Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 24/2015/TT-BGDĐT Quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học

Số hiệu: 24/2015/TT-BGDĐT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo Người ký: Bùi Văn Ga
Ngày ban hành: 23/09/2015 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Thông tư 24/2015/TT-BGDĐT Quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học với các nội dung như: Tiêu chuẩn cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia; Quy trình đánh giá, công nhận đạt chuẩn quốc gia; Chứng nhận và Thu hồi Chứng nhận đạt chuẩn quốc gia ban hành ngày 23/09/2015.

 

Cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia phải đảm bảo 7 tiêu chuẩn quy định tại Điều 3 Thông tư 24. Trong đó:

- Tiêu chuẩn 1: Đất đai, cơ sở vật chất và thiết bị

+ Diện tích đất cơ sở giáo dục đại học được giao ít nhất 25m2/1 sinh viên, diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo ít nhất 3m²/1 sinh viên.

+ Về công trình xây dựng, Thông tư số 24/2015/BGDĐT quy định phải đảm bảo tiêu chuẩn Quốc gia về thiết kế trường đại học.

+ Có đủ các phương tiện, trang thiết bị cần thiết; trường đại học đạt chuẩn phải có cơ sở thực hành và trang thiết bị chuyên biệt theo các ngành đặc thù.

+ Thư viện cở sở giáo dục đại học và trung tâm thông tin học liệu trường đại học có đủ giáo trình, sách tham khảo; Có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin kết nối tất cả các đơn vị liên quan

- Tiêu chuẩn 2 của trường đại học đạt chuẩn quốc gia: Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên và cán bộ quản lý

+ Giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý trường đại học theo Thông tư 24/2015/TT-BGDĐT phải đáp ứng các tiêu chuẩn của từng vị trí.

+ Giảng viên đại học cơ hữu dạy ít nhất 80% khối lượng kiến thức của mỗi chương trình đào tạo.

+ Không quá 10-20 sinh viên/giảng viên đại học cơ hữu tùy ngành.

+ Giảng viên và nghiên cứu viên cơ hữu các cơ sở giáo dục đại học có trình độ tiến sĩ chiếm ít nhất 10- 40% tổng số giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu tùy định hướng nghiên cứu, ứng dụng hay thực hành.

Thông tư 24 còn quy định riêng đối với ngành, chuyên ngành đào tạo theo định hướng nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu tỷ lệ này không thấp hơn 50%.

+ Đối với cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, tỷ lệ giảng viên, nghiên cứu viên có chức danh giáo sư và phó giáo sư trong tổng số giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ chiếm ít nhất 30%.

- Tiêu chuẩn 3: Chương trình đào tạo và hoạt động đào tạo của trường đại học đạt chuẩn quốc gia quy định tại Thông tư 24/2015 Bộ Giáo dục Đào tạo:

+ Quy mô, ngành nghề và các trình độ đào tạo phù hợp với quy định phân tầng các cơ sở giáo dục đại học và yêu cầu nhân lực của địa phương và cả nước.

+ Chương trình đào tạo đại học được cập nhập thường xuyên; các chương trình đào tạo chất lượng cao, bằng tiếng nước ngoài và đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đều có chương trình đào tạo tham khảo các nước phát triển;

+ Thông tư số 24/2015/TT-BGDĐT còn quy định các trường đại học phải công khai chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo đại học;

+ Tổ chức và quản lý đào tạo tín chỉ đối với toàn bộ các chương trình đào tạo đại học.

+ Có ít nhất 10% thời lượng của chương trình đào tạo đại học cho giảng dạy, báo cáo chuyên đề với sự tham gia của các giảng viên thỉnh giảng, báo cáo viên có uy tín hoặc kinh nghiệm thực tế.

+ Số lượng chương trình đào tạo đại học chất lượng cao, các chương trình liên kết chiếm ít nhất 10% tổng số chương trình đào tạo (trừ ngành đặc thù).

Ngoài ra, Thông tư số 24/2015 còn quy định các tiêu chuẩn về hoạt động khoa học và công nghệ và hợp tác quốc tế, tài chính của các trường đại học, kết quả xếp hạng của cơ sở giáo dục đại học, sự hài lòng của sinh viên và của người sử dụng lao động, kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học. Thông tư 24 có hiệu lực từ ngày 9/11/2015.

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24 /2015/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 23 tháng 9 năm 2015

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHUẨN QUỐC GIA ĐỐI VỚI CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 04 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học; quy trình đánh giá, hồ sơ đăng ký công nhận đạt chuẩn quốc gia; cấp và thu hồi chứng nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia.

