BỘ GIÁO DỤC
VÀ ĐÀO TẠO
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
09/2021/TT-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày
30 tháng 03 năm 2021
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC DẠY HỌC TRỰC TUYẾN TRONG
CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG VÀ CƠ SỞ GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính
phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2018 của
Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính
phủ quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;
Theo đề nghị của Vụ trưởng
Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục
Thường xuyên, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và
Đào tạo ban hành Thông tư quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến
trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.
Chương
I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về quản
lý và tổ chức dạy học trực tuyến chương trình giáo dục phổ thông, chương trình
giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông (sau đây gọi
chung là chương trình giáo dục phổ thông), bao gồm: tổ chức dạy học và các hoạt
động giáo dục (sau đây gọi chung là dạy học) trực tuyến; hạ tầng kỹ thuật dạy học
trực tuyến; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Thông tư này áp dụng đối với
cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên và cơ sở giáo dục khác thực
hiện chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp
trung học cơ sở, trung học phổ thông (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục phổ
thông); giáo viên; học sinh, học viên (sau đây gọi chung là học sinh); tổ chức,
cá nhân có liên quan.
Điều 2.
Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ
dưới đây được hiểu như sau:
1. Hệ thống dạy học trực
tuyến là hệ thống phần mềm dạy học trực tuyến và hạ tầng công nghệ thông
tin (sau đây gọi chung là hạ tầng kỹ thuật dạy học trực tuyến) cho phép quản lý
và tổ chức dạy học thông qua môi trường Internet, bao gồm: phần mềm tổ chức dạy
học trực tuyến trực tiếp; hệ thống quản lý học tập trực tuyến; hệ thống quản lý
nội dung học tập trực tuyến.
2. Dạy học trực tuyến
là hoạt động dạy học được tổ chức thực hiện trên hệ thống dạy học trực tuyến.
3. Dạy học trực tuyến hỗ
trợ dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông là hình thức dạy học trực
tuyến thực hiện một phần nội dung bài học hoặc chủ đề trong chương trình giáo dục
phổ thông để hỗ trợ dạy học trực tiếp bài học hoặc chủ đề đó tại cơ sở giáo dục
phổ thông.
4. Dạy học trực tuyến thay
thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông là hình thức dạy học trực
tuyến thực hiện toàn bộ nội dung bài học hoặc chủ đề trong chương trình giáo dục
phổ thông để thay thế dạy học trực tiếp bài học hoặc chủ đề đó tại cơ sở giáo dục
phổ thông.
Điều 3. Mục
đích dạy học trực tuyến
1. Hỗ trợ hoặc thay thế dạy học
trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông giúp cơ sở giáo dục phổ thông nâng cao
chất lượng dạy học và hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
2. Phát triển năng lực sử dụng
công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học; thúc đẩy chuyển đổi số
trong ngành Giáo dục.
3. Mở rộng cơ hội tiếp cận
giáo dục cho học sinh, tạo điều kiện để học sinh được học ở mọi nơi, mọi lúc.
Điều 4.
Nguyên tắc dạy học trực tuyến
1. Nội dung dạy học trực tuyến
phải đáp ứng mức độ cần đạt hoặc yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ
thông.
2. Bảo đảm các điều kiện tối
thiểu về hạ tầng kỹ thuật dạy học trực tuyến và đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu
tổ chức dạy học trực tuyến.
3. Tuân thủ các quy định hiện
hành về an toàn thông tin, quy định về dữ liệu, thông tin cá nhân, sở hữu trí
tuệ theo các quy định của pháp luật.
Chương
II
TỔ CHỨC DẠY HỌC
TRỰC TUYẾN
Điều 5.
Hoạt động dạy học trực tuyến
1. Hoạt động dạy học trực tuyến
được thực hiện theo các bài học hoặc chủ đề trong chương trình giáo dục phổ
thông, bảo đảm sự tương tác giữa giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học.
2. Học sinh học tập trực tuyến
thực hiện các hoạt động chính sau: tham dự giờ học trực tuyến do giáo viên tổ
chức; thực hiện các hoạt động học tập và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của
giáo viên; khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến; đặt câu hỏi
và trả lời câu hỏi đối với giáo viên và các học sinh khác.
3. Giáo viên dạy học trực tuyến
thực hiện các hoạt động chính sau: tổ chức giờ học trực tuyến để giảng bài và
hướng dẫn học sinh học tập; giao nhiệm vụ học tập và kiểm tra, đánh giá kết quả
học tập của học sinh; theo dõi và hỗ trợ học sinh khai thác nội dung học tập từ
học liệu dạy học trực tuyến; tư vấn, hỗ trợ, trả lời câu hỏi và giải đáp thắc mắc
của học sinh.
