ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 5476/QĐ-UBND
|
Thanh Hóa, ngày
30 tháng 12 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG HỌC SINH LỚP
9 VÀ LỚP 12 GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Giáo dục số
43/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Quyết định số
700/QĐ-TU ngày 10 tháng 9 năm 2021 của Tỉnh ủy Thanh Hoá về ban hành Chương
trình nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021-2025;
Căn cứ Kế hoạch số
223/KH-UBND ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá về Kế
hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021-2025;
Theo đề nghị của Sở Giáo dục
và Đào tạo tại Tờ trình số 3776/TTr- SGDĐT ngày 27/12/2021 về việc đề nghị phê
duyệt Kế hoạch khảo sát chất lượng học sinh lớp 9 và lớp 12 giai đoạn 2021 -
2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Kế hoạch khảo sát chất lượng học sinh lớp 9
và lớp 12 giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám
đốc các sở: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành
phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2 QĐ;
- TTr: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh (để b/c);
- Các PCT UBND tỉnh;
- Lưu: VT, VX.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đầu Thanh Tùng
|
KẾ HOẠCH
KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG HỌC SINH LỚP 9 VÀ LỚP 12 GIAI ĐOẠN 2021
- 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5476/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2021 của
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa)
I. MỤC TIÊU,
YÊU CẦU
1. Mục tiêu
- Nhằm thực hiện có hiệu quả
Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021-2025 đã được Ban Chấp
hành Đảng bộ tỉnh thông qua tại Quyết định số 700/QĐ-TU ngày 10 tháng 9 năm
2021.
- Tạo sự đồng bộ, thống nhất
trong công tác khảo sát chất lượng học sinh lớp 9 và lớp 12 trên phạm vi toàn tỉnh
qua đó đánh giá chất lượng giáo dục của học sinh nhằm đề ra các giải pháp để
nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng giáo dục đại trà nói
riêng.
- Xác định mức độ đạt được so với
mục tiêu, chương trình, chuẩn kiến thức, kỹ năng và yêu cầu đổi mới kiểm tra,
đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh theo Chương
trình giáo dục phổ thông 2018.
- Đánh giá chất lượng dạy học
và tính nghiêm túc trong việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh; tạo chuyển
biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục của các nhà trường, địa phương.
- Định hướng cho học sinh lớp 9
tiếp cận với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông (THPT), học sinh
lớp 12 tiếp cận với kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm.
2. Yêu cầu
- Đề khảo sát chất lượng lớp 9
và lớp 12 (sau đây gọi chung là khảo sát) cần bám sát cấu trúc ra đề kỳ thi tuyển
sinh vào lớp 10 THPT của tỉnh và đề thi minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ
Giáo dục và Đào tạo hằng năm.
- Thực hiện khảo sát phải đảm bảo
đúng quy trình của việc tổ chức một kỳ thi, công khai, khách quan, minh bạch,
đánh giá chính xác chất lượng bài làm của học sinh.
- Kết quả khảo sát là một trong
những căn cứ để đánh giá chất lượng, mức độ thực hiện nhiệm vụ giáo dục của các
nhà trường, địa phương.
II. NỘI DUNG
1. Đối tượng, phạm vi khảo
sát
a) Đối tượng: Toàn bộ học sinh
đang học lớp 9 và lớp 12.
b) Quy mô: Tất cả các trường
trung học cơ sở (THCS), THPT, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường
xuyên (GDNN-GDTX) trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
2. Thời gian tổ chức khảo
sát
Mỗi năm học tổ chức khảo sát 02
lần, 01 lần ở học kỳ I và 01 lần ở học kỳ II. Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào
điều kiện thực tế của từng năm học để bố trí thời gian khảo sát.
3. Bài khảo sát, hình thức,
thời gian làm bài khảo sát
a) Đối với lớp 9
- Khảo sát 09 bài của các môn:
Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục
công dân.
- Hình thức khảo sát:
+ Môn Toán, Ngữ văn, Vật lý,
Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân: Tự luận;
+ Môn Tiếng Anh: Kết hợp tự luận
và trắc nghiệm khách quan.
- Thời gian làm bài khảo sát:
+ Môn Toán và Ngữ văn: 120
phút;
+ Môn Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học,
Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân: 60 phút.
b) Đối với lớp 12
- Tổ chức khảo sát 05 bài, gồm
03 bài độc lập của các môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh và 02 bài tổ hợp, trong
đó:
+ Bài tổ hợp Khoa học Tự nhiên
(KHTN): Gồm các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học;
+ Bài tổ hợp Khoa học Xã hội
(KHXH): Gồm các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục Công dân đối với học sinh học
chương trình Giáo dục THPT; tổ hợp gồm các môn Lịch sử, Địa lí với học viên học
chương trình GDTX cấp THPT.
- Học sinh các trường THPT tham
gia khảo sát 04 bài bắt buộc gồm 03 bài độc lập là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và
01 bài tổ hợp do học sinh tự chọn (bài KHTN hoặc bài KHXH).
Học viên học chương trình GDTX
cấp THPT tham gia khảo sát 03 bài bắt buộc gồm 02 bài độc lập là Toán, Ngữ văn
và 01 bài khảo sát do học sinh tự chọn (bài KHTN hoặc bài KHXH).
- Hình thức khảo sát:
+ Bài thi môn Toán, Tiếng Anh,
KHTN, KHXH: Trắc nghiệm;
+ Bài thi môn Ngữ văn: Tự luận.
