Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 918-QĐ Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Giáo dục Người ký: Nguyễn Văn Huyên
Ngày ban hành: 24/12/1963 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ GIÁO DỤC
*******

Số: 918-QĐ

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Hà Nội, ngày 24  tháng 12 năm 1963

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH “QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC LÃNH ĐẠO TRƯỜNG BỔ TÚC VĂN HÓA CẤP I VÀ CẤP II Ở NÔNG THÔN” VÀ “QUY CHẾ VỀ NHIỆM VỤ CỦA CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG LÀM CÔNG TÁC BỔ TÚC VĂN HÓA Ở NÔNG THÔN”

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Căn cứ vào Chỉ thị số 042-CT ngày 11-7-1963 của Bộ Giáo dục về phát triển giáo dục năm 1963-1964.
Căn cứ vào Quyết định số 218-CĐ ngày 24-4-1963 của Bộ Giáo dục có quy định nhiệm vụ nhà trường phổ thông làm công tác bổ túc văn hóa.
Xét sự cần thiết phải đưa phong trào bổ túc văn hóa ở nông thôn vào nền nếp.
Căn cứ vào đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ giáo dục cấp I-II.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành: “Quy chế tạm thời về tổ chức lãnh đạo trường bổ túc văn hóa cấp I và cấp II ở nông thôn” và “quy chế về nhiệm vụ của các trường phổ thông làm công tác bổ túc văn hóa ở nông thôn” đính kèm theo quyết định này.

Điều 2.Ông Chánh văn phòng Bộ Giáo dục và các ông Vụ trưởng Vụ giáo dục cấp I-II, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC




Nguyễn Văn Huyên

 

QUY CHẾ TẠM THỜI

VỀ TỔ CHỨC VÀ LÃNH ĐẠO CÁC TRƯỜNG BỔ TÚC VĂN HÓA CẤP I VÀ CẤP II NÔNG THÔN

Quy chế tạm thời này ấn định những nguyên tắc cơ bản bảo đảm cho phong trào bổ túc văn hóa ở nông thôn phát triển rộng rãi và có nền nếp để bảo đảm chất lượng học tập, phát huy tác dụng mạnh mẽ của nhà trường đến sản xuất và đời sống ở nông thôn.

Chương 1:

MỤC ĐÍCH HỌC BỔ TÚC VĂN HÓA

Điều 1.Cán bộ, thanh niên và xã viên có nhiệm vụ học tập văn hóa để góp phần đẩy mạnh sản xuất và công tác, nâng cao trình độ quản lý hợp tác xã và cải tiến kỹ thuật ở nông thôn.

Theo Nghị quyết 93 ngày 2-12-1959 của Ban bí thư Trung ương Đảng thì việc học tập văn hóa “ngoài nhiệm vụ cung cấp những kiến thức văn hóa cơ bản nhằm giúp cán bộ, công nhân, nông dân giải quyết những vấn đề thiết thực trong công tác, trong sản xuất… còn phải chuẩn bị để người học có thể tiến lên nắm những kiến thức khoa học và kỹ thuật hiện đại”.

Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ 3 cũng chỉ rõ: “Bổ túc văn hóa nhằm đạt cơ sở đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng và chính trị trong nhân dân lao động, xúc tiến công tác đào tạo cán bộ kinh tế và văn hóa theo quy mô lớn và mở rộng công tác phổ biến khoa học kỹ thuật”.

Cho nên việc học bổ túc văn hóa phải có mục đích tính rõ rệt, kiên quyết chống xu hướng học văn hóa chung chung, coi nhẹ phần ứng dụng vào công tác, vào sản xuất, phải theo đúng phương châm như nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 đã vạch rõ là: “Phải gắn việc học văn hóa với việc học thêm về kỹ thuật, nghiệp vụ”.

Chương 2:

CHƯƠNG TRÌNH VÀ VIỆC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BỔ TÚC VĂN HÓA

Điều 2. - Bộ Giáo dục đã quy định các chương trình học bổ túc văn hóa cho cán bộ, thanh niên và xã viên hợp tác xã nông nghiệp gồm:

Chương trình cấp I cho trường bổ túc văn hóa cấp I và hợp tác xã.

Chương trình cấp II cho trường bổ túc văn hóa cấp II ở xã.

Mỗi chương trình đã quy định mục đích, yêu cầu, mức độ các môn học, hệ thống các kiến thức và thời gian thực hiện. Các cơ quan giáo dục các cấp và các trường bổ túc văn hóa phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định đó.

Điều 3. - Mỗi địa phương có những đặc điểm riêng của mình cho nên khi thực hiện chương trình nếu có sự thay đổi hoặc thêm bớt nội dung chương trình cần phải được Ty giáo dục quyết định, và chỉ được thay đổi hoặc thêm bớt những điểm đã quy định rõ trong từng môn học của chương trình.