2. Thông tư này áp dụng đối với các đại học, trường đại học (bao gồm cả các trường đại học thành viên của đại học quốc gia, đại học vùng), học viện (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục đại học), các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học là bộ tiêu chuẩn bao gồm những tiêu chí và mức tối thiểu phải đạt được làm căn cứ để các cơ quan chức năng đánh giá, công nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia và xây dựng chính sách phù hợp đối với các cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia.

2. Tiêu chí là nội dung chi tiết cụ thể của mỗi tiêu chuẩn đánh giá, được quy định thành từng Điểm trong các Khoản thuộc Điều 3 của Thông tư này.

3. Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo là tổng diện tích sàn của các hạng mục: hội trường, giảng đường, phòng học các loại, thư viện, trung tâm học liệu, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng thực tập, nhà tập đa năng, phòng làm việc của giáo sư, phòng làm việc của giảng viên các bộ môn.

4. Sinh viên bao gồm học sinh, sinh viên chính quy, học viên cao học và nghiên cứu sinh đang học tập, nghiên cứu tại cơ sở giáo dục đại học.

5. Nhóm giảng dạy-nghiên cứu là nhóm giảng viên, nghiên cứu viên cùng chuyên ngành hay có chuyên ngành gần nhau, cùng nghiên cứu chuyên sâu về một lĩnh vực, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, làm việc trong phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu được trang bị đồng bộ các trang thiết bị cần thiết phục vụ giảng dạy và nghiên cứu, có quan hệ hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế cùng lĩnh vực.

Điều 3. Tiêu chuẩn cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia

1. Tiêu chuẩn 1: Đất đai, cơ sở vật chất và thiết bị

a) Diện tích đất cơ sở giáo dục đại học được giao ít nhất 25m2/1 sinh viên, diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo ít nhất 3m²/1 sinh viên.

b) Các hạng mục công trình xây dựng đảm bảo tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) về thiết kế công trình trường đại học hiện hành.

c) Có đủ các phương tiện, trang thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu về đào tạo và nghiên cứu khoa học; có cơ sở thực hành và trang thiết bị chuyên biệt theo yêu cầu đảm bảo chất lượng đối với các ngành, chuyên ngành đào tạo đặc thù.

d) Thư viện và trung tâm thông tin học liệu có đủ giáo trình, sách tham khảo cần thiết cho các chương trình đào tạo; có bản quyền truy cập ít nhất 1 cơ sở dữ liệu khoa học quốc tế và có ít nhất 1 tạp chí khoa học quốc tế (bản in hay bản điện tử) đối với mỗi ngành đào tạo.

đ) Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin kết nối tất cả các đơn vị liên quan đảm bảo tính sẵn sàng truy cập thông tin và sử dụng theo phân cấp quản lý của cơ sở giáo dục đại học; trang thông tin điện tử có đầy đủ các thông tin cần phải công khai theo quy định của pháp luật và các thông tin cần thiết khác về cơ cấu tổ chức và các mặt hoạt động của cơ sở giáo dục đại học cho sinh viên và những người quan tâm tra cứu.

2. Tiêu chuẩn 2: Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên và cán bộ quản lý

a) Giảng viên cơ hữu, nghiên cứu viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng và cán bộ quản lý đáp ứng các tiêu chuẩn của từng vị trí công tác theo quy định của các văn bản pháp luật có liên quan.

b) Giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy ít nhất 80% khối lượng kiến thức của mỗi chương trình đào tạo.

c) Tỉ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu xác định theo ngành đào tạo đảm bảo không quá 10 sinh viên/giảng viên đối với nhóm ngành nghệ thuật, thể dục thể thao; 15 sinh viên/giảng viên đối với nhóm ngành y-dược và 20 sinh viên/giảng viên đối với các nhóm ngành khác.

d) Giảng viên cơ hữu và nghiên cứu viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ chiếm ít nhất 40% tổng số giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu đối với cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, 25% đối với cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng và 10% đối với cơ sở giáo dục đại học định hướng thực hành.

Riêng đối với ngành, chuyên ngành đào tạo theo định hướng nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu tỷ lệ này không thấp hơn 50%.

đ) Đối với cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, tỷ lệ giảng viên, nghiên cứu viên có chức danh giáo sư và phó giáo sư trong tổng số giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ chiếm ít nhất 30%.

