ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
20/2011/CT-UBND
|
TP.
Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 5 năm 2011
|
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, KIỂM SOÁT BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN
GIAO THÔNG, PHÒNG CHỐNG TAI NẠN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Từ đầu năm
2011 đến nay, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố đã có
chiều hướng xấu đi, tai nạn giao thông diễn ra rất phức tạp; so với cùng kỳ năm
trước tăng 02 vụ, tăng 73 người bị thương; đặc biệt tai nạn giao thông xảy ra
nghiêm trọng trên cả đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Để kịp thời khắc
phục tình hình, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở - ngành, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện khẩn trương triển khai thực hiện một số nhiệm
vụ trọng tâm sau:
I. TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC NHẰM NÂNG CAO Ý
THỨC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT GIAO THÔNG, VẬN ĐỘNG NHÂN DÂN THỰC HIỆN VĂN HÓA GIAO
THÔNG KHI THAM GIA GIAO THÔNG
1. Ban An
toàn giao thông thành phố chủ trì phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
thành phố và các đoàn thể thành viên, các sở - ngành thành phố, các quận - huyện:
- Xây dựng nội
dung và kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục về pháp luật giao thông (Luật
Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa, các quy định về bảo vệ
hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, hành lang sông, kênh, rạch…)
cho phù hợp với từng đối tượng (cán bộ công chức, viên chức, công nhân, nhân
dân lao động, sinh viên, học sinh, từng khu dân cư, hộ gia đình).
- Xây dựng kế
hoạch thực hiện Nghị quyết của Liên Hiệp quốc về “Thập kỷ hành động vì an toàn
giao thông đường bộ”, hưởng ứng tích cực “Tuần lễ An toàn giao thông toàn cầu”
và “Ngày tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông”.
- Chủ trì, phối
hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản
lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp và Ủy ban nhân dân các quận - huyện để tổ chức
tổng kết tình hình thực hiện học tập, làm việc lệch ca, lệch giờ; đề xuất các
biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới; báo cáo cho Ủy
ban nhân dân thành phố chậm nhất trong tháng 7 năm 2011.
- Phối hợp với
Công an thành phố báo cáo kết quả thực hiện thí điểm việc kết hợp xử lý hành
chính với giáo dục pháp luật giao thông đối với người vi phạm pháp luật giao
thông.
2. Sở Giao
thông vận tải:
- Tiếp tục phối
hợp với Đài Tiếng nói nhân dân thành phố (VOH) và các cơ quan thông tấn, báo
chí tăng cường thông tin về phương án tổ chức phân luồng, điều chỉnh giao
thông, về tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố (đặc biệt vào giờ
cao điểm).
- Phối hợp với
Ban An toàn giao thông thành phố và các Hiệp hội vận tải biên soạn sổ tay thực hiện
tiết kiệm nhiên liệu và chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, xây dựng ý
thức và hành vi văn hóa giao thông khi đi đường phổ biến đến từng đơn vị, hợp
tác xã và xã viên trong hoạt động vận tải, đặc biệt đội ngũ lái xe taxi, xe
buýt, xe tải nặng, xe container, phụ xe, nhân viên phục vụ trên xe.
- Tổng kiểm
tra các biển báo giao thông hiện có trên địa bàn thành phố, sửa chữa, điều chỉnh
cho phù hợp quy định, hoàn tất trong tháng 6 năm 2011; lắp đặt bổ sung hoàn thiện
toàn bộ hệ thống biển báo này trong năm 2011.
3. Ủy ban
nhân dân các quận - huyện:
Tăng cường
công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về pháp luật giao thông cho cán bộ,
công chức, viên chức và nhân dân lao động trên địa bàn; lồng ghép nội dung
tuyên truyền giáo dục về pháp luật giao thông trong các buổi sinh hoạt ở cơ
quan, đơn vị, khu phố, tổ dân phố...; ít nhất một tháng một lần. Nêu cao tính
gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang,
trách nhiệm của đoàn viên, hội viên, sinh viên, học sinh trong việc chấp hành
và vận động gia đình, người thân chấp hành nghiêm pháp luật giao thông.
4. Đề nghị
Thành Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh:
Chủ trì, phối
hợp Ban An toàn giao thông, Ủy ban nhân dân quận - huyện và các cơ quan liên
quan thường xuyên phát động phong trào xây dựng ý thức chấp hành pháp luật giao
thông trong đoàn viên, sinh viên, học sinh trung học phổ thông, thanh niên công
nhân và thanh niên nông thôn thông qua những hoạt động hội thi, hội trại, chiến
dịch “Mùa hè xanh”, hưởng ứng “Tháng An toàn giao thông”.