Những tài liệu đã quy định trong chương trình cần được thực hiện đúng đắn, trường hợp không đủ sách giáo khoa thích hợp cần phải theo đúng yêu cầu nội dung và phân phối của chương trình để soạn bài.

Điều 4.Chương trình có ghi cả kế hoạch thực hiện, số tuần học trong một năm và số giờ học hàng tuần.

Mỗi trường phải nghiêm chỉnh thực hiện kế hoạch ấy, tuy nhiên do tình hình thực tế thời vụ mỗi nơi một khác cho nên phân phối năm học có thể khác nhau. Việc quyết định phân phối năm học có thể khác nhau. Việc quyết định phân phối năm học phải do Ty giáo dục quyết định, trên tinh thần bảo đảm đủ số giờ đã quy định trong chương trình.

Chương 3:

TỔ CHỨC TRƯỜNG LỚP BỔ TÚC VĂN HÓA

Điều 5. - Ở nông thôn được tổ chức hai loại trường, trường cấp I và trường cấp II. Việc mở trường phải do Ủy ban hành chính xã đề nghị lên Ty giáo dục quyết định.

Trường cấp I mở ở các hợp tác xã quy mô thôn do hợp tác xã quản lý. Hợp tác xã cử một cán bộ trong ban quản trị ra làm hiệu trưởng và cử những người có khả năng và trình độ văn hóa ra làm giáo viên giảng dạy trong các lớp bổ túc văn hóa của hợp tác xã.

Trường cấp II mở chung ở xã do Ủy ban hành chính xã quản lý, Trường cấp II cần dành ưu tiên cho các cán bộ chủ chốt ở xã và hợp tác xã, các anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua, đảng viên, thanh niên lao động, các giáo viên bổ túc văn hóa vào học.

Ủy ban hành chính xã cần cử cán bộ ra làm hiệu trưởng để trực tiếp quản lý trường sở. Giáo viên dạy ở trường này là các giáo viên của trường phổ thông, giáo viên chuyên trách hoặc những người có đủ trình độ văn hóa ở trong xã được Ủy ban hành chính lựa chọn ra làm giáo viên.

Điều 6. - Tất cả các trường bổ túc văn hóa cần phải cố gắng có đủ cơ sở vật chất cần thiết như: - bàn ghế - bảng đen – các dụng cụ giảng dạy cần thiết – có đủ ánh sáng – có đất đai để thực hành kỹ thuật.

Điều 7. - Tất cả các lớp (cấp I và cấp II) đều phải có đủ các sổ sách cần thiết như sổ gọi tên, sổ ghi điểm, sổ theo dõi đầu bài, sổ biên bản của lớp và các sách giáo khoa cần thiết cho việc giảng dạy.

Các sổ sách phải được bảo quản chu đáo, và có sự theo dõi thường xuyên của hiệu trưởng và giáo viên phụ trách lớp.

Chương 4:

LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC BỔ TÚC VĂN HÓA

Điều 8. - Mỗi trường bổ túc văn hóa phải có một ban giám hiệu từ ba đến năm người để lãnh đạo công tác của trường. Thành phần của ban giám hiệu trường cấp I bổ túc văn hóa gồm có:

- Một đại biểu của ban quản trị hợp tác xã làm hiệu trưởng. Ngoài ra có tổ trưởng tổ giáo viên của trưởng bổ túc văn hóa cấp 1, một đại biểu của trường phổ thông cấp I cử ra làm công tác bổ túc văn hóa và một đại biểu của chi đoàn Thanh niên lao động tham gia vào ban giám hiệu.

Thành phần của ban giám hiệu trường cấp II bổ túc văn hóa gồm có:

- Một đại biểu của chính quyền xã cử ra làm hiệu trưởng. Ngoài ra hiệu trưởng trường phổ thông cấp II, giáo viên chuyên trách, hoặc giáo viên đặc trách, và đại biểu đoàn thể thanh niên tham gia vào ban giám hiệu.

Ban giám hiệu có trách nhiệm lãnh đạo toàn diện công tác bổ túc văn hóa của trường đó và phân công người phụ trách từng mặt công tác.

Cụ thể là:

a) Tổ chức cơ sở vật chất của trường:

- Thiết bị trường lớp, bàn ghế, bảng, ánh sáng, các sách giáo khoa, đồ dùng để dạy v.v…

- Thực hiện quy chế do cơ quan giáo dục ban hành.

- Thực hiện nội quy của trường.

- Thu học phí và trả thù lao cho giáo viên.

b) Lãnh đạo công tác giảng dạy và học tập:

- Bố trí giáo viên, lập kế hoạch giảng dạy, chỉ đạo giáo viên nghiên cứu và thực hiện chương trình.

