BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI
CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM
*****
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******
|
Số:
231/ĐK
|
Hà
Nội, ngày 23 tháng 03 năm 2005
|
HƯỚNG DẪN
THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 15/2005/QĐ-BGTVT NGÀY 15/02/2005 VỀ VIỆC
CẢI TẠO PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ
Để triển khai thực hiện Quyết định
số 15/2005/QĐ-BGTVT (sau đây gọi là QĐ15) ngày 15/02/2005 của Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải (có hiệu lực từ ngày 08/03/2005), sau khi báo cáo lãnh đạo Bộ
Giao thông vận tải, căn cứ vào tình hình thực tế về công tác cải tạo xe cơ giới
và nhiệm vụ được giao, Cục Đăng kiểm Việt Nam hướng dẫn và làm rõ thêm một số
điều trong Quy định về việc cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ ban
hành kèm theo QĐ 15 cụ thể như sau:
1- Một số điểm
về quy định chung
Xe cơ giới cải tạo phải đảm bảo
các tiêu chuẩn TCVN 6211:2003 ; 22TCN302-02; 22TCN307-03 và các quy định hiện
hành.
1.1 Điểm đ, e Mục 1.2 của QĐ15
Khi cải tạo, thay đổi hệ thống,
tổng thành bằng hệ thống, tổng thành khác nhãn hiệu nhưng có thông số kỹ thuật
tương đương phải đảm bảo:
a - Động cơ thay thế phải được
tính toán, thiết kế phù hợp với khả năng động lực học, độ bền và khả năng làm
việc của hệ thống truyền động của phương tiện. Động cơ thay thế phải có công suất
lớn nhất, số vòng quay lớn nhất, mô men xoắn lớn nhất thay đổi giảm không quá
10%, thay đổi tăng không quá 15%.
b - Hộp số có cùng số lượng cấp
số và tỷ số truyền ở mỗi cấp số thay đổi tăng hoặc giảm không quá 5%.
c - Cầu chủ động có vết bánh xe
(chiều rộng cơ sở) kích thước lắp nhíp và tỷ số truyền của truyền lực chính
thay đổi tăng hoặc giảm không quá 5%.
d - Các hệ thống tổng thành khác
có cùng nguyên lý làm việc, cùng kích thước cơ bản, có thể lắp lẫn, thay thế được
hệ thống tổng thành nguyên thuỷ.
1.2 Mục 1.3 của QĐ15
a - Việc cải tạo, thay đổi một hệ
thống, tổng thành nếu dẫn đến việc ảnh hưởng tới đặc tính làm việc của các hệ
thống, tổng thành có liên quan khác thì phải được xem xét, tính toán cụ thể và
phải được coi là cải tạo cả hệ thống, tổng thành có liên quan.
Ví dụ:
Khi cải tạo thay đổi cầu dẫn hướng,
nếu dẫn tới việc thay đổi hình thang lái hoặc các góc đặt bánh xe dẫn hướng thì
việc cải tạo này được coi là cải tạo cả hệ thống chuyển động và hệ thống lái.
b – Theo điểm đ khoản 1 điều 48
Luật Giao thông đường bộ, xe cơ giới được phép tham gia giao thông phải đảm bảo
“có bánh lốp đúng kích cỡ và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại xe” được hiểu
là không được cải tạo bánh lốp khác với tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại xe.
c – Số lượng các hệ thống, tổng
thành được cải tạo quy định tại mục này được hiểu là trong suốt quá trình sử dụng
của phương tiện, mỗi xe cơ giới chỉ được cải tạo, thay đổi một trong hai tổng
thành chính là động cơ hoặc khung và không quá ba trong sáu hệ thống, tổng
thành đã nêu tại mục 1.3 của QĐ 15.
1.3. Mục 1.3 của QĐ15
Cải tạo các Hệ thống truyền lực,
hệ thống chuyển động, hệ thống treo, hệ thống phanh, hệ thống lái, hệ thống
nhiên liệu được hiểu như sau:
a - Cải tạo hệ thống truyền lực:
Là cải tạo, thay đổi toàn bộ hệ thống hoặc cải tạo thay đổi Hộp số hay Cầu chủ
động.
b - Cải tạo hệ thống chuyển động:
Là cải tạo, thay đổi toàn bộ hệ thống hoặc cải tạo thay đổi cầu bị động (cầu
không chủ động, cầu dẫn hướng).
c - Cải tạo hệ thống treo:
- Đối với hệ thống treo phụ thuộc
(hệ thống treo nhíp):
Là cải tạo, thay đổi toàn bộ hệ
thống hoặc thay đổi số lượng lá nhíp, kích thước lá nhíp chính.
