VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 383/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2015
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI PHIÊN HỌP NĂM 2015 CỦA ỦY BAN
QUỐC GIA ĐỔI MỚI GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VÀ HỘI ĐỒNG QUỐC GIA GIÁO DỤC VÀ PHÁT
TRIỂN NHÂN LỰC
Ngày 05 tháng 11 năm 2015, tại trụ sở
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc
gia Đổi mới giáo dục và đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Quốc
gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã chủ trì Phiên họp của Ủy ban Quốc gia
Đổi mới giáo dục và đào tạo (Ủy ban), Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển
nhân lực (Hội đồng). Tham dự cuộc họp có đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Ủy
ban; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Ủy ban, Phó
Chủ tịch Hội đồng; các thành viên Ủy ban; các thành viên Hội đồng; đại diện
lãnh đạo Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Hiệp hội dạy nghề và
nghề công tác xã hội Việt Nam.
Sau khi nghe Lãnh đạo Bộ Giáo dục và
Đào tạo trình bày các báo cáo về: Đổi mới Hệ thống giáo dục quốc dân; Xây dựng
Khung trình độ quốc gia; Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ
thông; Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm
2015; Kết quả thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; ý kiến phát biểu của các thành viên
Ủy ban, thành viên Hội đồng và đại biểu tham dự cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng đã kết luận như sau:
Hoan nghênh các đồng chí thành viên
Ủy ban và Hội đồng đã dự họp đầy đủ và có nhiều ý kiến thẳng thắn, khoa học và
trách nhiệm đóng góp cho 05 nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận tại phiên
họp này. Đánh giá cao cơ quan thường trực Ủy ban và Hội đồng đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan liên quan và tham khảo kinh nghiệm
quốc tế để chuẩn bị tốt các tài liệu phục vụ phiên họp.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết số
29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung
ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Chính phủ
đã ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09 tháng 06 năm 2014
(Nghị quyết 44) về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29
của Trung ương với 18 đề án cụ thể trên 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để
thực hiện. Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp
luật (Luật, Nghị định, Quyết định, Thông tư), đề án, nhiệm vụ có liên quan đến
đổi mới giáo dục và đào tạo. Sau gần 2 năm triển khai thực
hiện Nghị quyết của Trung ương, giáo dục và đào tạo nước
ta đang có những chuyển biến mới trên nhiều mặt được nhân dân đồng tình ủng hộ, như về bảo
đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, nhất là vùng khó
khăn và đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục thực hiện kiên cố hóa trường lớp
học và nhà công vụ cho giáo viên; đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục
phổ thông và thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng; đẩy
mạnh phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi, giữ vững và nâng cao chất lượng
phổ cập giáo dục tiểu học; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đào tạo; thí điểm cơ
chế tự chủ đối với một số trường đại học công lập; chú trọng đào tạo nghề, tỷ lệ
lao động qua đào tạo tiếp tục tăng thêm so với các năm trước. Các Bộ, ngành, địa
phương đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao, bám sát tinh thần đổi mới,
triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương đạt kết quả tích cực.
Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, yếu
kém cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, việc thực
hiện nhiều Đề án, nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 44 của
Chính phủ còn chậm, một số địa phương chưa có báo cáo kết quả triển khai thực
hiện Nghị quyết 29 của Trung ương. Việc truyền thông để người dân, các tầng lớp xã hội nắm bắt một cách đầy đủ và đúng đắn về các chủ trương, giải pháp đổi
mới giáo dục và đào tạo cần được chú trọng hơn nữa để góp phần tạo đồng thuận xã hội, huy động sự tham gia tích cực của nhân dân vào
sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Để tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới căn
bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới, Bộ
Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành có
liên quan cùng các địa phương cần tập trung thực hiện một
số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết
số 29-NQ/TW của Trung
ương
- Các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp
tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết 29 của
Trung ương và Nghị quyết 44 của Chính phủ để đổi mới căn
bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng mở, hội nhập,
xây dựng xã hội học tập, phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách,
đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân; chủ động
nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ ban hành các cơ chế, chính
sách, đề án thực hiện các nhiệm vụ đổi mới một cách hiệu quả; tăng cường công
tác truyền thông các chủ trương, giải pháp đổi mới giáo dục đào tạo tạo sự đồng
thuận, ủng hộ của nhân dân và các tầng lớp xã hội.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội tập trung chỉ đạo đổi mới nội
dung, chương trình, phương pháp dạy và học, đánh giá kết quả, nâng cao chất
lượng giáo dục đào tạo, nhất là đào tạo nghề và giáo dục đại học; phát triển
đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới;
phát triển hợp lý giáo dục công lập và ngoài công lập;
khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển các trường chất lượng cao; giao quyền
tự chủ phù hợp cho các cơ sở giáo dục đào tạo; tiếp tục
thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đào tạo cho các
vùng khó khăn và các đối tượng chính sách.
- Các thành viên Ủy ban, Hội đồng
tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những ý kiến tâm huyết, trí tuệ đóng góp cho sự
nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của
đất nước theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương.
