ỦY BAN AN TOÀN
GIAO THÔNG QUỐC GIA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
33/KH-UBATGTQG
|
Hà Nội, ngày 27
tháng 02 năm 2014
|
KẾ HOẠCH
TĂNG CƯỜNG GIẢI PHÁP
BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN NÔNG THÔN
Trong thời gian qua, hệ thống hạ
tầng giao thông nông thôn (GTNT) đã có bước phát triển nhanh chóng cả về số
lượng và chất lượng, làm cho GTNT ở Việt Nam thay đổi một cách căn bản, đáp ứng
cơ bản nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn nông thôn, góp phần thúc đẩy
phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời
sống người dân nông thôn. Tuy nhiên, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn
nông thôn liên tục gia tăng và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao
thông ở cả hạ tầng giao thông (HTGT), phương tiện và người tham gia giao thông.
TNGT xảy ra ở khu vực nông thôn chiếm 29,3% và vẫn có chiều hướng tăng. Nguyên
nhân trước hết là do hiểu biết pháp luật về trật tự, an toàn giao thông
(TTATGT) của người dân khu vực nông thôn còn hạn chế, chưa tự giác chấp hành
pháp luật khi tham gia giao thông, tỷ lệ người vi phạm TTATGT vẫn còn ở mức
cao, nhất là người điều khiển mô tô xe máy; đường giao thông nông thôn mặc dù
được cải tạo mở rộng, nâng cấp bê tông hóa nhưng còn thiếu hệ thống biển báo và
thiết bị bảo đảm an toàn giao thông, tầm nhìn tại các điểm giao cắt bị che
khuất bởi nhà cửa, cây trồng trong khi nhận thức trách nhiệm của một số lãnh
đạo, chính quyền địa phương còn chưa đầy đủ, chưa huy động được các lực lượng
bảo đảm TTATGT khu vực nông thôn.
Nhằm ngăn chặn tình trạng TNGT gia
tăng khu vực nông thôn và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về
nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Ủy ban ATGT
Quốc gia xây dựng Kế hoạch tăng cường
công tác bảo đảm TTATGT khu vực nông thôn với các nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Nâng cao trách nhiệm của chính
quyền các cấp trong chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác bảo đảm TTATGT khu
vực nông thôn; huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng
giao thông nông thôn, đồng thời huy động các lực lượng tham gia bảo đảm TTATGT
khu vực nông thôn;
2. Nâng cao hiểu biết và ý thức
chấp hành pháp luật TTATGT của người dân khu vực nông thôn khi tham gia giao
thông, giảm tai nạn giao thông trong nông dân, nông thôn;
3. Các hoạt động được triển khai
thống nhất từ Trung ương đến địa phương trên toàn quốc để tạo sự chuyển biến
trong hoạt động bảo đảm TTATGT khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn
mới.
II. CÁC GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM TTATGT
TRÊN ĐỊA BÀN NÔNG THÔN
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
vận động người dân khu vực nông thôn tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT,
thực hiện các biện pháp phòng, tránh tai nạn giao thông.
2. Bảo đảm an toàn phương tiện và
nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông cho người dân ở nông thôn.
3. Huy động các nguồn lực để phát
triển hệ thống giao thông nông thôn, tăng cường biện pháp tổ chức giao thông và
các điều kiện bảo đảm an toàn đường giao thông nông thôn.
4. Huy động các lực lượng tham gia
bảo đảm TTATGT khu vực nông thôn, nòng cốt là lực lượng công an huyện, công an
xã.
III. NHIỆM VỤ CỦA CÁC BỘ,
NGÀNH, ĐOÀN THỂ VÀ ĐỊA PHƯƠNG
1. Bộ Công an chỉ đạo Công an các
địa phương huy động các lực lượng, trong đó có lực lượng công an xã phối hợp cùng, lực lượng CSGT của Công an huyện
tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm ở các tuyến đường GTNT thường xảy
ra tai nạn. Duy trì tập huấn công tác đảm bảo TTATGT cho lực lượng Công an xã,
đồng thời phân công mỗi cán bộ, chiến sĩ CSGT huyện phụ trách 1 xã, thị trấn để
nắm tình hình, hướng dẫn nghiệp vụ, hỗ trợ Công an xã tham gia giữ gìn TTATGT.
- Công an xã phối hợp cùng lực
lượng thanh niên, tổ tự quản ATGT tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục
pháp luật an toàn giao thông đến các ấp, xã; tăng cường công tác kiểm tra các
điểm thường xảy ra tai nạn ở các tuyến đường giao thông nông thôn, nắm những
đối tượng thanh thiếu niên điều khiển mô tô, xe gắn máy lạng lách để giáo dục.
2. Bộ GTVT huy động tối đa các
nguồn lực trong và ngoài nước, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình
thức khác nhau như vốn từ ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ; từ các dự
án, chương trình đầu tư phát triển xây dựng nông thôn. Các địa phương huy động
đóng góp của nhân dân, cộng đồng xã hội bằng tiền, vật tư, lao động... để đầu
tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn đảm bảo an toàn
giao thông và hành lang an toàn đường bộ.
- Bộ GTVT phối hợp với các Bộ ngành liên quan sớm triển khai chương trình
hỗ trợ xi măng để xây dựng GTNT.
- Tăng cường chỉ đạo thực hiện các
biện pháp quản lý phương tiện nông cụ về điều kiện an toàn của phương tiện và
người điều khiển, sớm đưa ra phương tiện phù hợp thay thế xe công nông.