3. Tiêu chuẩn 3: Chương trình đào tạo và hoạt động đào tạo

a) Quy mô, ngành nghề và các trình độ đào tạo phù hợp với quy định phân tầng các cơ sở giáo dục đại học và đáp ứng yêu cầu đào tạo, phát triển nhân lực của địa phương và cả nước ở từng giai đoạn cụ thể.

b) Chương trình đào tạo được cập nhập thường xuyên; các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình giảng dạy bằng tiếng nước ngoài và chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đều có chương trình đào tạo tham khảo tương ứng của các nước phát triển đã được kiểm định bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận; có khối lượng kiến thức chuyên ngành tương đương với chương trình tham khảo; công khai nội dung các chương trình đào tạo và xuất xứ chương trình tham khảo trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo.

c) Công khai chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo; có công cụ, phương pháp đánh giá đảm bảo lượng hoá được các tiêu chí của chuẩn đầu ra đã cam kết.

d) Tổ chức và quản lý đào tạo theo hệ thống tín chỉ đối với toàn bộ các chương trình đào tạo theo các hình thức giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.

đ) Có ít nhất 10% thời lượng của chương trình đào tạo dành cho hoạt động giảng dạy, báo cáo chuyên đề, tọa đàm chuyên môn, hội thảo với sự tham gia của các giảng viên thỉnh giảng, báo cáo viên có uy tín hoặc kinh nghiệm thực tế ở trong nước hoặc nước ngoài.

e) Số lượng chương trình đào tạo chất lượng cao, các chương trình liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đã được các tổ chức kiểm định nước ngoài hoặc được cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục của nước đó công nhận và số chương trình có thỏa thuận công nhận tín chỉ, đồng cấp bằng với cơ sở giáo dục đại học nước ngoài chiếm ít nhất 10% tổng số chương trình đào tạo (trừ các cơ sở giáo dục đại học đào tạo chủ yếu các ngành đặc thù).

4. Tiêu chuẩn 4: Hoạt động khoa học và công nghệ và hợp tác quốc tế

a) Cơ cấu hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ đáp ứng quy định về phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học.

b) Mỗi ngành đào tạo có ít nhất 1 nhóm giảng dạy-nghiên cứu đảm bảo kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

c) Có ít nhất 90% giảng viên cơ hữu thực hiện đầy đủ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và có kết quả theo quy định hiện hành đối với các chức danh giảng viên tương ứng.

d) Có ít nhất 40% học viên cao học và nghiên cứu sinh tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ.

đ) Dành ít nhất 4% kinh phí từ nguồn thu học phí để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên.

e) Có tổ chức nghiên cứu và phát triển hoặc tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ hoặc doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

g) Có tạp chí khoa học chuyên ngành được xuất bản trực tuyến hoặc bản in.

h) Công khai khung giám sát, đánh giá chi phí, hiệu quả, tác động, tính bền vững của các đề tài, chương trình, dự án nghiên cứu và triển khai của cơ sở giáo dục đại học.

i) Có ít nhất 5 chương trình hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với các trường đại học của các nước phát triển và 3 chương trình hợp tác đào tạo, trao đổi sinh viên với các trường đại học nước ngoài.

5. Tiêu chuẩn 5: Tài chính

a) Đảm bảo ít nhất 80% chi thường xuyên bằng nguồn thu sự nghiệp và nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (bao gồm cả nguồn ngân sách cấp bù cho các đối tượng sinh viên được miễn học phí theo quy định hiện hành).

b) Đảm bảo ít nhất 50% chi đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng viên, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác bằng nguồn thu sự nghiệp và nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

c) Đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người học theo quy định hiện hành.

d) Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về tài chính, kế toán và kiểm toán.

đ) Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, thuế đối với Nhà nước và các quy định pháp luật về tài chính, kế toán.

6. Tiêu chuẩn 6: Kiểm định chất lượng giáo dục

a) Đã được kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và giấy chứng nhận đạt chất lượng còn thời hạn tính đến thời điểm xét công nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia.

b) Đã có ít nhất 30% tổng số các chương trình đào tạo được kiểm định bởi một tổ chức kiểm định của Việt Nam hoặc một tổ chức kiểm định quốc tế được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.

7. Tiêu chuẩn 7: Kết quả xếp hạng

Được xếp hạng 1 theo quy định của khung xếp hạng cơ sở giáo dục đại học hiện hành tại thời điểm đề nghị công nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia và duy trì trong thời gian chứng nhận đạt chuẩn quốc gia còn hiệu lực.

