ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 555/QĐ-UBND
|
Nam Định, ngày 22
tháng 3 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TUYỂN SINH VÀO CÁC LỚP ĐẦU CẤP
NĂM HỌC 2024 - 2025
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số
127/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản
lý nhà nước về giáo dục;
Căn cứ Thông tư số
52/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ
trường mầm non; Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT ngày 04/9/2020 của Bộ Giáo dục và
Đào tạo ban hành Điều lệ trường tiểu học; Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày
15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở,
trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; Thông tư số
05/2023/TT-BGDĐT ngày 28/02/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế tổ
chức và hoạt động trường trung học phổ thông chuyên; Văn bản hợp nhất số
03/VBHN-BGDĐT ngày 03/5/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển
sinh THCS và tuyển sinh THPT; Thông tư 10/2021/TT-BGDĐT ngày 05/4/2021 của Bộ
Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế tổ chức hoạt động của trung tâm giáo dục
thường xuyên; Thông tư 01/2023/TT-BGDĐT ngày 06/01/2023 của Bộ Giáo dục và Đào
tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp -
giáo dục thường xuyên; Thông tư số 40/2021/TT- BGDĐT ngày 30/12/2021 của Bộ
Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học,
trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều
cấp học loại hình tư thục;
Căn cứ Quyết định 1554/QĐ-UBND
ngày 10/8/2023 của UBND tỉnh về việc ban hành khung kế hoạch thời gian năm học
2023-2024 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên
tỉnh Nam Định;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 296/TTr-SGDĐT ngày 27/02/2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tuyển sinh
vào các lớp đầu cấp năm học 2024 - 2025.
Điều 2.
Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các
sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện Kế hoạch nêu tại Điều
1 Quyết định này theo đúng Quy chế hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám
đốc các sở, ngành: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Y tế, Công an tỉnh, Thông
tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định, Kho bạc
Nhà nước tỉnh, Công ty Điện lực tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ
trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VP1, VP7.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Lê Đoài
|
KẾ HOẠCH
TUYỂN SINH VÀO CÁC LỚP ĐẦU CẤP NĂM HỌC 2024 - 2025
(Kèm theo Quyết định số 555/QĐ-UBND ngày 22 tháng 3 năm 2024 của UBND tỉnh
Nam Định)
A. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
- Huy động trẻ em, tuyển chọn học
sinh, học viên (sau đây gọi chung là học sinh) vào học tại các cơ sở giáo dục
thuộc cấp học mầm non, tiểu học, trung học đảm bảo yêu cầu giúp học sinh phát
triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản,
phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách
con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân;
chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
- Đảm bảo duy trì, củng cố và
nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, tiểu học, trung học cơ sở
(THCS) trên địa bàn, đảm bảo quyền học tập của học sinh;
- Thực hiện tốt công tác tuyển
sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2024-2025 theo đúng các Quy chế tuyển sinh, Điều
lệ các cấp học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành; đảm bảo công khai, minh
bạch, chính xác, khách quan, thuận lợi cho học sinh và cha mẹ học sinh.
B. NỘI DUNG
KẾ HOẠCH
I. HUY ĐỘNG
TRẺ VÀO TRƯỜNG MẦM NON VÀ LỚP 1, TUYỂN SINH VÀO LỚP 6
1. Huy động trẻ vào cơ sở
giáo dục mầm non
Các cơ sở giáo dục mầm non huy
động 100% trẻ 5 tuổi (diện phổ cập giáo dục) trên địa bàn đến trường. Căn cứ điều
kiện thực tế của địa phương, các cơ sở giáo dục mầm non huy động trẻ dưới 5 tuổi
(trong đó chú ý tới đối tượng trẻ 3, 4 tuổi) đến trường, lớp ở các loại hình
trường, lớp công lập, tư thục.
2. Huy động trẻ vào lớp 1
- Các trường tiểu học huy động
100% trẻ 6 tuổi (diện phổ cập giáo dục), chú trọng huy động trẻ khuyết tật có
khả năng học hòa nhập trên địa bàn xã, phường, thị trấn được giao nhiệm vụ phổ
cập vào lớp 1.
- Sở GDĐT hướng dẫn Phòng GDĐT
tham mưu UBND thành phố Nam Định về phương án tuyển sinh vào lớp 1 các trường
xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng cao đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch.
Lưu ý: Giấy chứng nhận hoàn thành
chương trình giáo dục Mầm non không phải là yêu cầu bắt buộc để tuyển sinh vào
lớp 1.
