QUỐC
HỘI
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do -Hạnh phúc
|
Số:
35/2005/QH11
|
Hà
Nội ,ngày 14 tháng 6 năm 2005
|
LUẬT
ĐƯỜNG SẮT CỦA QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM SỐ 35/2005/QH11 NGÀY 14 THÁNG 6 NĂM 2005
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết
số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10;
Luật này quy định về hoạt động đường sắt.
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về quy hoạch,
đầu tư, xây dựng, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt; phương tiện giao thông đường
sắt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đường sắt;
quy tắc, tín hiệu giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt;
kinh doanh đường sắt.
Điều 2.
Đối tượng áp dụng
1. Luật này áp dụng đối với tổ
chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến hoạt động đường sắt
trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Trường hợp điều ước quốc tế
mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định
của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
Điều 3.
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây
được hiểu như sau:
1. Bao gửi là hàng hoá được gửi
theo bất kỳ chuyến tàu khách nào mà người gửi không đi cùng chuyến tàu đó.
2. Cầu chung là cầu có mặt cầu
dùng chung cho cả phương tiện giao thông đường sắt và phương tiện giao thông đường
bộ.
3. Chạy tàu là hoạt động để điều
khiển sự di chuyển của phương tiện giao thông đường sắt.
4. Chứng vật chạy tàu là bằng chứng
cho phép phương tiện giao thông đường sắt được chạy vào khu gian. Chứng vật chạy
tàu được thể hiện bằng tín hiệu đèn màu, tín hiệu cánh, thẻ đường, giấy phép,
phiếu đường.
5. Công lệnh tải trọng là quy định
về tải trọng tối đa cho phép trên một trục và tải trọng rải đều tối đa cho phép
theo chiều dài của phương tiện giao thông đường sắt được quy định trên từng cầu,
đoạn, khu gian, khu đoạn, tuyến đường sắt.
6. Công lệnh tốc độ là quy định
về tốc độ tối đa cho phép phương tiện giao thông đường sắt chạy trên từng cầu,
đoạn, khu gian, khu đoạn, tuyến đường sắt.
7. Công trình đường sắt là công
trình xây dựng phục vụ giao thông vận tải đường sắt, bao gồm đường, cầu, cống,
hầm, kè, tường chắn, ga, hệ thống thoát nước, hệ thống thông tin, tín hiệu, hệ
thống cấp điện và các công trình, thiết bị phụ trợ khác của đường sắt.
8. Đường
ngang là đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, được Bộ Giao thông vận
tải cho phép xây dựng và khai thác.
9. Ga đường sắt là nơi để phương
tiện giao thông đường sắt dừng, tránh, vượt, xếp, dỡ hàng hoá, đón trả khách,
thực hiện tác nghiệp kỹ thuật và các dịch vụ khác. Ga đường sắt có nhà ga, quảng
trường, kho, bãi hàng, ke ga, tường rào, khu dịch vụ, trang thiết bị cần thiết
và các công trình đường sắt khác.
10. Hàng siêu trọng là hàng
không thể tháo rời, có tải trọng vượt quá tải trọng cho phép của toa xe, tuyến
đường.
11. Hàng siêu trường là hàng
không thể tháo rời, có kích thước vượt quá khổ giới hạn đầu máy, toa xe của khổ
đường tương ứng.
12. Hoạt động đường sắt là hoạt
động của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư phát triển, kinh
doanh đường sắt, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt và những
hoạt động khác có liên quan.
13. Ke ga là công trình đường sắt
trong ga đường sắt để phục vụ hành khách lên, xuống tàu, xếp, dỡ hàng hóa.
14. Kết cấu hạ tầng đường sắt là
công trình đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn
giao thông đường sắt.
15 Khổ đường sắt là khoảng cách
ngắn nhất giữa hai má trong của đường ray.
16. Khu đoạn là tập hợp một số
khu gian và ga đường sắt kế tiếp nhau phù hợp với tác nghiệp chạy tàu.
17. Khu gian là đoạn đường sắt nối
hai ga liền kề, được tính từ cột tín hiệu vào ga của ga phía bên này đến cột
tín hiệu vào ga gần nhất của ga phía bên kia.
18. Nút giao cùng mức là nơi có
hai hoặc nhiều tuyến đường giao nhau trên cùng một mặt bằng.
19. Nút giao khác mức là nơi có
hai hoặc nhiều tuyến đường giao nhau nằm ở cao độ khác nhau.
20. Phương tiện giao thông đường
sắt là đầu máy, toa xe, toa xe động lực, phương tiện chuyên dùng di chuyển trên
đường sắt.
21. Sản phẩm, dịch vụ công ích
đường sắt là sản phẩm, dịch vụ cần thiết phục vụ cho hoạt động giao thông vận tải
đường sắt mà việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ này theo cơ chế thị trường khó có
khả năng bù đắp chi phí.
22. Tàu là phương tiện giao
thông đường sắt được lập bởi đầu máy và toa xe hoặc đầu máy chạy đơn, toa xe động
lực, phương tiện động lực chuyên dùng di chuyển trên đường sắt.
23. Tuyến đường sắt là một khu
đoạn hoặc nhiều khu đoạn liên tiếp tính từ ga đường sắt đầu tiên đến ga đường sắt
cuối cùng.
Điều 4.
Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đường sắt
1. Bảo đảm hoạt động giao thông
vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác và hiệu quả; góp phần
phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.
2. Phát triển đường sắt theo quy
hoạch, kế hoạch, hiện đại và đồng bộ; gắn kết loại hình giao thông vận tải đường
sắt với các loại hình giao thông vận tải khác.
3. Điều hành thống nhất, tập
trung hoạt động giao thông vận tải đường sắt.
4. Phân định rõ giữa quản lý nhà
nước của cơ quan nhà nước với quản lý kinh doanh của doanh nghiệp; giữa kinh
doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải trên đường sắt do Nhà nước đầu tư.
Điều 5.
Chính sách phát triển đường sắt
1. Nhà nước tập trung đầu tư
phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị theo hướng hiện
đại.
2. Nhà nước khuyến khích tổ chức,
cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt
và vận tải đường sắt; tham gia đấu thầu cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích đường
sắt.
3. Nhà nước bảo đảm môi trường cạnh
tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử; bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ
chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư và kinh doanh đường
sắt.
4. Nhà nước khuyến khích việc
nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và đào tạo nguồn nhân lực để
phát triển đường sắt hiện đại.
Điều 6.
Quy hoạch tổng thể phát triển đường sắt
1. Quy hoạch tổng thể phát triển
đường sắt là cơ sở để lập quy hoạch chi tiết chuyên ngành và định hướng đầu tư,
xây dựng, phát triển đồng bộ, hợp lý, thống nhất mạng lưới giao thông vận tải
đường sắt trong phạm vi cả nước, tạo điều kiện khai thác tiềm năng hiện có và
phát triển năng lực của ngành đường sắt.
2. Quy hoạch tổng thể phát triển
đường sắt được lập trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng
yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh; gắn kết chặt chẽ với quy hoạch tổng thể
phát triển các loại hình giao thông vận tải khác.
3. Quy hoạch tổng thể phát triển
đường sắt bao gồm các nội dung về phát triển kết cấu hạ tầng, phương tiện giao
thông, đào tạo nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, công nghiệp và mạng lưới dịch
vụ hỗ trợ trong lĩnh vực đường sắt.
4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
tổ chức lập quy hoạch tổng thể phát triển đường sắt trình Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt.
Điều 7.
Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt của Chính phủ, bộ, cơ quan
ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
1. Chính phủ thống nhất quản lý
nhà nước về hoạt động đường sắt.
2. Bộ Giao
thông vận tải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt
động đường sắt.
3. Bộ Công
an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Uỷ ban nhân dân
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh)
và bộ, ngành có liên quan tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ trật tự, an
toàn xã hội trong hoạt động đường sắt; tổ chức lực lượng kiểm tra, xử lý vi
phạm pháp luật về đường sắt đối với người, phương tiện tham gia giao thông vận
tải đường sắt theo quy định của pháp luật; thống kê, cung cấp dữ liệu về tai nạn
giao thông đường sắt.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường
chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong quản lý khai thác tài nguyên
thuộc phạm vi đất dành cho đường sắt, vùng lân cận phạm vi bảo vệ công trình đường
sắt có ảnh hưởng đến an toàn của công trình đường sắt, an toàn giao thông vận tải
đường sắt.
5. Bộ Công nghiệp có trách nhiệm
bảo đảm ưu tiên nguồn điện ổn định cho đường sắt điện khí hóa và hệ thống thông
tin, tín hiệu đường sắt.
6. Bộ, cơ quan
ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có
trách nhiệm phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện quản lý nhà nước về hoạt
động đường sắt.
Điều 8.
Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt của ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Tổ chức, chỉ đạo thực hiện
pháp luật về đường sắt; các biện pháp bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt; bảo vệ
hành lang an toàn giao thông đường sắt; tổ chức cứu nạn, giải quyết hậu quả tai
nạn giao thông đường sắt xảy ra tại địa phương.
2. Lập và tổ chức thực hiện quy
hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị của địa phương.
3. Bảo đảm trật tự, an toàn giao
thông vận tải đường sắt; kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đường sắt tại địa
phương.
Điều 9.
Thanh tra đường sắt
1. Thanh tra đường sắt thuộc
thanh tra Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về
hoạt động đường sắt.
2. Tổ chức, chức năng, nhiệm vụ
và quyền hạn của thanh tra đường sắt thực hiện theo quy định của pháp luật về
thanh tra.
Điều 10.
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đường sắt
1. Cơ quan, đơn vị đường sắt có
trách nhiệm tổ chức, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đường sắt
cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên thuộc phạm vi quản lý của mình; phối
hợp với chính quyền địa phương các cấp nơi có đường sắt đi qua tuyên truyền, vận
động nhân dân chấp hành pháp luật về đường sắt.
2. Chính quyền địa phương các cấp
có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về đường sắt cho
nhân dân tại địa phương.
3. Cơ quan thông tin, tuyên truyền
có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đường sắt thường
xuyên, rộng rãi đến toàn dân.
4. Cơ quan quản lý nhà nước về
giáo dục và đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo việc giáo dục pháp luật về đường sắt
trong các cơ sở giáo dục.
5. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và
các tổ chức thành viên có trách nhiệm phối hợp với cơ quan hữu quan và chính quyền
địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về đường sắt.
Điều 11.
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt
1. Khi xảy ra tai nạn giao thông
đường sắt, lái tàu hoặc nhân viên đường sắt khác trên tàu phải thực hiện các
thao tác dừng tàu khẩn cấp. Trưởng tàu có trách nhiệm tổ chức nhân viên đường sắt
trên tàu và những người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn cứu giúp người bị nạn, bảo
vệ tài sản của Nhà nước và của người bị nạn, đồng thời phải báo ngay cho tổ chức
điều hành giao thông đường sắt, cơ quan công an, Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất
và thực hiện những công việc sau đây:
a) Trường hợp tàu, đường sắt bị
hư hỏng phải lập biên bản báo cáo về vụ tai nạn và cung cấp thông tin liên quan
đến vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Trường hợp tàu, đường sắt
không bị hư hỏng phải tiếp tục cho tàu chạy sau khi đã lập biên bản báo cáo về
vụ tai nạn và cử người thay mình ở lại làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm
quyền.
2. Người điều khiển phương tiện
giao thông khác khi đi qua nơi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt có trách nhiệm
chở người bị nạn đi cấp cứu, trừ trường hợp đang làm nhiệm vụ khẩn cấp.
3. Cơ quan công an và tổ chức,
cá nhân có liên quan khi nhận được tin báo về tai nạn giao thông đường sắt có
trách nhiệm đến ngay hiện trường để giải quyết.
4. Uỷ ban nhân dân các cấp nơi xảy
ra tai nạn giao thông đường sắt có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an,
doanh nghiệp kinh doanh đường sắt cứu giúp người bị nạn, bảo vệ tài sản của Nhà
nước và của người bị nạn. Trường hợp có người chết không rõ tung tích, không có
thân nhân hoặc thân nhân không có khả năng chôn cất thì Uỷ ban nhân dân nơi xảy
ra tai nạn có trách nhiệm tổ chức chôn cất.
5. Mọi tổ chức, cá nhân không được
gây trở ngại cho việc khôi phục đường sắt và hoạt động giao thông vận tải đường
sắt sau khi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt.
Điều 12.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt
1. Phá hoại công trình đường sắt,
phương tiện giao thông đường sắt.
2. Lấn chiếm hành lang an toàn
giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt.
3. Tự ý mở đường ngang, xây dựng
cầu vượt, hầm chui, cống hoặc các công trình khác qua đường sắt.
4. Tự ý di chuyển hoặc làm sai lệch
các công trình, thiết bị báo hiệu, biển báo hiệu cố định trên đường sắt.
5. Treo, phơi, đặt vật làm che lấp
hoặc làm sai lạc tín hiệu giao thông đường sắt.
6. Ngăn cản việc chạy tàu, tùy
tiện báo hiệu hoặc sử dụng các thiết bị để dừng tàu, trừ trường hợp phát hiện
có sự cố gây mất an toàn giao thông đường sắt.
7. Vượt rào, chắn đường ngang,
vượt qua đường ngang khi đèn đỏ đã bật sáng, vượt rào ngăn giữa đường sắt với
khu vực xung quanh.
8. Để vật chướng ngại, đổ chất độc
hại, chất phế thải lên đường sắt; chất dễ cháy, chất dễ nổ trong phạm vi bảo vệ
công trình đường sắt và hành lang an toàn giao thông đường sắt.
9. Chăn thả súc vật, họp chợ
trên đường sắt, trong phạm vi bảo vệ công trình và hành lang an toàn giao thông
đường sắt.
10. Đi, đứng, nằm, ngồi trên nóc
toa xe, đầu máy, bậc lên xuống toa xe; đu bám, đứng, ngồi hai bên thành toa xe,
đầu máy, nơi nối giữa các toa xe, đầu máy; mở cửa lên, xuống tàu, đưa đầu, tay,
chân và các vật khác ra ngoài thành toa xe khi tàu đang chạy, trừ nhân viên đường
sắt, công an đang thi hành nhiệm vụ.
11. Đi, đứng, nằm, ngồi trên đường
sắt, trừ nhân viên đường sắt đang tuần đường hoặc đang sửa chữa, bảo trì đường
sắt, phương tiện giao thông đường sắt.
12. Ném đất, đá hoặc các vật
khác lên tàu hoặc từ trên tàu xuống.
