THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN TUYỂN SINH ĐẠI HỌC Y - DƯỢC HỆ TẬP TRUNG 4 NĂM
Đến cuối năm 2000, trên 40% số xã,
phường trong cả nước đã có Bác sỹ làm việc tại các Trạm Y tế. Một số ít tỉnh,
thành phố đã có 100% xã có Bác sỹ. Tuy nhiên, ở nhiều tỉnh, nhất là các tỉnh miền
núi, biên giới, các vùng sâu, vùng xa còn thiếu nhiều Bác sỹ, Dược sỹ làm việc
tại y tế tuyến cơ sở.
Thực hiện kế hoạch phát triển nguồn
nhân lực để thực hiện phục vụ cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân,
năm 2001 Bộ Y tế chủ trương tiếp tục tuyển sinh đào tạo Bác sỹ và Dược sỹ từ
các Y sỹ và Dược sỹ trung học để đáp ứng nhu cầu nhân lực y tế có trình độ đại
học làm việc ở tuyến y tế cơ sở.
Thực hiện Luật Giáo dục, Nghị định
43/2000/NĐ-CP ngày 30/8/2000 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành một số điều của Luật Giáo dục, Quyết định số 3704/QĐ-BGD&ĐT/ĐH ngày
28/9/1999 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thành lập Hội đồng
chương trình đào tạo đại học nhóm ngành Khoa học sức khoẻ và Kết luận của Hội đồng
xây dựng chương trình đào tạo đại học nhóm ngành Khoa học Sức khoẻ, Bộ Y tế ban
hành Thông tư hướng dẫn tuyển sinh đào tạo Bác sỹ, Dược sỹ của các Trường đại học
Y, Dược năm 2001.
I- QUY ĐỊNH
CHUNG
Từ năm học 2001-2002, các Trường đại
học Y, Dược sẽ không đào tạo Bác sỹ, Dược sỹ theo chương trình đào tạo chuyên
tu tập trung 3 năm như trước đây mà chuyển sang đào tạo Bác sỹ, Dược sỹ từ các
Y sỹ, Dược sỹ trung học theo chương trình mới, với thời gian đào tạo tập trung
là 4 năm.
Công tác tuyển sinh đào tạo Bác sỹ,
Dược sỹ hệ 4 năm được thực hiện theo các quy định chung của Quy chế tuyển sinh
vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp của Bộ Giáo dục
& Đào tạo và Thông tư hướng dẫn tuyển sinh của Bộ Y tế năm 2001.
Để đáp ứng nhu cầu Bác sỹ, Dược sỹ
làm việc ở tuyến y tế cơ sở, năm 2001 Bộ Y tế chủ trương ưu tiên tuyển chọn và
tạo điều kiện thuận lợi cho các Y sỹ trung học hiện đang làm việc tại các Trạm
Y tế xã, các Dược sỹ trung học đang làm việc tại cơ sở y tế tuyến huyện, đặc biệt
đối với những cán bộ y tế hiện đang làm việc tại các tỉnh miền núi, biên giới,
vùng sâu, vùng xa có điều kiện được đào tạo tập trung tại các Trường đại học Y,
Dược để sau khi tốt nghiệp trở về địa phương cử đi học tiếp tục làm việc.
Chỉ tiêu đào tạo Bác sỹ, Dược sỹ hệ
4 năm đã được các cơ quan có thẩm quyền giao cho các Trường đại học Y, Dược bao
gồm chỉ tiêu đào tạo có ngân sách do Nhà nước cấp và chỉ tiêu đào tạo không thuộc
ngân sách. Nguồn kinh phí đào tạo các chỉ tiêu không thuộc ngân sách Nhà nước sẽ
được thu từ địa phương hoặc cơ quan cử cán bộ đi học đóng góp thông qua hợp đồng
đào tạo giữa trường đại học với Sở Y tế có nhu cầu đào tạo trong tổng chỉ tiêu
đã giao cho trường. Bộ Y tế thống nhất quản lý chỉ tiêu đào tạo (cả chỉ tiêu có
ngân sách Nhà nước và không có ngân sách Nhà nước), không có sự phân biệt trong
chương trình và chất lượng đào tạo giữa hai loại chỉ tiêu đào tạo nói trên.
