BỘ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
27/2023/TT-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày 28
tháng 12 năm 2023
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH VIỆC LỰA CHỌN SÁCH GIÁO KHOA TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng
10 năm 2022 của Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng
9 năm 2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học,
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông
tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối
tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định việc lựa chọn sách giáo
khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, bao gồm: tổ chức và hoạt động của Hội đồng
lựa chọn sách giáo khoa; tổ chức lựa chọn sách giáo khoa; trách nhiệm của cơ
quan, tổ chức có liên quan.
2. Thông tư này áp dụng đối với trường tiểu học,
trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp
học, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục
thường xuyên và các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông,
chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ
thông (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục), các tổ chức và cá nhân có liên
quan.
Điều 2. Nguyên tắc lựa chọn
sách giáo khoa
1. Lựa chọn sách giáo khoa trong danh mục sách giáo
khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng ổn định
trong cơ sở giáo dục.
2. Mỗi khối lớp lựa chọn 01 (một) sách giáo khoa
cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục (bao gồm các nội dung, chuyên đề học tập lựa
chọn nếu có) được thực hiện ở cơ sở giáo dục (sau đây gọi chung là môn học).
3. Việc lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm thực hiện
dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi của học sinh.
Điều 3. Tiêu chí lựa chọn sách
giáo khoa
1. Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa
phương.
2. Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ
sở giáo dục.
Chương II
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA
HỘI ĐỒNG LỰA CHỌN SÁCH GIÁO KHOA
Điều 4. Hội đồng lựa chọn sách
giáo khoa
1. Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo
dục (sau đây gọi tắt là Hội đồng) do Hiệu trưởng cơ sở giáo dục hoặc Giám đốc
trung tâm giáo dục thường xuyên, Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo
dục thường xuyên, người đứng đầu các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo
dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp
trung học phổ thông (sau đây gọi tắt là người đứng đầu) thành lập, giúp người đứng
đầu cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Mỗi cơ sở giáo dục thành lập
01 (một) Hội đồng. Đối với cơ sở giáo dục có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập
01 (một) Hội đồng.
2. Số lượng, cơ cấu thành viên Hội đồng
a) Hội đồng bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó người
đứng đầu; tổ trưởng tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn, phòng chuyên môn (sau đây gọi
chung là tổ chuyên môn), đại diện giáo viên, đại diện Ban đại diện cha mẹ học
sinh của cơ sở giáo dục. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11
(mười một) người. Đối với cơ sở giáo dục có quy mô dưới 10 (mười) lớp, số lượng
thành viên Hội đồng tối thiểu là 05 (năm) người;
b) Cơ cấu Hội đồng bao gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch,
Thư kí và các ủy viên Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu; trong trường
hợp người đứng đầu không được tham gia Hội đồng theo quy định tại khoản 3 Điều
4 của Thông tư này và các trường hợp vắng mặt vì lý do bất khả kháng thì Chủ tịch
Hội đồng là cấp phó của người đứng đầu. Phó Chủ tịch Hội đồng là cấp phó của
người đứng đầu hoặc tổ trưởng tổ chuyên môn. Thư kí Hội đồng được chọn trong số
các ủy viên Hội đồng.
3. Người đã tham gia biên soạn sách giáo khoa hoặc
tham gia chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa (trong danh
mục sách giáo khoa được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt); cha, mẹ,
cha mẹ vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; anh, chị, em ruột và anh, chị, em vợ hoặc
chồng của người đã tham gia biên soạn sách giáo khoa hoặc tham gia chỉ đạo biên
soạn, xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa; người làm việc ở các nhà xuất bản,
các tổ chức có sách giáo khoa không được tham gia Hội đồng.
Điều 5. Nguyên tắc làm việc của
Hội đồng
1. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân
chủ, khách quan, công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
2. Cuộc họp của Hội đồng được coi là hợp lệ khi có
ít nhất 3/4 (ba phần tư) số thành viên tham gia, trong đó có Chủ tịch, Phó Chủ
tịch và Thư kí Hội đồng.
3. Kết quả của mỗi cuộc họp Hội đồng được lập thành
biên bản, trong đó bao gồm đầy đủ các ý kiến của các thành viên và được công
khai tại Hội đồng. Biên bản phải có chữ kí của Chủ tịch và Thư kí Hội đồng.