13. Mang hàng cấm lưu thông, động
vật có dịch bệnh, mang trái phép các chất phóng xạ, chất dễ cháy, chất dễ nổ, động
vật hoang dã vào ga, lên tàu.
14. Vận chuyển hàng cấm lưu
thông, động vật có dịch bệnh; vận chuyển trái phép động vật hoang dã.
15. Làm, sử dụng vé giả; bán vé
trái quy định nhằm mục đích thu lợi bất chính.
16. Đưa phương tiện, thiết bị
không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật hoặc phương tiện, thiết bị không có
giấy chứng nhận đăng ký, giấy chứng nhận đăng kiểm vào hoạt động trên đường sắt.
17. Điều khiển tàu chạy quá tốc
độ quy định.
18. Nhân viên đường sắt trực tiếp
phục vụ chạy tàu trong khi làm nhiệm vụ có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100
mililít máu hoặc 40 miligam/1 lít khí thở.
19. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
để sách nhiễu, gây phiền hà; thực hiện hoặc dung túng hành vi vi phạm pháp luật
trong khi thi hành nhiệm vụ.
20. Các hành vi khác bị nghiêm cấm
theo quy định của pháp luật về đường sắt.
CHƯƠNG II
KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT
MỤC 1
QUY HOẠCH, ĐẦU TƯ, XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT
Điều 13.
Hệ thống đường sắt Việt Nam
1. Hệ thống đường sắt Việt Nam
bao gồm:
a) Đường sắt quốc gia phục vụ
nhu cầu vận tải chung của cả nước, từng vùng kinh tế và liên vận quốc tế;
b) Đường sắt đô thị phục vụ nhu
cầu đi lại hàng ngày của hành khách ở thành phố, vùng phụ cận;
c) Đường sắt chuyên dùng phục vụ
nhu cầu vận tải riêng của tổ chức, cá nhân.
2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
công bố đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng nối vào đường
sắt quốc gia; công bố việc đóng mở tuyến, đoạn tuyến đường sắt, khu đoạn của đường
sắt quốc gia.
3. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công
bố đường sắt đô thị do địa phương quản lý.
4. Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh
công bố đường sắt chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý không nối vào đường sắt quốc
gia.
Điều 14.
Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt
1. Quy hoạch phát triển kết cấu
hạ tầng đường sắt quốc gia phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển đường
sắt đã được phê duyệt; đáp ứng yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước;
gắn kết với quy hoạch phát triển vùng, ngành kinh tế và quy hoạch phát triển
các loại hình giao thông vận tải khác. Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường
sắt quốc gia được lập cho từng giai đoạn mười năm và có định hướng cho mười năm
tiếp theo.
2. Quy hoạch phát triển kết cấu
hạ tầng đường sắt đô thị phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển đường sắt
đã được phê duyệt; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
gắn kết với quy hoạch phát triển các loại hình giao thông vận tải công cộng
khác. Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị được lập cho từng
giai đoạn mười năm và có định hướng cho mười năm tiếp theo.
3. Trong quy hoạch phát triển
giao thông vận tải của đô thị đặc biệt, đô thị loại I, cảng biển quốc gia, cảng
hàng không quốc tế phải có nội dung phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt.
Điều 15.
Lập, phê duyệt và công bố quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt
1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
tổ chức lập quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trình Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển
kết cấu hạ tầng đường sắt từng vùng, khu đầu mối giao thông đường sắt phù hợp với
quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đã được phê duyệt.
2. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ
chức lập quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị trình Hội đồng
nhân dân cùng cấp thông qua trước khi trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê
duyệt.
3. Cơ quan, người phê duyệt quy
hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều
này có quyền điều chỉnh quy hoạch khi cần thiết.
4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có
trách nhiệm công bố công khai quy hoạch đã được phê duyệt; tổ chức triển khai cắm
mốc chỉ giới phạm vi đất dành cho đường sắt đã được quy hoạch.
Điều 16.
Kinh phí cho công tác quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt
1. Kinh phí để thực hiện việc lập,
thẩm định, công bố quy hoạch, cắm mốc chỉ giới phạm vi đất quy hoạch và điều chỉnh
quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do ngân sách trung ương
cấp.
2. Kinh phí để thực hiện việc lập,
thẩm định, công bố quy hoạch, cắm mốc chỉ giới phạm vi đất quy hoạch và điều chỉnh
quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị do ngân sách địa phương cấp.
3. Ngoài các nguồn kinh phí được
quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, kinh phí cho công tác quy hoạch phát
triển kết cấu hạ tầng đường sắt có thể được huy động từ các nguồn vốn khác theo
quy định của pháp luật.
4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp
với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng ban hành định mức chi để thực hiện việc
lập, thẩm định, công bố quy hoạch, cắm mốc chỉ giới phạm vi đất quy hoạch và điều
chỉnh quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và đường sắt đô
thị.
Điều 17.
Đất dành cho đường sắt
1. Đất dành cho đường sắt gồm đất
để xây dựng công trình đường sắt, đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt
và đất trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt.
2. Đất dành cho đường sắt phải được
sử dụng đúng mục đích đã được phê duyệt và tuân thủ các quy định của pháp luật
về đất đai.
3. Uỷ ban nhân dân các cấp có
trách nhiệm sau đây:
a) Chủ trì, phối hợp với chủ đầu
tư trong việc giải phóng mặt bằng và tái định cư cho nhân dân;
b) Quản lý đất dành cho đường sắt
đã được quy hoạch.
4. Công trình xây dựng mới trong
phạm vi đất dành cho đường sắt đã cắm mốc chỉ giới không được bồi thường khi giải
phóng mặt bằng, trừ công trình được xây dựng theo quy định tại Điều
33 của Luật này.
Điều 18.
Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt
1. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng
đường sắt là việc đầu tư xây dựng mới kết cấu hạ tầng đường sắt; đổi mới công
nghệ; nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng đường sắt hiện có; điện khí hóa đường sắt;
hiện đại hoá hệ thống thông tin, tín hiệu đường sắt.
2. Chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ
tầng đường sắt phải thực hiện các quy định sau đây:
a) Tuân thủ quy hoạch, kế hoạch
và dự án đã được phê duyệt;
b) Bảo đảm tính đồng bộ theo cấp
kỹ thuật đường sắt;
c) Bảo đảm cảnh quan, bảo vệ môi
trường.
3. Chủ đầu
tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị được hưởng các
ưu đãi sau đây:
a) Được giao đất không thu tiền
sử dụng đất đối với đất dùng để xây dựng tuyến đường sắt; được thuê đất với mức
ưu đãi nhất đối với đất dùng để xây dựng các công trình khác của kết cấu hạ tầng
đường sắt;
b) Hỗ trợ toàn bộ kinh phí giải
phóng mặt bằng đối với đất dành cho đường sắt để xây dựng tuyến đường;
c) Miễn, giảm thuế nhập khẩu vật
tư, công nghệ, thiết bị kỹ thuật trong nước chưa sản xuất được theo quy định của
pháp luật về thuế;
d) Các ưu đãi khác theo quy định
của pháp luật.
4. Công trình đường sắt sau khi
xây dựng, nâng cấp, cải tạo phải được cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu.
5. Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh
trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình công bố Danh mục dự án kêu gọi đầu
tư trong từng thời kỳ và Danh mục dự án đã được cấp giấy phép đầu tư.
Điều 19.
Kết nối các tuyến đường sắt
1. Vị trí kết
nối các tuyến đường sắt trong nước phải tại ga đường sắt. Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải quyết định việc kết nối các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt
chuyên dùng vào đường sắt quốc gia.
2. Chỉ đường sắt quốc gia mới được
kết nối với đường sắt nước ngoài. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc kết nối
giữa đường sắt quốc gia với đường sắt nước ngoài.
Điều 20.
Khổ đường sắt và tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt
1. Đường sắt quốc gia có khổ đường
là 1435 milimét, 1000 milimét. Đường sắt đô thị có khổ đường 1435 milimét hoặc
đường sắt một ray tự động dẫn hướng. Đường sắt chuyên dùng không kết nối vào đường
sắt quốc gia do tổ chức, cá nhân đầu tư quyết định khổ đường theo nhu cầu sử dụng.
2. Đường sắt được phân thành các
cấp kỹ thuật. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cấp kỹ thuật và tiêu chuẩn
cấp kỹ thuật đường sắt.
Điều 21.
Ga đường sắt
1. Ga đường sắt bao gồm:
a) Ga hành khách là hệ thống
công trình được xây dựng để đón, trả khách, thực hiện dịch vụ liên quan đến vận
tải hành khách và tác nghiệp kỹ thuật; ga hành khách phải có công trình dành
riêng phục vụ hành khách là người khuyết tật;
b) Ga hàng hoá là hệ thống công
trình được xây dựng để giao, nhận, xếp, dỡ, bảo quản hàng hoá, thực hiện dịch vụ
khác liên quan đến vận tải hàng hoá và tác nghiệp kỹ thuật;
c) Ga kỹ thuật là hệ thống công trình
được xây dựng để thực hiện tác nghiệp kỹ thuật đầu máy, toa xe phục vụ cho việc
chạy tàu;
d) Ga hỗn hợp là ga đồng thời có
chức năng của hai hoặc ba loại ga quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
2. Ga đường sắt phải có tên ga,
không được đặt tên ga trùng nhau. Tại ga có nhiều đường tàu khách phải có bảng
tên ke ga và bảng chỉ dẫn đến ke ga. Các đường tàu trong ga phải có số hiệu
riêng và không được trùng số hiệu.
3. Ga đường sắt phải có hệ thống
thoát hiểm; hệ thống phòng cháy, chữa cháy với đầy đủ phương tiện, dụng cụ để sẵn
sàng cứu chữa khi cần thiết; hệ thống bảo đảm chiếu sáng, thông gió, vệ sinh
môi trường.
4. Bộ trưởng
Bộ Giao thông vận tải ban hành quy phạm kỹ thuật khai thác, tiêu chuẩn kỹ thuật
ga đường sắt; quyết định và công bố việc đóng, mở ga đường sắt.
Điều 22.
Công trình, thiết bị báo hiệu cố định trên đường sắt
1. Công trình, thiết bị báo hiệu
cố định trên đường sắt bao gồm:
a) Cột tín hiệu, đèn tín hiệu;
b) Biển hiệu, mốc hiệu;
c) Biển báo;
d) Rào, chắn;
đ) Cọc mốc chỉ giới;
e) Các báo hiệu khác.
2. Công trình, thiết bị báo hiệu
cố định trên đường sắt phải được xây dựng, lắp đặt đầy đủ phù hợp với cấp kỹ
thuật và loại đường sắt; kiểm tra định kỳ để công trình, thiết bị báo hiệu thường
xuyên hoạt động tốt.
Điều 23.
Đường sắt giao nhau với đường sắt hoặc với đường bộ
1. Đường sắt giao nhau với đường
sắt phải giao khác mức, trừ trường hợp đường sắt chuyên dùng giao nhau với đường
sắt chuyên dùng.
2. Đường sắt giao nhau với đường
bộ phải xây dựng nút giao khác mức trong các trường hợp sau đây:
a) Đường sắt có tốc độ thiết kế
từ 160 kilômét/giờ trở lên giao nhau với đường bộ;
b) Đường sắt giao nhau với đường
bộ từ cấp III trở lên; đường sắt giao nhau với đường bộ đô thị;
c) Đường sắt đô thị giao nhau với
đường bộ, trừ đường xe điện bánh sắt.
3. Chủ đầu tư xây dựng đường sắt
mới phải chịu trách nhiệm xây dựng nút giao khác mức theo quy định tại khoản 1
và khoản 2 Điều này; chủ đầu tư xây dựng đường bộ mới phải chịu trách nhiệm xây
dựng nút giao khác mức theo quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Trường hợp
không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này khi chưa có đủ điều kiện tổ chức giao
khác mức thì Uỷ ban nhân dân các cấp, chủ đầu tư dự án hoặc tổ chức, cá nhân có
nhu cầu giao thông qua đường sắt phải tuân theo những quy định sau đây:
a) Nơi được
phép xây dựng đường ngang phải thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải;
b) Nơi không được phép xây dựng
đường ngang phải xây dựng đường gom nằm ngoài hành lang an toàn giao thông đường
sắt để dẫn tới đường ngang hoặc nút giao khác mức gần nhất.
Điều 24.
Đường sắt và đường bộ chạy song song gần nhau
1. Trường hợp đường sắt, đường bộ
chạy song song gần nhau thì phải bảo đảm đường này nằm ngoài hành lang an toàn
giao thông của đường kia; trường hợp địa hình không cho phép thì trên lề đường
bộ phía giáp với đường sắt phải xây dựng công trình phòng hộ ngăn cách, trừ trường
hợp đỉnh ray đường sắt cao hơn mặt đường bộ từ 3 mét trở lên.
2. Trường hợp đường sắt, đường bộ
chạy song song chồng lên nhau thì khoảng cách theo phương thẳng đứng từ điểm
cao nhất của mặt đường bộ phía dưới hoặc đỉnh ray đường sắt phía dưới đến điểm
thấp nhất của kết cấu đường phía trên phải bằng chiều cao bảo đảm an toàn giao
thông của đường phía dưới.
MỤC 2
BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT
Điều 25.
Hoạt động bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt
Hoạt động bảo vệ kết cấu hạ tầng
đường sắt là hoạt động nhằm bảo đảm an toàn và tuổi thọ của công trình đường sắt;
phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn; phòng ngừa, ngăn chặn và xử
lý hành vi xâm phạm công trình đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt,
hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Điều 26.
Phạm vi bảo vệ công trình đường sắt
Phạm vi bảo vệ công trình đường
sắt bao gồm:
1. Phạm vi bảo vệ đường sắt;
2. Phạm vi bảo vệ cầu đường sắt;
3. Phạm vi bảo vệ hầm đường sắt;
4. Phạm vi bảo vệ ga đường sắt;
5. Phạm vi bảo vệ công trình
thông tin, tín hiệu, hệ thống cấp điện cho đường sắt;
6. Phạm vi bảo vệ phía dưới mặt
đất của công trình đường sắt.
Điều 27.