II. TĂNG CƯỜNG TUẦN TRA, KIỂM TRA XỬ PHẠT CÁC HÀNH VI VI PHẠM
HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC AN TOÀN GIAO THÔNG
1. Công an
thành phố:
- Tăng cường
hoạt động tuần tra xử lý, nhất là trên các tuyến đường; thực hiện các biện pháp
ngăn chặn hữu hiệu tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, chạy xe lạng lách, đánh
võng, tổ chức vây bắt và xử lý nghiêm đối với các đối tượng và phương tiện vi
phạm. Tăng cường lực lượng làm nhiệm vụ điều hòa giao thông khép kín trong
ngày và vào giờ cao điểm tại các giao lộ, các khu vực thường xảy ra ùn tắc
giao thông, nhất là khu vực cửa ngõ Đông Bắc thành phố.
- Tổ chức kiểm
tra xử phạt đối với lái xe điều khiển đầu kéo sơ mi rơ moóc không có Giấy phép
lái xe hạng FC theo quy định tại Công văn số 1170/TTg-KTN ngày 13 tháng 7 năm
2010 của Thủ tướng Chính phủ.
- Phối hợp với
Đoàn Kiểm tra Nghị định số 14/CP, Nghị định số 09/CP tăng cường khảo sát, kiểm
tra đề xuất những biện pháp xử lý kịp thời khi tai nạn giao thông và ùn tắc
giao thông có hiện tượng tăng cao trên các tuyến đường trọng điểm; và kiểm tra
trên các tuyến thủy nội địa thành phố.
2. Sở Giao
thông vận tải:
- Chủ trì, phối
hợp các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải, Thường trực Ban An toàn
giao thông thành phố, Công an thành phố và Ủy ban nhân dân các quận - huyện có
đường thủy nội địa tổ chức tổng kiểm tra toàn bộ các bến thủy nội địa, bến
khách ngang sông, các loại phương tiện thủy đang hoạt động, các thuyền trưởng,
tài công đang hành nghề theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải).
- Chỉ đạo Tổ
Kiểm tra liên ngành được thành lập theo Quyết định số 5912/QĐ-UBND ngày 28
tháng 12 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố tăng cường công tác kiểm tra xử
lý những vi phạm trong lĩnh vực quản lý công trình hạ tầng đô thị trên địa bàn
thành phố.
- Phối hợp
chặt chẽ với Phòng Cảnh sát Giao thông đường sắt - đường bộ Công an thành phố
và Công an các quận - huyện tăng cường kiểm tra xử lý những “xe dù, bến
cóc”, giải tỏa các hoạt động buôn bán, làm dịch vụ lấn chiếm trái phép
lòng lề đường; xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, nhất là trên các tuyến
xa lộ Hà Nội, các quốc lộ, Liên Tỉnh lộ 25B.
- Chỉ đạo
tăng cường kiểm tra, duy tu sửa chữa các công trình hạ tầng giao thông trên địa
bàn. Kiên quyết xử phạt nghiêm đối với các đơn vị chậm trễ tiến độ tái lập mặt
đường; không cử người điều tiết, hướng dẫn giao thông; không thực hiện đầy đủ
các biển báo hiệu về an toàn giao thông tại công trình theo quy định.
III. CHẤN CHỈNH TRẬT TỰ ĐÔ THỊ VÀ LẬP LẠI TRẬT TỰ LÒNG LỀ ĐƯỜNG
1. Ban An
toàn giao thông thành phố:
- Tăng cường
công tác khảo sát, tổ chức lại giao thông trên các tuyến đường trọng điểm, các
tuyến quốc lộ thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; lập
hồ sơ xử lý khắc phục nhanh các “điểm đen” về tai nạn giao thông và ùn tắc giao
thông.
- Kiện toàn tổ
chức hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành (Đoàn 14/CP và Đoàn 09/CP);
nghiên cứu soạn thảo, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy chế hoạt
động của mỗi đoàn.
- Phối hợp Sở
Giao thông vận tải tiếp tục rà soát, phát hiện, xử lý điều chỉnh, khắc phục
ngay những bất cập của hệ thống trạm dừng, nhà chờ xe buýt có nguy cơ dẫn đến
tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, trước hết trên
các tuyến đường trọng điểm, các quốc lộ.
