BỘ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
27/2003/QĐ-BGDĐT
|
Hà
Nội, ngày 17 tháng 6 năm 2003
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 27/2003/QĐ-BGDĐT
NGÀY 17 THÁNG 6 NĂM 2003 VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ HỘI THI GIẢNG VIÊN DẠY GIỎI
MÔN HỌC GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG CÁC TRƯỜNG CAO ĐẲNG NĂM 2003
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số
86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 29/CP ngày 30/3/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn
và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo đục và Đào tạo.
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục quốc phòng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Điều lệ Hội thi giảng
viên dạy giỏi môn học giáo dục quốc phòng các trường cao đẳng năm 2003.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng
Công báo.
Điều 3.
Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục quốc phòng, thủ
trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ, Hiệu trưởng các trường cao đẳng chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này.
ĐIỀU LỆ
HỘI THI GIẢNG VIÊN DẠY GIỎI MÔN HỌC GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG CÁC
TRƯỜNG CAO ĐẲNG NĂM 2003
(Ban hành theo Quyết định số 27/2003/QĐ-BGDĐT ngày 17 tháng 6 năm
2003)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục
đích yêu cầu
1. Mục đích:
- Đánh giá chất lượng giảng dạy
của đội ngũ giảng viên giáo dục quốc phòng (GDQP) trong các trường cao đẳng,
làm cơ sở để các cơ quan quản lý và các nhà trường chỉ đạo việc thực hiện môn học
và có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ, giảng viên.
- Trao đổi kinh nghiệm giảng dạy,
từng bước đổi mới phương pháp giảng dạy GDQP trong các trường cao đẳng nhằm
không ngừng nâng cao hiệu quả GDQP cho sinh viên.
- Đẩy mạnh phong trào thi đua dạy
tốt, học tốt môn học GDQP trong các nhà trường.
2. Yêu cầu:
- Nội dung thi phải đúng với
chương trình GDQP đã được ban hành theo Quyết định số 12/2000/QĐ-BGDĐT ngày
09/5/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Tổ chức thi phải nghiêm túc,
khách quan, trung thực, an toàn.
- Qua hội thi, các trường tiếp tục
xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giảng viên, đẩy mạnh các hoạt động phương pháp, tổ
chức tốt hội thi ở cơ sở, tiếp tục tham gia hội thi ở cấp Bộ những năm sau.
Điều 2. Đối
tượng và số lượng dự thi
1. Đối tượng dự thi: Là những giảng
viên chuyên trách hoặc bán chuyên trách GDQP của các trường cao đẳng trong cả
nước.
2. Số lượng: Mỗi trường cử 1 đến
2 giảng viên dự thi với nội dung trong học phần đã đăng ký.
Điều 3. Nội
dung thi
1. Môn thi chung:
Thực hành bắn súng AK bài 1 (tư
thế nằm bắn có bệ tỳ).
2. Chuyên môn:
- Giới hạn nội dung thi trong
các học phần:
+ Học phần I - Một số nội
dung cơ bản về đường lối quân sự của Đảng: Thi giảng bài 2 và bài 3;
+ Học phần II - Một số nội
dung cơ bản công tác quốc phòng: Thi giảng bài 1 và bài 3;
+ Học phần III - Một số nội
dung kỹ thuật và chiến thuật bộ binh: Thi giảng bài 5, bài 7 và bài 8.
- Thí sinh được lựa chọn đăng ký
thi giảng một bài trong nội dung thi đã giới hạn ở trên; bài dự thi của thí
sinh thuộc học phần nào thì phải chuẩn bị tất cả các bài giảng (đã giới hạn) trong
học phần đó và nộp cho Ban thư ký trước ngày 12/8/2003 để chấm điểm công tác
chuẩn bị. Sau khi bốc thăm, đề thi thuộc nội dung bài giảng nào Ban thư ký sẽ
trả lại cho thí sinh trước 1 ngày để làm công tác chuẩn bị.
