ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 777/QĐ-UBND
|
Thành
phố Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 3 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ BAN HÀNH KẾ HOẠCH HUY ĐỘNG TRẺ RA LỚP VÀ TUYỂN SINH VÀO CÁC LỚP ĐẦU
CẤP TỪ NĂM HỌC 2019 - 2020
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng
6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng
11 năm 2009;
Căn cứ Thông tư số
11/2014/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
về ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông;
Căn cứ Thông tư số
05/2018/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 02 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sửa đổi,
bổ sung khoản 1 Điều 2, khoản 2 Điều 4, điểm d khoản 1 và đoạn đầu khoản 2 Điều
7 của Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông ban hành kèm
theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ
Giáo dục và Đào tạo;
Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào
tạo tại Tờ trình số 253/TTr-GDĐT-VP ngày 24 tháng 01 năm 2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch
huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp từ năm học 2019 - 2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám
đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các Sở - ngành thành phố và Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các quận - huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam TP;
- Các Ban HĐND.TP;
- Các Đoàn thể Thành phố;
- VPUB: Các PVP;
- Các Phòng NCTH;
- Lưu: VT, (VX-VNga)
|
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
Lê Thanh Liêm
|
KẾ HOẠCH
HUY ĐỘNG TRẺ RA LỚP VÀ TUYỂN SINH VÀO CÁC LỚP ĐẦU CẤP TỪ NĂM HỌC 2019 –
2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 777/QĐ-UBND ngày 04 tháng 3 năm 2019 của Ủy
ban nhân dân thành phố)
A. YÊU CẦU,
NGUYÊN TẮC TUYỂN SINH
1. Đảm bảo
đủ chỗ học cho con em nhân dân Thành phố, đặc biệt là con em gia đình chính
sách, gia đình nghèo, công nhân; thực hiện tốt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ
năm tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục bậc trung học.
Thực hiện tốt công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở;
khuyến khích học sinh thi tuyển vào lớp 10 chọn nguyện vọng phù hợp với khả
năng của bản thân, gần nơi cư trú để thuận lợi cho việc tiếp tục đi học khi
trúng tuyển và giảm áp lực giao thông theo chủ trương của thành phố.
2. Khuyến
khích mỗi quận, huyện xây dựng từ một đến ba trường tiên tiến, theo xu thế hội
nhập khu vực và quốc tế ở mỗi bậc học và cấp học theo Quyết định số
3036/QĐ-UBND ngày 20 tháng 6 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố. Khuyến
khích các trường trung học tổ chức dạy môn toán và các môn khoa học tự nhiên bằng
ngoại ngữ nhằm thực hiện chủ trương chủ động hội nhập và thực hiện chương trình
đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Thành phố, khuyến khích tổ chức dạy
và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp Chương trình Anh và Việt
Nam tại các trường công lập trên địa bàn thành phố.
3. Thực
hiện đúng quy chế ở mỗi bậc học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo nghiêm túc,
an toàn, công bằng, chính xác, đánh giá đúng trình độ người học, phản ánh đúng
chất lượng dạy và học.
4. Nghiêm
cấm các trường vận động, quyên góp và thu các khoản ngoài quy định khi tuyển
sinh.
B. PHƯƠNG THỨC
HUY ĐỘNG TRẺ RA LỚP VÀ TUYỂN SINH
I. HUY ĐỘNG TRẺ
VÀO TRƯỜNG MẦM NON
1. Huy động
100% trẻ năm tuổi trong diện đi học đang cư trú trên địa bàn quận, huyện vào
trường mầm non theo tuyến do Ban tuyển sinh quận, huyện quy định. Có kế hoạch để
đảm bảo cho trẻ ba tuổi, bốn tuổi và trẻ độ tuổi nhà trẻ được đi học. Tăng dần
tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đến trường.
2. Các cơ
sở giáo dục mầm non ngoài công lập nhận trẻ năm tuổi phải thực hiện đầy đủ
chương trình mầm non năm tuổi theo quy định.
3. Tổ chức
nhận trẻ từ 6 tháng đến 18 tháng tuổi.
II. TUYỂN SINH VÀO
LỚP 1
1. Tuyển sinh vào lớp 1:
a) Huy động 100% trẻ sáu tuổi trong
diện đi học đang cư trú trên địa bàn quận, huyện vào học lớp 1 theo tuyến do
Ban tuyển sinh quận, huyện quy định.
Không nhận học sinh học sớm tuổi và
không nhận học sinh trái tuyến ngoài quận, huyện.
b) Phấn đấu thực hiện sĩ số lớp theo
Điều lệ trường tiểu học (35 học sinh/lớp).
c) Đẩy mạnh tổ chức học tiếng Anh
ngay từ lớp 1 theo Quyết định số 448/QĐ-UBND ngày 31 tháng 01 năm 2012 của Ủy
ban nhân dân thành phố.
d) Công tác tuyển sinh bắt đầu từ
ngày 01 tháng 7 hàng năm và được công bố kết quả đồng loạt vào ngày 31 tháng 7
hàng năm.
