BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO
TẠO
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3982/QĐ-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 09 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG PHƯƠNG PHÁP ĐO LƯỜNG SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN
ĐỐI VỚI DỊCH VỤ GIÁO DỤC CÔNG”
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP
ngày 18/4/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP
ngày 19/3/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị quyết số 30c/NQ-CP
ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành
chính nhà nước giai đoạn 2011-2020;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ tổ chức
cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Xây dựng phương pháp đo lường sự
hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công” với các nội dung chủ yếu
sau đây:
1. Mục tiêu, yêu cầu, phạm vi
và đối tượng
a) Mục tiêu
- Mục tiêu chung:
Xây dựng phương pháp đo lường sự hài
lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công nhằm đánh giá một cách khoa học
và khách quan chất lượng dịch vụ của các cơ sở giáo dục công. Từ kết quả đo lường,
các cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục nắm bắt được nhu cầu, mong muốn của
người dân để có những biện pháp cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ đáp ứng sự
hài lòng của người dân.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Xác định được các nội dung, tiêu
chí và chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công;
+ Xây dựng phương pháp đo lường sự
hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công;
+ Xây dựng bộ công cụ khảo sát sự hài
lòng của người dân với dịch vụ giáo dục công; thử nghiệm
và hoàn thiện bộ công cụ; triển khai thí điểm tại cơ sở
giáo dục ở một số địa phương để rút kinh nghiệm cho việc
triển khai thưc hiện trên phạm vi toàn quốc, Biên soạn tài liệu hướng dẫn thực
hiện đo lường sự hài lòng của người dân với dịch vụ giáo dục
công.
+ Công bố bộ chỉ số đo lường sự hài
lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công.
b) Yêu cầu
- Phương pháp đo lường đánh giá sự
hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công phải đảm bảo khoa học và
khách quan; có tính khả thi phù hợp với khả năng thực hiện của các cơ sở giáo dục
và năng lực điều tra viên.
- Bộ câu hỏi điều tra xã hội học phù
hợp với hệ thống tiêu chí đánh giá, dễ hiểu, dễ trả lời, phù hợp với trình độ
dân trí.
- Kết quả đo lường phải giúp các cơ sở
giáo dục xác định được nhu cầu, nguyện vọng của người dân để có các giải pháp
hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục.
c) Phạm vi và đối tượng của Đề án
- Phạm vi của Đề án là đo lường sự
hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công ở các cấp học, trình độ
đào tạo: giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ
thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục đại học trên
phạm vi cả nước. Đề án không bao gồm các chương trình dạy
nghề.
- Đối tượng đánh giá là các cơ sở
công lập trực tiếp cung ứng dịch vụ giáo dục (trường, cơ sở, trung tâm, v.v.).
- Đối tượng khảo sát là học sinh,
sinh viên và đại diện gia đình người học.
2. Nội dung đo lường sự hài
lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công
Các yếu tố để đo lường sự hài lòng của
người dân, tổ chức trên 05 nội dung cơ bản tạo nên chất lượng dịch vụ giáo dục
công, từ đó được phân tích thành các tiêu chí thành phần để đo lường, cụ thể
như sau:
a) Tiếp cận dịch vụ
Các tiêu chí:
- Tiếp cận thông tin
- Các thủ tục khi nhập học, chuyển cấp
và ra trường
- Thủ tục, quy trình trong tiếp cận dịch
vụ
- Tiếp cận địa điểm các cơ sở giáo dục
- Chi phí và các chính sách hỗ trợ
tài chính
b) Cơ sở vật chất, trang thiết bị
Các tiêu chí:
- Phòng học
- Phòng chức năng
- Máy tính, mạng internet
- Trang thiết bị phục vụ dạy-học
- Thư viện
- Khu vui chơi, giải trí và khu vệ sinh
- Khu ký túc xá
c) Môi trường giáo dục
Các tiêu chí:
- Công bằng
- Minh bạch, công khai
- Hợp tác, kết nối và tham gia
- An toàn
d) Hoạt động giáo dục
Các tiêu chí:
- Nội dung, chương trình, phương pháp
giáo dục
- Đội ngũ giáo viên, nhân viên nhà
trường
- Công tác quản lý và đội ngũ cán bộ
quản lý
- Kiểm tra đánh giá kết quả hoạt động
giáo dục
- Mối quan hệ liên quan trong hoạt động
giáo dục
đ) Kết quả của giáo dục
Các tiêu chí:
- Kết quả học tập
- Khả năng thích ứng của người học
- Khả năng thực hiện nghĩa vụ công
dân
3. Bộ công cụ đo lường
a) Bộ câu hỏi điều tra xã hội học
Trên cơ sở 05 nội dung ở mục II, bộ
câu hỏi được xây dựng phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo. Bộ câu hỏi phải
đáp ứng được những yêu cầu sau:
- Thu thập được ý kiến người dân về sự
hài lòng đối với dịch vụ giáo dục công;
- Số lượng câu hỏi phù hợp;
- Thang đánh giá của các câu hỏi được
thống nhất ở 5 mức: “rất không hài lòng”, “không hài lòng”, “bình thường”, “hài
lòng” và “rất hài lòng”.
