ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 5070/QĐ-UBND
|
Thành phố Hồ Chí
Minh, ngày 15 tháng 10 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO HỌC TẬP SUỐT ĐỜI TRONG GIA ĐÌNH,
DÒNG HỌ, CỘNG ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân
và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 89/QĐ-TTg
ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “xây dựng
xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”;
Căn cứ Quyết định số 281/QĐ-TTg
ngày 20 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh
phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”;
Căn cứ Quyết định 5506/QĐ-UBND
ngày 07 tháng 10 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về ban hành
Kế hoạch xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”;
Xét đề nghị của Hội Khuyến học
Thành phố tại Tờ trình số 50/TTr-HKH ngày 08 tháng 9 năm 2014 của Hôi Khuyến học
về phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ,
cộng đồng đến năm 2020” trên địa bàn Thành phố và Ý kiến của Sở Giáo dục và Đào
tạo tại Công văn số 3578/GDĐT-GDTX ngày 09 tháng 10 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Đẩy
mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm
2020” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám
đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch Hội Khuyến học
Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, Thủ trưởng các cơ quan có
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Hội Khuyến học Việt Nam;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam TP;
- Các Đoàn thể Thành phố;
- VPUB: Các PVP;
- Các Phòng CV, TTCB;
- Lưu: VT, (VX-Nh) H.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hứa Ngọc Thuận
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO HỌC TẬP SUỐT ĐỜI TRONG
GIA ĐÌNH, DÒNG HỌ, CỘNG ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5070/QĐ-UBND ngày 15 tháng 10 năm 2014 của
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố)
Thực hiện Quyết định số 89/QĐ-TTg
ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “xây dựng
xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”;
Thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg
ngày 20 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh
phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”;
Thực hiện Quyết định số 5506/QĐ-UBND
ngày 07 tháng 10 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về ban hành
Kế hoạch xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”;
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt
đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” trên địa bàn Thành phố Hồ
Chí Minh, với những nội dung chủ yếu như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung:
Xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng
thành môi trường nuôi dưỡng, khuyến khích nhu cầu, thói quen học tập suốt đời,
động viên, khuyến khích tạo điều kiện cho mọi người trong gia đình, dòng họ và cộng
đồng được học tập thường xuyên, học tập suốt đời thông qua xây dựng các mô hình
học tập.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Trên cơ sở kết quả đạt được của
phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, đơn vị khuyến học và
khu dân cư khuyến học, các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng
đồng để xây dựng thí điểm các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng
đồng học tập” và mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng
để triển khai và nhân rộng trên toàn Thành phố từ năm 2016.
b) Phấn đấu đến 2020:
- 100% cán bộ, hội viên của Hội Khuyến
học Thành phố được tập huấn nâng cao nhận thức về xã hội học tập và các mô hình
học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng.
- 100% cán bộ, hội viên của Hội Khuyến
học Thành phố tham gia vào các hoạt động học tập suốt đời tại địa phương
- 70% gia đình được công nhận Danh hiệu
“Gia đình học tập”; 50% dòng họ được công nhận Danh hiệu “Dòng họ học tập”; 60%
cộng đồng (ấp, tổ dân phố và tương đương) đạt danh hiệu cộng đồng học tập.
- 80% cơ quan, trường học được công
nhận Danh hiệu “Đơn vị học tập”.
- 60% cộng đồng (xã, phường, thị trấn)
được công nhận danh hiệu “Cộng đồng học tập”.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI
PHÁP
Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao;
các Sở, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện tập trung chỉ đạo triển
khai các nhiệm vụ, công tác sau:
1. Xây dựng thí điểm và nhân rộng
các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn
vị học tập”:
a) Tổ chức nghiên cứu, tổng kết kinh
nghiệm mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập, “Cộng đồng học tập” và
“Đơn vị học tập” tại Quận 6, Quận 10, quận Bình Tân, quận Gò Vấp và huyện Bình
Chánh để đề xuất các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng.
b) Tổ chức hội thảo để lấy ý kiến của
các địa phương, các sở - ngành, đoàn thể, các chuyên gia và các nhà khoa học về
các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng.
c) Triển khai tài liệu hướng dẫn các
địa phương tuyên truyền và phát triển các mô hình học tập suốt đời trong gia
đình, dòng họ và cộng đồng.
2. Xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá
công nhận “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị
học tập”:
a) Xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá công
nhận “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” trên cơ sở Bộ tiêu chí “Gia đình hiếu
học”, “Dòng họ hiếu học” đã được vận dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và
Bộ tiêu chí của Trung ương Hội Khuyến học.
b) Biên soạn và in ấn tài liệu hướng
dẫn đánh giá, công nhận các Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập, “Cộng
đồng học tập” và “Đơn vị học tập”.
