BỘ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 49/2021/TT-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày 31
tháng 12 năm 2021
|
THÔNG TƯ
BAN
HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG NHÓM TRẺ ĐỘC LẬP, LỚP MẪU GIÁO ĐỘC LẬP, LỚP MẦM
NON ĐỘC LẬP LOẠI HÌNH DÂN LẬP VÀ TƯ THỤC
Căn cứ Luật giáo dục
số 43/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP
ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông
tư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập,
lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục.
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế tổ chức và hoạt động
nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập
và tư thục.
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm
2022. Thông tư này thay thế các quy định đối với nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo
độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục tại Điều
14, Điều 15 Thông tư số 13/2015/TT-BGDĐT ngày 30
tháng 6 năm 2015 ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động trường mầm non tư thục và
Điều 1 Thông tư số 13/2018/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 5 năm 2018 về sửa đổi bổ sung điều 14 của Quy chế tổ chức, hoạt động trường mầm non tư thục ban
hành kèm theo Thông tư số 13/2015/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Giáo dục và
Đào tạo.
Điều 3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương; Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học
và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu; Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo; chủ nhóm trẻ độc
lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục;
các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo Trung Ương;
- Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực;
- HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính Phủ;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Như Điều 3;
- Công báo;
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Cổng TTĐT Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Vụ PC, Vụ GDMN (05 bản).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Ngô Thị Minh
|
QUY CHẾ
TỔ
CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG NHÓM TRẺ ĐỘC LẬP, LỚP MẪU GIÁO ĐỘC LẬP, LỚP MẦM NON ĐỘC LẬP
LOẠI HÌNH DÂN LẬP VÀ TƯ THỤC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 49/2021/TT-BGDĐT ngày 31 tháng 12 năm 2021 của
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và
đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn,
tổ chức và quản lý nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập
loại hình dân lập và tư thục (được gọi chung là cơ sở giáo dục mầm non độc lập);
tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; tài chính, tài sản;
giáo viên và nhân viên; người nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; trẻ em; trách
nhiệm của các cấp quản lý và cơ sở giáo dục mầm non độc lập.
2. Quy chế này áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm
non độc lập; tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục mầm non.
Điều 2. Vị trí của cơ sở giáo
dục mầm non độc lập
Cơ sở giáo dục mầm non độc lập là cơ sở giáo dục mầm
non thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, do nhà đầu tư hoặc cộng đồng dân cư đầu
tư cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện hoạt động.
Điều 3. Nhiệm vụ và quyền hạn
của cơ sở giáo dục mầm non độc lập
1. Xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục
mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; huy động, sử dụng và quản
lý các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giáo dục mầm non, góp phần cùng Nhà nước
chăm lo sự nghiệp giáo dục, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
2. Tổ chức thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc,
giáo dục trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi theo Chương trình giáo dục mầm
non.
3. Bảo đảm việc thực hiện quyền và nhiệm vụ của trẻ
em.
4. Quản lý, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, nhân viên;
người nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; đảm bảo chất lượng nuôi dưỡng, chăm
sóc, giáo dục và an toàn về thể chất, tinh thần cho trẻ em.
5. Quản lý trẻ em; tổ chức giáo dục hòa nhập cho trẻ
em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật (nếu có).
6. Báo cáo định kỳ và đột xuất theo quy định và yêu
cầu của các cơ quan quản lý.
7. Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo
quy định của pháp luật.
Điều 4. Tên, biển tên cơ sở
giáo dục mầm non độc lập
1. Đặt tên cơ sở giáo dục mầm non độc lập
a) Tên cơ sở giáo dục mầm non độc lập gồm:
- Nhóm trẻ độc lập hoặc lớp mẫu giáo độc lập hoặc lớp
mầm non độc lập;
- Tên riêng của cơ sở giáo dục mầm non độc lập.
