ỦY BAN NHÂN
DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 04/CT-UBND
|
Cần Thơ, ngày
23 tháng 02 năm 2018
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN
GIAO THÔNG NĂM 2018
Năm 2017, các cấp, các ngành trên địa bàn thành
phố đã nỗ lực, cố gắng trong thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao
thông, thu được nhiều kết quả quan trọng, không xảy ra ùn tắc giao thông và đua
xe trái phép. Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông, nhất là tai nạn
giao thông vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm
trật tự, an toàn giao thông của thành phố.
Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn
chế, tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và kéo giảm tai nạn
giao thông trên địa bàn thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu:
1. Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ
quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện theo chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn được giao tiếp tục tập trung, tăng cường công tác chỉ đạo
thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong năm
2018. Đặc biệt triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04
tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của
Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt,
đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày
24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng
tâm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 28 tháng 01
năm 2015 của Thành ủy Cần Thơ và năm An toàn giao thông năm 2018 với chủ đề “An
toàn giao thông cho trẻ em”.
2. Ban An toàn giao thông thành phố
a) Tham mưu Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo
các sở, ban, ngành có liên quan thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW nhằm
phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị của thành phố trong công tác đảm bảo
trật tự an toàn giao thông;
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan
thường xuyên kiểm tra, rà soát, đề xuất, kiến nghị, khắc phục các vấn đề liên
quan đến hạ tầng giao thông và điều chỉnh tổ chức giao thông cho phù hợp với
tình hình thực tế;
c) Phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông,
các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục
pháp luật về an toàn giao thông có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả. Kịp thời
thông tin tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố; tổ chức
in, cấp phát tài liệu tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông; tổ chức các diễn
đàn, hội thi với chủ đề an toàn giao thông tiết kiệm, hiệu quả.
3. Sở Giao thông vận tải
a) Chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp với các cơ
quan, đơn vị liên quan kiểm tra phương án bảo đảm an toàn giao thông trong quá
trình thi công, xây dựng các công trình giao thông; xử lý nghiêm đối với các
trường hợp nhà thầu, đơn vị thi công không thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo
an toàn giao thông đối với các đoạn đường vừa thi công vừa khai thác trong quá
trình thi công, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông;
b) Phối hợp với các ngành chức năng có liên quan kịp
thời khảo sát, kiến nghị các vấn đề liên quan đến hạ tầng giao thông và tổ chức
giao thông trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị do Sở
quản lý cho phù hợp, đảm bảo an toàn;
c) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; quản lý chặt
chẽ hoạt động kinh doanh vận tải, xử lý nghiêm các đơn vị kinh doanh vận tải,
các bến xe vi phạm các quy định về quản lý vận tải và điều kiện
kinh doanh vận tải, “xe dù, bến cóc”, phương tiện không đảm bảo các quy định về
điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện, niên hạn sử dụng...;
d) Phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tăng cường
quản lý an toàn giao thông đường thủy tại bến khách ngang sông và phương tiện
thủy chở khách. Kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến khách ngang sông, bến thủy
nội địa hoạt động không phép; phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ
thuật; không trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, cứu đắm; không nhắc nhở hành
khách sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cầm tay khi đi phương tiện thủy chở
khách qua sông;
đ) Tăng cường
công tác quản lý Nhà nước trong đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe,
kiểm định phương tiện giao thông; sử dụng hiệu quả hệ thống camera giám sát
hành trình của phương tiện, quá trình sát hạch lái xe và đăng kiểm phương tiện;
chỉ đạo các cơ sở đào tạo, sát hạch ở địa phương cải tiến nâng cao chất lượng
thi sát hạch và coi trọng đào tạo trình độ chuyên môn, phẩm chất cho đội ngũ
cán bộ, giáo viên.