2. Tuyển sinh vào lớp 1 tăng cường
ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung):
Tiếp tục thực hiện chương trình lớp 1
tăng cường ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung). Việc tổ chức học
sinh vào học lớp 1 tăng cường ngoại ngữ do Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện
xây dựng kế hoạch và chỉ đạo trường tiểu học tổ chức thực hiện theo hướng dẫn của
Sở Giáo dục và Đào tạo. Riêng tuyển sinh lớp 1 tăng cường tiếng Pháp thực hiện
theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các lớp tăng cường tiếng Trung ưu
tiên tuyển sinh con em người Hoa.
3. Tuyển sinh vào lớp 1 chương
trình tích hợp:
- Chỉ thực hiện tại những trường đã đảm
bảo đủ chỗ học cho tất cả học sinh trong chỉ tiêu được giao.
- Đảm bảo đủ cơ sở vật chất, thiết bị
dạy học, thực hành thí nghiệm cho các lớp chương trình tích hợp theo quy định của
Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Sĩ số học sinh/lớp không vượt quá
35 học sinh/lớp.
III. TUYỂN SINH
VÀO LỚP 6
1. Tuyển sinh vào lớp 6:
a) Học sinh trong độ tuổi quy định đã
hoàn thành chương trình cấp tiểu học trên địa bàn quận, huyện nào được vào học
lớp 6 ở các loại hình trường trên địa bàn đó. Ưu tiên cho học sinh thường trú
trên địa bàn.
b) Thực hiện xét tuyển ở các trường
trung học cơ sở, riêng Trường trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa kết hợp
xét tuyển và tham gia khảo sát năng lực bằng tiếng Anh.
c) Tùy tình hình thực tế về cơ sở vật
chất trường lớp, đội ngũ giáo viên và dân cư của mỗi địa phương, trên cơ sở
tham mưu của Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân quận, huyện thực hiện xác
định chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường theo yêu cầu và nguyên tắc tuyển sinh
nêu tại phần A Kế hoạch này.
d) Sĩ số học sinh/lớp không vượt quá
45 học sinh/lớp.
đ) Công tác tuyển sinh bắt đầu từ
ngày 15 tháng 6 hàng năm và được công bố kết quả đồng loạt vào ngày 15 tháng 7
hàng năm.
2. Tuyển sinh vào lớp 6 tăng cường
ngoại ngữ:
a) Tiếng Anh tại các quận, huyện và
Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa:
- Tại các quận, huyện:
Tiếp nhận học sinh đã được công nhận
hoàn thành chương trình cấp tiểu học của chương trình và có điểm kiểm tra công
nhận trình độ từng kỹ năng ở lớp 5 đạt từ 6 điểm trở lên (do quận, huyện tự tổ
chức) hoặc có điểm toàn năm từng kỹ năng từ 6 điểm trở lên (đối với quận, huyện
không tổ chức kiểm tra công nhận trình độ) hoặc có trình độ A2 theo khung CEFR
như: chứng chỉ Cambridge Flyer đạt 10/15 khiên hoặc TOEFL Primaiy Step 2 đạt
3/5 huy hiệu, hoặc cấp độ Breakthrough 48-53 (Breakthrough pass) của PTE Young
Learners.
- Tại Trường Trung học phổ thông
chuyên Trần Đại Nghĩa:
+ Đối tượng xét tuyển là những học
sinh đã hoàn thành chương trình cấp tiểu học có điểm kiểm tra định kỳ cuối năm
mỗi môn tiếng Việt và Toán đạt từ 9 điểm trở lên của năm học lớp 5. Ngoài ra, học
sinh còn tham gia bài khảo sát năng lực bằng tiếng Anh.
+ Học sinh sẽ thực hiện bài khảo sát
năng lực bằng tiếng Anh (thời gian 90 phút).
+ Thời gian khảo sát: do Giám đốc Sở
Giáo dục và Đào tạo quy định.
+ Nếu không trúng tuyển vào lớp 6 Trường
Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, học sinh vẫn được xét tuyển vào lớp
6 theo quy định của Ban Chỉ đạo tuyển sinh quận, huyện.
b) Tiếng Pháp:
Học sinh lớp 5 đã hoàn thành chương
trình cấp tiểu học và có điểm kiểm tra định kỳ cuối năm mỗi môn tiếng Việt và
Toán đạt từ 8 điểm trở lên của năm học lớp 5 và có điểm trung bình của các môn
tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp từ 6 điểm trở lên được chuyển thẳng vào các lớp 6
tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp (lộ trình A). Học sinh đạt điểm trung
bình dưới 6 điểm có thể học theo chương trình tăng cường tiếng Pháp hoặc có thể
theo học chương trình tiếng nước ngoài hiện hành.
c) Tiếng Trung:
Đối tượng tuyển là học sinh đã hoàn
thành chương trình cấp tiểu học và đã được công nhận đạt yêu cầu cấp tiểu học của
chương trình.
d) Tiếng Nhật (Ngoại ngữ 1):
Lớp 6 tiếng Nhật (Ngoại ngữ 1) được tổ
chức tại Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn, Quận 3 và Trường Trung học cơ sở Võ
Trường Toản, Quận 1.
