Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 13/2007/QĐ-BGDĐT Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo Người ký: Nguyễn Văn Vọng
Ngày ban hành: 03/05/2007 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
*********

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
***********

Số: 13/2007/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 03 tháng 05 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH XÓA MÙ CHỮ VÀ GIÁO DỤC TIẾP TỤC SAU KHI BIẾT CHỮ

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 07 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 08 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình xoá mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 46/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 29/09/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình Bổ túc tiểu học.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc sở giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Vọng


CHƯƠNG TRÌNH

XOÁ MÙ CHỮ VÀ GIÁO DỤC TIẾP TỤC SAU KHI BIẾT CHỮ
(ban hành kèm theo Quyết định số 13/2007/QĐ-BGDĐT ngày 03 tháng 05 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 

MỤC LỤC

Phần thứ nhất:

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

Phần thứ hai:

CHƯƠNG TRÌNH MÔN HỌC

Môn Tiếng Việt

Môn Toán

Môn Tự nhiên và Xã hội

Môn Khoa học

Môn Lịch sử và Địa lý

Phần thứ ba:

CHUẨN BỊ KIẾN THỨC, KỸ NĂNG VÀ YÊU CẦU VỀ THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI HỌC VIÊN


Phần thứ nhất:

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

Chương trình xoá mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ được thực hiện trong 5 lớp, từ lớp 1 đến lớp 5, bao gồm hai giai đoạn. Giai đoạn xóa mù chữ từ lớp 1 đến lớp 3. Giai đoạn giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ từ lớp 4 đến lớp 5. Đối tượng học viên chủ yếu tuổi từ 15 trở lên.

I. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH XÓA MÙ CHỮ VÀ GIÁO DỤC TIẾP TỤC SAU KHI BIẾT CHỮ

Chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ nhằm cung cấp cho học viên những kiến thức cơ bản, cần thiết giúp người học nâng cao khả năng lao động, sản xuất, công tác và nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện để học viên có thể tiếp tục học trung học cơ sở.

II. PHẠM VI, CẤU TRÚC VÀ YÊU CẦU ĐỐI VỚI CHƯƠNG TRÌNH XÓA MÙ CHỮ VÀ GIÁO DỤC TIẾP TỤC SAU KHI BIẾT CHỮ

1. Cấu trúc của chương trình

Chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ bao gồm hai giai đoạn.

Giai đoạn I: Xóa mù chữ (Lớp 1, 2, 3)

Giai đoạn này (gồm 3 môn học: Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội) dành cho những người chưa đi học bao giờ, bỏ học giữa chừng lớp 1, 2, 3 hoặc những người mù chữ trở lại.

Giai đoạn II: Giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ (Lớp 4, 5)

Giai đoạn này (gồm 4 môn học: Tiếng Việt, Toán, Lịch sử và Địa lý, Khoa học) dành cho những người mới được công nhận biết chữ hoặc những người bỏ học giữa chừng ở lớp 4, lớp 5.

2. Kế hoạch giáo dục xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ

Môn học

Giai đoạn I

Giai đoạn II

Toàn cấp

Lớp 1

Lớp 2

Lớp 3

TS

Lớp 4

Lớp 5

TS

Tiếng Việt

180

140

140

460

120

120

240

700

Toán

60

85

85

230

80

80

160

390

Tự nhiên và Xã hội

0

30

30

60

0

0

0

60

Lịch sử và Địa lý

0

0

0

0

35

35

70

70

Khoa học

0

0

0

0

35

35

70

70

Tổng số tiết

240

255

255

750

270

270

540

1290

3. Giải thích

a) Các số ứng với mỗi môn học trong từng cột là số tiết học tối thiểu của mỗi môn theo từng lớp hoặc từng giai đoạn.

b) Thời gian học ở từng lớp không tính theo tuần, tháng, năm mà tính theo tiết học, mỗi tiết học 35 phút. Tuỳ theo tình hình cụ thể của từng địa phương, thời gian học trong mỗi tuần có thể từ 2 đến 5 buổi, mỗi buổi có thể học từ 3 đến 5 tiết.

4. Yêu cầu đối với chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ

Chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ phải bảo đảm cho người học có các kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết, tính toán; có hiểu biết đơn giản, cần thiết về tự nhiên, xã hội, con người phù hợp và thiết thực với cuộc sống, công tác, sản xuất của học viên.

III. CHUẨN KIẾN THỨC, KỸ NĂNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH XOÁ MÙ CHỮ VÀ GIÁO DỤC TIẾP TỤC SAU KHI BIẾT CHỮ

1. Chuẩn kiến thức, kỹ năng là mức tối thiểu về kiến thức và kỹ năng mà học viên cần phải đạt được sau khi kết thúc từng lớp, từng giai đoạn và của cả chương trình.

2. Chuẩn kiến thức, kỹ năng được cụ thể hóa ở các chủ đề của môn học theo từng lớp và cho từng giai đoạn xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Yêu cầu về thái độ được xác định cho từng giai đoạn của chương trình học.

3. Chuẩn kiến thức, kỹ năng là căn cứ chủ yếu để biên soạn tài liệu học tập, sách hướng dẫn giáo viên, đánh giá kết quả học tập của học viên, đánh giá kết quả dạy học ở từng môn học nhằm bảo đảm tính thống nhất, tính khả thi của chương trình; bảo đảm chất lượng và hiệu quả của quá trình dạy học xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.

IV. PHƯƠNG PHÁP VÀ HÌNH THỨC TỔ CHỨC DẠY HỌC XÓA MÙ CHỮ VÀ GIÁO DỤC TIẾP TỤC SAU KHI BIẾT CHỮ

1. Phương pháp dạy học xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ phải phù hợp với đặc điểm học viên, phải phát huy vai trò chủ động, độc lập và kinh nghiệm của người học; coi trọng việc bồi dưỡng năng lực tự học; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn lao động, sản xuất và công tác; coi trọng việc tổ chức cho học viên được hoạt động, được thực hành, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau; khuyến khích sử dụng phương tiện hiện đại và công nghệ thông tin để nâng cao hứng thú học tập và chất lượng dạy và học. Tài liệu hướng dẫn dạy và học phải đáp ứng nhu cầu của việc đổi mới phương pháp dạy học xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.

2. Tổ chức dạy học xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ theo hình thức vừa làm vừa học. Tùy theo tình hình cụ thể của người học và của từng địa phương mà tổ chức theo lớp, theo nhóm hoặc theo cá nhân. Nếu số lượng học viên ở mỗi lớp quá ít, có thể tổ chức dạy học theo lớp ghép.

3. Giáo viên chủ động lựa chọn, vận dụng các phương pháp và hình thức dạy học cho phù hợp với nội dung, đối tượng và điều kiện cụ thể.

V. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ XÓA MÙ CHỮ VÀ GIÁO DỤC TIẾP TỤC SAU KHI BIẾT CHỮ

1. Đánh giá kết quả học tập đối với học viên ở các môn học trong mỗi lớp và cuối mỗi giai đoạn nhằm xác định mức độ đạt được mục tiêu dạy học, làm căn cứ để điều chỉnh quá trình dạy học, góp phần nâng cao chất lượng dạy học, động viên, khuyến khích học viên tích cực học tập và tự tin trong học tập.

2. Đánh giá kết quả học tập các môn học ở mỗi lớp và cuối mỗi giai đoạn cần phải:

a) Đảm bảo tính khách quan, toàn diện, khoa học và thực chất;

b) Căn cứ vào chuẩn kiến thức, kỹ năng và yêu cầu về thái độ của từng môn học ở từng giai đoạn để xây dựng công cụ đánh giá thích hợp;

c) Phối hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ; giữa đánh giá của giáo viên với tự đánh giá của học viên;

d) Kết hợp giữa hình thức trắc nghiệm khách quan, tự luận và các hình thức đánh giá khác.

3. Các môn học được đánh giá bằng điểm kết hợp với nhận xét của giáo viên.

Phần thứ hai:

CHƯƠNG TRÌNH MÔN HỌC

MÔN TIẾNG VIỆT

I. MỤC TIÊU

Học xong môn Tiếng Việt trong chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, học viên cần đạt được:

1. Hình thành và phát triển được các kiến thức cơ sở có tính chất hệ thống về ngôn ngữ Việt Nam và việc sử dụng nó trong đời sống hằng ngày, trong một số lĩnh vực giao tiếp nhất định.

