Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 125/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn Người ký: Hồ Tiến Thiệu
Ngày ban hành: 31/05/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 125/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 31 tháng 5 năm 2024

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 149/NQ-CP NGÀY 21/9/2023 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ CHƯƠNG TRÌNH SỐ 116-CTR/TU, NGÀY 16/4/2024 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNHH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 23-CT/TW, NGÀY 25/5/2023 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới (viết tắt là Chỉ thị số 23-CT/TW), Nghị quyết số 149/NQ-CP ngày 21/9/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, Chương trình hành động số 116-CTr/TU, ngày 16/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW; UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 23- CT/TW; Nghị quyết số 149/NQ-CP ngày 21/9/2023 của Chính phủ, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ[1], Chương trình hành động số 116-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW đến toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn nhằm: (1) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; (2) Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là thành tố quan trọng trong bảo đảm an ninh con người, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước. Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực; đặt an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân là trên hết, trước hết; bảo đảm các quyền lợi cho người dân là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động của lực lượng chức năng. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phải được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, thường xuyên, lâu dài; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; (3) Tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; kiên trì xây dựng văn hóa chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông, với mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông một cách bền vững, năm sau giảm hơn năm trước và hạn chế ùn tắc giao thông.

2. Thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương về thể chế, chính sách, phân cấp, phân quyền; phân định rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân đối với địa bàn quản lý, lĩnh vực được giao nhiệm vụ, nhất là người đứng đầu trong công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT); xây dựng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác bảo đảm TTATGT thật sự trong sạch, liêm chính, đáp ứng yêu cầu công tác và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

3. Huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ hạ tầng giao thông phù hợp với quy mô, định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực giao thông.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm TTATGT

Cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh tới cơ sở phải quán triệt, cụ thể hóa chủ trương của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT vào chương trình, kế hoạch công tác hằng năm, trọng tâm là Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 149/NQ-CP ngày 21/9/2023 của Chính phủ; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 và Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình hành động số 116-CTr/TU, ngày 16/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đồng thời phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực giao thông, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng cơ quan, đơn vị nếu để tình hình TTATGT xảy ra phức tạp trên địa bàn, lĩnh vực quản lý do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý. Tất cả các vụ tai nạn giao thông (TNGT) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra phải được xem xét, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan.

2. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý hành lang an toàn giao thông, đào tạo cấp Giấy phép lái xe. Trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về TTATGT phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng bỏ qua vi phạm về TTATGT hoặc chuyển từ lỗi nặng thành lỗi nhẹ. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của ngành, cơ quan, đơn vị. Kịp thời điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh đối với người tham gia giao thông gây TNGT có dấu hiệu tội phạm, các cá nhân giao phương tiện giao thông cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông gây TNGT, các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, quản lý, duy tu, bảo dưỡng, khai thác công trình giao thông, đồng thời xác định rõ các nguyên nhân dẫn đến TNGT để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả.

3. Tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông

Thường xuyên rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực an toàn giao thông phù hợp với quy định của cấp trên và thực tiễn trên địa bàn tỉnh; trong đó đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm TTATGT gắn với bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế - xã hội. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng và bảo đảm TTATGT tại địa phương. Các chủ trương đầu tư làm phát sinh gia tăng nhu cầu giao thông lớn phải có đánh giá tác động về TTATGT.

4. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về bảo đảm TTATGT

Tiếp tục đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng địa bàn, nhóm đối tượng, trong đó chú trọng tuyên truyền đối với thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, lái xe, chủ xe, chủ doanh nghiệp của các phương tiện giao thông tỉnh khác thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh...; mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải gương mẫu và tích cực vận động người thân, gia đình và Nhân dân thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm TTATGT; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và Nhân dân trong công tác bảo đảm TTATGT. Xây dựng, nhân rộng, duy trì hoạt động các mô hình hiệu quả, cách làm hay trong công tác bảo đảm TTATGT.

5. Tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông

Tập trung xây dựng và hoàn chỉnh quy hoạch kết nối đồng bộ hệ thống giao thông trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; lồng ghép nội dung về bảo đảm TTATGT trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch khu, cụm công nghiệp và các quy hoạch chuyên ngành liên quan đến giao thông bảo đảm khả thi, an toàn, phù hợp với thực tiễn và thực hiện nghiêm quy hoạch được phê duyệt. Thường xuyên rà soát, phát hiện và khắc phục kịp thời các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” TNGT và các bất hợp lý trong tổ chức giao thông. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, giám sát, điều hành giao thông, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, điều tra TNGT. Tăng cường hợp tác quốc tế và nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, cách làm hiệu quả của các tỉnh, thành trong và ngoài nước về phát triển, quản lý, bảo đảm TTATGT phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.

6. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp bảo đảm TTATGT

Thường xuyên đánh giá, xác định các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban An toàn giao thông các cấp; kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ bảo đảm TTATGT từ cấp tỉnh đến cấp huyện bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong công tác bảo đảm TTATGT.

Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch phối hợp giữa Ủy ban An toàn giao thông quốc gia với các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh. Xây dựng quy chế phối hợp giữa chính quyền địa phương các cấp với các cơ quan chức năng trong hoạt động bảo đảm TTATGT; phối hợp, đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, công khai, kịp thời các vụ án vi phạm pháp luật về TTATGT để tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa TNGT.

Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện cho các lực lượng chuyên trách bảo đảm TTATGT. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng lực lượng chuyên trách, các lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả TNGT có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

7. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật trong công tác bảo đảm TTATGT

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT. Tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng, như vi phạm nồng độ cồn, ma túy, điều khiển phương tiện quá tốc độ, “cơi nới” thành, thùng xe, chở hàng quá khổ, quá tải, đi không đúng phần đường, làn đường; đặc biệt tập trung kiểm tra vào đối tượng là lái xe chuyên nghiệp như lái xe tải, xe container, xe khách tuyến cố định liên tỉnh, tuyến đường thường xảy ra tai nạn…; thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia, không lái xe”, trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Phải có kế hoạch cụ thể để kiểm soát nồng độ cồn đối với từng tuyến, từng địa bàn, tập trung địa bàn thành phố, thị trấn và các khu đông dân cư.

Tăng cường phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và các lực lượng liên quan trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT tại các doanh nghiệp vận tải, mỏ khai thác khoáng sản, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, các đầu mối bốc xếp hàng hóa, các bến xe, bãi đỗ xe tự phát, không được cấp phép, các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe và các cơ sở đăng kiểm phương tiện giao thông.

Tăng cường phối hợp các lực lượng trong quản lý TTATGT, kiên quyết xóa bỏ các chợ cóc, chợ tạm, chấm dứt tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán. Huy động lực lượng Công an cấp xã phối hợp với các lực lượng khác tham gia bảo đảm TTATGT, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt ngay từ cơ sở.

Nâng cao chất lượng đăng ký, đăng kiểm, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa; khuyến khích phát triển và nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; chuyển đổi sang các phương tiện giao thông xanh.

8. Phòng, chống ùn tắc giao thông tại các khu vực thành phố, thị trấn và các tuyến đường ra, vào khu vực cửa khẩu

Thực hiện nghiêm quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông, phát triển các loại hình giao thông công cộng, tăng cường quản lý trật tự đô thị, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu về bến bãi, điểm đỗ phương tiện giao thông. Chủ động xây dựng phương án phân luồng, điều tiết giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông tại các khu vực trung tâm, tuyến Quốc lộ 1 và các tuyến đường ra, vào các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Công an tỉnh

- Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 207/KH-UBND ngày 24/10/2023 về việc phát động phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm hành chính về TTATGT” trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phối hợp số 1086/KH- CAT-SGDĐT ngày 28/3/2023 giữa Công an tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch phối hợp số 3657/KHPH-CAT-GHPGVNLS ngày 01/8/2023 giữa Công an tỉnh và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động tăng, ni, phật tử tham gia bảo đảm TTATGT, giai đoạn 2023 - 2026.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông bằng nhiều nội dung thiết thực, hình thức đa dạng, như: tuyên truyền trực tiếp tại các trường học, kết hợp tuần tra và sử dụng loa xe Cảnh sát giao thông, qua công tác tiếp công dân, giải quyết các thủ tục hành chính; đăng tải tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội như zalo, facebook... Đồng thời hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho người dân, phổ biến các hình ảnh đẹp, gương người tốt, việc tốt của lực lượng Cảnh sát giao thông trong quá trình thực thi nhiệm vụ để Nhân dân hiểu rõ, chia sẻ, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ.

- Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thường xuyên triển khai thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt; điều chỉnh, bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến quốc lộ, nhất là tuyến Quốc lộ 1, 1B, 4A, 4B nhằm kéo giảm TNGT. Tăng cường lực lượng, phương tiện tổ chức tuần tra, kiểm soát, tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT như: vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý, chạy quá tốc độ; tránh, vượt sai quy định, đi không đúng phần đường, làn đường; chở hàng quá khổ, quá tải, đặc biệt tập trung vào đối tượng là các lái xe chuyên nghiệp như lái xe tải, xe container, xe khách tuyến cố định liên tỉnh. Tổ chức xác minh, thông báo đến cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, trường học đối với người vi phạm về TTATGT để đánh giá chất lượng tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, trường học và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, hội viên và đạo đức cuối năm của học sinh, sinh viên.

- Tăng cường công tác phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và các lực lượng liên quan trong việc kiểm tra xử lý vi phạm đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; vi phạm quy định về đón, trả khách trên đường bộ, chở quá số người quy định, chở khách hoạt động không đăng ký; điều khiển, lưu hành phương tiện quá khổ, quá tải.

- Chỉ đạo thực hiện công tác điều tra giải quyết các vụ TNGT theo đúng các quy định của pháp luật. Quá trình điều tra, phải xác định nồng độ cồn, ma túy của người điều khiển phương tiện giao thông; ngoài xác định nguyên nhân trực tiếp gây TNGT để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả, phải xác định, làm rõ nguyên nhân có liên quan đến trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Đối với các vụ TNGT có dấu hiệu của tội phạm phải khẩn trương điều tra, làm rõ các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, quản lý, bảo dưỡng, khai thác công trình giao thông, cá nhân giao phương tiện giao thông cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông gây TNGT để xử lý về hình sự khi đủ điều kiện.

- Tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý đối tượng, điều tra xử lý nghiêm các đối tượng chống người thi hành công vụ, điều khiển xe chạy quá tốc độ, gây rối trật tự công cộng; các hành vi vi phạm pháp luật về kiểm định phương tiện, khám sức khỏe, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe, sản xuất, mua bán, sử dụng các loại giấy tờ giả liên quan đến hoạt động giao thông, vận tải; vi phạm xây dựng, sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về bảo đảm TTATGT.

- Chỉ đạo Cơ quan điều tra phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ TNGT, nhất là những vụ TNGT do người có nồng độ cồn điều khiển phương tiện gây tai nạn, người giao phương tiện cho người khác không đủ điều kiện tham gia giao thông; tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác bảo đảm TTATGT…; xác định các vụ án điểm, án áp dụng thủ tục rút gọn để tổ chức xét xử lưu động, góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân.

- Qua công tác nắm tình hình, khảo sát, tuần tra, kiểm soát, điều tra, xử lý TNGT, kịp thời kiến nghị các cơ quan chức năng khắc phục, giải quyết các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” TNGT, bất hợp lý về hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông. Việc kiến nghị giải quyết phải rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đồng thời theo dõi và thu thập tài liệu, đề nghị xử lý những cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm, không kịp thời thực hiện các biện pháp khắc phục các kiến nghị để xảy ra TNGT có dấu hiệu tội phạm.

- Nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các phương án phân luồng, điều tiết giao thông, huy động lực lượng sẵn sàng phối hợp triển khai thực hiện, không để xảy ra ùn tắc giao thông tại các khu vực trung tâm và các tuyến đường ra, vào khu vực các cửa khẩu trên địa bàn.