Về quy định các khu vực tuyển sinh
(KV1, KV2, KV3...) thực hiện theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
II. ĐỐI TƯỢNG
TUYỂN SINH:
1. Đối tượng tuyển sinh Bác sỹ
đa khoa:
1.1. Y sỹ đang công tác trong biên
chế hoặc được ký hợp đồng làm việc trong định biên của Trạm y tế xã thuộc KV1
và KV2 theo quy định tại Thông tư Liên bộ số 08/TT-LB ngày 20/4/1995 của Liên Bộ
Y tế - Tài chính - Lao động Thương binh và Xã hội - Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ
(gọi tắt là hợp đồng trong định biên).
1.2. Y sỹ đang công tác trong biên
chế của các Phòng khám đa khoa khu vực; Đội Y tế dự phòng, Đội Y tế lưu động của
các huyện thuộc KV1 và KV2.
1.3. Y sỹ đang công tác trong biên
chế của các đơn vị y tế lưu động của các tỉnh thuộc KV1, KV2.
1.4. Y sỹ công tác tại các Trạm Y
tế và bệnh xá (nếu còn) của các Bộ - Ngành khác đóng trên địa bàn KV1, KV2.
1.5. Y sỹ đang công tác trong biên
chế của bệnh viện Phong - Da liễu, Khu điều trị Phong, Bệnh viện Tâm thần các tỉnh
thuộc KV1, KV2; Bệnh viện các huyện vùng cao, vùng sâu.
1.6. Y sỹ đang công tác đúng ngành
đào tạo, có biên chế tại các cơ sở y tế như đã nêu tại mục 1.1 đến mục 1.4, Bệnh
viện Tâm thần thuộc KV3 và đã kinh qua công tác liên tục tại miền núi, vùng sâu
ít nhất 36 tháng.
2. Đối tượng tuyển sinh Bác sỹ
Y học cổ truyền (YHCT):
2.1. Y sỹ YHCT hoặc Y sỹ định hướng
chuyên khoa YHCT (gọi chung là Y sỹ YHCT) đang công tác đúng ngành đào tạo và
có biên chế hoặc hợp đồng trong định biên của Trạm Y tế xã như quy định tại mục
1.1.
2.2. Y sỹ YHCT đang công tác đúng
ngành đào tạo trong biên chế tại các cơ sở y tế tuyến huyện và tỉnh thuộc KV1
và tuyến huyện thuộc KV2.
2.3. Y sỹ YHCT đang công tác đúng
ngành đào tạo trong biên chế tại các trạm Y tế, các bệnh xá (nếu còn) của các Bộ
- Ngành khác đóng trên địa bàn KV1, KV2.
2.4. Y sỹ YHCT đang công tác đúng
ngành đào tạo, trong biên chế tại các cơ sở y tế như đã nêu tại mục 2.1 đến mục
2.3 thuộc KV3 và đã kinh qua công tác liên tục tại miền núi, vùng sâu ít nhất
36 tháng.
3. Đối tượng tuyển sinh Dược sỹ
Đại học:
3.1. Dược sỹ trung học đang công
tác đúng ngành đào tạo, trong biên chế tại các cơ sở y tế hành chính - sự nghiệp
thuộc KV1 và KV2.
3.2. Dược sỹ trung học đang công
tác đúng ngành đào tạo có biên chế hoặc hợp đồng dài hạn tại các doanh nghiệp
Dược, Vật tư thiết bị Y tế Nhà nước, các công ty cổ phần đóng trên địa bàn KV1
và KV2.
3.3. Dược sỹ trung học đang công
tác đúng ngành đào tạo và trong biên chế thuộc các trạm y tế, các bệnh xá (nếu
còn) của các Bộ - Ngành khác đóng trên địa bàn KV1, KV2.
3.4- Dược sỹ trung học đang công
tác đúng ngành đào tạo tại các cơ sở y tế như đã nêu tại mục 3.1 đến mục 3.3
thuộc KV3 và đã kinh qua công tác liên tục tại miền núi, vùng sâu ít nhất 36
tháng.