2. Sở Tài
nguyên và Môi trường:
Chỉ đạo Công
ty Môi trường đô thị thành phố rà soát, tổ chức lại các bãi tập kết, trung chuyển
rác và thời gian thu gom, vận chuyển rác cho phù hợp để hạn chế lưu thông xe chở
rác trong các giờ cao điểm; không bố trí các điểm thu gom rác quá gần nhà chờ,
trạm dừng xe buýt để giữ gìn an toàn vệ sinh môi trường và phòng tránh ùn tắc
giao thông.
3. Sở Giáo dục
và Đào tạo:
- Tiếp tục kiểm
tra, chỉ đạo các trường học tổ chức, sắp xếp mở cửa cho phụ huynh vào
trong sân trường khi đưa đón con em đi học; nơi nào không có sân bãi, phối
hợp với Ủy ban nhân dân các địa phương khảo sát tìm nơi lân cận nhà trường,
tổ chức làm chỗ đưa đón con em, tuyệt đối không để phụ huynh đậu xe
dưới lòng đường gây cản trở giao thông. Đẩy mạnh vận động phụ huynh và tất cả
học sinh (kể cả học sinh mẫu giáo, tiểu học) thực hiện đội mũ bảo hiểm khi ngồi
trên mô tô, xe máy, xe đạp điện tham gia giao thông.
- Tổng hợp,
báo cáo tình hình và kết quả thực hiện thí điểm chương trình giáo dục pháp luật
về trật tự an toàn giao thông cho học sinh các cấp trong thời gian qua và đề xuất
kế hoạch tổ chức công tác này trong năm học 2011 - 2012.
- Phối hợp với
Công an thành phố tăng cường ngăn chặn và xử lý nghiêm những học sinh vi phạm
các quy định về trật tự an toàn giao thông, nhất là vào các giờ đến trường và
giờ tan trường.
5. Ủy ban
nhân dân các quận - huyện:
- Phối hợp với
Sở Giao thông vận tải để thực hiện nghiêm Quyết định số 74/2008/QĐ-UBND ngày 23
tháng 11 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố về quản lý sử dụng lòng đường,
vỉa hè trên địa bàn thành phố.
- Tăng cường
lực lượng tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy tắc an
toàn giao thông; không để xảy ra tình trạng tụ tập đua xe trái phép; có biện
pháp phòng ngừa hữu hiệu và xử lý, giải tán nhanh các hành vi tụ tập nhiều xe gắn
máy, điều khiển phương tiện chạy lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng.
- Chủ động điều
phối lực lượng Công an và lực lượng dân quân tự vệ địa phương để tăng cường,
thường xuyên có mặt tại các công trình thi công có rào chắn chiếm dụng mặt đường,
chủ động giải tỏa kịp thời các sự cố có thể dẫn đến ùn tắc giao thông.
- Tập trung
xóa bỏ các điểm sửa xe, vá xe ô tô dọc tuyến Đại lộ Võ Văn Kiệt, đoạn từ đường
Lương Định Của đến Xa lộ Hà Nội; giải quyết dứt điểm tình trạng buôn bán lấn
chiếm trái phép lòng, lề đường tại các khu vực Khu Du lịch Suối Tiên, khu vực hầm
vượt Trường Sơn, chợ tự phát trước Khu công nghiệp Linh Trung (trên Quốc lộ 1);
đình chỉ hoạt động của các doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh hoặc thu
hồi giấy phép đối với những trường hợp vi phạm lộ giới dọc tuyến Xa lộ Hà Nội,
Quốc lộ 13. Cưỡng chế di dời giải tỏa ngay cơ sở phế liệu gần chân cầu vượt bộ
hành Suối Tiên theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Công văn số
2773/VP-ĐTMT ngày 29 tháng 4 năm 2011.
IV. VỀ CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG VÀ TỔ CHỨC GIAO
THÔNG ĐÔ THỊ
1. Giao Thường
trực Ban An toàn giao thông thành phố chủ trì tổ chức thực hiện các biện pháp tăng
cường đảm bảo an toàn giao thông đường sắt theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân
thành phố tại Công văn số 2216/UBND-ĐTMT ngày 17 tháng 5 năm 2011; tổ chức phối
hợp kiểm tra, xử lý bảo đảm trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường dọc
hành lang an toàn đường sắt trên địa bàn thành phố.