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu về giao thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước; khai thác có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến trong công tác bảo đảm TTATGT; vận hành, khai thác an toàn hệ thống Camera giám sát phục vụ xử lý vi phạm về TTATGT.

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ gắn với hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, nhất là trong việc tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, điều tra giải quyết TNGT theo đúng các quy trình, quy định của pháp luật, giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong, văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sĩ, tạo chuyển biến rõ nét về hình ảnh người Cảnh sát giao thông bản lĩnh, nhân văn, thân thiện, v ì Nhân dân phục vụ. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, sai phạm.

2. Sở Giao thông vận tải

- Tham mưu UBND tỉnh trong công tác quy hoạch về hạ tầng giao thông đường bộ gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội địa phương; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tập trung các nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, các tuyến giao thông huyết mạch, các trục giao thông hướng tâm, đường cao tốc, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện an toàn giao thông đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông[2]; ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện cải tạo, xoá bỏ các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” TNGT trên các tuyến đường bộ, khắc phục các bất cập mất an toàn giao thông do yếu tố kết cấu hạ tầng và tổ chức giao thông. Tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng đầy đủ hệ thống bến bãi tại các khu vực cửa khẩu, trạm dừng nghỉ, các bến xe, điểm đỗ xe tĩnh theo quy hoạch bảo đảm đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài. Khuyến khích phát triển và nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, chuyển đổi sang các phương tiện giao thông xanh.

- Tập trung rà soát, đề xuất bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy định về cơ chế, chính sách trong công tác bảo đảm TTATGT đảm bảo phù hợp thực tiễn.

- Tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm, phạm vi quản lý của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, giữa tập thể và cá nhân trong công tác bảo đảm TTATGT.

- Tham mưu UBND tỉnh và Ban An toàn giao thông tỉnh chỉ đạo Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố tổ chức triển khai hiệu quả công tác an toàn giao thông từ cơ sở, gắn trách nhiệm của Ban An toàn giao thông cấp xã nếu công dân trên địa bàn gây TNGT từ mức độ nghiêm trọng trở lên.

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, bảo trì đường bộ; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên các tuyến đường bộ đang khai thác. Tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng và tình hình giao thông thực tế; quan tâm thực hiện thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông trong giai đoạn đầu tư xây dựng và trong quá trình khai thác đối với các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý; tăng cường bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình thi công xây dựng và trước khi đưa các tuyến đường vào khai thác; thực hiện nghiêm quy định về quản lý hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.

- Thường xuyên kiểm tra, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý nghiêm các hành vi vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; kịp thời phát hiện, có biện pháp cảnh báo, tổ chức khắc phục những bất cập về tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông khi phát hiện hoặc có kiến nghị của các cơ quan, tổ chức; xử lý nghiêm các đơn vị không khắc phục kịp thời, gây hậu quả TNGT.

- Chủ động phối hợp với Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cải tạo, nâng cấp, khắc phục các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” TNGT, bất hợp lý về hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông tuyến Quốc lộ 1; phối hợp UBND các huyện: Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc, Lộc Bình, thành phố Lạng Sơn và Công ty cổ phần đường sắt Hà Lạng đẩy mạnh triển khai xử lý các lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông, bảo đảm phương tiện tham gia giao thông phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật, người điều khiển phương tiện phải hiểu biết đầy đủ pháp luật, có đủ kỹ năng tham gia giao thông. Kiên quyết đình chỉ hoạt động kinh doanh vận tải đối với tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải và bảo đảm an toàn giao thông.

- Tăng cường quản lý hoạt động vận tải, dịch vụ vận tải hành khách, hàng hoá, kiểm tra xử lý vi phạm đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, vi phạm quy định về đón, trả khách trên đường bộ, chở quá số người quy định, chở khách hoạt động không đăng ký, điều khiển, lưu hành phương tiện quá khổ, quá tải. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT tại các doanh nghiệp vận tải, mỏ khai thác khoáng sản, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, các đầu mối bốc xếp hàng hóa, các bến xe, bãi đỗ xe tự phát, không được cấp phép.