- Thí sinh dự thi đăng ký giảng
lý thuyết hoặc giảng thực hành đều phải mang theo thiết bị giảng dạy. Giảng lý
thuyết thuộc học phần I, II và phần lý thuyết thuộc học phần III tổ chức trong
các phòng thi. Giảng thực hành các nội dung thuộc phần huấn luyện kỹ năng của học
phần III và thực hành bắn súng ở thao trường, bãi tập.
Điều 4. Quy
định đối với người dự thi các thí sinh mang mặc thống nhất theo kiểu trang phục
sĩ quan và phải đeo biển phù hiệu hội thi trên túi áo ngực bên trái.
- Người dự thi phải có mặt tại
nơi nhận đề thi hoặc nơi thi trước giờ quy định 15 phút để Trưởng tiểu ban chấm
thi hoặc Ban thư ký hội đồng thi điểm danh và làm công tác chuẩn bị;
- Người dự thi phải chào báo cáo
Trưởng tiểu ban chấm thi trước khi thi và sau khi kết thúc nội dung thi theo
đúng điều lệnh. Việc thực hiện điều lệnh chính quy trong khi thi là một nội
dung để xem xét, đánh giá thành tích thi.
- Khi thi giảng về lý thuyết,
người dự thi được đem theo bài giảng, tài liệu tham khảo, sơ đồ, trang thiết bị,
mô hình học cụ...
- Khi thi giảng thực hành (kỹ
năng quân sự) người dự thi phải mang mặc đầy đủ trang bị theo quy định.
Chương 2:
BAN CHỈ ĐẠO, BAN TỔ CHỨC
VÀ HỘI ĐỒNG THI
Điều 5. Ban
chỉ đạo và Ban tổ chức Hội thi
1. Ban chỉ đạo Hội thi:
- Trưởng ban: Thứ trưởng Bộ Giáo
dục và Đào tạo;
- Phó trưởng ban: Vụ trưởng Vụ
Giáo dục quốc phòng;
- Các ủy viên: Đại diện lãnh đạo
Vụ Công tác Chính trị, Vụ Giáo viên, Vụ Đại học, đơn vị đăng cai. Mời đại diện
Cục Nhà trường, Cục Dân quân tự vệ - Bộ Quốc phòng tham gia.
2. Ban tổ chức Hội thi:
Vụ Giáo dục quốc phòng phối hợp
với đơn vị đăng cai để thành lập Ban tổ chức hội thi.
Điều 6. Hội
đồng thi
1. Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội
đồng thi:
- Chủ tịch: Vụ trưởng Vụ Giáo dục
quốc phòng;
- Phó chủ tịch: Lãnh đạo đơn vị
đăng cai tổ chức;
2. Thư ký Hội đồng thi:
Ban thư ký Hội đồng thi gồm Trưởng
ban và các ủy viên, nhân sự cụ thể do Chủ tịch Hội đồng thi quyết định.
3. Tiểu ban chấm thi:
- Căn cứ vào số lượng người dự
thi, Chủ tịch Hội đồng thi sẽ quyết định thành lập các tiểu ban chấm thi;
- Mỗi tiểu ban có 3 cán bộ chấm
thi, trong đó có một Trưởng tiểu ban và 2 thành viên, nhân sự cụ thể do Hội đồng
thi mời và quyết định.
- Các tiểu ban chấm thi chịu sự
điều động của Hội đồng thi, phải làm việc theo đúng nguyên tắc và tiến trình
thi đã xác định trong kế hoạch. Căn cứ vào thành phần, số lượng đăng ký của các
đơn vị, Hội đồng thi sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho các tiểu ban.
