CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 05/2017/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 16
tháng 01 năm 2017
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY
ĐỊNH VỀ XỬ LÝ TÀI SẢN CHÌM ĐẮM TRÊN TUYẾN ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA, VÙNG NƯỚC CẢNG BIỂN
VÀ VÙNG BIỂN VIỆT NAM
Căn cứ Luật tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Bộ luật
hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật giao
thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông
đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Bộ luật dân
sự ngày 24 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật bảo vệ
môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật biển
Việt Nam ngày 21 tháng 6 năm 2012;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xử lý
tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển
Việt Nam.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về xử lý tài sản chìm đắm
trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân
liên quan đến xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng
biển và vùng biển Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Tài sản chìm đắm bao gồm: Tàu thuyền, hàng hóa
hoặc các vật thể khác chìm đắm hoặc trôi nổi trên các tuyến đường thủy nội địa,
vùng nước cảng biển, vùng biển Việt Nam hoặc bị trôi dạt vào bờ biển Việt Nam.
2. Tài sản chìm đắm gây nguy hiểm là tài sản chìm đắm
làm cản trở hoặc gây nguy hiểm cho hoạt động hàng hải, hoạt động giao thông đường
thủy nội địa; đe dọa tính mạng và sức khỏe con người; ảnh hưởng đến tài nguyên,
gây ô nhiễm môi trường.
3. Xử lý tài sản chìm đắm bao gồm các hoạt động: Tiếp
nhận thông tin, xác định vị trí tài sản chìm đắm, thông báo, xác định chủ sở hữu
tài sản, trục vớt, chuyển giao, tiếp nhận, bảo quản, bán, tiêu hủy tài sản chìm
đắm.
4. Trục vớt tài sản chìm đắm bao gồm các hoạt động:
Thăm dò, xây dựng và thực hiện phương án làm nổi, di dời, phá dỡ, phá hủy tài sản
chìm đắm.
5. Cảng vụ là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành
tại khu vực có tài sản chìm đắm, gồm: Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội
địa, đơn vị quản lý đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật đường thủy nội
địa.
6. Tuyến đường thủy nội địa bao gồm luồng và hành
lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa, được xác định cụ thể điểm đầu và điểm cuối
và vùng nước cảng, bến thủy nội địa theo quy định.
Điều 4. Phân loại và xác định
tài sản chìm đắm gây nguy hiểm
Tài sản chìm đắm gây nguy hiểm được phân thành hai
cấp độ:
1. Tài sản chìm đắm gây nguy hiểm cấp độ 1 là những
tài sản thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Gây mất an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động
hàng hải, hoạt động đường thủy nội địa tại khu vực nhưng chưa gây ách tắc luồng
và chưa phải áp dụng biện pháp cấm luồng hàng hải hoặc luồng đường thủy nội địa;
b) Có nguy cơ gây bệnh dịch cho con người và môi
trường sống hoặc đe dọa đến tính mạng con người;
c) Có chứa đựng đến 100 tấn dầu mỏ, các sản phẩm dầu
mỏ hoặc đến 50 tấn hóa chất nguy hiểm, độc hại.
2. Tài sản chìm đắm gây nguy hiểm cấp độ 2 là những
tài sản thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Gây ách tắc luồng hàng hải hoặc luồng đường thủy
nội địa hoặc phải cấm luồng hàng hải hoặc luồng đường thủy nội địa;
b) Xảy ra tràn dầu hoặc hóa chất nguy hiểm, độc hại;
c) Gây bệnh dịch cho con người và môi trường sống
hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người;
d) Có chứa đựng trên 100 tấn dầu mỏ, các sản phẩm dầu
mỏ hoặc trên 50 tấn hóa chất nguy hiểm, độc hại.
3. Căn cứ các tiêu chí quy định tại khoản 1 và khoản
2 Điều này, Cảng vụ có trách nhiệm xác định loại tài sản chìm đắm nguy hiểm và
báo cáo ngay bằng văn bản cho cấp trên trực tiếp là Cục Hàng hải Việt Nam, Cục
Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải; trường hợp tài sản có
liên quan đến an ninh, quốc phòng, di sản văn hóa, Cảng vụ phải thông báo bằng
văn bản đến Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Điều 5. Nghĩa vụ tổ chức trục vớt
tài sản chìm đắm
1. Chủ sở hữu tài sản chìm đắm có nghĩa vụ tổ chức
trục vớt tài sản chìm đắm và chịu mọi chi phí liên quan đến việc trục vớt tài sản
chìm đắm.
Trường hợp tài sản chìm đắm là tàu thuyền, hàng hóa
hoặc các vật thể khác được chuyên chở trên tàu thuyền, chủ tàu thuyền có nghĩa
vụ trục vớt tài sản chìm đắm và chịu các chi phí liên quan; người quản lý, người
khai thác tàu thuyền chịu trách nhiệm liên đới trong việc trục vớt tài sản chìm
đắm và thanh toán các chi phí có liên quan đến việc trục vớt tài sản.
2. Đối với tài sản chìm đắm là di sản văn hóa, tài
sản chìm đắm liên quan đến an ninh, quốc phòng hoặc tài sản chìm đắm nguy hiểm,
chủ sở hữu tài sản chìm đắm có nghĩa vụ lập phương án trục vớt trình cơ quan có
thẩm quyền quy định tại Điều 12 của Nghị định này phê duyệt.