- Theo dõi và kiểm tra việc giảng dạy của giáo viên.

- Tổ chức các buổi kiến thực tập, bồi dưỡng cho giáo viên về chuyên môn.

- Theo dõi kết quả học tập và hướng dẫn phương pháp học tập cho học viên. Tổ chức tốt các kỳ thi lên lớp, quản lý việc ghi học bạ cho học viên và các sổ sách của trường.

c) Lãnh đạo công tác thi đua:

- Lãnh đạo tinh thần và thái độ học tập của học viên, động viên học viên đi học.

- Phát động phong trào thi đua trong giáo viên và học viên, bình bầu những giáo viên và học viên có nhiều thành tích.

d) Tổ chức các buổi sinh hoạt thường kỳ với giáo viên phụ trách các lớp, với ban quản trị lớp để nắm được tình hình chung và có biện pháp bổ khuyết kịp thời.

Điều 9. - Hiệu trưởng chịu trách nhiệm chung về các mặt công tác, nhất là công tác thi đua, và liên hệ với chính quyền và các đoàn thể địa phương để giải quyết những công tác của trường.

Trong ban giám hiệu phải có một người nắm được công tác chuyên môn để phụ trách công tác giảng dạy và học tập, giúp hiệu trưởng lãnh đạo tốt công tác chuyên môn của trường.

Các đại biểu còn lại sẽ phân công nhau giúp hiệu trưởng phụ trách từng mặt công tác khác như tổ chức cơ sở vật chất của trường, thu học phí của học viên và chịu trách nhiệm đôn đốc học viên ở đoàn thể mình đi học.

Điều 10.Các giáo viên bổ túc văn hóa được tổ chức thành những nhóm hoặc tổ chuyên môn.

Đối với giáo viên các trường cấp I thì tổ chức chung thành một tổ giáo viên có tổ trưởng phụ trách.

Các giáo viên trường cấp II bổ túc văn hóa thì tùy theo tình hình thực tế mà tổ chức thành các tổ hoặc nhóm chuyên môn về tự nhiên và xã hội có các tổ trưởng hoặc nhóm trưởng phụ trách.

Các tổ giáo viên và tổ hoặc nhóm chuyên môn phải sinh hoạt thường kỳ để bàn những công tác thiết thực nhất trong việc giảng dạy. Cụ thể là:

- Xây dựng kế hoạch giảng dạy các bộ môn kiểm điểm việc thực hiện chương trình kế hoạch và giảng dạy.

- Trao đổi kinh nghiệm soạn bài, giáo án, kinh nghiệm giảng dạy và kinh nghiệm sử dụng sách giáo khoa.

- Tổ chức thăm lớp lẫn nhau để rút kinh nghiệm.

- Bàn kế hoạch tổ chức thực hành kỹ thuật hoặc phổ biến khoa học kỹ thuật trong nhân dân.

- Bàn kế hoạch kiểm tra lên lớp và thi hết cấp cho học viên.

Điều 11.Trong các buổi học, học viên phải tự quản là chính. Mỗi lớp cần cử ban quản trị lớp có lớp trưởng và lớp phó để:

- Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nội quy học tập của lớp mình.

- Bảo quản cơ sở vật chất của trường, giữ các sổ gọi tên và ghi điểm, thu học phí.

- Tổ chức cho lớp góp ý kiến với nhà trường về mọi mặt: tổ chức, giảng dạy, học tập v.v…

Chương 5:

GIÁO VIÊN

Điều 12.Giáo viên dạy các lớp bổ túc văn hóa phải lựa chọn người có khả năng và phải được bồi dưỡng về chuyên môn để thực hiện chương trình và đảm bảo chất lượng giảng dạy.

Về văn hóa: Giáo viên phải hơn lớp mình phụ trách ít nhất là ba lớp. Mỗi giáo viên phải tích cực học văn hóa để nâng cao trình độ văn hóa của mình để đảm bảo tốt việc giảng dạy.

Về nghiệp vụ: Phải được bồi dưỡng về tâm sinh lý người lớn và phương phàp giảng dạy người lớn, biết cách soạn bài, soạn giáo án và cách làm kế hoạch giảng dạy để thực hiện tốt chương trình.

Mỗi giáo viên phải nắm chắc được toàn bộ nội dung chương trình của bộ môn lớp mình phụ trách và nghiên cứu chương trình của cấp mình để thực hiện tốt chương trình. Phải tham dự các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, các buổi kiến thực tập và các buổi rút kinh nghiệm về nâng cao chất lượng giảng dạy. Giáo viên phải tham gia đều đặn các buổi sinh hoạt của tổ, của nhà trường và tích cực tham gia vào các hoạt động của tổ giáo viên.