2. Có được kỹ năng sử dụng tiếng Việt để học tập, tiếp nhận kiến thức của các môn học khác, các kiến thức hành dụng thích hợp và giao tiếp trong xã hội.

Biết phương pháp học tập, phương pháp tư duy, phương pháp vận dụng các kiến thức thu nhận được làm cơ sở cho việc học tập suốt đời.

3. Có tình yêu tiếng Việt và hình thành thói quen giữ gìn sự trong sáng, giàu đẹp của tiếng Việt; góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

II. NỘI DUNG

1. Kế hoạch dạy học (*)

Lớp

Tổng số tiết/năm

1

180

2

140

3

140

4

120

5

120

(*) Số tiết trong mỗi buổi học và số buổi học trong tuần do cơ sở giáo dục quyết định theo tình hình cụ thể của địa phương.

2. Nội dung dạy học từng lớp

LỚP 1

1. Kiến thức (không có bài học riêng, học thông qua các bài thực hành kỹ năng)

a) Tiếng Việt

- Ngữ âm và chữ viết

+ Âm và chữ ghi âm, ghi số

+ Thanh điệu (ngang, huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng) và các dấu ghi thanh điệu (huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng).

+ Vần, tiếng.

+ Một số quy tắc chính tả: c/k, g/gh, ng/ngh.

+ Bảng chữ cái (giới thiệu).

- Từ vựng

+ Từ ngữ về nhà trường, gia đình, lao động sản xuất, đất nước, thiên nhiên.

- Ngữ pháp

+ Dấu chấm, dấu chấm hỏi, dấu phẩy.

+ Câu (nhận biết trên chữ viết).

+ Nghi thức lời nói (chào hỏi, chia tay).

b) Văn học

- Một số câu, đoạn văn, bài văn, bài thơ ngắn có nội dung đơn giản.

2. Kỹ năng

a) Đọc

- Đọc chữ cái, chữ số cơ bản (từ 0 đến 9) và đọc các số thường gặp.

- Ghép vần, tiếng.

- Đọc trơn tiếng, từ, câu, đoạn, bài ngắn.

- Hiểu nghĩa của từ, câu trong văn bản.

- Thuộc một số thành ngữ, tục ngữ, ca dao.

b) Viết

- Viết chữ thường, chữ hoa theo mẫu; viết từ, câu và các chữ số.

- Viết dấu câu: dấu chấm, dấu chấm hỏi, dấu phẩy.

- Chép câu ngắn.

- Viết chính tả đoạn văn, khổ thơ chứa câu ngắn (theo hình thức nhìn - viết, nghe - viết).

c) Nghe

- Nghe trong hội thoại: nghe đọc (âm) con chữ, con số; nhận biết sự khác nhau của các âm; nghe đọc tiếng, đọc từ, câu, văn bản ngắn.

- Nghe-hiểu: nghe hiểu từ, câu, văn bản ngắn.

- Nghe - trả lời câu hỏi.

- Nghe - viết khổ thơ, đoạn văn ngắn.

d) Nói

- Nói trong hội thoại: nói rõ ràng, thành câu.

- Trả lời câu hỏi, đặt câu hỏi.

- Dùng lời nói theo nghi thức giao tiếp như lời chào hỏi, chia tay…

- Nói về mình hoặc người thân.

- Kể lại một việc trong đời sống hằng ngày.

LỚP 2

1. Kiến thức (không có bài học riêng, học thông qua các bài thực hành kỹ năng)

a) Tiếng Việt

- Ngữ âm và chữ viết

+ Bảng chữ cái (tập ứng dụng vào đời sống).

+ Quy tắc chính tả: viết hoa chữ cái đầu câu, viết hoa tên người và địa danh Việt Nam.

- Từ vựng

+ Từ ngữ về gia đình, sức khỏe, kinh tế, môi trường, công dân.

+ Một số yếu tố Hán Việt thông dụng, thành ngữ và tục ngữ quen thuộc.

- Ngữ pháp

+ Dấu câu: dấu chấm, dấu chấm hỏi, dấu chấm than, dấu phẩy.

+ Câu tường thuật, câu nghi vấn.

+ Câu đơn, hai bộ phận chính của câu.

b) Tập làm văn

- Đoạn văn (nhận biết).

- Một số nghi thức lời nói: chào hỏi và đáp lời chào hỏi, giới thiệu, cảm ơn, xin lỗi, đề nghị, yêu cầu.

c) Văn học

- Một số bài văn, bài thơ ngắn có nội dung đơn giản, thiết thực.

- Đoạn văn, khổ thơ.

2. Kỹ năng

a) Đọc

- Đọc trơn câu, đoạn, bài ngắn thuộc văn bản hành dụng và văn bản nghệ thuật.

- Đọc thầm.

- Hiểu nghĩa của từ, câu trong đoạn, bài.

- Hiểu ý chính của đoạn, bài ngắn.

- Đọc một số sơ đồ, biểu bảng đơn giản, mục lục sách.

b) Viết

- Luyện viết chữ thường, chữ hoa.

- Viết chính tả đoạn, bài ngắn theo hình thức nhìn - viết, nghe - viết (chú trọng viết một số phụ âm đầu và vần hay bị nhầm lẫn). Phát hiện và sửa lỗi chính tả trong bài.

- Viết tên người và địa danh Việt Nam.

- Viết câu tường thuật, câu nghi vấn đơn giản theo gợi ý.

- Điền bản khai lý lịch, giấy mời (in sẵn), viết thời gian biểu.

- Viết tin nhắn, một số loại thiếp thường dùng.

- Dấu câu: dấu chấm hỏi, dấu chấm than.

c) Nghe

- Nghe trong hội thoại (chú ý thái độ lịch sự, có văn hóa): nghe hiểu các nghi thức lời nói trong đối thoại theo tập quán; nghe hiểu câu có nhiều vế câu.

- Nghe hiểu ý chung của văn bản ngắn có nội dung đơn giản, thiết thực.

d) Nói

- Nói trong hội thoại (chú ý thái độ lịch sự, có văn hóa): đáp các nghi thức lời nói trong đối thoại; nói rành mạch kiểu câu có nhiều vế câu; biết nêu câu hỏi, lời đề nghị, yêu cầu, lời hứa…

- Nói về bản thân, gia đình hoặc tổ chức đoàn thể mình đang tham gia.

- Nói thành bài: kể lại nội dung chính của bài học, câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe.

3. Nội dung kiến thức thường dùng

- Đời sống gia đình.

- Bảo vệ sức khoẻ.

- Kinh tế và thu nhập.

- Môi trường.

- Ý thức công dân.

LỚP 3

1. Kiến thức (không có bài học riêng, học thông qua các bài thực hành kỹ năng)

a) Tiếng Việt

- Ngữ âm và chữ  viết

+ Cách viết tên riêng nước ngoài.

- Từ vựng

+ Từ ngữ và nghĩa của từ ngữ về gia đình, sức khoẻ, kinh tế và thu nhập, môi trường, ý thức công dân.

+ Một số từ có yếu tố Hán Việt thông dụng, thành ngữ, tục ngữ thường gặp.

- Ngữ pháp

+ Dấu câu: dấu gạch ngang, dấu ngoặc đơn, dấu ngoặc kép.

+ Từ chỉ sự vật, hoạt động, đặc điểm, tính chất.

+ Câu ghép.

- Phong cách ngôn ngữ và biện pháp tu từ

+ Một số văn bản hành chính thường gặp (nhận biết).

+ Giản yếu về phép so sánh, phép nhân hóa.

b) Tập làm văn

- Giản yếu về bố cục của văn bản.

- Tập tạo đoạn văn.

- Một số kiểu văn bản thường gặp: truyện kể, thư, văn bản hành chính (đơn, báo cáo, thông báo…).

c) Văn học

- Một số đoạn văn, bài văn, bài thơ ngắn về lao động sản xuất, văn hóa xã hội, bảo vệ Tổ quốc.