- Phối hợp với lực lượng Công an kiểm tra xử lý các xe vi phạm chở quá số người quy định, chở khách hoạt động không đăng ký, điều khiển, lưu hành phương tiện quá khổ, quá tải; chia sẻ dữ liệu thiết bị giám sát hành trình xe ô tô, các trường hợp bị tước Giấy phép lái xe để phục vụ công tác quản lý, cấp lại Giấy phép lái xe đúng quy định.

- Siết chặt kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tiêu cực, sai phạm của cán bộ thực hiện nhiệm vụ.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc Kế hoạch phối hợp số 1086/KH-CAT-SGDĐT giữa Công an tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2022-2025.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, gắn với huấn luyện, hướng dẫn các kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên, giáo viên, người lao động. Đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy giáo dục an toàn giao thông, văn hoá giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn trong các cơ sở giáo dục đào tạo, mỗi học kỳ phải tổ chức ít nhất 01 buổi tuyên truyền pháp luật về giao thông. Tổ chức cho giáo viên, phụ huynh và học sinh, sinh viên ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông; phối hợp quản lý học sinh, sinh viên trong kỳ nghỉ hè; duy trì, nhân rộng mô hình công tác bảo đảm TTATGT khu vực trường học, trọng tâm là mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”. Tiếp tục đưa việc chấp hành pháp luật về TTATGT là một tiêu chí đánh giá đạo đức cuối năm của học sinh, sinh viên.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

Hướng dẫn, định hướng các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh tổ chức thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT, từng bước hình thành văn hóa giao thông trong toàn dân. Chú trọng tuyên truyền việc “đã uống rượu, bia - không lái xe”; cảnh báo các nguyên nhân chính gây TNGT, hậu quả của TNGT đối với người tham gia giao thông, với gia đình và xã hội; cảnh báo nguy hiểm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường đèo dốc, trơn trượt, điểm đấu nối với quốc lộ…; quy định của pháp luật về xử lý vi phạm giao thông, người giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông; gương người tốt, việc tốt, mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác bảo đảm TTATGT, phê phán các hành vi cố ý vi phạm TTATGT, ứng xử thiếu văn hóa khi tham gia giao thông nhằm xây dựng môi trường giao thông an toàn và thân thiện.

5. Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

Phát huy vai trò của cơ quan báo chí truyền thông; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, báo điện tử, tăng thời lượng đăng tải tin, bài tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông, kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông; mở chuyên mục tuyên truyền công tác bảo đảm TTATGT vào các khung giờ phù hợp, nội dung thiết thực để độc giả, khán giả dễ tiếp thu.

6. Sở Y tế

- Xây dựng lực lượng chuyên trách, các lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ bảo đảm cấp cứu TNGT theo quy định, đáp ứng trực cấp cứu 24/24h tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở y tế, bảo đảm bán kính phục vụ 50 km, cứu chữa kịp thời nạn nhân trong các vụ TNGT; xét nghiệm nồng độ cồn, ma túy đối với người điều khiển phương tiện giao thông trong các vụ TNGT khi có yêu cầu.

- Xây dựng đề xuất kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn thực hành cấp cứu cơ bản đối với nhân viên y tế các cơ sở khám, chữa bệnh, Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông, nhân viên Hội Chữ thập đỏ, các tình nguyện viên và người dân sống dọc các tuyến đường Quốc lộ 1, 1B, 4A, 4B.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe đối với người thi cấp Giấy phép lái xe, siết chặt quản lý, phòng ngừa, xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.

7. Sở Nội vụ

- Nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh quy định cụ thể nội dung cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước vi phạm TTATGT vào các tiêu chí để đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân, đồng thời kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị có cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động vi phạm TTATGT.

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan đề xuất bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy định về cơ chế, chính sách trong công tác bảo đảm TTATGT phù hợp với thực tiễn; phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm, phạm vi quản lý của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, giữa tập thể và cá nhân trong công tác bảo đảm TTATGT.