Việc tuyển sinh vào các lớp 6 tiếng
Nhật được thực hiện trong số học sinh đã có danh sách vào học lớp 6 của trường.
đ) Tiếng Đức:
Lớp 6 tiếng Đức (Ngoại ngữ 2) được tổ
chức tại Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, Trường Trung học cơ
sở Lê Quý Đôn, Quận 3 và Trường Trung học cơ sở Võ Trường Toản, Quận 1.
Việc tuyển sinh vào lớp 6 tiếng Đức (Ngoại
ngữ 2) được thực hiện trong số học sinh đã có danh sách vào học lớp 6 của trường.
e) Tiếng Hàn:
Lớp 6 tiếng Hàn (Ngoại ngữ 2) được tổ
chức tại Trường Trung học cơ sở Hoa Lư, Quận 9 và Trường Trung học cơ sở Bình
Thọ, quận Thủ Đức.
Việc tuyển sinh vào lớp 6 tiếng Hàn
(Ngoại ngữ 2) được thực hiện trong số học sinh đã có danh sách vào học lớp 6 của
trường.
g) Đối với các loại hình lớp học tăng
cường Ngoại ngữ ở tiểu học và ở trung học cơ sở, hằng năm Hội đồng trường có
trách nhiệm xem xét đưa ra khỏi chương trình các học sinh không theo kịp chương
trình và tổ chức khảo sát tuyển bổ sung nhưng phải bảo đảm sĩ số không vượt quá
theo quy định.
3. Tuyển sinh vào lớp 6 chương
trình tích hợp:
- Tại các quận, huyện có trường tiểu
học thực hiện chương trình tích hợp phải có trường trung học cơ sở thực hiện
chương trình tích hợp để đảm bảo tính liên thông của chương trình.
- Hoàn thành chương trình tiểu học
theo chương trình tích hợp hoặc chương trình tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo,
có đủ năng lực tiếng Anh theo quy định trình độ đủ điều kiện theo học chương
trình tích hợp cấp trung học cơ sở.
- Chỉ thực hiện tại những trường đã đảm
bảo đủ chỗ học cho tất cả học sinh trong chỉ tiêu được giao.
- Đảm bảo đủ cơ sở vật chất, thiết bị
dạy học, thực hành thí nghiệm cho các lớp chương trình tích hợp theo quy định của
Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Sĩ số học sinh/lớp không vượt quá
35 học sinh/lớp.
4. Tuyển sinh vào lớp 6 Trường
Trung học phổ thông chuyên năng khiếu Thể dục thể thao Nguyễn Thị Định:
- Gồm các bộ môn: bóng đá, bóng chuyền,
bóng rổ, điền kinh, võ thuật, cầu lông, bơi lội.
- Điều kiện xét tuyển:
+ Đã hoàn thành chương trình cấp tiểu
học và có đủ điều kiện tuyển sinh vào lớp 6.
+ Đạt giải thể dục thể thao cấp quận,
cấp thành phố, hội khỏe Phù Đổng.
- Được nhận học sinh hoàn thành
chương trình cấp tiểu học của các tỉnh khác nếu có đủ điều kiện theo quy định.
- Nộp hồ sơ xét tuyển tại trường từ
ngày 18 tháng 5 đến ngày 27 tháng 6 hàng năm (theo hướng dẫn của trường).
- Nếu không trúng tuyển vào lớp 6
chuyên năng khiếu thể dục thể thao, học sinh vẫn được xét tuyển vào lớp 6 theo
quy định của Ban Chỉ đạo tuyển sinh quận, huyện.
IV. TUYỂN SINH VÀO
LỚP 10
1. Tuyển vào lớp 10 trung học phổ
thông:
1.1. Đối tượng và phương thức tuyển
sinh:
- Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở
tại Thành phố Hồ Chí Minh trong độ tuổi quy định đều được tham gia dự tuyển
sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập.
- Phương thức tuyển sinh: thi tuyển.
Học sinh được đăng ký 3 nguyện vọng
ưu tiên 1, 2, 3 để xét tuyển vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập
(trừ Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Trường Trung học phổ
thông chuyên Trần Đại Nghĩa và Trường Phổ thông năng khiếu Đại học Quốc gia).
Không được thay đổi nguyện vọng sau khi trúng tuyển.
1.2. Tuyển thẳng vào lớp 10 trung học
phổ thông:
- Học sinh khuyết tật.
- Học sinh đạt giải cấp quốc gia và
quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp
quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.
- Học sinh thuộc đối tượng tuyển thẳng
làm đơn đăng ký xét tuyển thẳng với 3 nguyện vọng vào các trường trung học phổ
thông gần nơi cư trú trên địa bàn thành phố phù hợp điều kiện học tập (ngoại trừ
các trường trung học phổ thông chuyên, trường trung học phổ thông có lớp
chuyên, các trường tiên tiến hội nhập).