4. Đối tượng tuyển sinh Bác sỹ
đa khoa (cử tuyển):
4.1. Y sỹ đang công tác trong biên
chế hoặc hợp đồng trong định biên của Trạm Y tế xã thuộc vùng cao (KV1-VC) và
vùng sâu (KV1-VS).
4.2. Y sỹ là người dân tộc đang
công tác trong biên chế tại các cơ sở y tế tuyến huyện thuộc KV1-VC và KV1-VS.
Học viên cử tuyển được bồi dưỡng
văn hóa và chuyên môn 01 năm theo chương trình được Bộ Y tế phê duyệt, nếu kiểm
tra đạt yêu cầu sẽ được học tiếp chương trình Bác sỹ hệ tập trung 4 năm.
III. TIÊU CHUẨN
TUYỂN SINH:
1. Tiêu chuẩn chính trị:
Lý lịch bản thân và gia đình rõ
ràng, hoàn thành các nhiệm vụ được giao, phẩm chất đạo đức tốt, chấp hành đầy đủ
các chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Những người đang trong thời
gian thi hành kỷ luật (từ khiển trách trở lên) không được xét tuyển.
2. Tiêu chuẩn về trình độ
chuyên môn và văn hóa:
2.1. Về chuyên môn:
- Thí sinh dự thi và cử tuyển vào
các lớp Bác sỹ đa khoa phải có bằng tốt nghiệp Y sỹ đào tạo theo chương trình của
Bộ Y tế.
- Thí sinh dự thi vào các lớp Bác
sỹ Y học cổ truyền phải có bằng tốt nghiệp Y sỹ YHCT hoặc Y sỹ định hướng YHCT
đào tạo theo chương trình của Bộ Y tế.
- Thí sinh dự thi vào các lớp Dược
sỹ đại học phải có bằng tốt nghiệp Dược sỹ trung học đào tạo theo chương trình
của Bộ Y tế.
2.2. Về văn hóa:
- Chung cho các đối tượng: Phải có
trình độ văn hóa tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bổ túc văn hóa.
- Các đối tượng cử tuyển: Tốt nghiệp
trung học phổ thông, bổ túc văn hóa hoặc đã học các môn văn hóa trong chương
trình đào tạo Y sỹ.
3. Tiêu chuẩn về thâm niên
chuyên môn:
Có hai đối tượng:
* Thâm niên chuyên môn là 3 năm (đủ
36 tháng) áp dụng cho các đối tượng:
- Y sỹ đang công tác trong biên chế
hoặc được ký hợp đồng trong định biên của các Trạm Y tế xã vùng cao, vùng sâu.
- Y sỹ là người dân tộc đang công
tác ở miền núi và Dược sỹ trung học đang công tác trong biên chế của các cơ sở
y tế tuyến huyện KV1.
* Thâm niên chuyên môn là 5 năm (đủ
60 tháng): áp dụng cho các đối tượng còn lại.
Thâm niên chuyên môn tính từ ngày
có Quyết định tuyển dụng vào biên chế, vào hợp đồng trong định biên, sau khi tốt
nghiệp trung học y - dược, tính đến ngày 30-10-2001.
4. Tiêu chuẩn sức khoẻ và tuổi:
4.1. Về sức khoẻ:
Phải có đủ sức khoẻ để học tập như
quy định tại Thông tư liên Bộ Y tế - Đại học trung học chuyên nghiệp và dạy nghề
số 10/TT-LB ngày 18-8-1989 và công văn hướng dẫn số 2445/TS ngày 20-8-1990 của
Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4.2. Về tuổi:
Không quá 45 tuổi đối với nam và
40 tuổi đối với nữ, tính đến ngày 30/10/2001.
5. Chế độ sinh hoạt phí và học
phí:
5.1. Học viên trúng tuyển theo chỉ
tiêu nhà nước cấp ngân sách thì không phải đóng kinh phí đào tạo, nhưng phải
đóng học phí theo quy định hiện hành của Nhà nước.