- Nhân vật trong truyện.

- Vần trong thơ lục bát.

2. Kỹ năng

a) Đọc

- Đọc trơn câu, đoạn, bài ngắn (văn bản hành chính, báo chí, phổ biến khoa học, nghệ thuật).

- Đọc thầm.

- Đọc hiểu:

+ Nghĩa của từ ngữ, câu trong ngữ cảnh (trong đoạn, trong bài, trong tình huống nói).

+ Ý chính của đoạn, bài ngắn.

+ Một số sơ đồ, biểu bảng thường gặp, mục lục sách.

+ Nêu một vài nhận xét về nội dung bài đọc.

- Thuộc một số thành ngữ, tục ngữ, ca dao có trong bài đọc.

b) Viết

- Viết chính tả bài, đoạn văn, đoạn thơ theo các hình thức nhìn - viết, nghe - viết, nhớ - viết.

- Viết chính tả bài có lời thoại (có kiểu câu tường thuật, nghi vấn, cầu khiến, cảm thán).

- Ghi chép ý cần nhớ trong bài đọc.

- Viết một số câu, đoạn văn theo chủ đề cho sẵn.

- Viết tin nhắn, trình bày phong thư.

- Điền vào tờ khai đơn giản, in sẵn; viết đơn, viết báo cáo theo mẫu.

- Dấu câu: dấu hai chấm, dấu gạch ngang, dấu ngoặc đơn, dấu ngoặc kép.

- Phát hiện và sửa lỗi chính tả trong bài.

c) Nghe

- Nghe trong hội thoại: nghe hiểu lời thoại (lời trình bày, lời hỏi, lời cầu khiến, lời bộc lộ cảm xúc) trong văn bản có chứa các lời thoại đó.

- Nghe hiểu các ý chính của văn bản thiết thực: văn bản quảng cảo, thông báo tin tức, văn bản phổ biến khoa học,…; nghe hiểu nội dung lời nói, ý kiến thảo luận trong sinh hoạt tập thể; nghe và kể lại chuyện.

- Nghe - viết đoạn văn, đoạn thơ, bài văn ngắn.

- Ghi tóm tắt ý khi nghe văn bản ngắn, có nội dung đơn giản.

d) Nói

- Tập nhận xét về nhân vật trong các câu chuyện.

- Nói trong hội thoại: dùng lời nói phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp chính thức trong sinh hoạt tập thể (chú ý văn hóa ngôn ngữ), như cách nêu câu hỏi, nêu lời yêu cầu, trình bày sự việc, ý kiến…

- Nói thành bài: kể từng đoạn hoặc toàn bộ câu chuyện (ngắn) đã nghe; thuật lại nội dung chính của bản tin ngắn hoặc văn bản phổ biến khoa học có nội dung thiết thực.

- Giới thiệu các thành viên hoặc phát biểu ý kiến trong buổi sinh hoạt tập thể.

- Trình bày miệng một báo cáo ngắn về các hoạt động của tổ chức, đơn vị…

3. Nội dung kiến thức thường dùng

- Đời sống gia đình.

- Bảo vệ sức khỏe.

- Kinh tế và thu nhập.

- Môi trường.

- Ý thức công dân.

LỚP 4

1. Kiến thức

a) Tiếng Việt (có bài học riêng)

- Ngữ âm và chữ viết

+ Các bộ phận trong âm tiết tiếng Việt (nhận diện).

+ Cách viết tên riêng Việt Nam và nước ngoài.

- Từ vựng

+ Từ ngữ về gia đình, sức khoẻ, kinh tế và thu nhập, dân số và môi trường, kỹ thuật phổ thông.

+ Giản yếu về từ nhiều nghĩa: nghĩa gốc, nghĩa chuyển.

+ Giản yếu về từ đơn, từ phức (từ láy, từ ghép).

- Ngữ pháp

+ Danh từ, động từ, tính từ.

+ Câu đơn và các thành phần chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ.

+ Các kiểu câu: câu tường thuật, câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán và các dấu câu dùng cho các kiểu câu này.

- Thực hành về dấu câu đã học.

- Phong cách ngôn ngữ và biện pháp tu từ

+ Văn bản hành chính và văn bản phổ biến khoa học.

+ Giản yếu về phép so sánh, phép nhân hóa.

b) Tập làm văn (có bài học riêng)

- Kết cấu 3 phần của bài văn kể chuyện (mở bài, thân bài, kết bài). Lập dàn ý cho bài văn kể chuyện.

- Bài kể chuyện.

- Luyện tập một số kiểu văn bản thường gặp: truyện kể, văn bản hành chính, phổ biến khoa học, báo chí – công luận.

- Cách thức giao tiếp trong đối thoại, trao đổi, thảo luận.

c) Văn học (không có bài học riêng)

- Một số thể thơ thường gặp.

- Phân biệt lời người kể chuyện, lời nhân vật.

2. Kỹ năng

a) Đọc

- Đọc trơn đoạn, bài (văn học, báo chí, khoa học thường thức, hành chính, nghệ thuật).

- Đọc thầm. Đọc lướt để nắm ý.

- Đọc hiểu:

+ Nghĩa của từ của câu trong đoạn văn, bài văn.

+ Các đoạn ý trong một bài.

+ Ý chính của bài, ý định của người viết qua bài đọc.

+ Một số chi tiết có giá trị nghệ thuật trong bài văn, bài thơ.

+ Nêu một vài nhận xét về nội dung bài đọc.

- Tập vận dụng thành ngữ, tục ngữ vào lời nói.

- Hiểu sơ đồ, biểu bảng, mục lục sách.

b) Viết

- Viết chính tả bài có dẫn đoạn văn, đoạn thơ theo các hình thức nghe - viết, nhớ - viết.

- Ghi chép ý chính sau khi đọc.

- Ghi chép ý chính sau khi nghe.

- Viết dàn ý cho bài đọc.

- Viết bài ngắn kể sự việc đơn giản.

- Viết thư (thăm hỏi, cám ơn, trao đổi công việc), giấy mời, điện báo…

- Phát hiện và sửa lỗi trong bài viết.

c) Nghe

- Nghe trong hội thoại: nhận biết ý định, tình cảm của người nói (qua nội dung nói, ngữ điệu và điệu bộ, cử chỉ, nét mặt).

- Nghe hiểu văn bản: thông báo tin tức, bài bình luận về sự kiện gần gũi với đời sống. Nghe bài tường thuật hoặc bản hướng dẫn, nội quy, quy định ở địa phương.

- Nghe ghi: nghe một văn bản, ghi lại các ý chính, lập dàn ý bài nghe.

d) Nói

- Nói trong hội thoại: giữ đúng vai và chú ý thể hiện ý định của mình trong trò chuyện, tranh luận. Dùng lời nói phù hợp với cách thức giao tiếp trong gia đình, nơi công cộng.

- Nói thành bài: thông báo một tin ngắn, một sự việc, có bày tỏ ý kiến riêng. Giới thiệu lịch sử, các hoạt động, giới thiệu những thành viên tiêu biểu của tổ chức đoàn thể mình đang tham gia.

- Sử dụng tiếng Việt theo phép lịch sự.

3. Nội dung kiến thức thường dùng

- Đời sống gia đình.

- Bảo vệ sức khoẻ.

- Kinh tế và thu nhập.

- Dân số và môi trường.

- Kỹ thuật phổ thông (ưu tiên nông, lâm, ngư nghiệp và nghề thủ công).

- Ý thức công dân.

LỚP 5

1. Kiến thức

a) Tiếng Việt (có bài học riêng)

- Ngữ âm và chữ viết

+ Âm chính trong vần và ghi dấu thanh ở âm chính

- Từ vựng

+ Từ ngữ về gia đình, sức khoẻ, kinh tế, dân số và môi trường, kỹ thuật phổ thông, công dân. Nghĩa của từ ngữ (chú ý các yếu tố Hán Việt).

+ Từ nhiều nghĩa: nghĩa gốc, nghĩa chuyển. Từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ đồng âm.

- Ngữ pháp

+ Từ loại: đại từ, quan hệ từ.

