BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 06/CT-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 09 tháng 06 năm 2016
|
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI
ĐỊA
Trong thời gian qua, trên toàn quốc
đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa
nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, đặc biệt, trong tháng 3/2016 đã xảy ra 02 vụ phương tiện thủy nội địa đâm va vào
công trình cầu đường bộ, đường sắt vượt sông gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh
hưởng nghiêm trọng tới hoạt động vận tải trên tuyến đường thủy nội địa cũng như
tuyến đường sắt quốc gia; gần đây nhất vào ngày 4/6/2016 đã xảy ra vụ tai nạn
giao thông đường thủy nội địa nghiêm trọng trên sông Hàn làm chết 03 người và
nhiều người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu là do các chủ phương tiện và người
điều khiển phương tiện thủy nội địa không chấp hành nghiêm các quy định của
pháp luật về bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông (như: chở quá tải trọng,
quá số người quy định, người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ
chuyên môn theo quy định, không có hoặc thiếu áo phao và các thiết bị cứu
sinh...), công tác quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa tại một số
nơi còn chưa chặt chẽ, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các lực
lượng chức năng còn hạn chế, chưa thường xuyên và chưa bao quát hết địa bàn quản
lý.
Để khắc phục những bất cập nêu trên,
nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy
trong thời gian tới nhất là trong mùa mưa bão và mùa du lịch ở một số địa
phương, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện một
số nhiệm vụ sau:
1. Tổng cục Đường bộ
Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam và các cơ
quan liên quan tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nội dung trong "Quy chế phối
hợp thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường thủy
nội địa tại các vị trí có cầu đường bộ, đường sắt vượt sông" đã được các
cơ quan xây dựng.
2. Cục Đường thủy nội
địa Việt Nam:
- Rà soát lại toàn bộ các văn bản quy
phạm pháp luật liên quan tới công tác quản lý an toàn giao thông đường thủy nội
địa để nghiên cứu, có phương án đề xuất điều chỉnh, sửa đổi nhằm tăng cường hiệu
lực thi hành pháp luật và nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước đối với lĩnh vực
an toàn giao thông đường thủy nội địa;
- Nâng cao và gắn trách nhiệm cụ thể
đối với các cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ, nhiệm vụ
trong công tác quản lý nhà nước tại các cảng, bến thủy nội địa, trong hoạt động
vận tải hành khách, khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa;
- Chỉ đạo các đơn vị quản lý đường thủy
nội địa, cảng vụ đường thủy nội địa tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn của cảng,
bến thủy nội địa, phương tiện và người điều khiển phương tiện thủy; siết chặt
kiểm tra điều kiện an toàn hoạt động của phương tiện chở khách du lịch, phương
tiện chở khách ngang sông, nhà hàng nổi, khách sạn nổi trên đường thủy nội địa.