Phạm vi bảo vệ đường sắt
Phạm vi bảo vệ đường sắt bao gồm
khoảng không phía trên, dải đất hai bên và phía dưới mặt đất của đường sắt được
quy định như sau:
1. Phạm vi bảo vệ trên không của
đường sắt tính từ đỉnh ray trở lên theo phương thẳng đứng đối với đường khổ
1000 milimét theo cấp kỹ thuật là 5,30 mét; đối với đường khổ 1435 milimét là
6,55 mét. Khoảng cách giữa đường sắt với đường tải điện đi ngang qua phía trên
đường sắt được thực hiện theo quy định của Luật điện lực;
2. Phạm vi dải đất bảo vệ hai
bên đường sắt được xác định như sau:
a) 7 mét tính từ mép ngoài của
ray ngoài cùng trở ra đối với nền đường không đắp, không đào;
b) 5 mét tính từ chân nền đường
đắp hoặc 3 mét tính từ mép ngoài của rãnh thoát nước dọc trở ra đối với nền đường
đắp;
c) 5 mét tính từ mép đỉnh đường
đào hoặc 3 mét tính từ mép ngoài của rãnh thoát nước đỉnh trở ra đối với nền đường
đào;
3. Phạm vi bảo vệ phía dưới mặt
đất của đường sắt được thực hiện theo quy định tại Điều 32 của Luật
này.
Điều 28.
Phạm vi bảo vệ cầu đường sắt
1. Phạm vi bảo vệ cầu đường sắt
bao gồm khoảng không, vùng đất, vùng nước và vùng đất dưới mặt nước xung quanh
cầu.
2. Phạm vi bảo vệ trên không của
cầu là 2 mét theo phương thẳng đứng, tính từ điểm cao nhất của kết cấu cầu;
trong trường hợp cầu chỉ có lan can thì phạm vi bảo vệ trên không của cầu đường
sắt không được nhỏ hơn chiều cao giới hạn quy định tại khoản 1 Điều
27 của Luật này.
3. Phạm vi bảo vệ cầu theo chiều
dọc được tính như sau:
a) Từ cột tín hiệu phòng vệ phía
bên này cầu đến cột tín hiệu phòng vệ phía bên kia cầu đối với cầu có cột tín
hiệu phòng vệ;
b) Từ đuôi mố cầu bên này đến
đuôi mố cầu bên kia và cộng thêm 50 mét về mỗi bên đầu cầu đối với cầu không có
cột tín hiệu phòng vệ.
4. Phạm vi
bảo vệ cầu theo chiều ngang được tính như sau:
a) Cầu cạn và cầu vượt sông
trong đô thị có chiều dài dưới 20 mét, tính từ mép lan can ngoài cùng trở ra mỗi
bên là 5 mét;
b) Cầu vượt sông trong đô thị có
chiều dài từ 20 mét trở lên và cầu ngoài đô thị, tính từ mép ngoài cùng của kết
cấu cầu trở ra mỗi bên là 20 mét đối với cầu dài dưới 20 mét; 50 mét đối với cầu
dài từ 20 mét đến dưới 60 mét; 100 mét đối với cầu dài từ 60 mét đến 300 mét;
150 mét đối với cầu dài trên 300 mét.
Điều 29.
Phạm vi bảo vệ hầm đường sắt
Phạm vi bảo vệ hầm đường sắt bao
gồm vùng đất, khoảng không xung quanh hầm, tính từ điểm ngoài cùng của thành hầm
trở ra về các phía là 50 mét; trường hợp phạm vi bảo vệ hầm không bảo đảm được
quy định này thì phải có giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn công trình hầm được
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.
Điều 30.
Phạm vi bảo vệ ga đường sắt
Phạm vi bảo vệ ga đường sắt bao
gồm tường rào, mốc chỉ giới, toàn bộ vùng đất, khoảng không phía trong tường
rào, mốc chỉ giới ga, trong dải đất từ cột tín hiệu vào ga phía bên này đến cột
tín hiệu vào ga phía bên kia của ga đường sắt.
Điều 31.
Phạm vi bảo vệ công trình thông tin, tín hiệu, hệ thống cấp điện đường sắt
Phạm vi bảo vệ công trình thông
tin, tín hiệu, hệ thống cấp điện đường sắt bao gồm khoảng không, vùng đất xung
quanh công trình đó được tính như sau:
1. Phạm vi bảo vệ cột thông tin,
cột tín hiệu, cột điện đường sắt nằm ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt là 3,5 mét
tính từ tim cột trở ra xung quanh;
2. Phạm vi bảo vệ đường dây
thông tin, dây tín hiệu, dây điện đường sắt là 2,5 mét tính từ đường dây ngoài
cùng trở ra theo chiều ngang và phương thẳng đứng.
Điều 32.
Phạm vi bảo vệ phía dưới mặt đất của công trình đường sắt
Phạm vi bảo vệ phía dưới mặt đất
của công trình đường sắt khi có công trình được xây dựng ngầm dưới công trình
đường sắt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định.
Điều 33.
Xây dựng công trình và hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt
1. Công trình và hoạt động trong
phạm vi bảo vệ công trình đường sắt khi bắt buộc phải xây dựng hoặc tiến hành
phải được cấp phép theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
2. Chủ đầu tư công trình hoặc tổ
chức, cá nhân tiến hành hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt phải
tuân theo các quy định sau đây:
a) Khi lập dự án xây dựng, tiến
hành hoạt động phải có ý kiến bằng văn bản của doanh nghiệp quản lý kết cấu hạ
tầng đường sắt;
b) Trước khi thi công công trình
hoặc tiến hành hoạt động phải có phương án bảo đảm an toàn cho công trình đường
sắt và giao thông vận tải đường sắt được doanh nghiệp quản lý kết cấu hạ tầng
đường sắt chấp thuận bằng văn bản;
c) Khi hoàn thành công trình hoặc
kết thúc hoạt động phải dỡ bỏ các chướng ngại vật có khả năng gây mất an toàn đến
công trình đường sắt, giao thông vận tải đường sắt do xây dựng công trình hoặc
tiến hành hoạt động gây ra; bàn giao hồ sơ hoàn công cho doanh nghiệp quản lý kết
cấu hạ tầng đường sắt.
3. Chủ đầu tư công trình hoặc tổ
chức, cá nhân tiến hành hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt phải
bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra cho công trình đường sắt và an toàn
giao thông vận tải đường sắt theo quy định của pháp luật.
Điều 34.
Xây dựng công trình, khai thác tài nguyên và hoạt động khác ở vùng lân cận phạm
vi bảo vệ công trình đường sắt
1. Việc xây dựng công trình,
khai thác tài nguyên và tiến hành hoạt động khác ở vùng lân cận phạm vi bảo vệ
công trình đường sắt không được làm ảnh hưởng đến an toàn của công trình đường
sắt và an toàn giao thông vận tải đường sắt.
2. Trong trường hợp việc xây dựng,
khai thác tài nguyên và tiến hành các hoạt động khác có khả năng ảnh hưởng đến
an toàn của công trình đường sắt hoặc an toàn giao thông vận tải đường sắt thì
chủ đầu tư công trình, tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên và tiến hành hoạt
động khác phải có biện pháp bảo đảm an toàn cần thiết cho công trình đường sắt
và an toàn giao thông vận tải đường sắt.
3. Chủ đầu tư công trình, tổ chức,
cá nhân khai thác tài nguyên và tiến hành hoạt động khác phải bồi thường thiệt
hại do lỗi của mình gây ra cho công trình đường sắt và an toàn giao thông vận tải
đường sắt.
Điều 35.
Hành lang an toàn giao thông đường sắt
1. Phạm vi giới hạn hành lang an
toàn giao thông đường sắt được quy định như sau:
a) Chiều cao giới hạn trên không
tính từ đỉnh ray trở lên theo phương thẳng đứng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này;
b) Chiều rộng giới hạn hai bên
đường sắt tính từ mép chân nền đường đắp, mép đỉnh mái đường đào, mép ray ngoài
cùng của đường không đào, không đắp trở ra mỗi bên là 15 mét đối với đường sắt
trong khu gian; tính từ mép ray ngoài cùng trở ra mỗi bên là 2 mét đối với đường
sắt trong ga, trong cảng, trong tường rào.
2. Hành
lang an toàn giao thông đường sắt tại khu vực đường ngang phải bảo đảm tầm nhìn
cho người tham gia giao thông và phù hợp với cấp đường ngang.
3. Trong hành lang an toàn giao
thông đường sắt chỉ được phép trồng cây thấp dưới 1,5 mét và phải trồng cách
mép chân nền đường đắp ít nhất 2 mét, cách mép đỉnh mái đường đào ít nhất 5 mét
hoặc cách mép ngoài rãnh thoát nước dọc của đường, rãnh thoát nước đỉnh ít nhất
3 mét.
4. Bộ trưởng
Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể hành lang an toàn giao thông tại khu vực
đường ngang, đường sắt đô thị.
Điều 36.
Trách nhiệm bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt
1. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu
hạ tầng đường sắt có trách nhiệm bảo vệ, kiểm tra, sửa chữa, bảo trì công trình
đường sắt để bảo đảm giao thông vận tải đường sắt hoạt động thông suốt, an
toàn.
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng kết
cấu hạ tầng đường sắt để hoạt động giao thông vận tải phải thực hiện đúng các
quy định về bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng đường sắt.
3. Uỷ ban nhân dân các cấp nơi
có đường sắt đi qua có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, giáo dục nhân dân bảo
vệ kết cấu hạ tầng đường sắt; tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời
hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng đường sắt và an toàn giao thông vận tải đường
sắt trên địa bàn.
4. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm
bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, tham gia ứng cứu khi công trình đường sắt bị
hư hỏng. Khi phát hiện công trình đường sắt bị hư hỏng hoặc hành vi xâm phạm kết
cấu hạ tầng đường sắt phải kịp thời báo cho Uỷ ban nhân dân, doanh nghiệp kinh
doanh kết cấu hạ tầng đường sắt hoặc cơ quan công an nơi gần nhất. Người nhận
được tin báo phải kịp thời thực hiện các biện pháp xử lý để bảo đảm an toàn
giao thông vận tải đường sắt.
5. Bộ Giao thông vận tải chủ
trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tổ chức bảo vệ công trình đường sắt
đặc biệt quan trọng.
6. Mọi hành vi xâm phạm kết cấu
hạ tầng đường sắt phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Điều 37.
Phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, tai nạn đối với kết cấu hạ tầng
đường sắt
1. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu
hạ tầng đường sắt có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương
nơi có đường sắt đi qua và tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức phòng, chống,
khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, tai nạn giao thông đường sắt.
2. Khi có sự cố, thiên tai, tai
nạn làm hư hỏng kết cấu hạ tầng đường sắt thì doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ
tầng đường sắt có trách nhiệm kịp thời tổ chức khắc phục hậu quả, khôi phục
giao thông, phục hồi lại kết cấu hạ tầng đường sắt bảo đảm tiêu chuẩn về an
toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
3. Khi có sự cố, thiên tai, tai
nạn làm ách tắc giao thông đường sắt, tổ chức điều hành giao thông vận tải đường
sắt được quyền huy động mọi phương tiện, thiết bị, vật tư, nhân lực cần thiết
và chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố kịp thời tổ chức
khắc phục hậu quả, khôi phục giao thông vận tải. Tổ chức, cá nhân được huy động
có nghĩa vụ chấp hành và được thanh toán chi phí.
4. Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố,
tai nạn phải thanh toán chi phí khắc phục hậu quả sự cố, tai nạn, bồi thường
thiệt hại và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
CHƯƠNG III
PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT
Điều 38.
Điều kiện lưu hành của phương tiện giao thông đường sắt
Phương tiện giao thông đường sắt
khi lưu hành phải có đủ giấy chứng nhận đăng ký; giấy chứng nhận đăng kiểm về
tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn hiệu lực.
Điều 39.
Đăng ký phương tiện giao thông đường sắt
1. Phương tiện giao thông đường
sắt có đủ các điều kiện sau đây thì được cấp giấy chứng nhận đăng ký:
a) Phương tiện có nguồn gốc hợp
pháp;
b) Phương tiện đạt tiêu chuẩn về
an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
2. Phương tiện giao thông đường
sắt khi thay đổi tính năng sử dụng hoặc thay đổi các thông số kỹ thuật chủ yếu
thì chủ phương tiện phải làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký mới.
3. Khi chuyển quyền sở hữu, chủ
sở hữu mới của phương tiện giao thông đường sắt phải xuất trình giấy tờ mua bán
hợp pháp, giấy chứng nhận đăng kiểm còn hiệu lực với cơ quan nhà nước có thẩm
quyền để được cấp giấy chứng nhận đăng ký theo tên chủ sở hữu mới.
4. Chủ sở hữu phương tiện giao
thông đường sắt phải khai báo để xoá đăng ký và nộp lại giấy chứng nhận đăng ký
trong các trường hợp sau đây:
a) Phương tiện giao thông đường
sắt không còn sử dụng cho giao thông đường sắt;
b) Phương tiện giao thông đường
sắt bị mất tích, bị phá huỷ;
c) Phương tiện giao thông đường
sắt đã được chuyển đổi chủ sở hữu.
5. Bộ trưởng
Bộ Giao thông vận tải quy định việc đăng ký phương tiện giao thông đường sắt.
Điều 40.
Đăng kiểm phương tiện giao thông đường sắt
1. Phương tiện giao thông đường
sắt được sản xuất tại Việt Nam phải phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng, an toàn
kỹ thuật, bảo vệ môi trường và được xác nhận của cơ quan đăng kiểm Việt Nam hoặc
tổ chức có chức năng đăng kiểm của nước ngoài được cơ quan đăng kiểm Việt Nam uỷ
quyền.
2. Trong quá trình sản xuất, lắp
ráp, hoán cải, phục hồi, phương tiện giao thông đường sắt phải chịu sự giám sát
về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của cơ quan
đăng kiểm Việt Nam hoặc tổ chức có chức năng đăng kiểm nước ngoài được cơ quan
đăng kiểm Việt Nam uỷ quyền.
3. Phương tiện giao thông đường
sắt trong quá trình khai thác phải được cơ quan đăng kiểm định kỳ kiểm tra tiêu
chuẩn an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và cấp giấy chứng nhận.
4. Chủ phương tiện giao thông đường
sắt chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo dưỡng bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và
bảo vệ môi trường của phương tiện giữa hai kỳ kiểm tra của cơ quan đăng kiểm.
5. Cơ quan đăng kiểm phải tuân
theo quy trình, tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn ngành khi thực hiện đăng kiểm.
Người đứng đầu cơ quan đăng kiểm và người trực tiếp thực hiện việc đăng kiểm phải
chịu trách nhiệm về kết quả đăng kiểm.
6. Bộ trưởng
Bộ Giao thông vận tải quy định tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ
môi trường của phương tiện; quy định tiêu chuẩn, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ
thuật của cơ quan đăng kiểm và tổ chức thực hiện thống nhất việc đăng kiểm
phương tiện giao thông đường sắt.
Điều 41.