Điều 7. Nhiệm
vụ, quyền hại của Hội đồng thi
1. Hội đồng thi:
- Hội đồng thi đặt dưới sự chỉ đạo
thống nhất của Ban chỉ đạo hội thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có nhiệm vụ giúp
Ban chỉ đạo tổ chức, điều hành mọi công việc liên quan đến hội thi. Hội đồng
thi làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ;
- Hội đồng thi có thẩm quyền quyết
định toàn bộ công việc liên quan đến hội thi như: Tổ chức hội thi, chấm thi,
xét duyệt kết quả và tổng kết hội thi;
- Hội đồng thi có trách nhiệm
báo cáo kết quả thi với Ban chỉ đạo và đề nghị Bộ khen thưởng các tập thể, cá
nhân có thành tích cao trong hội thi; đồng thời báo cáo kết quả đến các đơn vị
tham gia hội thi.
2. Chủ tịch, Phó Chủ tịch:
- Chủ tịch Hội đồng thi chịu
trách nhiệm trước ban chỉ đạo về các công việc liên quan đến hội thi;
- Hướng dẫn tổ chức thực hiện và
quyết định toàn bộ các mặt công tác liên quan theo đúng Điều lệ Hội thi;
- Ra quyết định thành lập các
ban, bộ phận giúp việc cho Hội đồng thi: Ban thư ký, các tiểu ban chấm thi, bộ
phận làm đề thi, đáp án; trực tiếp chỉ đạo làm đề thi, đáp án.
- Phó Chủ tịch giúp Chủ tịch Hội
đồng thi theo từng mặt công tác được phân công và thay thế giải quyết công việc
khi Chủ tịch vắng mặt.
3. Ban thư ký:
- Chịu sự chỉ đạo về mọi mặt của
Chủ tịch Hội đồng thi để đảm bảo đúng tiến trình, kế hoạch và quy chế thi.
- Soạn thảo kế hoạch hội thi,
làm lịch thi, ghi biên bản;
- Chuẩn bị mẫu biểu, văn kiện cần
thiết cho hội thi;
- Tổ chức bốc thăm đề thi, thu
nhận bài thi đầy đủ
4. Các tiểu ban chấm thi:
Trưởng tiểu ban chấm thi do Chủ
tịch Hội đồng thi chỉ định. Tiểu ban chấm thi có nhiệm vụ:
- Nắm chắc Điều lệ Hội thi, nội
dung câu hỏi và đáp án thi;
- Từng thành viên đánh giá chính
xác, khách quan bài dự thi của thí sinh;
- Tổng hợp tình hình, báo cáo kết
quả thi với Hội đồng thi ngay sau buổi thi.
Chương 3:
HÌNH THỨC TỔ CHỨC VÀ
CÁCH ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ
Điều 8. Hình
thức thi
Hội thi được tiến hành theo quy
trình: Bốc thăm đề thi, làm công tác chuẩn bị, thực hành giảng
- Thí sinh phải nộp bài giảng
chuẩn bị cho Ban thư ký 1 tuần trước khi thi và được nhận lại sau khi bốc thăm
đề thi;
- Thi bắn súng ở tư thế nằm bắn
có bệ tỳ: Đây là môn thi chung bắt buộc đối với mỗi giảng viên dự thi. Mỗi thí
sinh được bắn 4 viên trong đó có 1 viên bắn thử và 3 viên bắn chính thức tính
điểm (có quy định riêng).
- Thí sinh thi giảng lý thuyết
hoặc thực hành đều phải bốc thăm đề thi tại bàn thư ký và làm công tác chuẩn bị
1 ngày. Thí sinh được phép đổi đề thi 1 lần nhưng kết quả môn thi đó phải hạ một
cấp. Nếu kết quả thi sau lần đổi đề ở mức đạt yêu cầu thì được giữ nguyên kết
quả;
- Số tiết thực hành giảng là 1
tiết; nội dung cụ thể sẽ được quy định trong phiếu thi.
Điều 9.
