BỘ
GIÁO DỤC
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
57-TT-ĐH
|
Hà
Nội, ngày 24 tháng 10 năm 1963
|
THÔNG TƯ
GIẢI THÍCH QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ THI VÀ KIỂM TRA Ở CÁC TRƯỜNG
ĐẠI HỌC
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
Kính gửi:
Đồng kính gửi:
|
-Các ông hiệu trưởng các trường đại học
-Các
bộ, tổng cục có trường đại học
|
Từ năm 1961, Bộ giáo dục đã ban hành thể lệ tạm
thời về tổ chức thi tốt nghiệp ở các trường đại học áp dụng cho các lớp tập
trung ban ngày. Đối với các kỳ thi khác (kiểm tra, thi cuối học kỳ, cuối năm học)
chưa có thể lệ chung và mỗi trường có quy chế riêng.
Hiện nay, do yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo
ở các trường, song song với việc ổn định kế hoạch, chương trình giảng dạy, việc
cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập, cần đưa toàn bộ công tác
thi cử ở các trường đại học vào nền nếp thống nhất, tạo điều kiện cho việc quản
lý giảng dạy và học tập được chặt chẽ hơn.
Vì vậy Bộ giáo dục, sau khi lấy ý kiến của các
trường và của các Bộ có trường, ban hành quy chế về thi và kiểm tra ở các trường
đại học, đính theo Quyết định số 745-QĐ ngày 24/10/1963, để áp dụng kể từ năm học
1963-1964.
Các trường đại học đang trên đà phát triển về số
lượng và về chất lượng. Công tác thi cử cũng như các công tác giảng dạy và học
tập cần phải cải tiến hơn nữa mới thích ứng được với sự phát triển đó. Cho
nên quy chế này chỉ mới là một quy chế tạm thời, làm cơ sở tiến tới xây dựng một
quy chế hoàn thiện hơn.
Để tiện việc thi hành bản quy chế tạm thời này,
Bộ Giáo dục giải thích sau đây một số điểm chủ yếu quy định trong quy chế:
Chương 1:
NGUYÊN TẮC CHUNG
Các trường đại học có những tính chất, đặc điểm
khác nhau (về tổ chức, về phương thức giảng dạy, về yêu cầu đào tạo…), vì vậy bản
quy chế này chỉ quy định những nguyên tắc lớn áp dụng chung cho tất cả các trường.
Các vấn dề chi tiết sẽ do mỗi trường quy định trong phạm vi, khuôn khổ của quy
chế chung.
1. Các hình thức thi và kiểm
tra (điều 2).
Ngoài thi tốt nghiệp (đã có quy chế chung)
là biện pháp kiểm tra chất lượng sinh viên đã hoàn thành một khóa học, còn có
các kỳ thi cuối học kỳ, cuối năm học, các kỳ kiểm tra thường xuyên và cuối học
kỳ, cuối năm học, để kiểm tra chất lượng sinh viên trong quá trình học tập. Đó
là những khâu có liên quan chặt chẽ với nhau, song trong quy chế này chỉ quy định
những nguyên tắc về thi cuối học kỳ, cuối năm học và về kiểm tra cuối học kỳ,
cuối năm học là những kỳ thi tổ chức theo quy mô toàn trường. Còn về kiểm tra
thường xuyên tổ chức theo quy mô nhỏ, bằng nhiều hình thức linh hoạt và vào những
thời gian không thống nhất thì cần để môi trường quy định cho thích hợp với
tính chất, đặc điểm của từng trường. Điểm quan trọng cần chú ý là phải áp dụng
những hình thức nhẹ nhàng và phải bố trí thời gian kiểm tra cho hợp ký, không
gây tình hình học tập thường xuyên căng thẳng trong sinh viên.
