HỘI
ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
203-CP
|
Hà
Nội, ngày 19 tháng 11 năm 1962
|
NGHỊ ĐỊNH
VỀ GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BIỂN
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Theo đề nghị của Bộ Giao
thông vận tải;
Căn cứ vào nghị quyết Hội
nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp ngày 25 tháng 05 năm
1962,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. –
Để bảo đảm an toàn và trật tự của việc giao thông vận tải đường biển, nay quy định
những nguyên tắc cơ bản về việc quản lý các phương tiện vận tải đường biển và về
việc giao thông ở trong hải phận, trong các Cảng, khúc sông mà tàu biển có thể
ra vào được của nước Việt-nam dân chủ cộng hòa.
Chương 1:
PHƯƠNG TIỆN ĐI BIỂN
Điều 2. –
Trừ những phương tiện của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang, tất cả
các phương tiện đi biển của cơ quan Nhà nước, xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp
doanh, hợp tác xã hay tập đoàn, (bất luận là phương tiện vận tải hay phương tiện
chuyên dùng như tàu kéo, tàu cuốc, tài hoa tiêu, tàu, thuyền đánh cá v .v…) đều
do các cơ quan Giao thông vận tải có trách nhiệm thống nhất quản lý kỹ thuật,
kiểm tra an toàn, đăng ký và cấp giấy phép đi lại.
Điều 3. –
Các cơ quan Giao thông vận tải được Bộ Giao thông vận tải phân công quản lý
giao thông đường biển là những Sở, Ty Giao thông vận tải, Ty Cảng vụ, cơ quan
đăng ký và kiểm tra giao thông đường biển. Những cơ quan này có nhiệm vụ:
- Xếp loại các phương tiện đi biển,
đăng ký và cấp những giấy tờ cần thiết cho các loại phương tiện này;
- Khám xét phương tiện thi biển;
- Kiểm tra việc chấp hành các thể
lệ về quản lý phương tiện đi biển, việc bảo đảm phương tiện luôn luôn được tốt
và đủ các điều kiện về an toàn và vệ sinh;
- Phối hợp với cơ quan Cảnh sát
nhân dân kiểm tra an toàn giao thông đường biển.
Điều 4. –
Phương tiện đi biển chỉ được sử dụng sau khi đã được cấp giấy phép đi lại. Giấy
phép đi lại chỉ cấp cho những phương tiện đi biển có đủ các điều kiện về an
toàn và vệ sinh cần thiết.
Cơ quan, xí nghiệp hay tổ chức
nào muốn đóng mới, khôi phục, đổi mới một phương tiện hoặc sửa chữa lớn, làm
thay đổi hẳn tính chất chuyên chở của phương tiện đi biển, phải trình cơ quan
Giao thông vận tải có thẩm quyền xét duyệt đồ án thiết kế mới trước khi khởi
công.
Ngoài trường hợp khám xét để lấy
giấy phép đi lại, các phương tiện đi biển còn phải được thường kỳ khám xét lại
theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Nếu cơ quan quản lý, cơ quan trực tiếp
sử dụng phương tiện hoặc thuyền trưởng yêu cầu thì phương tiện đi biển còn được
khám xét bất thường.
Qua việc khám xét, nếu phương tiện
đi biển không đủ điều kiện an toàn và vệ sinh, thì cơ quan Giao thông vận tải
có quyền tạm thời rút giấy phép đi lại của phương tiện này đến lúc phương tiện
đã được sửa chữa.
Điều 5. – Các
phương tiện đi biển, sau khi đã đăng ký được cấp các giấy tờ cần thiết theo quy
định của Bộ Giao thông vận tải. Các giấy tở này phải được giữ gìn cẩn thận và
phải xuất trình mỗi khi nhà chức trách yêu cầu. Thuyền trưởng phải chịu trách
nhiệm nếu phương tiện thiếu những giấy tờ quy định trong khi đi lại.
