ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 248/KH-UBND
|
Lào Cai, ngày 12 tháng 7 năm 2019
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “CÁC GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO
THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TRONG TÌNH HÌNH MỚI” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội
địa ngày 15/6/2004; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường
thủy nội địa ngày 17/6/2014;
Căn cứ Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày
19/02/2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống
ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021;
Căn cứ Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày
01/3/2013 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện
Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường
sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường
bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”;
Căn cứ Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày
25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển
giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày
16/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Các giải pháp đảm bảo trật
tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới”;
Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành
Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao
thông đường thủy nội địa trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh Lào Cai với các
nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU
CẦU
1. Mục đích:
- Tổ chức quán triệt thực hiện nghiêm
túc các yêu cầu và giải pháp trọng tâm của Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9
năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối
với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy
nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Quyết định số
418/QĐ-TTg ngày 16/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Các giải
pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới”.
- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp,
các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn
giao thông đường thủy nội địa, phấn đấu, kiềm chế tai nạn giao thông đường thủy
nội địa đến mức thấp nhất.
- Tuyên truyền, phổ biến giáo dục
pháp luật về an toàn giao thông đường thủy nội địa nhằm từng bước nâng cao ý thức
chấp hành pháp luật của chủ bến cảng, bến thủy nội địa tham gia hoạt động vận tải
hành khách, hàng hóa bằng đường thủy và mọi người dân khi tham gia giao thông,
gắn với cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông
nước” trên địa bàn tỉnh.
- Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các
hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa và xử
lý các nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn giao thông đường thủy nội địa.
- Triển khai đồng bộ các giải pháp đảm
bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới, phù hợp
với quy hoạch phát triển giao thông vận tải nói chung và quy hoạch phát triển
giao thông vận tải đường thủy nội địa nói riêng; các quy hoạch phát triển
ngành, lĩnh vực khác có liên quan và phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh.
- Phát huy những thành tựu của cuộc
cách mạng công nghiệp lần thứ tư; huy động tối đa các nguồn lực xã hội, tăng cường
ứng dụng khoa học - công nghệ mới, tiên tiến vào công tác quản lý hoạt động
giao thông vận tải trong tình hình mới để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy
nội địa trên địa bàn tỉnh.
2. Yêu cầu.
- Các cấp, các ngành, các tổ chức
chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh xác định nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn
giao thông đường thủy nội địa là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
- Mọi trường hợp vi phạm về trật tự
an toàn giao thông, vi phạm trong hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa
phải được phát hiện kịp thời và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
- Phát huy hiệu quả công tác phối hợp
liên ngành trong tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm pháp luật về đường thủy nội
địa; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của lực lượng
chức năng, cán bộ công chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về đảm bảo trật
tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.
II. NHIỆM VỤ
1. Nhiệm vụ chung: Tổ chức thực hiện
có hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý
nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; nâng cao nhận thức,
ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho người tham gia
giao thông và người dân sống dọc các tuyến đường thủy nội địa; tăng cường điều
kiện an toàn của kết cấu hạ tầng, phương tiện đường thủy nội địa nhằm giảm thiểu
tai nạn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới.
2. Nhiệm vụ cụ thể:
a) Đến năm 2030: Trên cơ sở các quy định
của pháp luật có liên quan, tổ chức thực hiện và phấn đấu đạt các nội dung hoạt
động sau:
- Đối với kết cấu hạ tầng đường thủy
nội địa: Cải tạo 100% các điểm đen, các điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn
giao thông đường thủy nội địa ở mức cao trên sông Hồng, sông Nậm Thi và sông Chảy
(đoạn qua địa phận tỉnh Lào Cai), vùng lòng hồ thủy điện Cốc Ly (Bắc Hà) và
Vĩnh Hà (Bảo Yên).
- Đối với phương tiện thủy:
+ 100% phương tiện thủy nội địa được
lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động AIS, thiết bị thông tin liên lạc VHF và được
đăng ký, đăng kiểm theo quy định.
+ 100% phương tiện thủy chở khách
ngang sông được trang bị đầy đủ áo phao và dụng cụ nổi cầm tay cho hành khách
trên phương tiện theo quy định, đặc biệt là các bến: Làng Giàng - cửa Ngòi,
Làng Giàng - Xuân Tăng, bến Múc, bến Thái Niên - Thái Bo, Kim Sơn - Cam Cọn và
bến đò dọc Bảo Nhai.