Thông tin, chỉ dẫn cần thiết trên phương tiện giao thông đường sắt
1. Trên phương tiện giao thông
đường sắt phải ghi ký hiệu của đường sắt Việt Nam, chủ phương tiện, nơi và năm
sản xuất, tên doanh nghiệp quản lý, kích thước, tự trọng, trọng tải, số hiệu và
kiểu loại, công suất, kiểu truyền động.
2. Ngoài quy định tại khoản 1 Điều
này, trên toa xe khách còn phải có bảng niêm yết hoặc thông báo bằng phương tiện
thông tin khác cho hành khách về hành trình của tàu, tên ga dừng đỗ trên tuyến
đường, tốc độ tàu đang chạy, cách xử lý tình huống khi xảy ra hỏa hoạn, sự cố;
nội quy đi tàu.
3. Ký hiệu, thông tin, chỉ dẫn
phải rõ ràng, dễ hiểu; bảng niêm yết phải bố trí ở nơi dễ thấy, dễ đọc.
Điều 42.
Thiết bị phanh hãm, ghép nối đầu máy, toa xe
1. Phương tiện giao thông đường
sắt phải có thiết bị phanh hãm tự động, phanh hãm bằng tay. Thiết bị phanh hãm
phải được kiểm tra thường xuyên để bảo đảm hoạt động tốt, tin cậy, thao tác thuận
tiện.
2. Trên toa xe khách và tại vị
trí làm việc của trưởng tàu phải lắp van hãm khẩn cấp. Van hãm khẩn cấp phải được
kiểm tra định kỳ và kẹp chì niêm phong.
3. Tại vị trí làm việc của trưởng
tàu và trên một số toa xe khách phải được lắp đồng hồ áp suất.
4. Trang thiết bị ghép nối đầu
máy, toa xe phải lắp đúng kiểu, loại thích hợp cho từng kiểu, loại đầu máy, toa
xe.
Điều 43.
Trang thiết bị trên phương tiện giao thông đường sắt
1. Phương tiện giao thông đường
sắt phải được trang bị dụng cụ thoát hiểm, thiết bị, dụng cụ và vật liệu chữa
cháy, thuốc sơ cấp cứu, dụng cụ chèn tàu, dụng cụ và vật liệu để sửa chữa đơn
giản, tín hiệu cầm tay.
2. Trên đầu
máy, toa xe động lực và phương tiện động lực chuyên dùng đường sắt phải có đồng
hồ báo tốc độ, thiết bị ghi tốc độ và các thông tin liên quan đến việc điều
hành chạy tàu (hộp đen), thiết bị cảnh báo để lái tàu tỉnh táo trong khi lái
tàu; tại vị trí làm việc của trưởng tàu phải có thiết bị đo tốc độ tàu, thiết bị
thông tin liên lạc giữa trưởng tàu và lái tàu.
3. Trên toa xe khách phải có thiết
bị chiếu sáng; thiết bị làm mát, thông gió; thiết bị phục vụ người khuyết tật;
thiết bị vệ sinh, trừ toa xe trên đường sắt đô thị.
Điều 44.
Phương tiện giao thông đường sắt bị tạm đình chỉ tham gia giao thông đường sắt
1. Phương tiện giao thông đường
sắt bị tạm đình chỉ tham gia giao thông đường sắt trong các trường hợp sau đây:
a) Giấy chứng nhận đăng kiểm
phương tiện hết thời hạn;
b) Phát hiện không bảo đảm
tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật khi đang hoạt động.
2. Việc di chuyển phương tiện mới
nhập khẩu, phương tiện chạy thử nghiệm; việc đưa phương tiện giao thông đường sắt
bị hư hỏng về cơ sở sửa chữa được thực hiện theo quy trình, quy phạm đường sắt.
Điều 45.
Nhập khẩu phương tiện giao thông đường sắt
Phương tiện giao thông đường sắt
nhập khẩu phải phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt Việt Nam; có giấy chứng
nhận bảo đảm các yêu cầu về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường
do cơ quan đăng kiểm Việt Nam cấp hoặc do tổ chức có chức năng đăng kiểm của nước
ngoài được cơ quan đăng kiểm Việt Nam công nhận cấp. Việc nhập khẩu phương tiện
giao thông đường sắt phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
CHƯƠNG IV
NHÂN VIÊN ĐƯỜNG SẮT TRỰC TIẾP PHỤC VỤ CHẠY TÀU
Điều 46.
Điều kiện đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu
1. Nhân viên
đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu bao gồm các chức danh sau đây:
a) Trưởng tàu;
b) Lái tàu, phụ lái tàu;
c) Nhân viên điều độ chạy tàu;
d) Trực ban chạy tàu ga;
đ) Trưởng dồn;
e) Nhân viên gác ghi;
g) Nhân viên ghép nối đầu máy,
toa xe;
h) Nhân viên tuần đường, cầu, hầm,
gác hầm;
i) Nhân viên gác đường ngang, cầu
chung.
2. Nhân
viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu quy định tại khoản 1 Điều này khi làm
việc phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có bằng, chứng chỉ chuyên môn
phù hợp với chức danh do cơ sở đào tạo được Bộ Giao thông vận tải công nhận cấp;
b) Có giấy chứng nhận đủ tiêu
chuẩn sức khỏe theo định kỳ do Bộ Y tế quy định;
c) Đối với lái tàu, ngoài các điều
kiện quy định tại khoản này còn phải có giấy phép lái tàu.
3. Nhân
viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu khi làm nhiệm vụ có trách nhiệm sau
đây:
a) Thực hiện các công việc theo
chức danh, tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật và theo quy trình, quy phạm;
b) Tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh
chỉ huy chạy tàu, chấp hành các quy định, chỉ thị của cấp trên;
c) Mặc đúng trang phục, đeo phù
hiệu, cấp hiệu và biển chức danh.
4. Bộ trưởng
Bộ Giao thông vận tải quy định nội dung, chương trình đào tạo, điều kiện đối với
cơ sở đào tạo các chức danh; tiêu chuẩn các chức danh quy định tại khoản 1 Điều
này; nội dung, quy trình sát hạch và tổ chức cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái
tàu.
Điều 47.
Giấy phép lái tàu
1. Giấy phép lái tàu là chứng chỉ
được cấp cho người trực tiếp lái phương tiện giao thông đường sắt.
2. Người được cấp giấy phép lái
tàu chỉ được lái loại phương tiện giao thông đường sắt đã quy định trong giấy
phép.
3. Người được cấp giấy phép lái
tàu phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có độ tuổi từ đủ 23 tuổi đến
55 tuổi đối với nam, từ đủ 23 tuổi đến 50 tuổi đối với nữ; có giấy chứng nhận đủ
tiêu chuẩn sức khỏe;
b) Có bằng, chứng chỉ chuyên
ngành lái phương tiện giao thông đường sắt do cơ sở đào tạo cấp;
c) Đã có thời gian làm phụ lái
tàu liên tục 24 tháng trở lên;
d) Đã qua kỳ sát hạch đối với loại
phương tiện giao thông đường sắt quy định trong giấy phép lái tàu.
Điều 48.
Trưởng tàu
1. Trưởng tàu là người chỉ huy
cao nhất trên tàu, chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, phục vụ
khách hàng, bảo đảm tàu chạy theo đúng lịch trình và mệnh lệnh của điều độ chạy
tàu, quy trình, quy phạm chạy tàu; giải quyết tai nạn giao thông đường sắt theo
quy định tại Điều 11 của Luật này.
2. Trong thời gian hành trình của
tàu, trưởng tàu có quyền bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang; tạm giữ
theo thủ tục hành chính người có hành vi vi phạm trật tự, an toàn trên tàu theo
quy định của pháp luật và phải chuyển giao người đó cho trưởng ga hoặc cơ quan
công an, chính quyền địa phương khi tàu dừng tại ga gần nhất.
3. Trong trường hợp cấp thiết,
trưởng tàu có quyền ra mệnh lệnh đối với hành khách để thực hiện các biện pháp
bảo đảm an toàn cho tàu và phải báo cáo ngay với điều độ chạy tàu hoặc nhà ga gần
nhất về tình trạng cấp thiết.
4. Trưởng tàu có quyền từ chối
không cho tàu chạy khi thấy chưa đủ điều kiện an toàn chạy tàu; từ chối tiếp nhận
nhân viên không đủ trình độ chuyên môn, sức khoẻ làm việc theo chức danh trên
tàu; tạm đình chỉ công việc của nhân viên trên tàu vi phạm kỷ luật. Trưởng tàu
có trách nhiệm báo cáo ngay với cấp có thẩm quyền để giải quyết khi thực hiện
quyền từ chối quy định tại khoản này.
5. Trưởng tàu có trách nhiệm lập
biên bản với sự tham gia của hai người làm chứng về các trường hợp sinh, tử, bị
thương xảy ra trên tàu; trưởng tàu có quyền quyết định cho tàu dừng ở ga thuận
lợi nhất cho việc cứu người và phải chuyển giao người đó cùng với tài sản, giấy
tờ liên quan cho trưởng ga hoặc cơ quan công an, bệnh viện, chính quyền địa
phương.
6. Trước khi cho tàu chạy và
trong quá trình chạy tàu, trưởng tàu có trách nhiệm kiểm tra điều kiện an toàn
chạy tàu và các vấn đề khác có liên quan đến an toàn cho người và phương tiện.
7. Trưởng tàu có trách nhiệm ghi
nhật ký, lập các báo cáo, chứng từ liên quan đến hành trình của tàu.
8. Trường hợp nhiều tàu ghép
thành đoàn tàu hỗn hợp thì trưởng tàu của tàu cuối cùng là người chỉ huy chung
của đoàn tàu hỗn hợp.
Điều 49.
Lái tàu, phụ lái tàu
1. Lái tàu là người trực tiếp điều
khiển tàu; chịu trách nhiệm vận hành đầu máy an toàn, đúng tốc độ quy định,
đúng lịch trình theo biểu đồ chạy tàu, mệnh lệnh chỉ huy chạy tàu, quy trình,
quy phạm; có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại Điều 11 của
Luật này khi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt.
2. Lái tàu chỉ được phép điều
khiển tàu khi có giấy phép lái tàu.
3. Lái tàu có quyền từ chối
không cho tàu chạy, nếu xét thấy chưa đủ điều kiện an toàn cần thiết và báo cáo
ngay cho cấp có thẩm quyền để giải quyết.
4. Trước khi cho tàu chạy, lái
tàu phải kiểm tra, xác nhận chứng vật chạy tàu cho phép chiếm dụng khu gian,
xác nhận chính xác tín hiệu cho tàu chạy của trưởng tàu và của trực ban chạy
tàu ga.
5. Trong khi chạy tàu, lái tàu
có trách nhiệm kiểm tra trạng thái kỹ thuật đầu máy và các vấn đề khác có liên
quan đến an toàn đầu máy và an toàn chạy tàu theo quy định.
6. Trong khi thực hiện nhiệm vụ,
lái tàu và phụ lái tàu phải tỉnh táo theo dõi và thực hiện đúng chỉ dẫn của các
biển báo, biển hiệu, mốc hiệu trên đường, quan sát tình hình cầu đường và biểu
thị của tín hiệu.
7. Trong quá trình chạy tàu, lái
tàu phải kiểm tra tác dụng của phanh tự động theo quy trình, quy phạm, đặc biệt
trong trường hợp khi tàu lên, xuống dốc cao và dài.
8. Phụ lái tàu là người giúp lái
tàu trong quá trình chạy tàu, giám sát tốc độ chạy tàu và quan sát tín hiệu để
kịp thời báo cho lái tàu xử lý.
Điều 50.
Nhân viên điều độ chạy tàu
Nhân viên điều độ chạy tàu là
người trực tiếp ra lệnh chỉ huy chạy tàu theo biểu đồ chạy tàu trên một tuyến
đường, khu đoạn được phân công; trực tiếp truyền đạt mệnh lệnh tổ chức chỉ huy
các tàu đi cứu chữa, cứu hộ khi có sự cố chạy tàu; ra lệnh phong toả khu gian,
lệnh cảnh báo tốc độ tới các đơn vị có liên quan; ra lệnh tạm đình chỉ chạy tàu
nếu xét thấy có nguy cơ mất an toàn chạy tàu.
Điều 51.
Trực ban chạy tàu ga
1. Trực ban chạy tàu ga là người
điều hành việc lập tàu, xếp, dỡ hàng hóa, đón, tiễn hành khách, tổ chức công
tác dồn, đón, tiễn tàu và các việc khác liên quan tại nhà ga theo biểu đồ chạy
tàu, các mệnh lệnh chỉ huy chạy tàu, quy trình, quy phạm chạy tàu; tham gia giải
quyết tai nạn giao thông đường sắt theo quy định tại Điều 11 của
Luật này.
2. Trực ban chạy tàu ga có quyền
từ chối không cho tàu chạy, nếu xét thấy chưa đủ điều kiện an toàn cần thiết và
có trách nhiệm báo cáo ngay với nhân viên điều độ chạy tàu.
3. Trực ban chạy tàu ga có trách
nhiệm kiểm tra các điều kiện an toàn cần thiết, phù hợp với các quy định về
tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn nghề nghiệp và các vấn đề khác có liên quan đến
an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, hàng hoá trong khi làm nhiệm vụ.
Điều 52.
Nhân viên gác ghi
1. Nhân viên gác ghi là người chịu
sự chỉ huy và điều hành trực tiếp của trực ban chạy tàu ga để quản lý, giám
sát, kiểm tra, sử dụng ghi phục vụ cho công tác tổ chức chạy tàu của ga theo biểu
đồ chạy tàu, các mệnh lệnh chỉ huy chạy tàu, quy trình, quy phạm, quy tắc quản
lý kỹ thuật ga.
2. Nhân viên gác ghi có trách
nhiệm kiểm tra các điều kiện an toàn cần thiết, phù hợp với các quy định về
tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn nghề nghiệp và các vấn đề khác có liên quan đến
an toàn chạy tàu trong khi thực hiện nhiệm vụ được
giao.
Điều 53.
Trưởng dồn, nhân viên ghép nối đầu máy, toa xe
1. Trưởng dồn là người chịu sự
chỉ huy, điều hành của trực ban chạy tàu ga để tổ chức và thực hiện công tác dồn,
ghép nối đầu máy, toa xe phục vụ cho công tác tổ chức chạy tàu, xếp, dỡ hàng
hóa, vận tải hành khách của ga theo mệnh lệnh chỉ huy chạy tàu, quy trình, quy
phạm, quy tắc quản lý kỹ thuật ga.