Điều 6. Nhiệm vụ của Hội đồng
và các thành viên Hội đồng
1. Nhiệm vụ của Hội đồng
a) Tổ chức thẩm định biên bản các cuộc họp của tổ
chuyên môn; các phiếu nhận xét, đánh giá sách giáo khoa của giáo viên; danh mục
sách giáo khoa do các tổ chuyên môn lựa chọn;
b) Tổng hợp, đề xuất với người đứng đầu danh mục
sách giáo khoa do các tổ chuyên môn lựa chọn sau khi đã thẩm định đạt yêu cầu
theo quy định tại Thông tư này.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn của các thành viên Hội đồng
a) Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng:
- Chịu trách nhiệm về hoạt động của Hội đồng, lập kế
hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch làm việc của Hội đồng;
- Tổ chức thực hiện các hoạt động của Hội đồng được
quy định tại khoản 1 Điều này; Phân công nhiệm vụ của Phó Chủ tịch Hội đồng,
Thư ký Hội đồng và các Ủy viên Hội đồng (nội dung phân công được thể hiện bằng
văn bản và được lưu trong hồ sơ làm việc của Hội đồng); Điều hành các cuộc họp
của Hội đồng, chủ trì thông qua biên bản làm việc sau mỗi phiên họp của Hội đồng;
kiến nghị bổ sung, thay đổi thành viên của Hội đồng (nếu cần);
- Xử lý theo thẩm quyền các tình huống phát sinh
trong quá trình lựa chọn sách giáo khoa;
- Chịu trách nhiệm giải trình về việc lựa chọn sách
giáo khoa của cơ sở giáo dục;
- Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy viên Hội đồng;
b) Nhiệm vụ và quyền hạn của Phó Chủ tịch Hội đồng:
- Thực hiện nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng phân công
hoặc ủy quyền; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng về các nhiệm vụ được
giao;
- Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy viên Hội đồng;
c) Nhiệm vụ và quyền hạn của Thư ký Hội đồng:
- Giúp Chủ tịch Hội đồng chuẩn bị nội dung, chương
trình làm việc của Hội đồng;
- Lập biên bản làm việc của Hội đồng;
- Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy viên Hội đồng;
d) Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy viên Hội đồng:
- Tham gia đầy đủ các phiên họp của Hội đồng; trường
hợp vắng mặt phải có văn bản báo cáo và được Chủ tịch Hội đồng đồng ý;
- Thẩm định biên bản các cuộc họp của tổ chuyên
môn, các phiếu nhận xét, đánh giá sách giáo khoa của giáo viên, danh mục sách
giáo khoa do các tổ chuyên môn lựa chọn;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng
phân công.
Chương III
TỔ CHỨC LỰA CHỌN SÁCH
GIÁO KHOA
Điều 7. Quy trình lựa chọn sách
giáo khoa trong cơ sở giáo dục
1. Hội đồng xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn sách
giáo khoa của cơ sở giáo dục; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng.
2. Tổ chức lựa chọn sách giáo khoa tại tổ chuyên
môn
a) Căn cứ vào kế hoạch của Hội đồng và tiêu chí lựa
chọn sách giáo khoa, tổ trưởng tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn
sách giáo khoa cho từng môn học được cơ cấu trong tổ chuyên môn, báo cáo người
đứng đầu trước khi thực hiện;
b) Tổ chức cho toàn bộ giáo viên môn học của cơ sở
giáo dục (bao gồm giáo viên biên chế, hợp đồng, biệt phái, thỉnh giảng, dạy
liên trường) tham gia lựa chọn sách giáo khoa của môn học đó;
c) Chậm nhất 20 ngày trước phiên họp đầu tiên của tổ
chuyên môn, tổ trưởng tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên môn học nghiên cứu
các sách giáo khoa của môn học, viết phiếu nhận xét, đánh giá các sách giáo
khoa môn học theo các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa;
d) Tổ trưởng tổ chuyên môn tổ chức họp với các giáo
viên môn học để thảo luận, bỏ phiếu lựa chọn 01 (một) sách giáo khoa cho môn học
đó. Trường hợp môn học chỉ có 01 sách giáo khoa được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và
Đào tạo quyết định phê duyệt thì tổ chuyên môn lựa chọn sách giáo khoa trong
quyết định, không cần bỏ phiếu.
Sách giáo khoa được lựa chọn bảo đảm có từ 1/2 (một
phần hai) số giáo viên môn học trở lên bỏ phiếu lựa chọn. Trường hợp không có
sách giáo khoa nào đạt từ 1/2 (một phần hai) số giáo viên môn học trở lên bỏ
phiếu lựa chọn thì tổ chuyên môn phải thảo luận, bỏ phiếu lựa chọn lại; sách
giáo khoa được lựa chọn là sách giáo khoa có số giáo viên môn học bỏ phiếu lựa
chọn cao nhất trong lần bỏ phiếu thứ hai. Trong cả 02 (hai) lần bỏ phiếu, nếu
có từ 02 (hai) sách giáo khoa có số giáo viên môn học bỏ phiếu lựa chọn cao nhất
bằng nhau thì tổ trưởng tổ chuyên môn quyết định lựa chọn một trong số sách
giáo khoa có số giáo viên môn học bỏ phiếu lựa chọn cao nhất.
