BỘ
GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
47-NĐ
|
Hà
Nội, ngày 12 tháng 06 năm 1958
|
NGHỊ ĐỊNH
BAN HÀNH BẢN ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ VIỆC ĐĂNG KÝ CÁC PHƯƠNG TIỆN
VẬN TẢI ĐƯỜNG SÔNG, THUYỀN BUỒM ĐI BIỂN VÀ VIỆC QUẢN LÝ CÁC KINH DOANH VẬN TẢI
BẰNG NHỮNG PHƯƠNG TIỆN ẤY
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
Căn cứ chính sách vận tải ban
hành ngày 26-04-1955;
Căn cứ nghị định số 488-TTg ngày 30-03-1955 của Thủ tướng Chính phủ ban hành điều
lệ đăng ký các kinh doanh công thương nghiệp;
Căn cứ điều lệ tạm thời về việc cho phép và đăng ký các kinh doanh vận tải ban
hành ngày 21-11-1955;
Để đảm bảo thi hành đúng đắn chính sách vận tải, đảm bảo an toàn vận chuyển;
Theo đề nghị của Ông Giám đốc Cục Đường thủy và sau khi đã trao đổi ý kiến với
Bộ Tư pháp và Bộ Công an.
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1.
– Nay ban hành bản điều lệ tạm thời về việc đăng ký các phương tiện vận tải đường
sông, thuyền buồm đi biển và việc quản lý các kinh doanh vận tải bằng những
phương tiện ấy.
Điều 2.
- Bản điều lệ này thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 1958. Tất cả những quy định
trái với điều lệ này điều bãi bỏ.
Điều 3.
– Các ông Chánh văn phòng Bộ Giao thông và Bưu điện, Giám đốc Cục Đường thủy,
và các Ủy ban Hành chính các khu, thành phố, tỉnh chịu trách nhiệm thi hành nghị
định này.
|
BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Trân
|
ĐIỀU LỆ TẠM THỜI
VỀ VIỆC ĐĂNG KÝ CÁC PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI ĐƯỜNG SÔNG, THUYỀN
BUỒM ĐI BIỂN VÀ VIỆC QUẢN LÝ CÁC KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG NHỮNG PHƯƠNG TIỆN ẤY
Chương 1:
ĐĂNG KÝ VÀ KHÁM XÉT CÁC
PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI
Điều 1. –
Đóng phương tiện mới. Bất cứ ai muốn đóng một phương tiện vận tải thô
sơ trọng tải trên một tấn để kinh doanh vận tải hay làm một phương tiện cơ giới
bất luận lớn nhỏ đều phải làm đơn xin phép các cơ quan giao thông vận tải nói ở
điều 9 và chỉ được khởi công sau khi đã được các cơ quan ấy cho phép.
Điều 2. – Phương
tiện phải đăng ký và phương tiện không phải đăng ký. Tất cả các phương
tiện vận tải thô sơ trọng tải trên một tấn và phương tiện vận tải cơ giới bất
luận lớn hay nhỏ đều phải đăng ký trước khi sử dụng.
Những phương tiện sau đây không
phải đăng ký ở ngành giao thông:
- Phà;
- Phương tiện thô sơ trọng tải từ
một tấn trở xuống;
- Phương tiện thô sơ bất luận lớn
hay nhỏ dùng vào việc làm ruộng, đánh cá, phòng lụt và thể
thao.
Điều 3. –
Đơn xin đăng ký
a) Muốn xin đăng ký một phương
tiện thô sơ, người chủ phương tiện phải nộp:
- Đơn xin đăng ký có chính quyền
địa phương (Ủy ban Hành chính xã, ban Cán sự hành chính khu phố) hay đồn Công
an chứng nhận.
- Giấy phép đóng phương tiện nếu
là phương tiện mới đóng;
- Giấy bán phương tiện hay một
giấy tờ khác chứng thực phương tiện thuộc quyền sở hữu của người xin đăng ký.
b) Muốn xin đăng ký một phương
tiện vận tải cơ giới và xin cấp giấy phép lưu hành thì ngoài những giấy tờ như
trên, người chủ còn phải nộp những tài liệu về đặc điểm của phương tiện, những
bản vẽ ghi rõ cách bố trí, sắp xếp các buồng máy, buồng hành khách, hầm chứa
hàng v.v… Ngoài ra nếu cơ quan đăng ký đòi thêm những tài liệu khác về phương
tiện, người chủ phải cung cấp đầy đủ. Trường hợp phương tiện mua ở nước ngoài
thì người chủ còn phải nộp giấy biên lai thu thuế nhập khẩu.