3. Tuyển sinh vào lớp 6
- Các trường THCS huy động 100%
học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học, trong độ tuổi quy định, có hồ sơ
hợp lệ trên địa bàn xã, phường, thị trấn được giao nhiệm vụ phổ cập giáo dục
vào lớp 6; tạo điều kiện cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đi học
(không để học sinh bỏ học vì kinh tế gia đình khó khăn); chú trọng huy động trẻ
khuyết tật có khả năng học hòa nhập đến trường học;
- Sở GDĐT hướng dẫn các phòng
GDĐT tham mưu UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tuyển sinh vào các
trường THCS.
4. Thời gian hoàn thành công
tác tuyển sinh: trước ngày 30/6/2024.
Sở GDĐT điều chỉnh lịch tuyển
sinh phù hợp nếu Bộ GDĐT điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học do ảnh hưởng
của thiên tai, dịch bệnh...
II. TUYỂN
SINH VÀO LỚP 10 TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ HỒNG PHONG
1. Chỉ
tiêu tuyển sinh
Tuyển 560 học sinh, chia thành
16 lớp chuyên, chỉ tiêu cụ thể được phân bổ như sau:
- 02 lớp chuyên Toán: 70 chỉ
tiêu thi môn chuyên là Toán;
- 02 lớp chuyên Ngữ văn: 70 chỉ
tiêu thi môn chuyên là Ngữ văn;
- 02 lớp chuyên tiếng Anh: 70
chỉ tiêu thi môn chuyên là tiếng Anh;
- 02 lớp chuyên Vật lí: 50 chỉ
tiêu thi môn chuyên là Vật lí và 20 chỉ tiêu thi môn chuyên là Toán;
- 02 lớp chuyên Hóa học: 50 chỉ
tiêu thi môn chuyên là Hoá học và 20 chỉ tiêu thi môn chuyên là Toán;
- 01 lớp chuyên Tin học: 25 chỉ
tiêu thi môn chuyên là Tin học và 10 chỉ tiêu thi môn chuyên là Toán;
- 01 lớp chuyên Sinh học: 30 chỉ
tiêu thi môn chuyên là Sinh học và 05 chỉ tiêu thi môn chuyên là Toán;
- 01 lớp chuyên Lịch sử: 30 chỉ
tiêu thi môn chuyên là Lịch sử và 05 chỉ tiêu thi môn chuyên là Ngữ văn;
- 01 lớp chuyên Địa lí: 35 chỉ
tiêu thi môn chuyên là Địa lí;
- 01 lớp chuyên tiếng Nga: 35
chỉ tiêu thi môn chuyên là tiếng Nga;
- 01 lớp chuyên tiếng Pháp: 35
chỉ tiêu thi môn chuyên là tiếng Pháp.
2. Đối tượng,
điều kiện dự tuyển
- Học sinh tốt nghiệp THCS tại
tỉnh Nam Định hoặc có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Nam Định nhưng tốt nghiệp
THCS tại tỉnh khác. Những trường hợp khác do Giám đốc Sở GDĐT xem xét, quyết định;
- Xếp loại hạnh kiểm, học lực cả
năm học của các lớp 6, 7, 8 và học kỳ I lớp 9 từ khá trở lên;
- Xếp loại tốt nghiệp THCS từ
khá trở lên (nếu học sinh chưa được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp THCS thì điều
kiện này sẽ được kiểm tra sau khi đã trúng tuyển);
- Tuổi của học sinh dự tuyển thực
hiện theo quy định hiện hành của Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ
thông có nhiều cấp học.1
3. Đăng
ký dự thi, tổ chức tuyển sinh và thời gian hoàn thành công tác tuyển sinh
a) Nội dung đăng ký:
- Thí sinh đăng kí dự thi vào
trường THPT chuyên Lê Hồng Phong phải đăng kí vào ít nhất 01 lớp chuyên;
- Những thí sinh đăng ký dự thi
môn chuyên là môn Toán có thể đăng ký 02 nguyện vọng (nguyện vọng 01 và nguyện
vọng 02) vào 02 lớp trong các lớp chuyên: Toán học, Tin học, Vật lí, Hóa học và
Sinh học;
- Những thí sinh đăng ký dự thi
môn chuyên là môn Ngữ văn có thể đăng ký 02 nguyện vọng (nguyện vọng 01 và nguyện
vọng 02) vào 02 lớp chuyên: Ngữ văn và Lịch sử;
- Thí sinh thi vào các lớp
chuyên Tin học, Tiếng Nga, Tiếng Pháp không yêu cầu phải học các môn này chính
khóa ở cấp THCS.
