ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 16/KH-UBND
|
Thái Bình, ngày
15 tháng 01 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN CHỈ THỊ SỐ 31/CT-TTG NGÀY 21/12/2023 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TĂNG
CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG CHO LỨA TUỔI HỌC SINH TRONG
TÌNH HÌNH MỚI
Thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của
Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch
để triển khai thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH
- Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, giải
pháp và phân công hách nhiệm trong việc thực hiện Chỉ thị 31/CT-TTg ngày
21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ; qua đó tạo sự nhất quán, xuyên suốt trong
công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cơ
quan, đơn vị, nhà trường nhằm thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự, an toàn
giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật; ứng
xử văn minh, chuẩn mực khi tham gia giao thông; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong
thiết lập trật tự, kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật
tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh, đảm bảo phù hợp với tình hình mới;
qua đó từng bước hình thành rõ nét văn hóa giao thông trong lứa tuổi học sinh.
- Giảm thiểu tai nạn giao thông, hạn chế đến mức thấp
nhất các vụ tai nạn giao thông đối với lứa tuổi học sinh; có phương án phòng ngừa,
khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại cổng trường, trên các trục giao
thông có trường học.
II. YÊU CẦU
- Tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ
các giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông theo tinh thần Chỉ thị số
31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn toàn tỉnh. Thủ
trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan, chính quyền các huyện/thành phố, người đứng
đầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh phải xác định rõ việc nâng cao ý thức
chấp hành pháp luật, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh
là giải pháp quan trọng, căn cơ, lâu dài trong thực hiện xây dựng văn hóa giao
thông; là một trong những ưu tiên hàng đầu trong tổng thể công tác bảo đảm trật
tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
- Thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp
luật về giao thông cho lứa tuổi học sinh và lực lượng thi hành pháp luật về
công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.
- Các Sở, ban ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các
huyện/thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, lĩnh vực do mình quản lý tổ
chức xây dựng kế hoạch và chủ động bố trí nguồn kinh phí để tổ chức triển khai
thực hiện đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện thực tiễn của đơn
vị, địa phương; đảm bảo tiết kiệm, tránh hình thức.
- Phổ biến, quán triệt nhiệm vụ đến từng cán bộ,
công chức, viên chức và người lao động có con em đang trong độ tuổi học sinh
tuyệt đối tuân thủ pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
- Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công
tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; trước hết là chú trọng ứng dụng công
nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền an toàn giao thông; giám sát, phát
hiện và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông trong lứa tuổi thanh, thiếu
niên, học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Chỉ đạo các trường hàng năm hoàn thành chỉ tiêu
100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong được tham gia các hoạt động
giáo dục pháp luật về an toàn giao thông; chỉ đạo nâng cao chất lượng bài giảng
về an toàn giao thông trong tiết học chính khóa về an toàn giao thông. Tổ chức
cho phụ huynh học sinh ký cam kết không giao xe mô tô, xe đạp điện cho học sinh
chưa đủ điều kiện điều khiển.
- Nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ,
giáo viên về công tác giáo dục pháp luật về an toàn giao thông trong nhà trường.
Yêu cầu đội ngũ cán bộ, giáo viên chấp hành nghiêm quy định pháp luật khi tham
gia giao thông, mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo
trong thực hiện pháp luật giao thông và văn hóa giao thông; căn cứ tình hình thực
tế, hằng năm lựa chọn một trường Trung học phổ thông làm điểm về an toàn giao
thông.
- Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức
đoàn, hội, đội trong việc giữ gìn trật tự, an toàn giao thông; thực hiện cuộc vận
động "Học sinh với văn hóa giao thông", "Trường học an toàn,
thân thiện, chấp hành tốt luật giao thông"; xây dựng và nhân rộng mô hình
"Cổng trường an toàn giao thông", "Đội thanh niên tình nguyện",
"Đội cờ đỏ", "Xếp hàng đón con" tại khu vực cổng trường
trong các giờ cao điểm, tạo thói quen chấp hành các quy định của pháp luật về
giao thông tại cổng trường cho học sinh.
- Phối hợp đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát
tại các khu vực gần cổng trường học để ghi nhận các hình ảnh vi phạm giao thông
của học sinh làm căn cứ xử lý và bình xét thi đua đối với từng lớp học, giáo
viên và học sinh.
- Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương yêu
cầu các đơn vị có dịch vụ trông, giữ xe, các hộ dân trông, giữ xe xung quanh
khu vực trường học cam kết không nhận trông, giữ xe mô tô trên 50cm3
của học sinh. Các đơn vị, trường học khi phát hiện hoặc tiếp nhận thông báo về
việc học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không đúng quy định hoặc vi phạm
pháp luật về giao thông phải có trách nhiệm mời cha, mẹ học sinh đến làm việc,
thông báo rõ vi phạm và yêu cầu phối hợp quản lý, giáo dục con cái, cam kết
không tái phạm.
- Chỉ đạo các trường thường xuyên rà soát việc thực
hiện hợp đồng kinh doanh đưa đón học sinh, báo cáo các cơ quan quản lý gồm: Sở
Giao thông Vận tải, Ủy ban nhân dân và công an các huyện/thành phố đảm bảo về
hành trình, điểm dừng đón, trả; danh sách xe, lái xe; đảm bảo xe đủ điều kiện
an toàn theo quy định; kiên quyết không để các phương tiện không bảo đảm điều
kiện an toàn tham gia đưa đón học sinh. Đối với các cơ sở giáo dục sử dụng dịch
vụ đưa đón học sinh bằng xe ô tô phải lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ kinh
doanh vận tải bằng xe ô tô có uy tín, chất lượng, thực hiện nghiêm quy định về
yêu cầu kỹ thuật, quy trình đưa đón, bảo đảm an toàn cho học sinh; có trách nhiệm
tập huấn cho lái xe và người quản lý học sinh nắm vững, thực hiện đúng các quy
trình an toàn.
2. Công an tỉnh.
- Chỉ đạo lực lượng Công an các cấp thực hiện tốt
chương trình phối hợp với ngành giáo dục về tăng cường công tác tuyên truyền,
phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở
giáo dục; tăng cường phổ biến các kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an
toàn cho phụ huynh trong trường hợp chở trẻ em trên ô tô, mô tô, xe máy và các
phương tiện khác.
- Chỉ đạo Công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với
các trường trung học phổ thông; Công an cấp xã chủ trì, phối hợp với các trường
trung học cơ sở, tiểu học trên địa bàn kiểm tra việc sử dụng phương tiện tham
gia giao thông của học sinh, nhất là tại các bãi để xe trong trường, khu vực cổng
trường; xác định, lập danh sách học sinh chưa đủ điều kiện điều khiển xe mô tô,
xe đạp điện bàn giao cho các Ban giám hiệu các trường học thông báo đến phụ
huynh học sinh thay đổi sang loại phương tiện được phép điều khiển theo quy định;
phối hợp nhà trường làm việc với phụ huynh và học sinh vi phạm để nhắc nhở, yêu
cầu tăng cường quản lý, giáo dục không để học sinh vi phạm và tái phạm; rà soát
các trường hợp thanh, thiếu niên, học sinh có biểu hiện đua xe, tụ tập gây rối
trật tự công cộng đưa vào diện quản lý, giáo dục tại địa bàn cơ sở.
- Chỉ đạo Công an cấp xã rà soát, xác định các khu vực
cổng trường học thường xảy ra ùn tắc giao thông để bố trí lực lượng tuyên truyền,
nhắc nhở không để xảy ra tình trạng học sinh, phụ huynh dừng, đỗ phương tiện dưới
lòng đường gây ùn tắc, cản trở giao thông.
- Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời
phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, nhất là những vi phạm
có nguy cơ gây tai nạn cho học sinh; đối với những trường hợp học sinh vi phạm,
gửi thông báo về cho nhà trường để có hình thức xử lý và biện pháp giáo dục phù
hợp; xử lý nghiêm các trường hợp phụ huynh đưa đón con em vi phạm trật tự, an
toàn giao thông tại các tuyến gần khu vực trường học; kiên quyết không cho các
phương tiện không bảo đảm an toàn dùng để vận chuyển, đưa đón học sinh. Nghiên
cứu bố trí chốt kiểm tra gần khu vực cổng trường kiểm tra việc thực hiện pháp
luật về trật tự, an toàn giao thông đối với học sinh.
- Đối với các tai nạn giao thông liên quan đến học
sinh phải khẩn trương điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; củng cố hồ
sơ xử lý các hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển
phương tiện gây tai nạn; xác định cụ thể các nguyên nhân gây tai nạn và kiến
nghị giải pháp phòng ngừa.