2. Nhân viên ghép nối đầu máy,
toa xe là người chịu sự chỉ huy và điều hành trực tiếp của trưởng dồn để thực
hiện công việc dồn, ghép nối đầu máy, toa xe theo quy trình, quy phạm, quy tắc
quản lý kỹ thuật ga.
3. Trưởng dồn, nhân viên ghép nối
đầu máy, toa xe có trách nhiệm kiểm tra các điều kiện an toàn cần thiết, phù hợp
với các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn nghề nghiệp và các vấn đề
khác có liên quan đến an toàn chạy tàu trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
Điều 54.
Nhân viên tuần đường, cầu, hầm, gác hầm; gác đường ngang, cầu chung
1. Nhân viên tuần đường, cầu, hầm,
gác hầm có trách nhiệm sau đây:
a) Kiểm tra theo dõi thường
xuyên, phát hiện kịp thời các hư hỏng, chướng ngại và xử lý bảo đảm an toàn chạy
tàu trong phạm vi địa giới được phân công; ghi chép đầy đủ vào sổ tuần tra,
canh gác và báo cáo cấp trên theo quy định;
b) Sửa chữa, xử lý kịp thời các
hư hỏng, chướng ngại nhỏ; tham gia bảo trì đường, cầu, hầm theo phân công;
c) Kịp thời phòng vệ, nhanh
chóng thông tin hoặc báo hiệu dừng tàu khi phát hiện thấy hư hỏng, chướng ngại
có nguy cơ làm mất an toàn giao thông vận tải đường sắt; tham gia bảo vệ kết cấu
hạ tầng đường sắt và phương tiện giao thông đường sắt trong phạm vi được phân
công.
2. Nhân viên gác đường ngang, cầu
chung có trách nhiệm sau đây:
a) Đóng, mở chắn đường ngang kịp
thời, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi
phương tiện giao thông đường sắt chạy qua đường ngang;
b) Trực tiếp kiểm tra, bảo quản,
bảo trì, sử dụng công trình, trang thiết bị chắn đường ngang phù hợp với các
quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình, quy phạm.
CHƯƠNG V
ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ
Điều 55.
Các loại hình đường sắt đô thị
1. Đường sắt đô thị bao gồm đường
tàu điện ngầm, đường tàu điện trên cao, đường sắt một ray tự động dẫn hướng và
đường xe điện bánh sắt.
2. Đường sắt đô thị do Uỷ ban
nhân dân cấp tỉnh tổ chức đầu tư, xây dựng, quản lý, kinh doanh.
Điều 56.
Chính sách phát triển đường sắt đô thị
1. Nhà nước huy động các nguồn lực
để phát triển đường sắt đô thị thành một trong những loại hình giao thông chủ yếu
ở các đô thị lớn.
2. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đề
xuất chủ trương đầu tư xây dựng, chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nguồn lực để
đầu tư xây dựng và khai thác đường sắt đô thị.
3. Tổ chức,
cá nhân đầu tư xây dựng đường sắt đô thị được hưởng các ưu đãi sau đây:
a) Ưu đãi quy định tại khoản 3 Điều 18 của Luật này;
b) Được Nhà nước hỗ trợ từ ngân
sách trung ương một phần kinh phí trong tổng mức đầu tư dự án đường sắt đô thị
được duyệt.
4. Hàng năm,
Nhà nước trích một khoản kinh phí từ ngân sách trung ương hỗ trợ cho dịch vụ
giao thông vận tải công cộng của đô thị, trong đó có giao thông vận tải đường sắt
đô thị.
Điều 57.
Điều kiện để lập dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị
1. Việc lập dự án đầu tư xây dựng
đường sắt đô thị phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Đô thị lớn
đạt tiêu chuẩn kinh tế - xã hội theo quy định;
b) Chủ trương đầu tư xây dựng đường
sắt đô thị phải được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua;
c) Dự án đầu tư xây dựng đường sắt
đô thị phải phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông đô thị của tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương;
d) Chủ đầu tư phải có đủ nguồn vốn
để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị và bảo đảm sau khi xây dựng
xong phải hoạt động ổn định, lâu dài và hiệu quả.
2. Chính phủ
quy định tiêu chuẩn đô thị được đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, quy định cụ
thể việc thực hiện khoản 3 và khoản 4 Điều 56 của Luật này.
Điều 58.
Những yêu cầu cơ bản khi xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị
Khi xây dựng kết cấu hạ tầng đường
sắt đô thị phải bảo đảm các yêu cầu cơ bản sau đây:
1. Phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ
thuật đường sắt đô thị, bảo đảm chất lượng công trình theo cấp kỹ thuật do Bộ
trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành;
2. Bảo đảm gắn kết với các loại
hình giao thông vận tải công cộng khác của đô thị và đường sắt quốc gia để tạo điều
kiện thuận lợi cho hành khách chuyển tiếp giữa các loại hình giao thông;
3. Đáp ứng được nhu cầu vận tải
hành khách lâu dài theo định hướng phát triển của đô thị;
4. Bảo vệ môi trường, không phá
vỡ cảnh quan đô thị.
Điều 59.
Cầu, hầm, ga, bến đỗ của đường sắt đô thị
1. Mố, trụ cầu cạnh tuyến giao
thông đường bộ hoặc những cột chống tại vị trí nguy hiểm của hầm đường tàu điện
ngầm phải bảo đảm vững chắc, chống được sự cố va đập của phương tiện giao
thông.
2. Hầm đường sắt đô thị phải bảo
đảm có hệ thống phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm vững chắc khi có hoả hoạn; bảo đảm
khô ráo, chống ngập nước; có hệ thống thông gió, thoát hiểm, cứu hộ, cứu nạn.
3. Nhà ga, bến đỗ của đường sắt
đô thị phải có biển báo, chỉ dẫn tuyến đường, ga, bến đỗ trên tuyến; bảo đảm điều
kiện để hành khách đi lại thuận tiện, an toàn; có thiết bị cung cấp thông tin,
bán vé, giám sát hành khách lên, xuống tàu, ra, vào ga; có hệ thống điện thoại
khẩn cấp, phương tiện sơ cứu y tế và phải có hệ thống điện dự phòng cho ga tàu
điện ngầm.
Điều 60.
Phạm vi bảo vệ công trình và hành lang an toàn giao thông đường sắt đô thị
1. Phạm vi bảo vệ công trình và
hành lang an toàn giao thông đường sắt đô thị phải bảo đảm an toàn cho phương
tiện, người tham gia giao thông đường sắt; phù hợp với loại hình phương tiện
giao thông đường sắt đô thị và địa hình, cấu trúc của đô thị.
2. Phạm vi bảo vệ công trình và
hành lang an toàn giao thông đường sắt đô thị do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
quy định cho từng loại hình giao thông đường sắt đô thị.
Điều 61.
Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị
1. Doanh nghiệp kinh doanh đường
sắt đô thị có trách nhiệm thực hiện việc bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt đô
thị do Nhà nước đầu tư thông qua đấu thầu hoặc đặt hàng cung ứng sản phẩm, dịch
vụ công ích của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy
định việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị của tổ chức, cá
nhân đầu tư kinh doanh đường sắt đô thị theo quy định của pháp luật.
Điều 62.
Kinh doanh vận tải đường sắt đô thị
1. Kinh doanh vận tải đường sắt
đô thị là kinh doanh có điều kiện.
2. Giá vé vận tải đường sắt đô
thị do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định. Việc trợ giá vận tải đường sắt đô thị
được thực hiện theo hợp đồng giữa Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và doanh nghiệp kinh
doanh vận tải đường sắt đô thị.
3. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải
đường sắt đô thị phải bảo đảm chạy tàu an toàn, đều đặn, đúng giờ.
4. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải
đường sắt đô thị phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật
về kinh doanh bảo hiểm.
CHƯƠNG VI
TÍN HIỆU, QUY TẮC GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT VÀ BẢO ĐẢM TRẬT
TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT
MỤC 1
TÍN HIỆU, QUY TẮC GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT
Điều 63.
Tín hiệu giao thông đường sắt
1. Hệ thống tín hiệu giao thông
đường sắt bao gồm hiệu lệnh của người tham gia điều khiển chạy tàu, tín hiệu
đèn màu, tín hiệu cánh, biển báo hiệu, pháo hiệu phòng vệ, đuốc và tín hiệu của
tàu. Biểu thị của tín hiệu là mệnh lệnh và điều kiện chạy tàu, dồn tàu.
2. Hiệu lệnh của người tham gia điều
khiển chạy tàu gồm cờ, còi, điện thoại, đèn và tín hiệu tay.
3. Tín hiệu đèn màu là tín hiệu
để báo cho lái tàu điều khiển tàu ra, vào ga, thông qua ga, dừng tàu.
4. Tín hiệu cánh là tín hiệu để báo
cho lái tàu điều khiển tàu ra, vào ga, thông qua ga, dừng ở những nơi chưa có
tín hiệu đèn màu.
5. Biển báo hiệu gồm hai nhóm
sau đây:
a) Biển báo để cung cấp những
thông tin cần biết cho lái tàu;
b) Biển hiệu, mốc hiệu để bắt buộc
lái tàu phải chấp hành.
6. Pháo hiệu phòng vệ, đuốc, đèn
đỏ, vật cầm trên tay quay tròn để báo hiệu dừng tàu khẩn cấp.
7. Tín hiệu của tàu gồm đèn,
còi, biển báo ở đuôi tàu và cờ.
8. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
quy định cụ thể về tín hiệu giao thông đường sắt.
Điều 64.
Chỉ huy chạy tàu
1. Việc chạy tàu ở mỗi khu đoạn
chỉ do một nhân viên điều độ chạy tàu chỉ huy. Mệnh lệnh chạy tàu của cấp trên
phải được thực hiện thông qua sự chỉ huy của nhân viên điều độ chạy tàu. Trực
ban chạy tàu ga, trưởng tàu, lái tàu phải tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh chỉ huy
của nhân viên điều độ chạy tàu.
2. Trong phạm vi ga đường sắt,
trực ban chạy tàu ga là người chỉ huy việc chạy tàu. Trưởng tàu, lái tàu phải
tuân theo mệnh lệnh của trực ban chạy tàu ga hoặc tuân theo biểu thị của tín hiệu.
3. Trên tàu, trưởng tàu là người
chỉ huy để bảo đảm chạy tàu an toàn.
4. Trên đầu máy đơn, tàu đường sắt
đô thị, lái tàu là người chỉ huy chạy tàu.
Điều 65.
Tốc độ chạy tàu
1. Tốc độ chạy tàu không được vượt
tốc độ quy định trong công lệnh tốc độ cho từng tuyến đường sắt, khu đoạn, khu
gian và tuân theo biểu đồ chạy tàu.
2. ở đoạn đường có cảnh báo ghi
tốc độ khác với tốc độ quy định trong công lệnh tốc độ, lái tàu phải thực hiện
theo tốc độ thấp nhất để bảo đảm chạy tàu an toàn.
Điều 66.
Lập tàu
1. Việc lập tàu phải theo đúng
quy trình, quy phạm kỹ thuật đường sắt.
2. Toa xe phải đủ tiêu chuẩn về
an toàn kỹ thuật thì mới được ghép nối.
3. Cấm ghép nối toa xe vận tải động
vật, hàng hoá có mùi hôi thối, chất dễ cháy, dễ nổ, độc hại và hàng nguy hiểm
khác vào tàu khách.
Điều 67.
Dồn tàu
1. Dồn tàu là việc di chuyển đầu
máy, toa xe từ vị trí này sang vị trí khác trong phạm vi ga đường sắt, khu
gian. Dồn tàu phải thực hiện theo kế hoạch của trực ban chạy tàu ga.
2. Trong quá trình dồn tàu, lái
tàu phải tuân theo sự điều khiển của trưởng dồn.
Điều 68.
Chạy tàu
1. Khi chạy tàu, lái tàu phải
tuân thủ các quy định sau đây:
a) Điều khiển tàu đi từ ga,
thông qua ga, dừng, tránh, vượt tại ga theo lệnh của trực ban chạy tàu ga;
b) Chỉ được phép điều khiển tàu vào
khu gian khi có chứng vật chạy tàu;
c) Chỉ được phép điều khiển tàu
vào ga, thông qua ga theo tín hiệu đèn màu, tín hiệu cánh và tín hiệu của trực
ban chạy tàu ga;
d) Điều khiển tốc độ chạy tàu
theo quy định tại Điều 65 của Luật này;
đ) Trong quá trình chạy tàu, lái
tàu và phụ lái tàu đang trong phiên trực không được rời vị trí làm việc.
2. Tàu khách chỉ được chạy khi
các cửa toa xe hành khách đã đóng. Cửa toa xe hành khách chỉ được mở khi tàu đã
dừng hẳn tại ga đường sắt.
Điều 69.
Tránh, vượt tàu
1. Việc tránh, vượt tàu phải thực
hiện tại ga đường sắt.
2. Lái tàu thực hiện việc tránh,
vượt tàu trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng theo lệnh của trực ban
chạy tàu ga; trên đường sắt đô thị theo lệnh của điều độ chạy tàu đường sắt đô
thị.
Điều 70.
Dừng tàu, lùi tàu
Lái tàu phải dừng tàu khi thấy
có tín hiệu dừng; khi phát hiện tình huống đe doạ đến an toàn chạy tàu hoặc nhận
được tín hiệu dừng tàu khẩn cấp thì được phép dừng tàu hoặc lùi tàu khẩn cấp.
Trường hợp dừng, lùi tàu khẩn cấp, trưởng tàu, lái tàu có trách nhiệm thông báo
cho nhà ga theo quy định của quy trình chạy tàu.
Điều 71.
Giao thông tại đường ngang, cầu chung, trong hầm
1. Tại đường ngang, cầu chung,
quyền ưu tiên giao thông thuộc về tàu.
2. Lái tàu phải kéo còi trước
khi đi vào đường ngang, phải bật đèn chiếu sáng khi đi trong hầm.
3. Người tham gia giao thông đường
bộ đi qua đường ngang, cầu chung thực hiện theo quy định tại Điều
23 của Luật giao thông đường bộ.
4. Tại đường ngang, cầu chung có
người gác, khi đèn tín hiệu không hoạt động hoặc báo hiệu sai quy định, chắn đường
bộ bị hỏng thì nhân viên gác đường ngang, nhân viên gác cầu chung phải điều
hành giao thông.
Điều 72.
Chấp hành tín hiệu giao thông đường sắt
1. Người trực tiếp tham gia chạy
tàu phải chấp hành tín hiệu giao thông đường sắt.
