ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
05/2015/CT-UBND
|
Hòa Bình, ngày 31
tháng 03 năm 2015
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC KIỂM SOÁT TẢI TRỌNG PHƯƠNG TIỆN TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH
Trong thời gian qua, công tác kiểm
soát tải trọng phương tiện trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đồng bộ, quyết
liệt. Trong điều kiện khó khăn về địa bàn, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch
đi qua; lực lượng chức năng tham gia trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tải
trọng phương tiện còn mỏng, thiếu phương tiện, thiết bị hỗ trợ; địa điểm đặt Trạm
kiểm tra tải trọng cũng như điều kiện làm việc chưa đảm bảo; song công tác kiểm
soát tải trọng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực: Tình trạng
phương tiện chở quá tải trọng có chiều hướng giảm; nhận thức của lái xe, chủ
xe, chủ hàng được nâng cao về ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự
an toàn giao thông, cũng như nhận thức được hậu quả của việc chở quá tải trọng
đối với kết cấu hạ tầng giao thông; tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của dư luận.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công
tác kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn tỉnh còn một số những hạn chế, như: Công
tác phối hợp xử lý của các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương còn
chưa chặt chẽ; công tác tuyên truyền chưa được thường xuyên, sâu rộng, hiệu quả;
một số lái xe, chủ hàng xếp, chở hàng quá tải trọng cho phép, tìm mọi thủ đoạn,
cách thức để vượt Trạm kiểm tra tải trọng xe, đặc biệt là tình trạng các phương
tiện sử dụng các tuyến đường huyện, đường xã để vòng tránh qua Trạm, các xe quá
tải này làm giảm tuổi thọ khai thác của công trình đường bộ, gây mất an ninh,
trật tự, tạo bức xúc trong nhân dân.
Để tiếp tục chấn chỉnh tình trạng nêu
trên và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông
Quốc gia về tăng cường thực hiện các giải pháp siết chặt kiểm soát tải trọng
phương tiện vận tải đường bộ, cương quyết lập lại trật tự kỷ cương trong hoạt động
vận tải hàng hóa trên đường bộ, không để tình trạng xe ô tô chở hàng hóa quá tải
trọng lưu thông trên các tuyến đường thuộc địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh
yêu cầu:
1. Sở Giao thông
vận tải
a) Thực hiện tốt chức năng tham mưu
cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng phương
tiện trên địa bàn tỉnh.
b) Là cơ quan đầu mối phối hợp chặt
chẽ với các cấp, các ngành từ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật,
đến công tác chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả
các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện.
c) Chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ
rà soát, cắm biển hạn chế tải trọng cầu đường bộ đối với các tuyến đường thuộc
thẩm quyền quản lý; phối hợp với Cục Quản lý Đường bộ I tiến hành cắm biển hạn
chế tải trọng cầu đường bộ trên các tuyến quốc lộ, đường Trung ương ủy thác quản
lý; hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức cắm biển hạn chế tải trọng cho
phép của cầu đường bộ trên các tuyến đường huyện, đường xã.
d) Phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố tăng cường biện pháp quản lý, kiểm soát tải trọng
xe ngay tại nơi bốc xếp hàng hóa, vật liệu xây dựng ngay tại các mỏ vật liệu,
khoáng sản; tại các điểm dừng, điểm xuất phát nguồn hàng của các nhà máy, khu
công nghiệp, cảng, bến,...
đ) Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao
thông chủ động phối hợp với Công an các huyện, thành phố sử dụng cân xách tay
tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết ngăn chặn, xử lý các phương tiện chở
quá tải, phương tiện né tránh Trạm kiểm tra tải trọng phương tiện đi qua các
tuyến đường trên địa bàn toàn tỉnh. Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến
hành kiểm tra, xử phạt các phương tiện dừng, đỗ, chuyển tải trái phép ở hai đầu
Trạm kiểm tra tải trọng xe.
e) Tăng cường quán triệt tư tưởng về
ý thức trách nhiệm thực thi công vụ, học tập, trau dồi về nghiệp vụ chuyên môn;
kịp thời đôn đốc, nhắc nhở, chấn chỉnh những cán bộ, Thanh tra viên thiếu tinh
thần trách nhiệm, có thái độ, tác phong và hành vi không chuẩn mực trong quá
trình thi hành nhiệm vụ và tổ chức ký cam kết không nhũng nhiễu, tiêu cực trong
toàn lực lượng Thanh tra giao thông.
f) Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao
thông nâng cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Quân đội
trong hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe; duy trì phối hợp với lực lượng
công an trong công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về tải trọng trên
các tuyến đường được giao quản lý.