2. Giao Sở
Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị có liên quan
a) Tăng cường
kiểm tra hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ để kịp thời điều chỉnh, khắc phục,
sửa chữa những hư hỏng, khuyết tật: duy tu, sửa chữa cầu, đường bộ, đèn chiếu
sáng công cộng, đèn tín hiệu giao thông, biển báo hiệu giao thông; phục hồi các
vạch sơn dừng xe tại giao lộ, vạch sơn cho người đi bộ băng ngang đường, vạch
sơn phân luồng trên các tuyến đường đạt chất lượng theo quy định.
b) Triển khai
dự án lắp đặt bổ sung các dãy phân cách giữa làn xe 02 bánh, thô sơ với làn xe
ô tô trên đoạn Quốc lộ 1 thuộc địa bàn thành phố bằng nguồn vốn ủy thác hàng
năm. Trước mắt, phối hợp với Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Khu Công nghiệp
Việt Nam (IDICO) để triển khai ngay việc lắp đặt dãy phân cách trên đoạn An
Sương - An lạc, hoàn thành chậm nhất trong tháng 7 năm 2011. Thiết lập đường
song hành đối với các “cung đường đen” trên xa lộ, quốc lộ như đoạn Xa lộ Hà Nội,
trước khu vực Khu Du lịch Suối Tiên.
c) Tiếp tục
khảo sát, thực hiện cải tạo kích thước hình học, mở rộng các giao lộ, ưu tiên bố
trí làn xe rẽ phải liên tục nhằm tăng năng lực thông xe. Kiểm tra, lắp đặt bổ
sung các biển báo cấm dừng, đậu xe tại các khu vực, địa điểm tập trung đông người
(nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, trường học…) vào các giờ cao điểm
trên các tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.
d) Phối hợp
với Công an thành phố và Ủy ban nhân dân các quận - huyện tiếp tục rà soát, tổ
chức phân luồng giao thông tại những khu vực, trên những tuyến đường thường
xuyên có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông, tại các công trình thi công có rào
chắn mặt đường; tiếp tục xem xét tổ chức giao thông một chiều khả thi trên một
số tuyến đường có tình hình giao thông phức tạp.
đ) Hoàn tất
công tác chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng trung tâm điều khiển giao thông thành
phố; hoàn thành thủ tục đăng ký danh mục yêu cầu tài trợ ODA với Bộ Kế hoạch và
Đầu tư trong tháng 6 năm 2011; hoàn tất nghiên cứu khả thi dự án thu phí xe ô
tô lưu thông vào trung tâm thành phố trình Ủy ban nhân dân thành phố.
e) Thực hiện
nhanh công tác xúc tiến đầu tư các dự án xây dựng tuyến xe buýt nhanh (BRT) dọc
trên Đại lộ Võ Văn Kiệt. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ GPS, Smartcart trong công
tác quản lý cơ sở dữ liệu và hệ thống mạng lưới giao thông công cộng thành phố.
Tăng cường việc ký kết hợp đồng đưa rước học sinh, sinh viên, công nhân với các
trường học, nhà máy, xí nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp, góp phần hạn chế
sử dụng xe cá nhân.
g) Tiếp tục
thực hiện kế hoạch phối hợp Ủy ban nhân dân các quận - huyện để rà soát, xác định
các vị trí, quy mô diện tích các bến bãi phục vụ quy hoạch giao thông vận tải.
V. ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THI CÔNG CÁC CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG TRỌNG
ĐIỂM
1. Giao Sở
Giao thông vận tải chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tập trung thi
công hoàn thành trong năm 2011 các công trình: Nâng cấp, mở rộng đường Trường
Sa và Hoàng Sa (đoạn từ hợp lưu đến cầu Lê Văn Sỹ); sửa chữa cầu Sài Gòn và nút
giao thông Gò Dưa; hoàn thành đưa vào khai thác đúng tiến độ các dự án Đường kết
nối từ cầu Phú Mỹ đến cầu Rạch Chiếc, nút giao thông Đại học Quốc Gia, Tỉnh lộ
10, Tỉnh lộ 10B, đường Liên cảng A5, cầu Suối Cái, cầu Đồng Tròn, cầu Phú Long,
cầu Rạch Tra.
2. Giao Sở Kế
hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Giao thông vận tải ưu tiên cân đối trình Ủy ban
nhân dân thành phố bố trí, giao kế hoạch đủ vốn cho các dự án xây dựng hạ tầng
trọng điểm thành phố.
3. Ban Quản
lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông - đô thị thành phố làm việc với các
đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành
đưa vào khai thác công trình Đại lộ Đông - Tây thành phố đúng thời gian quy định.