Chương 2:
THUYỀN TRƯỞNG, VÀ CÔNG
NHÂN VIÊN LÀM VIỆC TRÊN TÀU
Điều 6. - Trừ
các bè, mảng và thuyền nhỏ đánh cá, mỗi phương tiện đi biển phải có một Thuyền
trưởng chỉ huy chịu trách nhiệm chung, và một số công nhân viên để làm các công
việc ở trên tàu gọi chung là công nhân viên trên tàu. Cơ quan Giao thông vận tải
có thẩm quyền ấn định số công nhân viên cần thiết của mỗi phương tiện đi biển
và ghi vào giấy phép đi lại của phương tiện này. Đối với các phương tiện đánh
cá biển, vì công nhân viên trên tàu vừa làm việc của thủy thủ vừa làm việc đánh
cá, cơ quan Giao thông vận tải có thẩm quyền cần phối hợp với cơ quan Thủy sản
để ấn định số công nhân viên cho thích hợp.
Điều 7. - Tất
cả những công nhân viên trên các phương tiện đi biển đều phải đăng ký ở các cơ
quan Giao thông vận tải và mỗi người được cấp riêng một “sổ công nhân viên trên
tàu” khi công nhân viên trên tàu theo phương tiện đi biển ra nước ngoài Bộ Giao
thông vận tải sẽ cấp cho mỗi người một sổ hộ chiếu.
Cơ quan Giao thông vận tải cấp
cho mỗi địa phương tiện đi biển một sổ ghi tên công nhân viên trên tàu. Công
nhân viên công tác trên mỗi phương tiện đi biển đều phải ghi tên vào sổ ghi tên
ấy. Mọi sự thay thế, thêm, bớt công nhân viên trên tầu đều phải được cơ quan
Giao thông vận tải có thẩm quyền xét duyệt và chứng nhận vào sổ ghi tên công
nhân viên trên tầu.
Riêng đối với các tầu và thuyền
đánh cá biển, Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Thủy sản sẽ có quy định riêng về
việc khai báo danh sách và về sổ ghi tên công nhân viên trên tầu.
Để quản lý công nhân viên trên tầu
được tốt, các cơ quan chủ phương tiện đi biển và cơ quan Giao thông vận tải phải
phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an trong việc sử dụng, cấp “sổ công nhân
viên trên tầu” cấp hộ chiếu cho công nhân trên tầu đi ra nước ngoài v .v…
Điều 8. - Thuyền
trưởng, thợ máy, thợ điện trên các phương tiện cơ giới đi biển đều phải có bằng
cấp do cơ quan Giao thông vận tải cấp. Các vô tuyến điện viên sẽ do Tổng cục
Bưu điện và truyền thanh đào tạo và cấp bằng.
Bộ Giao thông vận tải quy định
những điều kiện về việc cấp bằng cho thuyền trưởng, thợ máy, thợ điện, về năng
lực của công nhân trên tầu, đồng thời tổ chức việc đào tạo, sát hạch và cấp bằng
cho Thuyền trưởng, thợ máy và thợ điện của các phương tiện đi biển. Đối với
thuyền trưởng và thợ máy của tầu đánh cá, các việc đào tạo, sát hạch và cấp bằng
sẽ do Bộ Giao thông vận tải cùng Tổng cục Thủy sản quy định.
Chương 2:
BẢO VỆ LUỒNG LẠCH VÀ
CÁC CỬA KHẨU
Điều 9. – Nghiêm
cấm tất cả những hành động cản trở giao thông đường biển.
Trừ trường hợp tối cần thiết,
phương tiện đi biển không được neo, đậu trong luồng đi lại.
Ở những luồng lớn và những nơi
có những phương tiện đi biển qua lại, các đăng, đáy cá và chà rào đánh cả chỉ
được cắm theo sự hướng dẫn của cơ quan Giao thông vận tải. Ở những luồng nhỏ,
nước nông không có phương tiện đi biển lớn qua lại, thì cơ quan Thủy sản hướng
dẫn ngư dân cắm đăng, đáy và chà rào theo đúng quy định của ngành Giao thông để
không gây trở ngại cho sự đi lại.