Tên cơ sở giáo dục mầm non độc lập được ghi trên
quyết định thành lập, biển tên và các giấy tờ giao dịch.
b) Tên riêng của cơ sở giáo dục mầm non độc lập phải
bảo đảm rõ ràng, minh bạch, không gây hiểu sai về tổ chức và hoạt động của cơ sở
giáo dục mầm non độc lập; phù hợp truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần
phong mỹ tục của dân tộc và không trùng với tên riêng của cơ sở giáo dục mầm
non khác trên cùng địa bàn xã, phường, thị trấn.
2. Biển tên cơ sở giáo dục mầm non độc lập gồm những
nội dung sau:
a) Bên trên: Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
(sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) và tên đơn vị cấp xã;
b) Ở giữa: Tên cơ sở giáo dục mầm non độc lập theo
quy định tại khoản 1 của Điều này, nếu sử dụng tên nước ngoài, phải ghi bên dưới
tên tiếng Việt và cỡ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt;
c) Bên dưới: Địa chỉ, số điện thoại, trang web (nếu
có), địa chỉ email, số quyết định cho phép thành lập.
Chương II
TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ
Mục 1. NHÓM TRẺ ĐỘC LẬP QUY MÔ
TỐI ĐA 07 TRẺ
Điều 5. Điều kiện, thủ tục đăng
ký hoạt động, sáp nhập, chia, tách, đình chỉ hoạt động giáo dục, cho phép hoạt
động giáo dục trở lại, giải thể nhóm trẻ độc lập quy mô tối đa 07 trẻ
Thực hiện theo quy định của Chính phủ về điều kiện
đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Điều 6. Chủ nhóm trẻ
1. Chủ nhóm trẻ là cá nhân đứng tên xin phép thành
lập nhóm trẻ độc lập quy mô tối đa 07 trẻ.
2. Tiêu chuẩn
- Là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam;
- Phẩm chất, đạo đức tốt;
- Dưới 65 tuổi;
- Sức khỏe tốt;
- Có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên.
3. Nhiệm vụ và quyền hạn
a) Nhiệm vụ
- Chỉ đạo, điều hành hoạt động nuôi dưỡng, chăm
sóc, giáo dục trẻ em;
- Đối xử công bằng, tôn trọng trẻ em và người nuôi
dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em;
- Chỉ đạo, xây dựng môi trường giáo dục an toàn,
phòng chống tai nạn thương tích;
- Đầu tư và quản lý cơ sở vật chất, thiết bị, đồ
dùng, đồ chơi, học liệu, tài liệu phục vụ hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo
dục trẻ em;
- Bảo đảm các chế độ, chính sách cho trẻ em và người
nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo quy định;
- Thực hiện công khai theo quy định.
b) Quyền hạn
- Được ký hợp đồng lao động với người nuôi dưỡng,
chăm sóc, giáo dục trẻ em theo quy định;
- Được đồng thời làm người nuôi dưỡng, chăm sóc,
giáo dục trẻ em nếu đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định;
- Được phép thỏa thuận mức học phí với cha mẹ hoặc
người giám hộ trẻ em;
- Được tham gia các lớp bồi dưỡng về chính trị,
chuyên môn, nghiệp vụ quản lý;
- Được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định.
Điều 7. Người nuôi dưỡng, chăm
sóc, giáo dục trẻ em
1. Người nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em là
người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong
nhóm trẻ độc lập quy mô tối đa 07 trẻ theo sự thỏa thuận, phân công của chủ
nhóm trẻ.