8. Tiêu chuẩn 8: Sự hài lòng của sinh viên và của người sử dụng lao động

Trong khoảng thời gian 12 tháng tính đến thời điểm cơ sở giáo dục đại học nộp hồ sơ đăng ký công nhận đạt chuẩn quốc gia:

a) 70% số sinh viên tốt nghiệp có việc làm phù hợp với chuyên môn được đào tạo sau 1 năm kể từ khi tốt nghiệp.

b) 80% số sinh viên năm cuối hài lòng về chương trình đào tạo và môi trường học tập, nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học.

c) 80% số cựu sinh viên được lấy ý kiến của 3 khoá tốt nghiệp gần nhất hài lòng về tính thực tiễn của chương trình đào tạo, khả năng thích nghi của sinh viên tốt nghiệp với môi trường công tác với số mẫu lấy ý kiến ít nhất là 10% số lượng sinh viên tốt nghiệp và không ít hơn 50 phiếu cho mỗi khoá đào tạo.

d) 70% người sử dụng lao động được lấy ý kiến có tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp trong 3 năm gần nhất hài lòng về chất lượng sinh viên tốt nghiệp với số mẫu lấy ý kiến ít nhất là 10 cho mỗi lĩnh vực đào tạo.

Điều 4. Quy trình đánh giá cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia

1. Cơ sở giáo dục đại học xây dựng báo cáo tự đánh giá căn cứ vào các tiêu chuẩn quy định tại Điều 3 của Thông tư này và gửi hồ sơ đăng ký công nhận đạt chuẩn quốc gia về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ định một Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có uy tín và kinh nghiệm kiểm định (sau đây gọi là Tổ chức đánh giá cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia) triển khai đánh giá, kiểm tra thực tế tại cơ sở giáo dục đại học theo các tiêu chuẩn quy định tại Điều 3 của Thông tư này.

3. Tổ chức đánh giá cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia triển khai đánh giá thực tế tại cơ sở theo các tiêu chuẩn quy định tại Điều 3 của Thông tư này và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo kết quả đánh giá.

4. Căn cứ vào hồ sơ đăng ký công nhận chuẩn quốc gia của cơ sở đào tạo và kết quả đánh giá của Tổ chức đánh giá cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét việc công nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia.

Điều 5. Hồ sơ đăng ký công nhận đạt chuẩn quốc gia

1. Hồ sơ đăng ký công nhận đạt chuẩn quốc gia gồm:

a) Tờ trình của cơ sở giáo dục đại học đề nghị được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó ghi rõ đề nghị việc công nhận đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chuẩn đối với cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng hay định hướng thực hành;

b) Các tài liệu minh chứng về sứ mạng, mục tiêu phù hợp với đề nghị trong Tờ trình; cơ cấu tổ chức và các văn bản do cơ sở giáo dục đại học ban hành theo quy định của Luật Giáo dục đại học, Điều lệ trường đại học và các quy định của pháp luật liên quan;

c) Báo cáo kết quả tự đánh giá đạt chuẩn của cơ sở giáo dục đại học được Hội đồng trường hoặc Hội đồng quản trị thông qua.

2. Hồ sơ làm thành 2 bộ gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện đến Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 6. Công nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia

1. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ của cơ sở giáo dục đại học theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi công văn kèm theo một bộ hồ sơ của cơ sở đào tạo đến Tổ chức đánh giá cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia để triển khai đánh giá, kiểm tra thực tế tại cơ sở giáo dục đại học.

2. Trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chỉ định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổ chức đánh giá cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia tiến hành đánh giá, kiểm tra thực tế tại cơ sở giáo dục đại học và gửi kết quả đánh giá về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Căn cứ vào hồ sơ và kết quả đánh giá của Tổ chức đánh giá cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia, trong thời hạn 10 ngày làm việc, trường hợp đặc biệt không quá 20 ngày làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ:

a) Ra quyết định công nhận và cấp chứng nhận đạt chuẩn quốc gia cho cơ sở giáo dục đại học nếu đáp ứng ít nhất 90% tổng số tiêu chí của các tiêu chuẩn quy định tại Điều 3 của Thông tư này; trong đó, không có tiêu chuẩn nào đạt thấp hơn 80% tổng số tiêu chí của tiêu chuẩn đó;

b) Có công văn trả lời cơ sở giáo dục đại học trong trường hợp chưa đáp ứng được quy định tại Điểm a, Khoản này.

Điều 7. Giá trị của Chứng nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia

1. Chứng nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia có giá trị trong thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp. Trong thời gian Chứng nhận cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia có hiệu lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện kiểm tra định kỳ các điều kiện đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại Điều 3 của Thông tư này đối với cơ sở giáo dục đại học.