- Đối với thuyền viên, người lái
phương tiện thủy nội địa, người tham gia giao thông đường thủy nội địa:
+ 100% thuyền viên, người lái phương
tiện thủy nội địa được đào tạo, huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận khả năng
chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn theo quy định;
+ 100% người tham gia giao thông đường
thủy nội địa, bến thủy nội địa, chủ phương tiện, thuyền trưởng, người lái phương
tiện và người dân sinh sống dọc các tuyến đường thủy nội địa được tuyên truyền,
phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa;
+ 100% học sinh, sinh viên thường
xuyên đi học bằng phương tiện thủy được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức,
ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường
thủy nội địa và được trang bị các kỹ năng cần thiết bảo đảm an toàn tính mạng
khi xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa.
b) Định hướng sau năm 2030: Hoàn thiện
hệ thống pháp luật, quy hoạch và cơ chế chính sách về bảo đảm trật tự an toàn
giao thông đường thủy nội địa; đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao
thông đường thủy nội địa; áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong hoạt động
quản lý về an toàn giao thông đường thủy nội địa nhằm giảm thiểu tai nạn giao
thông đường thủy nội địa một cách bền vững.
III. CÁC GIẢI PHÁP
CHỦ YẾU
1. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy
phạm pháp luật, quy hoạch và cơ chế, chính sách.
a) Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm
pháp luật:
- Nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật
giao thông đường thủy nội địa theo Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/02/2019 của
Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao
thông giai đoạn 2019 - 2021;
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định
xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa;
- Rà soát, hoàn thiện quy định về điều
kiện kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa; hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật
trong lĩnh vực đường thủy nội địa có liên quan đến an toàn giao thông.
b) Hoàn thiện quy hoạch: Rà soát, xây
dựng quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo Luật Quy hoạch ngày
24/11/2017 và Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 09/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
c) Cơ chế, chính sách: Rà soát, hoàn
thiện hệ thống cơ chế, chính sách về tài chính để khuyến khích phát triển giao
thông vận tải đường thủy nội địa theo Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg ngày
05/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp với điều kiện của tỉnh Lào Cai.
2. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng
giao thông đường thủy nội địa.
a) Đối với luồng, tuyến: Rà soát,
hoàn thiện hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa trên các tuyến đường thủy nội địa
trên sông Hồng, sông Nậm Thi và sông Chảy (đoạn qua địa phận tỉnh Lào Cai),
vùng lòng hồ thủy điện Cốc Ly (Bắc Hà) và Vĩnh Hà (Bảo Yên), tăng cường ứng dụng
khoa học công nghệ cho hệ thống báo hiệu; tiến hành rà soát và công bố các tuyến
đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh làm cơ sở cho công tác quản lý và bảo đảm các
điều kiện an toàn giao thông theo quy định hiện hành.
b) Đối với hệ thống bến thủy nội địa:
Cải tạo điều kiện an toàn giao thông cho các bến khách ngang sông: bến Làng
Giàng - cửa Ngòi, Làng Giàng - Xuân Tăng, bến Múc, bến Thái Niên - Thái Bo, Kim
Sơn - Cam Cọn và bến đò dọc Bảo Nhai và các bến khác.
c) Đối với hành lang an toàn: Rà
soát, bổ sung mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đường thủy nội địa trên sông Hồng,
sông Nậm Thi và sông Chảy (đoạn qua địa phận tỉnh Lào Cai), vùng lòng hồ thủy
điện Cốc Ly (Bắc Hà) và Vĩnh Hà (Bảo Yên); nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ
hành lang an toàn giao thông đường thủy nội địa.
3. Đối với phương tiện thủy nội địa: Nghiên cứu, phát triển đóng mới các mẫu phương tiện đường thủy nội địa
có tính năng an toàn cao, giá thành rẻ, phù hợp với điều kiện của tỉnh Lào Cai.
4. Công tác đào tạo, cấp giấy chứng
nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện
thủy nội địa.
- Áp dụng khoa học công nghệ nâng cao
chất lượng đào tạo và thi, kiểm tra cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng
chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa; tăng cường xã hội
hóa công tác đào tạo.
- Kiến nghị (nếu có) Bộ Giao thông vận
tải và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, bổ sung các hình thức, phương pháp
thi khoa học và phù hợp với một số loại, hạng giấy chứng nhận khả năng chuyên
môn, chứng chỉ chuyên môn cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, người có trình độ
học vấn thấp và đồng bào dân tộc thiểu số.
5. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi
phạm và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy
nội địa.
- Ứng dụng khoa học công nghệ trong
công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao
thông đường thủy nội địa; tăng cường thanh tra, kiểm tra điều kiện an toàn kỹ
thuật và bảo vệ môi trường đối với các phương tiện thủy nội địa và hoạt động của
các bến thủy nội địa.