2. Tiêu chuẩn người nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục
trẻ em trong nhóm trẻ độc lập quy mô tối đa 07 trẻ thực hiện theo quy định của
Chính phủ về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
3. Nhiệm vụ và quyền hạn
a) Nhiệm vụ
- Bảo vệ an toàn về thể chất và tinh thần của trẻ
em trong thời gian trẻ em ở nhóm trẻ độc lập quy mô tối đa 07 trẻ;
- Thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục
trẻ em theo Chương trình giáo dục mầm non;
- Đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của trẻ
em; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em;
- Tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học nuôi dạy
trẻ em cho cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em; chủ động phối hợp với gia đình
của trẻ em để thực hiện mục tiêu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em;
- Tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiệp vụ
nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em;
- Thực hiện quy định của nhóm trẻ độc lập quy mô tối
đa 07 trẻ và các quy định khác của pháp luật.
b) Quyền hạn
- Được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự và thân
thể; được hưởng các quyền lợi về vật chất, tinh thần theo quy định;
- Được tự chủ thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm
sóc, giáo dục trẻ em; được bảo đảm các điều kiện để thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng,
chăm sóc, giáo dục trẻ em;
- Được hưởng chế độ tiền công, tiền lương, đóng bảo
hiểm xã hội và các chế độ khác theo quy định của pháp luật;
- Được tạo điều kiện học tập, bồi dưỡng nâng cao
nghiệp vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm
giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật (nếu tiếp nhận trẻ khuyết tật).
- Được khen thưởng, tặng danh hiệu thi đua và các
danh hiệu khác theo quy định;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Tổ chức nhóm trẻ
1. Trẻ em trong nhóm trẻ độc lập quy mô tối đa 07
trẻ có độ tuổi từ 03 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi.
2. Một người nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em
được trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tối đa 02 trẻ em từ 03 - 12 tháng
tuổi hoặc tối đa 03 trẻ em từ 12 - 36 tháng tuổi.
3. Mỗi nhóm trẻ có không quá 01 trẻ em khuyết tật.
Mục 2. NHÓM TRẺ ĐỘC LẬP QUY MÔ
TRÊN 07 TRẺ, LỚP MẪU GIÁO ĐỘC LẬP, LỚP MẦM NON ĐỘC LẬP
Điều 9. Điều kiện, thủ tục
thành lập, sáp nhập, chia, tách, đình chỉ hoạt động giáo dục, cho phép hoạt động
giáo dục trở lại, giải thể cơ sở giáo dục mầm non độc lập
Thực hiện theo quy định của Chính phủ về điều kiện
đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Điều 10. Cơ cấu tổ chức
Cơ cấu, tổ chức nhóm trẻ độc lập quy mô trên 07 trẻ,
lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập bao gồm: chủ cơ sở; quản lý chuyên
môn; giáo viên, nhân viên (nếu có) và các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo.
Điều 11. Chủ cơ sở
1. Chủ cơ sở là cá nhân hoặc cá nhân đại diện cho tổ
chức đứng tên xin phép thành lập cơ sở giáo dục mầm non độc lập.
2. Tiêu chuẩn
- Là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam;
- Phẩm chất, đạo đức tốt;
- Dưới 65 tuổi;
- Sức khỏe tốt;
- Có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên.
3. Nhiệm vụ và quyền hạn
a) Nhiệm vụ
- Chỉ đạo, điều hành hoạt động nuôi dưỡng, chăm
sóc, giáo dục trẻ em;
- Đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của trẻ
em, giáo viên và nhân viên;
- Chỉ đạo, xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh,
thân thiện, phòng chống bạo lực;
- Đầu tư và quản lý cơ sở vật chất thiết bị, đồ
dùng, đồ chơi, học liệu, tài liệu phục vụ hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục
trẻ em theo quy định;
- Bảo đảm các chế độ, chính sách cho giáo viên,
nhân viên theo quy định;
- Thực hiện công khai theo quy định.
b) Quyền hạn
- Được ký hợp đồng lao động với giáo viên, nhân
viên theo quy định;
- Được đồng thời làm quản lý chuyên môn, giáo viên,
nhân viên nếu đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định;
- Được phép thỏa thuận mức học phí với cha mẹ hoặc
người giám hộ trẻ em;
- Được tham gia các lớp bồi dưỡng về chính trị,
chuyên môn, nghiệp vụ quản lý;
- Được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định.