4. Người đứng đầu cơ sở giáo
dục phổ thông quyết định hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực
tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông; tổ chức dạy học trực tuyến thay thế dạy học
trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông trong thời gian học sinh không đến trường
để học tập vì lý do bất khả kháng.
Điều 6.
Kiểm tra, đánh giá trong dạy học trực tuyến
1. Kiểm tra, đánh giá thường
xuyên kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện trong quá trình dạy
học. Các hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong dạy học trực tuyến được
thực hiện theo quy định về kiểm tra, đánh giá thường xuyên của Bộ Giáo dục và
Đào tạo.
2. Kiểm tra, đánh giá định kỳ
kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện trực tiếp tại cơ sở giáo
dục phổ thông theo quy định về kiểm tra, đánh giá định kỳ của Bộ Giáo dục và
Đào tạo.
Trường hợp học sinh không thể
đến cơ sở giáo dục phổ thông tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do
bất khả kháng, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện bằng hình
thức trực tuyến; người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định lựa chọn
hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo,
bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực.
Điều 7. Học
liệu dạy học trực tuyến
1. Học liệu dạy học trực tuyến
được xây dựng theo chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm: bài giảng đa phương
tiện; hướng dẫn thí nghiệm, thực hành; phần mềm mô phỏng; hệ thống câu hỏi, bài
tập luyện tập và kiểm tra, đánh giá; tài liệu tham khảo, bổ trợ theo quy định của
Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Học liệu dạy học trực tuyến
phải phù hợp với nội dung bài học, chủ đề học tập và hoạt động dạy học của giáo
viên và học sinh; bảo đảm tính khoa học, sư phạm và phù hợp với truyền thống lịch
sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
3. Học liệu dạy học trực tuyến
sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông phải được tổ chuyên môn thông qua và được
người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông phê duyệt.
Điều 8.
Quản lý và lưu trữ hồ sơ dạy học trực tuyến
1. Hồ sơ dạy học trực tuyến
được bảo quản và lưu trữ tại cơ sở giáo dục phổ thông gồm có:
a) Hồ sơ, minh chứng về các
yêu cầu quy định tại Điều 9, Điều 10 và Điều
15 của Thông tư này;
b) Dữ liệu về quá trình dạy học
trực tuyến trên hệ thống dạy học trực tuyến;
c) Kế hoạch dạy học trực tuyến
và kế hoạch dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông chi tiết theo tuần,
tháng, năm cho từng môn học, hoạt động giáo dục;
d) Hồ sơ kiểm tra, đánh giá
quá trình và kết quả học tập của học sinh theo quy định tại Điều
6 của Thông tư này.
2. Cơ sở giáo dục phổ thông
quy định cụ thể quy trình và thời hạn lưu giữ hồ sơ dạy học trực tuyến theo Luật lưu trữ và các văn bản quy định hiện hành.
Chương
III
HẠ TẦNG KỸ THUẬT
DẠY HỌC TRỰC TUYẾN
Điều 9. Hệ
thống phần mềm dạy học trực tuyến
Hệ thống phần mềm dạy học trực
tuyến được sử dụng riêng hoặc kết hợp các phần mềm sau đây:
1.
Phần mềm tổ chức dạy học trực tuyến trực tiếp
Phần mềm tổ chức dạy học trực
tuyến trực tiếp có chức năng tối thiểu sau đây.
a) Giúp giáo viên tổ chức triển
khai dạy học trực tuyến trực tiếp để giảng bài và hướng dẫn, giao nhiệm vụ học
tập đồng thời cho tất cả học sinh tham dự trong cùng một không gian học tập
thông qua kênh hình, kênh tiếng, kênh chữ (chia sẻ màn hình máy tính), chuyển tải
học liệu dạy học trực tuyến đến học sinh;
b) Giúp học sinh tương tác,
trao đổi thông tin theo thời gian thực với giáo viên và những học sinh khác
trong cùng một không gian học tập.