2. Lái tàu phải chấp hành tín hiệu
an toàn nhất cho người và phương tiện khi cùng một lúc nhận được nhiều tín hiệu
khác nhau hoặc tín hiệu không rõ ràng; trường hợp có tín hiệu của người điều
khiển trực tiếp thì phải tuân theo tín hiệu của người điều khiển đó.
3. Trường hợp tàu điện bánh sắt
tham gia giao thông đường bộ thì lái tàu phải tuân theo tín hiệu giao thông đường
bộ.
MỤC 2
BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT
Điều 73.
Hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt
1. Hoạt động bảo đảm trật tự, an
toàn giao thông vận tải đường sắt bao gồm:
a) Bảo đảm an toàn về người,
phương tiện, tài sản của Nhà nước và của nhân dân trong hoạt động giao thông vận
tải đường sắt;
b) Bảo đảm điều hành tập trung,
thống nhất hoạt động giao thông vận tải trên đường sắt quốc gia hoặc đường sắt
đô thị.
2. Tổ chức, cá nhân phải chấp
hành các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt của
pháp luật về đường sắt.
3. Hành vi vi phạm trật tự, an
toàn giao thông vận tải đường sắt phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm
minh, đúng pháp luật.
4. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt
động giao thông vận tải đường sắt, lực lượng bảo vệ đường sắt có trách nhiệm bảo
đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt. Lực lượng công an và chính
quyền địa phương các cấp nơi có nhà ga và tuyến đường sắt đi qua, trong phạm vi
nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn
giao thông vận tải đường sắt.
Điều 74.
Nội dung điều hành giao thông vận tải đường sắt
1. Điều hành giao thông vận tải
trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị bao gồm các nội dung sau đây:
a) Lập và phân bổ biểu đồ chạy
tàu bảo đảm không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường
sắt; công bố biểu đồ chạy tàu;
b) Chỉ huy điều độ chạy tàu thống
nhất, tập trung, bảo đảm an toàn, thông suốt theo biểu đồ chạy tàu đã công bố,
theo đúng lịch trình chạy tàu, quy trình, quy phạm và mệnh lệnh của cấp trên;
c) Chỉ huy xử lý các sự cố khẩn cấp
hoặc bất thường xảy ra trên đường sắt; huy động phương tiện, thiết bị và nhân lực
của các doanh nghiệp trong ngành đường sắt phục vụ cho công tác cứu hộ và khắc
phục sự cố trên đường sắt; tham gia phân tích nguyên nhân xảy ra sự cố; yêu cầu
các doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải đường sắt áp
dụng các biện pháp phòng chống sự cố, nâng cao chất lượng, độ tin cậy, độ an
toàn của giao thông vận tải đường sắt;
d) Tạm đình chỉ chạy tàu khi xét
thấy có nguy cơ mất an toàn chạy tàu; điều chỉnh hành trình các tàu trên từng
khu đoạn, từng tuyến, toàn mạng đường sắt để khôi phục biểu đồ chạy tàu sau tai
nạn, sự cố;
đ) Ký hợp đồng với doanh nghiệp
kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt trong việc sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt
để chạy tàu; ký hợp đồng với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt để cung
cấp dịch vụ điều hành và các dịch vụ liên quan đến giao thông vận tải đường sắt;
e) Thu nhận và tổng hợp thông
tin liên quan đến công tác điều hành giao thông vận tải đường sắt;
g) Đề nghị cơ quan nhà nước có
thẩm quyền thu hồi chứng chỉ an toàn của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt khi
phát hiện thấy doanh nghiệp không đáp ứng các điều kiện quy định trong chứng chỉ
an toàn;
h) Phối hợp điều hành giao thông
vận tải đường sắt với các tổ chức đường sắt quốc tế.
2. Nguồn tài chính cho hoạt động
điều hành giao thông vận tải đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị bao gồm:
a) Phí
cung cấp dịch vụ điều hành hoạt động giao thông vận tải đường sắt;
b) Các nguồn thu khác theo quy định
của pháp luật.
Điều 75.
Chứng chỉ an toàn
1. Để được tham gia hoạt động
giao thông vận tải đường sắt, doanh nghiệp kinh doanh đường sắt phải có chứng
chỉ an toàn do cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt cấp.
2. Doanh nghiệp kinh doanh đường
sắt được cấp chứng chỉ an toàn phải có điều kiện sau đây:
a) Nhân viên quản lý, điều hành
và phục vụ hoạt động giao thông vận tải đường sắt của doanh nghiệp kinh doanh
đường sắt phải được đào tạo phù hợp với các chức danh, cấp bậc kỹ thuật;
b) Phương tiện giao thông đường
sắt của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt hoặc do doanh nghiệp thuê phải
bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật đã được cơ quan đăng kiểm chứng nhận và phải
phù hợp với kết cấu hạ tầng đường sắt;
c) Kết cấu hạ tầng đường sắt của
doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt phải bảo đảm an toàn, phù hợp
với cấp kỹ thuật của đường sắt đã được doanh nghiệp công bố trong công lệnh tốc
độ, công lệnh tải trọng và các thông tin liên quan đến hoạt động giao thông vận
tải đường sắt.
3. Bộ
Giao thông vận tải quy định cụ thể điều kiện, nội dung, thủ tục cấp chứng chỉ
an toàn và loại hình doanh nghiệp kinh doanh đường sắt phải có chứng chỉ an
toàn.
Điều 76.
Biểu đồ chạy tàu
1. Biểu đồ chạy tàu là cơ sở của
việc tổ chức chạy tàu, được xây dựng hàng năm, hàng kỳ và theo mùa cho từng tuyến
và toàn mạng lưới đường sắt. Biểu đồ chạy tàu phải được xây dựng theo nguyên tắc
không phân biệt đối xử và công bố công khai cho mọi doanh nghiệp kinh doanh vận
tải đường sắt.
2. Việc xây dựng biểu đồ chạy
tàu phải căn cứ vào các yếu tố sau đây:
a) Nhu cầu của doanh nghiệp vận
tải về thời gian vận tải, khối lượng hàng hóa, số lượng hành khách và chất lượng
vận tải; tuyến vận tải, các ga đi, dừng và đến;
b) Năng lực của kết cấu hạ tầng
đường sắt và của phương tiện vận tải đường sắt;
c) Yêu cầu về thời gian cho việc
bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng đường sắt;
d) Thứ tự ưu tiên các tàu chạy
trên cùng một tuyến.
3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
quy định thứ tự ưu tiên các tàu.
Điều 77.
Trình tự xây dựng biểu đồ chạy tàu
1. Dự thảo biểu đồ chạy tàu phải
căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 76 của Luật này và phải
được gửi cho các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt và cơ quan quản lý nhà nước
về hoạt động đường sắt.
2. Trong trường hợp có doanh
nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt không thống nhất với dự thảo biểu đồ chạy
tàu thì tổ chức điều hành giao thông vận tải đường sắt chủ trì việc đàm phán,
thỏa thuận của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt, doanh nghiệp kinh
doanh kết cấu hạ tầng đường sắt có liên quan. Trường hợp không đạt được thoả
thuận thì tổ chức đấu thầu và doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt trả phí
sử dụng kết cấu hạ tầng cao nhất sẽ được phân bổ giờ chạy tàu theo nhu cầu của
doanh nghiệp.
3. Quá trình tiến hành xây dựng
biểu đồ chạy tàu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được cơ quan quản lý
nhà nước về hoạt động đường sắt giám sát.
Điều 78.
Nguyên tắc điều độ chạy tàu
Điều độ chạy tàu phải tuân thủ
các nguyên tắc sau đây:
1. Điều hành tập trung, thống nhất;
tuân thủ biểu đồ chạy tàu đã công bố, quy trình, quy phạm chạy tàu;
2. Bảo đảm giao thông vận tải đường
sắt an toàn, thông suốt theo biểu đồ chạy tàu;
3. Không phân biệt đối xử giữa
các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt.
Điều 79.
Xử lý khi phát hiện sự cố, vi phạm trên đường sắt
1. Người phát hiện các hành vi,
sự cố có khả năng gây cản trở, gây mất an toàn giao thông vận tải đường sắt có
trách nhiệm kịp thời báo cho nhà ga, đơn vị đường sắt, chính quyền địa phương
hoặc cơ quan công an nơi gần nhất biết để có biện pháp xử lý; trường hợp khẩn cấp,
phải thực hiện ngay các biện pháp báo hiệu dừng tàu.
2. Tổ chức, cá nhân nhận được
tin báo hoặc tín hiệu dừng tàu khẩn cấp phải có ngay biện pháp xử lý bảo đảm an
toàn giao thông vận tải đường sắt và thông báo cho đơn vị trực tiếp quản lý kết
cấu hạ tầng đường sắt biết để chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan
nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục.
3. Tổ chức, cá nhân có hành vi
gây sự cố cản trở, mất an toàn giao thông vận tải đường sắt phải bị xử lý và bồi
thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Điều 80.
Trách nhiệm bảo vệ trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt của doanh nghiệp
kinh doanh đường sắt
1. Doanh nghiệp kinh doanh đường
sắt có trách nhiệm tổ chức bảo vệ trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt
thuộc phạm vi quản lý của doanh nghiệp; chủ trì, phối hợp với cơ quan công an,
chính quyền địa phương để phòng ngừa, ngăn chặn và giải quyết theo thẩm quyền
hành vi vi phạm pháp luật về đường sắt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về
quyết định của mình.
2. Lực lượng bảo vệ trên tàu có
trang thiết bị, trang phục, phù hiệu, công cụ hỗ trợ theo quy định của Chính phủ
và có các nhiệm vụ sau đây:
a) Phát hiện, ngăn chặn hành vi
xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, tài sản, gây rối trật tự, an toàn và các hành vi
khác vi phạm pháp luật xảy ra trên tàu; tạm giữ theo thủ tục hành chính và dẫn
giải người vi phạm giao cho trưởng ga, công an hoặc chính quyền địa phương khi
tàu dừng tại ga gần nhất;
b) Ngăn chặn, tiến hành các biện
pháp cưỡng chế đối với người có hành vi ngăn cản việc chạy tàu trái pháp luật,
ném đất, đá hoặc các vật khác làm hư hỏng, mất vệ sinh tàu; tạm giữ theo thủ tục
hành chính và dẫn giải người vi phạm giao cho trưởng ga, cơ quan công an hoặc
chính quyền địa phương khi tàu dừng tại ga gần nhất;
c) Phối hợp với lực lượng bảo vệ
kết cấu hạ tầng đường sắt, lực lượng công an và chính quyền địa phương kịp thời
phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng đường sắt, phương
tiện giao thông đường sắt, gây mất an toàn giao thông vận tải đường sắt;
d) Tham gia giải quyết, khắc phục
sự cố, thiên tai, tai nạn giao thông vận tải đường sắt quy định tại Điều 11 và Điều 37 của Luật này.
Điều 81.
Trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt của
lực lượng công an
Lực lượng công an trong phạm vi
nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với lực lượng bảo
vệ đường sắt, thanh tra đường sắt, cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên đường
sắt và chính quyền địa phương nơi có ga đường sắt, tuyến đường sắt đi qua tổ chức
bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt.
Điều 82.
Trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt của
Uỷ ban nhân dân
1. Uỷ ban nhân dân các cấp trong
phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện quy định
tại khoản 2 Điều 10 của Luật này để nâng cao ý thức của
nhân dân trong việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường sắt.
2. Uỷ ban nhân dân các cấp nơi
có ga đường sắt, tuyến đường sắt đi qua có trách nhiệm sau đây:
a) Chỉ đạo lực lượng công an địa
phương phối hợp với lực lượng bảo vệ đường sắt ngăn chặn, xử lý kịp thời các
hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt và
các hành vi khác vi phạm pháp luật về an toàn giao thông vận tải đường sắt;
b) Tham gia giải quyết tai nạn
giao thông đường sắt theo quy định tại Điều 11 của Luật này.
CHƯƠNG VII
KINH DOANH ĐƯỜNG SẮT
Điều 83.
Hoạt động kinh doanh đường sắt
1. Hoạt động kinh doanh đường sắt
bao gồm kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh vận tải đường sắt và
kinh doanh các dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt.
2. Kinh doanh
đường sắt là kinh doanh có điều kiện. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện, nội
dung, trình tự cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh đường sắt.
Điều 84.
Bảo đảm không phân biệt đối xử trong kinh doanh đường sắt
Trong kinh doanh đường sắt không
được có các hành vi phân biệt đối xử sau đây:
1. Cho phép sử dụng kết cấu hạ tầng
đường sắt và các dịch vụ phục vụ giao thông vận tải đường sắt với những điều kiện
ưu tiên mà không có lý do chính đáng;
2. Đòi hỏi điều kiện an toàn
giao thông vận tải đường sắt đối với doanh nghiệp kinh doanh đường sắt cao hơn
mức quy định do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành;
3. Đưa ra điều kiện nhằm ưu tiên
cho một doanh nghiệp cụ thể;
4. Không cho phép doanh nghiệp
kinh doanh vận tải đường sắt sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt mà không có lý
do chính đáng;
5. Không cấp chứng chỉ an toàn
đúng hạn hoặc trì hoãn trao chứng chỉ an toàn mà không có lý do chính đáng;
6. Đưa ra điều kiện trái pháp luật
để không cho doanh nghiệp tham gia kinh doanh đường sắt.
Điều 85.
Kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt
1. Kinh doanh kết cấu hạ tầng đường
sắt là hoạt động đầu tư, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt để bán,
khoán, cho thuê hoặc thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt, cung ứng dịch vụ
phục vụ giao thông vận tải đường sắt và các dịch vụ khác trên cơ sở khai thác
năng lực kết cấu hạ tầng đường sắt do doanh nghiệp quản lý.
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng kết
cấu hạ tầng đường sắt của Nhà nước hoặc của tổ chức, cá nhân khác để hoạt động
kinh doanh phải trả tiền thuê hoặc phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt.
3. Kết cấu hạ tầng đường sắt do
Nhà nước đầu tư giao cho doanh nghiệp kinh doanh thông qua đấu thầu, đặt hàng
hoặc giao kế hoạch.
4. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng
kết cấu hạ tầng đường sắt được kinh doanh đường sắt trên kết cấu hạ tầng đường
sắt do mình đầu tư.
Điều 86.
Phí, giá thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt
1. Phí sử dụng kết cấu hạ tầng
đường sắt là khoản tiền phải trả để được chạy tàu trên tuyến đường, đoạn tuyến
đường sắt hoặc khu đoạn.
2. Giá thuê sử dụng kết cấu hạ tầng
đường sắt là khoản tiền phải trả để được sử dụng một hoặc một số công trình đường
sắt không trực tiếp liên quan đến việc chạy tàu.