+ Giản yếu về câu ghép và một số kiểu câu ghép.

- Phong cách ngôn ngữ và biện pháp tu từ

+ Một số văn bản thuộc phong cách báo chí – công luận (giới thiệu).

+ Phép so sánh, phép nhân hóa.

b) Tập làm văn (có bài học riêng)

- Một số phương tiện liên kết câu.

- Văn bản thông thường: biên bản, báo cáo thống kê, chương trình hoạt động.

- Cách làm dàn ý, cách viết và trình bày miệng một bài về đề tài thông dụng.

c) Văn học (không có bài học riêng)

- Sơ lược về cốt truyện và nhân vật

2. Kỹ năng

a) Đọc

- Đọc trơn đoạn, văn bản hành chính, phổ biến khoa học, báo chí – công luận, nghệ thuật.

- Đọc diễn cảm.

- Đọc thầm. Đọc lướt để nắm ý.

- Đọc hiểu:

+ Hiểu nghĩa của từ, của câu trong đoạn văn, trong bài.

+ Hiểu hàm ý của câu trong hội thoại (trong truyện kể).

+ Nhận biết các đoạn ý trong một bài.

+ Hiểu ý chính của bài, ý định, tư tưởng, tình cảm của người viết qua bài đọc.

+ Tìm hiểu một số chi tiết có giá trị nghệ thuật, nhận xét về nhân vật, hình ảnh và cách sử dụng từ ngữ trong bài văn, bài thơ.

+ Nêu một vài nhận xét về nội dung bài đọc.

- Vận dụng thành ngữ, tục ngữ vào lời nói, bài viết.

- Đọc và giải thích sơ đồ, biểu bảng thường gặp, mục lục sách.

b) Viết

- Viết chính tả bài có dẫn đoạn văn, đoạn thơ, theo các hình thức nghe-viết, nhớ-viết.

- Lập dàn ý và viết bài theo dàn ý đã lập (có nội dung kiến thức thường dùng).

- Viết văn bản: nhận xét về bài đọc, bài nghe; biên bản một cuộc họp, một vụ việc; bản tin, thông báo, báo cáo về sản xuất, công tác.

- Phát hiện và sửa lỗi trong bài viết.

c) Nghe

- Nghe trong hội thoại: nhận biết ý định, tình cảm của người nói qua nội dung nói, ngữ điệu và điệu độ, cử chỉ, nét mặt. Nghe hiểu và tham gia ý kiến trong trao đổi, thảo luận.

- Nghe hiểu văn bản: nghe và kể lại câu chuyện. Nghe và thuật lại bản tin, văn bản phổ biến khoa học. Nhận biết thông tin và ý định của người nói trong bài nói. Nhận xét nội dung đã nghe.

- Nghe ghi và nhận xét: nghe một văn bản không quá phức tạp, ghi lại các ý chính và nêu nhận xét.

d) Nói

- Nói trong hội thoại: tập giải thích rõ thêm vấn đề đang trao đổi, tán thành hoặc bác bỏ ý kiến người khác, bảo vệ ý kiến của mình hoặc của người khác. Dùng lời nói phù hợp với cách thức giao tiếp trong gia đình, nơi công cộng.

- Nói thành bài: trình bày miệng một bài đã đọc có nội dung phổ biến khoa học, có nội dung xã hội, kinh tế, chính trị. Trình bày về lịch sử, văn hóa, nhân vật tiêu biểu của địa phương.

3. Nội dung kiến thức thường dùng

- Đời sống gia đình.

- Bảo vệ sức khoẻ.

- Kinh tế và thu nhập.

- Dân số và môi trường.

- Kỹ thuật phổ thông (ưu tiên công nghiệp dân dụng và tin học).

- Ý thức công dân.

4. Ôn tập cuối cấp

a) Kiến thức

- Một số quy tắc chính tả. Cách viết hoa tên người, tên địa lý.

- Từ đơn, từ phức, từ láy. Danh từ, động từ, tính từ, đại từ, quan hệ từ. Nghĩa của từ.

- Câu đơn và các thành phần của câu đơn (chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ); câu ghép.

- Câu tường thuật, câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán.

- Các dấu câu (dấu chấm, dấu chấm hỏi, dấu chấm than, dấu phẩy, dấu ngoặc kép, dấu gạch ngang).

- Phép so sánh, nhân hóa.

- Cấu tạo 3 phần của văn bản.

- Một số yếu tố liên kết câu (thuộc phép nối).

- Các kiểu văn bản: kể chuyện, thư, hành chính, khoa học, báo chí – công luận.

b) Kỹ năng

- Đọc - hiểu nội dung, ý nghĩa của văn bản; nhận biết một số chi tiết nghệ thuật của văn bản (từ ngữ, nhân vật, cốt truyện…), nhận biết văn bản hành chính, phổ biến khoa học, văn bản báo chí – công luận.

- Nghe hiểu văn bản đơn giản, thông dụng.

- Nghe – ghi lại ý chính và nhận xét được nội dung văn bản đơn giản, thông dụng.

- Viết những văn bản ngắn.

- Nói thành bài dựa trên một số văn bản hoặc bài nói có đề tài thông dụng.

III. CHUẨN KIẾN THỨC, KỸ NĂNG

LỚP 1

Chủ đề

Mức độ cần đạt

Diễn giải

1. Kiến thức

a) Tiếng Việt

 

 

 

Ngữ âm và chữ viết

 

- Nhận biết chữ cái, các tổ hợp chữ cái, dấu thanh

- Đọc được các chữ cái, tổ hợp chữ cái theo âm mà chúng hiển thị. Đọc được tên các dấu thanh.

 

- Nhận biết các bộ phận của tiếng: âm đầu, vần, thanh

- Biết đánh vần (trừ các vần khó và ít dùng; chú ý các vần mà người địa phương hay đọc sai)

 

- Viết đúng quy tắc chính tả các chữ c/k, g/gh, ng/ngh.

- Viết đúng chữ và dấu thanh, không cần phát biểu quy tắc.

Từ vựng

- Biết thêm khoảng 100 – 150 từ ngữ chỉ một số sự vật, hoạt động, tính chất thông thường, từ xưng hô thường dùng trong giao tiếp gia đình và tập thể, các số tự nhiên từ 1 đến 1000.

- Có đối chiếu với môn Toán.

Ngữ pháp

- Nhận biết dấu chấm, dấu chấm hỏi, dấu phẩy trong bài học.

- Nhận biết câu trên chữ viết.

- Nắm được các nghi thức lời nói thường dùng.

 

2. Kỹ năng

a) Đọc

 

 

Đọc thông

- Đọc chữ cái, chữ số và các số thường gặp.

 

 

- Đọc rõ tiếng, từ, câu trong các phần trích và bài văn ngắn khoảng 80 – 100 chữ, tốc độ tối thiểu 40 chữ/phút. Biết nghỉ hơi ở chỗ có dấu câu.

- Đọc liền mạch, không rời rạc những từ có nhiều tiếng (ví dụ: học tập, quần áo, hợp tác xã,…).

Đọc hiểu

- Hiểu nghĩa của từ, câu trong văn bản.

- Biết giải nghĩa từ một cách dễ hiểu.

 

- Hiểu nội dung của đoạn, của bài ngắn.

Trả lời đúng câu hỏi gợi ý về nghĩa của câu, về nội dung của đoạn, bài ngắn.

Ứng dụng kỹ năng đọc

- Thuộc một số thành ngữ, tục ngữ, câu ca dao thường gặp.

 

 

- Thuộc một số đoạn văn ngắn.

 

b) Viết

Viết chữ

 

- Viết đúng chữ cái thường và hoa; viết đúng các con chữ ghi số từ 0 đến 9 và những số thường gặp.

 

- Có đối chiếu với môn Toán

Viết chính tả

- Viết đúng chính tả câu ngắn khoảng 30 chữ, tốc độ 30 chữ/15 phút, không mắc quá 5 lỗi theo hình thức nhìn - viết (tập chép). Trình bày bài chính tả đúng mẫu.

 

Đặt câu

- Biết điền từ vào chỗ trống để hoàn chỉnh câu văn.