Khi cần làm những công tác như nạo
xét luồng lạch, đặt hoặc với phao tiêu v .v… cơ quan có trách nhiệm thi công phải
bố trí sắp xếp công việc để giao thông không bị gián đọan hoặc rút ngắn thời
gian gián đoạn giao thông đến mức tối thiểu cần thiết, đồng thời phải xin phép
Bộ Giao thông vận tải và yết báo ở trên các bến tầu, các cảng.
Điều 10. – Ở
gần các công trình và thiết bị về giao thông vận tải đường biển, tất cả các
chướng ngại vật như đăng, đáy cả và chà rào v .v… ở trên luồng đi lại đều phải
có tín hiệu theo đúng quy định của Bộ Giao thông vận tải.
Nếu thấy trên luồng đi lại có
chướng ngại vật không có tín hiệu, người đi biển có nhiệm vụ báo ngay cho cơ
quan Giao thông vận tải địa phương hoặc cảng gần nhất biết.
Điều 11. – Phương
tiện đi biển không được làm hư hại các công trình, thiết bị của cảng như cầu tầu,
nhà đèn, phao v .v… Tuyệt đối cấm cột phương tiện đi biển vào các phao chỉ luồng.
Nếu các phương tiện đi biển làm hư hại các công trình và thiết bị của cảng, gây
ra tổn hại các công trình và thiết bị của cảng, gây ra tổn thất đều phải bồi
thường thiệt hại; nếu làm hư hỏng, xê dịch hoặc trôi các phao chỉ luồng thì
Thuyền trưởng phải báo ngay cho Ban Giám đốc Cảng biết.
Điều 12. – Ở
các vịnh và khúc sông mà tầu biển có thể ra vào được, không một công trình
nào được xây dựng, không một thiết bị nào được đặt, nếu không có sự cho phép của
Bộ Giao thông vận tải.
Trong phạm vi của các cảng,
không một cơ quan, tổ chức nào được xây dựng bất cứ một công trình nào hoặc đặt
bất cứ một thiết bị nào nếu không được Ban Giám đốc Cảng thỏa thuận.
Điều 13. – Khi
một phương tiện đi biển bị đắm hay bị mắc cạn trong phạm vi các cảng hay ở
trong hải phận của nước Việt-nam dân chủ cộng hòa, thì Thuyền trưởng phải báo
cáo ngay với cơ quan Giao thông vận tải địa phương hay cảng gần nhất, đồng thời
phải thi hành những biện pháp báo hiệu cần thiết để tránh nguy hiểm cho các
phương tiện đi biển khác.
Khi phương tiện đi biển bị đắm
hay mắc cạn, người chủ phương tiện có nhiệm vụ trục, vớt phương tiện ấy theo
đúng các thủ tục, luật lệ và thời hạn do cơ quan Giao thông vận tải ấn định. Nếu
quá thời hạn quy định hoặc chủ phương tiện thiếu dụng cụ trục vớt thì cơ quan
Giao thông vận tải có thể tự mình làm việc trục, vớt chủ phương tiện phải chịu
mọi phí tổn. Nếu chủ phương tiện đi biển bị đắm hay mắc cạn không muốn trục, vớt
hoặc không chịu mọi phí tổn về việc trục vớt thì chủ phương tiện mất quyền sở hữu
đối với phương tiện ấy.
Chương 4:
RA VÀO CẢNG - BẾN ĐẬU
Điều 14. – Những
cảng sau đây được mở để giao dịch với nước ngoài:
- Cảng Hải-phòng;
- Cảng Hòn-gay;
- Cảng Cẩm-phả;
- Cảng Bến-thủy;
Tàu buôn nước ngoài chỉ được ra
vào bốn cảng trên để giao hàng, nhận hàng và chuyên chở hành khách.
Các tầu và thuyền đánh cá của những
nước đã được nước Việt-nam dân chủ cộng hòa cho phép đánh cá ở hải phận Việt-nam
được đậu ở một số bến khác nữa do Bộ Giao thông vận tải quy định sau khi
đã thỏa thuận với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Tổng cục Thủy sản.
