UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
17/2013/QĐ-UBND
|
Bến
Tre, ngày 12 tháng 7 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ DẠY THÊM, HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN
TRE
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm
2004;
Căn cứ Nghị định số
115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản
lý nhà nước về giáo dục;
Căn cứ Thông tư số
17/2012/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 1194/TTr-SGDĐT ngày 04 tháng 7 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về dạy
thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Điều 2.
Điều khoản thi hành
1. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân
dân tỉnh; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh;
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này.
2. Quyết định này có hiệu lực
sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số
20/2007/QĐ-UBND ngày 24 tháng 5 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban
hành Quy định về dạy thêm, học thêm./.
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Cao Văn Trọng
|
QUY ĐỊNH
VỀ DẠY THÊM HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2013 của
Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Văn bản này quy định dạy
thêm, học thêm trong, ngoài nhà trường có thu tiền; trách nhiệm của Uỷ ban nhân
dân các cấp, các cơ quan quản lý giáo dục và các ngành liên quan trong việc quản
lý dạy thêm, học thêm; thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học
thêm; việc thu, quản lý và sử dụng tiền học thêm; công tác thanh tra, kiểm tra
và xử lý vi phạm tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Bến
Tre.
2. Văn bản này áp dụng đối với tổ
chức, cá nhân có tham gia hoạt động dạy thêm, người học thêm trong và ngoài nhà
trường trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm môn ngoại
ngữ, tin học có nội dung không theo chương trình giáo dục phổ thông, ngoài kế
hoạch giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo
ban hành thì thực hiện theo quy định tại Thông tư số 03/2011/TT-BGDĐT ngày 28
tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế Tổ chức
và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học.
Điều 2.
Xác định hoạt động dạy thêm, học thêm
1. Dạy thêm, học thêm trong quy
định này là hoạt động dạy học phụ thêm có thu tiền của người học, có nội dung
theo chương trình giáo dục phổ thông nhưng ngoài kế hoạch giáo dục của chương
trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành bao gồm: Tổ chức hoạt
động dạy thêm, học thêm cho học sinh có nhu cầu củng cố, bổ sung, kiến thức, kỹ
năng; ôn luyện để dự thi tuyển sinh vào lớp 10, cao đẳng, đại học; ôn thi tốt
nghiệp trung học phổ thông.
2. Những trường hợp không coi là
dạy thêm, học thêm:
a) Việc phụ đạo cho những học
sinh học lực yếu, kém (được tổ chức trong năm học kể cả trong hè để kiểm tra lại),
bồi dưỡng học sinh giỏi thuộc trách nhiệm của nhà trường, không thu tiền của học
sinh.
b) Dạy kèm cặp theo hình thức
gia sư có số lượng không quá 3 học sinh, không có thu tiền.
Điều 3.
Nguyên tắc dạy thêm, học thêm
Thực hiện theo Điều 3 Thông tư số
17/2012/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT).
Điều 4. Các
trường hợp không được dạy thêm
Thực hiện theo Điều 4 Thông tư số
17/2012/TT-BGDĐT.
Điều 5. Yêu
cầu đối với người dạy và người tổ chức dạy thêm, học thêm; điều kiện cơ sở vật
chất phục vụ dạy thêm, học thêm
Thực hiện theo quy định tại Điều
8, 9, 10 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.
Chương II
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ HOẠT
ĐỘNG DẠY THÊM HỌC THÊM
Điều 6. Sở
Giáo dục và Đào tạo
1. Là cơ quan đầu mối, chủ trì
phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố
triển khai đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy định này; chịu trách nhiệm trước
Uỷ ban nhân dân tỉnh về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo
quy định.
2. Tiếp nhận thẩm định hồ sơ,
chương trình, cấp phép, gia hạn giấy phép dạy thêm, học thêm; thu hồi giấy phép
và đình chỉ hoạt động dạy thêm, học thêm theo quy định dạy thêm, học thêm trong
và ngoài nhà trường đối với cấp trung học phổ thông.