3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
về xã hội học tập, về mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng
đồng:
a) Tiếp tục quán triệt Chỉ thị số
11-CT/TW của Bộ Chính trị, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cũng
như hoạt động để thực hiện tốt Chỉ thị ở tất cả các cấp ủy Đảng cơ sở.
b) Nâng cao chất lượng tờ thông tin
khuyến học của Hội Khuyến học Thành phố, tăng cường bài viết về xã hội học tập,
về mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng.
c) Tổ chức hội thi “Cán bộ hội giỏi”
với sự tham gia của 80% cán bộ Hội cơ sở (tháng 5 năm 2014). Tập trung hướng dẫn
việc chỉ đạo Hội nghị “Tuyên dương khu phố làm tốt công tác Khuyến học” ở các cấp
Hội.
d) Phối hợp với các phương tiện thông
tin đại chúng của Thành phố để tuyên truyền về hoạt động khuyến học ở những
giai đoạn hoạt động trọng tâm của Hội Khuyến học Thành phố.
đ) Tổ chức hội thảo về cơ chế, phương
hướng, nội dung, biện pháp tăng cường các hoạt động phối hợp liên kết giữa Hội
Khuyến học Thành phố với các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ
chức xã hội - nghề nghiệp,... trong việc tuyên truyền đẩy mạnh phong trào học tập
suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng.
4. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào
tạo trong việc củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm
học tập cộng đồng và hoạt động tổ chức Hội khuyến học các trường học:
a) Khảo sát thực trạng cán bộ Hội
khuyến học các cấp tham gia hoạt động Trung tâm học tập cộng đồng.
b) Hội thảo về nâng cao năng lực quản
lý và chất lượng hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng; tập huấn cho
cán bộ Hội về nội dung và phương pháp tham gia hoạt động tại Trung tâm học tập
cộng đồng.
c) Duy trì, củng cố và nâng cao chất
lượng, hiệu quả hoạt động trung tâm học tập cộng đồng, góp phần đẩy mạnh phong
trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng.
d) Xây dựng các trường học đạt chuẩn
“Đơn vị học tập”.
đ) Tập huấn và triển khai ứng dụng
công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý Trung tâm học tập cộng đồng; đánh
giá xếp hạng thi đua các trung tâm học tập cộng đồng.
5. Phát động phong trào học tập suốt
đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng:
a) Tổ chức hội nghị quán triệt Quyết
định số 89/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt
Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” và Quyết định số
5506/QĐ-UBND ngày 07 tháng 10 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí
Minh về ban hành Kế hoạch xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” và
tiêu chí đánh giá Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học
tập” và “Đơn vị học tập” cho các cấp Hội Khuyến học.
b) Tổ chức Đại hội biểu dương các
“Gia đình học tập’’, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”
tiêu biểu trên địa bàn Thành phố.
c) Tổ chức các hội nghị triển khai
nhân rộng các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng trên
toàn Thành phố.
d) Giám sát, kiểm tra việc nhân rộng
các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng ở các quận, huyện
và tổ chức các hội nghị sơ kết việc triển khai nhân rộng các mô hình học tập suốt
đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng.
6. Tổ chức đánh giá công nhận “Gia
đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”:
a) Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ
Hội các cấp về đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng
họ, cộng đồng đến năm 2020”.
b) Triển khai tài liệu hướng dẫn sử dụng
Bộ tiêu chí đánh giá công nhận “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng
học tập” và “Đơn vị học tập” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (2014).
c) Tập huấn cho cán bộ Hội về sử dụng
Bộ tiêu chí đánh giá công nhận “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng
học tập” và “Đơn vị học tập”.
d) Tổ chức kiểm tra đánh giá công nhận
“Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”.
III. KINH PHÍ VÀ
CƠ CHẾ TÀI CHÍNH
1. Kinh phí:
a) Kinh phí để triển khai các hoạt động
của Kế hoạch từ năm 2014 - 2020 là 592.150.000 đồng để chi cho các hoạt động
sau:
- Tổng kết, xây dựng mô hình, khen
thưởng, hội thảo: 399.900.000 đồng.
- Hội nghị triển khai thí điểm tại 5
quận, huyện: 101.250.000 đồng.
- Tuyên truyền: 18.000.000 đồng.
- Khảo sát, kiểm tra thí điểm và phát
triển mô hình học tập suốt đời: 73.000.000 đồng.
2. Cơ chế tài chính:
a) Kinh phí thực hiện kế hoạch từ
ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước gồm: Ngân sách Thành phố,
quận - huyện, xã - phường, thị trấn được cấp cho Hội và các nguồn tài chính hợp
pháp khác.
b) Căn cứ nhiệm vụ hàng năm Hội khuyến
học các cấp lập dự toán gửi cơ quan tài chính cùng cấp để bố trí kinh phí thực
hiện theo quy định.
c) Các địa phương có trách nhiệm cân đối
ngân sách dành kinh phí hỗ trợ việc xây dựng và thí điểm các mô hình học tập suối
đời, tổ chức tập huấn, tuyên truyền, nhân rộng, giám sát, đánh giá, khen thưởng
các cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng, các tổ chức có thành tích hoặc đóng
góp tích cực đối với phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng
đồng và tổ chức đánh giá công nhận các Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học
tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” tại địa phương, đơn vị mình.