Nếu vì tránh tai nạn hoặc vì bị
hư hỏng mà phương tiện đi biển của nước ngoài bắt buộc phải vào một địa điểm
khác thuộc bờ biển của nước Việt-nam dân chủ cộng hòa ngoài những cảng và bến đậu
đã quy định, thì Thuyền trưởng phải tìm cách báo ngay cho nhà chức trách địa
phương biết và phải chấp hành chỉ thị của nhà chức trách địa phương về mặt
an ninh, trật tự.
Điều 15. – Tàu
buôn nước ngoài muốn vào các cảng quy định ở điều 14 trên đây phải xin phép Bộ
Giao thông vận tải nước Việt-nam dân chủ cộng hòa trước, phải kịp thời cung cấp
cho cơ quan quản lý cảng định vào cảng những tài liệu về tàu, về công nhân viên
trên tàu, về hành khách và hàng hóa theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
Điều 16. – Trong
khi đậu và đi lại ở các Cảng, các bến trong hải phận của nước Việt-nam dân chủ
cộn hòa, phương tiện đi biển nước ngoài phải luôn luôn treo quốc kỳ của nước
mình.
Trong những ngày quốc lễ của nước
Việt-nam dân chủ cộng hòa, các phương tiện đi biển nước ngoài đậu ở trong cảng
và hải phận của nước Việt-nam dân chủ cộng hòa phải treo quốc kỳ của nước Việt-nam
dân chủ cộng hòa.
Điều 17 – Phương
tiện đi biển của nước ngoài ra vào và đi lại trong phạm vi các cảng quy định ở
điều 14 trên đây bắc buộc phải lấy hoa tiêu ở các cảng đó để dẫn tàu. Trong khi
hoa tiêu dẫn tàu, Thuyền trưởng vẫn phải chịu trách nhiệm về an toàn của tàu. Nếu
thấy hoa tiêu có những thiếu sót về nghiệp vụ có thể gây ra tai nạn, Thuyền trưởng
có quyền đình chỉ công tác của hoa tiêu và xin thay hoa tiêu khác . Nếu xảy ra
tai nạn, hoa tiêu có thể bị trừng phạt về hình sự và chủ phương tiện hoàn toàn
chịu trách nhiệm về dân sự.
Chương 5:
ĐỀ PHÒNG TAI NẠN VÀ NHIỆM
VỤ CỨU TRỢ KHI XẢY RA TAI NẠN
Điều 18 . -
Để tránh tai nạn, tất cả phương tiện đi biển đi lại, đánh cá hoặc làm những
công tác như nạo vét lòng lạch, đặt hoặc vớt phao tiêu, trục vớt tầu, thuyền v
.v… (kể cả phương tiện của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vũ trang và các
phương tiện đi biển của nước ngoài) trong hải phận, trong các vịnh và các khúc
sông mà tàu biển có thể ra vào được của nước Việt-nam dân chủ cộng hòa, đều phải
nghiêm chỉnh chấp hành các luật pháp của nước Việt-nam dân chủ cộng hòa, các
quy tắc của Bộ Giao thông vận tải và các điều lệ của các Cảng về mặt giao
thông vận tải đường biển. Chủ phương tiện và Thuyền trưởng phải hoàn toàn chịu
trách nhiệm về những tai hại do mọi sự sơ suất trong khi chấp hành những quy định
về giao thông vận tải đường biển.
Điều 19. – Ở
trong hải phận Việt-nam, khi một phương tiện bị nạn, thì Thuyền trưởng phải lập
tức thi hành những biện pháp cần thiết và khẩn trương để cứu những người bị nạn
và hàng hóa.
Trong trường hợp hai phương tiện
đi biển đâm vào nhau nếu một cái bị hư hại nặng, tính mạng hành khách và công
nhân viên trên tàu bị đe dọa, thì cái không bị hư hại hoặc bị hư hại nhẹ phải hết
sức cứu vớt hành khách, công nhân viên và tầu bị nạn. Trong tất cả các trường hợp
có phương tiện đi biển bị tai nạn, các phương tiện đi biển khác đi qua hoặc nhận
được tín hiệu cấp cứu đều có nhiệm vụ cứu cái bị nạn. Phương tiện tham gia vào
việc cứu trợ chỉ được rời nơi xẩy ra tai nạn sau khi đã làm xong nhiệm vụ và
xét thấy sự có mặt của mình không cần thiết nữa.
