theo dõi, kiểm tra việc thực
hiện việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm và cho vay vốn đối với số đối tượng
trên, đảm bảo đúng chế độ, chính sách và thời gian thực hiện theo quy định.
c) Hướng dẫn các quận - huyện,
phường - xã, thị trấn tổ chức xét duyệt cho vay Quỹ xóa đói giảm nghèo theo nhu
cầu vay của đối tượng để chuyển đổi ngành nghề phù hợp.
d) Giới thiệu các cơ sở đào tạo nghề
lái xe đào tạo nghề cho các đối tượng có nhu cầu học và thi lấy bằng lái xe phù
hợp.
đ) Chủ trì và phối hợp với Ngân
hàng Chính sách xã hội chi nhánh thành phố tổ chức thẩm định và xét duyệt dự án
vay vốn.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu
trách nhiệm:
a) Cân đối nguồn kinh phí và
trình Ủy ban nhân dân thành phố ghi bổ sung chỉ tiêu kế hoạch vốn năm 2009 và
các năm về sau cho các nguồn quỹ để thực hiện đề án.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài
chính cân đối kinh phí hỗ trợ lãi vay theo chỉ tiêu Ủy ban nhân dân thành phố
giao hàng năm.
c) Theo dõi, giám sát kết quả hoạt
động của đề án thực hiện chính sách hỗ trợ và chuyển đổi nghề cho người sử dụng
phương tiện xe ba, bốn bánh tự chế.
3. Sở Tài chính chịu trách nhiệm:
a) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu
tư cân đối kinh phí hỗ trợ lãi vay theo chỉ tiêu Ủy ban nhân dân thành phố giao
hàng năm.
b) Phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội hướng dẫn Ủy ban nhân dân quận - huyện về quản lý, sử dụng
và quyết toán các nguồn kinh phí được cấp phát để thực hiện đề án.
c) Theo dõi việc cấp phát, giám
sát việc chi tiêu, thanh quyết toán tài chính theo luật định. Cấp bổ sung vốn
cho Quỹ quốc gia về việc làm nhằm bảo đảm nguồn vốn thực hiện theo kế hoạch năm
2009 và các năm về sau của các Quỹ này.
4. Ngân hàng Chính sách xã hội
Chi nhánh thành phố chịu trách nhiệm:
a) Phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội thẩm định và xét duyệt dự án, chuẩn bị nguồn vốn để giải
ngân.
b) Chỉ đạo điều hành các phòng
Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận - huyện thực hiện giải ngân dự án,
thu hồi nợ, lãi và xử lý nợ theo đúng quy định.
c) Phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các trường
hợp bị rủi ro để báo cáo, đề xuất trình Ủy ban nhân dân thành phố xử lý theo
quy định.
d) Giám sát tình hình thực hiện
cho vay vốn, tổng hợp báo cáo định kỳ tháng, quý, 6 tháng và hàng năm về Ủy ban
nhân dân thành phố và các sở ngành liên quan.
5. Ủy ban nhân dân quận - huyện
có trách nhiệm:
a) Giao cho Ban Xóa đói giảm
nghèo và Việc làm quận - huyện chịu trách nhiệm tổ chức hướng dẫn cho Ban Xóa
đói giảm nghèo và Việc làm phường - xã, thị trấn triển khai thực hiện các chính
sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện của các hộ nghèo trên địa bàn phường - xã,
thị trấn.
b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường
- xã, thị trấn giao cho Ban Xóa đói giảm nghèo và Việc làm phường - xã, thị trấn
chịu trách nhiệm phối hợp với Tổ dân phố, Ban điều hành Khu phố, Ấp chịu trách
nhiệm tổ chức hướng dẫn, xem xét việc hỗ trợ ban đầu (7.000.000 đồng/hộ) kết hợp
chặt chẽ với việc tư vấn cho người nghèo-hộ nghèo trong việc đào tạo nghề để
chuyển đổi nghề (thông qua giải quyết việc làm) và vay vốn chuyển đổi nghề, đảm
bảo phát huy đồng vốn được hỗ trợ ban đầu và vay vốn thêm để vươn lên thoát
nghèo có hiệu quả.
c) Tổ chức vận động mạnh thường
quân tham gia hỗ trợ ban đầu cho người nghèo (hộ nghèo) sử dụng phương tiện xe
ba, bốn bánh tự chế để mưu sinh.
d) Xem xét và đề nghị danh sách
hộ nghèo khó khăn nhất (có thu nhập từ 5 triệu đồng/người/năm trở xuống) là đối
tượng được hỗ trợ thông qua Ủy ban nhân dân quận-huyệt duyệt cho từng địa
phương gởi về Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố tổng hợp và phân bổ số
lượng xe Honda Wave a.
đ) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường
- xã, thị trấn thu hồi và xử lý phương tiện xe ba, bốn bánh của người nghèo-hộ
nghèo khi đã thực hiện hỗ trợ ban đầu.
e) Chỉ đạo Phòng Tài chính quận
- huyện nhận điều tiết từ Sở Tài chính và cung cấp kinh phí hỗ trợ ban đầu cho
các đối tượng; tạm ứng tiền hỗ trợ lãi vay cho Ban Xóa đói giảm nghèo và Việc
làm quận - huyện, phường - xã, thị trấn để thực hiện hoạt động quản lý nguồn vốn
vay từ Quỹ 140. Thực hiện thanh quyết toán theo quy định.
g) Chỉ đạo Phòng Lao động-Thương
binh và Xã hội phối hợp với trung tâm dạy nghề, các trường nghề của quận - huyện,
các doanh nghiệp trên địa bàn và các trung tâm giới thiệu việc làm tổ chức rà
soát lập danh sách người sử dụng phương tiện xe ba, bốn bánh tự chế có nhu cầu
học nghề, giải quyết việc làm. Qua đó, tổ chức tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi nghề
hoặc giới thiệu việc làm cho người sử dụng phương tiện xe ba, bốn bánh tự chế
trên địa bàn.
h) Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát
và đôn đốc các cơ sở dạy nghề thực hiện việc đào tạo nghề cho đối tượng trên.
6. Cơ sở dạy nghề (kể cả doanh
nghiệp) trên địa bàn thành phố chịu trách nhiệm: Tổ chức tư vấn, tuyển sinh, dạy
nghề theo đúng đối tượng và chất lượng.
7. Các Trung tâm giới thiệu việc
làm và doanh nghiệp: Tổ chức đối thoại, hướng dẫn người lao động tham gia học
nghề. Trên cơ sở đó, giải quyết việc làm phù hợp với khả năng làm việc của người
lao động.
Điều 5.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ
ngày ký.
Điều 6.
Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Giao thông vận
tải, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh thành phố, Thủ trưởng các Sở
- Ban - Ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã,
thị trấn, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 6;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Bộ Giao thông vận tải;
- Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam;
- Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND thành phố;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP;
- VP Đoàn Đại biểu Quốc hội TP;
- VP Thành ủy và các Ban Thành ủy;
- Các Đoàn thể thành phố;
- Các Ban HĐND thành phố;
- VPHĐ-UB: Các PVP;
- Các Phòng Chuyên viên;
- Lưu:VT, (ĐTMT-Thg) H.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
Nguyễn Thành Tài
|