 

c) Nghe

 

 

Nghe hiểu

- Nghe hiểu đúng câu hỏi đơn giản, lời kể, lời hướng dẫn, lời yêu cầu của người đối thoại.

 

 

- Nghe và hiểu nội dung, có thể kể lại được câu chuyện ngắn, đơn giản.

- Trả lời được câu hỏi về nội dung câu chuyện ngắn, đơn giản.

Nghe - viết chính tả

- Nghe và viết đúng bài chính tả dài khoảng 30 chữ.

 

d) Nói

 

 

Phát âm

- Nói rõ ràng. Nói liền mạch cả câu.

 

 

- Có ý thức khắc phục lỗi phát âm (nếu có).

 

Sử dụng nghi thức lời nói

- Có thái độ lịch sự, mạnh dạn khi nói.

 

 

- Biết chào hỏi, chia tay đúng nghi thức trong gia đình và trong sinh hoạt tập thể.

- Nói đúng lượt lời của mình, thể hiện sự chú ý đến người nghe trong giao tiếp.

Đặt và trả lời câu hỏi

- Trả lời đúng vào nội dung câu hỏi. Nói thành lời.

- Biết đặt câu hỏi đơn giản.

 

Thuật việc, kể chuyện

- Kể được câu chuyện ngắn, nội dung đơn giản trong cuộc sống.

 

Phát biểu, thuyết trình

- Biết giới thiệu về bản thân, gia đình.

 


LỚP 2

Chủ đề

Mức độ cần đạt

Diễn giải

1. Kiến thức

a) Tiếng Việt

 

 

 

Ngữ âm và chữ viết

 

- Biết xếp tên người, tên sách theo thứ tự bảng chữ cái.

- Chỉ xét chữ cái đầu tiên của tên người, tên sách; chưa yêu cầu xếp đúng thứ tự chữ cái tiếp theo của tên người, tên sách.

 

- Biết viết chữ cái viết hoa.

 

 

- Biết quy tắc viết hoa chữ đầu câu và tên riêng Việt Nam.

- Viết đúng, không cần phát biểu quy tắc.

Từ vựng

- Biết thêm 150 – 200 từ ngữ chỉ sự vật, hoạt động, tính chất thường gặp; các số đếm tự nhiên hàng 1000; một số thành ngữ, tục ngữ dễ hiểu.

 

Ngữ pháp

- Nhận biết các từ ngữ chỉ sự vật, hoạt động, tính chất.

 

 

- Nhận biết câu trong đoạn; nhận biết kiểu câu kể, câu hỏi.

- Nhận biết mô hình câu kể: Ai là gì? Ai làm gì? Ai thế nào?

- Nhận biết câu hỏi qua các từ nghi vấn: Khi nào? Ở đâu? Để làm gì? Như thế nào? v.v.

 

- Nhận biết cách dùng dấu chấm, dấu chấm hỏi, dấu chấm than, dấu phẩy có sẵn trong bài đọc.

- Điền dấu chấm, dấu chấm hỏi, dấu chấm than, dấu phẩy vào đoạn văn đã lược bỏ một hoặc hai loại dấu câu.

 

- Nhận biết câu đơn, hai bộ phận chính của câu.

 

b) Tập làm văn

- Nhận biết đoạn văn, ý chính của đoạn văn.

- Nhận biết cấu tạo của một số văn bản thường gặp (danh sách, tờ khai lý lịch, thông báo, nội quy, bưu thiếp).

- Biết một số nghi thức lời nói (chào hỏi, chia tay, cảm ơn, xin lỗi, yêu cầu, đề nghị, tự giới thiệu…)

- Biết đặt đầu đề cho đoạn văn.

2. Kỹ năng

a) Đọc

Đọc thông

 

- Đọc đúng, liền mạch các từ và cụm từ trong câu.

- Đọc trơn câu, đoạn hoặc bài ngắn có nội dung hành dụng và một số văn bản nghệ thuật có độ dài khoảng 200 chữ, tốc độ tối thiểu 70 -80 chữ/phút. Biết nghỉ hơi ở chỗ có dấu câu và nghỉ hơi ở chỗ cần tách ý trong câu.

- Biết đọc thầm.

 

Đọc hiểu

- Hiểu nghĩa của từ ngữ (bao gồm cả nghĩa bóng) trong bài đọc.

- Biết giải nghĩa từ một cách dễ hiểu.

- Nhắc lại các chi tiết có trong bài đọc.

 

- Hiểu nghĩa của câu (bao gồm cả nghĩa hàm ẩn), nội dung của đoạn, bài ngắn.

- Hiểu ý chính của đoạn, bài ngắn.

- Trả lời được câu hỏi về nghĩa của câu, về nội dung của đoạn, bài ngắn.

 

- Biết đọc một số sơ đồ, biểu bảng đơn giản, mục lục sách.

- Trả lời được câu hỏi về nội dung nêu trong các sơ đồ, biểu bảng đơn giản, mục lục sách.

Ứng dụng kỹ năng đọc

- Thuộc thêm một số thành ngữ, tục ngữ, câu ca dao và một vài bài thơ.

- Biết nêu một vài nhận xét về nội dung của bài đọc.

- Biết sử dụng sơ đồ, biểu bảng đơn giản, mục lục sách.

 

b) Viết

Viết chữ

 

- Biết viết chữ thường, chữ hoa tương đối thành thạo.

 

Viết chính tả

- Viết đúng các chữ mở đầu bằng các phụ âm đầu dễ lẫn.

- Biết viết hoa tên người và địa danh Việt Nam.

- Viết bài chính tả có độ dài khoảng 50 chữ, theo hình thức nghe - viết, nhìn - viết, không mắc quá 5 lỗi, trình bày tương đối sạch sẽ.

- Phân biệt được s/x, l/n, c/k, g/gh, ng/ngh…

Viết đoạn văn, văn bản

- Biết điền bản khai lý lịch, giấy mời in sẵn, thời gian biểu.

- Biết viết tin nhắn, một số loại thiếp thường dùng.

 

c) Nghe

Nghe - hiểu

 

- Nghe hiểu đúng các nghi thức lời nói trong đối thoại, nghe hiểu câu có nhiều vế câu.

- Nghe và trả lời được câu hỏi về những câu chuyện ngắn, có nội dung đơn giản.

 

- Nghe hiểu câu gồm 2 hoặc 3 vế câu không quá phức tạp và quá dài.

Nghe - viết

- Nghe - viết được bài chính tả dài khoảng 50 chữ.

 

d) Nói

Sử dụng nghi thức lời nói

 

- Biết nói lời mời, nhờ, yêu cầu, lời cảm ơn, xin lỗi, lời khen, biết đáp lại những lời nói đó.

- Biết cách xưng hô, nói đúng vai trong hội thoại.

 

Đặt và trả lời câu hỏi

- Đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi: Ai? Cái gì? Làm gì? Thế nào? Ở đâu? Bao giờ?...

- Biết đặt và trả lời câu hỏi về những nội dung đơn giản trong bài học.

 

Thuật việc, kể chuyện

- Kể rõ ràng, đủ ý một chuyện ngắn có nội dung đơn giản, hoặc việc đã biết trong cuộc sống.

- Biết nói lời nhận xét về nội dung câu chuyện đã nghe, bày tỏ thái độ đối với nhân vật trong câu chuyện.

 

Phát biểu, thuyết trình

- Biết giới thiệu về bản thân và những người xung quanh.

 

 

LỚP 3

Chủ đề

Mức độ cần đạt

Diễn giải

1. Kiến thức

a) Tiếng Việt

Ngữ âm và chữ viết

 

- Nắm vững mẫu chữ cái viết hoa.

- Biết cách viết hoa một số tên riêng nước ngoài thường gặp.

 

 

Từ vựng

- Biết thêm khoảng 200 – 250 từ ngữ (bao gồm cả thành ngữ, tục ngữ) về lao động sản xuất, văn hóa, xã hội, bảo vệ Tổ quốc,…

 

Ngữ pháp

- Nhận biết được các từ chỉ sự vật, hoạt động, đặc điểm, tính chất.