Về đạo đức: Giáo viên phải có tư tưởng, thái độ chính trị tốt, nắm được chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, nhất là các chủ trương chính sách đang được phổ biến ở nông thôn để thông qua bài giảng mà giáo dục cho học viên.

- Phải nâng cao nhiệt tình giảng dạy, quan tâm đến tình hình học tập của học viên để có biện pháp giúp đỡ học viên học tập kết quả.

- Giáo viên bổ túc văn hóa được hưởng thù lao tùy theo khả năng thu nhập ở cơ sở mình giảng dạy, và tùy theo quy định cụ thể của cơ sở đó. Giáo viên bổ túc văn hóa được miễn công tác dân công trong thời gian tham gia công tác bổ túc văn hóa theo quy định của Chính phủ.

Điều 13. - Ở những nơi có trường cấp II phổ thông thì theo Chỉ thị số 042-CT ngày 11-7-1963 của Bộ Giáo dục, mà sử dụng giáo viên đặc trách lấy tỉ lệ 1,7 giáo viên cho các lớp phổ thông ra làm công tác bổ túc văn hóa. Giáo viên đặc trách chỉ dạy một số ít giờ ở trường phổ thông (từ 3 đến 6 giờ trong một tuần) số giờ còn lại để làm công tác bổ túc văn hóa.

Những nơi chưa có trường cấp II phổ thông sẽ có giáo viên chuyên trách. Giáo viên chuyên trách phải dậy từ 9 đến 12 giờ một tuần ở các lớp học bổ túc văn hóa của cán bộ chủ chốt và đối tượng chính,.

Giáo viên chuyên trách cũng tới trường phổ thông cấp I tổ chức và giảng dạy các lớp cấp II bổ túc văn hóa của xã và tổ chức bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên kiêm chức của xã đó.

Chương 6:

HỌC VIÊN

Điều 14. - Học viên phải luôn luôn xác định mục đích chính của việc học tập là nhằm đẩy mạnh sản xuất, cải tiến kỹ thuật, cải tiến công tác quản lý ở nông thôn. Mỗi học viên phải tuân theo kế hoạch học tập và nội quy của trường lớp, cố gắng khắc phục khó khăn để thường xuyên đi học đều đặn.

Điều 15. - Mỗi học viên phải có học bạ, hàng năm phải được ghi đầy đủ thành tích học tập và ý kiến nhận xét của giáo viên chủ nhiệm.

Khi học viên vào học lớp nào phải có học bạ đầy đủ và phải qua kỳ kiểm tra để đánh giá trình độ trước khi vào lớp.

Điều 16. - Học viên phải đi học thường xuyên, nếu nghỉ bài nào phải cố gắng học bù để có cơ sở tiếp tục học các bài sau. Nếu học viên nghỉ qua 1/4 số bài học trong một năm học thì phải học lại, hoặc phải có kế hoạch học bổ sung cho đủ mới được dự các kỳ kiểm tra lên lớp và thi tốt nghiệp.

Học viên phải học đầy đủ các môn học đã quy định trong chương trình, không được chỉ chú trọng môn này coi nhẹ môn khác, phải tích cực vận dụng những điều đã học vào thực tế sản xuất và đời sống. Phải thực hiện theo những hướng dẫn của giáo viên, tích cực tham gia công tác thực hành kỹ thuật do trường tổ chức và hướng dẫn.

Điều 17. - Học viên có nhiệm vụ đóng học phí đầy đủ, các góp sức xây dựng trường lớp. Tham gia các hoạt động của nhà trường.

Điều 18. - Đối với một số cán bộ chủ chốt có thể tùy theo khả năng của địa phương mà có thể được bố trí học những lớp riêng và tăng thêm nhiều buổi hơn để chóng thanh toán chương trình học, hoặc có thể được đi dự lớp tập trung ngắn ngày do huyện hay tỉnh tổ chức. Các cấp chính quyền, các đoàn thể và các ban quản trị hợp tác xã cần quan tâm đầy đủ đến tình hình học tập của các cán bộ chủ chốt, phải quy định chế độ cụ thể về giờ giấc học tập, phân công giáo viên tốt giảng dạy và giúp đỡ các phương tiện để giảng dạy cũng như có trường lớp, bàn ghế, bảng chu đáo để học viên học tập được kết quả.

Chương 7:

CHẾ ĐỘ THI CHUYỂN LỚP VÀ THI HẾT CẤP

Điều 19. - Để đảm bảo cho học viên học tập kết quả và tiến lên vững chắc, nhà trường phải tổ chức việc kiểm tra lên lớp và tổ chức thi tốt nghiệp chặc chẽ và kịp thời. Trước khi kiểm tra hoặc thi, nhà trường phải có kế hoạch giúp học viên ôn tập, hệ thống hóa các môn học.