Cương quyết đình chỉ hoạt động của cảng, bến thủy nội địa, phương tiện thủy nội
địa không bảo đảm điều kiện về an toàn giao thông;
- Chỉ đạo các đơn vị quản lý đường thủy
nội địa thường xuyên rà soát để bổ sung hoặc sửa chữa kịp thời hệ thống báo hiệu
đường thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia; chủ động phối hợp với
các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác điều tiết khống chế đảm bảo
giao thông và chống va trôi tại các khu vực cầu vượt sông có tĩnh không thấp,
khoang thông thuyền hẹp và trên các đoạn tuyến sông có mật độ phương tiện thủy
tham gia giao thông cao;
- Tăng cường các giải pháp nâng cao
chất lượng công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa; đảm
bảo thực hiện đúng quy trình đào tạo, sát hạch theo quy định; tăng cường kiểm
tra, giám sát các kỳ sát hạch;
- Chủ động phối hợp với các cơ quan
liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân
tham gia hoạt động vận tải hành khách đường thủy nội địa. Tập trung xử lý
nghiêm, triệt để những vi phạm có nguy cơ cao gây tai nạn như: cảng, bến hoạt động
khi chưa được công bố, cấp phép hoạt động; phương tiện không bảo đảm chất lượng
an toàn kỹ thuật, không đăng ký, đăng kiểm theo quy định, thiếu dụng cụ cứu
sinh, cứu đắm; chở quá số người được phép, chở hàng hóa quá tải trọng, quá vạch
dấu mớn nước an toàn; thuyền viên, người lái phương tiện không có bằng, chứng
chỉ chuyên môn theo quy định, sử dụng rượu bia và các chất gây nghiện khác khi
điều khiển phương tiện, để cho hành khách không sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu
sinh lên phương tiện...;
- Phối hợp với các cơ quan truyền
thông, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật
về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa; xây dựng và hoàn thiện
các tiêu chí của mô hình '‘Văn hóa giao thông đường thủy”; mô hình “đoạn, tuyến
sông văn hóa - an toàn”; mô hình “bến khách ngang sông văn hóa, văn minh, an
toàn”, đặc biệt là các địa phương có hoạt động vận chuyển hành khách ngang
sông, khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa;
- Xây dựng chương trình và chuẩn bị
các nội dung liên quan để Lãnh đạo Bộ GTVT đến làm việc với Lãnh đạo UBND của một
số tỉnh, thành phố có tình hình trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa
diễn biến phức tạp, gia tăng tai nạn giao thông đường thủy, nhằm nâng cao hơn nữa
hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đường thủy nội địa tại các địa phương.
3. Cục Đăng kiểm Việt
Nam:
- Chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm tăng
cường công tác kiểm định chất lượng phương tiện thủy nội địa, đặc biệt là kiểm
định các phương tiện chở khách ngang sông, phương tiện chở khách du lịch, tàu
thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi; phối hợp với địa
phương, giám sát, xử lý đối với các phương tiện thủy nội địa đã quá hạn kiểm định
mà chưa thực hiện kiểm định lại theo quy định, thông báo cho các cơ quan chức
năng đường thủy nội địa và Ban ATGT các tỉnh, thành phố danh sách các phương tiện
quá hạn kiểm định, các phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn;
- Phối hợp với Cục Đường thủy nội địa
Việt Nam rà soát, thống kê số lượng phương tiện thủy nội địa, đặc biệt là
phương tiện thủy nội địa chưa đăng ký, đăng kiểm trong đó tập trung vào phương
tiện thủy chở khách.
4. Cục Hàng hải Việt
Nam:
- Chỉ đạo các cảng vụ hàng hải tăng
cường kiểm tra điều kiện an toàn của phương tiện chạy trên tuyến từ bờ ra đảo.
Cương quyết đình chỉ hoạt động các phương tiện không bảo đảm điều kiện về an
toàn giao thông;
- Chỉ đạo các đơn vị quản lý hàng hải
thường xuyên rà soát để bổ sung hoặc sửa chữa kịp thời hệ thống phao tiêu, báo
hiệu hàng hải; đặc biệt trên các tuyến từ bờ ra đảo.
5. Cục Quản lý xây dựng
và Chất lượng công trình giao thông chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, Nhà đầu tư,
các đơn vị thi công:
- Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa
phương trong công tác tổ chức phân luồng nhằm bảo đảm an toàn giao thông trên
đường thủy nội địa tại khu vực thi công dự án;
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc
tuân thủ các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, an toàn lao động
trong khu vực dự án đang triển khai thi công; xử lý nghiêm theo quy định đối với
những trường hợp vi phạm.