Trường hợp chủ sở hữu tài sản chìm đắm không thực
hiện tổ chức trục vớt hoặc trục vớt tài sản chìm đắm không đúng thời hạn yêu cầu,
cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 12 của Nghị định này
quyết định việc trục vớt tài sản chìm đắm, trừ trường hợp do sự kiện bất khả
kháng. Cảng vụ chủ trì, tổ chức trục vớt đối với tài sản chìm đắm gây nguy hiểm.
3. Chủ sở hữu tài sản chìm đắm ngoài việc thực hiện
các quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này, còn phải thực hiện các quy định có
liên quan của pháp luật về sử dụng biển và pháp luật về tài nguyên, môi trường
biển, đảo; đồng thời áp dụng mọi biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu sự cố gây ô
nhiễm môi trường. Trường hợp tài sản chìm đắm gây ô nhiễm môi trường, chủ sở hữu
tài sản chìm đắm phải áp dụng ngay mọi biện pháp để ngăn ngừa, hạn chế tổn thất,
xử lý ô nhiễm môi trường và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Mất quyền sở hữu đối với
tài sản chìm đắm
1. Đối với tài sản chìm đắm trong vùng nước cảng biển
và vùng biển Việt Nam, chủ sở hữu tài sản chìm đắm bị mất quyền sở hữu đối với
tài sản chìm đắm trong các trường hợp quy định tại Điều 281 của
Bộ luật hàng hải Việt Nam. Các Bộ trưởng hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh quy định tại Điều 284 của Bộ luật hàng hải Việt Nam có
trách nhiệm công bố mất quyền sở hữu đối với tài sản chìm đắm thuộc thẩm quyền
xử lý của mình.
2. Đối với tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội
địa, việc chấm dứt quyền sở hữu và thẩm quyền công bố chấm dứt quyền sở hữu đối
với tài sản chìm đắm được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
Chương II
XỬ LÝ TÀI SẢN CHÌM ĐẮM
Điều 7. Thông tin về tài sản
chìm đắm
1. Trách nhiệm cung cấp thông tin về tài sản chìm đắm
Chủ sở hữu tài sản chìm đắm hoặc tổ chức, cá nhân
khi phát hiện tài sản chìm đắm có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan có thẩm
quyền quy định tại khoản 2 Điều này biết về địa điểm và loại tài sản chìm đắm;
trường hợp tài sản chìm đắm là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu còn phải thông báo
cho cơ quan Hải quan nơi gần nhất để phối hợp giải quyết theo quy định của pháp
luật về hải quan. Việc cung cấp thông tin có thể thực hiện bằng một hoặc nhiều
phương thức sau: Trực tiếp, điện thoại, fax, email hoặc bằng các hình thức phù
hợp khác.
2. Cơ quan tiếp nhận thông tin về tài sản chìm đắm,
gồm:
a) Cảng vụ hàng hải tại khu vực đối với tài sản
chìm đắm trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam;
b) Cảng vụ đường thủy nội địa hoặc đơn vị quản lý
đường thủy nội địa tại khu vực trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc
cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đường thủy nội địa đối với
tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia;
c) Cảng vụ đường thủy nội địa hoặc đơn vị quản lý
đường thủy nội địa trực thuộc Sở Giao thông vận tải đối với tài sản chìm đắm
trên tuyến đường thủy nội địa địa phương;
d) Cơ quan quân sự tại địa phương đối với tài sản
chìm đắm thuộc lĩnh vực quốc phòng;
đ) Cơ quan công an tại địa phương đối với tài sản
chìm đắm thuộc lĩnh vực an ninh.
3. Khi nhận được thông tin về tài sản chìm đắm, cơ
quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm:
a) Xác nhận về việc tiếp nhận thông tin; kiểm tra
và xác minh thông tin đã nhận;
b) Phối hợp hoặc tổ chức bảo quản tài sản bị chìm đắm;
trường hợp tài sản bị chìm đắm ở ngoài vùng nước cảng biển hoặc tuyến đường thủy
nội địa thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có tài sản chìm đắm chủ trì, phối hợp
với các cơ quan có liên quan để tổ chức thực hiện việc bảo quản tài sản;
c) Tổ chức thiết lập báo hiệu cảnh báo, thông báo
hàng hải, đường thủy nội địa và điều tiết giao thông nếu cần thiết để đảm bảo
an toàn cho hoạt động của tàu thuyền.
Điều 8. Thông báo cho chủ sở hữu
tài sản chìm đắm
1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, việc
thông báo cho chủ sở hữu tài sản chìm đắm được thực hiện như sau:
a) Trường hợp tài sản chìm đắm có giấy tờ, tài liệu
hoặc ký, mã hiệu có thể xác định được tên và địa chỉ chủ sở hữu tài sản chìm đắm
thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan có thẩm quyền
quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định này thông báo cho
chủ sở hữu tài sản chìm đắm theo địa chỉ đã được tìm thấy;
b) Trường hợp tài sản chìm đắm chưa xác định được
chủ sở hữu, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin có
tài sản chìm đắm, các cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2
Điều 7 của Nghị định này phải thông báo 03 lần liên tiếp trên phương tiện
thông tin đại chúng của trung ương và địa phương để tìm chủ sở hữu tài sản chìm
đắm. Nội dung thông báo được thực hiện theo Mẫu số 01
quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp tài sản chìm đắm
có yếu tố nước ngoài còn phải thông báo bằng tiếng Anh;
c) Trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông báo lần cuối
theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này, chủ sở hữu tài sản chìm đắm hoặc
người đại diện hợp pháp phải liên lạc với cơ quan thông báo để làm thủ tục nhận
lại tài sản hoặc thực hiện nghĩa vụ trục vớt tài sản chìm đắm theo quy định tại
Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
2. Đối với tài sản chìm đắm gây nguy hiểm:
a) Trường hợp đã xác định được chủ sở hữu tài sản
chìm đắm, Cảng vụ phải thông báo ngay cho chủ sở hữu tài sản chìm đắm;
b) Trường hợp không xác định được chủ sở hữu tài sản
chìm đắm, Cảng vụ có trách nhiệm báo cáo để Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy
nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải thực hiện việc thông báo 03 lần
liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và địa phương về
việc tìm chủ sở hữu tài sản chìm đắm. Nội dung thông báo được thực hiện theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định
này; trường hợp tài sản chìm đắm có yếu tố nước ngoài còn phải thông báo bằng
tiếng Anh.