Điều 4. - Số
đăng ký và tên của phương tiện. Phương tiện vận tải đã đăng ký đều có số.
Khi phương tiện thay đổi chủ hoặc đưa đến hoạt động ở một khu vực khác khu vực
đã đăng ký, số đăng ký cũng không thay đổi.
Riêng đối với phương tiện vận tải
cơ giới, người chủ có thể đặt tên và sau khi phương tiện đã được đăng ký thì
không một người nào khác được lấy tên đó đặt tên cho một phương tiện cơ giới của
mình.
Số đăng ký phải viết bằng sơn
hay khắc ngay vào phương tiện. Đối với phương tiện cơ giới, tên và bến chính phải
kẻ thật rõ ở hai bên mạn, đằng mũi và đằng lái.
Điều 5. –
Sang tên. Mỗi khi có sự thay đổi chủ như bán, đổi, cho v.v… người chủ mới
phải đến cơ quan đã đăng ký phương tiện xin sang tên, chậm nhất là 15 ngày sau
ngày làm giấy bán, đổi hay cho.
Điều 6. –
Phương tiện thay đổi khu vực hoạt động. Khi một phương tiện vận tải đưa
đi hoạt động ở một khu vực khác khu vực đã đăng ký phương tiện, nếu việc di
chuyển có tính cách lâu dài hay vĩnh viễn thì người chủ phải đến khai với cơ
quan đã đăng ký và xin giấy chứng nhận để nộp cho cơ quan đăng ký nơi sẽ đưa
phương tiện đến hoạt động. Việc khai báo với cơ quan sau không được để chậm quá
một tháng kể từ ngày cơ quan trước cấp giấy chứng nhận.
Điều 7. –
Phương tiện sửa chữa lại, thay máy hoặc xin phá hủy. Trong những trường
hợp sau đây, người chủ phải đến khai trình với cơ quan đã đăng ký phương tiện
hay cơ quan đăng ký nơi phương tiện hoạt động nói ở điều 6 trên:
a) Đã sửa lại, làm thay đổi hẳn
kiểu hay những đặc điểm chính của phương tiện;
b) Thay đổi toàn bộ máy móc;
c) Phương tiện bị mất tích, bị đắm
không trục, vớt lên được;
d) Phương tiện hỏng nát, xin phá
hủy.
Điều 8. - Giấy
phép lưu hành
a) Phương tiện thô sơ trọng tải
trên một tấn đến mười tấn sau khi đã đăng ký và được cấp giấy chứng nhận đăng
ký là được sử dụng ngay.
b) Phương tiện thô sơ trọng tải
trên mười tấn và phương tiện cơ giới bất luận lớn nhỏ, sau khi đã đăng ký còn
phải được cấp giấy phép lưu hành mới được sử dụng.
Trong giấy phép lưu hành của
phương tiện thô sơ phải ghi: tên, tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ của chủ phương tiện,
số đăng ký, tên, đặc điểm của phương tiện, tính chất chuyên chở (chở hàng hóa,
chở khách hay chuyên chở hỗn hợp), trọng tải hoặc số hành khách được phép chở.
Đối với phương tiện cơ giới thì
ngoài những điểm trên, còn phải ghi:
- Số lượng các trang bị an toàn
và cấp cứu;
- Số thuyền viên;
- Đặc điểm của phương tiện (vỏ,
máy, kích thước, tầm sâu khi phương tiện chở đầm, tầm sâu khi phương tiện rỗng
v.v…)
Nếu phương tiện được phép lai
thì cũng phải ghi trong giấy phép lưu hành.
Điều 9. – Cơ
quan đăng ký và cấp giấy phép lưu hành
Việc đăng ký và cấp giấy phép
lưu hành phân công như sau:
a) Phương tiện thô sơ ở tỉnh,
thành phố nào do Ty Giao thông tỉnh hay Sở vận tải thành phố ấy đăng ký và cấp
giấy phép lưu hành;
b) Phương tiện cơ giới ở khu vực
nào đăng ký ở khu vực ấy.
Cục Đường thủy quy định phạm vi
của mỗi khu vực và chỉ định cơ quan Giao thông hay Sở Vận tải phụ trách việc
đăng ký và cấp giấy phép lưu hành cho phương tiện cơ giới trong khu vực.