 

 

- Nắm vững mô hình phổ biến của câu tường thuật và đặt câu theo những mô hình này.

- Dùng câu hỏi: Ai? Cái gì? Làm gì? Thế nào? Là gì? để nhận diện từng thành phần câu tường thuật.

 

- Biết dùng dấu chấm, dấu chấm hỏi, dấu chấm than, dấu phẩy, dấu hai chấm.

 

Phong cách ngôn ngữ và biện pháp tu từ

- Nhận biết biện pháp so sánh, nhân hóa trong bài học và lời nói.

 

b) Tập làm văn

- Bước đầu biết cấu tạo 3 phần của bài văn.

- Nhận biết các phần mở bài, thân bài và kết bài thông qua các bài tập đọc và các câu chuyện được học.

 

- Bước đầu nhận biết được đoạn văn và ý chính của đoạn văn đã học.

- Biết tìm ý chính của một đoạn văn.

 

- Bước đầu nhận biết được cấu tạo của một số loại văn bản thông thường.

- Nhận biết các phần của bức thư, lá đơn, báo cáo đơn giản về công việc.

2. Kỹ năng

a) Đọc

Đọc thông

- Đọc đúng, liền mạch các từ và cụm từ trong câu.

- Đọc trơn đoạn hoặc bài ngắn thuộc văn bản hành chính, phổ biến khoa học, báo chí và văn bản nghệ thuật có độ dài khoảng 200 chữ, tốc độ tối thiểu 70 – 80 chữ/phút. Biết nghỉ hơi ở chỗ có dấu và nghỉ hơi ở chỗ cần tách ý trong câu.

- Đọc thầm bài để trả lời câu hỏi về nội dung đoạn, bài.

 

Đọc hiểu

- Hiểu nghĩa của từ ngữ, câu trong ngữ cảnh.

- Biết giải nghĩa từ bằng lời lẽ đơn giản.

 

- Hiểu nội dung của đoạn, bài ngắn.

- Nhắc lại các chi tiết, trả lời câu hỏi về nghĩa của câu, về nội dung của đoạn, bài.

- Trả lời được câu hỏi về nội dung một số sơ đồ, biểu bảng thường gặp.

 

- Nhận biết ý chính của đoạn.

- Nêu ý chính của đoạn bằng một câu.

Ứng dụng kỹ năng đọc

- Thuộc thêm một số thành ngữ, tục ngữ, câu ca dao có trong các bài đọc. Thuộc thêm một vài đoạn thơ đã học.

 

b) Viết

Viết chữ

 

- Viết đúng và nhanh các kiểu chữ thường và chữ hoa cỡ nhỏ; viết chữ rõ ràng, đều nét, liền mạch và thẳng hàng.

 

Viết chính tả

- Viết bài chính tả có độ dài khoảng 60 – 70 chữ trong 15 phút, theo hình thức nghe - viết, nhớ - viết, không mắc quá 5 lỗi, trình bày tương đối sạch sẽ.

- Biết viết tên riêng Việt Nam và một số tên riêng nước ngoài.

- Biết phát hiện và sửa lỗi chính tả trong bài viết.

 

Viết đoạn văn, văn bản

- Biết viết một số câu (khoảng 3 – 5 câu) theo chủ đề.

- Viết đoạn văn kể đơn giản theo gợi ý có độ dài khoảng 6 – 8 câu.

- Viết đoạn thông báo tin tức cá nhân, tin tức gia đình, trình bày phong thư.

- Điền vào tờ khai đơn giản in sẵn; viết đơn, viết báo cáo theo mẫu.

 

c) Nghe

Nghe - hiểu

- Kể lại được câu chuyện trong cuộc sống mà mình đã được nghe.

 

Nghe - viết

- Nghe - viết bài chính tả có độ dài 70 chữ (trong đó có tên riêng; âm, vần khó hoặc âm, vần, thanh dễ sai do cách phát âm của địa phương).

- Ghi lại được ý chính của bản tin ngắn đã nghe.

 

d) Nói

Sử dụng nghi thức lời nói

 

- Biết dùng từ xưng hô và lời nói phù hợp với tình huống giao tiếp trong gia đình hoặc sinh hoạt tập thể.

 

Đặt và trả lời câu hỏi

- Biết đặt và trả lời câu hỏi trong giao tiếp, có chú ý đến văn hóa ngôn ngữ.

 

Thuật việc, kể chuyện

- Biết kể lại một đoạn hoặc câu chuyện đã nghe, đã đọc.

- Biết thuật lại nội dung chính của bản tin ngắn, hoặc của văn bản phổ biến khoa học có nội dung thiết thực.

 

Phát biểu, thuyết trình

- Biết phát biểu ý kiến trong cuộc họp.

- Biết giới thiệu các thành viên trong tổ chức, đoàn thể mình tham gia.

 

 

LỚP 4

Chủ đề

Mức độ cần đạt

Diễn giải

1. Kiến thức

a) Tiếng Việt

Ngữ âm và chữ viết

 

 

- Nhận biết cấu tạo 3 phần của tiếng (âm đầu, vần, thanh).

 

 

 

- Biết quy tắc viết hoa tên người, địa danh (Việt Nam và nước ngoài).

- Nhớ quy tắc và biết vận dụng quy tắc viết hoa tên người, địa danh.

Từ vựng

- Biết thêm 250 – 300 từ về tự nhiên, xã hội, lao động sản xuất, bảo vệ Tổ quốc.

- Nhận biết nghĩa đen, nghĩa bóng của từ.

- Nhận biết được sự khác biệt về cấu tạo từ đơn và từ phức (từ ghép và từ láy).

 

Ngữ pháp

- Hiểu thế nào là danh từ, động từ, tính từ.

- Nhận biết được danh từ, động từ, tính từ của câu.

 

- Hiểu thế nào là câu đơn, các thành phần chính của câu đơn (chủ ngữ, vị ngữ), thành phần phụ trạng ngữ.

- Nhận biết chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ trong câu.

 

- Hiểu thế nào là câu tường thuật, nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán (còn gọi là câu kể, câu hỏi, câu khiến, câu cảm). Biết cách đặt các loại câu.

- Biết các dùng dấu hai chấm, dấu gạch ngang, dấu ngoặc kép.

- Nhận biết câu tường thuật, nghi vấn, cầu khiến, cảm thán và các dấu kết thúc câu.

Phong cách ngôn ngữ và biện pháp tu từ

- Bước đầu nhận biết được phép so sánh, nhân hóa trong văn bản.

- Nhận biết văn bản hành chính và văn bản phổ biến khoa học.

 

b) Tập làm văn

- Nhận biết các phần của bài văn kể chuyện.

- Biết cách lập dàn ý cho bài văn kể chuyện.

- Biết cách viết đơn, thư.

 

c) Văn học

- Bước đầu hiểu nhân vật, cốt truyện trong truyện kể.

 

2. Kỹ năng

a) Đọc

Đọc thông

 

- Đọc trơn đoạn hoặc bài ngắn thuộc văn bản hành chính, phổ biến khoa học, báo chí và văn bản nghệ thuật, có độ dài khoảng 250 chữ, tốc độ tối thiểu 90 - 100 chữ/phút. Biết nghỉ hơi ở chỗ có dấu câu và nghỉ hơi ở chỗ cần tách ý trong câu.

- Đọc thầm bài để trả lời câu hỏi về nội dung đoạn, bài.

 

 

- Biết đọc lướt để nắm ý

- Đọc lướt để tìm nhanh thông tin có trong bài.

Đọc hiểu

- Hiểu nghĩa của từ ngữ (bao gồm cả nghĩa bóng) trong bài đọc.

- Biết giải nghĩa từ bằng lời lẽ đơn giản, dễ hiểu.

- Nhắc lại các chi tiết có trong bài đọc.

 

- Hiểu nghĩa của câu (bao gồm cả nghĩa hàm ẩn), nội dung của đoạn, bài ngắn.

- Trả lời câu hỏi về nghĩa của câu, về nội dung của đoạn, bài.

 

- Hiểu ý chính của đoạn.

- Nêu ý chính của đoạn bằng một câu.

 

- Hiểu ý chính của bài. Hiểu ý định của người viết thể hiện qua bài đọc.