Hồ sơ xét tuyển gồm: đơn xét tuyển thẳng
và giấy chứng nhận khuyết tật do cơ quan có thẩm quyền cấp, giấy chứng nhận đạt
giải cấp quốc gia và quốc tế hợp lệ do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp.
1.3. Chế độ ưu tiên:
a) Cộng 2 điểm cho một trong các đối
tượng:
- Con liệt sĩ;
- Con thương binh mất sức lao động 81
% trở lên;
- Con của người được cấp “Giấy chứng
nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận
người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở
lên”.
b) Cộng 1,5 điểm cho một trong các đối
tượng:
- Con của Anh hùng lực lượng vũ
trang, con của Anh hùng lao động.
- Con thương binh mất sức lao động dưới
81%;
- Con của người được cấp “Giấy chứng nhận
người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người
hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81 %”.
c) Cộng 1 điểm cho một trong các đối
tượng:
- Người có cha hoặc mẹ là người dân tộc
thiểu số;
- Người dân tộc thiểu số;
1.4. Môn thi, ngày thi, thời gian làm
bài thi, điểm bài thi, hệ số điểm bài thi, điểm cộng thêm và điểm thi tuyển:
a) Môn thi:
Thi viết ba môn: Ngữ văn, Toán và Ngoại
ngữ.
b) Thời gian thi: do Giám đốc Sở Giáo
dục và Đào tạo quy định.
c) Thời gian làm bài thi:
- Môn Ngữ văn, môn Toán: 120 phút/môn
thi.
- Môn Ngoại ngữ: 60 phút.
d) Điểm bài thi, hệ số điểm bài thi:
- Điểm bài thi là tổng điểm thành phần
của từng câu hỏi trong đề thi, điểm bài thi được cho theo thang điểm từ điểm 0 đến
điểm 10, điểm lẻ đến 0,25.
- Hệ số điểm bài thi:
+ Môn Toán, môn Ngữ văn: hệ số 2.
+ Môn Ngoại ngữ: hệ số 1.
đ) Điểm cộng thêm cho đối tượng được
hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích tối đa không quá 3 điểm.
e) Điểm thi tuyển là tổng điểm ba bài
thi đã tính theo hệ số và điểm cộng thêm cho đối tượng ưu tiên, khuyến khích.
Thí sinh trúng tuyển phải dự thi đủ ba bài thi và không có bài thi nào bị điểm
0 (không).
Ở một trường, điểm chuẩn nguyện vọng
2 cao hơn điểm chuẩn nguyện vọng 1 và điểm chuẩn nguyện vọng 3 cao hơn điểm chuẩn
nguyện vọng 2 không quá 1 điểm.
1.5. Đề thi:
a) Nội dung đề thi trong phạm vi
chương trình trung học cơ sở do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, chủ yếu ở lớp
9. Đề thi phải đảm bảo chính xác, rõ ràng, không sai sót, phân hóa được trình độ
học sinh, phù hợp với thời gian quy định cho từng môn thi.
b) Mỗi môn có đề thi chính thức và đề
thi dự bị với mức độ tương đương về yêu cầu nội dung, thời gian làm bài. Mỗi đề
thi phải có hướng dẫn chấm và biểu điểm kèm theo.
c) Đề thi và hướng dẫn chấm thi khi
chưa được công bố là bí mật Nhà nước độ “Tối mật” theo quy định của Thủ tướng
Chính phủ.
1.6. Hội đồng ra đề thi, in sao đề
thi, chuyển giao đề thi:
a) Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ra
quyết định thành lập một Hội đồng ra đề thi, in sao và chuyển giao đề thi tuyển
sinh trung học phổ thông.
b) Tổ chức, nhiệm vụ của Hội đồng ra
đề thi, công tác ra đề thi, in sao, gửi đề thi vận dụng theo các quy định tương
ứng của Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia hiện hành.
1.7. Ban coi thi, Ban chấm thi, Ban
phúc khảo:
a) Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ra
quyết định thành lập Ban coi thi. Việc thành lập Ban coi thi và công tác tổ chức
coi thi vận dụng theo các quy định tương ứng của Quy chế thi trung học phổ
thông quốc gia hiện hành.
b) Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ra
quyết định thành lập Ban chấm thi. Việc thành lập Ban chấm thi và công tác tổ
chức chấm thi vận dụng theo các quy định tương ứng của Quy chế thi trung học phổ
thông quốc gia hiện hành.
c) Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ra
quyết định thành lập Ban phúc khảo. Việc thành lập Ban phúc khảo và công tác tổ
chức phúc khảo vận dụng theo các quy định tương ứng của Quy chế thi trung học
phổ thông quốc gia hiện hành.
2. Tuyển sinh vào lớp 10 trung học
phổ thông của các trường, lớp chuyên:
2.1. Đối tượng và phương thức tuyển
sinh:
- Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở
tại Thành phố Hồ Chí Minh trong độ tuổi quy định và có thêm các điều kiện sau:
+ Xếp loại hạnh kiểm, học lực cả năm
học của các lớp 6, 7, 8 từ khá trở lên.