3. Ban hành văn bản hướng dẫn
nghiệp vụ kiểm tra, thanh tra hoạt động dạy thêm, học thêm. Tổ chức hoặc phối hợp
với các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức phổ biến, thanh tra, kiểm tra về
nội dung dạy thêm, học thêm; phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề
nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
4. Lập các biểu mẫu phục vụ việc
lập hồ sơ xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm và hướng dẫn hồ
sơ, sổ sách phục vụ công tác quản lý dạy thêm học thêm.
5. Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan có liên quan xử lý, giải quyết theo thẩm quyền đối với đơn khiếu nại, tố
cáo có liên quan đến tổ chức hoạt động dạy thêm học thêm.
6. Thông báo kịp thời việc cấp,
gia hạn, thu hồi giấy phép dạy thêm học thêm và đình chỉ hoạt động dạy thêm, học
thêm đến Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có tổ chức dạy thêm, học thêm
đối với cấp trung học phổ thông.
7. Chỉ đạo Thanh tra Sở xử phạt
tổ chức, cá nhân vi phạm quy định dạy thêm, học thêm theo quy định của pháp luật.
8. Tổng hợp kết quả thực hiện quản
lý dạy thêm, học thêm báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo khi
kết thúc năm học hoặc theo yêu cầu đột xuất.
Điều 7. Các
sở, ban ngành thuộc tỉnh
1. Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ,
có trách nhiệm tuyên truyền việc thực hiện quy định dạy thêm, học thêm của Bộ
Giáo dục và Đào tạo và Uỷ ban nhân dân tỉnh; phản ánh cá nhân, tổ chức có hành
vi, biểu hiện tiêu cực trong hoạt động dạy thêm, học thêm giúp Sở Giáo dục và
Đào tạo có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
2. Cục Thuế có trách nhiệm hướng
dẫn việc kê khai, nộp thuế đối với tổ chức, cá nhân có mở lớp dạy thêm.
Điều 8. Uỷ
ban nhân dân các huyện, thành phố
1. Chịu trách nhiệm quản lý dạy
thêm, học thêm trên địa bàn huyện, thành phố theo phân cấp quản lý nhà nước về
giáo dục.
2. Uỷ quyền cho Phòng Giáo dục
và Đào tạo thực hiện nhiệm vụ quản lý dạy thêm, học thêm; cấp hoặc gia hạn, thu
hồi giấy phép dạy thêm, học thêm và đình chỉ hoạt động dạy thêm, học thêm đối với
cấp trung học cơ sở và các lớp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn
luyện kỹ năng sống ở cấp tiểu học.
3. Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân xã,
phường, thị trấn có trách nhiệm xác nhận vào hồ sơ xin cấp hoặc xin gia hạn giấy
phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn huyện, thành phố cho tổ
chức cá nhân có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 8, 9, 10 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.
4. Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào
tạo tổ chức hoặc phối hợp với ban ngành liên quan thuộc Uỷ ban nhân dân huyện
kiểm tra, thanh tra đối với các cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân có tổ chức hoạt
động dạy thêm, học thêm trên địa bàn huyện để phát hiện sai phạm; kịp thời xử
lý hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý.
5. Tạo điều kiện để các trường
thuộc phạm vi quản lý của huyện tổ chức học 2 buổi/ngày.
6. Thực hiện chế độ báo cáo định
kỳ hoặc đột xuất với Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo theo quy
định của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Điều 9.
Phòng Giáo dục và Đào tạo
1. Thực hiện quản lý dạy thêm, học
thêm trong, ngoài nhà trường đối với tổ chức, cá nhân theo quy định của Uỷ ban nhân
dân tỉnh Bến Tre. Chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố về quản
lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
2. Tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm
tra, cấp phép, gia hạn giấy phép dạy thêm, học thêm; thu hồi giấy phép và đình
chỉ hoạt động dạy thêm, học thêm theo quy định đối với cấp trung học cơ sở và
các lớp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống ở cấp
tiểu học.