b) Hình thức đăng ký: Trực tiếp
c) Tổ chức tuyển sinh:
Sở GDĐT hướng dẫn tổ chức đăng
ký dự thi; hướng dẫn thu hồ sơ; xây dựng phương án và tổ chức thực hiện ra đề
thi, coi thi, chấm thi và xét trúng tuyển đảm bảo an toàn, khách quan, chính
xác và đúng quy định.
d) Thời gian hoàn thành công
tác tuyển sinh: trước ngày 30/6/2024. Sở GDĐT điều chỉnh lịch tuyển sinh phù hợp
nếu Bộ GDĐT điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học do ảnh hưởng của thiên
tai, dịch bệnh...
4. Phương
thức tuyển sinh: Thi tuyển
Mỗi thí sinh phải làm 03 bài
thi môn chung và 01 bài thi môn chuyên. Thí sinh đăng ký dự thi và xét tuyển
vào lớp chuyên nào thì phải làm bài thi môn chuyên được quy định cho lớp chuyên
đó (theo bài thi môn chuyên dưới đây).
a) Các bài thi môn chung: Toán,
Ngữ văn, Ngoại ngữ.
- Môn Ngữ văn và môn Ngoại ngữ
(đề chung): Mỗi môn có 01 đề thi chung cho tất cả các thí sinh. Với môn Ngoại
ngữ, thí sinh có thể chọn đăng kí dự thi một trong ba thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng
Nga hoặc tiếng Pháp;
- Môn Toán (đề chung) có hai đề:
+ Đề Toán 1: Dành cho các thí
sinh dự thi vào các lớp chuyên Toán, Tin học, Vật lí, Hóa học, Sinh học;
+ Đề Toán 2: Dành cho các thí
sinh dự thi vào các lớp chuyên Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh, Tiếng Nga,
Tiếng Pháp.
b) Bài thi môn chuyên:
- Thí sinh dự thi vào các lớp
chuyên Tin học, Vật lí, Hóa học, Sinh học làm bài thi môn chuyên là Tin học, Vật
lí, Hóa học, Sinh học (tương ứng với lớp chuyên đã đăng kí) hoặc làm bài thi
môn chuyên là Toán (thi cùng đề môn chuyên với học sinh dự thi vào lớp chuyên
Toán);
- Thí sinh dự thi vào lớp
chuyên Lịch sử làm bài thi môn chuyên là Lịch sử hoặc làm bài thi môn chuyên là
Ngữ văn (thi cùng đề môn chuyên với học sinh dự thi vào lớp chuyên Ngữ văn);
- Thí sinh dự thi vào lớp
chuyên Toán, Ngữ văn, Địa lí, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp làm bài thi môn
chuyên tương ứng là Toán, Ngữ văn, Địa lí, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp.
c) Nội dung đề thi: nằm trong
chương trình THCS, có tiếp cận chương trình liên thông bồi dưỡng học sinh giỏi
(theo Công văn 1563/SGDĐT-GDTrH ngày 26/12/2017 của Sở GDĐT về việc Điều chỉnh
Khung chương trình liên thông bồi dưỡng học sinh giỏi cấp THCS).
d) Hình thức thi:
- Môn Tin học: thi thực hành
trên máy tính.
- Môn Ngoại ngữ:
+ Đề chung: theo hình thức trắc
nghiệm kết hợp với tự luận (gồm các kĩ năng Đọc, Viết và Từ vựng - Ngữ pháp,
trong đó phần trắc nghiệm chiếm không quá 50% tổng số điểm của bài thi).
+ Đề chuyên: Gồm 02 phần thi bắt
buộc
Phần thi Nói: 1,00 điểm;
Phần thi Viết: 9,00 điểm (gồm
các kĩ năng Nghe, Đọc, Viết và Từ vựng - Ngữ pháp theo hình thức tự luận kết hợp
với trắc nghiệm, trong đó phần trắc nghiệm chiếm không quá 3,00 điểm).
- Các môn còn lại: thi theo
hình thức tự luận.
đ) Thời gian làm bài thi:
- Các bài thi môn chung:
+ Môn Toán và Ngữ văn: 120 phút
+ Môn Ngoại ngữ: 90 phút
- Các bài thi môn chuyên:
+ Môn Ngoại ngữ: 120 phút
(Không kể thời gian thi Nói)
+ Các bài thi khác: 150 phút
e) Thang điểm bài thi: Điểm bài
thi tính theo thang điểm 10 và lấy điểm đến chữ số thập phân thứ hai sau dấu phẩy.