+ Tốt nghiệp trung học cơ sở loại
giỏi.
- Phương thức tuyển sinh: thi tuyển.
2.2. Môn thi, ngày thi, thời gian làm
bài thi, điểm bài thi, hệ số điểm bài thi, điểm xét tuyển, nguyên tắc xét tuyển
và cách xét tuyển:
a) Môn thi:
Thi viết bốn môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại
ngữ và môn chuyên.
b) Thời gian thi: do Giám đốc Sở Giáo
dục và Đào tạo quy định.
c) Thời gian làm bài thi:
- Các bài thi không chuyên: Môn Ngữ
văn và môn Toán là 120 phút; môn Ngoại ngữ là 60 phút.
- Các bài thi chuyên: mỗi môn là 150
phút.
d) Điểm bài thi, hệ số điểm bài thi:
- Điểm bài thi là tổng điểm thành phần
của từng câu hỏi trong đề thi, điểm bài thi được cho theo thang điểm từ điểm 0
đến điểm 10, điểm lẻ đến 0,25.
- Hệ số điểm bài thi:
+ Điểm các bài thi không chuyên: hệ số
1.
+ Điểm bài thi môn chuyên: hệ số 2.
đ) Điểm xét tuyển, nguyên tắc xét tuyển
và cách xét tuyển:
- Điểm xét tuyển:
+ Điểm xét tuyển vào lớp chuyên là tổng
điểm gồm: điểm Ngữ văn + điểm Ngoại ngữ + điểm Toán + (điểm môn chuyên x 2).
+ Điểm xét tuyển vào lớp không chuyên
là tổng điểm gồm: điểm Ngữ văn + điểm Ngoại ngữ + điểm Toán.
- Nguyên tắc xét tuyển:
Chỉ xét tuyển đối với thí sinh được
tham gia thi tuyển, đã thi đủ các bài thi quy định, không vi phạm Quy chế trong
kỳ thi tuyển sinh và các bài thi đều đạt điểm lớn hơn 2.
- Cách xét tuyển:
+ Xét tuyển vào lớp chuyên: Căn cứ
quy định điểm xét tuyển vào lớp chuyên, xét từ cao xuống thấp để tuyển đủ chỉ
tiêu được giao cho từng môn chuyên.
+ Xét tuyển vào lớp không chuyên: Căn
cứ quy định điểm xét tuyển vào lớp không chuyên, xét từ cao xuống thấp để tuyển
đủ chỉ tiêu các lớp không chuyên.
e) Lưu ý:
- Trường Trung học phổ thông chuyên
Lê Hồng Phong được nhận học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở ở các tỉnh khác dự
thi nếu có đủ điều kiện theo quy định của kỳ thi.
- Học sinh đăng ký 4 nguyện vọng ưu
tiên:
+ Nguyện vọng ưu tiên 1, 2 vào lớp
chuyên.
+ Nguyện vọng ưu tiên 3, 4 vào lớp
không chuyên tại 2 Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong và Trường
Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa.
- Nếu không trúng tuyển vào các trường,
lớp chuyên, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn
được tham gia dự tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông khác theo ba nguyện vọng
đã đăng ký thi tuyển.
2.3. Hội đồng ra đề thi, Ban coi thi,
Ban chấm thi, Ban phúc khảo:
Thực hiện như thi tuyển vào lớp 10
trung học phổ thông.
3. Tuyển sinh vào lớp 10 tăng cường
tiếng Anh:
- Khuyến khích các trường trung học
phổ thông có điều kiện về giáo viên và cơ sở vật chất mở lớp 10 tăng cường tiếng
Anh.
- Việc tuyển sinh vào các lớp 10 tăng
cường tiếng Anh được thực hiện trong số học sinh đã trúng tuyển vào lớp 10 của
trường với các yêu cầu sau:
+ Điểm số từng kỹ năng của toàn năm lớp
9 tăng cường tiếng Anh đạt từ 6 điểm trở lên hoặc có chứng chỉ B tiếng Anh trở
lên hoặc có chứng chỉ Cambridge PET đạt từ 142/170 điểm (hoặc 140/210 điểm) trở
lên hoặc FCE đạt từ 140/190 điểm (hoặc 140/210 điểm) trở lên hoặc chứng chỉ
TOEFL Junior đạt từ 785/900 điểm trở lên hoặc cấp độ Level 1 từ 56 điểm trở lên
của PTE General hoặc các chứng chỉ tiếng Anh tương đương.
+ Tốt nghiệp trung học cơ sở loại
Khá, Giỏi.
4. Tuyển sinh vào lớp 10 chương
trình tích hợp:
- Căn cứ thực tế, Sở Giáo dục và Đào
tạo công bố công khai hằng năm các trường trung học phổ thông có dạy chương
trình tích hợp.
- Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở
tại Thành phố Hồ Chí Minh trong độ tuổi quy định và thực hiện theo quy định
sau:
a) Nhóm 1
- Học sinh có tham gia học chương
trình tích hợp cấp trung học cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Học sinh có tham gia dự tuyển sinh
vào lớp 10 trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Học sinh đăng ký 2 nguyện vọng tích
hợp (nguyện vọng 1, 2).