Học viên muốn dự kiểm tra lên lớp cần có đủ điều kiện sau đây:

a) Phải học căn bản hết số giờ đã quy định cho từng môn học ở lớp mình, làm tương đối đầy đủ bài kiểm tra hàng tháng mới được dự kiểm tra lên lớp.

b) Nếu vì lý do nào đó phải nghỉ mất quá 1/4 số bài học của lớp đó mà không có kế hoạch học bù thì không được dự kiểm tra.

c) Nếu trong năm học có 3/4 số điểm tổng kết cả năm dưới trung bình, hoặc có 1/2 số điểm tổng kết cả năm trong đó có cả hai môn văn và toán dưới trung bình thì phải học lại.

Học viên khi dự kiểm tra lên lớp nếu đạt được điểm trung bình của tất cả các môn mới được lên lớp. Môn nào đạt điểm dưới trung bình thì phải kiểm tra lại. Nếu khi kiểm tra lại vẫn có những môn dưới trung bình, trong đó không có môn văn hoặc toán thì xét điểm tổng kết, nếu điểm tổng kết môn đó đạt điểm trung bình thì được lên lớp. Nếu các môn kiểm tra lại mà có môn toán hay văn vẫn không đạt điểm trung bình thì phải học lại. Trường hợp có những học viên kiểm tra xong, hoặc học bù đủ số bài trong chương trình thì nhà trường có thể tổ chức những kỳ thi riêng cho những học viên đó.

Điều 20. - Học viên có những điều kiện sau đây thì được dự kỳ thi hết cấp:

- Học viên phải có học bạ chứng nhận đã học hết chương trình các lớp của cấp đó.

- Phải có đủ điều kiện quy định ở điều 19 (gồm các điểm a, b, c) đối với các lớp cuối cấp (lớp 4 của cấp I và lớp 7 của cấp II) mới được dự thi hết cấp.

(Thể lệ thi, tổ chức hội đồng thi và điều kiện trúng tuyển sẽ có quy định riêng cho từng cấp học).

Điều 21.Khi học hết chương trình của mỗi lớp, ban giám hiệu có trách nhiệm tổ chức kiểm tra chuyểnlớp cho học viên. Bài kiểm tra các lớp cấp I do trường cấp I bổ túc văn hóa soạn phải thông qua ban giám hiệu trường đó và được sự góp ý của nhà trường phổ thông cấp I ở địa phương. Bài kiểm tra các lớp cấp II do trường cấp II bổ túc văn hóa soạn và phải được phòng giáo dục huyện thông qua.

Điều 22.Khi học xong chương trình của một cấp, sau khi đã tổ chức ôn tập kỹ cho học viên, ban giám hiệu phải đăng ký với ban giáo dục xã để xin tổ chức thi. Ban giáo dục xã phải báo cáo lên phòng giáo dục để quyết định ngày thi hết cấp I. Ty giáo dục ra đề thi hết cấp I và phải duyệt danh sách thí sinh trúng tuyển hết cấp I. Việc tổ chức thi hết cấp I phải thống nhất cho các trường cấp I ở trong xã hay liên xã. Mỗi năm có thể tổ chức thi hết cấp I làm hai kỳ vào lúc thuận tiện nhất.

- Đối với thi hết cấp II, phòng giáo dục phải báo cáo với Ty giáo dục và do Ty giáo dục quyết định ngày thi, ngày thi hết cấp II cần thống nhất cho toàn huyện hoặc cho một số xã trong huyện.

Việc ra đề thi hết cấp II do Ty giáo dục soạn và phải được Bộ Giáo dục thông qua. Ty giáo dục duyệt danh sách thí sinh trúng tuyển kỳ thi hết cấp II.

Mỗi năm chỉ tổ chức thi hết cấp II vào một lần chính thức, tùy số học viên thi hỏng mà có thể tổ chức thi lại lần thứ hai.

Điều 23.Ty giáo dục có nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp cấp I và cấp II theo mẫu thống nhất của Bộ Giáo dục.

Chương 8:

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 24.Các trường bổ túc văn hóa thi đua giảng dạy tốt, học tập tốt (theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục) và thi đua thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch của từng năm học.

Giáo viên giảng dạy tích cực sẽ được bầu là giáo viên tiên tiến, giáo viên có nhiều thành tích xuất sắc sẽ được bầu là chiến sĩ thi đua và được đề nghị lên cấp trên khen thưởng thích đáng.

Những học viên học tập tốt, đạt nhiều thành tích sẽ được bầu là học viên tiên tiến và được chính quyền và các đoàn thể xét để khen thưởng.