- Thời gian làm bài khảo sát:
+ Môn Ngữ văn: 120 phút;
+ Môn Toán: 90 phút;
+ Môn Tiếng Anh: 60 phút;
+ Các môn thành phần của bài
thi tổ hợp KHTN, KHXH: Mỗi môn 50 phút.
c) Căn cứ vào tình hình thực tế,
nếu có thay đổi về cơ cấu tổ chức bài khảo sát, hình thức, thời gian làm bài khảo
sát như đã quy định, Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để xem
xét, quyết định.
4. Đề khảo sát
a) Tổ chức ra đề
- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
thành lập 01 Hội đồng ra đề khảo sát tại Sở Giáo dục và Đào tạo. Thành phần Hội
đồng gồm: Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Sở; Phó Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo
Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục; thư ký và các ủy viên gồm:
Lãnh đạo, chuyên viên các phòng chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo, giáo
viên cốt cán của các phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường THPT trong tỉnh.
- Đề khảo sát từng môn được in
đến tận học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức in sao đề và bàn giao đề cho
các Hội đồng khảo sát.
b) Nội dung đề khảo sát
- Đối với lớp 9: Thực hiện như
cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định;
- Đối với lớp 12: Thuộc chương
trình THPT, bám sát cấu trúc đề minh họa các bài thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT
do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố;
- Phạm vi nội dung của đề khảo
sát phải nằm trong những kiến thức, kỹ năng mà học sinh đã học ở trước thời điểm
tổ chức khảo sát.
c) Mức độ đề khảo sát
- Đối với lớp 9: Đề khảo sát đảm
bảo tương đương với đề tuyển sinh vào lớp 10 THPT;
- Đối với lớp 12: Đề khảo sát
được biên soạn theo ma trận với 04 mức độ yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng
và vận dụng cao.
5. Tổ chức khảo sát
- Đối với lớp 9:
+ Tại mỗi phòng Giáo dục và Đào
tạo thành lập 01 Ban Tổ chức khảo sát chất lượng do Trưởng phòng Giáo dục và
Đào tạo làm Trưởng ban.
+ Trưởng phòng Giáo dục và Đào
tạo có trách nhiệm thành lập Hội đồng khảo sát tại các trường THCS trên địa
bàn; thành lập Hội đồng chấm bài khảo sát.
- Đối với lớp 12:
+ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
ra quyết định thành lập tại mỗi trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX 01 Hội đồng khảo
sát và chấm bài khảo sát chất lượng.
+ Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
trên địa bàn tỉnh có học sinh đang học chương trình GDTX cấp THPT nếu có nhu cầu
khảo sát thì liên hệ với các trung tâm GDNN-GDTX hoặc một trường THPT trên địa
bàn để đăng kí khảo sát.
- Việc tổ chức khảo sát và chấm
bài khảo sát phải đảm bảo quy trình của việc tổ chức một kỳ thi theo quy định của
Sở Giáo dục và Đào tạo trong hướng dẫn tổ chức khảo sát hằng năm, đảm bảo công
khai, khách quan, minh bạch, đánh giá chính xác chất lượng bài làm của học
sinh.
III. KINH
PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí chi cho công tác tổ chức
khảo sát tại Sở Giáo dục và Đào tạo sử dụng từ nguồn kinh phí được giao trong dự
toán đầu năm của đơn vị.
Kinh phí chi cho công tác tổ chức
khảo sát tại tại các cơ sở giáo dục từ nguồn kinh phí đã giao trong dự toán đầu
năm, nguồn thu dịch vụ và các nguồn huy động hợp pháp khác của các cơ sở giáo dục.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Lập kế hoạch khảo sát từng
năm học, trong đó đảm bảo tổ chức thực hiện tốt các khâu ra đề, tiến hành khảo
sát, chấm bài khảo sát; hướng dẫn các phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường
THPT, các trung tâm GDNN-GDTX tại các huyện, thị xã, thành phố thực hiện khảo
sát nghiêm túc, khách quan, chất lượng.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc
thực hiện khảo sát chất lượng tại các nhà trường, địa phương trên địa bàn tỉnh.
- Chủ động cân đối, sử dụng
kinh phí đã giao trong dự toán đầu năm cho đơn vị để thực hiện công tác khảo
sát đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.
- Định kỳ đánh giá sơ kết, tổng
kết công tác khảo sát, báo cáo UBND tỉnh (báo cáo sơ kết vào cuối năm học 2022 -
2023, báo cáo tổng kết vào cuối năm học 2024 - 2025).
2. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục
và Đào tạo bố trí kinh phí để tổ chức Kế hoạch Khảo sát theo từng năm học từ
nguồn kinh phí đã được giao trong dự toán đầu năm và hướng dẫn các đơn vị sử dụng
nguồn thu, nguồn huy động hợp pháp khác đúng quy định đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.
3. UBND các huyện, thị xã,
thành phố
Căn cứ Kế hoạch Khảo sát đã được
Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định này và Kế hoạch Khảo sát từng năm học
của Sở Giáo dục và Đào tạo để bố trí kinh phí và giao nhiệm vụ cho Phòng Giáo dục
và Đào tạo tổ chức thực hiện khảo sát chất lượng học sinh lớp 9 trên địa bàn, đảm
bảo tiết kiệm, an toàn, nghiêm túc, khách quan, đúng quy định./.