- Căn cứ vào điểm thi tuyển sinh vào
lớp 10 trung học phổ thông và điểm thi Chương trình tích hợp, những học sinh
này sẽ được ưu tiên bố trí vào những trường có dạy chương trình tích hợp.
- Cách tính điểm tuyển như sau:
+ Điểm tuyển tích hợp = điểm Ngữ văn
+ điểm Ngoại ngữ + điểm Toán + (Điểm trung bình của Chương trình tích hợp x 2),
(theo thang điểm 10).
- Chỉ xét tuyển đối với thí sinh được
tham gia thi tuyển, đã thi đủ các bài thi quy định, không vi phạm Quy chế trong
kỳ thi tuyển sinh và các bài thi đều đạt điểm lớn hơn 2.
b) Nhóm 2
- Học sinh có tham gia học chương
trình tích hợp cấp trung học cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Học sinh có tham gia dự tuyển sinh
vào lớp 10 trung học phổ thông có trường, lớp chuyên tại Thành phố Hồ Chí Minh
(có đủ điều kiện dự thi lớp 10 trung học phổ thông có trường lớp chuyên).
- Học sinh đăng ký 2 nguyện vọng:
nguyện vọng 1 dành cho trường, lớp chuyên; nguyện vọng 2 dành cho trường tích hợp.
- Căn cứ vào điểm thi tuyển sinh vào
lớp 10 trung học phổ thông trường lớp chuyên và điểm thi Chương trình tích hợp.
- Cách tính điểm tuyển như sau:
+ Điểm tuyển tích hợp = điểm Ngữ văn +
điểm Ngoại ngữ + điểm Toán + (Điểm trung bình của Chương trình tích hợp x 2)
(theo thang điểm 10).
+ Điểm tuyển trường lớp chuyên theo
quy định tuyển sinh trung học phổ thông trường, lớp chuyên.
- Chỉ xét tuyển đối với thí sinh được
tham gia thi tuyển, đã thi đủ các bài thi quy định, không vi phạm Quy chế trong
kỳ thi tuyển sinh và các bài thi đều đạt điểm lớn hơn 2.
c) Nhóm 3
- Học sinh không có tham gia học
chương trình tích hợp cấp trung học cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở
tại Thành phố Hồ Chí Minh trong độ tuổi quy định và có thêm các điều kiện sau:
+ Tốt nghiệp trung học cơ sở loại từ
khá trở lên.
+ Điểm số từng kỹ năng của toàn năm lớp
9 tăng cường tiếng Anh đạt từ 6 điểm trở lên hoặc có chứng chỉ B tiếng Anh trở
lên hoặc có chứng chỉ Cambridge PET đạt từ 140/210 điểm (hoặc 142/170) hoặc FCE
từ 140/210 điểm trở lên (hoặc 140/190) hoặc chứng chỉ TOEFL Junior đạt từ
785/900 điểm trở lên hoặc cấp độ Level 1 từ 56 điểm trở lên của PTE General hoặc
các chứng chỉ tiếng Anh tương đương.
- Học sinh có tham gia dự tuyển
sinh lớp 10 trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài 3 môn quy định
Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ. Học sinh phải dự thi môn tích hợp.
- Học sinh đăng ký 2 nguyện vọng tích
hợp (nguyện vọng 1, 2).
- Cách tính điểm tuyển như sau:
+ Điểm tuyển tích hợp = điểm Ngữ văn
+ điểm Ngoại ngữ + điểm Toán + (Điểm thi môn tích hợp x 2) (theo thang điểm
10).
Chỉ xét tuyển đối với thí sinh được
tham gia thi tuyển, đã thi đủ các bài thi quy định, không vi phạm Quy chế trong
kỳ thi tuyển sinh và các bài thi đều đạt điểm lớn hơn 2.
5. Tuyển sinh vào lớp 10 tăng cường
tiếng Trung:
- Trường Trung học phổ thông Hùng
Vương, Trường Trung học phổ thông Trần Khai Nguyên, Trường Trung học phổ thông
Trần Quang Khải và Trường Trung học phổ thông Nam Kỳ Khởi Nghĩa tuyển sinh lớp
10 tăng cường tiếng Trung.
- Việc tuyển sinh vào các lớp 10 tăng
cường tiếng Trung được thực hiện trong số học sinh đã trúng tuyển vào lớp 10 của
trường với điểm số từng kỹ năng của toàn năm lớp 9 tăng cường tiếng Trung đạt từ
6 điểm trở lên hoặc có chứng chỉ B tiếng Trung trở lên.
6. Tuyển sinh vào lớp 10 tiếng Nhật
(Ngoại ngữ 1):
- Trường Trung học phổ thông Lê Quý
Đôn, Trường Trung học phổ thông Trưng Vương và Trường Trung học phổ thông Marie
Curie tuyển sinh vào lớp 10 tiếng Nhật (Ngoại ngữ 1).