Điều 9. Thời hạn trình phương
án và tổ chức trục vớt tài sản chìm đắm
1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thời
hạn trình phương án trục vớt tài sản chìm đắm được quy định như sau:
a) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tài sản bị
chìm đắm hoặc từ ngày nhận được thông báo theo quy định tại các điểm
a và b khoản 1 Điều 8 của Nghị định này, chủ sở hữu tài sản chìm đắm phải
thông báo cho cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 12 của Nghị
định này về dự kiến thời gian bắt đầu, kết thúc việc trục vớt và trình
phương án trục vớt tài sản chìm đắm;
b) Căn cứ tình hình, điều kiện thực tế, cơ quan có
thẩm quyền quy định tại Điều 12 của Nghị định này quy định cụ
thể về thời hạn chủ sở hữu tài sản chìm đắm phải kết thúc hoạt động trục vớt và
phê duyệt phương án trục vớt.
2. Đối với tài sản chìm đắm gây nguy hiểm
a) Chậm nhất 01 ngày kể từ ngày tài sản bị chìm đắm
hoặc từ ngày nhận được thông báo quy định tại khoản 2 Điều 8 của
Nghị định này, chủ sở hữu tài sản chìm đắm phải trình phương án trục vớt để
cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
b) Chậm nhất 24 giờ đối với tài sản chìm đắm gây
nguy hiểm cấp độ 2 hoặc 03 ngày đối với tài sản chìm đắm gây nguy hiểm cấp độ 1
kể từ ngày phương án trục vớt tài sản chìm đắm được phê duyệt, chủ sở hữu tài sản
chìm đắm phải tiến hành trục vớt tài sản chìm đắm; trường hợp không thể thực hiện
được, chủ sở hữu tài sản chìm đắm phải có văn bản báo cáo cơ quan phê duyệt
phương án trục vớt tài sản chìm đắm và nêu rõ lý do.
Điều 10. Trách nhiệm lập
phương án trục vớt tài sản chìm đắm
1. Chủ sở hữu tài sản chìm đắm có trách nhiệm trực
tiếp hoặc thuê tổ chức, cá nhân thực hiện lập phương án trục vớt tài sản chìm đắm,
trình cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 12 của Nghị định
này để phê duyệt, trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Trường hợp không xác định được chủ sở hữu tài sản
chìm đắm hoặc chủ sở hữu tài sản chìm đắm không thực hiện việc lập phương án
đúng thời hạn quy định, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án quy định tại Điều 12 của Nghị định này quyết định giao tổ chức, cá nhân
khác lập phương án trục vớt tài sản chìm đắm.
3. Cảng vụ có trách nhiệm tổ chức lập phương án trục
vớt đối với tài sản chìm đắm gây nguy hiểm trong các trường hợp sau:
a) Chủ sở hữu tài sản chìm đắm không thực hiện lập
phương án trục vớt tài sản chìm đắm đúng thời hạn theo quy định;
b) Tài sản chìm đắm gây nguy hiểm không xác định được
chủ sở hữu hoặc tài sản thuộc sở hữu nhà nước.
Điều 11. Nội dung phương án trục
vớt tài sản chìm đắm
1. Phương án trục vớt tài sản chìm đắm gồm các nội
dung cơ bản sau:
a) Tên, số lượng, loại tài sản chìm đắm;
b) Số lượng, loại hàng chở trên tàu (nếu là tàu
thuyền);
c) Khối lượng nhiên liệu trên tàu (nếu là tàu thuyền);
d) Căn cứ tổ chức việc trục vớt;
đ) Kết quả thực hiện phương án thăm dò tài sản chìm
đắm (nếu có);
e) Địa điểm tài sản bị chìm đắm;
g) Dự kiến thời gian bắt đầu và thời hạn trục vớt;
h) Phương tiện tham gia và biện pháp trục vớt;
i) Biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trong quá
trình trục vớt;
k) Biện pháp bảo đảm an toàn lao động trong quá
trình trục vớt;
l) Biện pháp bảo quản tài sản bị chìm đắm sau khi
được trục vớt;
m) Bàn giao tài sản được trục vớt;
n) Biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm;
o) Biện pháp phòng ngừa ô nhiễm môi trường;
p) Biện pháp phòng, chống cháy, nổ;
q) Dự toán chi phí trục vớt;
r) Đơn vị thực hiện trục vớt.
2. Đối với phương án trục vớt do chủ sở hữu tài sản
lập và thực hiện trục vớt thì phương án không bao gồm nội dung dự toán chi phí
trục vớt.
Điều 12. Thẩm quyền phê duyệt
phương án trục vớt tài sản chìm đắm và quyết định tổ chức trục vớt
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức
phê duyệt phương án trục vớt tài sản chìm đắm và quyết định tổ chức trục vớt
tài sản chìm đắm là di sản văn hóa, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 3
và 4 Điều này.