3. Thủ tướng Chính phủ quy định
mức và phương thức thu phí, giá thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà
nước đầu tư. Phí, giá thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt không do Nhà nước đầu
tư thì do chủ đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt quyết định.
Điều 87.
Nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu
tư
1. Nguồn tài chính cho quản lý,
bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư bao gồm:
a) Ngân sách nhà nước;
b) Các khoản thu khác theo quy định
của pháp luật.
2. Việc quản lý, sử dụng nguồn
tài chính từ ngân sách nhà nước cho quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt
được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Điều 88.
Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt
1. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu
hạ tầng đường sắt có các quyền sau đây:
a) Kinh doanh kết cấu hạ tầng đường
sắt theo nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt
được cấp;
b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có
hoạt động liên quan đến kết cấu hạ tầng đường sắt trong phạm vi mình quản lý phải
thực hiện đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật về kết cấu hạ tầng đường sắt;
c) Được Nhà nước đặt hàng, giao
kế hoạch đối với hoạt động quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước
đầu tư trong phạm vi quản lý của mình;
d) Tham gia đấu thầu, thực hiện
đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng đường sắt không do mình làm chủ đầu tư;
đ) Cho thuê sử
dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do mình đầu tư;
e) Xây dựng và trình duyệt giá
thuê, phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư trong phạm vi quản
lý của mình; quyết định giá thuê, phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do mình
đầu tư;
g) Tạm đình chỉ chạy tàu khi thấy
kết cấu hạ tầng đường sắt có nguy cơ mất an toàn chạy tàu;
h) Được bồi thường thiệt hại
trong trường hợp kết cấu hạ tầng đường sắt bị hư hỏng do lỗi của tổ chức, cá
nhân khác gây ra;
i) Các quyền khác theo quy định
của pháp luật.
2. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu
hạ tầng đường sắt có các nghĩa vụ sau đây:
a) Quản lý vốn và tài sản thuộc
kết cấu hạ tầng đường sắt do mình đầu tư hoặc do Nhà nước giao theo quy định của
pháp luật;
b) Duy trì trạng thái kỹ thuật,
nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt do mình quản lý bảo đảm giao
thông đường sắt luôn an toàn, thông suốt;
c) Công bố công lệnh tốc độ,
công lệnh tải trọng ổn định trong năm phù hợp với trạng thái kỹ thuật cho phép
trên các tuyến đường, đoạn tuyến đường sắt, khu đoạn do mình quản lý để làm cơ
sở cho việc chạy tàu;
d) Cung cấp các thông tin kỹ thuật,
kinh tế liên quan đến năng lực kết cấu hạ tầng đường sắt theo yêu cầu của khách
hàng, tổ chức điều hành giao thông vận tải đường sắt và cơ quan quản lý nhà nước
về hoạt động đường sắt;
đ) Xây dựng kế hoạch quản lý, bảo
trì, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt đáp ứng nhu cầu vận tải và phù
hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt;
e) Tổ chức phòng, chống và khắc
phục kịp thời hậu quả do sự cố, thiên tai, tai nạn giao thông đường sắt gây ra
để bảo đảm giao thông đường sắt an toàn, thông suốt; chịu sự chỉ đạo, điều phối
lực lượng của tổ chức phòng, chống thiên tai, xử lý tai nạn giao thông đường sắt
theo quy định;
g) Thông báo kịp thời sự cố đe dọa
an toàn chạy tàu và việc tạm đình chỉ chạy tàu cho trực ban chạy tàu ga ở hai đầu
khu gian nơi xảy ra sự cố và nhân viên điều hành giao thông vận tải đường sắt;
h) Bồi thường thiệt hại do lỗi của
mình gây ra theo quy định của pháp luật;
i) Các nghĩa vụ khác theo quy định
của pháp luật.
Điều 89.
Kinh doanh vận tải đường sắt
1. Kinh
doanh vận tải đường sắt gồm kinh doanh vận tải hành khách, hành lý, bao gửi và
kinh doanh vận tải hàng hoá trên đường sắt.
2. Doanh
nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt chỉ được phép sử dụng kết cấu hạ tầng đường
sắt và được cung cấp các dịch vụ phục vụ giao thông đường sắt khi có đủ các điều
kiện sau đây:
a) Có giấy chứng nhận đăng ký
kinh doanh vận tải đường sắt;
b) Có chứng chỉ an toàn;
c) Có hợp đồng cung cấp dịch vụ điều
hành giao thông vận tải đường sắt của tổ chức điều hành giao thông vận tải đường
sắt.
Điều 90.
Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt
1. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải
đường sắt có các quyền sau đây:
a) Hoạt động kinh doanh vận tải
đường sắt theo nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải đường sắt được
cấp;
b) Được đối xử bình đẳng khi
tham gia kinh doanh vận tải đường sắt;
c) Sử dụng kết cấu hạ tầng đường
sắt trên các tuyến đường, đoạn tuyến đường sắt, khu đoạn theo hợp đồng sử dụng
kết cấu hạ tầng đường sắt;
d) Được tổ chức điều hành giao
thông vận tải đường sắt bảo đảm chất lượng, năng lực kết cấu hạ tầng đường sắt
như đã cam kết;
đ) Được cung cấp thông tin kỹ
thuật, kinh tế liên quan đến năng lực kết cấu hạ tầng đường sắt;
e) Tạm đình chỉ chạy tàu của
doanh nghiệp khi thấy kết cấu hạ tầng đường sắt có nguy cơ mất an toàn chạy
tàu;
g) Được bồi thường thiệt hại do
lỗi của tổ chức điều hành giao thông vận tải đường sắt hoặc doanh nghiệp kinh
doanh kết cấu hạ tầng đường sắt gây ra;
h) Các quyền khác theo quy
định của pháp luật.
2. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải
đường sắt có các nghĩa vụ sau đây:
a) Tổ chức chạy tàu theo đúng lịch
trình chạy tàu, công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ đã được doanh nghiệp kinh
doanh kết cấu hạ tầng đường sắt công bố;
b) Trả phí, tiền thuê sử dụng kết
cấu hạ tầng đường sắt và các dịch vụ phục vụ giao thông đường sắt;
c) Bảo đảm đủ điều kiện an toàn
chạy tàu trong quá trình khai thác;
d) Phải thông báo kịp thời cho
nhân viên điều hành giao thông vận tải đường sắt về việc tạm đình chỉ chạy tàu
của doanh nghiệp;
đ) Chịu sự chỉ đạo, điều phối lực
lượng của tổ chức điều hành giao thông vận tải đường sắt và của tổ chức phòng,
chống thiên tai, xử lý tai nạn giao thông đường sắt theo quy định;
e) Bồi thường thiệt hại do lỗi của
mình gây ra theo quy định của pháp luật;
g) Cung cấp các thông tin về nhu
cầu vận tải, năng lực phương tiện, thiết bị vận tải cho tổ chức điều hành giao
thông vận tải đường sắt phục vụ cho việc xây dựng, phân bổ biểu đồ chạy tàu và
cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt để làm cơ sở xây dựng kế
hoạch đầu tư nâng cấp, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt;
h) Các nghĩa vụ khác theo quy định
của pháp luật.
Điều 91.
Hợp đồng vận tải hành khách
1. Hợp đồng vận tải hành khách
là sự thoả thuận giữa doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt với hành khách,
người gửi bao gửi về vận chuyển hành khách, hành lý, bao gửi, theo đó doanh
nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt nhận vận chuyển hành khách, hành lý, bao gửi
từ nơi đi đến nơi đến. Hợp đồng vận tải hành khách, hành lý, bao gửi xác định
quan hệ về nghĩa vụ và quyền lợi của các bên và được lập thành văn bản hoặc
hình thức khác mà hai bên thoả thuận.
2. Vé hành
khách là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng vận tải hành khách. Vé hành
khách do doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách phát hành theo mẫu đã đăng
ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Điều 92.
Hợp đồng vận tải hàng hoá
1. Hợp đồng vận tải hàng hoá là
sự thoả thuận giữa doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt với người thuê vận
tải, theo đó doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt nhận vận chuyển hàng hóa
từ nơi nhận đến nơi đến và giao hàng hoá cho người nhận hàng được quy định
trong hợp đồng. Hợp đồng vận tải hàng hoá xác định quan hệ về nghĩa vụ và quyền
lợi của các bên và được lập thành văn bản hoặc hình thức khác mà hai bên thoả
thuận.
2. Hoá đơn gửi hàng hoá là bộ phận
của hợp đồng vận tải do doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phát hành
theo mẫu đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Doanh nghiệp
kinh doanh vận tải đường sắt có trách nhiệm lập hoá đơn và giao cho người thuê
vận tải sau khi người thuê vận tải giao hàng hoá; có chữ ký của người thuê vận
tải hoặc người được người thuê vận tải uỷ quyền. Hoá đơn gửi hàng hoá là chứng
từ giao nhận hàng hoá giữa doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt và người
thuê vận tải, là chứng cứ để giải quyết tranh chấp.
3. Hoá đơn gửi hàng hoá phải ghi
rõ loại hàng hoá; ký hiệu, mã hiệu hàng hoá; số lượng, trọng lượng hàng hoá;
nơi giao hàng hoá, nơi nhận hàng hoá, tên và địa chỉ của người gửi hàng, tên và
địa chỉ của người nhận hàng; cước phí vận tải và các chi phí phát sinh; các chi
tiết khác mà doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt và người thuê vận tải
thoả thuận ghi vào hoá đơn gửi hàng hoá; xác nhận của doanh nghiệp kinh doanh vận
tải đường sắt về tình trạng hàng hoá nhận vận tải.
Điều 93.
Giá vé, cước vận tải đường sắt
1. Giá vé vận tải hành khách, cước
vận tải hành lý, bao gửi, hàng hoá trên đường sắt do doanh nghiệp kinh doanh vận
tải đường sắt quyết định.
2. Giá vé, cước vận tải phải được
công bố và niêm yết tại ga đường sắt trước thời hạn thi hành tối thiểu là năm
ngày đối với vận tải hành khách, hành lý, bao gửi và mười ngày đối với vận tải
hàng hoá, trừ trường hợp giảm giá.
3. Cước vận tải hàng siêu trường,
siêu trọng do doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt và người thuê vận tải
thoả thuận.
4. Việc miễn,
giảm giá vé cho đối tượng chính sách xã hội thực hiện theo quy định của Chính
phủ.
Điều 94.
Vận tải quốc tế
1. Vận tải quốc tế là vận tải từ
Việt Nam đến nước ngoài, vận tải từ nước ngoài đến Việt Nam hoặc quá cảnh Việt
Nam đến nước thứ ba bằng đường sắt.
2. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải
đường sắt thuộc mọi thành phần kinh tế khi tham gia vận tải quốc tế phải đáp ứng
các điều kiện quy định tại Điều 89 của Luật này và quy định
của điều ước quốc tế về vận tải đường sắt mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
là thành viên.
Điều 95.
Vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt
1. Vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc
biệt là vận tải người, hàng hoá và trang thiết bị để khắc phục hậu quả thiên
tai, tai nạn, chống dịch, thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp về quốc phòng, an ninh.
2. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải
đường sắt có trách nhiệm thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt theo yêu cầu
của người đứng đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Điều 96.
Dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt
Dịch vụ hỗ trợ vận tải đường
sắt bao gồm:
1. Điều hành giao thông vận
tải đường sắt;
2. Xếp,
dỡ hàng hoá;
3. Lưu kho, bảo
quản hàng hoá;
4. Giao nhận;
5. Đại lý vận tải;
6. Thuê, mua phương tiện,
sửa chữa phương tiện;
7. Các dịch vụ khác liên quan đến
việc tổ chức và thực hiện chuyên chở hành khách, hành lý, bao gửi và hàng hoá bằng
đường sắt.
Điều 97.
Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, hành lý, bao gửi
1. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải
đường sắt khi kinh doanh vận tải hành khách, hành lý, bao gửi có các quyền sau
đây:
a) Yêu cầu hành khách trả đủ cước
vận tải hành khách, bao gửi và cước vận tải hành lý mang theo người vượt quá mức
quy định;
b) Kiểm tra trọng lượng, quy
cách đóng gói bao gửi của người gửi và hành lý ký gửi của hành khách trước khi
nhận vận chuyển; trong trường hợp có nghi ngờ về tính xác thực của việc khai
báo chủng loại bao gửi, hành lý ký gửi so với thực tế thì có quyền yêu cầu người
gửi hoặc hành khách mở bao gửi, hành lý ký gửi để kiểm tra;
c) Từ chối vận chuyển hành khách
có hành vi vi phạm quy định của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt;
d) Các quyền quy định tại khoản 1 Điều 90 của Luật này.
2. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải
đường sắt khi kinh doanh vận tải hành khách, hành lý, bao gửi có các nghĩa vụ
sau đây:
a) Niêm yết công khai các quy định
cần thiết có liên quan đến hành khách đi tàu;
b) Vận chuyển hành khách, hành
lý, bao gửi từ nơi đi đến nơi đến đã ghi trên vé và bảo đảm an toàn, đúng giờ;
c) Phục vụ hành khách văn minh,
lịch sự, chu đáo và tổ chức lực lượng phục vụ hành khách là người khuyết tật
vào ga, lên tàu, xuống tàu thuận lợi;
d) Bảo đảm các điều kiện sinh hoạt
tối thiểu của hành khách trong trường hợp vận tải bị gián đoạn do tai nạn hoặc
thiên tai, địch họa;
đ) Giao vé hành khách, vé hành
lý, vé bao gửi cho hành khách đã trả đủ tiền;
e) Hoàn trả tiền vé, bồi thường
thiệt hại và các chi phí phát sinh khi gây ra thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ
và tài sản của hành khách do lỗi của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt;
g) Chấp hành và tạo điều kiện
thuận lợi để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kiểm tra hành khách, hành
lý, bao gửi khi cần thiết;
h) Các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 90 của Luật này.
Điều 98.
Trách nhiệm bảo hiểm trong kinh doanh vận tải hành khách
1. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải
hành khách phải mua bảo hiểm cho hành khách; phí bảo hiểm được tính trong giá
vé hành khách.
2. Vé hành khách, giấy tờ đi tàu
là bằng chứng để chi trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
3. Việc bảo hiểm cho hành khách
thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
Điều 99.