b) Phương pháp chọn mẫu điều tra xã hội
học
Quy mô và quy trình chọn mẫu điều tra
xã hội học phải đảm bảo độ tin cậy, khoa học. Số lượng mẫu
điều tra xã hội học sẽ do đơn vị thực hiện hoạt động khảo sát đề xuất và được sự
chấp thuận của cơ quan quản lý Đề án.
c) Các chỉ số
- Chỉ số hài lòng của người dân:
+ Chỉ số hài lòng với dịch vụ giáo dục
công là tỷ lệ phần trăm số người có phương án trả lời “hài
lòng” và “rất hài lòng” cho câu hỏi khảo sát mức độ hài lòng của người dân với
dịch vụ công nói chung, trên tổng số mẫu điều tra xã hội học được trả lời theo
đúng quy trình khảo sát hợp lệ.
+ Chỉ số hài lòng với từng nội dung của
dịch vụ giáo dục công được xác định bằng tỷ lệ phần trăm số người có phương án
trả lời “hài lòng” và “ rất hài lòng” đối với câu hỏi khảo sát mức độ hài lòng
của người dân với nội dung đó, trên tổng số mẫu điều tra xã hội học được trả lời
theo đúng quy trình khảo sát hợp lệ.
- Mức độ hài lòng của người dân:
Mức độ hài lòng
của người dân được thể hiện qua phương án trả lời (từ mức 1 đến mức 5 tương ứng với “rất không hài lòng”, “không hài lòng”, “bình
thường”, “hài lòng” và “rất hài lòng” ) cho từng câu hỏi tương ứng với các tiêu
chí.
4. Tuyên truyền, phân tích số
liệu, công bố kết quả và sử dụng số liệu
a) Hoạt động tuyên truyền về công cụ
và mục tiêu của việc đo lường
Việc tuyên truyền về mục tiêu và
phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công được
thực hiện nhằm làm cho người dân hiểu rõ hơn ý nghĩa và mục tiêu của việc làm
này. Thông qua tuyên truyền, các cơ sở giáo dục và chính quyền địa phương cần
nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm của người dân và tổ chức trong việc
theo dõi, giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ giáo dục công, cũng như theo
dõi, giám sát chất lượng của việc đo lường mức độ hài lòng của người dân. Những
biện pháp này cũng là cơ sở để theo dõi hiệu quả của cuộc khảo sát đo lường mức
độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công và góp phần cải tiến hoặc
điều chỉnh cho phù hợp trong quá trình thực hiện. Việc
tuyên truyền cũng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của các tổ chức, cơ sở
giáo dục trong việc hoàn thiện và nâng cao hơn nữa dịch vụ giáo dục công do
mình cung cấp.
Các hình thức tuyên truyền bao gồm:
- Tổ chức hội thảo, phổ biến cho lãnh
đạo, công chức, viên chức của các đơn vị, tổ chức cung cấp dịch vụ giáo dục
công về mục tiêu, ý nghĩa, nội dung của phương pháp đo lường sự hài lòng của
người dân đối với dịch vụ giáo dục công.
- Tuyên truyền trên các phương tiện
thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về mục tiêu,
ý nghĩa, nội dung của phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch
vụ giáo dục công.
- Các hình thức tuyên truyền khác như
hội thảo, hội nghị tập huấn điều tra, công bố các chỉ số, công bố định kỳ kết
quả hoạt động đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công.
b) Phân tích số liệu
- Phân tích số liệu bao gồm hoạt động
kiểm tra, làm sạch số liệu và phân tích các số liệu theo
yêu cầu đầu ra cụ thể của cuộc khảo sát và dựa trên các tiêu chí đo lường đã được
thống nhất. Phân tích số liệu được tiến hành trong năm hoạt động thứ 2 của đề
án, sau khi hoàn thành việc điều tra khảo sát tại các địa phương.
- Phân tích số liệu cần khoảng thời
gian là 03 tháng, bao gồm các hoạt động:
+ Kiểm tra, làm
sạch số liệu, đảm bảo tính đầy đủ và thống nhất của thông tin khảo sát.