- Đặt tên cho bài đọc.

- Nêu ý chính của bài bằng một hoặc hai câu ngắn.

Ứng dụng kỹ năng đọc

- Thuộc thêm 5 thành ngữ, tục ngữ, câu ca dao. Thuộc một số bài thơ ngắn đã học.

- Biết đọc sơ đồ, biểu bảng đơn giản, mục lục sách.

 

b) Viết

Viết chính tả

- Viết bài chính tả có độ dài khoảng 80 – 90 chữ trong 20 phút, theo hình thức nghe - viết, nhớ - viết, không mắc quá 5 lỗi, chữ viết đều, rõ ràng, trình bày đúng quy định, bài viết sạch sẽ.

- Viết đúng một số từ ngữ hay bị nhầm lẫn.

- Biết viết hoa tên người, địa danh (Việt Nam và nước ngoài).

- Biết tự phát hiện lỗi sửa lỗi chính tả trong bài viết của mình và bài viết của người khác.

 

Viết đoạn văn, văn bản

- Biết lập dàn ý trong một bài văn kể chuyện và viết thành bài văn theo dàn ý đó, có độ dài khoảng 150 – 200 chữ.

- Biết viết bài ngắn trình bày sự việc đơn giản, viết thư, giấy mời, điện báo.

- Biết viết bài văn kể chuyện

 

c) Nghe

Nghe hiểu

- Nghe và kể lại chuyện đã nghe.

- Nghe hiểu nội dung chính của bản tin, thông báo ngắn.

 

Nghe viết

- Nghe – viết bài chính tả có độ dài 90 chữ, trong đó có chứa âm, vần hay bị viết sai do ảnh hưởng của cách phát âm địa phương.

 

d) Nói

Sử dụng nghi thức lời nói

 

- Biết xưng hô, lựa chọn từ ngữ và cách diễn đạt lịch sự khi giao tiếp ở gia đình và nơi công cộng.

 

Đặt và trả lời câu hỏi.

- Biết đặt và trả lời câu hỏi trong trao đổi, thảo luận về bài học hoặc một số vấn đề gần gũi.

 

Thuật việc, kể chuyện

- Kể lại được câu chuyện đã nghe, đã đọc hay sự việc đã chứng kiến, tham gia. Biết thay đổi ngôi khi kể chuyện.

 

Phát biểu, thuyết trình

- Biết cách phát biểu ý kiến trong trao đổi, thảo luận về bài đọc hoặc về một số vấn đề gần gũi, thiết thực.

- Biết giới thiệu ngắn gọn về lịch sử, hoạt động, nhân vật tiêu biểu ở địa phương.

 

 

LỚP 5

Chủ đề

Mức độ cần đạt

Diễn giải

1. Kiến thức

a) Tiếng Việt

Ngữ âm và chữ viết

 

- Nhận biết âm chính  trong vần và vị trí của dấu thanh.

- Biết cách viết hoa tên người, địa danh (Việt Nam và nước ngoài).

 

 

Từ vựng

- Biết thêm 300 – 400 từ ngữ (gồm cả thành ngữ, tục ngữ và một số từ Hán Việt thông dụng) về tự nhiên, xã hội, lao động sản xuất, bảo vệ Tổ quốc,…

- Nhận biết từ nhiều nghĩa; nghĩa gốc, nghĩa chuyển của từ nhiều nghĩa.

- Bước đầu nhận biết và có khả năng lựa chọn từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa trong nói và viết.

 

Ngữ pháp

- Nhận biết và có khả năng sử dụng các đại từ, quan hệ từ phổ biến.

- Nhận biết một số quan hệ từ thường dùng để nối các vế trong câu ghép.

 

- Nhận biết và có khả năng tạo lập câu ghép không quá phức tạp trong nói và viết.

- Nhận biết câu ghép và các vế của câu ghép trong văn bản.

- Biết đặt câu ghép theo mẫu.

 

- Biết dùng dấu chấm, dấu chấm hỏi, dấu chấm than, dấu hai chấm, dấu phẩy, dấu ngoặc kép, dấu gạch ngang.

 

Phong cách ngôn ngữ và biện pháp tu từ

- Nhận biết và bước đầu cảm nhận được cái hay của những câu văn có sử dụng biện pháp so sánh, nhân hóa trong các bài học.

- Biết dùng các biện pháp nhân hóa, so sánh trong nói và viết.

 

b) Tập làm văn

- Bước đầu biết nhận diện và sử dụng một số phương tiện liên kết câu trong nói và viết.

 

 

- Biết viết và biết trình bày miệng bài về đề tài hành dụng.

- Đề tài hành dụng có thể là bài phổ biến khoa học, bài về đề tài sinh hoạt, biên bản, báo cáo, thống kê…

c) Văn học

- Bước đầu hiểu thế nào là nhân vật, lời thoại.

 

2. Kỹ năng

a) Đọc

Đọc thông

- Đọc đúng, liền mạch các từ và cụm từ trong câu.

- Đọc trơn đoạn hoặc bài ngắn thuộc ngôn ngữ hành chính, phổ biến khoa học, báo chí và nghệ thuật có độ dài khoảng 250 – 300 chữ, tốc độ tối thiểu 100 – 120 chữ/phút. Biết nghỉ hơi ở chỗ có dấu câu và nghỉ hơi ở chỗ cần tách ý trong câu.

- Biết đọc lưu loát và bước đầu đọc diễn cảm.

 

 

- Đọc thầm bài để trả lời câu hỏi về nội dung đoạn, bài.

- Đọc lướt để tìm nhanh thông tin có trong bài.

Đọc hiểu

- Hiểu nghĩa của từ ngữ (bao gồm cả nghĩa chuyển), của câu trong bài đọc.

- Nhận biết hàm ý thông dụng và đơn giản của câu trong hội thoại.

- Biết giải nghĩa từ bằng lời lẽ đơn giản hoặc bằng các từ đồng nghĩa, trái nghĩa.

Ứng dụng kỹ năng đọc

- Biết vận dụng một số thành ngữ, tục ngữ vào lời nói, bài viết.

- Đọc và giải thích sơ đồ, biểu bảng thường gặp, mục lục sách.

- Thuộc thêm 5 thành ngữ, tục ngữ, câu ca dao có trong các bài đọc. Thuộc thêm một vài bài thơ ngắn đã học.

 

b) Viết

Viết chính tả

- Viết được bài chính tả có độ dài khoảng 100 chữ trong 20 phút theo hình thức nghe - viết, nhớ - viết, không mắc quá 5 lỗi, chữ viết đều, rõ ràng, trình bày đúng quy định, bài viết sạch sẽ.

- Viết đúng một số từ ngữ cần phân biệt phụ âm đầu, vần, thanh điệu dễ nhầm lẫn.

- Biết tự phát hiện và sửa lỗi chính tả.

 

Viết đoạn văn, văn bản

- Biết lập dàn ý cho bài viết, bài nói có độ dài khoảng 200 chữ.

- Biết viết bài văn trọn vẹn có độ dài khoảng 150 – 200 chữ.

- Biết viết lời nhận xét về bài đọc, bài nghe.

- Biết viết một số văn bản thông thường: biên bản một cuộc họp, một vụ việc, bản tin, thông báo hoặc báo cáo về lĩnh vực sản xuất, công tác.

 

c) Nghe

Nghe hiểu

 

- Nghe hiểu ý định, tình cảm của người nói qua nội dung, ngữ điệu, điệu bộ, cử chỉ, nét mặt.

- Nghe hiểu và tham gia ý kiến trong trao đổi, thảo luận.

- Nghe hiểu để kể lại được hoàn chỉnh câu chuyện đã nghe.

 

Nghe viết

- Nghe - viết bài chính tả có độ dài 90 chữ.

 

d) Nói

Sử dụng nghi thức lời nói

 

- Biết dùng lời nói phù hợp với quy tắc giao tiếp khi bàn bạc, trình bày ý kiến.

 

Thuật việc, kể chuyện

- Biết kể lại một câu chuyện đã nghe, đã đọc; chuyển đổi ngôi kể khi kể chuyện; biết trình bày miệng một bài đã đọc có nội dung phổ biến khoa học, nội dung xã hội, kinh tế, chính trị.

