VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 403/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 13
tháng 12 năm 2016
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI ĐẠI HỌC QUỐC
GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Ngày 20 tháng 11 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn
Xuân Phúc đã thăm và làm việc với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG
TPHCM). Cùng dự buổi làm việc với Thủ tướng có: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu
niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ
Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương; đại diện lãnh
đạo Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố
Hồ Chí Minh; đại diện Lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học
và Công nghệ, Xây dựng; đại diện Lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội; các Thành
viên Hội đồng ĐHQG TPHCM, nguyên giám đốc ĐHQG TPHCM và đại diện Lãnh đạo các
Trường Đại học thành viên.
Sau khi nghe Phó Giám đốc phụ trách ĐHQG TPHCM báo
cáo về tình hình hoạt động và một số kiến
nghị; phát biểu của các đại biểu tham dự buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
ĐHQG TPHCM là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học
- công nghệ lớn đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, đạt trình độ tiên tiến,
có uy tín trong nước và quốc tế, đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu đào tạo,
nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, mà trước hết
là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nam Bộ và Tây Nam Bộ, góp phần quan
trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của cả nước.
Trong những năm gần đây, ĐHQG TPHCM đạt được các kết
quả quan trọng, căn bản, nhất là số đề tài nghiên cứu khoa học, bài báo quốc tế
tăng nhanh, chất lượng giáo dục - đào tạo nâng cao; từng bước phát triển thành
một đô thị đại học đầu tiên của Việt Nam.
Để đạt được kết quả đó có sự đóng góp công sức rất
to lớn của các thế hệ thầy và trò, sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ qua các
thời kỳ, sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các bộ, ngành liên quan, trong đó đặc
biệt là sự đóng góp trực tiếp của Ủy ban
nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban
nhân dân tỉnh Bình Dương, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Khoa học và Công nghệ.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, biểu dương và ghi nhận
các kết quả đạt được của ĐHQG TPHCM.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được,
ĐHQG TPHCM cần tập trung để sớm khắc phục những hạn chế sau đây: (i) Là cơ sở
đào tạo lớn nhưng chưa phát huy mạnh mẽ vai trò, vị trí đầu tàu, chưa có ảnh hưởng
lan tỏa nhiều trong hệ thống giáo dục của cả nước; (ii) Sự đổi mới trong quản
lý và hoạt động chuyên môn chưa cao; (iii) Chưa có nhiều công trình nghiên cứu
khoa học có giá trị gắn với nhu cầu thực tiễn phát triển đất nước và địa
phương; (iv) Cơ sở vật chất chậm hoàn thiện, hiện đại hóa, đặc biệt công tác giải
phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc.
II. VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG
THỜI GIAN TỚI
ĐHQG TPHCM cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, tiếp tục
giữ vững vị thế là “cánh chim đầu đàn” trong hệ thống giáo dục đại học của Việt
Nam và hướng đến vị trí trong tốp đầu Châu Á, nơi hội tụ của khoa học, công nghệ,
văn hóa và tri thức Việt Nam. Trong thời gian tới, ĐHQG TPHCM cần thực hiện tốt
các chức năng và nhiệm vụ được giao, đặc biệt chú trọng:
1. Về đổi mới sáng tạo và khởi
nghiệp
ĐHQG TPHCM phải là đơn vị tiên phong trong khởi
nghiệp, khởi nguồn của những ước mơ khởi nghiệp; nơi khuyến khích, ươm trồng những
tài năng khởi nghiệp, kiến tạo nên những thế hệ danh nhân, nhà kỹ nghệ, nhà văn hóa, những con người xuất sắc ở các lĩnh vực
khác nhau góp phần làm rạng danh nền giáo dục và đào tạo Việt Nam trong kỷ
nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trên tinh thần đó, ĐHQG TPHCM cần tiếp tục phát huy
tốt những việc đã làm như phát huy hiệu quả khu công nghệ phần mềm, hệ sinh
thái khởi nghiệp, môi trường dành cho nhà
khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin;
đề xuất các giải pháp cụ thể cho ý tưởng của các dự án khởi nghiệp. Khuyến
khích khởi nghiệp là một trong các nhiệm vụ quan trọng của trường đại học góp
phân phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
2. Về nâng cao chất lượng đào tạo
và nghiên cứu khoa học
ĐHQG TPHCM cần phấn đấu đến năm 2020 trở thành một
trong 100 trường đại học hàng đầu Châu Á; tăng gấp đôi số lượng công bố quốc tế
so với hiện nay; có các chính sách cụ thể để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa
học, chuyển giao công nghệ trong đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên.
3. Về phát triển đội ngũ cán bộ,
giảng viên
ĐHQG TPHCM cần tiếp tục tăng cường hội nhập, hợp
tác với các trường đại học, các tổ chức
giáo dục uy tín trên thế giới; xây dựng thí điểm mô hình thu hút người Việt Nam
ở nước ngoài có trình độ cao về tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại
ĐHQG TPHCM.
4. Về phát triển cơ sở vật chất phục
vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học
Giữ nguyên quy hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định
số 409/QĐ-TTg ngày 21 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều
chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2.000 Đại học quốc gia Thành phố Hồ
Chí Minh. ĐHQG TPHCM cần đẩy nhanh xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật, trước hết
là giải phóng mặt bằng; xây dựng phương án bồi thường giải phóng mặt bằng cụ thể;
đẩy mạnh xã hội hóa và huy động các nguồn lực hợp pháp khác của xã hội để đầu
tư phát triển.