Các cuộc họp của tổ chuyên môn được lập thành biên
bản, ghi đầy đủ ý kiến nhận xét, đánh giá sách giáo khoa của các giáo viên môn
học tham gia lựa chọn, biên bản có chữ kí của tổ trưởng tổ chuyên môn và người
được phân công lập biên bản;
đ) Tổ trưởng tổ chuyên môn tổng hợp kết quả, lập
danh mục sách giáo khoa do tổ chuyên môn lựa chọn có chữ ký của tổ trưởng tổ chuyên
môn và người được phân công lập danh mục sách giáo khoa.
3. Hội đồng họp, thảo luận, đánh giá việc tổ chức lựa
chọn sách giáo khoa của các tổ chuyên môn; thẩm định biên bản họp của tổ chuyên
môn; các phiếu nhận xét, đánh giá sách giáo khoa của giáo viên theo quy định tại
khoản 2 Điều này; tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các tổ chuyên
môn thành biên bản (gồm các nội dung: nhận xét, đánh giá về việc tổ chức lựa chọn
sách giáo khoa của các tổ chuyên môn; danh mục sách giáo khoa được lựa chọn của
các tổ chuyên môn), biên bản có chữ ký của Chủ tịch và Thư kí Hội đồng.
4. Hội đồng đề xuất với người đứng đầu danh mục
sách giáo khoa đã được các tổ chuyên môn lựa chọn đúng theo quy định tại Thông
tư này.
5. Cơ sở giáo dục lập hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa
gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở),
Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông). Hồ sơ gồm:
a) Quyết định thành lập Hội đồng của cơ sở giáo dục;
b) Biên bản họp Hội đồng theo quy định tại khoản 3
Điều này;
c) Danh mục sách giáo khoa được lựa chọn của cơ sở
giáo dục.
Điều 8. Thẩm định hồ sơ, phê
duyệt kết quả lựa chọn sách giáo khoa
1. Phòng Giáo dục và Đào tạo thẩm định hồ sơ lựa chọn
sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Thông tư này; báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo về
kết quả thẩm định và danh mục sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục thuộc phạm
vi quản lý lựa chọn.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định hồ sơ lựa chọn
sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Thông tư này; rà soát báo cáo của các Phòng Giáo
dục và Đào tạo về kết quả thẩm định và danh mục sách giáo khoa của các cơ sở
giáo dục lựa chọn theo quy định tại khoản 1 Điều này; tổng hợp kết quả, lập
danh mục sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục lựa chọn (kèm theo hồ sơ lựa chọn
sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục theo quy định tại khoản 5
Điều 7 Thông tư này), trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt.
3. Căn cứ vào kết quả lựa chọn sách giáo khoa của
các cơ sở giáo dục do Sở Giáo dục và Đào tạo trình, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục lựa chọn.
Điều 9. Nguồn kinh phí tổ chức
lựa chọn sách giáo khoa
Nguồn kinh phí tổ chức lựa chọn sách giáo khoa do
ngân sách nhà nước bảo đảm và giao trong dự toán chi thường xuyên của các đơn vị
theo phân cấp ngân sách nhà nước. Nội dung và mức chi cho các hoạt động lựa chọn
sách giáo khoa thực hiện theo quy định hiện hành. Trường hợp có mức chi đặc thù
ngoài các quy định chung của Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng
nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Điều 10. Công bố danh mục sách
giáo khoa được phê duyệt
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đăng tải trên các phương
tiện thông tin đại chúng danh mục sách giáo khoa được phê duyệt để sử dụng
trong cơ sở giáo dục tại địa phương; Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở
giáo dục thông báo danh mục sách giáo khoa được phê duyệt đến giáo viên, học
sinh, cha mẹ học sinh trước ngày 30 tháng 4 hằng năm.
Điều 11. Điều chỉnh, bổ sung
danh mục lựa chọn sách giáo khoa
1. Trong quá trình sử dụng, căn cứ các kiến nghị của
giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh (nếu có), cơ sở giáo dục báo cáo, đề xuất
Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở), Sở
Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông) về việc điều chỉnh, bổ
sung danh mục sách giáo khoa.
2. Việc điều chỉnh, bổ sung danh mục sách giáo khoa
đã được phê duyệt thực hiện theo quy trình lựa chọn sách giáo khoa quy định tại
Thông tư này.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Căn cứ tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa quy định
tại Điều 3 của Thông tư này, quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn
sách giáo khoa.
2. Căn cứ các quy định tại Chương II, Chương III của
Thông tư này, chỉ đạo cơ quan quản lý giáo dục hướng dẫn các cơ sở giáo dục lựa
chọn sách giáo khoa và sử dụng sách giáo khoa.
3. Quyết định phê duyệt danh mục lựa chọn sách giáo
khoa của các cơ sở giáo dục tại địa phương.