Thang điểm và nguyên tắc chấm điểm
1. Thang điểm chấm thi:
- Điểm thi bắn súng, theo quy tắc
bắn súng quân dụng:
3 viên x 10 điểm = 30 điểm
- Điểm thi giảng lý thuyết và thực
hành tính theo hệ điểm 10
+ Không đạt yêu cầu: Từ 0
đến cận 5 điểm;
+ Điểm đạt yêu cầu: Từ 5
đến cận 7 điểm;
+ Điểm khá: Từ 7 đến cận
8,6 điểm;
+ Điểm giỏi: Từ 8,6 đến
10 điểm.
2. Nguyên tắc chấm điểm:
- Các giám khảo chấm điểm độc lập
nhau theo các nội dung đã ghi trong "phiếu nhận xét và chấm điểm";
- Điểm chấm chênh lệch giữa các
giám khảo không quá 1 điểm; chênh lệch quá 1 điểm thì Trưởng tiểu ban chấm thì
phải hội ý và thống nhất; nếu không thống nhất được thì Trưởng tiểu ban chấm
thi lập biên bản gửi lên Hội đồng thi để xem xét quyết định;
- Điểm thi không làm tròn
số và được phép lấy đến chữ số thứ hai trong phần thập phân.
3. Cách tính kết quả thi:
- Thi bắn súng lấy kết quả của
tư thế nằm bắn, tính điểm;
- Điểm thi bắn súng sử dụng để xếp
loại cá nhân, tập thể phải là điểm tổng cộng của 3 viên ở tư thế nằm, hệ số 1;
- Điểm thi giảng lý thuyết hoặc
giảng thực hành là điểm trung bình cộng của 3 giám khảo x hệ số 3;
- Điểm thi của từng cá nhân là tổng
số điểm của 2 nội dung đã tính hệ số;
Điều 10.
Cách chấm điểm thi chuyên môn và xếp hạng thành tích
1. Cách chấm điểm:
Thang điểm 10 được chia theo các
nội dung sau:
a. Công tác chuẩn bị: 2 điểm
- Chuẩn bị tốt bài giảng theo
yêu cầu (đủ số bài, đúng đủ nội dung và các thủ tục cần thiết, trình bày khoa học)
(l,5 điểm)
- Có sơ đồ mẫu biểu, thiết bị giảng
dạy, mô hình học cụ (0,5 điểm).
b. Thực hành giảng: 8 điểm
- Truyền đạt đúng, đủ nội dung
(2 điểm)
- Vận dụng tốt giữa lý luận và
thực tiễn (2 điểm)
- Phương pháp sư phạm tốt (3 điểm)
- Sử dụng có hiệu quả sơ đồ thiết
bị giảng dạy (1 điểm)
Thực hành giảng dạy sai với nội
dung tùy theo mức độ sẽ bị trừ điểm, sai thời gian quy định cứ 3 phút trừ 0,5
điểm.
2. Xếp hạng thành tích:
Cá nhân có điểm thi cao hơn sẽ xếp
hạng trên. Nếu các cá nhân có điểm bằng nhau thì cá nhân nào có điểm thực hành
giảng cao hơn sẽ xếp hạng trên. Nếu điểm thực hành giảng bằng nhau thì cá nhân
nào có điểm phương pháp sư phạm cao hơn sẽ xếp hạng trên; nếu vẫn bằng nhau thì
xếp đồng hạng.
Điều 11. Địa
điểm và thời gian thi
1. Địa điểm tổ chức hội thi: Đồ
Sơn - Hải Phòng.
2. Thời gian thi: Từ 17 đến
24/8/2003.
Chương 4:
CÔNG TÁC BẢO ĐẢM, KHEN
THUỞNG VÀ KỶ LUẬT
Điều 12.
Công tác bảo đảm (có kế hoạch bảo đảm cho Hội thi riêng)
Các trường bảo đảm kinh phí ăn, ở,
đi lại, phụ cấp lưu trú cho các giảng viên dự thi theo Thông tư số
93/1998/TT-BTC ngày 30/6/1998 của Bộ Tài chính về việc quy định chế độ chi tiêu
hội nghị và Thông tư số 94/1998/TT-BTC ngày 30/6/1998 của Bộ Tài chính về việc
quy định chế độ công tác phí cho cán bộ công chức nhà nước đi công tác trong nước.