Điều 25. - Những giáo viên vi phạm nội quy của trường, mắc những khuyết điểm trong giảng dạy hoặc không làm đầy đủ nhiệm vụ của mình, ban giám hiệu sẽ phê bình, nếu khuyết điểm nặng sẽ do Ty giáo dục hoặc cơ quan cấp trên quyết định kỷ luật.

Những học viên phạm nội quy của trường, ban giám hiệu sẽ phê bình giáo dục. Nếu khuyết điểm nặng mà không chịu sửa chữa, ban giám hiệu có thể cảnh cáo hoặc đưa ra khỏi trường.

Chương 9:

SỬ DỤNG QUỸ VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Điều 26. - Quỹ của trường bổ túc văn hóa gồm tiền học phí (hoặc công điểm) của học viên đóng, tiền ủng hộ các đoàn thể hay tư nhân và tiền thu hoạch của tổ giáo viên và học viên trong việc thực hành kỹ thuật.

Ban giám hiệu được quyền chi tiêu tiền quỹ vào các việc: mua sắm phương tiện để dậy như phấn, giấy, sách giáo khoa v.v… và chi thù lao cho giáo viên theo quy định của địa phương. Việc thu chi phải có sổ sách, Ủy ban hành chính xã có trách nhiệm kiểm tra việc sử dụng quỹ của các trường trong xã.

Từng học kỳ hoặc từng năm học, ban giám hiệu phải báo cáo tài chính cho toàn trường biết.

Điều 27. - Từng học kỳ, hoặc sau các đợt sơ kết, tổng kết, ban giám hiệu phải có nhiệm vụ báo cáo tình hình cho ban giáo dục xã. Ban giáo dục xã tập hợp tình hình hàng tháng để báo cáo lên cấp trên.

Điều 28.Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Các quy định trước đây trái với quy chế này đều không có giá trị. Quy chế này ban hành theo Quyết định số 918-QĐ ngày 24-12-1963.

 

QUY CHẾ

VỀ NHIỆM VỤ CỦA CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG LÀM CÔNG TÁC BỔ TÚC VĂN HÓA Ở NÔNG THÔN

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 3 đã ghi rõ: “Về giáo dục, trước mắt cần coi nhiệm vụ bổ túc văn hóa là nhiệm vụ hàng đầu, nhằm đặt cơ sở đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng chính trị trong nhân dân lao động, xúc tiến công tác đào tạo cán bộ kinh tế văn hóa theo quy mô lớn và mở rộng công tác phổ biến khoa học và kỹ thuật”. Nghị quyết của Trung ương Đảng lần thứ 8 lại một lần nữa xác định công tác bổ túc văn hóa là công tác hàng đầu của ngành giáo dục. Để thực hiện nhiệm vụ này, ngành ta cố ra sức động viên lực lượng toàn dân và trước hết là động viên lực lượng toàn ngành giáo dục tham gia làm công tác bổ túc văn hóa thì nhiệm vụ hàng đầu mới thực hiện được tốt.

Năm 1962, Bộ đã đề ra nhiệm vụ thứ 8 làm công tác bổ túc văn hóa cho các trường phổ thông. Thực hiện nhiệm vụ này, nhiều trường phổ thông đã làm tốt công tác bổ túc văn hóa. Đến nay, đã tạo điều kiện cho các trường phổ thông có thể làm tốt hơn nữa công tác bổ túc văn hóa. Bộ đã có chủ trương tính thêm tỷ lệ giáo viên cho các trường cấp II (từ tỷ lệ mỗi lớp có 1,5 giáo viên nay tăng lên 1,7).

Trong khi chờ đợi một bản quy chế chính thức, Bộ tạm thời quy định một số chế độ của nhà trường phổ thông làm nhiệm vụ bổ túc văn hóa như sau:

NHIỆM VỤ CỦA TRƯỜNG PHỔ THÔNG CẤP I

Điều 1. - Trường phổ thông cấp I, ngoài việc giảng dạy tốt cho học sinh phổ thông, còn có nhiệm vụ giúp đỡ bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên bổ túc văn hóa về chương trình, kế hoạch thực hiện phương pháp soạn bài, tổ chức kiến tập, xây dựng tổ giáo viên.

Điều 2. - Cử giáo viên dạy các lớp 3, 4 hoặc lớp 5 bổ túc văn hóa nhất là đối với các lớp có đối tượng chủ chốt và đối tượng chính theo học, có thể dạy ở các lớp 1, 2 nếu thiếu giáo viên bổ túc văn hóa.