- Đối với Hệ thống treo độc lập
(hệ thống treo lò xo):
Là cải tạo, thay đổi toàn bộ hệ
thống hoặc thay các lò xo trụ, lò xo đàn hồi, lò xo túi khí.
d - Cải tạo hệ thống phanh
- Hệ thống phanh hơi (phanh khí
nén): Là cải tạo, thay đổi toàn bộ hệ thống hoặc 2 trong các thành phần: Tổng
van phanh, Bầu phanh, Cơ cấu phanh, Bộ điều hoà lực phanh, Bộ chống hãm cứng
bánh xe.
- Hệ thống phanh dầu (phanh thuỷ
lực): Là cải tạo, thay đổi toàn bộ hệ thống hoặc 2 trong các thành phần: Xy
lanh phanh chính, Xy lanh phanh bánh xe, Cơ cấu phanh. Bộ trợ lực phanh, Bộ điều
hoà lực phanh, Bộ chống hãm cứng bánh xe.
- Hệ thống phanh khí nén - thuỷ
lực: Là cải tạo, thay đổi toàn bộ hệ thống hoặc 2 trong các thành phần: Tổng
van phanh, Bầu phanh, Xy lanh tác động khí nén, Xy lanh phanh chính thuỷ lực,
Xy lanh phanh bánh xe, Cơ cấu phanh, Bộ điều hoà lực phanh, Bộ chống hãm cứng
bánh xe.
- Hệ thống phanh đỗ: Là cải tạo,
thay đổi toàn bộ hệ thống hoặc thay đổi nguyên lý làm việc của hệ thống phanh đỗ
e - Cải tạo Hệ thống lái: Là cải
tạo, thay đổi toàn bộ hệ thống hoặc cải tạo, thay đổi cơ cấu lái, hình thang
lái, bộ trợ lực lái.
g - Cải tạo Hệ thống nhiên liệu:
Là cải tạo, thay đổi loại nhiên liệu sử dụng.
h - Thay đổi cầu (cầu chủ động –
cụm cầu chủ động hoặc cầu bị động): Chỉ cho phép thay đổi một cầu hoặc cụm cầu.
I - Thay đổi buồng lái, thân xe
hoặc thùng hàng, thùng tự đổ: Được hiểu là không làm thay đổi tính năng sử dụng
nguyên thuỷ của phương tiện (không thay đổi loại ôtô).
1.4 Mục 1.4 của QĐ15
Trọng lượng toàn bộ cho phép lớn
nhất theo quy định của nhà sản xuất được hiểu là trọng lượng toàn bộ tương ứng
với tải trọng lớn nhất (với xe tải) hoặc tương ứng với phương án bố trí số chỗ
ngồi lớn nhất (với xe khách) do nhà sản xuất quy định, đồng thời phải đảm bảo
các tiêu chuẩn 22TCN 302-02 và 22TCN 307-03.
1.5 Mục 1.5 của QĐ15
a - Thời gian sử dụng của xe cơ
giới được tính bắt đầu từ năm sản xuất.
b - Ôtô chuyên dùng là các loại
xe được quy định tại TCVN6211:2003 , đồng thời phải tuân theo các quy định hiện
hành của Chính phủ.
2- Một số điểm
về thiết kế và thẩm định thiết kế
Cơ sở thiết kế phải chịu trách
nhiệm về nội dung thiết kế
2.1 Mục 2.1 của QĐ 15:
Đơn vị thiết kế là đơn vị có tư
cách pháp nhân, có đăng ký kinh doanh dịch vụ thiết kế phương tiện vận tải, có
đủ chứng chỉ hành nghề thiết kế phương tiện vận tải tương ứng theo hướng dẫn của
Bộ Giao thông vận tải.
2.2 Mục 2.3 của QĐ 15:
a- Các thủ tục cải tạo xe cơ giới
quá khổ đã có biển số đăng ký và đang tham gia giao thông thực hiện theo phân cấp
tại QĐ 15, trường hợp các thiết kế cải tạo có kết cấu đặc biệt hoặc vượt quá
kích thước bao nguyên thủy của phương tiện thì Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ thẩm định
thiết kế và nghiệm thu các sản phẩm cải tạo này.
b - Sở GTVT, GTCC chỉ thẩm định
các thiết kế cải tạo được quy định tại Điểm c Mục 2.3 của QĐ 15.