Ngoài ra đề nghị các trường quan tâm hỗ trợ về kinh phí tạo điều kiện thuận lợi
cho các giảng viên làm tốt công tác chuẩn bị và tham gia hội thi.
Điều 13. Giảng
viên dạy giỏi và khen thưởng
1. Giảng viên dạy giỏi cấp toàn
quốc:
Giảng viên dạy giỏi môn học GDQP
cấp toàn quốc phải đạt các tiêu chuẩn sau:
- Thi bắn súng đạt 25 điểm trở
lên;
- Thi giảng dạy chuyên môn đạt
giỏi: 25,8 điểm trở lên;
- Tổng số điểm thấp nhất phải đạt
là 50,8 điểm.
- Không vi phạm Điều lệ Hội thi,
kỷ luật của đơn vị và pháp luật của Nhà nước từ khiển trách trở lên.
2. Khen thưởng:
- Các trường có giảng viên tham
gia thi đều được tặng cờ lưu niệm;
- Giảng viên được công nhận là
giảng viên dạy giỏi của Hội thi được cấp giấy chứng nhận giảng viên dạy giỏi cấp
toàn quốc kèm theo tiền thưởng;
- Ba (03) giảng viên xuất sắc
(có tổng số điểm cao nhất, nhì, ba) được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng
bằng khen và thưởng tiền theo quy định của Nhà nước.
3. Thưởng cho thi bắn súng:
Thưởng tiền cho các cá nhân thi
bắn súng có tổng số điểm nhất, nhì, ba;
Điều 14. Kỷ
luật
Những cá nhân và tập thể vi phạm
quy chế thi, tùy theo mức độ vi phạm bị xử lý như sau:
1. Đối với giảng viên dự thi vi
phạm sẽ bị xử lý theo một trong các hình thức sau đây:
- Khiển trách, tiếp tục cho thi
nhưng hạ kết quả môn thi đó xuống một cấp hoặc đình chỉ thi nội dung đó;
- Cảnh cáo và đình chỉ tất cả
các nội dung thi.
Việc trừ điểm, hạ cấp kết quả
thi do Trưởng tiểu ban chấm thi quyết định. Việc đình chỉ thi và xử lý các hình
thức kỷ luật nêu trên do Chủ tịch hội đồng thi quyết định. Các trường hợp vi phạm
đều phải lập biên bản; trường hợp người dự thi không ký thì toàn bộ giám khảo của
tiểu ban chấm thi phải ký và ghi rõ người dự thi không ký. Các trường hợp đề
nghị đình chỉ thi phải báo cáo kịp thời với Hội đồng thi.
2. Đối với thành phần khác vi phạm
sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định do Chủ tịch Hội đồng thi quyết định;
3. Các vi phạm ngoài quyền hạn của
Hội đồng thi sẽ bị xử lý theo pháp luật của Nhà nước.
Điều 15.
Quyền khiếu nại
Tập thể và cá nhân được quyền
khiếu nại (bằng văn bản) với Hội đồng thi khi thấy có biểu hiện tiêu cực như:
Vi phạm điều lệ, nội quy trong quá trình tiến hành hội thi. Hội đồng thi phải
giải quyết mọi việc khiếu nại trước khi kết thúc hội thi.
Điều 16. Điều
khoản cuối cùng
Điều lệ Hội thi phải được phổ biến
đến mọi thành viên trước khi tiến hành hội thi. Các thành viên Hội đồng thi,
ban thư ký, bộ phận làm đề thi, đáp án, cán bộ, giám khảo chấm thi phải nắm chắc
và gương mẫu chấp hành nghiêm túc Điều lệ Hội thi; hướng dẫn cụ thể cho người dự
thi thực hiện.