Điều 12. Quản lý chuyên môn
1. Quản lý chuyên môn do chủ cơ sở giáo dục mầm non
độc lập thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Quản lý chuyên môn có thể được thực
hiện kiêm nhiệm bởi chủ cơ sở, giáo viên hoặc nhân viên nếu đủ tiêu chuẩn theo
quy định.
2. Tiêu chuẩn
- Phẩm chất đạo đức tốt;
- Có sức khỏe tốt;
- Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mầm non trở
lên;
- Có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm trong lĩnh vực
giáo dục mầm non.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn
Quản lý hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ
theo Chương trình giáo dục mầm non, bao gồm:
- Tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch
nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em của cơ sở giáo dục mầm non độc lập theo
Chương trình giáo dục mầm non;
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động nuôi
dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em của giáo viên, nhân viên tại cơ sở giáo dục mầm
non độc lập;
- Đề xuất phân công giáo viên, nhân viên trong việc
thực hiện nhiệm vụ chuyên môn;
- Xây dựng kế hoạch, nội dung sinh hoạt chuyên môn;
tổ chức hướng dẫn chuyên môn và nghiệp vụ cho giáo viên, nhân viên;
- Tham gia đánh giá, xếp loại, đề xuất khen thưởng,
kỷ luật giáo viên, nhân viên theo quy định;
- Chịu trách nhiệm về mọi hoạt động chuyên môn, hồ
sơ sổ sách phục vụ hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em và việc thực
hiện Chương trình giáo dục mầm non;
- Tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý
chuyên môn;
- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được thỏa thuận
trong Hợp đồng Lao động với chủ cơ sở giáo dục mầm non độc lập.
Điều 13. Giáo viên, nhân viên
1. Tiêu chuẩn
a) Giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục mầm
non độc lập phải có đủ các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp; trình độ đào tạo,
bồi dưỡng; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và sức khỏe theo quy định.
b) Giáo viên phải được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm
giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật (nếu tiếp nhận trẻ khuyết tật).
2. Nhiệm vụ
a) Nhiệm vụ của giáo viên
- Bảo vệ an toàn về thể chất và tinh thần của trẻ
em trong thời gian trẻ em ở cơ sở giáo dục mầm non độc lập;
- Thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục
trẻ em theo Chương trình giáo dục mầm non;
- Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo;
đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của trẻ em; bảo vệ các quyền và lợi ích
chính đáng của trẻ em; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp; thực hiện quy tắc ứng xử
của giáo viên, các quy định đạo đức nhà giáo theo quy định;
- Tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học nuôi dạy
trẻ em cho cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ em; chủ động phối hợp với gia đình của
trẻ em để thực hiện mục tiêu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em;
- Tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp
nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em;
- Thực hiện quy định của cơ sở giáo dục mầm non độc
lập và các quy định khác của pháp luật.
b) Nhiệm vụ của nhân viên
- Thực hiện nhiệm vụ được giao theo kế hoạch và sự
phân công của chủ cơ sở giáo dục mầm non độc lập;
- Bảo đảm an toàn cho trẻ em trong ăn, uống và sinh
hoạt tại cơ sở giáo dục mầm non độc lập; tuân thủ các quy định về vệ sinh an
toàn thực phẩm, bảo đảm không để xảy ra ngộ độc đối với trẻ em;
- Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của bản thân
và cơ sở giáo dục mầm non độc lập; đoàn kết, tương trợ giúp đỡ đồng nghiệp; thực
hiện quy tắc ứng xử của nhân viên theo quy định;
- Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao chất
lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em;
- Thực hiện quy định của cơ sở giáo dục mầm non độc
lập và các quy định khác của pháp luật.
c) Ngoài các nhiệm vụ trên, giáo viên, nhân viên cơ
sở giáo dục mầm non độc lập phải thực hiện các nhiệm vụ theo hợp đồng lao động
đã ký với chủ cơ sở giáo dục mầm non độc lập.