g) Hoàn thiện và xây dựng nhân sự để
đưa Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ tỉnh Hòa Bình đi vào hoạt động
theo đúng quy định tại Quyết định số 1157/QĐ-UBND ngày 13 tháng 8 năm 2014 của
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc thành lập Trạm kiểm tra tải trọng
xe lưu động trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
h) Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các vị
trí đặt Trạm trên tuyến QL.6, QL.12B và đường Hồ Chí Minh đã được Ủy ban nhân
dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1106/QĐ-UBND ngày 05 tháng 8 năm 2014 về
chủ trương đầu tư xây dựng công trình hạ tầng 03 vị trí đặt Trạm kiểm tra tải
trọng xe.
i) Giám đốc Sở Giao thông vận tải chịu
trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để xe ô tô chở quá tải trọng lưu
thông trên các tuyến đường phân cấp quản lý và để xảy ra sai phạm, tiêu cực
trong quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng Thanh tra giao thông, lực lượng
trực tiếp điều hành Trạm; quy định rõ, gắn trách nhiệm của Trạm trưởng Trạm kiểm
tra tải trọng xe và lực lượng Thanh tra giao thông làm việc tại Trạm.
2. Công an tỉnh
a) Tăng cường công tác kiểm tra, xử
lý trên các tuyến đường thường có xe quá tải, quá khổ đi qua; kiểm tra xe chở
hàng hóa vượt tải trọng cho phép và quá khổ giới hạn của cầu, đường, đặc biệt tập
trung trên các tuyến quốc lộ và các tuyến đường tỉnh, đường huyện có cầu yếu.
b) Tăng cường quán triệt tư tưởng về
ý thức trách nhiệm thực thi công vụ, học tập trau dồi về nghiệp vụ chuyên môn;
kịp thời đôn đốc, nhắc nhở, chấn chỉnh những cán bộ, chiến sĩ thiếu tinh thần
trách nhiệm, có thái độ, tác phong và hành vi không chuẩn mực trong quá trình
thi hành nhiệm vụ. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc thực thi nhiệm vụ của
lực lượng tuần tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.
c) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng
chống tội phạm xây dựng kế hoạch phối hợp phòng chống tiêu cực tại Trạm kiểm
tra tải trọng phương tiện, kiên quyết không để xảy ra việc “móc ngoặc”, hối lộ,
“môi giới dẫn xe” vượt trạm, trốn tránh việc kiểm tra tải trọng. Tuyệt đối
không để tình trạng “cò”, “môi giới dẫn xe” hoạt động trong phạm vi đặt Trạm.
Xây dựng Kế hoạch cụ thể để chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với
lực lượng Thanh tra giao thông tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm tại các điểm
đặt trạm cân và trên các tuyến đường thường có xe quá tải, quá khổ đi qua, các
tuyến đường có cầu yếu,... để trốn tránh Trạm kiểm tra tải trọng.
d) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao
thông, Công an các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch phối hợp theo chuyên đề xử
lý xe quá tải trên địa bàn tỉnh và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.
Huy động lực lượng, phối hợp với Thanh tra giao thông tăng cường tuần tra xử lý
các xe ô tô trốn, tránh, vượt Trạm kiểm tra tải trọng xe; đỗ, chờ ở hai phía của
Trạm để tìm thời cơ vượt Trạm; xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi chống đối,
không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng thực thi nhiệm vụ và các hành vi vi phạm
khác.
đ) Giám đốc Công an tỉnh chịu trách
nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để xe ô tô chở quá tải trọng lưu thông
trên các tuyến đường được phân cấp thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, giữ
gìn trật tự an toàn giao thông thuộc địa giới hành chính của tỉnh; để xe quá tải
vượt Trạm (đi qua Trạm) mà không bị dừng và xử lý vi phạm; để xảy ra việc cán bộ,
chiến sĩ thuộc quyền quản lý có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình
thực thi công vụ. Giám đốc Công an tỉnh phân cấp cho lực lượng tuần tra, kiểm
soát trên các tuyến đường và quy định về trách nhiệm đối với cá nhân, đơn vị chức
năng liên quan thuộc quyền quản lý trong quá trình tuần tra, kiểm soát.
3. Bộ Chỉ huy
Quân sự tỉnh
a) Điều động, huy động, bố trí lực lượng
thuộc quyền quản lý phối hợp chặt chẽ với lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại Trạm
kiểm tra tải trọng phương tiện theo chương trình, kế hoạch đề ra; kiểm tra, kiểm
soát đối với các phương tiện mang biển số quân sự, đưa các phương tiện có dấu
hiệu vi phạm quá tải trọng, quá khổ giới hạn vào Trạm kiểm tra tải trọng phương
tiện để kiểm tra, xử lý, kể cả phương tiện của các đơn vị, các doanh nghiệp
quân đội làm kinh tế (trừ các phương tiện làm nhiệm vụ khẩn cấp, đặc biệt theo
quy định của pháp luật); xử lý vi phạm hành chính khác theo thẩm quyền.
b) Phối hợp với các lực lượng trong
công tác xử lý vi phạm, tuần tra kiểm soát trong khu vực Trạm kiểm tra tải trọng
phương tiện và hai đầu Trạm kiểm tra tải trọng phương tiện, xử lý phương tiện
vi phạm trốn, tránh Trạm; cưỡng chế xe vi phạm vào Trạm kiểm tra theo quy định.