5.2. Học viên trúng tuyển không
thuộc diện chỉ tiêu ngân sách Nhà nước cấp và các đối tượng nêu ở các điểm 1.3,
1.4, 1.6, 2.3, 2.4, 3.2, 3.3, 3.4 tại mục II của Thông tư này phải đóng một phần
kinh phí đào tạo. Mức đóng góp tương đương với định mức kinh phí đào tạo hàng
năm do Nhà nước cấp, trong đó học viên đóng học phí; phần còn lại do cơ quan cử
đi học đóng góp.
5.3. Trong thời gian học tập,
lương và mọi chế độ của học viên do cơ quan cử người đi học giải quyết theo chế
độ hiện hành.
Sau khi tốt nghiệp, học viên sẽ về
công tác tại cơ quan đã cử đi học.
Những học viên phải ngừng học tập
trước khi tốt nghiệp sẽ được trả về cơ quan cử đi học để giải quyết.
IV. CHÍNH SÁCH
ƯU TIÊN:
Để để điểm vào trường được xét ưu
tiên theo khu vực và trong mỗi khu vực có các ưu tiên cho các đối tượng theo
chính sách.
1. Ưu tiên về khu vực:
Áp dụng theo “Bảng phân chia khu vực
tuyển sinh”, in trong quyển Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng,
trung học chuyên nghiệp năm 2001 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Ưu tiên về chính sách:
2.1. Nhóm ưu tiên I:
- Anh hùng lao động, Anh hùng các
lực lượng vũ trang, chiến sỹ thi đua toàn quốc.
- Người dân tộc thiểu số.
- Thương binh được cấp thẻ, bệnh
binh.
- Người trong biên chế hoặc hợp đồng
theo định biên của Trạm Y tế xã miền núi đang công tác liên tục ở đó từ 36
tháng trở lên, tính đến ngày 30-10-2001.
- Người công tác ở vùng cao, vùng
sâu liên tục từ 24 tháng trở lên, tính đến ngày 30-10-2001.
2.2. Nhóm ưu tiên 2:
- Người được hưởng huân chương,
huy chương kháng chiến, chiến thắng, huân chương lao động; chiến sỹ thi đua cấp
tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) 2 năm liền.
- Người thuộc biên chế các trạm Y
tế xã, bệnh viện Phong - Da liễu và Khu điều trị Phong, Bệnh viện Tâm thần đã
công tác ít nhất là 36 tháng.
- Con liệt sỹ.
- Con thương binh, con bệnh binh mất
trên 81% sức lao động.
- Người công tác vùng cao, vùng
sâu liên tục từ 12 tháng đến dưới 24 tháng, tính đến ngày 30-10-2001.
Mỗi đối tượng chỉ được hưởng 01
tiêu chuẩn ưu tiên cao nhất về chính sách.
V. HỒ SƠ DỰ TUYỂN:
Hồ sơ dự tuyển gồm có:
1. Một phiếu dự tuyển do cơ quan sử
dụng cán bộ, công chức phê duyệt cử cán bộ đi học. Thí sinh đang công tác trong
đơn vị do Sở Y tế tỉnh quản lý phải có ý kiến phê duyệt của Sở Y tế. Thí sinh
đang công tác trong các Bộ, Ngành khác và các doanh nghiệp phải có ý kiến phê
duyệt của cơ quan quản lý cán bộ, công chức.
2. Bản sao bằng tốt nghiệp trung học
chuyên nghiệp, bằng trung học phổ thông hoặc bổ túc văn hóa. Khi đến học phải
xuất trình bản chính. Những trường hợp cần thiết, nhà trường có thể yêu cầu thí
sinh xuất trình học bạ khóa đào tạo trung học Y tế.
3. Bản sao giấy khai sinh có công
chứng.
4. Bản sao Quyết định tuyển dụng
vào biên chế hoặc hợp đồng trong định biên của các cơ sở y tế hoặc Quyết định
tuyển dụng làm việc tại các doanh nghiệp (có công chứng Nhà nước). Thí sinh thuộc
KV3 phải có thêm bản sao Quyết định phân công tác và giấy xác nhận thời gian
làm việc tại miền núi, vùng sâu. Khi nhập học phải xuất trình bản chính.