2. Bộ Quốc phòng chủ trì tổ chức phê duyệt phương
án trục vớt tài sản chìm đắm và quyết định tổ chức trục vớt tài sản chìm đắm
liên quan đến quốc phòng và tài sản chìm đắm trong khu vực quân sự.
3. Bộ Công an chủ trì tổ chức phê duyệt phương án
trục vớt tài sản chìm đắm và quyết định tổ chức trục vớt tài sản chìm đắm liên
quan đến an ninh quốc gia.
4. Bộ Giao thông vận tải chủ trì tổ chức phê duyệt
phương án trục vớt tài sản chìm đắm gây nguy hiểm, quyết định tổ chức trục vớt
tài sản chìm đắm gây nguy hiểm như sau:
a) Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Cục Đường thủy nội địa
Việt Nam đối với tài sản chìm đắm gây nguy hiểm không xác định được chủ sở hữu,
tài sản chìm đắm thuộc sở hữu nhà nước và tài sản chìm đắm do Cảng vụ tổ chức
trục vớt. Trước khi phê duyệt phương án trục vớt, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường
thủy nội địa Việt Nam phải báo cáo và nhận được văn bản chấp thuận của Bộ Giao
thông vận tải;
b) Cảng vụ đường thủy nội địa hoặc đơn vị quản lý
đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cảng vụ hàng hải
đối với tài sản chìm đắm gây nguy hiểm xác định được chủ sở hữu trên các tuyến
đường thủy nội địa quốc gia, trong vùng nước cảng biển hoặc vùng biển Việt Nam
do chủ sở hữu tài sản chìm đắm tổ chức trục vớt.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương chủ trì tổ chức phê duyệt phương án trục vớt tài sản chìm đắm và quyết định
tổ chức trục vớt tài sản chìm đắm không thuộc phạm vi quy định tại các khoản 1,
2, 3 và 4 Điều này và phân cấp cho các cơ quan sau đây thực hiện:
a) Sở Giao thông vận tải phê duyệt phương án trục vớt
tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa địa phương đối với tài sản chìm
đắm gây nguy hiểm không xác định được chủ sở hữu hoặc thuộc sở hữu nhà nước và
tài sản chìm đắm do đơn vị quản lý đường thủy nội địa trực thuộc Sở Giao thông
vận tải tổ chức trục vớt;
b) Cảng vụ đường thủy nội địa hoặc đơn vị quản lý
đường thủy nội địa trực thuộc Sở Giao thông vận tải phê duyệt đối với tài sản
chìm đắm gây nguy hiểm đã xác định được chủ sở hữu tài sản chìm đắm.
Điều 13. Thủ tục phê duyệt
phương án trục vớt tài sản chìm đắm
1. Tổ chức, cá nhân gửi trực
tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 12 của Nghị định này 01 bộ hồ
sơ đề nghị phê duyệt phương án trục vớt tài sản chìm đắm.
2. Hồ sơ đề nghị phê duyệt phương án trục vớt tài sản
chìm đắm, bao gồm:
a) Tờ khai phê duyệt phương án trục vớt tài sản
chìm đắm theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành
kèm theo Nghị định này;
b) Phương án trục vớt tài sản chìm đắm theo quy định
tại Điều 11 của Nghị định này;
c) Các tài liệu, giấy tờ cần thiết khác có liên
quan (nếu có).
3. Trường hợp hồ sơ nhận được
không hợp lệ thì chậm nhất 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan
có thẩm quyền phê duyệt phải hướng dẫn người nộp hoàn thiện hồ sơ theo quy định
tại Nghị định này. Nếu hồ sơ hợp lệ thì trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ
ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phải có văn bản phê duyệt
phương án trục vớt tài sản chìm đắm và gửi trực tiếp đến người nộp hồ sơ hoặc gửi
qua hệ thống bưu chính; trường hợp không phê duyệt phải có văn bản trả lời và
nêu rõ lý do.
4. Đối với tài sản chìm đắm gây nguy hiểm, cơ quan
có thẩm quyền phải tổ chức phê duyệt phương án trục vớt trong thời hạn không
quá 24 giờ kể từ thời điểm nhận được hồ sơ hợp lệ; đối với trường hợp quy định
tại điểm a khoản 4 Điều 12 thì thời hạn này không quá 48 giờ.
Điều 14. Tổ chức thực hiện trục
vớt tài sản chìm đắm
1. Chủ sở hữu tài sản chìm đắm hoặc tổ chức, cá
nhân được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ có trách nhiệm tổ chức trục vớt
tài sản chìm đắm theo phương án trục vớt đã được phê duyệt, trừ trường hợp quy
định tại khoản 2 Điều này.
2. Cảng vụ có trách nhiệm tổ chức trục vớt đối với
tài sản chìm đắm gây nguy hiểm trong trường hợp chủ sở hữu tài sản không tổ chức
trục vớt hoặc không có khả năng bảo đảm thực hiện trục vớt tài sản chìm đắm
đúng thời hạn được quy định tại khoản 2 Điều 9 của Nghị định
này hoặc đã quá thời hạn phải kết thúc hoạt động trục vớt theo các quy định
sau:
a) Áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình
thủ tục rút gọn theo quy định của pháp luật để lựa chọn đơn vị đủ điều kiện thực
hiện trục vớt;
b) Thông báo cho chủ sở hữu tài sản chìm đắm về chi
phí của việc thực hiện trục vớt.