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác
tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội
địa. Tiếp tục thực hiện Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với
bình yên sông nước”.
- Tập trung tuyên truyền, phổ biến về
quy tắc giao thông đường thủy nội địa; các quy định về đăng ký, đăng kiểm
phương tiện; các điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa, đặc biệt chú
trọng tuyên truyền về điều khiển phương tiện phải có chứng chỉ chuyên môn,
không sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện và không chở quá tải trọng
theo quy định.
6. Giải pháp về nguồn vấn.
Tăng cường huy động nguồn vốn xã hội
hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa trên cơ sở
các quy định của pháp luật; phát triển cơ sở công nghiệp đóng mới và sửa chữa
phương tiện.
7. Quản lý an toàn giao thông.
Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực
cán bộ làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã
hội... trên địa bàn tỉnh có liên quan đến công tác trật tự an toàn giao thông
đường thủy nội địa.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Giao thông vận tải - Xây dựng.
- Chủ trì tham mưu, triển khai thực
hiện Kế hoạch theo lộ trình.
- Tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với
Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, quy
chuẩn kỹ thuật liên quan đến an toàn giao thông đường thủy nội địa; lập quy hoạch
kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo quy định;
- Tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với
Bộ Giao thông vận tải, các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch triển
khai, quản lý hoạt động của bến khách ngang sông; họp chợ, nuôi trồng thủy sản,
xây dựng công trình và các hoạt động khác trên hành lang bảo vệ luồng; nâng cao
hiệu quả công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường thủy nội địa và lập
lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường thủy nội địa;
- Tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với
Bộ Giao thông vận tải, các đơn vị liên quan xem xét, quyết định và công bố danh
mục các tuyến đường thủy nội địa của địa phương theo quy định;
- Tham mưu cho UBND tỉnh và các đơn vị
liên quan chỉ đạo tổ chức đăng ký, quản lý phương tiện thủy theo quy định của
pháp luật; xây dựng các quy định về quản lý phương tiện thủy thô sơ, phương tiện
được miễn đăng ký theo quy định của pháp luật;
- Tham mưu cho UBND tỉnh và các đơn vị
liên quan đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, phương tiện, công cụ
hỗ trợ cho Thanh tra chuyên ngành giao thông đường thủy nội địa, Cảng vụ đường
thủy nội địa; quy hoạch, xây dựng các bến lưu giữ phương tiện vi phạm; Đầu tư
cơ sở hạ tầng đối với các bến khách ngang sông ở khu vực nơi có điều kiện kinh
tế khó khăn;
- Phối hợp với các đơn vị có liên
quan và chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang ATGT
các tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh;
- Phối hợp tổ chức các đoàn kiểm tra
liên ngành thực hiện kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự, an toàn
giao thông đường thủy nội địa.
2. Công an tỉnh.
- Chủ trì phối hợp với Sở Giao thông
vận tải - Xây dựng, Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh, Văn phòng Ban ATGT tỉnh và các
cơ quan có liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ trật tự, an toàn giao thông
đường thủy nội địa;
- Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát đường thủy
tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường thủy nội
địa đối với người, phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa theo quy
định của pháp luật;
- Phối hợp các cơ quan chức năng tổ
chức các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi
phạm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa.
- Chủ trì, rà soát, đề xuất đầu tư cơ
sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ cho lực lượng
Cảnh sát đường thủy.
- Tham mưu cho UBND tỉnh nghiên cứu,
xây dựng các bến tạm giữ phương tiện thủy.
3. Sở Tài chính: Chủ trì phối hợp Sở Giao thông vận tải - Xây dựng, Văn phòng Ban ATGT
tỉnh thẩm định dự toán, bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chi của ngân sách địa
phương, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải - Xây dựng, Văn phòng Ban
An toàn Giao thông tỉnh và các đơn vị liên quan bố trí vốn đầu tư cho các dự
án, nhiệm vụ theo khả năng cân đối ngân sách; lộ trình phù hợp với mục tiêu Kế
hoạch.
5. Sở Công Thương: Chủ trì, kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành, khai thác, chủ
đầu tư các đường dây tải điện, các đường dây tải điện vượt sông (trên không hoặc
ngầm), tuyến đường ống qua sông phối hợp với các cơ quan quản lý giao thông đường
thủy tổ chức lắp đặt và duy trì báo hiệu đường thủy nội địa theo đúng quy định.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố Lào Cai
tổ chức rà soát, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về khai
thác cát, sỏi nói riêng và khoáng sản nói chung trên các tuyến đường thủy nội địa
trên địa bàn tỉnh.