3. Phổ biến, chỉ đạo các trường
trực thuộc, các tổ chức cá nhân liên quan thực hiện quy định về dạy thêm, học
thêm của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre.
4. Tổ chức hoặc phối hợp với các
ngành có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra tổ chức hoạt động dạy thêm, học
thêm trên địa bàn huyện; phát hiện xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị
cơ quan có thẩm quyền xử lý.
5. Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan có liên quan xử lý giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền về tổ chức
hoạt động dạy thêm, học thêm.
6. Thông báo kịp thời việc cấp,
gia hạn, thu hồi giấy phép dạy thêm học thêm và đình chỉ hoạt động dạy thêm, học
thêm đến Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có tổ chức dạy thêm học thêm
đối với cấp trung học cơ sở và các lớp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể
thao, rèn luyện kỹ năng sống ở cấp tiểu học.
7. Ngoài báo cáo đột xuất theo
yêu cầu, định kỳ 6 tháng một lần tổng hợp báo cáo tình hình dạy thêm, học thêm
trên địa bàn về Uỷ ban nhân dân huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo.
Điều 10. Uỷ
ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
1. Xác nhận vào hồ sơ xin cấp hoặc
gia hạn giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm cho người dạy thêm, người
tổ chức hoạt động dạy thêm học thêm có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 8,
9, 10 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.
2. Kiểm tra giấy phép, mức thu
tiền của tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường
trên địa bàn xã, phường, thị trấn đối với các cấp học; kịp thời xử lý hoặc kiến
nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Phối hợp thanh tra, kiểm tra
tổ chức hoạt động dạy thêm khi Thanh tra huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo có
yêu cầu.
4. Thực hiện chế độ báo cáo đột
xuất, định kỳ với Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố hoặc Phòng Giáo dục và Đào tạo
theo quy định của Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố.
Điều 11.
Trách nhiệm của Hiệu trưởng và Thủ trưởng các cơ sở giáo dục
1. Tổ chức, quản lý và kiểm tra
hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường, bảo đảm các điều kiện quy định về
hoạt động dạy thêm, học thêm và quyền lợi của người học thêm và người dạy thêm.
2. Quản lý việc thực hiện chương
trình chính khoá bảo đảm thực hiện nghiêm túc nguyên tắc dạy thêm, học thêm; quản
lý việc kiểm tra đánh giá, xếp loại; xác nhận nội dung yêu cầu đối với người dạy
thêm theo quy định tại Khoản 5, Điều 8 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.
3. Tổ chức tư vấn giúp cho học
sinh và cha mẹ học sinh trong việc chọn môn học, nhóm, lớp học nhằm bảo đảm sức
khoẻ cho học sinh và tính hiệu quả trong hoạt động dạy thêm, học thêm; xây dựng
kế hoạch, phân nhóm học sinh theo học lực, xếp thời khoá biểu, phân công giáo
viên có đủ điều kiện dạy thêm trong nhà trường.
4. Hiệu trưởng các trường, Thủ
trưởng các cơ sở giáo dục công lập chịu trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện quy
định dạy thêm, học thêm của cán bộ, giáo viên do trường mình quản lý, kịp thời
xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
5. Quản lý, lưu giữ đầy đủ, đúng
quy định các loại hồ sơ sổ sách có liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm
bao gồm: Hồ sơ cấp giấy phép và giấy phép dạy thêm, học thêm; danh sách học
sinh học thêm, thời khoá biểu dạy thêm; sổ đầu bài; bài soạn; đơn xin học thêm,
nội quy học sinh học thêm; hồ sơ tài chính theo quy định hiện hành.