2. Hoàn thiện Hệ thống giáo dục quốc dân và
xây dựng Khung trình độ quốc gia
Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu,
tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, chủ trì phối hợp với Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội, Bộ Y tế, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Hiệp
hội dạy nghề và nghề công tác xã hội Việt Nam để tiếp tục hoàn thiện Hệ thống
giáo dục quốc dân và xây dựng Khung trình độ quốc gia; trình Thủ tướng Chính phủ có một cuộc họp riêng về nội dung này trước khi
trình Chính phủ xem xét, ban hành. Trong đó, lưu ý một số vấn đề sau:
a) Về Hệ thống
giáo dục quốc dân
- Làm rõ những hạn chế của Hệ thống
giáo dục quốc dân hiện tại để đề xuất hoàn thiện Hệ thống giáo dục quốc dân mới
một cách phù hợp, khoa học, bảo đảm tính khả thi, liên thông và phân luồng, tạo
cơ hội được học tập suốt đời của người dân; làm rõ thêm việc tổ chức loại hình
trường Trung học phổ thông kỹ thuật, trong đó làm rõ sự khác biệt của loại hình
trường này với trường Trung cấp nghề, trường Trung học phổ thông và các cơ sở
giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông để tránh trùng
lặp, phát sinh mô hình trường học mới gây lãng phí và không hiệu quả.
- Xác định rõ thời gian của từng cấp học, bậc học phù hợp, lộ trình triển khai, các văn bản cần sửa
đổi bổ sung. Việc hoàn thiện hệ thống cần phù hợp với điều
kiện thực tiễn của Việt Nam, xu hướng hội nhập quốc tế, phù hợp với mô hình của
các nước tiên tiến trên thế giới.
- Cơ bản thống nhất quan điểm và nội
dung trình của Bộ Y tế về đổi mới hệ thống đào tạo nhân lực y tế. Giao Bộ Y tế
chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn chỉnh mô hình và lộ trình thực hiện phù hợp để Bộ
Giáo dục và Đào tạo tổng hợp chung trình Thủ tướng Chính
phủ.
b) Về Khung
trình độ quốc gia:
- Tiếp tục hoàn thiện Khung trình độ
quốc gia bảo đảm phù hợp với khung trình độ của các nước trong khu vực và thế
giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về giáo dục, đào
tạo và việc làm, về việc công nhận văn bằng giữa Việt Nam
với các nước.
- Việc hoàn thiện Khung trình độ quốc
gia cần thực hiện gắn kết mật thiết với việc hoàn thiện Hệ thống giáo dục quốc dân, tạo nền tảng, cơ sở triển khai đổi mới căn
bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
3. Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực
hiện các nhiệm vụ Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
theo đúng lộ trình, kế hoạch đã đề ra tại Quyết định số
404/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.
- Nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các
thành viên Ủy ban và Hội đồng tại Phiên họp đối với Dự thảo chương trình giáo
dục phổ thông mới, bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình đổi mới chương
trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
- Tiếp thu ý kiến của các nhà khoa
học, chuyên gia, nhất là các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy, đồng thời làm
tốt công tác truyền thông về quan điểm, chủ trương, cách làm trong đổi mới
chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tạo sự đồng thuận và ủng hộ
trong xã hội.
- Việc ban hành chương trình giáo dục
phổ thông mới sẽ được thực hiện sau
khi Chính phủ ban hành cơ cấu Hệ thống giáo dục quốc dân
và Khung trình độ quốc gia để bảo đảm tính thống nhất và xuyên suốt trong toàn
bộ hệ thống.
4. Về
Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng
năm 2015
- Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ
chức Hội nghị về kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và tuyển
sinh đại học, cao đẳng để tổng kết, đánh giá một cách khách quan, toàn diện
những mặt được và chưa được theo các mục tiêu đã đặt ra cho kỳ thi và tuyển
sinh năm 2015; tiếp tục hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi
năm 2016 bảo đảm công bằng, tiết kiệm, giảm áp lực theo đúng tinh thần Nghị quyết
29 của Trung ương trong việc đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá học sinh.
- Tiếp tục đổi mới kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2016 bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tạo thuận lợi cho học sinh và phụ huynh; phương án
thi cần được cân nhắc kỹ về số môn thi, thời gian thi, địa điểm thi... phù hợp;
tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các địa phương,
các trường đại học trong việc tổ chức kỳ thi.
- Về công tác
tuyển sinh đại học: Tiếp tục thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương
là giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại
học; phát huy vai trò của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, tính
liên kết, phối hợp giữa các trường đại học trong công tác
tuyển sinh.
- Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức
tổng kết, đánh giá việc đổi mới công tác tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực năm 2015. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào
tạo xem xét mô hình, phương thức phù hợp, đáp ứng yêu cầu
đổi mới để phát huy, nhân rộng.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các
Bộ, cơ quan liên quan và các thành viên Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào
tạo, các thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực biết,
thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng
CP (để b/c);
- Các Bộ: GDĐT, LĐTBXH, KHCN, KHĐT, TC, NV, YT;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban VH, GD, TN, TN&NĐ Quốc hội;
- Đại học Quốc gia Hà Nội;
- Các thành viên UBQG Đổi mới GD và ĐT;
- Các thành viên HĐQG GD&PTNL;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg,
TTK HĐGD, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục;
- VP HĐQG GD&PTNL;
- Lưu: VT, KGVX (3b).
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Khắc Định
|