- Tổ chức thông tin tuyên truyền, phổ biến, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ chấp hành nghiêm chính sách pháp luật về TTATGT. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thẩm định, đề xuất biểu dương, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức, triển khai, thực hiện Kế hoạch này tại các Hội nghị sơ kết, tổng kết.

8. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách huy động, sử dụng các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bến bãi tại các khu vực cửa khẩu, trạm dừng nghỉ, các bến xe, điểm đỗ xe tĩnh theo quy hoạch.

- Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải cân đối, tham mưu xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công thực hiện dự án đầu tư lắp đặt hệ thống giám sát giao thông và xây dựng Trung tâm quản lý điều hành giao thông của tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư công và quy định hiện hành nhằm phục vụ công tác bảo đảm TTATGT theo quy định.

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải và cơ quan liên quan xem xét ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện cải tạo, xoá bỏ các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” TNGT trên các tuyến đường bộ, khắc phục các bất cập mất an toàn giao thông do yếu tố kết cấu hạ tầng và tổ chức giao thông, xử lý các lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

9. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ Kế hoạch theo quy định của pháp luật.

10. UBND các huyện, thành phố

- Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT, kéo giảm TNGT một cách bền vững, năm sau giảm hơn năm trước và hạn chế ùn tắc giao thông. Tăng cường công tác quản lý của chính quyền trong kiểm tra, đôn đốc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm TTATGT.

- Quán triệt đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân thuộc đơn vị, địa phương tự giác, gương mẫu chấp hành các quy định về bảo đảm TTATGT, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; thực hiện nghiêm quy định “đã uống rượu, bia - không điều khiển phương tiện giao thông”, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, phòng ngừa tiêu cực, sai phạm; nghiêm cấm can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng thực thi công vụ.

- Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, gắn với xây dựng “Văn hóa giao thông” vào nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước khác. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT với nội dung thiết thực, hình thức phong phú, phù hợp địa bàn, đối tượng, chú trọng phát huy hiệu quả tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh ở cơ sở. Tập trung tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, các quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang ATGT, các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNGT, hậu quả pháp lý khi vi phạm TTATGT.

- Chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường, huy động Công an cấp xã tham gia kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về ATGT, tập trung phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng như: vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý, chạy quá tốc độ quy định, tránh, vượt sai quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe máy. Đặc biệt chỉ đạo quyết liệt, có kế hoạch cụ thể bố trí lực lượng kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn; chỉ đạo xác minh, thông báo các trường hợp vi phạm TTATGT để đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân, đồng thời kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị có cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động vi phạm TTATGT.

- Đẩy mạnh triển khai xử lý các lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt; xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; xoá bỏ các chợ cóc, chợ tạm, chấm dứt tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán, làm ảnh hưởng đến tình hình TTATGT.

- Quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trên địa bàn quản lý trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT để có biện pháp kiểm điểm, xử lý nghiêm nếu thiếu trách nhiệm để tình hình TTATGT diễn biến phức tạp. Đối với tất cả các vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, Chủ tịch UBND cấp huyện phải chỉ đạo khắc phục ngay hậu quả. Đối với địa bàn xảy ra TNGT mà nguyên nhân do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND cấp huyện phải trực tiếp chỉ đạo Ban An toàn giao thông cấp huyện, lực lượng Công an, các đơn vị liên quan tổ chức phân tích, đánh giá, xác định nguyên nhân, đề xuất các biện pháp phòng ngừa. Công dân trên địa bàn cấp xã gây TNGT từ rất nghiêm trọng trở lên do vi phạm nồng độ cồn, Ban An toàn giao thông cấp xã phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, đề ra các biện pháp tuyên truyền, phòng ngừa tai nạn.

- Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, chất lượng và bảo đảm TTATGT tại các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ được giao trên địa bàn, Đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ kinh phí trang bị phương tiện cho lực lượng chuyên trách bảo đảm TTATGT.