6. Chịu trách nhiệm về chất lượng
dạy thêm, học thêm; bảo quản cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và kinh phí dạy
thêm, học thêm trong nhà trường.
7. Thực hiện chế độ báo cáo đột
xuất và định kỳ theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo đối với cấp trung học
phổ thông, Phòng Giáo dục và Đào tạo đối với cấp trung học cơ sở và các lớp bồi
dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống ở cấp tiểu học.
Điều 12.
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà
trường
1. Thực hiện các quy định về dạy
thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh
Bến Tre và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
2. Quản lý và đảm bảo quyền của
người học thêm, người dạy thêm. Nếu tạm ngừng hoặc chấm dứt dạy thêm phải báo
cáo cơ quan cấp phép và thông báo công khai cho người học thêm biết trước ít nhất
là 30 ngày. Hoàn trả các khoản tiền đã thu của người học thêm tương ứng với phần
dạy thêm không thực hiện, thanh toán đầy đủ kinh phí với người dạy thêm và các
tổ chức, cá nhân liên quan.
3. Quản lý, lưu giữ và xuất
trình khi được thanh tra, kiểm tra hồ sơ dạy thêm, học thêm bao gồm: Hồ sơ cấp
giấy phép, giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy
thêm; danh sách người học thêm; thời khoá biểu dạy thêm; đơn xin học thêm, nội
quy học sinh học thêm; hồ sơ tài chính theo quy định hiện hành.
4. Chịu sự thanh tra, kiểm tra của
chính quyền, của cơ quan có trách nhiệm quản lý giáo dục các cấp trong việc thực
hiện quy định về dạy thêm, học thêm; thực hiện báo cáo theo quy định của cơ
quan cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
Điều 13.
Trách nhiệm của giáo viên tham gia dạy thêm
1. Chịu trách nhiệm thực hiện
các quy định của Quy định này, các quy định của ngành và các văn bản quy phạm
pháp luật có liên quan.
2. Không cắt xén nội dung chương
trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm, không sử dụng giờ
dạy thêm trong nhà trường để thực hiện chương trình chính khoá, không dạy trước
chương trình giáo dục phổ thông chính khoá; không rò rỉ đề kiểm tra, không có bất
cứ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm; không có hành vi, biểu hiện phân biệt
đối xử giữa học sinh học thêm và học sinh không học thêm.
3. Chịu trách nhiệm về nội dung
giảng dạy và chất lượng giảng dạy đối với giờ dạy chính khoá và giờ dạy thêm.
Điều 14.
Trách nhiệm của học sinh và cha mẹ học sinh
1. Đối với học sinh:
a) Chấp hành nghiêm túc nội quy
của nơi tổ chức dạy thêm.
b) Được quyền chọn môn, nhóm, lớp
phù hợp với trình độ, năng lực và nhu cầu của bản thân; phản ánh kịp thời cho
người giảng dạy hoặc người có thẩm quyền khi gặp những khó khăn, vướng mắc
trong quá trình học thêm.
2. Đối với cha mẹ học sinh:
Cha mẹ học sinh có trách nhiệm
phối hợp với nhà trường, tổ chức, cá nhân có tổ chức dạy thêm, học thêm để thống
nhất về việc chọn môn học, nhóm, lớp học và quản lý con em mình trong việc học
thêm; phản ánh kịp thời cho đơn vị, tổ chức, cơ quan có thẩm quyền về những
hành vi biểu hiện vi phạm quy định dạy thêm, học thêm của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Chương III
HỒ SƠ, THỦ TỤC CẤP GIẤY
PHÉP TỔ CHỨC DẠY THÊM, HỌC THÊM
Điều 15. Thẩm
quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh
uỷ quyền Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy
thêm, học thêm đối với cấp trung học phổ thông.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện
uỷ quyền cho Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy
thêm, học thêm đối với cấp trung học cơ sở và các lớp bồi dưỡng về nghệ thuật,
thể dục thể thao rèn luyện kỹ năng sống ở cấp tiểu học.