5. Về phát triển mô hình đại học tự
chủ, tiên tiến
Tự chủ đại học là thuộc tính của trường đại học, là
động lực và nguồn gốc cho phát triển đại học. Tự chủ phải gắn với trách nhiệm
giải trình, trách nhiệm xã hội; không thể thực hiện tự chủ khi chưa chuẩn bị về
nhận thức, năng lực, trách nhiệm xã hội. Cần xây dựng đại học tự chủ toàn diện
trên các lĩnh vực: đào tạo, nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa
học, quan hệ đối ngoại để thực hiện sứ mệnh, hoàn thành nhiệm vụ của một trường
đại học. Tự chủ tài chính chỉ là điều kiện để làm cho tự chủ của trường đại học
được tốt nhất.
ĐHQG TPHCM chủ động xây dựng và hoàn thiện mô hình
quản trị đại học hiện đại với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao theo thông
lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam; thực hiện phân cấp mạnh cho
các trường, các viện thành viên.
III. VỀ TRÁCH NHIỆM VỤ CỦA BỘ,
NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG
Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương và các địa phương
(trực tiếp là Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương) đã luôn sát cánh, ủng hộ
ĐHQG TPHCM trong quá trình xây dựng, phát
triển và tiếp tục có các chính sách phù hợp theo từng giai đoạn để đổi mới,
phát triển giáo dục đào tạo, các cơ sở giáo dục trọng điểm trong đó có ĐHQG
TPHCM.
1. Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tiếp tục rà soát,
tháo gỡ các vướng mắc nhất là về cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh thực hiện tự
chủ toàn diện của ĐHQG TPHCM; hỗ trợ và hướng dẫn ĐHQG TPHCM xây dựng và triển
khai thí điểm mô hình thu hút người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ cao về
tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại ĐHQG TPHCM.
2. Giao Ủy ban
nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban
nhân dân tỉnh Bình Dương có cơ chế đặt hàng đào tạo, đặt hàng nghiên cứu khoa học,
nhất là nghiên cứu triển khai, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học
kỹ thuật đối với ĐHQG TPHCM.
IV. VỀ CÁC KIẾN NGHỊ CỦA ĐHQG
TPHCM
1. Đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng:
a) ĐHQG TPHCM và các bộ, ngành, địa phương liên
quan cần triển khai khẩn trương, dứt điểm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng
khu đô thị ĐHQG TPHCM; đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh
tổng mức đầu tư dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng một cách phù hợp;
b) Về ứng trước vốn trong kế hoạch đầu tư công
trung hạn 2016 - 2020 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch: Đồng ý chủ
trương; ĐHQG TPHCM làm việc với Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Bộ Tài chính để xem xét, xử lý theo quy định của Luật đầu tư công;
c) Giao Chủ tịch Ủy
ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương thành lập Ban chỉ đạo của địa
phương nhằm đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khu đô thị ĐHQG
TPHCM; xem xét, hỗ trợ ĐHQG TPHCM được vay từ nguồn vốn của địa phương; đồng thời, đề xuất cơ chế, giải pháp đối với các đơn
giá đền bù, giải phóng mặt bằng cao hơn giá định mức trình Thủ tướng Chính phủ
xem xét quyết định.
2. Đối với việc thực hiện các dự án thành phần:
a) ĐHQG TPHCM xây dựng kế hoạch cụ thể có lộ trình
phù hợp và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện;
b) Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn
ĐHQG TPHCM về cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các nguồn vốn xã hội hóa và
các nguồn vốn hợp pháp khác;
c) ĐHQG TPHCM thực hiện việc chỉ định nhà đầu tư
theo quy định pháp luật hiện hành. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn ĐHQG
TPHCM về vấn đề này; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.
3. Một số vấn đề khác:
a) Giao ĐHQG TPHCM xây dựng đề án nhằm nâng cao
năng lực công bố khoa học quốc tế và phát triển ý tưởng khởi nghiệp, trong đó
có cơ chế hỗ trợ nguồn lực tài chính cho cán bộ, giảng viên có công trình
nghiên cứu được đánh giá tốt, bài báo khoa học được đăng tải trên tạp chí quốc
tế có uy tín cao, sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp khả thi, có sản phẩm, dịch vụ
cung cấp ra thị trường, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
b) Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét việc bố trí nguồn
vốn để hỗ trợ ĐHQG TPHCM xây dựng một Trung tâm Văn hóa với tổng mức đầu tư khoảng
22 tỷ đồng.
Văn phòng Chính phủ thông báo để ĐHQG TPHCM, các bộ,
ngành, địa phương và cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: GDĐT, XD, KHĐT, TC, KHCN, TNMT;
- Ủy ban nhân dân TP, Hồ Chí Minh;
- Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội;
- Các Đại học Quốc gia: Hà Nội, TP. Hồ
Chí Minh;
- VPCP: BTCN, các PCN; Trợ lý TTg, TTK HĐGD, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, TKBT,
KTTH, KTN;
- Lưu: VT, KGVX (3). ĐND.39
|
BỘ TRƯỞNG, CHỦ
NHIỆM
Mai Tiến Dũng
|