- Chỉ đạo UBND cấp xã:

+ Tăng cường quán triệt, tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của địa phương tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về TTATGT, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia;

+ Phát huy vai trò của người có uy tín, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng dân phố, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc trong tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm quy định pháp luật về giao thông, nhất là “đã uống rượu, bia - không điều khiển phương tiện tham gia giao thông”;

+ Chỉ đạo triển khai xây dựng các mô hình tự quản về TTATGT như: đoạn đường tự quản, khu phố an toàn giao thông...;

+ Quyết định thành lập và chỉ đạo tổ chức thực hiện mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”;

+ Tăng cường công tác nắm tình hình, xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán, làm ảnh hưởng đến tình hình TTATGT; phát hiện, báo cáo đề xuất UBND cấp huyện chỉ đạo xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm TTATGT, khắc phục, xử lý các nguy hiểm về TTATGT.

11. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các ban, sở, ngành liên quan

Thường xuyên phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, chiến sỹ gương mẫu chấp hành pháp luật về TTATGT, đặc biệt không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia. Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị, quản lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng các quy định của Đảng, Nhà nước, cơ quan, đơn vị, đồng thời xem xét trách nhiệm đối với thủ trưởng đơn vị, lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp quản lý cán bộ, đảng viên. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng. Cán bộ, đảng viên phải nêu cao trách nhiệm trong công tác, tích cực tham gia bảo đảm TTATGT, vận động người thân, gia đình và Nhân dân thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm TTATGT.

12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh

Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; nhấn mạnh yêu cầu tham gia bảo đảm TTATGT, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên. Đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT vào sinh hoạt định kỳ, trong đó cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác, gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT.

Chủ động phối hợp với chính quyền cơ sở, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật TTATGT; vận động Nhân dân tích cực phê phán, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật TTATGT; kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, vận động với giám sát việc thi hành pháp luật về TTATGT; phản biện xã hội đối với các chủ trương đầu tư làm phát sinh gia tăng nhu cầu giao thông lớn.

13. Đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng (cấp tỉnh, cấp huyện)

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân phối hợp chặt chẽ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ TNGT, nhất là những vụ TNGT do người có nồng độ cồn điều khiển phương tiện gây tai nạn, người giao phương tiện cho người khác không đủ điều kiện tham gia giao thông; tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác bảo đảm TTATGT…; xác định các vụ án điểm, án áp dụng thủ tục rút gọn để tổ chức xét xử lưu động, góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, Nghị quyết số 149/NQ-CP và Kế hoạch này để tổ chức thực hiện có hiệu quả (hoàn thành trước ngày 15/6/2024); đề nghị Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này. Định kỳ hằng năm, các cơ quan, đơn vị báo cáo UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) kết quả thực hiện trước ngày 05/11.

2. Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện; tham mưu UBND tỉnh báo cáo định kỳ hằng năm (trước ngày 15/11) hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu; tổ chức sơ kết 05 năm, tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 23- CT/TW, Nghị quyết số 149/NQ-CP và Kế hoạch này; đề xuất biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; nghiêm túc phê bình, xử lý các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm để tình hình TTATGT phức tạp thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý./.

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban ATGT Quốc gia;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn;
- Công ty CP đường sắt Hà Lạng;
- UBND các huyện, thành phố;
- C, PCVP UBND tỉnh, các phòng CM,
Trung tâm Thông tin;
- Lưu: VT, KT(CVĐ).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Hồ Tiến Thiệu



[1] - Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới;

- Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.

[2] Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng; Dự án nâng cấp đoạn Km18 - Km80, Quốc lộ 4B; Dự án đường giao thông kết nối Quốc lộ 4B đến Quốc lộ 18; Phối hợp triển khai Dự án xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng); ...

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 125/KH-UBND ngày 31/05/2024 thực hiện Nghị quyết 149/NQ-CP và Chương trình hành động 116-CTr/TU thực hiện Chỉ thị 23-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới do tỉnh Lạng Sơn ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


193

DMCA.com Protection Status
IP: 18.226.200.180
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!