4. Bảo đảm nguồn kinh phí, cơ sở vật chất để tổ chức
lựa chọn sách giáo khoa.
5. Công khai, minh bạch các thông tin lựa chọn sách
giáo khoa và giải trình trước dư luận về quyết định việc lựa chọn sách giáo
khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục trên địa bàn.
6. Chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc tổ chức lựa chọn
sách giáo khoa theo quy định của pháp luật.
Điều 13. Sở Giáo dục và Đào tạo
1. Giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn
sách giáo khoa, bao gồm các nhiệm vụ sau:
a) Căn cứ vào quy định tại Điều 3 của
Thông tư này, tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể tiêu chí lựa
chọn sách giáo khoa;
b) Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra các cơ sở giáo dục
thuộc thẩm quyền quản lý lựa chọn sách giáo khoa và sử dụng sách giáo khoa theo
quy định;
c) Lập, tổng hợp dự toán kinh phí, đề xuất cơ sở vật
chất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để bố trí cho hoạt động tổ chức lựa chọn
sách giáo khoa;
d) Thẩm định hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa của các
cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại khoản 5
Điều 7 Thông tư này; rà soát báo cáo của các Phòng Giáo dục và đào tạo về kết
quả thẩm định và danh mục sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục lựa chọn; tổng
hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục, trình Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt.
2. Thông báo đến các cơ sở giáo dục danh mục sách
giáo khoa được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lựa chọn phê duyệt.
3. Báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về danh mục sách
giáo khoa được lựa chọn; cung cấp thông tin bằng văn bản cho các tổ chức, nhà
xuất bản có sách giáo khoa được lựa chọn về danh mục, số lượng sách giáo khoa mỗi
tổ chức, nhà xuất bản cần cung ứng cho các cơ sở giáo dục tại địa phương cùng
thời điểm công bố danh mục sách giáo khoa được phê duyệt theo quy định tại Điều 10 Thông tư này.
4. Thực hiện thanh tra, kiểm tra việc tổ chức lựa
chọn và sử dụng sách giáo khoa theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Ủy ban nhân dân huyện,
quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung
ương
1. Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, kiểm
tra các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý tổ chức lựa chọn sách giáo
khoa.
2. Bảo đảm nguồn kinh phí, cơ sở vật chất để tổ chức
lựa chọn sách giáo khoa.
3. Thực hiện thanh tra, kiểm tra việc tổ chức lựa
chọn và sử dụng sách giáo khoa theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Phòng Giáo dục và Đào
tạo
1. Hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục thuộc thẩm
quyền quản lý tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Thẩm định hồ sơ lựa chọn sách
giáo khoa của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Thông tư này; tổng hợp, báo cáo Sở Giáo dục và
Đào tạo danh mục lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi
quản lý.
2. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý
thông báo danh mục sách giáo khoa đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đến
giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh; hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa theo quy
định.
3. Đề xuất dự toán với Ủy ban nhân dân huyện, quận,
thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương để
bố trí nguồn kinh phí, cơ sở vật chất để các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản
lý tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.
4. Thực hiện kiểm tra các cơ sở giáo dục thuộc phạm
vi quản lý về việc tổ chức lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa theo quy định của
pháp luật.
Điều 16. Cơ sở giáo dục
1. Tổ chức lựa chọn sách giáo khoa theo quy định tại
Thông tư này.
2. Thông báo danh mục sách giáo khoa được Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh phê duyệt sử dụng trong cơ sở giáo dục đến giáo viên, học
sinh, cha mẹ học sinh.
3. Sử dụng hiệu quả sách giáo khoa trong quá trình
dạy học; hướng dẫn giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh sử dụng sách giáo khoa
theo quy định.
4. Tổng hợp các kiến nghị của giáo viên, học sinh
và cha mẹ học sinh (nếu có) về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục sách giáo khoa
đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo
(đối với cấp trung học phổ thông), Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp tiểu
học và cấp trung học cơ sở) trước khi tổ chức thực hiện theo quy định tại Thông
tư này.
5. Chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý giáo
dục, học sinh, cha mẹ học sinh về việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở
giáo dục theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này.
6. Xây dựng dự toán và trình cấp có thẩm quyền phê
duyệt kinh phí tổ chức lựa chọn sách giáo khoa theo quy định của Luật Ngân sách
nhà nước.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12
tháng 02 năm 2024.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số
25/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Điều 18. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ
trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên và Thủ trưởng
các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các cấp, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo, người
đứng đầu các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Bộ Tư pháp (Cục KTVBQPPL);
- Bộ trưởng;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công báo;
- Như Điều 18;
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Vụ GDTrH, Vụ GDTH, Vụ GDTX, Vụ PC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Phạm Ngọc Thưởng
|