3. Đối với tài sản chìm đắm không xác định được chủ
sở hữu hoặc tài sản chìm đắm là tài sản thuộc sở hữu nhà nước, cơ quan có thẩm
quyền quy định tại Điều 12 của Nghị định này quyết định việc
lựa chọn tổ chức, cá nhân lập phương án và tổ chức trục vớt tài sản chìm đắm
như sau:
a) Áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình
thủ tục rút gọn đối với trường hợp tài sản chìm đắm gây nguy hiểm hoặc hình thức
chào hàng cạnh tranh theo quy trình thủ tục rút gọn đối với các trường hợp khác
để lựa chọn tổ chức, cá nhân thực hiện việc trục vớt tài sản chìm đắm không sử
dụng ngân sách nhà nước. Chi phí trục vớt được thanh toán bằng hiện vật là tài
sản chìm đắm, trừ các trường hợp tài sản chìm đắm là di sản văn hóa, tài sản
chìm đắm liên quan đến quốc phòng hoặc an ninh quốc gia;
b) Áp dụng các hình thức đấu thầu theo quy định của
pháp luật về đấu thầu để lựa chọn tổ chức, cá nhân thực hiện việc trục vớt tài
sản chìm đắm có sử dụng ngân sách nhà nước. Chi phí trục vớt được thanh toán bằng
hiện vật theo quy định tại Điều 25 của Nghị định này.
Điều 15. Chuyển giao tài sản
chìm đắm là di sản văn hóa dưới nước hoặc thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh
1. Các loại tài sản chìm đắm sau đây nếu được trục
vớt, tìm thấy phải chuyển cho các cơ quan có liên quan để tổ chức quản lý:
a) Chuyển giao cho cơ quan quản lý về di sản văn
hóa dưới nước đối với tài sản thuộc loại di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc
gia hoặc di vật, cổ vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, khoa học, lịch sử thuộc
sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa dưới nước;
b) Chuyển giao cho cơ quan quân sự đối với tài sản
thuộc lĩnh vực quốc phòng;
c) Chuyển giao cho cơ quan công an đối với tài sản
thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia.
2. Việc chuyển giao tài sản chìm đắm quy định tại khoản
1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản
nhà nước.
Điều 16. Biên bản giao nhận
tài sản chìm đắm
1. Việc giao nhận tài sản chìm đắm giữa các tổ chức,
cá nhân phải được lập thành biên bản giao nhận tài sản.
2. Nội dung chính của biên bản giao nhận tài sản
chìm đắm, gồm:
a) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân giao tài sản;
b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhận tài sản;
c) Thời gian, địa điểm phát hiện hoặc trục vớt tài
sản;
d) Đặc điểm tài sản và các thông tin có liên quan cần
thiết khác.
3. Biên bản giao nhận tài sản chìm đắm phải được đại
diện hợp pháp của bên giao và bên nhận ký xác nhận, mỗi bên giữ một bản, đồng
thời được gửi đến cơ quan có liên quan.
Điều 17. Tiếp nhận và bảo quản
tài sản chìm đắm
1. Chủ sở hữu tài sản chìm đắm có trách nhiệm bảo
quản tài sản của mình trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.
2. Người ngẫu nhiên trục vớt được tài sản, người
tìm thấy, cứu được hoặc tham gia cứu được tài sản của người khác đang trôi nổi
trên biển hoặc dạt vào bờ biển Việt Nam, trong vùng nước cảng biển hoặc trên
các tuyến đường thủy nội địa có trách nhiệm bảo quản các tài sản đó cho đến khi
giao lại cho Cảng vụ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để tổ chức bảo quản tài sản.
3. Trường hợp tài sản chìm đắm là di sản văn hóa dưới
nước, việc tiếp nhận và bảo quản tài sản được thực hiện theo quy định của pháp
luật về di sản văn hóa.
4. Trường hợp tài sản chìm đắm liên quan đến quốc
phòng và tài sản chìm đắm trong khu vực quân sự thì cơ quan quân sự liên quan
chủ trì, phối hợp với cơ quan công an chịu trách nhiệm tổ chức bảo quản.
5. Trường hợp tài sản chìm đắm liên quan đến an
ninh quốc gia thì cơ quan công an liên quan chịu trách nhiệm tổ chức bảo quản.
6. Trường hợp tài sản chìm đắm sau khi trục vớt là
tài sản thuộc sở hữu nhà nước hoặc chủ sở hữu tài sản không tiếp nhận, cơ quan
có thẩm quyền phê duyệt phương án trục vớt có trách nhiệm thuê tổ chức, cá nhân
tiếp nhận, bảo quản.
Điều 18. Tiêu hủy tài sản chìm
đắm
1. Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 12 Nghị định này quyết định việc tiêu hủy tài sản chìm đắm
đối với các tài sản phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan, đơn vị tiếp nhận, bảo quản tài sản chìm
đắm có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc tiêu hủy
tài sản quy định tại khoản 1 Điều này theo quy định có liên quan của pháp luật.
3. Việc tiêu hủy tài sản chìm đắm phải được lập
thành biên bản. Nội dung chính của biên bản tiêu hủy tài sản chìm đắm, gồm:
a) Tên, loại tài sản tiêu hủy;
b) Căn cứ thực hiện tiêu hủy tài sản;
c) Thời gian, địa điểm tiêu hủy tài sản;
d) Chủng loại, số lượng tài sản tiêu hủy;
đ) Hình thức tiêu hủy tài sản;
e) Thành phần tham gia tiêu hủy tài sản.
4. Chi phí tiêu hủy tài sản chìm đắm do chủ sở hữu
tài sản chìm đắm chi trả; trường hợp tài sản chìm đắm thuộc sở hữu nhà nước, việc
thanh toán chi phí tiêu hủy và các chi phí liên quan đến việc trục vớt tài sản
chìm đắm do cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 12 của Nghị
định này quyết định.