c - Các Sở GTVT, GTCC phải gửi
báo cáo nhân sự Cơ quan thẩm định thiêt kế thuộc Sở đúng theo quy định tại Điểm
d Mục 2.3 của QĐ 15 và phải thông báo ngay bằng văn bản mọi thay đổi về nhân sự
(nếu có) về Cục Đăng kiểm Việt Nam.
d - Tờ trình thẩm định thiết kế
xe cơ giới cải tạo theo mẫu phụ lục 1, Giấy chúng nhận thẩm định thiết kế xe cơ
giới cải tạo theo mẫu phụ lục 2.
e - Thời hạn của Giấy chứng nhận
thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo là 24 tháng. Giấy chứng nhận thẩm định
thiết kế xe cơ giới cải tạo sẽ không còn hiệu lực khi không phù hợp với các nội
dung có liên quan đến thay đổi tiêu chuẩn hoặc các quy định hiện hành.
3- Một số điểm
về Kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường
Việc kiểm tra chất lượng, an
toàn kỹ thuật xe cơ giới cải tạo cần sử dụng các thiết bị kiểm tra chuyên dùng
tại các đơn vị Đăng kiểm xe cơ giới tại địa phương.
3.1 Cục Đăng kiểm Việt Nam giao
cho Phòng Kiểm định Xe cơ giới (VAR) tổ chức thực hiện việc kiểm tra chất lượng,
an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các xe cơ giới cải tạo tại điểm b, mục
2.3 QĐ 15
Trong quá trình kiểm tra, cơ sở
thi công sản phẩm phải có trách nhiệm báo cáo về quá trình thi công cải tạo xe
cơ giới
3.2 Thành phần tham gia kiểm tra
chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các xe cơ giới cải tạo tại điểm
c, d, mục 2.3 QĐ 15 gồm:
- Thường trực công tác cải tạo
do Sở GTVT, GTCC chỉ định
- Đại diện Đơn vị Đăng kiểm tại
địa phương (Lãnh đạo đơn vị hoặc đăng kiểm viên hạng II)
Trong quá trình kiểm tra, cơ sở
thi công sản phẩm phải có trách nhiệm báo cáo về quá trình thi công cải tạo xe
cơ giới
3.3 Cơ quan kiểm tra chất lượng
các cấp chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng nghiệm thu thuộc phạm vi
trách nhiệm của mình.
3.4 Các thiết kế cải tạo đã được
thẩm định được phép sử dụng cho các trường hợp cải tạo xe cùng chủng loại khi:
- Văn bản thẩm định thiết kế xe
cơ giới cải tạo còn hiệu lực
- Được sự đồng ý bằng văn bản của
đơn vị thiết kế.
3.5 Thời hạn của biên bản kiểm
tra chất lượng, an toàn kỹ thuật xe cơ giới cải tạo được tính từ ngày kiểm tra,
nghiệm thu sản phẩm đầu tiên đến hết thời hạn của Giấy chứng nhận thẩm định thiết
kế xe cơ giới cải tạo nêu tại điểm e, mục 2.2.
3.6 Biên bản nghiêm thu xuất xưởng
xe cơ giới cải tạo theo mẫu phụ lục 3, Biên bản kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ
thuật xe cơ giới cải tạo theo mẫu phụ lục 4, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật
và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo theo mẫu phụ lục 5, 6
3.7 Giấy chứng nhận an toàn kỹ
thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo:
a - Giấy chứng nhận an toàn kỹ
thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo có giá trị để làm thủ tục đăng ký
biển số và kiểm định trên toàn quốc.
b - Phôi Giấy chứng nhận an toàn
kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo có các đặc điểm chống làm giả
sẽ được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp thống nhất trên cả nước để tạo điều kiện thuận
lợi cho công tác quản lý tại các đơn vị trong và ngoài ngành (như các đơn vị
Đăng kiểm XCG, các đơn vị CSGT trên cả nước ..).
c - Giấy chứng nhận an toàn kỹ
thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo gồm 03 liên:
- Liên 1: Dùng cho đăng ký biển
số
- Liên 2: Dùng cho kiểm định
- Liên 3: Lưu trữ Sở GTVT/GTCC hoặc
Cục ĐKVN (phòng Kiểm định Xe cơ giới) theo phân cấp
d - Các Sở GTVT, GTCC theo nhu cầu
số lượng xe cơ giới cải tạo tại địa phương, định kỳ 3 hoặc 6 tháng gửi Phiếu
yêu cầu cấp phôi Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới
cải tạo (theo phụ lục 7) về Phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam
và có trách nhiệm thanh toán tiền in phôi Giấy chứng nhận sau khi nhận đủ số lượng
phôi Giấy chứng nhận.
e - Cơ quan kiểm tra chất lượng
của Sở GTVT, GTCC có trách nhiệm quản lý chặt chẽ phôi Giấy chứng nhận an toàn
kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo được cấp, chỉ sử dụng các sêri
cấp cho đơn vị mình và định kỳ báo cáo về Cục Đăng kiểm Việt Nam theo quy định
(theo phụ lục 8).
g - Các Giấy chứng nhận an toàn
kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo in hỏng phải được lưu lại và
chỉ được huỷ bỏ khi đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra và lập biên bản huỷ.