- Việc tuyển sinh vào các lớp 10 tiếng
Nhật (Ngoại ngữ 1) được thực hiện trong số học sinh đã trúng tuyển vào lớp 10 của
trường và đã học trung học cơ sở tiếng Nhật (Ngoại ngữ 1) tại Trường Trung học
cơ sở Lê Quý Đôn, Quận 3 hoặc Trường Trung học cơ sở Võ Trường Toản, Quận 1 đồng
thời có điểm thi tuyển sinh môn tiếng Nhật từ 5,0 trở lên.
7. Tuyển sinh vào lớp 10 tiếng Đức:
a) Tuyển sinh vào lớp 10 tiếng Đức
(Ngoại ngữ 1):
- Căn cứ thực tế, Sở Giáo dục và Đào tạo
công bố công khai hàng năm các trường trung học phổ thông có dạy chương trình
tiếng Đức (Ngoại ngữ 1).
- Việc tuyển sinh vào các lớp 10 tiếng
Đức (Ngoại ngữ 1) được thực hiện trong số học sinh đã trúng tuyển vào lớp 10 của
trường và đã học trung học cơ sở tiếng Đức (Ngoại ngữ 1) tại trường trung học
cơ sở đồng thời có điểm thi tuyển sinh môn tiếng Đức từ 5,0 trở lên.
b) Tuyển sinh vào lớp 10 tiếng Đức
(Ngoại ngữ 2):
- Trường Trung học phổ thông chuyên
Trần Đại Nghĩa, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai, Trường Trung học
phổ thông Nguyễn Khuyến và Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thượng Hiền tuyển
sinh lớp 10 tiếng Đức (Ngoại ngữ 2).
- Việc tuyển sinh vào các lớp 10 tiếng
Đức (Ngoại ngữ 2) được thực hiện trong số học sinh đã trúng tuyển vào lớp 10 của
trường.
8. Tuyển sinh vào lớp 10 tiếng
Pháp:
a) Tuyển sinh vào lớp 10 chương trình
tiếng Pháp song ngữ:
- Sau khi được công nhận tốt nghiệp
trung học cơ sở, học sinh các lớp trung học cơ sở trong khuôn khổ Chương trình tiếng
Pháp song ngữ phải qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp trung
học cơ sở trong khuôn khổ Chương trình tiếng Pháp song ngữ theo quy định của Bộ
Giáo dục và Đào tạo.
- Sau khi có kết quả kỳ thi tuyển
sinh vào lớp 10 trung học phổ thông và thi tốt nghiệp trung học cơ sở trong
khuôn khổ Chương trình tiếng Pháp song ngữ, những học sinh này sẽ được ưu tiên
bố trí vào 1 trong 3 trường theo thứ tự điểm tuyển, đó là Trường Trung học phổ
thông Chuyên Lê Hồng Phong, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai,
Trường Trung học phổ thông Marie Curie.
- Cách tính điểm tuyển như sau:
Điểm tuyển = (Điểm trung bình tuyển
sinh lớp 10) x 2 + Điểm trung bình cộng của các bài thi môn tiếng Pháp và bài
thi môn Toán bằng tiếng Pháp trong kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở trong
khuôn khổ Chương trình tiếng Pháp song ngữ (trong đó điểm trung bình tuyển sinh
lớp 10 có tính đến chế độ ưu tiên, khuyến khích và điểm trung bình cộng của các
bài thi môn tiếng Pháp và bài thi môn Toán bằng tiếng Pháp trong kỳ thi tốt
nghiệp trung học cơ sở trong khuôn khổ Chương trình tiếng Pháp song ngữ từ 5,0
trở lên).
- Nếu không trúng tuyển vào lớp 10
chương trình tiếng Pháp song ngữ, học sinh vẫn được tham gia dự tuyển vào lớp
10 trung học phổ thông khác theo ba nguyện vọng đã đăng ký thi tuyển.
b) Tuyển sinh vào lớp 10 tăng cường
tiếng Pháp:
- Trường Trung học phổ thông Nguyễn
Thị Minh Khai và Trường Trung học phổ thông Marie Curie tuyển sinh lớp 10 tăng
cường tiếng Pháp.
- Việc tuyển sinh vào các lớp 10 tăng
cường tiếng Pháp được thực hiện trong số học sinh đã trúng tuyển vào lớp 10 của
trường và theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Việc tuyển sinh vào các lớp 10 tiếng
Pháp (Ngoại ngữ 1) đã học xong chương trình tiếng Pháp song ngữ cấp trung học
cơ sở và có điểm thi tuyển sinh môn tiếng Pháp từ 5,0 điểm trở lên.
c) Tuyển sinh vào lớp 10 tiếng Pháp
(Ngoại ngữ 2):
- Trường Trung học phổ thông chuyên
Trần Đại Nghĩa và Trường Trung học phổ thông Phan Đăng Lưu tuyển sinh vào lớp
10 tiếng Pháp (Ngoại ngữ 2).