Điều 16. Hồ
sơ, trình tự thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm
1. Hồ sơ:
Thực hiện theo quy định tại Điều
12 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.
2. Trình tự, thủ tục:
Thực hiện theo quy định tại Điều
13 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.
Điều 17. Thời
hạn, gia hạn, thu hồi giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; đình chỉ
hoạt động dạy thêm, học thêm
Thực hiện theo Điều 14 của Thông
tư số 17/2012/TT-BGDĐT.
Điều 18. Tổ
chức dạy thêm trong nhà trường
1. Dạy thêm, học thêm trong nhà
trường được hiểu theo Điều 2, Khoản 2 Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.
2. Về điều kiện giáo viên dạy
thêm, học sinh học thêm, tổ chức sắp xếp lớp, phân công giáo viên giảng dạy:
Các trường tổ chức dạy thêm, học thêm thực hiện theo quy định tại Khoản 1, 2,
3, 4 Điều 5 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.
3. Nhà trường không cho tổ chức,
cá nhân kể cả giáo viên đang giảng dạy tại trường mượn, thuê cơ sở vật chất của
nhà trường để tổ chức dạy thêm, học thêm, trừ trường hợp được sự cho phép của Uỷ
ban nhân dân tỉnh đối với cấp trung học phổ thông, Uỷ ban nhân dân huyện đối với
tiểu học, trung học cơ sở.
4. Thời gian, thời lượng dạy
thêm, học thêm:
a) Các lớp bồi dưỡng nghệ thuật,
thể dục thể thao; rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh tiểu học không quá 2 buổi/tuần,
mỗi buổi không quá 120 phút.
b) Các lớp dạy thêm, học thêm để
củng cố, bổ sung, nâng cao kiến thức, kỹ năng cấp trung học phổ thông, trung học
cơ sở; ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông và ôn luyện học sinh lớp 9 thi tuyển
vào lớp 10: Không quá 4 tiết/tuần/môn. Riêng ôn luyện thi tuyển vào cao đẳng, đại
học do nhà trường tổ chức cho học sinh lớp 12, Hiệu trưởng chịu trách nhiệm sắp
xếp kế hoạch dạy học, cân đối thời lượng dạy thêm, học thêm, bảo đảm không gây
tâm lý học tập căng thẳng và vượt quá sức tiếp thu của học sinh.
c) Số tiết dạy thêm trong nhà
trường của mỗi giáo viên không vượt quá 12 tiết/tuần.
5. Tổ chức lớp:
Các lớp dạy thêm trong nhà trường,
căn cứ quy định diện tích/học sinh để bố trí, bảo đảm không quá 30 học sinh/lớp
đối với tiểu học, không quá 45 học sinh/lớp đối với trung học cơ sở, trung học
phổ thông, giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông.
Điều 19. Dạy
thêm, học thêm ngoài nhà trường
1. Dạy thêm, học thêm ngoài nhà
trường được hiểu theo Điều 2, Khoản 3 Thông tư 17 và thực hiện theo Điều 6
Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.
2. Cán bộ, chuyên viên Sở, Phòng
Giáo dục và Đào tạo có nhu cầu tham gia dạy thêm phải thực hiện các quy định về
dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các quy định của Uỷ ban nhân dân
tỉnh Bến Tre và các quy định khác có liên quan của pháp luật; được sự chấp thuận
của Thủ trưởng đơn vị đang công tác.
3. Mọi cá nhân thuộc quyền quản
lý trực tiếp của các trường hoặc các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp
chuyên nghiệp công lập, có nguyện vọng tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải
tuân thủ đầy đủ các quy định của Quy định này; trong đơn xin dạy thêm phải được
Thủ trưởng đơn vị đang công tác ghi ý kiến chấp thuận.