2. Số lượng các môn thi và
kiểm tra (điều 4 và 5)
- Số lượng các môn thi và các môn kiểm tra ở mỗi
học kỳ do kế hoạch giảng dạy quy định. Khi chọn môn thi ở mỗi học kỳ thì căn cứ
vào nội dung chương trình giảng dạy của từng môn và vào tính chất quan trọng của
mỗi môn đối với mỗi ngành. Vì vậy ở đây không quy định các nguyên tắc về chọn
môn thi mà chỉ quy định các nguyên tắc về bố trí các môn thi các môn kiểm
tra để đảm bảo yêu cầu về nâng cao chất lượng:
- Không có môn học nào có học mà không đánh giá
kết qủa học tập của sinh viên về môn đó (thông qua thi hay kiểm tra cuối học kỳ,
cuối năm học).
- Phải bố trí cho cân đối các môn thi và các môn
kiểm tra giữa các học kỳ, không quá ít, không quá dồn dập vào cùng một học kỳ.
Vì kiểm tra cuối học kỳ tiến hành bằng các hình thức nhẹ nhàng hơn thi với mục
đích chủ yếu là kiểm tra kiến thức và trình độ tiếp thu của sinh viên, hoặc là
kiểm tra việc thực hiện các công tác thí nghiệm, thực tập,… nên không cần thiết
khống chế các môn kiểm tra ở mỗi học kỳ, chỉ cần khống chế các môn thi (không
quá 5 môn, mức tối đa, theo điều 5).
3. Thời gian thi và kiểm
tra. Thời gian ôn tập
- Theo quy định ở điều 6, việc kiểm tra
cuối học kỳ, cuối năm học, phải tiến hành trước thời gian thi để việc tổ chức
kiểm tra và thi được gọn, mặt khác để sinh viên có thể dành nhiều thì giờ cho
việc ôn tập, chuẩn bị thi được tốt.
Vì kiểm tra nhẹ nhàng hơn thi nên không cần thiết
bố trí cho sinh viên nghỉ học khi kiểm tra.
4. Điều kiện dự thi và kiểm
tra cuối học kỳ, cuối năm học
Những điều kiện dự thi và kiểm tra quy định ở điều
7 (phải hoàn thành chương trình của môn học và làm đầy đủ bài vở) có mục đích
làm cho sinh viên học tập chuyên cần, làm đầy đủ nhiệm vụ học tập và không coi
nhẹ môn học nào, cũng không coi nhẹ phần thực hành, thực tập, bảo đảm chất lượng
học tập.
Đối với những sinh viên thiếu bài học, bài làm,
điều 7 quy định là họ phải học bù và phải làm đủ các bài làm, bài tập bị thiếu
mới được thi hay kiểm tra. Thực hiện điều này có khó khăn trong trường hợp nghỉ
nhiều, thiếu bài nhiều. Vì vậy điều 7 quy định là nếu có lý do chính đáng thì
có thể châm chước và chiếu cố. Điểm quan trọng cần chú ý là cần xét kỹ lý do
nghỉ và vấn đề chủ yếu vẫn là phải bảo đảm chất lượng học tập, nếu chất lượng
không đảm bảo thì không chiếu cố được.
Chương 2:
TỔ CHỨC VÀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ, CUỐI NĂM HỌC
1. Chương trình thi
Các môn học, có môn học trong một học kỳ, có môn
học cả năm, có môn học nhiều học kỳ.
Nếu học trong một học kỳ thì chương trình thi phải
là toàn bộ chương trình đã học trong học kỳ. Nếu học cả năm hay trong nhiều học
kỳ thì thường bố trí kiểm tra và thi xen kẽ, cũng có trường hợp thi làm nhiều lần.
Trong những trường hợp này không lấy kiểm tra thay thế cho thi và chương trình
thi phải là toàn bộ chương trình đã học từ lúc bắt đầu (nếu chưa thi lần nào,
hay chỉ mới kiểm tra) hoặc từ sau lần thi trước (nếu đã có thi rồi) (điều
10).