4. Sở Thông tin
và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Hòa Bình
a) Đẩy mạnh các hoạt động thông tin
tuyên truyền để phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông,
thông tin kịp thời các văn bản chỉ đạo, chủ trương, giải pháp thực hiện công
tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông của Trung ương và địa phương. Đặc biệt
là các quy định của pháp luật về tải trọng xe, xếp hàng hóa trên xe ô tô; thiệt
hại do xe quá tải gây ra; việc xử lý phương tiện quá tải trọng để nhân dân hiểu
và nâng cao ý thức tự giác chấp hành về pháp luật về an toàn giao thông.
b) Tăng cường và nâng cao hiệu quả
các chuyên mục, chương trình, nội dung, quy định của pháp luật về kiểm soát tải
trọng phương tiện trên địa bàn, thường xuyên phát sóng, đăng báo các thông điệp
về an toàn giao thông, phản ánh những hậu quả, mất mát, thiệt hại do tai nạn
giao thông gây ra, các vấn đề tiêu cực trong triển khai thực hiện kiểm soát tải
trọng phương tiện trên đường bộ.
c) Kịp thời đưa tin điển hình tiên tiến
và phê phán những mặt hạn chế trong quá trình thực thi công vụ và chấp hành
pháp luật về trật tự an toàn giao thông để rút ra kinh nghiệm chung.
5. Sở Tài nguyên
và Môi trường
a) Chỉ đạo các doanh nghiệp, tổ chức,
cá nhân đã được cấp phép khai thác khoáng sản bảo đảm tuân thủ quy định khổ giới
hạn, tải trọng cho phép của phương tiện, của cầu đường bộ.
b) Phối hợp với các sở, ngành liên
quan xử lý các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có phương tiện thường
xuyên vi phạm chở quá tải, quá khổ,... theo quy định của pháp luật.
6. Sở Tài chính
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt
kinh phí dành cho hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn tỉnh,
ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ bảo trì đường bộ; kinh phí xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải và các nguồn khác theo quy định của
pháp luật.
7. Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố
a) Chỉ đạo lực lượng Công an và các
đơn vị chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý triệt
để đối với các trường hợp xe ôtô chở hàng hóa quá tải trọng, quá khổ lưu thông
trên các tuyến đường do địa phương quản lý.
b) Tổ chức tuyên truyền và yêu cầu
các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp khai thác, vận chuyển khoáng sản, kinh
doanh vật liệu xây dựng, các chủ phương tiện trên địa bàn chấp hành nghiêm các
quy định về tải trọng xe trên đường bộ. Tổ chức cắm biển hạn chế tải trọng của
cầu đường bộ trên các tuyến đường huyện, đường xã theo quy định.
c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện
chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để xe ô tô chở quá tải trọng
lưu thông trên các tuyến đường thuộc địa bàn được phân công quản lý.
d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện
quy trách nhiệm của các phòng, ban chức năng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã
thuộc quyền quản lý nếu để xe ô tô chở quá tải trọng lưu thông trên các tuyến
đường thuộc địa bàn được phân công, phân cấp quản lý và xử lý vi phạm.
8. Đề nghị Ủy ban
Mặt trận tổ quốc, Liên Đoàn lao động tỉnh, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội
Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
a) Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận
động hội viên, đoàn viên và vận động các tầng lớp nhân dân gương mẫu chấp hành
quy định của pháp luật về giao thông vận tải.
b) Tổ chức giám sát và phản ảnh các ý
kiến, kiến nghị của nhân dân về hoạt động của các lực lượng chức năng được giao
nhiệm vụ làm công tác kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn tỉnh đến Ban
An toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải để kịp thời chấn
chỉnh, xử lý đối với các đơn vị, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ thiếu trách
nhiệm trong quá trình thực thi công vụ nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng
tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, chiến sĩ thi hành nhiệm vụ.
9. Ban An toàn Giao thông tỉnh
a) Chỉ đạo các cơ quan thành viên tổ chức kiểm tra,
đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả Chỉ thị này; đề xuất khen thưởng
các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và phê bình, xử lý đối với các đơn
vị, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ hoặc thiếu trách nhiệm trong công tác kiểm
soát tải trọng phương tiện trên địa bàn tỉnh.
b) Đột xuất, định kỳ hàng quý, 6 tháng và hàng năm
tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký;
Thủ trưởng, Giám đốc các sở, ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện
nghiêm Chỉ thị./.
Nơi nhận:
- Văn phòng chính phủ;
- Ủy ban ATGTQG;
- Bộ GTVT;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Thường trực TU, HĐND Tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- VP/UBND tỉnh: CVP, các PVP, Trung tâm Tin học và Công báo;
- Lưu: VT, CNXD (M).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Quang
|