- Chỉ đạo Sở GTVT các địa phương
lắp đặt hệ thống biển báo và thiết bị đảm bảo ATGT trên địa bàn giao thông nông
thôn, làm gờ giảm tốc từ đường phụ ra đường chính; đồng thời vận động người dân
phát quang cây cối, chỉnh sửa tường rào để bảo đảm tầm nhìn tại các điểm giao
cắt trên đường liên xã, liên thôn.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông,
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo
chí, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan, đơn vị tích cực tuyên truyền
pháp luật trật tự an toàn giao thông, các nguy cơ và nguyên nhân TNGT khu vực
nông thôn đến cơ sở, từ xã phường đến thôn bản; phát huy hiệu quả các đội tuyên
truyền lưu động và hệ thống đài truyền
thanh xã, phường để tuyên truyền ATGT. Tăng cường tuyên truyền các biện pháp
phòng, tránh tai nạn mô tô, xe gắn máy: đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn
máy; tuân thủ tốc độ quy định; giảm tốc độ quan sát an toàn từ đường phụ ra
đường chính; đã uống rượu, bia không lái xe; xe mô tô không chở 3, chở 4 người
và quan sát an toàn khi qua đường sắt; chấp hành quy định an toàn khi đi đò.
- Hàng tháng, Bộ Thông tin và
Truyền thông có chuyên đề tuyên truyền an toàn giao thông khu vực nông thôn để
phát trên hệ thống phát thanh huyện, thị
và hệ thống truyền thanh xã, phường.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo
các Sở Giáo dục-Đào tạo yêu cầu các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học
phổ thông tăng cường giáo dục kiến thức an toàn giao thông cho học sinh, thường
xuyên nhắc nhở học sinh tự giác, tạo thói quen chấp hành quy tắc giao thông.
5. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tăng cường công tác tuyên truyền phổ
biến pháp luật trật tự an toàn giao thông cho khu vực nông thôn, tập trung vào
giới trẻ thông qua công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học và
hoạt động của các tổ chức đoàn thể. Triển khai thực hiện các Chương trình phối
hợp về bảo đảm TTATGT đã ký với các tổ chức đoàn thể. Xây dựng và phát hành cẩm nang điều khiển phương tiện giao thông
an toàn dùng cho người dân khu vực nông thôn; phối hợp với Bộ Thông tin và
Truyền thông xây dựng chuyên đề tuyên
truyền an toàn giao thông khu vực nông thôn theo từng tháng.
6. Hội Nông dân Việt Nam đẩy mạnh
cuộc vận động “Nông dân tham gia bảo đảm TTATGT” với 3 nội dung trọng tâm:
Tuyên truyền, vận động người dân ở nông thôn thực hiện các quy định về bảo đảm
TTATGT; tham gia xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn an
toàn; phổ biến, hướng dẫn và vận động người dân kỹ năng điều khiển các phương
tiện giao thông an toàn. Trọng tâm là tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao
thông, nâng cao ý thức tự giác chấp hành quy tắc giao thông, tuân thủ quy định
tốc độ, đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, đã uống rượu, bia không điều khiển
phương tiện, quan sát an toàn khi qua đường sắt; chấp hành quy định an toàn khi
đi đò.
7. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu Chiến
binh Việt Nam đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân tham gia giữ gìn
TTATGT”; cuộc vận động “Phụ nữ tham gia bảo đảm TTATGT vì hạnh phúc của mỗi gia
đình”; cuộc vận động “Cựu chiến binh Việt Nam tham gia giữ gìn TTATGT” và tuyên
truyền tiêu chí “Văn hóa giao thông” đến hội viên, đoàn viên.
8. Ban ATGT tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương tăng cường công tác chỉ đạo về bảo đảm TTATGT khu vực nông
thôn chỉ đạo việc kiện toàn Ban hoạt động TTATGT; yêu cầu Trưởng ban ATGT huyện
tổ chức ký cam kết với Trưởng ban ATGT các xã trên địa bàn về bảo đảm an toàn
giao thông. Yêu cầu đài truyền thanh xã phường mỗi tuần phải phát ít nhất 2 lần
nội dung tuyên truyền chuyên đề ATGT (Bộ Thông tin và Truyền thông cấp) và cẩm
nang ATGT (Ủy ban ATGT Quốc gia cấp); tổ
chức các đội tuyên truyền lưu động về ATGT. Ban ATGT xã chỉ đạo lực lượng Công
an xã phối hợp cùng lực lượng Công an
huyện tăng cường TTKS trên địa bàn phức tạp; phát huy vai trò các tổ tự quản
ATGT để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện pháp luật về TTATGT, giải
tỏa các chướng ngại, đảm bảo hành lang an toàn các tuyến đường thuộc đường nông
thôn, khu vực chợ ở địa phương.
- Chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với Hội
Nông dân tỉnh, thành phố tăng cường công
tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hạng A1, A4 cho người nghèo, vùng sâu vùng xa,
đồng bào dân tộc.
- Tăng cường phối hợp kiểm tra
liên ngành về công tác bảo đảm TTATGT, tập trung kiểm tra tại địa bàn nông
thôn, nhất là tuyến đường, các huyện có TNGT tăng cao.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo
các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện.
2. Ban An toàn giao thông tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Kế
hoạch tăng cường công tác bảo đảm TTATGT khu vực nông thôn tại địa phương; tổ
chức triển khai và báo cáo kết quả thực hiện thành một nội dung trong báo cáo
định kỳ quý, 6 tháng, năm.
3. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức kiểm tra, đôn đốc các địa
phương thực hiện hiệu quả Kế hoạch./.
Nơi nhận:
- Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Phó Chủ tịch UBATGTQG;
- Trưởng Ban ATGT tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Ban ATGT tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Trung ương Hội Nông dân Việt Nam;
- Các ủy viên Ủy ban ATGTQG;
- Thành viên Ban Thường trực UBATGTQG;
- Chánh VP, Phó Văn phòng UBATGTQG;
- Lưu: VT.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Đinh La Thăng
|