4- Một số điểm
về thi công cải tạo
Khi đã được Cơ quan kiểm tra chất
lượng uỷ quyền cho phép tự nghiệm thu các sản phẩm tiếp theo, cơ sở sản xuất phải
thi công sản phẩm theo đúng thiết kế đã được thẩm định, trong trường hợp có
thay đổi sai khác so với thiết kế cần phải được sự đồng ý của cơ quan thẩm định
thiết kế.
5- Một số điểm
về tổ chức thực hiện
5.1 Mục 5.1 của QĐ 15:Cục Đăng
kiểm Việt Nam có trách nhiệm thanh, kiểm tra định kỳ và đột xuất công tác cải tạo
xe cơ giới đối với các Sở GTVT, GTCC gồm các nội dung chủ yếu sau:
a - Nhân sự Cơ quan thẩm định
thiết kế theo quy định
b – Công tác thẩm định các thiết
kế xe cơ giới cải tạo đúng theo phân cấp, chất lượng thẩm định các thiết kế cải
tạo
c - Kiểm tra chất lượng, an toàn
kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo theo quy định.
b - Quản lý hồ sơ và Phôi giấy
chứng nhận.
5.2 Mục 5.2 của QĐ 15:
a - Thiết kế đã được thẩm định
theo quyết định 1362/2000/QĐ-BGTVT ngày 29/05/2000 không trái với quyết định
1280/2002/QĐ-BGTVT ngày 26/05/2002 và QĐ 15 được gia hạn thực hiện theo thời hạn
đã quy định ghi trong văn bản thẩm định nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày QĐ
15 có hiệu lực, nếu giấy chứng nhận thẩm định thiết kế không ghi thời hạn thì
được thực hiện không quá 6 tháng kể từ ngày QĐ 15 có hiệu lực.
b - Biên bản kiểm tra chất lượng,
an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo được lập theo quyết định
1362/2000/QĐ-BGTVT ngày 29/05/2000 không trái với quyết định 1280/2002/QĐ-BGTVT
ngày 26/05/2002 và QĐ 15 được gia hạn thực hiện theo thời hạn đã quy định ghi
trong Biên bản kiểm tra nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày QĐ 15 có hiệu lực,
nếu trên Biên bản kiểm tra không ghi thời hạn thì được thực hiện không quá 6
tháng kể từ ngày QĐ 15 có hiệu lực.
d - Các sản phẩm quy định tại mục
này được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải
tạo theo mẫu phôi tại phụ lục 5, 6 của hướng dẫn này. Ngày bắt đầu sử dụng mẫu
phôi này sẽ được Cục Đăng kiểm Việt Nam thông báo cụ thể bằng văn bản.
5.3 Mục 5.3 của
QĐ 15:
a - Các Sở GTVT, GTCC có trách
nhiệm tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện công tác thẩm định thiết kế và kiểm
tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo theo mẫu
tại phụ lục 8.
b - Các đơn vị đăng kiểm xe cơ
giới báo cáo tình hình kiểm định xe cơ giới cải tạo theo mẫu tại phụ lục 9.
6- Cơ quan
và địa điểm tiếp nhận hồ sơ cải tạo phương tiện cơ giới đường bộ
6.1 Đối với các thiết kế do Cục
Đăng kiểm Việt Nam thẩm định
- Cơ quan tiếp nhận hồ sơ:
Phòng Kiểm định Xe cơ giới (VAR)
- Cục Đăng kiểm Việt Nam
- Địa điểm tiếp nhận hồ sơ:
+ Khu vực phía Bắc: 18 Phạm
Hùng, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội
+ Khu vực phía Nam: 160 Nam kỳ
khởi nghĩa, P.6, Q.3, TP. Hồ Chí Minh
6.2 Đối với các thiết kế do Sở
GTVT, GTCC thẩm định
- Cơ quan và địa điểm tiếp nhận
hồ sơ:
Tại các Sở GTVT, GTCC các tỉnh,
thành phố.