Đối với môn Ngoại ngữ đề chuyên, điểm bài thi là tổng điểm của phần thi Nói và
Viết.
g) Hệ số điểm bài thi: được quy
định theo từng lớp chuyên. Cụ thể:
Thi vào lớp
|
Hệ số điểm các bài thi
|
Toán chung
|
Ngữ văn chung
|
Ngoại ngữ chung
|
Môn chuyên
|
Chuyên Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ;
chuyên Tin học, Vật lí, Hoá học, Sinh học thi môn chuyên là Toán; chuyên Lịch
sử thi môn chuyên là Ngữ văn.
|
1
|
1
|
1
|
2
|
Chuyên Tin học, Vật lí, Hoá học,
Sinh học, Địa lí thi bằng các môn chuyên tương ứng là Tin học, Vật lí, Hoá học,
Sinh học, Địa lí.
|
2
|
1
|
1
|
2
|
Chuyên Lịch sử thi môn chuyên
Lịch sử
|
1
|
2
|
1
|
2
|
5. Nguyên tắc
xét trúng tuyển
a) Điểm xét tuyển vào các lớp
chuyên (ĐXTC)
ĐXTC
|
=
|
Tổng điểm các bài thi (đã tính hệ số)
|
Tổng hệ số các bài thi
|
b) Điều kiện xét trúng tuyển
Chỉ xét trúng tuyển các thí
sinh có đủ các điều kiện sau:
+ Có đủ các bài thi theo quy định;
+ Có ĐXTC từ 5,00 điểm
trở lên;
+ Điểm các bài thi môn chung đều
lớn hơn 2,00 điểm;
+ Điểm bài thi môn chuyên phải
đạt từ 5,00 điểm trở lên; riêng lớp chuyên Ngoại ngữ điểm bài thi môn chuyên phải
đạt từ 5,00 điểm trở lên, trong đó phần thi nói có điểm lớn hơn 0,2 điểm.
c) Nguyên tắc xét trúng tuyển
Căn cứ danh sách thí sinh đủ điều
kiện xét trúng tuyển vào lớp chuyên, lấy trúng tuyển theo ĐXTC từ
cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu được giao cho từng lớp chuyên. Trường hợp
xét đến chỉ tiêu cuối cùng có nhiều thí sinh có ĐXTC bằng nhau thì
tiếp tục lấy trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên sau: Đạt giải trong Kì thi chọn học
sinh giỏi văn hóa lớp 9 THCS cấp tỉnh (theo thứ tự ưu tiên Giải Nhất, Nhì, Ba,
Khuyến khích); Có điểm bài thi môn chuyên đăng ký dự thi cao hơn; có điểm trung
bình cả năm môn chuyên đăng ký dự thi năm học lớp 9 cao hơn (Đối với thí sinh dự
thi vào lớp chuyên Tin học mà không học môn Tin học ở cấp THCS thì sử dụng điểm
môn Toán để xét; đối với thí sinh dự thi vào lớp chuyên Tiếng Nga, Tiếng Pháp
mà không học môn tiếng Nga, tiếng Pháp ở cấp THCS thì sử dụng điểm môn tiếng
Anh để xét); có điểm trung bình các môn cả năm học lớp 9 cao hơn; có tổng điểm
trung bình cả năm môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ lớp 9 cao hơn.
Đối với những thí sinh đăng kí
02 nguyện vọng, nếu đã trúng tuyển theo nguyện vọng 1 thì không xét trúng tuyển
theo nguyện vọng 2. Trong trường hợp không đủ nguồn học sinh đăng kí dự thi hoặc
không đủ nguồn học sinh xét trúng tuyển hoặc số lượng học sinh nhập học không đảm
bảo thì giao Sở GDĐT điều chỉnh phương án hoặc tuyển bổ sung đảm bảo công bằng,
khách quan.
III. TUYỂN
SINH VÀO LỚP 10 CÁC TRƯỜNG THPT CÔNG LẬP KHÔNG CHUYÊN
1. Chỉ tiêu tuyển sinh
Tuyển khoảng 65% số học sinh tốt
nghiệp THCS năm học 2023-2024 vào các trường THPT công lập trong tỉnh. Giao Sở
GDĐT xây dựng chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị, đảm bảo không quá 45 học sinh/lớp
đối với trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, không quá 40 học sinh/lớp đối với
trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, báo cáo UBND tỉnh.