2. Nội dung các thông tin ghi trên Chứng nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia được quy định tại Phụ lục kèm theo thông tư này.

Điều 8. Thu hồi Chứng nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia

1. Chứng nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia bị thu hồi trong các trường hợp sau:

a) Cơ sở giáo dục đại học gian lận để được công nhận đạt chuẩn quốc gia;

b) Cơ sở giáo dục đại học không còn đáp ứng điều kiện quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 6 của Thông tư này trong thời gian Chứng nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia còn hiệu lực qua các đợt kiểm tra định kỳ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thu hồi Chứng nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia.

Điều 9. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học

1. Xây dựng kế hoạch đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại Điều 3 của Thông tư này để được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

2. Chuẩn bị hồ sơ và thực hiện quy trình đăng ký đạt chuẩn quốc gia theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Thông tư này 6 tháng trước khi chứng nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia hết giá trị nếu có nguyện vọng.

3. Lưu trữ các hồ sơ liên quan đến việc đánh giá và công nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia trong thời gian chứng nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia có hiệu lực.

Điều 10. Trách nhiệm của Tổ chức đánh giá cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia

1. Tổ chức đoàn đánh giá, kiểm tra thực tế mức độ đạt các tiêu chuẩn quy định tại Điều 3 của Thông tư này của cơ sở giáo dục đại học và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá.

2. Cung cấp hồ sơ, tài liệu đánh giá theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

3. Lưu trữ hồ sơ, tài liệu về quá trình đánh giá cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia theo quy định pháp luật về lưu trữ.

Điều 11. Điều khoản thi hành

1. Thông tư có hiệu lực từ ngày 9 tháng 11 năm 2015.

2. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục đại học, Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc các đại học, học viện, Hiệu trưởng các trường đại học và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.


Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- UBVHGDTNTN&NĐ của Quốc hội;
- Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các cơ sở giáo dục đại học;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ GD&ĐT;
- Lưu: VT, Vụ PC, Vụ GDĐH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Bùi Văn Ga

Phụ lục: Mẫu chứng nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia

(Kèm theo Thông tư số 24/2015/TT-BGDĐT ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

1. Kích thước:

- Chiều dài: 360mm, chiều rộng: 270mm.

- Hoa văn bên trong: Chiều dài 290 mm, chiều rộng 210 mm.

2. Hình thức: Xung quanh trang trí hoa văn màu, chính giữa phía trên in Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Nội dung:

- Dòng 1, 2: Quốc hiệu 1.

Khoảng trống

- Dòng 3: Giấy chứng nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia2.

- Dòng 4: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo3.

- Dòng 5: Công nhận 4.

- Dòng 6: Tên cơ sở giáo dục đại học5.

- Dòng 7: Địa chỉ6.

Khoảng trống

- Dòng 8: Là cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia7.

- Dòng 9: Giấy chứng nhận này có giá trị 5 năm, kể từ ngày, tháng, năm8.

Khoảng trống

- Dòng 10:        + Bên trái: Quyết định số, ngày, tháng, năm9.

+ Bên phải: Địa danh, ngày, tháng, năm10.

- Dòng 11:        + Bên trái: Vào sổ số11.

+ Bên phải: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo12.

Khoảng trống (3,5 cm): Chữ ký, dấu

- Dòng 12: Họ và tên người ký quyết định13.

____________________

1 Quốc hiệu:

- Dòng chữ: "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" (chữ in đậm).

- Dòng chữ: "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" (chữ thường, đậm).

2 Chữ in đậm.

3 Chữ in.

4 Chữ in đậm.

5 Chữ thường.

6 Chữ thường.

7 Chữ thường.

8 Chữ thường.

9 Chữ thường.

10 Chữ thường.

11 Chữ thường.

12 Chữ in đậm.

13 Chữ in đậm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo thiết kế cỡ chữ, hoa văn trong nội dung, đảm bảo hình thức đẹp, trang trọng.

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

GIẤY CHỨNG NHẬN CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

CÔNG NHẬN

Đại học/Trường đại học/Học viện ……………………

Địa chỉ: ………………………………………………

Là cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia.

Giấy chứng nhận này có giá trị 5 năm, kể từ ngày      tháng     năm

Quyết định số:                 ngày      /      /                            Hà Nội, ngày     tháng     năm

Vào sổ số:             /QĐ-CNCQG                                                  BỘ TRƯỞNG

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 24/2015/TT-BGDĐT ngày 23/09/2015 Quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


19.433

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.72.44
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!