4. Công an thành phố
a) Chỉ đạo lực lượng Công an các cấp tổ chức nắm, phân
tích, đánh giá tình hình trật tự an toàn giao thông để tham mưu với cấp ủy Đảng,
chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành, các đơn vị có liên quan thực hiện
hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới
trên địa bàn thành phố, nhất là Chỉ thị số 18-CT/TW, Nghị quyết số 88/NQ-CP , Chỉ
thị số 23/CT-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường
các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa
trong tình hình mới và Chỉ thị số 02/CT-BCA ngày 03 tháng 4 năm 2015 của Bộ trưởng
Bộ Công an về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong
tình hình mới;
b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật
về an toàn giao thông trong nhân dân bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú;
chú trọng tuyên truyền tác hại của việc sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện
tham gia giao thông, đi không đúng làn đường, phần đường quy định, chở quá số
người quy định, quá khổ, quá tải,... góp phần ổn định trật tự an toàn giao
thông trên địa bàn thành phố;
c) Thực hiện tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm chặt
tình hình hoạt động của các loại tội phạm trên tuyến giao thông kết hợp với tuần
tra kiểm soát kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trên
các tuyến giao thông. Đồng thời, chủ động có phương án chống ùn tắc giao thông
trên địa bàn thành phố Cần Thơ, đặc biệt là tại các trạm thu phí BOT;
d) Tổ chức chỉ huy, điều khiển giao thông tại các giao
lộ trọng điểm, phức tạp, các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông và trong các sự
kiện chính trị, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, kỳ nghỉ Lễ, Tết, kỳ thi tốt
nghiệp Trung học phổ thông, đảm bảo giao thông thông suốt; xây dựng và tổ chức
thực hiện tốt các phương án dẫn đoàn, bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí
lãnh đạo Đảng, Nhà nước, khách quốc tế đến thăm, làm việc tại thành phố Cần Thơ
và các địa phương lân cận;
đ) Huy động tối
đa lực lượng, phương tiện tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên các
tuyến, địa bàn trọng điểm, giao thông nông thôn; thường xuyên đổi mới phương thức
tuần tra kiểm soát, mở nhiều chuyên đề xử lý các hành vi vi phạm, các đợt cao
điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông,
góp phần làm chuyển biến tích cực tình hình giao thông hiện nay;
e) Chỉ đạo điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ tai nạn
giao thông nghiêm trọng trở lên; khởi tố, đề nghị đưa ra truy tố, xét xử một số
trường hợp vi phạm điển hình để cảnh báo, tuyên truyền giáo dục, phòng ngừa các
trường hợp vi phạm;
g) Phối hợp với
Sở Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan kiểm tra, khảo
sát, kiến nghị khắc phục các bất hợp lý về hạ tầng, tổ chức giao thông, chú ý
các tuyến đường mới đưa vào khai thác, sử dụng, các tuyến giao thông nông thôn.
5. Sở Thông tin và Truyền thông
Định hướng các
cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền về an toàn giao thông trên các
phương tiện thông tin đại chúng; nêu gương người tốt, việc tốt
đối với những tập thể, cá nhân điển
hình trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn
giao thông; phê bình những tập thể, cá
nhân vi phạm các quy định của pháp luật
giao thông.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chỉ đạo Phòng
Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, các trường học tập trung đổi mới, đa dạng
hóa hình thức giáo dục pháp luật về an toàn giao thông ở tất cả các cấp học về
việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Đặc
biệt là quy định bắt buộc học sinh phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn
máy, xe máy điện, xe đạp điện, có biện pháp mạnh ngăn chặn tình trạng học sinh
chưa đủ tuổi, không giấy phép lái xe điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đến trường,
đưa tiêu chí chấp hành Luật Giao thông vào công tác đánh giá đạo đức học sinh
hàng năm.
7. Sở Tư pháp
Tổ chức các lớp
tập huấn pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, lồng ghép tập huấn kiến thức
pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật và
tuyên truyền viên pháp luật toàn thành phố để làm nòng cốt thực hiện công tác
tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao
thông đến các đối tượng tham gia giao thông.
8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố tổ chức
tập huấn, cung cấp tài liệu (sách, bài viết, hình ảnh,...) về an toàn giao
thông cho cán bộ làm công tác tuyên truyền lưu động ở các quận, huyện;
b) Phối hợp với cơ quan chủ trì trong công tác tuyên
truyền trực quan trên pano, băng rôn, khẩu hiệu, các cuộc triển lãm tranh ảnh,
tuyên truyền lưu động và các hội thi, hội diễn; phát huy hiệu quả công tác
tuyên truyền từ các cuộc vận động sáng tác âm nhạc, phim ảnh, văn học nghệ thuật
về an toàn giao thông.