Điều 10. -
Bến chính. Phương tiện cơ giới đăng ký ở khu vực nào có thể lấy một bến
trong tỉnh hay thành phố trong khu vực đó làm bến chính.
Điều 11. –
Khám xét. Khi đăng ký tất cả các phương tiện vận tải đều phải khám xét.
Phương tiện có tốt, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và đủ bảo đảm an toàn mới được
đăng ký và cấp giấy phép lưu hành.
Phương tiện thô sơ trọng tải
trên mười tấn và phương tiện cơ giới bất luận lớn nhỏ, ngoài lần khám xét đầu
tiên khi xin đăng ký và cấp giấy phép lưu hành, còn phải khám lại trong những
trường hợp sau đây:
- Hết hạn lưu hành trong giấy
phép, khám để gia hạn (khám thường kỳ).
- Phương tiện đã sửa chữa hoặc
thay đổi toàn bộ máy (trường hợp a và b trong điều 7).
Ngoài ra, đối với tất cả các loại
phương tiện, kể cả phương tiện thô sơ trọng tải từ một tấn trở xuống, cơ quan
Giao thông hay Vận tải có quyền khám xét bất cứ lúc nào (khám bất thường) và cấm
sử dụng những phương tiện không đảm bảo an toàn.
Đối với phương tiện vận tải thô
sơ trọng tải trên mười tấn và phương tiện cơ giới, việc khám xét thường kỳ quy
định như sau:
- Phương tiện thô sơ: mỗi năm
khám toàn bộ một lần.
- Phương tiện cơ giới:
Vỏ gỗ
: 6 tháng khám vỏ một lần
Vỏ sắt
: mỗi năm khám vỏ một lần
Máy chạy xăng
: 6 tháng khám máy một lần
Máy bơm nước
: mỗi năm khám máy một lần
Máy dầu
Đối với phương tiện cơ giới việc
khám xét vỏ và máy phải kết hợp để khỏi phải khám xét làm nhiều lần ảnh hưởng đến
hoạt động của phương tiện.
Điều 12. –
Cơ quan khám xét. Việc khám xét các phương tiện vận tải do các cơ quan
Giao thông hay vận tải quy định ở điều 9 phụ trách.
Đối với các phương tiện cơ giới,
các cơ quan khám xét khám vỏ, thử máy, kiểm soát các trang bị an toàn và cấp cứu,
định số thuyền viên, đánh dấu mớn nước, định trọng tải và số hành khách được
phép chở.
Điều 13. -
Lệ phí đăng ký khám xét. Chủ phương tiện vận tải phải nộp một khoản lệ
phí trong những trường hợp sau đây:
- Đăng ký và cấp giấy phép lưu
hành;
- Sang tên;
- Khám xét thường kỳ;
- Khám xét trong hai trường hợp
a và b trong điều 7 trên.
Điều 14. –
Trang bị an toàn và cấp cứu
Phương tiện cơ giới phải có đủ
trang bị an toàn và đồ cấp cứu, đồ cứu hỏa như cơ quan đăng ký đã ấn định trong
giấy phép lưu hành.
Các loại phao phải làm đúng mẫu
đã được Cục Đường thủy công nhận và phải để ở chỗ dễ lấy, không được cột lại với
nhau.
Đối với phương tiện thô sơ
chuyên chở hành khách Cục đường thủy sẽ quy định số lượng phao phải có trên
phương tiện.
Chương 2:
THUYỀN VIÊN
Điều 15. -
Thuyền viên trên phương tiện thô sơ. Phương tiện vận tải thô sơ kể cả
bè, mảng phải có đủ số thuyền viên cần thiết để đảm bảo an toàn trong khi đi đường.
Thuyền viên phải đủ 18 tuổi và có kinh nghiệm đi sông nước.
Điều 16. -
Thuyền viên trên phương tiện cơ giới. Phương tiện cơ giới có thuyền trưởng
có bằng cấp hay giấy chứng nhận của Cục Đường thủy để điều khiển và chịu trách
nhiệm về an toàn của tàu. Chủ phương tiện dù có mặt trên tàu cũng không có quyền
quyết định những công việc chuyên môn của thuyền trưởng.
Số thuyền viên kể cả thợ máy
trên phương tiện do cơ quan đăng ký ấn định và ghi trong giấy phép lưu hành.