2. Đối tượng và địa bàn tuyển
sinh
Học sinh có đồng thời 2 điều kiện
dưới đây được đăng ký dự tuyển vào bất kỳ trường THPT nào trên địa bàn tỉnh:
- Đã tốt nghiệp THCS chương
trình giáo dục phổ thông hoặc chương trình GDTX, trong độ tuổi theo quy định hiện
hành của Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học2.
- Tốt nghiệp THCS tại tỉnh Nam
Định hoặc có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Nam Định nhưng tốt nghiệp THCS tại tỉnh
khác. Những trường hợp khác do Giám đốc Sở GDĐT xem xét, quyết định.
3. Đăng ký dự thi, tổ chức
tuyển sinh và thời gian hoàn thành công tác tuyển sinh
a) Nội dung đăng ký:
- Đợt 1: Thí sinh có đủ điều kiện
tại Mục 2, Phần III trên đây được đăng ký dự thi vào bất kỳ 01 trường THPT nào
trong tỉnh.
- Đợt 2: Những thí sinh chưa
trúng tuyển đợt 1 được đăng ký 02 nguyện vọng (Nguyện vọng 1 và Nguyện vọng 2)
vào bất cứ 02 trường THPT công lập trong tỉnh còn chỉ tiêu.
b) Tổ chức tuyển sinh:
Sở GDĐT hướng dẫn tổ chức đăng
ký dự thi theo hình thức trực tuyến; hướng dẫn các đơn vị hợp đồng sử dụng phần
mềm đăng ký tuyển sinh bảo đảm đúng quy định; hướng dẫn thu hồ sơ; xây dựng
phương án và tổ chức thực hiện ra đề thi, coi thi, chấm thi và xét tuyển đảm bảo
an toàn, khách quan, chính xác và đúng quy định.
c) Thời gian hoàn thành công
tác tuyển sinh: trước ngày 31/8/2024.
Sở GDĐT điều chỉnh lịch tuyển
sinh (có thể tổ chức thành nhiều đợt thi) phù hợp nếu Bộ GDĐT điều chỉnh khung
kế hoạch thời gian năm học do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh...
4. Phương thức tuyển sinh
Tổ chức thi tuyển cho những học
sinh có nguyện vọng dự thi tại trường.
a) Bài thi, môn thi, hình thức
thi và thời gian làm bài thi
Mỗi thí sinh phải làm đủ 03 bài
thi:
- Bài 1. Môn Toán: thi theo
hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận (phần thi trắc nghiệm chiếm 20%, phần
thi tự luận chiếm 80% tổng số điểm bài thi), thời gian làm bài 120 phút;
- Bài 2. Môn Ngữ văn: thi theo
hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận (phần thi trắc nghiệm chiếm 20%, phần
thi tự luận chiếm 80% tổng số điểm bài thi), thời gian làm bài 120 phút;
- Bài 3. Môn Ngoại ngữ: thi
theo hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận (phần thi trắc nghiệm chiếm
không quá 50% tổng số điểm bài thi), thời gian làm bài 60 phút. Thí sinh có thể
chọn đăng kí dự thi một trong ba thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Nga hoặc tiếng
Pháp.
b) Nội dung, mức độ của đề thi
Nội dung thi nằm trong chương
trình THCS hiện hành do Bộ GDĐT quy định, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9;
đề thi có độ phân hoá, có câu hỏi mở, gắn với thực tiễn.
c) Thang điểm bài thi: Bài thi
được chấm theo thang điểm 10, lấy đến chữ số thập phân thứ hai sau dấu phẩy.
d) Hệ số điểm bài thi:
Điểm của bài thi môn Ngữ văn và
Toán tính hệ số 2, điểm bài thi môn Ngoại ngữ tính hệ số 1.
5. Tuyển thẳng và chế độ ưu
tiên
Thí sinh thuộc đối tượng và địa
bàn tuyển sinh tại Mục 2, Phần III được tuyển thẳng và hưởng chế độ ưu tiên
theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cụ thể như sau:
a) Tuyển thẳng
- Tuyển thẳng vào các trường
THPT trong tỉnh (trừ trường THPT chuyên và trường THPT xây dựng cơ sở giáo dục
chất lượng cao) những học sinh tốt nghiệp THCS tại trường phổ thông dân tộc nội
trú, học sinh là người dân tộc rất ít người (theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định
57/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017), học sinh khuyết tật3.