3. Phân kỳ kinh phí:
Kinh phí thực hiện được phân chia
thành 4 giai đoạn, cụ thể như sau:
- Năm 2014: 187.050.000 đồng.
- Năm 2015: 123.700.000 đồng.
- Năm 2016: 63.4000.000 đồng.
- Năm 2017 - 2020: 218.000.000 đồng.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Phối hợp với Hội khuyến học Thành
phố xây dựng Bộ chỉ số đánh giá công nhận Danh hiệu “gia đình học tập”, dòng họ
là “dòng họ học tập”, khu phố, ấp là “cộng đồng học tập” và cơ quan, trường học
đạt danh hiệu “đơn vị học tập”.
- Phối hợp với Hội khuyến học Thành
phố tổ chức thí điểm và nhân rộng mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng
họ, cộng đồng và đơn vị.
- Chủ trì phối hợp với Hội khuyến học
Thành phố củng cố nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm học tập
cộng đồng tại các địa phương.
2. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Phối hợp chặt chẽ với Hội khuyến học
Thành phố trong việc tuyên truyền về phong trào và các mô hình học tập suốt đời
trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị.
- Chỉ đạo cơ sở thực hiện công tác
tuyên truyền về các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng
và đơn vị.
3. Sở Văn hóa, Thể thao:
Phối hợp với Hội khuyến học Thành phố
trong việc đánh giá, công nhận Danh hiệu “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”,
“cộng đồng học tập” và “đơn vị học tập” kết hợp với việc đánh giá công nhận
danh hiệu “gia đình văn hóa”, “ấp văn hóa”, “khu phố văn hóa”, “đơn vị văn
hóa”.
4. Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội:
Đưa các chương trình dạy nghề ngắn hạn
dạy nghề cho lao động nông thôn (theo Quyết định số 1956/QĐ.TTg ngày 17 tháng
11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ) vào các trung tâm học tập cộng đồng xã,
phường.
5. Sở Tài chính:
Thẩm định và đề xuất phân bổ nguồn
kinh phí hàng năm để thực hiện đề án theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Hướng dẫn, quản lý, kiểm tra chặt chẽ kinh phí thực hiện kế hoạch.
6. Hội Khuyến học Thành phố:
- Xây dựng kế hoạch chi tiết để triển
khai kế hoạch này đến cơ sở.
- Chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và
Đào tạo, các sở, ngành chức năng liên quan, các địa phương, các tổ chức chính
trị xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức xã hội có liên quan
triển khai thực hiện kế hoạch này trên địa bàn Thành phố.
- Hướng dẫn Hội khuyến học các quận,
huyện và cơ sở xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện ở địa phương.
- Tổ chức tập huấn hội thảo góp ý xây
dựng Bộ tiêu chí công nhận gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập
và đơn vị học tập.
- Kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu
quả thực hiện kế hoạch của các địa phương theo định kỳ báo cáo Thành ủy, Hội đồng
nhân dân Thành phố và Ủy ban nhân dân Thành phố.
7. Ủy ban nhân dân quận, huyện:
- Bố trí ngân sách để thực hiện các
nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch này tại địa phương.
- Chỉ đạo các ban, ngành phối hợp với
các đoàn thể, Hội khuyến học cùng cấp trong việc triển khai thực hiện kế hoạch.
- Chỉ đạo mạng lưới thông tin tuyên
truyền về xây dựng xã hội học tập, trong đó có tuyên truyền về mô hình học tập
suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị.
- Chủ trì phối hợp với Hội khuyến học,
các đoàn thể địa phương tổ chức kiểm tra công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”.
“Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” ở địa phương mình.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam Thành phố và các Đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội
nghề nghiệp: phối hợp với Hội khuyến học Thành phố
tuyên truyền, vận động trong hệ thống việc xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng
đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và
“Đơn vị học tập”, tạo điều kiện cho hội viên trong tổ chức được thường xuyên học
suốt đời góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kế hoạch.
Trên đây là kế hoạch thực hiện đề án
“Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng đến
năm 2020” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Yêu cầu các sở, ngành thuộc Ủy
ban nhân dân Thành phố, các thành viên Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập
Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện quán triệt và xây dựng kế
hoạch thực hiện. Hàng năm sơ tổng kết và gửi báo cáo kết quả về Hội khuyến học
Thành phố để tổng hợp báo cáo Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
Thành phố./.