Điều 19. Bán tài sản chìm đắm
thuộc sở hữu nhà nước
1. Việc bán tài sản chìm đắm thuộc sở hữu nhà nước
được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án trục vớt quy định tại Điều
12 của Nghị định này quyết định việc bán tài sản chìm đắm.
2. Đối với tài sản chìm đắm là tài sản nhà nước do
đơn vị vũ trang nhân dân quản lý, sử dụng, việc bán tài sản chìm đắm được thực
hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị
vũ trang nhân dân.
3. Trường hợp tài sản chìm đắm là di vật, cổ vật,
việc bán tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Điều 20. Thành lập Hội đồng định
giá, xác định giá trị tài sản chìm đắm
1. Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 12 của Nghị định này quyết định thành lập Hội đồng định
giá, xác định giá trị tài sản chìm đắm. Chủ tịch Hội đồng là đại diện của cơ
quan có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng.
2. Thành phần Hội đồng định giá bao gồm:
a) Chủ tịch Hội đồng định giá;
b) Đại diện Cảng vụ;
c) Đại diện của Bộ Tài chính đối với tài sản chìm đắm
do cơ quan có thẩm quyền ở trung ương phê duyệt phương án trục vớt hoặc đại diện
của Sở Tài chính đối với tài sản chìm đắm do cơ quan có thẩm quyền tại địa
phương phê duyệt phương án trục vớt;
d) Đại diện cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp
nhận, bảo quản tài sản chìm đắm;
đ) Đại diện cơ quan chuyên môn kỹ thuật hoặc các
chuyên gia về tài sản;
e) Đại diện của các cơ quan, tổ chức liên quan
khác.
3. Số lượng thành viên của Hội đồng định giá tối
thiểu là 05 người.
4. Hội đồng định giá có trách nhiệm định giá tài sản
chìm đắm theo quy định của pháp luật về nguyên tắc, phương pháp, chuẩn mực thẩm
định giá.
5. Hội đồng định giá có thể thuê hoặc giao cho cơ
quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản; thuê tổ chức đủ điều kiện
hoạt động thẩm định giá để xác định giá trị tài sản chìm đắm làm căn cứ xem
xét, tham khảo trước khi quyết định.
6. Chi phí hoạt động của Hội đồng định giá được
tính chung vào chi phí xử lý tài sản chìm đắm và được chi trả theo quy định tại
Điều 24 của Nghị định này.
Điều 21. Nguyên tắc hoạt động
của Hội đồng định giá
1. Hội đồng định giá làm việc theo nguyên tắc tập
thể. Các cuộc họp của Hội đồng định giá phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên
của Hội đồng tham dự. Các quyết định của Hội đồng định giá phải được quá nửa số
thành viên Hội đồng tán thành và được lập thành biên bản. Trong trường hợp số
lượng biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phương án có sự biểu quyết của
Chủ tịch Hội đồng định giá.
2. Hội đồng định giá lập biên bản về việc định giá
tài sản. Biên bản định giá tài sản phải ghi nhận kịp thời, đầy đủ và trung thực
toàn bộ quá trình định giá tài sản.
3. Nội dung chủ yếu của biên bản định giá tài sản,
gồm:
a) Tên, loại tài sản định giá;
b) Họ, tên Chủ tịch Hội đồng định giá và các thành
viên của Hội đồng định giá;
c) Họ, tên những người tham dự phiên họp định giá
tài sản;
d) Thời gian, địa điểm tiến hành việc định giá tài
sản;
đ) Ý kiến của các thành viên Hội đồng định giá và
những người tham dự phiên họp định giá tài sản;
e) Kết quả biểu quyết của Hội đồng định giá về giá
trị của tài sản;
g) Địa điểm hoàn thành việc định giá tài sản;
h) Chữ ký của các thành viên Hội đồng định giá.
4. Biên bản định giá tài sản phải được lưu trong hồ
sơ định giá tài sản.
Điều 22. Sử dụng giá trị tài sản
do Hội đồng định giá xác định
Giá trị tài sản do Hội đồng định giá xác định được
sử dụng làm căn cứ để thực hiện các công việc sau:
1. Thanh toán chi phí xử lý tài sản chìm đắm trong
trường hợp cơ quan có thẩm quyền quyết định thanh toán chi phí bằng hiện vật.
2. Xác định giá khởi điểm để tổ chức bán đấu giá.
3. Chi thưởng cho tổ chức, cá nhân phát hiện tài sản
chìm đắm.
4. Thực hiện các nhiệm vụ, công việc khác theo quy
định của pháp luật.
Điều 23. Chi phí xử lý tài sản
chìm đắm
Chi phí xử lý tài sản chìm đắm bao gồm:
1. Chi phí trục vớt, giám định tài sản chìm đắm.
2. Chi phí vận chuyển, trông coi, bảo quản tài sản
chìm đắm.
3. Chi phí điều tiết thực hiện phương án bảo đảm an
toàn giao thông liên quan đến quá trình trục vớt (nếu có).
4. Chi phí thông báo tìm chủ sở hữu tài sản, chi
phí chuyển giao tài sản, chi phí tiêu hủy tài sản, chi phí định giá, bán đấu
giá tài sản.