- Tuyển thẳng vào các trường
THPT trong tỉnh (trừ trường THPT chuyên) những học sinh trong thời gian học tại
cấp Trung học cơ sở đạt một trong các thành tích sau:
+ Đạt giải (Nhất, Nhì, Ba, Khuyến
khích) hoặc huy chương (Vàng, Bạc, Đồng, Bằng khen) cấp quốc gia trở lên (do Bộ
GDĐT tổ chức hoặc Bộ GDĐT phối hợp tổ chức) về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể
thao;
+ Đạt giải (Nhất, Nhì, Ba, Tư)
cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và
trung học phổ thông do Bộ GDĐT tổ chức.
Lưu ý: Hồ sơ đạt giải/huy
chương phải do Bộ GDĐT hoặc Bộ GDĐT và đơn vị phối hợp cấp.
b) Chế độ ưu tiên
- Cộng 2,00 điểm cho một trong
các đối tượng:
+ Con liệt sỹ;
+ Con thương binh mất sức lao động
81% trở lên;
+ Con bệnh binh mất sức lao động
81% trở lên;
+ Con của người được cấp “Giấy
chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh” mà người được cấp “Giấy chứng
nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81%
trở lên”;
+ Con của người hoạt động kháng
chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
- Cộng 1,50 điểm cho một trong
các đối tượng:
+ Con của Anh hùng lực lượng
vũ trang, con của Anh hùng lao động;
+ Con thương binh mất sức lao động
dưới 81%;
+ Con bệnh binh mất sức lao động
dưới 81%;
+ Con của người được cấp “Giấy
chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh” mà người được cấp “Giấy chứng
nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới
81%”.
- Cộng 1,00 điểm cho đối tượng:
Người dân tộc thiểu số hoặc người
có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số.
Đối với học sinh thuộc nhiều đối
tượng ưu tiên thì được hưởng chế độ ưu tiên ở mức cao nhất.
6. Nguyên tắc xét trúng tuyển
a) Điểm xét tuyển: Là tổng điểm
của 03 bài thi (đã tính hệ số) và điểm ưu tiên (nếu có).
b) Điều kiện xét trúng tuyển:
Chỉ xét trúng tuyển đối với thí sinh có đủ các điều kiện sau:
- Có đủ 03 bài thi theo quy định;
- Điểm mỗi bài thi phải lớn hơn
1,00;
- Có điểm xét tuyển đạt từ điểm
sàn trở lên.
c) Nguyên tắc xét trúng tuyển
Sở GDĐT căn cứ vào kết quả điểm
xét tuyển, quy định điểm sàn xét trúng tuyển (xác định theo nguyên tắc tính khoảng
115% so với chỉ tiêu, trong đó có tính đến việc đảm bảo chất lượng giáo dục và
quyền lợi học tập của học sinh khá, giỏi). Trường hợp đặc biệt, những trường đã
lấy trúng tuyển hết học sinh đạt từ điểm sàn trở lên mà chưa đạt 70% chỉ tiêu
được giao, giao Sở GDĐT xem xét, hạ điểm sàn cho đơn vị này để đảm bảo quyền lợi
học tập của học sinh tại địa phương nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào của
nhà trường.
- Xét trúng tuyển đợt 1:
+ Căn cứ danh sách thí sinh đủ
điều kiện xét trúng tuyển, từng trường lấy trúng tuyển theo điểm xét tuyển từ
cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu được giao hoặc hết nguồn thí sinh có đủ
điều kiện.
+ Trường hợp xét đến chỉ tiêu
cuối cùng có nhiều thí sinh có điểm xét tuyển bằng nhau thì tiếp tục xét trúng
tuyển như sau:
Nếu tổng thí sinh đã lấy trúng
tuyển và những thí sinh có điểm xét tuyển bằng nhau mà không vượt quá 2,0% chỉ
tiêu được giao thì lấy trúng tuyển hết số thí sinh này;
Nếu tổng thí sinh đã lấy trúng
tuyển và những thí sinh có điểm xét tuyển bằng nhau mà vượt quá 2,0% chỉ tiêu
được giao thì xét những thí sinh này theo thứ tự ưu tiên đảm bảo đúng chỉ tiêu
được giao: Đạt giải trong Kì thi chọn học sinh giỏi văn hóa lớp 9 THCS cấp tỉnh
(theo thứ tự ưu tiên Giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích); có điểm trung bình các
môn cả năm học lớp 9 cao hơn; có tổng điểm trung bình cả năm môn Toán và Ngữ
văn ở lớp 9 cao hơn. Sau khi xét hết các tiêu chí mà vẫn còn các thí sinh có
tiêu chí cuối bằng nhau thì lấy trúng tuyển hết những thí sinh này.