2. Hệ thống quản lý học tập
trực tuyến
Hệ thống quản lý học tập trực
tuyến có chức năng tối thiểu sau đây:
a) Giúp giáo viên tổ chức lưu
trữ, chuyển tải học liệu dạy học trực tuyến tới học sinh; giao nhiệm vụ học tập
và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; theo dõi và hỗ trợ học sinh
khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến; tư vấn, hỗ trợ, trả
lời câu hỏi và giải đáp thắc mắc của học sinh;
b) Cho phép học sinh truy cập,
khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến; thực hiện các hoạt động
học tập và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của giáo viên; đặt câu hỏi và trả lời
câu hỏi đối với giáo viên và các học sinh khác trong cùng không gian học tập;
c) Cho phép cơ sở giáo dục phổ
thông quản lý hồ sơ, tiến trình học tập, kết quả học tập của học sinh và các hoạt
động dạy của giáo viên; hỗ trợ quản lý các thông tin khác theo yêu cầu cơ sở
giáo dục phổ thông và cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương;
3. Hệ thống quản lý nội dung
học tập trực tuyến
Hệ thống quản lý nội dung học
tập trực tuyến có chức năng của hệ thống quản lý học tập trực tuyến theo quy định
tại khoản 2 Điều này và công cụ cho phép giáo viên thiết kế nội dung học tập, học
liệu dạy học trực tuyến.
Điều 10.
Hạ tầng công nghệ thông tin
Hạ tầng công nghệ thông tin
phục vụ quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu
như sau:
1. Bảo đảm yêu cầu về đường
truyền Internet và thiết bị kết nối, máy tính, thiết bị đầu cuối có cấu hình phù
hợp để cài đặt hệ thống phần mềm dạy học trực tuyến; bảo đảm cho giáo viên và học
sinh truy cập, khai thác sử dụng các chức năng của hệ thống phần mềm dạy học trực
tuyến để thực hiện hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá trực tuyến theo quy
định tại Điều 5, Điều 6 của Thông tư này.
2. Có giải pháp bảo đảm an
toàn thông tin, các quy định về dữ liệu và bảo mật thông tin cá nhân theo quy định
khi tổ chức dạy học trực tuyến.
3.
Cơ sở giáo dục phổ thông có nơi lắp đặt các thiết bị đáp ứng yêu cầu về tính khoa
học, sư phạm để sử dụng phục vụ hoạt động dạy học trực tuyến của giáo viên.
Chương
IV
TRÁCH NHIỆM CỦA
CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
Điều 11.
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Chỉ đạo các sở, ngành, Ủy
ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành
phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) và
các cơ quan có liên quan triển khai dạy học trực tuyến tại địa phương.
2. Xây dựng cơ chế, chính
sách hỗ trợ về nguồn lực bảo đảm hạ tầng kỹ thuật để tổ chức dạy học trực tuyến.
3. Bố trí kinh phí đào tạo, bồi
dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học trực tuyến cho
giáo viên, cán bộ quản lý và đảm bảo các điều kiện kỹ thuật tổ chức dạy học trực
tuyến.
Điều 12.
Sở Giáo dục và Đào tạo
1. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kế hoạch, bố trí nguồn lực, chỉ đạo
các sở, ngành và các cơ quan có liên quan phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để
tổ chức dạy học trực tuyến tại địa phương.
2. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn
nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học trực tuyến cho giáo viên, cán bộ
quản lý.
3. Chỉ đạo, hướng dẫn các
Phòng Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện và tổ chức
dạy học trực tuyến; kiểm tra, giám sát và giải quyết những vướng mắc trong quá
trình tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập trực tuyến của các
cơ sở giáo dục phổ thông thuộc phạm vi quản lý.
Điều 13.
Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Chỉ đạo Phòng Giáo dục và
Đào tạo và các cơ quan có liên quan triển khai dạy học trực tuyến tại địa
phương.
2. Bố trí nguồn lực bảo đảm hạ
tầng kỹ thuật để tổ chức dạy học trực tuyến trên địa bàn.
3. Bố trí kinh phí bảo đảm
đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học trực
tuyến cho giáo viên, cán bộ quản lý.
Điều 14.
Phòng Giáo dục và Đào tạo
1. Tham mưu Ủy ban nhân dân cấp
huyện ban hành kế hoạch, bố trí nguồn lực cho các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc
phạm vi quản lý để tổ chức dạy học trực tuyến.
2. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn
nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học trực tuyến cho giáo viên, cán bộ
quản lý.
3. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục
phổ thông thuộc phạm vi quản lý, thực hiện, tổ chức dạy học trực tuyến; kiểm
tra, giám sát và giải quyết những vướng mắc trong quá trình tổ chức dạy học và
kiểm tra, đánh giá kết quả học tập trực tuyến của các cơ sở giáo dục phổ thông
thuộc phạm vi quản lý.
Điều 15.
Cơ sở giáo dục phổ thông
1.