3. Quyền của giáo viên, nhân viên
- Được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự và thân
thể, được hưởng các quyền lợi về vật chất, tinh thần theo quy định;
- Được tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với sự
hỗ trợ của quản lý chuyên môn và cơ sở giáo dục mầm non độc lập; được bảo đảm
các điều kiện để thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em;
- Được đồng thời làm quản lý chuyên môn nếu đủ các
điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định;
- Được hưởng chế độ tiền công, tiền lương, đóng bảo
hiểm xã hội và các chế độ khác theo quy định của pháp luật;
- Được tạo điều kiện học tập, bồi dưỡng nâng cao
trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;
- Được khen thưởng, tặng danh hiệu thi đua và các
danh hiệu khác theo quy định;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Tổ chức nhóm trẻ, lớp
mẫu giáo
1. Trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non độc lập được
tổ chức theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo.
a) Đối với nhóm trẻ: Trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 36
tháng tuổi được tổ chức thành các nhóm trẻ. Số lượng trẻ em tối đa trong một
nhóm trẻ được quy định như sau:
- Nhóm trẻ từ 03 - 12 tháng tuổi: 12 trẻ em;
- Nhóm trẻ từ 13 - 24 tháng tuổi: 20 trẻ em;
- Nhóm trẻ từ 25 - 36 tháng tuổi: 25 trẻ em.
b) Đối với lớp mẫu giáo: Trẻ em từ 03 tuổi đến 06
tuổi được tổ chức thành các lớp mẫu giáo. Số lượng trẻ em tối đa trong một lớp
mẫu giáo được quy định như sau:
- Lớp mẫu giáo 3 - 4 tuổi: 25 trẻ em;
- Lớp mẫu giáo 4 - 5 tuổi: 30 trẻ em;
- Lớp mẫu giáo 5 - 6 tuổi: 35 trẻ em.
2. Nếu số lượng trẻ em trong mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu
giáo không đủ 50% so với số trẻ tối đa được quy định tại điểm a, b khoản 1 của
Điều này thì được tổ chức thành nhóm trẻ ghép có không quá 20 trẻ em hoặc lớp mẫu
giáo ghép có không quá 30 trẻ em hoặc lớp mầm non ghép có không quá 22 trẻ em.
3. Mỗi nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo có không quá 01
trẻ em khuyết tật học hòa nhập.
4. Những nơi không đủ số trẻ để bố trí theo nhóm trẻ
hoặc lớp mẫu giáo quy định tại khoản 1 của Điều này thì định mức giáo viên mầm
non sẽ tính trên số trẻ bình quân theo từng độ tuổi của từng nhóm trẻ, lớp mẫu
giáo, cụ thể:
- Đối với nhóm trẻ: 01 giáo viên nuôi dưỡng, chăm
sóc, giáo dục 03 trẻ từ 3 - 12 tháng tuổi hoặc 08 trẻ từ 13 - 24 tháng tuổi hoặc
10 trẻ từ 25 - 36 tháng tuổi;
- Đối với lớp mẫu giáo: 01 giáo viên nuôi dưỡng,
chăm sóc, giáo dục 11 trẻ từ 3 - 4 tuổi hoặc 14 trẻ từ 4 - 5 tuổi hoặc 16 trẻ từ
5 - 6 tuổi;
5. Mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có tối thiểu 02 giáo
viên.
6. Tổng số trẻ em trong một cơ sở giáo dục mầm non
độc lập không quá 70 trẻ em.