- Xét trúng tuyển đợt 2: Đảm bảo
nguyên tắc như xét trúng tuyển đợt 1.
Sau khi có thông báo điểm sàn,
điểm chuẩn hoặc danh sách dự kiến trúng tuyển đợt 2, các trường họp Hội đồng
tuyển sinh để xét trúng tuyển và duyệt với Sở GDĐT theo quy định.
IV. ĐỐI VỚI
CÁC TRƯỜNG THPT NGOÀI CÔNG LẬP
1. Chỉ tiêu tuyển sinh
Căn cứ tình hình thực tiễn về
cơ sở vật chất; đội ngũ cán bộ quản lý; chất lượng giáo dục của các trường
THPT ngoài công lập, Sở GDĐT giao chỉ tiêu cụ thể cho từng trường, báo cáo UBND
tỉnh.
2. Đối tượng tuyển sinh
Học sinh đã tốt nghiệp THCS
chương trình giáo dục phổ thông hoặc chương trình GDTX, trong độ tuổi theo quy
định hiện hành của Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học4.
3. Đăng ký, tổ chức tuyển
sinh và thời gian hoàn thành công tác tuyển sinh
a) Hình thức đăng ký: Trực tiếp
hoặc trực tuyến
b) Tổ chức tuyển sinh: Theo Đề án
tuyển sinh của từng trường.
c) Thời gian hoàn thành công
tác tuyển sinh: Trước ngày 31/8/2024.
4. Phương thức tuyển sinh
Các trường THPT ngoài công lập
có thể thực hiện các phương thức tuyển sinh:
- Thi tuyển: Thực hiện kỳ thi
chung với tuyển sinh vào các trường THPT công lập không chuyên của tỉnh (có Tờ
trình gửi Sở GDĐT) hoặc xét điểm thi của các thí sinh đã tham dự kỳ thi tuyển
sinh vào các trường THPT công lập không chuyên.
- Xét tuyển: Căn cứ vào kết quả
học tập của học sinh ở cấp THCS.
- Xét tuyển kết hợp thi tuyển:
Căn cứ kết quả thi tuyển của các thí sinh vào các trường THPT công lập không
chuyên và kết quả học tập của học sinh ở cấp THCS.
5. Tuyển thẳng và chế độ ưu
tiên
Theo Đề án tuyển sinh của từng
trường.
6. Nguyên tắc xét trúng tuyển
Đảm bảo khách quan, công bằng,
theo độ dốc điểm thi tuyển hoặc xét tuyển được quy định trong Đề án từng trường,
quy định rõ tiêu chí xét đỗ đối với trường hợp các thí sinh bằng điểm nhau.
Sở GDĐT hướng dẫn các trường
THPT ngoài công lập xây dựng Đề án tuyển sinh5; tổ chức thẩm định các điều kiện; hướng dẫn công
tác tổ chức tuyển sinh và duyệt kết quả trúng tuyển đối với các trường, đảm bảo
hoàn thành công tác tuyển sinh đúng thời gian quy định. Đề án tuyển sinh của
các trường THPT ngoài công lập phải thông báo công khai tối thiểu 60 ngày trước
ngày tổ chức tuyển sinh.
V. TUYỂN
SINH VÀO LỚP 10 GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN (GDTX) CẤP THPT
1. Kế hoạch tuyển sinh
Sở GDĐT hướng dẫn các trung tâm
GDTX, GDNN-GDTX căn cứ nhu cầu người học và điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực
của các trung tâm để xây dựng kế hoạch tuyển sinh; báo cáo Sở GDĐT và UBND huyện
trước khi tổ chức thực hiện kế hoạch.
2. Đối tượng tuyển sinh
- Những người đã tốt nghiệp cấp
THCS và có đủ hồ sơ hợp lệ.
- Những người tốt nghiệp THCS
trước năm học 2023-2024 phải có xác nhận không vi phạm pháp luật của địa phương
nơi cư trú hoặc nơi làm việc trong Hồ sơ đăng ký dự tuyển.