Quyền, nghĩa vụ của hành khách, người gửi bao gửi
1. Hành khách, người gửi bao gửi
có các quyền sau đây:
a) Được vận chuyển đúng theo vé;
b) Được miễn cước 20 kilôgam
hành lý mang theo người; mức miễn cước lớn hơn 20 kilôgam do doanh nghiệp kinh
doanh vận tải đường sắt quy định;
c) Được nhận lại tiền vé, bồi
thường thiệt hại theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 97 của Luật
này;
d) Được quyền trả lại vé tại ga
đi trong thời gian quy định và được nhận lại tiền vé sau khi đã trừ lệ phí;
đ) Được bảo hiểm về tính mạng, sức
khoẻ theo quy định của pháp luật.
2. Hành khách, người gửi bao gửi
có các nghĩa vụ sau đây:
a) Hành khách đi tàu phải có vé
hành khách, vé hành lý hợp lệ và tự bảo quản hành lý mang theo người. Người đi
tàu không có vé hoặc vé không hợp lệ phải mua vé bổ sung theo quy định của
doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt;
b) Hành khách có hành lý ký gửi,
người gửi bao gửi phải kê khai tên hàng, số lượng hàng, đóng gói đúng quy định,
giao cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt đúng thời hạn, địa điểm và
chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình;
c) Hành khách, người gửi bao gửi
phải bồi thường thiệt hại nếu làm hư hỏng, mất mát tài sản của doanh nghiệp
kinh doanh vận tải đường sắt;
d) Hành khách phải chấp hành
nghiêm chỉnh nội quy đi tàu và những quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 100.
Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hoá
1. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải
đường sắt khi kinh doanh vận tải hàng hóa có các quyền sau đây:
a) Từ chối vận chuyển hàng hóa
không theo đúng quy định về đóng gói, bao bì, ký hiệu, mã hiệu hàng hóa và các
loại hàng hóa Nhà nước cấm;
b) Yêu cầu người thuê vận tải mở
bao gói để kiểm tra trong trường hợp có nghi ngờ về tính xác thực của việc khai
báo chủng loại hàng hóa so với thực tế;
c) Yêu cầu người thuê vận tải
thanh toán đủ cước phí vận tải và các chi phí phát sinh;
d) Yêu cầu người thuê vận tải bồi
thường thiệt hại do lỗi của người thuê vận tải gây ra;
đ) Yêu cầu giám định hàng hoá
khi cần thiết;
e) Lưu giữ hàng hoá trong trường
hợp người thuê vận tải không thanh toán đủ cước phí vận tải và chi phí phát
sinh theo thoả thuận trong hợp đồng;
g) Xử lý hàng hóa mà người nhận
hàng từ chối nhận, hàng không có người nhận theo quy định tại Điều
106 của Luật này;
h) Phạt đọng toa xe do người
thuê vận tải xếp, dỡ hàng hoá chậm;
i) Các quyền quy định tại khoản 1 Điều 90 của Luật này.
2. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải
đường sắt khi kinh doanh vận tải hàng hóa có các nghĩa vụ sau đây:
a) Niêm yết công khai các quy định
cần thiết có liên quan đến vận tải hàng hóa;
b) Vận tải hàng hóa đến địa điểm
đến và giao hàng hóa cho người nhận hàng theo hợp đồng vận tải;
c) Thông báo kịp thời cho người
thuê vận tải khi hàng hóa đã được vận chuyển đến địa điểm giao hàng, khi việc vận
chuyển bị gián đoạn;
d) Cất giữ, bảo quản hàng hóa
trong trường hợp người nhận hàng từ chối nhận hàng hoặc hàng hóa không thể giao
được cho người nhận hàng và thông báo cho người thuê vận tải biết;
đ) Bồi thường thiệt hại cho người
thuê vận tải khi để xảy ra mất mát, hư hỏng hàng hoá hoặc quá thời hạn vận chuyển
do lỗi của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt;
e) Các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 90 của Luật này.
Điều 101. Quyền,
nghĩa vụ của người thuê vận tải
1. Người thuê vận tải có các quyền
sau đây:
a) Thay đổi hợp đồng vận tải hàng
hóa kể cả khi hàng hóa đã giao cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt hoặc
hàng hóa đã xếp lên toa xe và chịu chi phí phát sinh do thay đổi hợp đồng vận tải;
b) Chỉ định lại người nhận hàng
khi hàng hóa đó chưa được giao cho người có quyền nhận hàng trước đó; được thay
đổi địa điểm giao hàng hoặc yêu cầu vận chuyển hàng hóa trở lại nơi gửi hàng và
phải chịu mọi chi phí phát sinh do thay đổi người nhận hàng và địa điểm giao
hàng;
c) Được bồi thường thiệt hại khi
hàng hóa bị mất mát, giảm trọng lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng, quá thời hạn
vận chuyển do lỗi của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt gây ra.
2. Người thuê vận tải có các
nghĩa vụ sau đây:
a) Kê khai hàng hóa trung thực
và chịu trách nhiệm về việc kê khai đó;
b) Trả tiền cước vận tải đúng thời
hạn, hình thức thanh toán đã thỏa thuận trong hợp đồng;
c) Thực hiện việc đóng gói hàng
hóa và các điều kiện vận chuyển hàng hóa theo hướng dẫn của doanh nghiệp kinh
doanh vận tải đường sắt;
d) Giao hàng hoá cho doanh nghiệp
kinh doanh vận tải đường sắt đúng thời hạn, địa điểm;
đ) Cung cấp giấy tờ, tài liệu và
các thông tin cần thiết khác về hàng hóa;
e) Bồi thường thiệt hại do việc
kê khai không trung thực về hàng hóa gây thiệt hại cho doanh nghiệp kinh doanh
vận tải đường sắt hoặc thiệt hại khác do lỗi của mình gây ra.
Điều 102.
Vận tải hàng nguy hiểm
1. Hàng nguy hiểm là hàng hóa
khi vận chuyển trên đường sắt có khả năng gây nguy hại tới sức khỏe, tính mạng
của con người và vệ sinh môi trường.
2. Việc vận tải hàng hoá nguy hiểm
trên đường sắt phải tuân theo quy định của pháp luật về vận tải hàng nguy hiểm.
3. Phương tiện giao thông đường
sắt phải bảo đảm đủ các điều kiện an toàn kỹ thuật mới được vận tải hàng nguy
hiểm.
4. Hàng nguy hiểm không được xếp,
dỡ ở ga đông người, ga trong đô thị.
5. Chính
phủ quy định Danh mục hàng nguy hiểm và điều kiện vận tải hàng nguy hiểm trên
đường sắt.
Điều 103.
Vận tải động vật sống
1. Việc vận tải động vật sống
trên đường sắt phải có người áp tải. Người áp tải phải có vé đi tàu.
2. Người thuê vận tải tự chịu
trách nhiệm về việc xếp, dỡ động vật sống và làm vệ sinh toa xe sau khi dỡ
hàng. Trong trường hợp người thuê vận tải không thực hiện thì phải trả cước xếp,
dỡ động vật sống và làm vệ sinh toa xe cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường
sắt.
3. Việc vận tải động vật sống
trên đường sắt phải tuân theo các quy định về vệ sinh, phòng dịch, bảo vệ môi
trường và các quy định về vận tải hàng hoá trên đường sắt.
Điều 104.
Vận tải thi hài, hài cốt
1. Thi hài, hài cốt khi vận chuyển
trên đường sắt phải có người áp tải. Người áp tải phải có vé đi tàu.
2. Thi hài, hài cốt chỉ được vận
chuyển trên đường sắt khi có đủ giấy tờ theo quy định của pháp luật và phải làm
thủ tục vận chuyển ít nhất hai mươi bốn giờ trước giờ tàu chạy. Thi hài phải đặt
trong quan tài, hài cốt phải được đóng gói theo quy định của pháp luật về vệ
sinh phòng dịch và bảo vệ môi trường.
3. Thi hài, hài cốt phải được
chuyển đi khỏi ga trong thời gian không quá hai giờ kể từ khi tàu đến ga đến,
trường hợp vi phạm quy định này thì doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt
có biện pháp xử lý kịp thời và có quyền yêu cầu chủ của thi hài, hài cốt thanh
toán mọi chi phí phát sinh.
Điều 105.
Vận tải hàng siêu trường, siêu trọng
1. Việc vận tải hàng siêu trường,
siêu trọng trên đường sắt phải được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp phép.
2. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải
đường sắt khi vận tải hàng siêu trường, siêu trọng phải có phương án tổ chức xếp,
dỡ, gia cố, vận chuyển, bảo đảm an toàn chạy tàu và kết cấu hạ tầng đường sắt.
Điều 106.
Xử lý hàng hoá, hành lý, bao gửi không có người nhận hoặc người nhận từ chối
1. Trong thời hạn mười ngày, kể
từ ngày doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt báo cho người thuê vận tải biết
hàng hoá, hành lý, bao gửi đã được vận tải đến nơi trả hàng mà không có người
nhận hoặc người nhận từ chối nhận hàng thì doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường
sắt có quyền gửi hàng hoá, hành lý, bao gửi vào nơi an toàn, thích hợp và thông
báo ngay cho người thuê vận tải biết; mọi chi phí phát sinh do người thuê vận tải
chịu.
2. Sau thời hạn chín mươi ngày,
kể từ ngày doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt báo cho người thuê vận tải
mà không nhận được trả lời hoặc không nhận được thanh toán chi phí phát sinh
thì doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có quyền bán đấu giá hàng hoá,
hành lý, bao gửi để trang trải chi phí phát sinh theo quy định của pháp luật về
đấu giá; nếu hàng hoá, hành lý, bao gửi thuộc loại mau hỏng hoặc chi phí ký gửi
quá lớn so với giá trị hàng hoá, hành lý, bao gửi thì doanh nghiệp kinh doanh vận
tải đường sắt có quyền bán đấu giá trước thời hạn quy định tại khoản này, nhưng
phải thông báo cho người thuê vận tải biết.
3. Hàng hoá, hành lý, bao gửi
thuộc loại cấm lưu thông hoặc có quy định hạn chế vận chuyển mà không có người
nhận hoặc người nhận từ chối nhận thì được giao cho cơ quan nhà nước có thẩm
quyền xử lý.
Điều 107.
Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Doanh nghiệp kinh doanh vận tải
đường sắt được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, hư hỏng hàng
hóa, hành lý ký gửi, bao gửi trong quá trình vận chuyển trong những trường hợp
sau đây:
1. Do đặc tính tự nhiên hoặc
khuyết tật vốn có của hàng hóa, hành lý ký gửi, bao gửi;
2. Do bắt giữ hoặc quyết định cưỡng
chế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hàng hóa, hành lý ký gửi, bao gửi;
3. Do xảy ra sự kiện bất khả
kháng theo quy định của pháp luật về dân sự;
4. Do lỗi của hành khách, người
thuê vận tải, người nhận hàng hóa, hành lý ký gửi, bao gửi hoặc do lỗi của người
áp tải được người thuê vận tải hoặc người nhận hàng cử đi.
Điều 108.
Giới hạn trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt
1. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải
đường sắt phải bồi thường đối với mất mát, hư hỏng hàng hóa, hành lý ký gửi,
bao gửi theo quy định sau đây:
a) Theo giá trị đã kê khai đối với
hàng hóa, hành lý ký gửi, bao gửi có kê khai giá trị; trong trường hợp doanh
nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt chứng minh được giá trị thiệt hại thực tế
thấp hơn giá trị đã kê khai thì mức bồi thường được tính theo giá trị thiệt hại
thực tế;
b) Theo giá trị trên hóa đơn mua
hàng hoặc theo giá thị trường tại thời điểm bồi thường đối với hàng hóa không
kê khai giá trị mà chỉ kê khai chủng loại và trọng lượng, tuỳ theo cách tính
nào cao hơn;
c) Đối với hàng hoá, hành lý ký
gửi, bao gửi không kê khai giá trị, không có hoá đơn mua hàng thì mức bồi thường
được tính theo giá trị trung bình của hàng hoá cùng loại nhưng không vượt quá mức
bồi thường do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định.
2. Ngoài mức bồi thường quy định
tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phải hoàn lại
cho hành khách, người thuê vận tải cước, phụ phí vận chuyển hàng hóa, hành lý
ký gửi, bao gửi bị thiệt hại.
Điều 109.
Giải quyết tranh chấp
1. Các tranh chấp về hợp đồng
trong hoạt động đường sắt được giải quyết theo các hình thức sau đây:
a) Thông qua thương lượng, hoà
giải;
b) Yêu cầu Trọng tài giải quyết
hoặc khởi kiện tại Toà án.
2. Trình tự, thủ tục giải quyết
tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 110.
Thời hạn khiếu nại
1. Thời hạn khiếu nại do các bên
thoả thuận, trường hợp các bên không có thoả thuận thì thời hạn khiếu nại được
quy định như sau:
a) Ba mươi ngày, kể từ ngày xảy
ra thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của hành khách;
b) Sáu mươi ngày đối với hàng
hoá bị mất mát, hư hỏng, kể từ ngày hàng hoá được giao cho người nhận hoặc ngày
mà lẽ ra phải được giao cho người nhận;
c) Ba mươi ngày đối với hành lý
k?ý gửi, bao gửi bị mất mát, hư hỏng, kể từ ngày hành lý k?ý gửi, bao gửi được
giao cho người nhận hoặc ngày mà lẽ ra phải được giao cho người nhận.
2. Trong thời hạn sáu mươi ngày,
kể từ ngày nhận được khiếu nại, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có
trách nhiệm giải quyết.
Điều 111.
Thời hiệu khởi kiện
Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu
giải quyết tranh chấp về hợp đồng trong hoạt động kinh doanh đường sắt được thực
hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự và pháp luật về trọng tài
thương mại.
CHƯƠNG VIII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 112.
Quy định đối với tổ chức, cá nhân hoạt động đường sắt
1. Hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng
văn bản liên quan đến hoạt động đường sắt đã tồn tại trước thời điểm Luật này
có hiệu lực vẫn có giá trị thực hiện theo thời hạn đã được ghi trong hợp đồng
hoặc thỏa thuận đó.
2. Sau khi Luật này có hiệu lực,
những sửa đổi, bổ sung trong hợp đồng hoặc thỏa thuận quy định tại khoản 1 Điều
này phải được thực hiện theo quy định của Luật này.
3. Chính phủ quy định điều kiện
và thời gian tổ chức, cá nhân hoạt động đường sắt tiến hành điều chỉnh cơ cấu,
tổ chức và hoạt động phù hợp với quy định của Luật này.
Điều 113.
Hiệu lực thi hành
Luật này có hiệu lực thi hành từ
ngày 01 tháng 01 năm 2006.
Điều 114.
Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
Chính phủ quy định chi tiết và
hướng dẫn thi hành Luật này.
Luật này đã được Quốc hội nước
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14
tháng 6 năm 2005.