6. Thanh tra Bộ:
- Hướng dẫn và chỉ đạo lực lượng
Thanh tra giao thông phối hợp với các cơ quan chức năng của Cục Đường thủy nội
địa Việt Nam, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm theo thẩm
quyền đối với các trường hợp vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông đường
thủy nội địa;
- Xây dựng kế hoạch và phối hợp với
các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với một số cơ quan, đơn vị,
doanh nghiệp có liên quan đến công tác quản lý, hoạt động kinh doanh vận tải đường
thủy nội địa ở các địa phương có tình hình trật tự an toàn giao thông đường thủy
nội địa diễn biến phức tạp, gia tăng về tai nạn giao thông đường thủy.
7. Sở Giao thông vận
tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
chức năng của địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy
định của pháp luật về giao thông đường thủy đối với các tổ chức, cá nhân tham
gia hoạt động vận tải hành khách đường thủy nội địa, vận tải hành khách ngang
sông trên địa bàn; đặc biệt lưu ý đến vận tải hành khách bằng tàu cao tốc, vận
tải khách du lịch, hoạt động của nhà hàng nổi, khách sạn nổi trên đường thủy nội
địa;
- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao
thông phối hợp với các cơ quan chức năng của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam,
chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm quy
định về trật tự, an toàn giao thông đường thủy. Tập trung xử lý nghiêm, triệt để
những vi phạm có nguy cơ cao gây tai nạn như: cảng, bến hoạt động khi chưa được
công bố, cấp phép hoạt động; phương tiện không bảo đảm chất lượng an toàn kỹ
thuật, không đăng ký, đăng kiểm theo quy định, thiếu dụng cụ cứu sinh, cứu đắm;
chở quá số người được phép, chở hàng hóa quá tải trọng, quá vạch dấu mớn nước
an toàn; thuyền viên, người lái phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn
theo quy định, sử dụng rượu bia và các chất gây nghiện khác khi điều khiển
phương tiện, để cho hành khách không sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh lên
phương tiện...;
- Chỉ đạo các đơn vị quản lý đường thủy
nội địa của địa phương thường xuyên rà soát để bổ sung hoặc sửa chữa kịp thời hệ
thống báo hiệu đường thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội địa do địa phương
quản lý; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công
tác điều tiết, khống chế đảm bảo giao thông và chống va trôi tại các khu vực cầu
vượt sông có tĩnh không thấp, khoang thông thuyền hẹp và trên các đoạn tuyến
sông có mật độ phương tiện thủy tham gia giao thông cao;
- Tăng cường các giải pháp nâng cao
chất lượng công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa
theo phân cấp của Bộ Giao thông vận tải; đảm bảo thực hiện đúng quy trình đào tạo,
sát hạch theo quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát các kỳ sát hạch;
- Nâng cao và gắn trách nhiệm cụ thể
đối với các cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ, nhiệm vụ
trong công tác quản lý nhà nước tại các cảng, bến thủy nội địa, trong hoạt động
vận tải hành khách, khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa;
- Chủ động phối hợp các lực lượng chức
năng, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền,vận động người dân
sinh sống khu vực ven sông, kênh, hồ, đập, các khu vực bến khách ngang sông, bến
có tiếp nhận khách du lịch thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đảm bảo
an toàn khi tham gia giao thông trên đường thủy; có phương án bố trí người ứng
trực tại các bến khách ngang sông có mật độ phương tiện hành khách cao;
- Công bố số điện thoại đường dây
nóng của Sở Giao thông vận tải tại các cảng, bến thủy nội địa, bến khách ngang
sông và trên các phương tiện thủy vận tải khách để kịp thời tiếp nhận phản ánh
của người dân về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa.
8. Tổ chức thực hiện:
Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương và các cơ quan, các đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện
nghiêm các quy định hiện hành về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa
và các nội dung của Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban ATGTQG;
- Bộ Công an (để p/h);
- Các Thứ trưởng;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các Vụ, Thanh tra Bộ;
- Các Cục, Tổng cục ĐBVN;
- Sở GTVT các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Báo GT;
- Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Lưu: VP, ATGT (5b).
|
BỘ
TRƯỞNG
Trương Quang Nghĩa
|