3. Phương thức tuyển
a) Tuyển thẳng: Những người thuộc
đối tượng tuyển sinh (tại Mục 2, phần V) từ đủ 18 tuổi trở lên và những đối tượng
thuộc diện tuyển thẳng vào trường THPT theo mục 5 phần III của Kế hoạch này.
b) Xét tuyển: Những người đã tốt
nghiệp cấp THCS căn cứ vào kết quả trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học
2024-2025 hoặc kết quả học tập và rèn luyện ở lớp 9 cấp THCS (giao Sở GDĐT hướng
dẫn chi tiết cho các Trung tâm).
4. Thời gian tuyển sinh
- Giao Sở GDĐT hướng dẫn tổ chức
đăng ký dự tuyển, thu hồ sơ, phương án xét tuyển.
- Thời gian hoàn thành công tác
tuyển sinh trước 05/9/2024. Giao Sở GDĐT điều chỉnh lịch tuyển sinh phù hợp nếu
Bộ GDĐT điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học do ảnh hưởng của thiên tai,
dịch bệnh...
C. KINH PHÍ
Thực hiện theo quy định hiện
hành.
D. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
Là cơ quan thường trực, chủ trì
phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai thực
hiện Kế hoạch.
2. Công an tỉnh
Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo
công an các địa phương phối hợp bảo vệ công tác tổ chức đăng ký dự thi trực tuyến,
công tác công bố kết quả thi trên Cổng thông tin điện tử của Sở GDĐT, các hội đồng
ra đề thi, hội đồng coi thi, hội đồng chấm thi và đảm bảo trật tự an toàn giao
thông trong suốt thời gian tổ chức các kì thi.
3. Sở Y tế
Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo
các đơn vị phối hợp triển khai công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng
dẫn đảm bảo phòng chống dịch bệnh tại nơi đặt hội đồng ra đề thi, hội đồng coi
thi, hội đồng chấm thi đồng thời chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để bảo vệ và
chăm sóc sức khỏe cho người tham gia kì thi.
4. Sở Thông tin và Truyền
thông
Phối hợp với Sở GDĐT bảo đảm
thông tin liên lạc, hệ thống Internet trên địa bàn tỉnh và bảo đảm an toàn hệ
thống phần mềm, dữ liệu trong công tác tổ chức đăng ký dự thi trực tuyến, công
tác công bố kết quả thi trên Cổng thông tin điện tử của Sở GDĐT.
5. Đài Phát thanh - Truyền
hình tỉnh, Báo Nam Định
Phối hợp với Sở GDĐT tuyên truyền
các nội dung có liên quan đến công tác tuyển sinh nhằm cung cấp cho toàn dân đầy
đủ thông tin, tạo sự đồng thuận của Nhân dân.
6. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở GDĐT hướng dẫn
kịp thời các chế độ, chính sách, kinh phí liên quan đến kì thi.
7. Công ty Điện lực Nam
Định
Lập kế hoạch cung cấp đủ nguồn điện
phục vụ cho các hội đồng ra đề thi, hội đồng coi thi, hội đồng chấm thi và xử
lý kịp thời các sự cố về điện trong quá trình tổ chức kì thi.
8. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố
Chỉ đạo phòng GDĐT các huyện,
thành phố xây dựng Kế hoạch huy động trẻ vào trường Mầm non, lớp 1, tuyển sinh
vào lớp 6 trên địa bàn, đảm bảo các yêu cầu Quy chế tuyển sinh của Bộ GDĐT và kế
hoạch này;
Phê duyệt Kế hoạch tuyển sinh,
chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc huy động trẻ vào trường Mầm non, lớp 1, tuyển
sinh vào lớp 6; phối hợp tổ chức kì thi tuyển sinh vào lớp 10 trên địa bàn đảm
bảo trật tự và an toàn, báo cáo UBND tỉnh.
Trong quá trình triển khai thực
hiện, nếu có vướng mắc, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố liên hệ trực
tiếp với Sở GDĐT để tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời./.
1
Điều 33 Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ GDĐT về việc Ban
hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.
2
Điều 33 Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ GDĐT về việc Ban
hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.
3
Học sinh có “Giấy xác nhận khuyết tật” do xã/ phường/ thị trấn cấp; có hồ sơ, kế
hoạch theo dõi, đánh giá riêng đối với học sinh khuyết tật theo quy định của Bộ
GDĐT.
4
Điều 33 Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ GDĐT về việc Ban
hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.
5
Đề án cần nêu rõ cơ sở vật chất; đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên; chỉ tiêu,
đối tượng, thời gian, phương thức tuyển sinh, nguyên tắc xét đỗ; mức thu học
phí…