Điều 17. -
Sổ thủy thủ cá nhân. Tất cả những thủy thủ làm việc trên các phương tiện
cơ giới, booc và sà lan đều được cấp một quyển sổ thủy thủ cá nhân để ghi lý lịch,
loại bằng cấp và chuyên môn của từng thủy thủ, sự thuyên chuyển, những lần khen
thưởng hay thi hành kỷ luật v.v…
Sổ thủy thủ các nhân do các cơ
quan Giao thộng hay Vận tải phụ trách đăng ký phương tiện cơ giới cấp. Người chủ
phương tiện có thể ghi nhận xét của mình về khả năng và tinh thần phục vụ của
đương sự có Công đồng xác nhận. Thủy thủ không được tự ý tẩy xóa, sửa chữa, ghi
chép vào sổ của mình.
Điều 18. -
Sổ thuyền viên. Mỗi phương tiện cơ giới phải có một quyển sổ thuyền
viên để ghi danh sách thủy thủ làm việc trên phương tiện, công việc và ngày nhận
việc của mỗi người.
Mỗi khi muốn thay đổi thuyền
viên, chủ phương tiện phải báo cáo cho cơ quan đăng ký 10 ngày trước khi thay đổi.
Chương 3:
QUẢN LÝ KINH DOANH VẬN TẢI
Điều 19. -
Giấy phép kinh doanh
Tất cả những cá nhân, những tổ
chức nào, bất cứ là tư doanh, quốc doanh, công tư hợp doanh hay tập đoàn muốn
kinh doanh vận tải bằng phương tiện thô sơ hay cơ giới đều phải có giấy phép của
các cơ quan Giao thông Vận tải. Đối với quốc doanh thì văn kiện thành lập doanh
nghiệp thay cho giấy phép kinh doanh.
Thủ tục về việc xin phép và đăng
ký kinh doanh vận tải quy định trong bản điều lệ tạm thời số 344-NĐ ngày
29-11-1955 của Bộ Giao thông và Bưu điện.
Điều 20. -
Nội dung giấy phép kinh doanh.
Trong giấy phép kinh doanh vận tải
cần ghi rõ những điểm sau đây:
- Tính chất chuyên chở (chở hành
khách, chở hàng hóa hay chuyên chở hỗn hợp);
- Hành trình và các bến đậu ở dọc
đường;
- Trọng tải và số hành khách được
phép chở.
Điều 21. -
Nội quy. Phương tiện chuyên chở hành khách phải có nội quy được cơ quan
đăng ký duyệt. Nội quy phải nêu rõ trách nhiệm của thuyền trưởng, của thuyền
viên và những điều cần thiết mà hành khách phải tuân theo để đảm bảo an toàn và
vệ sinh.
Nội quy phải niêm yết trên
phương tiện.
Ngay chỗ hành khách ngồi phải
niêm yết:
- Hành trình của phương tiện và
các bến đậu ở dọc đường;
- Giá vé hành khách;
- Số hành khách và trọng tải tối
đa được phép chở.
Điều 22. -
Chỗ ngồi của hành khách. Phương tiện vận tải phải bố trí đủ chỗ ngồi
cho số hành khách được phép chở. Chỗ ngồi của hành khách phải ngăn cách với buồng
máy và được che mưa nắng.
Điều 23. -
Xếp hàng hóa. Hàng hóa phải được xếp gọn trong hầm chứa hàng hoặc ở sàn
(khoang). Sau khi đã xếp hết chỗ trong hầm hoặc sàn, hàng nhẹ có thể xếp lên
mui nhưng không được xếp cao quá 50cm.
Ca-nô không được xếp hàng hóa
lên mũi trừ xe đạp, nhưng xe phải để nằm và không được xếp qúa hai chiếc lên
nhau.
Điều 24. -
Vệ sinh. Phương tiện chở hành khách lúc nào cũng phải giữ gìn sạch sẽ.
Nếu chở súc vật và hàng hóa hôi tanh thì cần phải sắp xếp, bố trí để hành khách
không phải khó chịu và đảm bảo được vệ sinh trên phương tiện.