Chương III
TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG NUÔI
DƯỠNG, CHĂM SÓC, GIÁO DỤC
Điều 15. Thực hiện Chương
trình giáo dục mầm non
1. Căn cứ Chương trình giáo dục mầm non do Bộ trưởng
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, cơ sở giáo dục mầm non độc lập xây dựng kế hoạch
và tổ chức thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em phù hợp với văn hóa,
điều kiện của địa phương, cơ sở giáo dục mầm non độc lập, nhu cầu của trẻ; bảo
đảm tổ chức đầy đủ các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; linh hoạt tổ
chức các hoạt động vui chơi, tập thể, giao lưu, trải nghiệm cho trẻ hằng ngày.
2. Tổ chức kiểm tra sức khỏe trẻ em: tối thiểu 01 lần
trong một năm học.
3. Đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ em trên
các biểu đồ tăng trưởng theo quy định: mỗi tháng 01 lần đối với trẻ em dưới 24
tháng, 03 tháng 01 lần đối với trẻ em từ 24 tháng tuổi trở lên.
4. Đánh giá sự phát triển của trẻ em theo quy định.
5. Đối với trẻ em khuyết tật học hòa nhập được thực
hiện kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp với khả năng của từng cá
nhân và theo quy định về giáo dục hòa nhập trẻ em khuyết tật.
Điều 16. Hồ sơ phục vụ hoạt động
nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em
1. Hồ sơ phục vụ hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc,
giáo dục trẻ em của cơ sở giáo dục mầm non độc lập gồm:
- Đơn xin học của cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ em;
Giấy khai sinh;
- Sổ quản lý trẻ em;
- Sổ kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục;
- Sổ tính khẩu phần ăn của trẻ;
- Sổ quản lý giáo viên, nhân viên;
- Sổ quản lý tài sản, tài chính;
- Sổ hoạt động chuyên môn.
2. Hồ sơ điện tử được sử dụng thay cho các loại hồ
sơ giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, cơ sở giáo dục mầm
non độc lập và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử. Việc quản lý hồ
sơ điện tử do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định theo chuẩn kết nối, chuẩn dữ liệu
của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chương IV
TÀI CHÍNH, TÀI SẢN
Điều 17. Địa điểm
1. Vị trí đặt cơ sở giáo dục mầm non độc lập bảo đảm
an toàn, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định.
2. Các hạng mục công trình phục vụ trực tiếp cho hoạt
động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em cao không quá 03 tầng.
Điều 18. Cơ sở vật chất
Tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu
a) Phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em: bảo
đảm mỗi nhóm, lớp một phòng; diện tích ít nhất 1,5 m2/trẻ em nhưng
không nhỏ hơn 24m2;
b) Phòng vệ sinh: bảo đảm mỗi nhóm, lớp một phòng;
diện tích ít nhất 0,4m2/trẻ em; trang bị các thiết bị vệ sinh được lắp
đặt phù hợp với độ tuổi. Trường hợp phòng vệ sinh sử dụng chung phải liên kết với
phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em bằng hành lang giao thông, thuận tiện
cho sử dụng và dễ quan sát;
c) Chỗ chơi (trong nhà) diện tích ít nhất 0,5m2/trẻ
em hoặc sân chơi (ngoài trời) diện tích ít nhất 1,0m2/trẻ em;
d) Những nơi có tổ chức ăn cho trẻ em, nhà bếp diện
tích ít nhất 0,3 m2/trẻ em nhưng không nhỏ hơn 10m2; độc
lập hoặc có cửa ngăn cách với phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em;
đ) Có phòng vệ sinh riêng cho giáo viên, nhân viên;
e) Chấn song cửa sổ, lan can cầu thang và các thiết
bị điện bảo đảm an toàn;
g) Có đủ nước uống và nước sinh hoạt hằng ngày cho
trẻ em, chất lượng nguồn nước bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định.
2. Đối với nhóm trẻ độc lập quy mô tối đa 07 trẻ,
tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu: có phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ
em bảo đảm an toàn, đủ ánh sáng tự nhiên, thoáng, mát, có diện tích ít nhất 24m2;
có phòng vệ sinh và thiết bị vệ sinh phù hợp với trẻ em; chấn song cửa sổ, lan
can cầu thang và các thiết bị điện bảo đảm an toàn; có đủ nước uống và nước
sinh hoạt hằng ngày cho trẻ em, chất lượng nguồn nước bảo đảm tiêu chuẩn theo
quy định.