Tổ chức dạy học trực tuyến
Người đứng đầu cơ sở giáo dục
phổ thông chịu trách nhiệm:
a) Quyết định hình thức dạy học
trực tuyến trên cơ sở hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền; xác định mục tiêu, mức
độ hoặc yêu cầu cần đạt của nội dung dạy học trực tuyến để bảo đảm chất lượng dạy
học;
b) Xây dựng kế hoạch dạy học
trực tuyến phù hợp với điều kiện bảo đảm chất lượng của cơ sở giáo dục phổ
thông;
c) Triển khai bồi dưỡng nâng
cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học trực tuyến cho giáo viên, nhân viên thực
hiện dạy học trực tuyến bảo đảm chất lượng;
d) Phân công trách nhiệm cụ
thể cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và phối hợp với phụ
huynh học sinh trong tổ chức dạy học trực tuyến;
đ) Xây dựng, lựa chọn và thẩm
định học liệu sử dụng trong dạy học trực tuyến;
e) Thông báo hình thức dạy học
trực tuyến, kế hoạch tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập trực tuyến cho
học sinh và phụ huynh học sinh;
g) Tổ chức và quản lý dạy học
trực tuyến theo kế hoạch;
h) Chỉ đạo thu nhận sản phẩm
học tập, đánh giá kết quả học tập của học sinh;
i) Quản lý hồ sơ tài khoản của
học sinh và giáo viên dùng trong các phần mềm tổ chức dạy học trực tuyến được
xác định theo mã số định danh cá nhân của học sinh và giáo viên từ cơ sở dữ liệu
ngành Giáo dục.
2.
Bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật dạy học trực tuyến, học
liệu dạy học trực tuyến và đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy học trực tuyến.
3. Xây dựng các yêu cầu của dạy
học trực tuyến và nội quy dạy học trực tuyến của cơ sở giáo dục phổ thông đảm bảo
quy định tại Thông tư này.
4. Công bố công khai những
quy định liên quan đến dạy học trực tuyến, kế hoạch giáo dục, các điều kiện bảo
đảm việc dạy học trực tuyến và thực hiện thu học phí theo quy định hiện hành.
5. Cử cán bộ quản lý, giáo
viên, nhân viên có liên quan tham gia tập huấn, bồi dưỡng về phương pháp và kỹ
năng cần thiết để tổ chức dạy học trực tuyến.
6. Kiểm tra, giám sát, đánh
giá hiệu quả của việc tổ chức dạy học trực tuyến, kịp thời xử lý những vướng mắc
trong quá trình triển khai dạy học trực tuyến; định kỳ mỗi năm hai lần, tại thời
điểm kết thúc mỗi học kỳ, đánh giá, rút kinh nghiệm về tổ chức hoạt động dạy học
trực tuyến và tổng hợp những khó khăn, nguyên nhân, kiến nghị gửi về Phòng Giáo
dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem
xét.
Điều 16.
Giáo viên, nhân viên
1. Giáo viên, nhân viên được
tham gia tập huấn, bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng cần thiết về ứng dụng công
nghệ thông tin và có năng lực để tổ chức các hoạt động dạy học trực tuyến.
2. Giáo viên thực hiện dạy học
và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập trực tuyến của học sinh đúng kế hoạch của
cơ sở giáo dục phổ thông và bảo đảm mục tiêu giáo dục theo quy định; tạo môi
trường học tập thân thiện và tăng cường sự tương tác, kết nối thông tin với học
sinh; phối hợp thường xuyên với phụ huynh học sinh trong quá trình tổ chức dạy
học trực tuyến.
3. Nhân viên thực hiện quản
trị kỹ thuật hệ thống, sử dụng các công cụ công nghệ thông tin để hỗ trợ giáo
viên và học sinh khi cần thiết.
Điều 17.
Học sinh
1. Chấp hành nghiêm túc nội
quy dạy học trực tuyến; thực hiện đầy đủ các hoạt động học tập theo yêu cầu của
giáo viên và cơ sở giáo dục phổ thông; tích cực tham gia vào hoạt động học tập
và các hoạt động giáo dục theo kế hoạch của giáo viên và cơ sở giáo dục phổ
thông.
2. Chủ động liên lạc với giáo
viên hoặc nhân viên hỗ trợ trong quá trình học tập trực tuyến để được hướng dẫn,
hỗ trợ kịp thời.
Chương
V
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 18.
Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 16 tháng 5 năm 2021.
Điều 19.
Trách nhiệm thi hành
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo, người đứng đầu
cơ sở giáo dục phổ thông, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Thông tư này.
Nơi nhận:
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội;
- Kiểm toán nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- HĐND, UBND các huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực
thuộc TƯ;
- Bộ trưởng;
- Các Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu;
- Như Điều 19;
- Công báo;
- Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Lưu: VT, Vụ PC, Vụ GDTH.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Hữu Độ
|