+ Phân tích số liệu dựa trên các yêu
cầu đầu ra cụ thể của cuộc khảo sát, dựa trên các tiêu chí đo lường đã
được thống nhất.
c) Viết báo cáo và công bố kết quả
- Viết báo cáo về mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công được thực hiện sau khi
hoàn thành việc phân tích số liệu (trong năm 2014). Giai đoạn này gồm các hoạt
động:
+ Viết báo cáo về mức độ hài lòng của
người dân đối với dịch vụ giáo dục công. Hoạt động này kéo dài trong thời gian
03 tháng.
+ Hội thảo nội bộ gồm đơn vị tổ chức
cuộc khảo sát và đơn vị thụ hưởng kết quả khảo sát để trình bày về kết quả khảo
sát. Hoạt động này thực hiện sau khi hoàn tất báo cáo.
+ Hội thảo hoặc họp báo công bố các kết
quả đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công.
d) Sử dụng số liệu/kết quả
Các số liệu khảo sát và kết quả đo lường
được Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng trong việc: công bố kết quả khảo sát với
người dân và Chính phủ; sử dụng để điều chỉnh các chính sách giáo dục công nhằm
tăng mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ này trước
hoặc theo đúng tiến độ đã được đề ra trong Chương trình tổng thể cải cách hành
chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020.
5. Tổ chức thực
hiện
a) Trách nhiệm thực hiện
- Vụ Tổ chức cán bộ:
+ Xây dựng trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục
và Đào tạo ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai áp dụng
đo lường sự hài lòng của người dân với dịch vụ giáo dục công.
+ Tổ chức tuyên truyền, tập huấn và
hướng dẫn triển khai áp dụng phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối
với dịch vụ giáo dục công.
+ Chủ trì việc rà soát, đề xuất việc
hoàn thiện bộ công cụ đo lường sự hài lòng của người dân với dịch vụ giáo dục
công, giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Chỉ số hài lòng của người dân với dịch
vụ giáo dục công.
+ Lập kế hoạch và xây dựng dự toán
kinh phí cho việc triển khai áp dụng công cụ đo lường sự hài lòng của người
dân.
- Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam:
+ Xác định đối tượng, quy mô mẫu điều
tra xã hội học cho từng dịch vụ giáo dục công theo yêu cầu.
+ Xây dựng bộ câu hỏi điều tra xã hội
học và chủ trì tổ chức điều tra xã hội học để đo lường sự hài lòng của người
dân, tổ chức đối với quy mô cả nước.
+ Biên soạn tài liệu hướng dẫn và tổ
chức tập huấn.
- Vụ Kế hoạch - Tài chính:
Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ
lập dự toán kinh phí triển khai nhiệm vụ đo lường của người dân với dịch vụ
giáo dục công khai để tổng hợp chung vào dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Giáo
dục và Đào tạo và gửi Bộ Tài chính theo quy định.
- Các đơn vị khác thuộc Bộ:
Theo chức năng của đơn vị, phối hợp với
Vụ Tổ chức cán bộ thực hiện các nhiệm vụ trong việc triển khai áp dụng bộ công
cụ đo lường sự hài lòng của người dân
với dịch vụ giáo dục công.
- Các cơ sở trực tiếp cung cấp dịch vụ
giáo dục:
Triển khai áp dụng bộ công cụ đo lường
sự hài lòng của người dân với dịch vụ giáo dục công theo hướng dẫn của Bộ Giáo
dục và Đào tạo.
b) Thời gian thực hiện
- Giai đoạn 2013 - 2015:
+ Triển khai áp dụng bộ công cụ đo sự
hài lòng của người dân với dịch vụ giáo dục công tại các cơ sở giáo dục.
+ Sơ kết việc triển khai áp dụng bộ
công cụ đo lường sự hài lòng của người dân với dịch vụ giáo dục công để hoàn
thiện bộ công cụ.
Giai đoạn 2016 - 2020:
+ Tiếp tục triển khai đo lường sự hài lòng của người dân với dịch vụ giáo dục
công.
+ Nghiên cứu các giải pháp để triển
khai áp dụng có hiệu quả bộ công cụ đo lường sự hài lòng của người dân với dịch
vụ giáo dục công.
+ Tổng kết việc triển khai áp dụng
công cụ để hoàn thiện và thể chế hóa cho giai đoạn cải cách hành chính tiếp
theo của Bộ.
c) Kinh phí thực hiện
- Kinh phí triển khai áp dụng đo lường
sự hài lòng của người dân với dịch vụ giáo dục công nằm
trong kinh phí cải cách hành chính, được đảm bảo bằng ngân sách nhà nước và các
nguồn tài trợ hợp pháp khác (nếu có).
- Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng
và quyết toán kinh phí cho triển khai áp dụng đo lường sự hài lòng của người
dân với dịch vụ giáo dục công thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ
chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Viện
trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, thủ trưởng các đơn vị và các tổ chức,
cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3
- Bộ trưởng (để b/c);
- Sở GDĐT các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Website Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, TCCB.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Quang Quý
|