4. Công ty Đầu
tư phát triển hạ tầng kỹ thuật thành phố tập trung chỉ đạo hoàn thành dự án
Nâng cấp mở rộng tuyến Xa lộ Hà Nội (đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức)
trong năm 2011; thực hiện dự án Liên tỉnh lộ 25B (giai đoạn 2) đúng tiến độ quy
định.
5. Ủy ban
nhân dân các quận 2, quận 9, quận Thủ Đức có trách nhiệm tập trung chỉ đạo công
tác bồi thường giải tỏa, bàn giao mặt bằng các dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, dự
án Liên tỉnh lộ 25B (giai đoạn 2), dự án xây dựng nút giao thông Đại học Quốc
gia, dự án xây dựng cầu Suối Cái trước ngày 30 tháng 6 năm 2011.
VI. CHẤN CHỈNH THI CÔNG CÁC CÔNG TRÌNH CÓ RÀO CHẮN CHIẾM DỤNG MẶT
ĐƯỜNG VÀ CÔNG TÁC TÁI LẬP MẶT ĐƯỜNG; ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THI CÔNG CÔNG TRÌNH CÓ
RÀO CHẮN Ở KHU VỰC MẬT ĐỘ GIAO THÔNG CAO
1. Giao Sở
Giao thông vận tải:
a) Tăng cường
kiểm tra, kiên quyết xử phạt đối với các hành vi tháo dỡ rào chắn thi công mà
không tái lập mặt đường, sử dụng nguồn vốn duy tu của ngành tiến hành sửa chữa
khắc phục (các hư hỏng bên ngoài rào chắn công trình) trong vòng 24 giờ.
b) Tổ chức lấy
ý kiến của các sở - ngành, đơn vị có liên quan đối với dự thảo “Quy định về xây
dựng và thi công các công trình thiết yếu nằm trong phạm vi đất dành cho đường
bộ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét
trong tháng 6 năm 2011.
c) Chỉ đạo
Ban Quản lý dự án Vệ sinh môi trường thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ thi
công, hoàn thành các đoạn cống còn lại trên các tuyến đường Bùi Hữu Nghĩa, Xô
Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh), Võ Thị Sáu, Đinh Tiên Hoàng (quận 1), Trần Quang
Diệu (quận 3); các đoạn cống băng ngang đường sắt trên các đường Lê Văn Sỹ,
Nguyễn Kiệm và Thích Quảng Đức. Chỉ đạo Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 đẩy
nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các đoạn cống còn lại trên đường Ngô Quyền
(quận 5).
2. Ban Quản
lý dự án Nâng cấp đô thị thành phố có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công,
hoàn thành các đoạn cống còn lại trên các đường Lũy Bán Bích, Âu Cơ, Bà Hom,
Tân Hòa Đông.
3. Tổng Công
ty Cấp nước Sài Gòn Trách nhiệm hữu hạn một thành viên chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ
thi công, hoàn thành lắp đặt các tuyến ống cấp nước trên các tuyến đường Nam Kỳ
Khởi Nghĩa, Nguyễn Thái Bình (quận 1), đường Nguyễn Văn Bình (Thủ Đức), đường
Võ Văn Vân (Bình Chánh).
4. Tổng Công
ty Cấp nước Sài Gòn Trách nhiệm hữu hạn một thành viên, Tổng Công ty Điện lực
thành phố Trách nhiệm hữu hạn một thành viên, Viễn thông thành phố phải ưu
tiên, tập trung hỗ trợ các đơn vị chủ đầu tư trong việc di dời các công trình
tiện ích do đơn vị mình quản lý khi có nhu cầu để phục vụ đúng tiến độ các dự
án chính.
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thủ trưởng
các sở - ban - ngành, đơn vị, đoàn thể thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các quận - huyện, phường - xã, thị trấn, căn cứ nội dung Chỉ thị này, lập kế
hoạch chi tiết để triển khai thực hiện; bảo đảm đạt hiệu quả cao nhất nhằm góp
phần tích cực vào việc kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên địa
bàn thành phố.
2. Giao Thường
trực Ban An toàn giao thông thành phố là cơ quan đầu mối, kiểm tra theo dõi,
đôn đốc các cơ quan, đơn vị, các địa phương trong việc thực hiện Chỉ thị này, kịp
thời tổng hợp tình hình, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố giải
quyết các khó khăn, vướng mắc nếu có; định kỳ hàng tháng tổng hợp báo cáo, đề
xuất khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích tốt và phê bình hoặc
xử lý kỷ luật đối với các đơn vị, cá nhân vi phạm hoặc thiếu trách nhiệm trong
thi hành nhiệm vụ được giao./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Hoàng Quân
|