5. Thuế, phí, lệ phí (nếu có).
6. Chi phí tiêu hủy (nếu có).
7. Chi phí hợp lý khác liên quan (nếu có).
Điều 24. Thanh toán chi phí xử
lý tài sản chìm đắm do cơ quan có thẩm quyền tổ chức trục vớt
1. Chủ sở hữu tài sản chìm đắm có trách nhiệm thanh
toán các khoản chi phí xử lý tài sản chìm đắm theo quy định tại Điều
23 của Nghị định này trong trường hợp việc xử lý tài sản chìm đắm do cơ
quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện; thời hạn thanh toán các chi phí xử lý tài
sản chìm đắm chậm nhất là 12 tháng kể từ ngày hoàn thành việc trục vớt.
2. Trường hợp tổ chức trục vớt tài sản chìm đắm gây
nguy hiểm theo quy định tại khoản 2 Điều 14 của Nghị định này,
nếu số tiền thu được từ việc bán tài sản không đủ bù đắp chi phí và chủ sở hữu
không có khả năng chi trả hoặc không xác định được chủ sở hữu tài sản chìm đắm
thì số tiền còn thiếu được ngân sách nhà nước cấp bổ sung. Cơ quan có thẩm quyền
quyết định việc bán tài sản chìm đắm quy định tại Điều 12 của Nghị
định này có trách nhiệm thanh toán các chi phí liên quan đến xử lý tài sản
chìm đắm.
3. Chi phí xử lý tài sản chìm đắm có thể được thanh
toán bằng hiện vật trục vớt được; việc thanh toán bằng hiện vật được thực hiện
trước hoặc sau khi trục vớt tài sản chìm đắm. Cơ quan có thẩm quyền quy định tại
Điều 12 của Nghị định này phê duyệt phương án trục vớt tài
sản chìm đắm quyết định việc thanh toán bằng hiện vật theo quy định tại Điều 25 của Nghị định này.
4. Trường hợp tài sản chìm đắm được xử lý theo hình
thức phá hủy, chủ sở hữu tài sản chìm đắm phải chịu chi phí phá hủy; nếu chủ sở
hữu tài sản chìm đắm không có khả năng chi trả hoặc không xác định được chủ sở
hữu tài sản chìm đắm thì được thanh toán từ ngân sách nhà nước. Cơ quan có thẩm
quyền quy định tại Điều 12 của Nghị định này quyết định việc
thanh toán các chi phí liên quan đến phá hủy tài sản chìm đắm.
5. Chi phí xử lý tài sản chìm đắm gây nguy hiểm do
Cảng vụ tổ chức trục vớt được ứng trước từ nguồn kinh phí hoạt động của Cảng vụ;
trường hợp Cảng vụ không có khả năng thực hiện thì được xem xét ứng trước từ
nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Cảng
vụ có trách nhiệm thu hồi kinh phí xử lý tài sản chìm đắm từ chủ sở hữu tài sản
chìm đắm hoặc từ tiền bán tài sản chìm đắm theo quy định của pháp luật và hoàn
trả cho ngân sách số tiền đã ứng.
6. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương nơi chủ sở hữu tài sản chìm đắm đăng ký kinh doanh có trách nhiệm chủ trì,
phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xác minh và xác nhận việc chủ sở hữu
tài sản chìm đắm không có khả năng chi trả các chi phí liên quan đến xử lý tài
sản chìm đắm khi cần thiết.
Điều 25. Thanh toán chi phí xử
lý tài sản chìm đắm bằng hiện vật
Trường hợp xử lý tài sản chìm đắm nhưng không xác định
được chủ sở hữu, tài sản vô chủ hoặc tài sản chìm đắm thuộc sở hữu nhà nước, việc
thanh toán chi phí bằng hiện vật được thực hiện theo quy định sau:
1. Đối với tài sản chìm đắm nhưng chưa được trục vớt:
a) Hội đồng định giá được thành lập theo quy định tại
Điều 20 của Nghị định này tiến hành xác định giá trị của
tài sản bị chìm đắm;
b) Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 12 của Nghị định này lựa chọn tổ chức, cá nhân thực hiện
việc trục vớt tài sản chìm đắm và bán tài sản chìm đắm thông qua hình thức đấu
giá để thanh toán chi phí xử lý tài sản chìm đắm bằng hiện vật theo quy định của
pháp luật về đấu giá tài sản.
2. Đối với tài sản chìm đắm đã được trục vớt:
a) Hội đồng định giá được thành lập theo quy định tại
Điều 20 của Nghị định này tiến hành xác định giá trị của
tài sản chìm đắm;
b) Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 12 của Nghị định này căn cứ chi phí trục vớt tại phương
án đã được phê duyệt và giá trị tài sản chìm đắm do Hội đồng định giá xác định
để quyết định việc thanh toán chi phí xử lý tài sản chìm đắm bằng hiện vật.
Điều 26. Quản lý nguồn thu từ
xử lý tài sản chìm đắm
1. Đối với tài sản chìm đắm không xác định được chủ
sở hữu thì số tiền thu được từ việc bán tài sản chìm đắm được sử dụng để thanh
toán các khoản chi quy định tại Điều 23 của Nghị định này;
số tiền còn lại (nếu có) được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp
luật về ngân sách nhà nước.