5. Giấy chứng nhận đối tượng ưu
tiên tuyển sinh và khu vực ưu tiên tuyển sinh (như quy định tại phần IV), do cơ
quan sử dụng cán bộ, công chức xác nhận và Sở Y tế tỉnh hoặc cơ quan có thẩm
quyền quản lý cán bộ, công chức phê duyệt.
6. Quyết định cử cán bộ, công chức
đi học do Sở Y tế tỉnh ký, những thí sinh không thuộc Sở Y tế tỉnh quản lý thì
có Quyết định cử đi học của cơ quan quản lý cán bộ, công chức. Thí sinh thuộc
diện cử tuyển phải có Quyết định cử đi học của Uỷ ban nhân dân tỉnh (nộp khi
vào học).
7. Một bản cam kết của thí sinh
sau khi học tập sẽ trở về đúng nơi cử đi học nhận công tác.
8. Bốn ảnh cỡ 4 x 6 (một ảnh dán
vào phiếu dự tuyển, đóng dấu giáp lai)
Các giấy tờ khác: Theo quy định của
trường.
Thí sinh phải nộp đầy đủ hồ sơ dự
thi về Ban tuyển sinh của các trường theo vùng tuyển sinh đúng thời gian quy định.
VI. THI TUYỂN
1. Các môn thi: Thí sinh phải
thi 3 môn: Toán, Hóa, Chuyên môn.
1.1. Môn Toán và môn Hóa:
Trình độ trung học phổ thông hay bổ
túc văn hóa theo chương trình hiện hành.
1.2. Môn chuyên môn:
Theo chương trình đào tạo Y sỹ
trung học (Y sỹ đa khoa hoặc Y sỹ YHCT) hoặc Dược sỹ trung học hiện hành được Bộ
Y tế duyệt.
2. Tổ chức thi tuyển:
Các trường tổ chức thi tuyển tho
các quy định của Quy chế tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, trung học
chuyên nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngày thi tuyển sinh do các trường
quy định và đăng ký với Bộ Y tế (Vụ Khoa học - Đào tạo), Bộ Giáo dục và Đào tạo,
đồng thời thông báo cho thí sinh.
Nội dung ôn thi các môn văn hóa:
theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo in trong tài liệu “Những điều cần biết
về tuyển sinh đại học.... năm 2001”
Các Sở Y tế có kế hoạch bồi dưỡng
văn hóa và chuyên môn cho các cán bộ được cử đi học để bảo đảm chất lượng đào tạo.
3. Điều kiện trúng tuyển:
Thí sinh trúng tuyển phải có đủ
các tiêu chuẩn tuyển sinh và đạt mức điểm tuyển của trường, trong đó:
a) Về chuyên môn: không dưới điểm
5
b) Về văn hóa: Không có điểm 0.
Sau khi tổ chức thi tuyển các trường
cần:
- Xác định điểm chuẩn theo tinh thần
ưu tiên tuyển tối đa thí sinh ở các khu vực miền núi, vùng sâu và những tỉnh có
tỷ lệ Bác sỹ xã còn thấp.
- Kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ để
xác định tính hợp pháp các văn bản trong hồ sơ và báo cáo Bộ Y tế, mọi trường hợp
khai man hồ sơ đều phải xử lý theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Người ký Quyết định cử cán bộ đi học
phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hồ sơ người học.
4. Cử tuyển: Thí sinh không phải
dự thi
Các trường chỉ tiếp nhận hồ sơ,
triệu tập thí sinh trúng tuyển theo đứng đối tượng quy định, đúng chỉ tiêu đã
được Bộ Y tế phân bổ cho các trường và địa phương.
Nhận được Thông tư này, các đơn vị,
các địa phương tổ chức triển khai thực hiện, xét cử cán bộ tham dự kỳ thi tuyển
sinh và đi học theo đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn quy định trong Thông tư.
Các Trường Đại học thông báo rộng
rãi cho thí sinh và thực hiện công tác tuyển sinh theo đúng quy chế hiện hành để
đảm bảo chất lượng đào tạo và công bằng xã hội.