Điều 20. – Khi
xẩy ra tai nạn, Thuyền trưởng của phương tiện đi biển bị nạn phải tìm mọi cách
báo tin ngay cho nhà chức trách địa phương biết và sau đó phải làm báo cáo cụ
thể về tình hình tai nạn. Nếu phương tiện đi biển bị nạn
có thiết bị thông tin vô tuyến điện, thì phải báo tin ngay cho Cảng Hải-phòng.
Trong trường hợp hai phương tiện
đi biển đâm vào nhau, thì cả hai Thuyền trưởng đều phải báo tin và làm báo cáo
cho các nhà chức trách như quy định ở trên đây.
Chương 6:
CHẤP HÀNH THỂ LỆ XỬ LÝ
CÁC VỤ VI PHẠM THỂ LỆ VÀ TRANH CHẤP
Điều 21. – Các
phương tiện đi biển đi lại trong hải phận và ra vào các Cảng của nước Việt-nam
dân chủ cộng hòa đều phải:
a) Nghiêm chỉnh chấp hành những
luật lệ về giao thông vận tải đã được ban hành. Những phương tiện đi biển của
Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang cũng phải chấp hành đầy đủ những
thể lệ về an toàn giao thông đường biển.
b) Chịu sự kiểm soát của các nhà
chức trách.
Điều 22. – Người
vi phạm thể lệ giao thông làm mất trật tự ở các Cảng và ở trong hải phận của nước
Việt-nam dân chủ cộng hòa, sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền. Người vi phạm nghiêm
trọng, gây ra tai nạn hoặc làm thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, của nhân
dân, sẽ bị truy tố trước Tòa án; phương tiện đi biển của người vi phạm nghiêm
trọng có thể bị giữ lại trong một thời gian cần thiết để điều tra.
Điều 23. – Mọi
tranh chấp giữa chủ phương tiện đi biển của nước ngoài với các cơ quan, xí nghiệp
trong nước về những vấn đề ra vào Cảng, về việc thi hành các hợp đồng vận tải,
hợp đồng xếp dỡ; về việc cứu trợ tàu bị nạn và bồi thường thiệt hại v .v… đều
do Ủy ban Trọng tài hàng hải Việt-nam xét xử.
Điều 24. – Những
cán bộ sau đây có quyền lập biên bản về các vụ vi phạm thể lệ giao thông:
- Các Thanh tra hàng hải;
- Trưởng ty và Phó ty Cảng vụ và
các cán bộ được Trưởng ty Cảng vụ ủy nhiệm;
- Giám đốc, Phó giám đốc Sở Vận
tải, Trưởng ty và Phó ty Giao thông và những cán bộ được Giám đốc Sở Vận tải và
Trưởng ty Giao thông ủy nhiệm;
- Trưởng ty, Phó ty Công an và
các cán bộ được Trưởng ty Công an ủy nhiệm.
Điều 25. – Các
cơ quan Giao thông vận tải nói ở điều 3 trên đây cùng với các đội tuần tra của
Công an nhân dân vũ trang và Cảnh sát nhân dân có nhiệm vụ kiểm soát việc chấp
hành thể lệ về giao thông vận tải đường biển nhằm duy trì trật tự ở các Cảng và
bảo đảm an toàn giao thông đường biển trong hải phận của nước Việt-nam dân chủ
cộng hòa.
Chương 7:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 26. – Ông
Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải sẽ quy định chi tiết thi hành nghị định
này.
Điều 27. – Các
ông Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, ông Tổng cục
trưởng Tổng cục Thủy sản, các Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố miền
biển chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.
|
TM. HỘI ĐỒNG
CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Phạm Văn Đồng
|