2. Hình thức kiểm tra cuối
học kỳ, cuối năm học
Để tránh việc biến các kỳ kiểm tra cuối học kỳ,
cuối năm học thành các kỳ thi trá hình, kiểm tra phải tiến hành bằng những hình
thức nhẹ nhàng hơn thi, song như vậy không có nghĩa là kiểm tra kém quan trọng
hơn thi. Cần chú ý là qua kiểm tra phải nắm được một cách chính xác trình độ kiến
thức và trình độ hiểu bài của sinh viên. Để đạt yêu cầu này, có thể dùng những
biện pháp sau đây mà một số trường đã áp dụng.
a)
Kiểm tra toàn lớp bằng hình thức vấn đáp (cho phép sinh viên xem vở ghi chép để
trả lời) hay bằng hình thức làm bài viết (ra câu hỏi tổng hợp và cho phép xem vở
ghi chép, không cho phép xem vở ghi chép, nhưng cho số liệu, công thức cần
nhớ).
b)
Kiểm tra phần lý thuyết bằng cách cho điểm tổng kết những đợt kiểm tra trong học
kỳ, trong năm học, sau các phần quan trọng của chương trình. Hỏi miệng hay ra
bài viết nhẹ nhàng đối với những sinh viên nào còn chưa nắm được trình độ
một cách chính xác.
c)
Kiểm tra phần thực hành, thực tập, bằng cách cho điểm tổng kết các bài tập lớn,
bài thí nghiệm, thiết kế môn học… đã ra trong học kỳ hay trong năm học.
Chương 3:
NGUYÊN TẮC XÉT CHO LÊN LỚP, THI LẠI, HỌC LẠI HAY THÔI HỌC
1. Thi hay kiểm tra lại
Theo quy định ở điều 24, sinh viên thi hay kiểm
tra môn học nào không đạt yêu cầu chỉ được thi hay kiểm tra lại môn đó một lần.
Đó là do yêu cầu về nâng cao chất lượng và cũng là do yêu cầu về tổ chức. Cho
sinh viên thi hay kiểm tra lại nhiều lần không bảo đảm chất lượng học tập và có
thể làm trở ngại cho việc tổ chức giảng dạy và học tập.
2. Vấn đề xử lý những sinh
viên kém về tư cách đạo đức.
Theo quy định ở điều 28 những sinh viên đạt yêu
cầu về các mặt học tập và sức khỏe nhưng về tư cách đạo đức xếp loại kém hay
quá kém sẽ bị xử lý tùy theo mức độ sai lầm, khuyết điểm. Có thể có những trường
hợp như sau:
a)
Tư cách đạo đức kém nhưng có triển vọng tiến bộ, không có sai lầm khuyết điểm
nghiêm trọng: trong trường hợp này sẽ cho lên lớp sau khi đã kiểm điểm sâu sắc
và có thể thêm các biện pháp giáo dục như phê bình, cảnh cáo…
b)
Tư cách đạo đức kém, có sai lầm khuyết điểm nghiêm trọng cần có biện pháp giáo
dục tích cực: trong trường hợp này sẽ áp dụng hình thức đình chỉ học tập có thời
hạn quy định trong quy chế khen thương kỷ luật đối với sinh viên, học sinh các
trưởng đại học và trung cấp chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục đã ban hành. Sau thời
gian về địa phương tham gia lao động sản xuất, nếu có nhiều tiến bộ, có thể xét
và cho lên lớp.
c)
Tư cách đạo đức quá kém, có nhiều sai lầm khuyết điểm nghiêm tọng, các biện
pháp giáo dục đã áp dụng đều không có kết quả; những sinh viên ở trường hợp này
sẽ bị loại ra khỏi trường dù là sinh viên học giỏi.
Trong khi thi hành quy chế tạm thời này, nếu các
trường phát hiện những vấn đề cần nghiên cứu để bổ sung hay sửa đổi quy chế, hoặc
có vấn đề gì chưa rõ cần giải thích thêm, thì phản ánh cho Bộ giáo dục (Vụ Đại
học và trung cấp chuyên nghiệp) để giải quyết.
|
BỘ TRƯỞNG BỘ
GIÁO DỤC
Nguyễn Văn Huyên
|