- Thường xuyên rà soát không gian mạng (zalo,
facebook, tiktok...), phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan
đến cổ xúy cho vi phạm, đua xe, lạng lách, đánh võng và những hành vi khác ảnh
hưởng tiêu cực đến thanh, thiếu niên.
3. Sở Giao thông Vận tải.
- Tăng cường kiểm tra, quản lý hoạt động kinh doanh
vận chuyển, đưa đón học sinh bảo đảm an toàn trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện/thành
phố, cơ quan chuyên môn tổng rà soát về điều kiện an toàn giao thông và tổ chức
giao thông tại các đoạn tuyến quốc lộ, đường tỉnh qua cổng trường học trên địa
bàn tỉnh, lập danh mục phân loại những vị trí đường qua trường học mất an toàn,
lập kế hoạch để xử lý, khắc phục.
- Khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan khắc
phục các “điểm đen” (nếu có) trên các tuyến đường có trường học theo quy định về
phân cấp quản lý của tỉnh.
- Tăng cường quản lý chặt chẽ các phương tiện chở
khách hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định, không bảo đảm an toàn dùng để vận
chuyển, đưa đón học sinh. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định về đảm
bảo an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đưa đón học sinh
theo hình thức hợp đồng.
4. Đài Phát thanh và Truyền
hình Thái Bình, Báo Thái Bình, Cổng Thông tin điện tử của tỉnh.
- Tăng cường thời lượng, tin bài, ưu tiên bố trí
khung giờ tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông của học
sinh; ưu tiên mở chuyên mục tuyên truyền an toàn giao thông cho lứa tuổi học
sinh vào các khung giờ, chuyên trang, các nền tảng số để tăng cường tuyên truyền
về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong
tình hình mới.
5. Sở Thông tin và Truyền
thông.
- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định
hướng các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, Phòng Văn hóa và Thông tin, Đài
Truyền thanh - Truyền hình các huyện/thành phố và hệ thống truyền thanh cơ sở đẩy
mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông nhằm nâng cao nhận
thức, ý thức, kỹ năng tham gia an toàn giao thông của học sinh.
- Phối hợp với Công an tỉnh xử lý nghiêm các trường
hợp vi phạm quy định của pháp luật về an toàn giao thông trên không gian mạng
6. Sở Tài chính.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình cấp
có thẩm quyền bố trí nguồn kinh phí, ưu tiên nguồn thu từ tiền xử phạt vi phạm
giao thông và các nguồn tăng thu khác để tăng cường kinh phí phục vụ công tác bảo
đảm trật tự, an toàn giao thông cho học sinh.
7. Cục Quản lý thị trường tỉnh.
Chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi kinh doanh
xe máy điện, xe đạp điện, phụ tùng, mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, hàng giả, hàng
nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ...
8. Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ
Chí Minh tỉnh.
Đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên
truyền, giáo dục, vận động thanh, thiếu niên, lứa tuổi học sinh chấp hành pháp
luật an toàn giao thông; tăng cường hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an
toàn; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Thanh niên với
văn hóa giao thông". Tiếp tục duy trì và hoạt động có hiệu quả các mô hình
"Ngã tư an toàn giao thông", "Cổng trường an toàn giao
thông" tại địa bàn các huyện/thành phố.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, đoàn thể của tỉnh.
- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động
nhân dân, đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức và người lao động có con em
trong lứa tuổi học sinh tự giác, gương mẫu trong chấp hành các quy định của
pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; tổ chức ký cam kết và lồng ghép với
tuyên truyền hướng dẫn, nhắc nhở, quản lý chặt chẽ con em mình, không giao
phương tiện cho con em sử dụng khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe theo
quy định. Tổ chức xây dựng mô hình an toàn giao thông trách nhiệm từ gia đình.
10. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh,
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
Chỉ đạo Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các
cấp phối hợp với cơ quan điều tra, công an cùng cấp trong hoạt động điều tra,
truy tố, xét xử các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, nhất là các vụ
tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng có liên quan đến lứa tuổi học sinh;
xử lý trách nhiệm của chủ xe để cho người không đủ điều kiện theo quy định của
pháp luật điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng
nhằm tuyên truyền, phòng ngừa chung.
11. Ủy ban nhân dân các huyện/thành
phố
- Chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục
pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho phụ huynh và học sinh trên địa bàn
quản lý.