2. Đối với tài sản chìm đắm bị mất quyền sở hữu
theo quy định tại Điều 6 của Nghị định này, số tiền thu được
từ việc bán tài sản chìm đắm sau khi thanh toán các khoản chi phí quy định tại Điều 23 của Nghị định này; số tiền còn lại (nếu có) được nộp
vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Điều 27. Chi thưởng, thủ tục
chi thưởng cho việc phát hiện tài sản chìm đắm
Tổ chức, cá nhân phát hiện tài sản chìm đắm được
thưởng một tỷ lệ phần trăm giá trị tài sản chìm đắm. Mức chi thưởng và thủ tục
chi thưởng được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 28. Xử lý tài sản chìm đắm
thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài
Việc xử lý tài sản chìm đắm thuộc sở hữu của tổ chức,
cá nhân nước ngoài được thực hiện như sau:
1. Tài sản chìm đắm là tàu thuyền sau khi trục vớt
nếu được bán cho tổ chức, cá nhân Việt Nam thì phải thực hiện các thủ tục về xuất,
nhập khẩu và thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
2. Tài sản chìm đắm là hàng hóa hoặc các vật thể
khác, sau khi được trục vớt nếu được bán tại Việt Nam thì phải thực hiện các thủ
tục như đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định.
3. Tài sản chìm đắm là tàu thuyền công vụ nước
ngoài hoặc tàu chiến nước ngoài sau khi trục vớt thì được xử lý thông qua cơ
quan ngoại giao.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 29. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01
tháng 7 năm 2017.
2. Bãi bỏ Nghị định số 128/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng
10 năm 2013 của Chính phủ về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa,
vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.
3. Bãi bỏ các quy định: Khoản 3 Điều
6, điểm c khoản 2 Điều 9 và khoản 5 Điều 19 của Nghị định số 96/2009/NĐ-CP
ngày 30 tháng 10 năm 2009 về việc xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được
phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Việt Nam.
Điều 30. Điều khoản chuyển tiếp
1. Trường hợp phương án trục vớt tài sản chìm đắm
đã được phê duyệt trước ngày có hiệu lực thi hành của Nghị định này nhưng chưa
tổ chức trục vớt tài sản chìm đắm thì vẫn tiếp tục triển khai phương án trục vớt
tài sản chìm đắm theo quy định tại Nghị định số 128/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 10
năm 2013 của Chính phủ về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa,
vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.
2. Trường hợp tài sản chìm đắm xảy ra trước ngày có
hiệu lực thi hành của Nghị định nhưng phương án trục vớt tài sản chìm đắm chưa
được phê duyệt thì việc phê duyệt phương án trục vớt và việc tổ chức trục vớt
tài sản chìm đắm thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Điều 31. Tổ chức thực hiện
1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm
chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương có liên quan tổ chức thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Các Cục: Hàng hải Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, CN (3b)
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|
PHỤ LỤC
MẪU CÁC VĂN BẢN SỬ DỤNG TRONG XỬ LÝ TÀI SẢN CHÌM ĐẮM
(Kèm theo Nghị định số 05/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ)
Mẫu số 01
|
Thông báo về việc tìm chủ sở hữu tài sản chìm đắm.
|
Mẫu số 02
|
Tờ khai phê duyệt Phương án trục vớt tài sản chìm
đắm.
|
Mẫu
số 01
CƠ QUAN CÓ THẨM
QUYỀN
THÔNG BÁO1
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
/TB-1
|
….., ngày…
tháng… năm……
|
THÔNG
BÁO
Về việc tìm chủ sở hữu tài sản chìm đắm
…………………………………1……………………………………………………….
thông báo:
Tên và đặc điểm tài sản bị chìm đắm:.....................................................................................
...........................................................................................................................................
Vị trí tài sản bị chìm đắm:
.....................................................................................................
...........................................................................................................................................
Yêu cầu chủ sở hữu tài sản bị chìm đắm hoặc người đại
diện hợp pháp có mặt tại địa điểm: ....
...........................................................................................................................................
………………………………………………………………………để xử lý tài sản bị chìm
đắm.
Thời hạn trình phương án trục vớt tài sản chìm đắm:
..............................................................
Thời hạn trục vớt tài sản chìm đắm:
......................................................................................
Trường hợp chủ sở hữu tài sản chìm đắm hoặc người đại
diện hợp pháp không liên hệ với cơ quan ra thông báo hoặc không thực hiện việc
trục vớt tài sản chìm đắm thì tài sản chìm đắm nói trên sẽ được xử lý theo quy
định của pháp luật./.
Nơi nhận:
- Phương tiện thông tin đại chúng;
- Lưu 1.
|
QUYỀN HẠN, CHỨC
VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên
|
_____________
1 Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Cục Đường
thủy nội địa Việt Nam hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Mẫu
số 02
TÊN CHỦ TÀI SẢN
CHÌM ĐẮM
Số:……………….
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
|
…., ngày…
tháng… năm 20….
|
TỜ
KHAI
Phê duyệt Phương án trục vớt tài sản chìm đắm
Kính gửi:…………………………..1
Tên tổ chức, cá nhân chủ sở hữu tài sản chìm đắm:
............................................................
Người đại diện theo pháp luật:
............................................................................................
Đăng ký kinh doanh ngày….. tháng…. năm…………..
Địa chỉ:
.............................................................................................................................
Số điện thoại liên hệ:
..........................................................................................................
Đề nghị …………..1 xem xét, phê duyệt
Phương án trục vớt tài sản chìm đắm theo quy định tại Điều 13 Nghị định số……………..
về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và
vùng biển Việt Nam với các tài liệu dưới đây:
1. Tờ khai phê duyệt phương án trục vớt tài sản
chìm đắm.
2. Phương án trục vớt tài sản chìm đắm.
3. Ý kiến của Cảng vụ (nếu có).
4. Các tài liệu, giấy tờ cần thiết có liên quan
khác (nếu có).
Kính đề nghị …………..1 xem xét, giải quyết./.
|
CHỦ TÀI SẢN
CHÌM ĐẮM
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên
|
_____________
1 Tên của Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt
Phương án trục vớt tài sản chìm đắm.