7. Sở Giáo dục và Đào tạo.
Chủ trì, chỉ đạo Phòng Giáo dục các
huyện và thành phố Lào Cai, các cơ sở giáo dục bổ sung các nội dung tuyên truyền
giáo dục kiến thức về an toàn giao thông đường thủy nội địa vào chương trình giảng
dạy an toàn giao thông trong trường học;
- Tiếp tục tuyên truyền đối với các học
sinh thực hiện Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình
yên sông nước”.
8. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn:
- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải
- Xây dựng, Văn phòng Ban ATGT tỉnh và các đơn vị liên quan kiểm tra thực hiện
việc lắp đặt, duy trì báo hiệu đường thủy nội địa đối với các công trình thủy lợi;
đồng thời, kịp thời tổ chức việc thanh thải các công trình thủy lợi không còn sử
dụng, ảnh hưởng đến luồng và hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa.
- Phối hợp với Sở Giao thông vận -
Xây dựng, Văn phòng Ban ATGT tỉnh và các đơn vị liên quan xác định hành lang bảo
vệ luồng chạy tàu trong trường hợp chồng lấn với hành lang bảo vệ công trình thủy
lợi; xây dựng cảng, bến thủy nội địa trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi.
9. Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh: Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra đăng ký, đăng kiểm
và chứng chỉ chuyên môn, bằng lái tàu... của phương tiện và người điều khiển
phương tiện, đảm bảo an toàn hoạt động cho các phương tiện thủy tham gia giao
thông trên các tuyến sông biên giới. Không để các phương tiện thủy không có
đăng ký, đăng kiểm hoạt động, neo đậu trong khu vực tuyến sông biên giới.
10. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Chủ trì phối hợp với Ban tuyên giáo
Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí của tỉnh, cổng thông tin điện tử
và các cổng thành viên, Trung tâm Văn hóa Thể Thao - Truyền thông các huyện,
thành phố và hệ thống Đài truyền thanh cơ sở tăng cường tuyên truyền, phổ biến
các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa và
Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”,
“Cảng, bến sông an toàn”, “Cụm, khu dân cư an toàn giao thông đường thủy nội địa”;
- Chỉ đạo tăng thời lượng tuyên truyền
trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, cổng thông tin điện tử...)
về bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói chung và bảo đảm trật tự an toàn giao
thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh nói riêng.
11. Ban An toàn Giao thông tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
có liên quan, chỉ đạo Ban An toàn giao thông huyện, Thành phố tiếp tục thực hiện
Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”,
“Cảng, bến sông an toàn”, “Cụm, khu dân cư an toàn giao thông đường thủy nội địa”;
- Đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn
vị triển khai thực hiện Kế hoạch.
12. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố Lào Cai.
- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải
- Xây dựng tỉnh, Văn phòng Ban ATGT tỉnh, các ngành, đơn vị liên quan nâng cao
hiệu quả công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang an toàn giao
thông đường thủy nội địa;
- Phối hợp với Cảnh sát đường thủy,
Thanh tra giao thông và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý, kiểm
tra hoạt động bến khách ngang sông trên địa bàn quản lý.
13. Các tổ chức, đoàn thể và các
đơn vị có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao
có trách nhiệm tuân thủ, triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch.
V. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
1. Định kỳ 6 tháng, một năm các sở,
ngành có liên quan; UBND các huyện, thành phố tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả
triển khai thực hiện gửi Sở Giao thông vận tải - Xây dựng tổng hợp.
2. Giao Sở Giao thông vận tải - Xây dựng
tổng hợp kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo UBND tỉnh
để báo cáo Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải theo quy định (yêu cầu gửi trước
ngày 20/6 và ngày 20/12 hàng năm).
Trên đây là Kế hoạch triển khai thực
hiện Đề án “Các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa
trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trong quá trình thực hiện nếu có
khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị và địa phương báo cáo, kiến nghị gửi Sở
Giao thông Vận tải - Xây dựng tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh
cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Giao thông vận tải;
- Ủy ban ATGT Quốc gia;
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ và các Đoàn thể tỉnh;
- Cục Đường thủy nội địa;
- Công an tỉnh;
- Ban ATGT tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- Đài PT-TH tỉnh, Báo Lào Cai;
- UBND các huyện, thành phố;
- Văn phòng Ban ATGT tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, VX1, BBT, TH1, QLĐT3,5.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trịnh Xuân Trường
|