Điều 19. Đồ dùng, đồ chơi, học
liệu, tài liệu và thiết bị dạy học
1. Cơ sở giáo dục mầm non độc lập phải trang bị đồ
dùng, đồ chơi, học liệu, tài liệu và thiết bị dạy học tối thiểu cho trẻ em,
giáo viên và phục vụ dùng chung theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phù hợp
với độ tuổi và số lượng trẻ em mỗi nhóm, lớp.
2. Cơ sở giáo dục mầm non độc lập căn cứ vào yêu cầu,
nguyên tắc lựa chọn đồ chơi, học liệu; kế hoạch thực hiện năm học; kế hoạch thực
hiện chuyên đề hằng năm; nhu cầu thực tiễn các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc,
giáo dục trẻ em để lựa chọn, sử dụng đồ dùng, đồ chơi, học liệu, tài liệu phù hợp,
bảo đảm chất lượng.
3. Khuyến khích các cơ sở giáo dục mầm non độc lập
đầu tư đồ dùng, đồ chơi, học liệu và thiết bị dạy học hiện đại, tiên tiến để
nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Điều 20. Quản lí tài chính,
tài sản
1. Quản lý tài sản của cơ sở giáo dục mầm non độc lập
tuân theo các quy định của pháp luật. Mọi thành viên cơ sở giáo dục mầm non độc
lập có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ tài sản chung.
2. Việc quản lý thu, chi từ các nguồn tài chính của
cơ sở giáo dục mầm non độc lập thực hiện theo quy định hiện hành.
3. Hằng năm, cơ sở giáo dục mầm non độc lập thực hiện
công khai về cơ sở vật chất và thu chi tài chính theo quy định.
Chương V
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ
QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
Điều 21. Trách nhiệm của Sở
Giáo dục và Đào tạo
1. Hướng dẫn, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực
hiện các nội dung theo quy định tại Thông tư này đối với cơ sở giáo dục mầm non
độc lập và các tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền.
2. Hướng dẫn Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện
công tác chuyên môn đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập.
3. Tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có cơ chế,
chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em của
cơ sở giáo dục mầm non độc lập.
4. Khen thưởng hoặc trình cấp có thẩm quyền khen
thưởng các cơ sở giáo dục mầm non độc lập và cá nhân có nhiều thành tích trong
hoạt động giáo dục tại địa phương.
5. Thực hiện thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu
nại, giải quyết tố cáo, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
6. Thực hiện thống kê, thông tin, báo cáo định kỳ
và đột xuất về cơ sở giáo dục mầm non độc lập với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ
Giáo dục và Đào tạo theo quy định.
Điều 22. Trách nhiệm của Phòng
Giáo dục và Đào tạo
1. Hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực
hiện các nội dung theo quy định tại Thông tư này đối với cơ sở giáo dục mầm non
độc lập và các tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền.
2. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức kiểm
tra, đình chỉ hoạt động giáo dục nếu thấy có biểu hiện vi phạm pháp luật tại cơ
sở giáo dục mầm non độc lập; báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp xử
lý kịp thời.
3. Hướng dẫn quản lý nhà nước về giáo dục cho Ủy
ban nhân dân cấp xã.
4. Hướng dẫn, tổ chức thực hiện chuyên môn đối với
cơ sở giáo dục mầm non độc lập; chỉ đạo trường mầm non công lập hỗ trợ chuyên
môn, giám sát các cơ sở giáo dục mầm non độc lập trên địa bàn.
5. Khen thưởng hoặc trình cấp có thẩm quyền khen
thưởng cơ sở giáo dục mầm non độc lập và cá nhân có nhiều thành tích trong hoạt
động giáo dục.