9. Sở Y tế
a) Chủ trì phối hợp với Công an thành phố tuyên truyền
các văn bản quy định về việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu người điều khiển
phương tiện cơ giới đường bộ;
b) Tăng cường tập huấn phổ biến kiến thức về sơ cấp cứu
ban đầu người bị tai nạn giao thông cho đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải hàng
hóa, hành khách, tình nguyện viên và lực lượng Cảnh sát giao thông;
c) Chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường biện pháp nâng
cao chất lượng công tác khám sức khỏe đối với lái xe; xử lý nghiêm các tổ chức,
cá nhân vi phạm trong tổ chức thực hiện.
10. Sở Công Thương
a) Chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường tăng cường kiểm
tra, giám sát hoạt động kinh doanh các loại xe máy điện, xe đạp điện và mũ bảo
hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy;
b) Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 08
tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý sản xuất, kinh
doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông;
c) Kiểm tra, rà soát xử lý các vi phạm về sản xuất, lắp
đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.
11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam thành phố, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố, Liên
đoàn Lao động thành phố, Hội Chữ thập đỏ thành phố, Hội Liên hiệp phụ nữ thành
phố, Hội Cựu chiến binh thành phố, Hội Nông dân thành phố:
a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ
để nâng cao
ý thức tự giác chấp hành của người
tham gia giao thông; tuyên truyền, vân động sâu rộng trong thanh niên, hội
viên, học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức, người lao động đến tận cơ sở, xã, phường,
thị trấn, các khu dân cư, nhà trọ, khu công nghiệp; huy động lực lượng đoàn
viên, hội viên hỗ trợ thực hiện công tác điều tiết giao thông;
b) Lồng ghép công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về
an toàn giao thông vào sinh hoạt định kỳ của các tổ chức, đoàn thể và việc chấp
hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông vào tiêu chí để bình xét thi đua
cuối năm;
c) Tăng cường xây dựng lực lượng tình nguyện viên tham
gia tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và tổ chức các điểm sơ cấp cứu
tai nạn giao thông.
12. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện
a) Tổ chức thực hiện đồng bộ và hiệu quả các biện pháp
bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn quản
lý ngay từ đầu năm;
b) Chỉ đạo Ban An toàn giao thông cùng cấp nâng cao
vai trò, trách nhiệm trong tổ chức, thực hiện và giám sát việc thực hiện các biện
pháp, giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là việc bảo vệ hành
lang an toàn giao thông đường bộ. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tích cực
tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông tới xã, phường,
thị trấn nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao
thông của người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số;
c) Tập trung, đẩy mạnh công tác phối hợp quản lý địa
bàn, xử lý người vi phạm ngay từ cơ sở: Ban An toàn giao thông xã, phường, thị
trấn cần có sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện về mặt kinh phí để Công an xã,
phường, thị trấn phối hợp với xã, phường Đội, Ban Bảo vệ dân phố... có kế hoạch
ra quân quyết liệt trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại cơ sở;
xử lý nghiêm các trường hợp thanh thiếu niên vi phạm nhằm răn đe giáo dục, tạo
ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông; quản
lý chặt các nhà hàng, quán bar, quán ăn không để hoạt động quá giờ quy định; đồng
thời, thường xuyên kiểm tra, khảo sát cơ sở hạ tầng giao thông các tuyến đường
nông thôn, kịp thời phát hiện các yếu tố ảnh hưởng đến an toàn giao thông, kịp
thời tham mưu cho Ban An toàn giao thông các cấp khắc phục, sửa chữa...; sắp
xếp bến bãi, cầu phà, điểm họp chợ hợp lý tạo đường thông, hè thoáng thuận tiện
cho nhân dân đi lại, từng bước xây dựng văn hóa, văn minh đô thị;
d) Chỉ đạo Công an xã, phường, thị trấn tăng cường hoạt
động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến, địa bàn giao thông trọng
điểm, phức tạp, đặc biệt là tuyến giao thông nông thôn thường xảy ra tai nạn và
va chạm giao thông.
Yêu cầu Giám đốc
sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện
triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Thường trực Ban An toàn giao thông
thành phố tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện ở các sở, ngành,
địa phương; báo cáo kịp thời các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng về
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ủy ban nhân dân thành phố để chỉ đạo, giải
quyết./.