- Phối hợp với với các cơ quan chức năng tăng cường
rà soát các "điểm đen", "điểm tiềm ẩn" tai nạn giao thông
trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường liên thôn, liên xã có
trường học, các đầu mối giao thông tại các khu vực trường học, cổng trường học
để có biện pháp khắc phục và xử lý kịp thời, không để tình trạng ùn tắc giao
thông trước các cổng trường học.
- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn hoàn thiện hệ
thống kết cấu hạ tầng giao thông tại các khu vực trường học theo đúng quy chuẩn,
tiêu chuẩn; phù hợp với tổ chức giao thông, trong đó chú trọng đến việc bố trí
vỉa hè, đường đi bộ, đường đi xe đạp và bãi trông giữ xe; ưu tiên bố trí hạ tầng,
trang thiết bị bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như biển báo khu vực trường
học, đèn tín hiệu sang đường, vạch băng qua đường, gờ giảm tốc, sơn giảm tốc
phù hợp theo các khu vực trường học.
- Vận động đến từng gia đình không giao xe cho học
sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển (chưa đủ tuổi, chưa có Giấy phép lái
xe theo quy định); nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, đội
thanh niên tình nguyện, các “Đội cờ đỏ” tại khu vực cổng trường trong các giờ
cao điểm, tạo thói quen chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông tại
cổng trường cho học sinh và phụ huynh học sinh.
- Chỉ đạo các lực lượng chức năng, công an các cấp
trên địa bàn tăng cường tuần tra kiểm soát vi phạm về trật tự, an toàn giao thông,
trong đó chú trọng tại các tuyến đường có trường học; xử lý nghiêm các lỗi của
phụ huynh học sinh giao xe cho con em khi chưa đủ tuổi, chưa có Giấy phép lái
xe theo quy định.
- Cân đối nguồn kinh phí và huy động các nguồn lực
hợp pháp khác để đầu tư cải tạo hạ tầng giao thông, hoàn thiện tổ chức giao
thông tại các khu vực có trường học.
- Chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường
thuộc phạm vi quản lý phải ký cam kết thi đua: 100% các đơn vị, trường học tổ
chức cho học sinh, cha mẹ học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên ký cam kết chấp
hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông; học sinh đi xe đạp
điện, xe máy điện, xe gắn máy đến trường phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn; học
sinh đi xe đến trường phải đăng ký phương tiện, chủng loại với nhà trường để phối
hợp với lực lượng công an tại địa phương tổ chức kiểm tra, quản lý.
- Các địa phương khi xây dựng mới các trường học
xem xét đưa tiêu chí bố trí bãi đỗ xe cho phụ huynh tại khu vực cổng các trường
học trung học cơ sở, tiểu học, mầm non nhằm phòng chống ùn tắc giao thông,
phòng ngừa tai nạn giao thông.
12. Ban An toàn giao thông tỉnh.
- Tiếp tục phối hợp tốt với các cơ quan, đoàn thể
và các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao
thông đường bộ với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đối
tượng là học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh, bảo đảm hiệu quả, thực chất.
- Thực hiện lồng ghép, đưa nội dung kiểm tra công
tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cho học sinh vào chương trình nội dung
kiểm tra công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông hàng năm của Ban An toàn
giao thông tỉnh.
- Tổ chức biên soạn tài liệu, in ấn phát cho các địa
phương, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác giảng dạy, tuyên
truyền an toàn giao thông.
- Chủ trì, theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra
các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh trong việc thực hiện Kế hoạch này, định kỳ
hàng năm hoặc đột xuất báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.
13. Các Sở, ngành, đoàn thể tỉnh,
Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố
- Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ
có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của
tỉnh về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực do mình quản
lý chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này, xây dựng phương
án, lộ trình cụ thể để tổ chức thực hiện (hoàn thành trong tháng 02/2024).
Định kỳ 06 tháng (trước ngày 25/5), hằng năm (trước ngày 20/12)
báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ gửi về Ban An toàn giao thông tỉnh
để tổng hợp, báo cáo theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số
31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm
trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới. Trong
quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị, địa
phương kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Ban An toàn giao thông tỉnh)
để xem xét chỉ đạo, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Ủy ban ATGTQG;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Cổng TTĐT của tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CTXDGT(Đ.T.A).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Quang Hưng
|