6. Xử lý theo thẩm quyền đối với cơ sở giáo dục mầm
non độc lập, tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Thông tư này.
7. Tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc thực
hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non và huy động trẻ em ra nhóm, lớp đối với
cơ sở giáo dục mầm non độc lập theo nhu cầu thực tế của địa phương.
8. Thực hiện công tác thống kê, thông tin, báo cáo
theo định kỳ và đột xuất về cơ sở giáo dục mầm non độc lập với Ủy ban nhân dân
cấp huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo theo quy định.
Điều 23. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân cấp xã
1. Phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo quản lý
cơ sở giáo dục mầm non độc lập; kiểm tra điều kiện bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng,
chăm sóc, giáo dục của các cơ sở giáo dục mầm non độc lập trên địa bàn.
2. Sắp xếp nhân sự quản lý cơ sở giáo dục mầm non độc
lập; chịu trách nhiệm giải trình về hoạt động giáo dục thuộc phạm vi quản lý.
3. Vận động các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức, cá
nhân hỗ trợ công tác tổ chức hoạt động cơ sở giáo dục mầm non độc lập; xây dựng
cơ chế giám sát đối với hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non độc lập theo
hướng dựa vào cộng đồng, nhằm tạo cơ chế khuyến khích người dân tham gia giám
sát hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại địa phương.
4. Tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc khen
thưởng, động viên, thực hiện chế độ chính sách cho cơ sở giáo dục mầm non độc lập
trên địa bàn; huy động các nguồn lực để hỗ trợ nâng cao chất lượng nuôi dưỡng,
chăm sóc, giáo dục trẻ em của cơ sở giáo dục mầm non độc lập.
5. Giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý theo thẩm
quyền đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tổ chức, cá nhân vi phạm các quy
định của pháp luật.
6. Thực hiện công tác thống kê, thông tin, báo cáo
định kỳ và đột xuất về lĩnh vực giáo dục thuộc thẩm quyền được giao theo yêu cầu
của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Điều 24. Trách nhiệm của cơ sở
giáo dục mầm non độc lập
1. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan quản
lý giáo dục, cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ em về mọi hoạt động của giáo viên,
nhân viên; người nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em và trẻ em trong thời
gian ở cơ sở giáo dục mầm non độc lập.
2. Có trách nhiệm đầu tư và bổ sung đồ dùng, đồ
chơi, học liệu, tài liệu và trang thiết bị hằng năm bảo đảm chất lượng và việc
thực hiện Chương trình giáo dục mầm non theo quy định.
3. Có trách nhiệm phối hợp với gia đình trẻ em và địa
phương để thực hiện hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
4. Tham gia các hoạt động hướng dẫn, bồi dưỡng
chuyên môn theo quy định; phối hợp thực hiện công tác điều tra, thống kê phổ cập
giáo dục mầm non trên địa bàn.
5. Có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức
chính trị - xã hội có liên quan chăm lo sự nghiệp giáo dục mầm non, tuyên truyền
phổ biến kiến thức nuôi dạy trẻ em cho cha mẹ trẻ em và cộng đồng.
Điều 25. Trách nhiệm của gia
đình và xã hội
1. Gia đình có trách nhiệm liên hệ, trao đổi, phối
hợp với cơ sở giáo dục mầm non độc lập về tình hình của trẻ em nhằm phối hợp
trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà; tham gia tích cực các hoạt
động của cơ sở giáo dục mầm non độc lập.
2. Tự nguyện đóng góp trí tuệ, công sức, kinh phí,
vật chất phục vụ việc tăng cường cơ sở vật chất và các hoạt động của cơ sở giáo
dục mầm non độc lập, thực hiện quyền giám sát để sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
3. Tham gia và tạo điều kiện cho trẻ em được tham
gia các hoạt động của cộng đồng với nội dung và hình thức phù hợp góp phần nâng
cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.