Điều 3.Phong trào bổ túc văn hóa do cán bộ bổ túc văn hóa, hợp tác xã, chính quyền địa phương phụ trách. Trường phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy là chính. Tuy nhiên tùy theo tình hình cụ thể và yêu cầu của địa phương, trường còn có nhiệm vụ phối hợp với chính quyền xã, hợp tác xã để góp ý kiến và tham gia xây dựng phong trào trong một chừng mực nhất định.

NHIỆM VỤ CỦA TRƯỜNG PHỔ THÔNG CẤP II

Điều 4. - Trường phổ thông cấp II chịu trách nhiệm chính về chất lượng của các lớp cấp II bổ túc văn hóa, nhất là ở các lớp có đối tượng chủ chốt và đối tượng chính theo học.

Điều 5.Nghiên cứu nắm vững chương trình bổ túc văn hóa để cùng giáo viên bổ túc văn hóa bố trí thời khóa biểu, phân công giáo viên giảng dạy các môn, lập kế hoạch thực hiện chương trình ở các lớp và điều chỉnh kế hoạch thực hiện khi cần thiết.

Điều 6.Có kế hoạch bồi dưỡng văn hóa và chuyên môn tại chức cho giáo viên cấp I và cấp II bổ túc văn hóa làm tốt nhiệm vụ giảng dạy (giáo viên kiêm chức)

Điều 7. - Sử dụng trường lớp, các đồ cùng giảng dạy, các hóa chất thí nghiệm vào công tác bổ túc văn hóa. Đối với những nơi hóa chất có hạn, có thể vận động học viên bổ túc văn hóa đóng góp để mua thêm.

Điều 8. - Hiệu trưởng (hoặc hiệu phó) phải tham gia vào trong Ban giám hiệu trường bổ túc văn hóa cấp II, lãnh đạo giáo viên và học sinh làm công tác bổ túc văn hóa, theo dõi và đôn đốc kiểm tra sự thực hiện.

Điều 9. - Cử giáo viên đặc trách làm công tác bổ túc văn hóa. Với chủ trương tăng tỷ lệ giáo viên từ 1,5 đến 1,7, Bộ đã dành cho cấp II lực lượng giáo viên để làm công tác bổ túc văn hóa. Các trường có 4, 5, 6 lớp phải cử ra một giáo viên đặc trách. Các trường có 7, 8, 9, 10 lớp phải cử hai giáo viên đặc trách. Các giáo viên đặc trách phải là những người có trình độ chính trị, có uy tín trong Hội đồng giáo viên, nắm được chuyên môn và có kinh nghiệm về công tác quần chúng. Ngoài giáo viên đặc trách, nhà trường còn phải cử giáo viên chủ nhiệm cho các lớp cấp II bổ túc văn hóa.

Điều 10.Hội đồng giáo viên, trong các kỳ sinh hoạt cần phải dành một phần thời gian để kiểm điểm về công tác tham gia bổ túc văn hóa (tình hình giảng dạy, sự thực hiện chương trình, đánh giá kết quả các mặt công tác), khi cần thiết có thể triệu tập một kỳ sinh hoạt để bàn riêng về công tác bổ túc văn hóa.

NHIỆM VỤ GIÁO VIÊN ĐẶC TRÁCH VÀ CHUYÊN TRÁCH LÀM CÔNG TÁC BỔ TÚC VĂN HÓA

Điều 11.Giáo viên đặc trách có nhiệm vụ trực tiếp giảng dạy và chăm lo tổ chức các lớp cấp II bổ túc văn hóa có cán bộ chủ chốt và đối tượng chính theo học. Ngoài ra còn phải dành một số giờ để giảng dạy ở lớp phổ thông. Tỷ lệ sử dụng thời gian như sau:

- Dành từ 9 đến 12 giờ để giảng dạy cho bổ túc văn hóa.

- Dành từ 3 đến 6 giờ để dạy cho các lớp phổ thông.

Điều 12.Làm công tác giáo vụ cho trường cấp II bổ túc văn hóa, giúp hiệu trưởng trường liên hệ với các cấp lãnh đạo ở địa phương để xây dựng các lớp bổ túc văn hóa cho cán bộ chủ chốt và đối tượng chính.

Điều 13.Nghiên cứu chương trình, tài liệu giáo khoa bổ túc văn hóa, theo dõi đôn đốc giáo viên đã được nhà trường phân công giảng dạy bổ túc văn hóa để đảm bảo việc thực hiện chương trình, bảo đảm chất lượng, tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, cải tiến phương pháp giảng dạy, đề ra những biện pháp để duy trì lớp học và nâng cao chất lượng học tập, tổ chức thi hết lớp.

Điều 14. - Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên cấp II bổ túc văn hóa (kiêm chức) bồi dưỡng phương pháp học tập cho học viên, tổ chức thực hành kỹ thuật cho các lớp chủ chốt, đối tượng chính.