Điều 25. -
Sổ khiếu nại. Trên mỗi phương tiện chở hành khách phải có một quyển sổ
để hành khách tự tay ghi những điều khiếu nại. Sổ do cơ quan Giao thông hay Vận
tải ký và đánh số trang. Mỗi khi hành khách yêu cầu, thuyền trưởng hay chủ tàu
bắt buộc phải đưa sổ không được vì một cớ gì mà từ chối. Điều này phải ghi vào
nội quy và niêm yết cho hành khách biết.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN PHỤ
Điều 26. –
Cảnh sát y tế. Người làm vận tải công cộng phải chấp hành nghiêm chỉnh
mọi thể lệ về cảnh sát y tế trong việc chuyên chở người mắc bệnh truyền nhiễm,
người chết, người sinh đẻ trong khi đi đường, súc vật bị dịch tễ, v.v… Thể lệ ấy
do cơ quan Y tế quy định.
Điều 27. –
Chuyên chở chất nguy hiểm. Thể lệ về việc chuyên chở chất nguy hiểm như
thuốc nổ, chất bắt lửa (dầu xăng dầu thắp, v.v…) sẽ được quy định riêng.
Điều 28. -
Giấy tờ cần thiết phải có trên phương tiện vận tải:
a) Phương tiện thô sơ trọng tải
trên một tấn đến mười tấn phải có giấy chứng nhận đăng ký.
b) Phương tiện thô sơ trọng tải
trên mười tấn phải có:
- Giấy chứng nhận đăng ký
- Giấy phép lưu hành
- Sổ khám phương tiện.
c) Phương tiện cơ giới bất luận
lớn, nhỏ, ngoài các giấy tờ ghi ở điểm b trên phải có thêm sổ thuyền viên.
d) Phương tiện kinh doanh vận tải
phải có thêm:
- Giấy phép kinh doanh;
- Sổ khiếu nại nói ở điều
25, nếu là phương tiện cơ giới chuyên chở hành khách hay làm vận tải hỗn hợp.
Tất cả các giấy tờ trên lúc nào
cũng phải mang theo phương tiện để xuất trình khi các cơ quan có trách nhiệm kiểm
soát hỏi đến.
Chương 5:
XỬ LÝ CÁC VỤ VI PHẠM THỂ
LỆ
Điều 29. –
Hình phạt. Tùy theo trường hợp nặng, nhẹ, người bị vi phạm thể lệ vận tải
này bị trừng phạt bằng một hoặc nhiều hình phạt sau:
a) Phê bình, cảnh cáo;
b) Phạt tiền từ 1.000đ đến
50.000đ (phương tiện thô sơ) từ 5.000đ đến 50.000đ (phương tiện cơ giới). Về mức
phạt tiền xem phụ bản đính kèm;
c) Thu hồi có thời hạn hay vĩnh viễn
giấy phép lưu hành, giấy phép kinh doanh;
d) Truy tố trước tòa án trong những
trường hợp dưới đây:
- Người vi phạm thể lệ không chịu
sự xử lý của các cơ quan cảnh sát giao thông ;
- Vi phạm nhiều lần đã được cảnh
cáo nhưng không chịu sửa chữa.
Điều 30. –
Cán bộ có thẩm quyền lập biên bản
Các cán bộ nhân viên dưới đây có
quyền lập biên bản những vụ vi phạm thể lệ vận tải:
- Cảnh sát các cấp;
- Trưởng, phó ty Giao thông các
tỉnh, Chánh, phó Giám đốc Sở Vận tải thành phố, Chánh phó Giám đốc Cục Đường thủy
và những nhân viên được các cán bộ ấy ủy nhiệm.
Điều 31. -
Quyền hạn xử lý của các cơ quan kiểm soát:
a) Trưởng, phó đồn Công an phạt
tiền đến mức ………………… 5.000đ
b) Đại đội trưởng, đại đội phó Cảnh
sát giao thông thành phố, Trưởng, phó ty công an tỉnh phạt tiền đến mức 50.000đ
c) Chánh, Phó Giám đốc Khu, Sở
Công an phạt tiền đến mức 500.000đ
d) Trưởng, phó ty Công an tỉnh
trở lên tạm thời thu hồi giấy phép kinh doanh rồi đề nghị với các cơ quan đã cấp
những giấy phép đó thu hồi chính thức;
e) Trưởng, phó ty Giao thông tỉnh,
Chánh, phó Giám đốc Sở Vận tải thành phố, Khu Giao thông, các Khu Tự trị, Chánh
Phó Giám đốc Cục Đường thủy thu hồi giấy phép lưu hành và giấy phép kinh doanh.
f) Trưởng ty Công an và Trưởng
ty Giao thông trở lên có quyền truy tố trước tòa án.