4. Kế hoạch thời gian, thời lượng,
tổ chức lớp:
Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường
do tổ chức, cá nhân, mở lớp sắp xếp, nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc
các quy định tại Điều 4 và Khoản 5 Điều 18 của Quy định này.
Điều 20.
Thu và quản lý sử dụng tiền học thêm
1. Đối với dạy thêm, học thêm
trong nhà trường:
a) Thu, định mức thu:
- Bộ phận tài vụ nhà trường tổ
chức thu; giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu tiền học thêm. Mức thu tiền học
thêm do thoả thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường.
- Nhà trường không được thu tiền
của người học thêm để chi cho các khoản không liên quan đến hoạt động dạy thêm,
học thêm.
b) Quản lý tiền học thêm:
Nguồn thu dạy thêm, học thêm là
nguồn thu hợp pháp được hạch toán theo quy định hiện hành.
c) Sử dụng tiền học thêm:
Căn cứ số tiền thu được, Hiệu
trưởng, Thủ trưởng cơ sở giáo dục thực hiện phân phối, sử dụng như sau:
- 80% chi trả thù lao cho giáo
viên trực tiếp dạy thêm.
- 20% bổ sung hoạt động thường
xuyên của đơn vị (được xem là 100%). Trong đó:
+ Chi cho công tác quản lý dạy
thêm: Thẩm định hồ sơ giáo viên đăng ký, kiểm tra thực hiện quy định dạy thêm,
học thêm, kế toán, thủ quỹ (không quá 50%).
+ Chi tiền điện, nước, mua sắm
văn phòng phẩm, trang thiết bị phục vụ dạy thêm học thêm và chi sửa chữa nhỏ cơ
sở vật chất.
- Cơ sở giáo dục tổ chức dạy
thêm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế theo quy định của Nhà nước.
2. Đối với dạy thêm, học thêm
ngoài nhà trường:
a) Thu, định mức thu:
Người đứng đầu tổ chức hay cá nhân,
tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm thoả thuận với cha mẹ học sinh.
b) Quản lý tiền học thêm:
Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy
thêm, học thêm thực hiện các quy định hiện hành về quản lý tài chính đối với tiền
học thêm.
c) Sử dụng tiền học thêm:
- Tổ chức mở lớp dạy thêm có nhiều
người tham gia giảng dạy, do người đứng đầu tổ chức tự cân đối để chi cho các nội
dung: Giáo viên trực tiếp giảng dạy; chi phí cho việc thuê, mướn phòng học; đầu
tư trang thiết bị và các khoản chi khác phục vụ dạy thêm, học thêm. Riêng việc
chi trả tiền thù lao cho người dạy thêm được thực hiện trên cơ sở hợp đồng
trách nhiệm giữa hai bên.
- Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy
thêm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế theo quy định của Nhà nước.
Chương IV
THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ
LÝ VI PHẠM
Điều 21.
Thanh tra, kiểm tra
1. Hoạt động dạy thêm, học thêm
chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý giáo dục, của các cơ quan thanh
tra Nhà nước, thanh tra chuyên ngành có liên quan, của chính quyền các cấp.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng
Giáo dục và Đào tạo phối hợp với cơ quan có liên quan tiến hành thanh tra việc
thực hiện quy định dạy thêm và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khi
có yêu cầu.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo, các
Phòng Giáo dục và Đào tạo, hàng năm phải có kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ,
đột xuất việc dạy thêm, học thêm đối với các trường, cơ sở giáo dục thuộc quyền
quản lý để phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan
có thẩm quyền xử lý vi phạm.
Điều 22. Xử
lý vi phạm
Thực hiện theo Điều 22 Thông tư
số 17/2012/TT-BGDĐT.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 23.
Giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với
các ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.
Điều 24.
Trong quá trình thực hiện Quy định này nếu có vấn đề
chưa phù hợp hoặc phát sinh mới, Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổng hợp
báo cáo, đề xuất kịp thời để Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định./.