Điều 15. - Ở những trường có hai giáo viên đặc trách mà không sử dụng hết số giờ đã quy định thì phân công nhau một người tham gia ngay ở cơ sở, một người sang làm nhiệm vụ giảng dạy bổ túc văn hóa ở xã bên cạnh (nơi không có trường cấp II phổ thông và giáo viên chuyên trách).

Điều 16.Giáo viên chuyên trách do Ty cử ra ở nơi không có trường cấp II và giáo viên đặc trách, có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với trường phổ thông cấp I ở nơi phụ tách, sinh hoạt với hội đồng nhà trường để làm nhiệm vụ giảng dạy và chăm lo cho công tác bổ túc văn hóa như đã quy định đối với giáo viên đặc trách.

Giáo viên chuyên trách không phải làm công tác giảng dạy ở trường phổ thông cấp II như giáo viên đặc trách. Do đó ngoài số giờ quy định giảng dạy cho các lớp bổ túc văn hóa, phải dùng số giờ còn lại để phụ đạo cho cán bộ chủ chốt, hoặc bồi dưỡng chuyên môn, văn hóa cho giáo viên bổ túc văn hóa.

NHIỆM VỤ CỦA TẤT CẢ GIÁO VIÊN PHỔ THÔNG

Điều 17. Các giáo viên phổ thông đều có nhiệm vụ tham gia công tác bổ túc văn hóa theo như Thông tư số 46-TT của Bộ đã ban hành ngày 24-10-1962. Tất cả giáo viên đều có nhiệm vụ dạy bổ túc văn hóa từ 2 đến 6 giờ một tuần (có phụ cấp) ngoài số giờ quy định. Nếu chưa dạy đủ số giờ quy định thì phải dạy thêm bổ túc văn hóa cho đủ số giờ (không có phụ cấp). Số giờ đã quy định:

Cấp I: dạy đủ số giờ tối đa ấn định trong thời khóa biểu hàng tuần của một lớp mình phụ trách.

Cấp II: dạy học mỗi tuần là 18 giờ.

Cấp II: dạy học mỗi tuần là 16 giờ.

Điều 18.Hội đồng nhà trường sẽ tính toán toàn bộ số giờ của giáo viên phải dạy và số giờ đã được tăng lên do việc nâng tỷ lệ giáo viên từ 1,5 đến 17 để tùy tình hình cụ thể mà có thể phân công cho một số giáo viên chuyên giảng dạy cho phổ thông, một số giáo viên khác vừa dạy cho bổ túc văn hóa vừa dạy cho phổ thông. Các giáo viên được cử tham gia dạy bổ túc văn hóa phải là người có chuyên môn vững, chính trị tốt.

CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP

Điều 19.Ngoài số giờ dạy đã quy định, nếu dạy quá giờ giáo viên sẽ được tính phụ cấp theo như chế độ hiện hành. Phụ cấp giảng dạy của giáo viên đều trích ở quỹ học phí do học viên đóng góp. Ở những nơi nào chưa có điều kiện bảo đảm mức phụ cấp giảng dạy trên đây thì nhà trường cần động viên tinh thần phục vụ của giáo viên, đồng thời phải tích cực bàn bạc với lãnh đạo của địa phương, làm cho học viên thông sốt, việc thu học phí đạt kết quả tốt, dần dần giải quyết thỏa đáng vấn đề đãi ngộ cho giáo viên.

ĐỐI VỚI MIỀN NÚI

Điều 20. - Đối với miền núi, công tác bổ túc văn hóa đòi hỏi người giáo viên phổ thông phải vừa tham gia tổ chức phong trào, vừa tham gia giảng dạy một cách thật linh hoạt cho phù hợp với địa phương. Vì vậy, chế độ, giờ giấc dạy sẽ do Ty giáo dục địa phương dựa vào quy chế này và điều kiện thực tế quy định cho sát.

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 21.Các trường phổ thông nào, giáo viên nào làm tốt công tác bổ túc văn hóa sẽ được khen thưởng. Trái lại trường nào, giáo viên nào không thực hiện đầy đủ các điểm đã ghi trong quy chế sẽ tùy tình hình mà phê bình, khiển trách.

Điều 22.Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Các quy định trước đây trái với quy chế này đều không có giá trị.

Bản quy chế này ban hành theo Quyết định số 918-QĐ ngày 24-12-1963.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 918-QĐ ngày 24/12/1963 ban hành “quy chế tạm thời về tổ chức lãnh đạo trường bổ túc văn hóa cấp I và cấp II ở nông thôn” và “quy chế về nhiệm vụ của các trường phổ thông làm công tác bổ túc văn hóa ở nông thôn” của Bộ trưởng Bộ Giáo dục

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.528

DMCA.com Protection Status
IP: 18.217.195.183
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!