- Việc tuyển sinh vào các lớp 10 tiếng
Pháp (Ngoại ngữ 2) được thực hiện trong số học sinh đã trúng tuyển vào lớp 10 của
trường.
9. Tuyển sinh vào Trường Trung học
phổ thông Chuyên năng khiếu thể dục thể thao Nguyễn Thị Định và Trường Năng khiếu
thể dục thể thao Bình Chánh:
- Gồm các bộ môn: bóng đá, bóng chuyền,
điền kinh, võ thuật, cầu lông, bơi lội và đá cầu.
- Nộp hồ sơ xét tuyển tại trường từ
ngày 25 tháng 5 đến ngày 20 tháng 6 hàng năm (theo hướng dẫn của trường).
- Được nhận học sinh tốt nghiệp trung
học cơ sở của các tỉnh khác nếu có đủ điều kiện theo quy định.
- Ưu tiên xét tuyển đối với học sinh
chuyên năng khiếu thể dục thể thao đã tốt nghiệp trung học cơ sở tại Trường
Trung học phổ thông Chuyên năng khiếu thể dục thể thao Nguyễn Thị Định.
- Điều kiện xét tuyển:
+ Tốt nghiệp trung học cơ sở và có đủ
điều kiện tuyển sinh vào lớp 10.
+ Đạt giải thể dục thể thao cấp quận,
cấp thành phố, hội khỏe Phù Đổng.
+ Xếp loại hạnh kiểm lớp 9 từ khá trở
lên; xếp loại học lực lớp 9 từ trung bình trở lên.
+ Được Hội đồng tuyển sinh năng khiếu
thể dục thể thao của nhà trường kiểm tra tố chất thể lực, năng khiếu và được Sở
phê duyệt.
- Nếu không trúng tuyển vào lớp 10
chuyên năng khiếu thể dục thể thao, học sinh vẫn được tham gia dự tuyển vào lớp
10 trung học phổ thông khác theo ba nguyện vọng đã đăng ký thi tuyển.
10. Tuyển sinh vào lớp 10 Trường
Trung học phổ thông Quốc tế Việt Úc:
- Điều kiện tuyển sinh: Học sinh tốt
nghiệp trung học cơ sở đạt loại Khá, Giỏi và có đủ trình độ tiếng Anh để theo học;
- Nộp hồ sơ xét tuyển tại trường từ
tháng 5 đến tháng 9 hàng năm (theo hướng dẫn của trường).
11. Tuyển sinh vào trung cấp
chuyên nghiệp - Hệ trung học cơ sở:
- Học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ
sở có thể đăng ký xét tuyển vào học tại các trường cao đẳng, trung cấp chuyên
nghiệp trên địa bàn thành phố có tuyển học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở.
- Căn cứ xét tuyển:
+ Điểm tốt nghiệp trung học cơ sở;
+ Điểm tổng kết các môn học 4 năm
trung học cơ sở;
+ Điểm tổng kết các môn học năm cuối
cấp trung học cơ sở.
- Nộp hồ sơ xét tuyển trực tiếp tại
trường theo các đợt tuyển sinh trong năm do trường quy định.
C. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Căn cứ
kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp của Ủy ban nhân
dân thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:
- Triển khai kế hoạch huy động trẻ ra
lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp và phổ biến đến Trưởng phòng Giáo dục và
Đào tạo quận, huyện, Hiệu trưởng trường trung học phổ thông, Giám đốc Trung tâm
giáo dục thường xuyên, Hiệu trưởng trường có tuyển sinh hệ trung cấp chuyên
nghiệp để có kế hoạch thực hiện.
- Thành lập Ban Chỉ đạo công tác tuyển
sinh của Sở Giáo dục và Đào tạo để chỉ đạo và kiểm tra công tác tuyển sinh của
các quận, huyện và các trường, tổ chức tuyển sinh vào các trường trung học phổ
thông chuyên, chương trình tăng cường ngoại ngữ. Thành lập Hội đồng tuyển sinh ở
các trường trung học phổ thông để thực hiện công tác tuyển sinh.
- Chỉ đạo các trường trung học phổ
thông xây dựng kế hoạch tuyển sinh, giới thiệu và tạo điều kiện để phụ huynh học
sinh và học sinh tìm hiểu về trường trước khi đăng ký nguyện vọng tuyển sinh và
phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh của các trường.
- Tổ chức các kỳ thi tuyển sinh đảm bảo
nghiêm túc, an toàn và chính xác.
2. Ủy ban
nhân dân các quận, huyện:
- Xây dựng kế hoạch huy động trẻ ra lớp
và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp từng năm học trên địa bàn.
- Thành lập Ban Chỉ đạo tuyển sinh của
quận, huyện và chỉ đạo thành lập Hội đồng tuyển sinh trường để thực hiện công
tác tuyển sinh theo đúng kế hoạch.
3. Kế hoạch
huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp được thực hiện kể từ năm
học 2019 - 2020, nếu có thay đổi, bổ sung thì Sở Giáo dục và Đào tạo có trách
nhiệm trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định./.