Chương 6:
PHẠM VI ÁP DỤNG CỦA THỂ
LỆ, QUYỀN HẠN CỦA CỤC ĐƯỜNG THỦY, ỦY BAN HÀNH CHÍNH CÁC KHU TỰ TRỊ, THÀNH PHỐ
VÀ TỈNH
Điều 32. -
Phạm vi áp dụng.
Điều lệ này thi hành đối với tất
cả các phương tiện vận tải đường sông không phân biệt thô sơ hay cơ giới và tất
cả các thuyền buồm đi bễ, bất luận những phương tiện ấy là của tư nhân, của
đoàn thể hay các cơ quan Nhà nước.
Điều lệ này không thi hành đối với:
- Phương tiện vận tải của Quân đội;
- Phương tiện dùng để đánh cá,
làm ruộng, phòng lụt, phương tiện chơi thể thao;
- Phà và đò ngang phục vụ cho đường
bộ.
Điều 33. -
Quyền hạn của Cục Đường thủy, của Ủy ban Hành chính các Khu Tự trị, các thành
phố và tỉnh.
Ủy ban Hành chính các Khu Tự trị,
các thành phố và tỉnh có quyền quy định một số điểm chi tiết thích hợp với hoàn
cảnh từng địa phương và không trái với tinh thần điều lệ này để thi hành trong
Khu Tự trị, thành phố hay tỉnh. Quyền này cũng dành cho Cục Đường thủy được quy
định những chi tiết thi hành điều lệ trong cả nước.
Ban hành kèm theo nghị định số
47-NĐ ngày 12 tháng 08 năm 1958.
QUY ĐỊNH
MỨC PHẠT TIỀN ĐỐI VỚI CÁC VỤ VI PHẠM THỂ LỆ VẬN TẢI ĐƯỜNG
SÔNG
A. – PHƯƠNG TIỆN THÔ SƠ (TỪ
1.000 ĐẾN 50.000Đ)
1. Từ 1.000đ đến 5.000đ.
a) Sử dụng những phương tiện
chưa đăng ký
b) Phương tiện thay đổi chủ
không xin sang tên
c) Đưa phương tiện đến hoạt động
ở một khu vực khác không trình báo
d) Thiếu sót về sổ sách giấy tờ
e) Đóng phương tiện mới không có
giấy phép.
2. Từ 2.000đ đến 20.000đ
a) Sử dụng những phương tiện
chưa có giấy phép lưu hành
b) Thiếu trang thiết bị an toàn
và đồ cấp cứu
c) Hàng hóa xếp không đúng quy
cách
d) Không đủ số thuyền viên
3. Từ 10.000đ đến 50.000đ
a) Chưa có giấy phép kinh doanh
đã kinh doanh
b) Chở quá trọng tải, quá số
hành khách được phép chở
c) Phương tiện bị hư hỏng nhiều,
không sửa chữa, vẫn cho chạy.
B. – PHƯƠNG TIỆN CƠ GIỚI (TỪ
5.000Đ ĐẾN 500.000Đ)
1. Từ 5.000đ đến 50.000đ
a) Phương tiện thay đổi chủ
không xin sang tên
b) Thay đổi thuyền viên không
trình báo
c) Tàu chở hành khách không có nội
quy, nội quy chưa được duyệt, nội quy chưa niêm yết, giá cước chưa niêm yết.
d) Mất vệ sinh trên phương tiện.
2. Từ 20.000đ đến 100.000đ
a) Sử dụng phương tiện chưa đăng
ký hoặc chưa có giấy phép lưu hành
b) Không đủ số thuyền viên đã định,
thuyền trưởng, thợ máy không có bằng cấp hay giấy chứng nhận của Cục Đường thủy
c) Không đưa sổ khiếu nại cho
hành khách
d) Hết hạn lưu hành không đưa
phương tiện đến khám
e) Tự ý thay đổi tính chất
chuyên chở, - kinh doanh ở những luồng đường không được phép kinh doanh.
3. Từ 50.000đ đến 500.000đ
a) Chưa có giấy phép kinh doanh
đã kinh doanh
b) Thiếu trang thiết bị an toàn
và cấp cứu
c) Phương tiện bị hư hỏng nhiều
để xẩy ra tai nạn, không sửa chữa vẫn cho chạy
d) Chở quá trọng tải, quá số
hành khách được phép chở
Đính kèm điều lệ tạm thời về việc
đăng ký các phương tiện vận tải đường sông và thuyền buồm đi biển và việc quản
lý các kinh doanh vận tải bằng những phương tiện ấy.