 

Trao đổi, thảo luận

- Biết giải thích để làm rõ vấn đề khi trao đổi ý kiến.

- Bước đầu biết nêu lý lẽ để bày tỏ sự khẳng định hoặc phủ định.

 

Phát biểu, thuyết trình

- Biết giới thiệu thành đoạn hoặc bài ngắn về lịch sử, văn hóa, về các nhân vật tiêu biểu của địa phương.

 

IV. GIẢI THÍCH - HƯỚNG DẪN

1. Quan điểm xây dựng và phát triển chương trình

a) Quan điểm khoa học

Chương trình môn Tiếng Việt phản ánh những thành tựu ổn định của ngành khoa học về Tiếng Việt và Làm văn cho đến những thập kỉ cuối thế kỉ XX và những năm đầu thế kỉ XXI về hệ thống tiếng Việt, về mặt cấu trúc và mặt sử dụng tiếng Việt trong đời sống hằng ngày và trong một số lĩnh vực hoạt động xã hội.

Các kiến thức và kỹ năng trong chương trình tiếng Việt và Làm văn được sắp xếp mạch lạc, bảo đảm tính tích hợp và sự liên thông giữa kiến thức thuộc về hệ thống ngôn ngữ với kiến thức về sử dụng ngôn ngữ và quan tâm đến các kiến thức thuộc các bộ môn khác trong chương trình.

Chương trình môn Tiếng Việt được thiết kế theo quan điểm coi trọng các thành tựu của Tâm lí học và Lí luận dạy học hiện đại. Nội dung và phương pháp dạy học của chương trình được định hướng vào đối tượng tiếp nhận là người lớn tuổi với những điều kiện học tập không chính quy.

b) Quan điểm sư phạm

Chương trình môn Tiếng Việt (tương đương với cấp tiểu học) được phát triển căn cứ vào yêu cầu về tính thống nhất và mở rộng dần theo mục tiêu của hai giai đoạn (giai đoạn thứ nhất gồm các lớp 1, 2, 3; giai đoạn thứ hai gồm các lớp 4, 5). Ở giai đoạn thứ nhất, môn Tiếng Việt tập trung vào việc trang bị các kiến thức ban đầu về ngôn ngữ, sử dụng ngôn ngữ (về âm và chữ, từ vựng, ngữ pháp, một phần về biện pháp tu từ và phong cách ngôn ngữ, về nghi thức lời nói, về hội thoại) và rèn luyện các kỹ năng về nghe, nói, đọc, viết ở mức độ cơ sở. Ở giai đoạn thứ hai, các kiến thức trên được mở rộng và bổ sung, tập trung hơn ở mức độ văn bản ngắn hoàn chỉnh và đã có cơ sở để triển khải sâu hơn vào việc sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ viết, chú ý nhiều hơn đến các phong cách ngôn ngữ trong các lĩnh vực hoạt động xã hội.

Trong quan hệ với người học, chương trình định hướng vào hoạt động học tập và rèn luyện tư duy của người học thông qua việc tạo điều kiện để học viên hứng thú học tập và chủ động lĩnh hội kiến thức, cố gắng tự giải đáp các nội dung học tập theo định hướng nêu trong bài học.

Kiến thức về môn Tiếng Việt được chọn lọc theo tiêu chuẩn cơ bản, cần và đủ, xét trong mối quan hệ với đời sống thực tiễn của học viên. Các kiến thức này được trình bày theo lối tích hợp bên trong bộ môn Tiếng Việt (không học theo hệ thống kiến thức của giáo trình Tiếng Việt chuyên dụng), đồng thời được tích hợp với các kiến thức hành dụng bằng cách dạy học tiếng Việt thông qua các kiến thức phổ thông về các lĩnh vực thực tiễn trong đời sống và về văn chương nghệ thuật. Các kiến thức về tiếng Việt bảo đảm tính hệ thống trong mối quan hệ giữa các phân môn và tính phát triển của quá trình học tập.

c) Quan điểm thực tiễn

Chương trình môn Tiếng Việt trước hết bảo đảm tính khả thi đối với học viên là người lớn tuổi, phần đông ở vùng xa trung tâm văn hóa, trong điều kiện học tập không tách khỏi công việc hằng ngày, với thời lượng hạn chế. Quan điểm này  chi phối cả việc triển khai chương trình lẫn việc thực hiện chương trình.

Chương trình tạo cơ sở cho ý thức cải thiện việc giao tiếp bằng ngôn ngữ theo hướng tích cực, đáp ứng yêu cầu về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với sự can thiệp mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Mặt khác, chương trình trang bị cho học viên những hiểu biết có cơ sở văn hóa về xã hội, về con người, về thiên nhiên và phát triển năng lực nhận thức khoa học, năng lực tư duy. Trên cơ sở đó, học viên có thể đón nhận những tiến bộ về khoa học – công nghệ của thời đại thích hợp và hữu ích đối với đời sống hiện thực của học viên.

2. Cấu trúc nội dung chương trình

Chương trình môn Tiếng Việt xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ được cấu tạo theo hướng:

- Tương đương với chương trình cấp tiểu học (giáo dục phổ thông).

- Dành cho học viên lớn tuổi chưa biết chữ.

Theo đó, mục tiêu trước hết giúp cho học viên biết chữ, cùng với biết chữ là nâng cao văn hóa giao tiếp bằng tiếng Việt và bước đầu tiếp tục giáo dục sau khi biết chữ (ở giai đoạn 2, xem phần tiếp sau).

Nội dung chương trình được triển khai theo nguyên tắc tích hợp theo chiều dọc và theo chiều ngang. Theo cách tích hợp dọc (đồng tâm và phát triển), chương trình được phân bố thành hai giai đoạn:

- Giai đoạn thứ nhất (tương đương với các lớp 1, 2, 3) tập trung vào việc hình thành các kỹ năng đọc, viết, nghe, nói. Cụ thể là học viên đọc thông, viết thạo, hiểu nghĩa của từ, câu, văn bản ngắn cho trong sách và những tư liệu thường gặp trong đời sống hằng ngày; bước đầu nghe câu, nghe bài viết, viết được câu ngắn, bài ngắn, trình bày nói một cách mạch lạc bài ngắn thông dụng. Ngoài ra, giai đoạn thứ nhất cũng chú ý đến việc rèn luyện văn hóa giao tiếp.

- Giai đoạn thứ hai (tương đương với các lớp 4, 5) phát triển các kỹ năng đọc, viết, nghe, nói lên trình độ cao hơn. Cụ thể là đọc đúng và hiểu đúng hơn nghĩa của từ, câu, văn bản ngắn đơn giản, kể cả các bài học về tự nhiên và xã hội – nhân văn của các môn học khác được đưa ra đồng thời trong danh sách; nghe hiểu được câu dài hơn và văn bản có nội dung xác định phù hợp với trình độ học viên; viết được câu dài hơn và văn bản có chuẩn bị; trình bày miệng có mạch lạc những đề tài nhỏ được học, hoặc được nghe truyền đạt. Ngoài ra, việc rèn luyện văn hóa giao tiếp văn hóa được nâng lên mức hình thành ý thức ban đầu (chuẩn bị cho việc ứng dụng trong cuộc sống).

Theo cách tích hợp ngang (đồng quy và phối hợp), môn Tiếng Việt ở giai đoạn thứ nhất có quan hệ với các nội dung không tách rời cuộc sống thường nhật của học viên và bước đầu tiếp xúc với văn chương nghệ thuật ở dạng thường gặp như tục ngữ, ca dao, bài viết ngắn gọn. Ở giai đoạn thứ hai, sự tích hợp ngang được thực hiện trong mối liên hệ với các môn học về tự nhiên và xã hội – nhân văn được đưa ra đồng thời với môn tiếng Việt; ngoài ra, việc học văn hóa giao tiếp và văn chương nghệ thuật được nâng lên mức có ý thức.

Nhìn chung, chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cố gắng bám sát chương trình tiểu học. Tuy nhiên đối tượng tiếp nhận và điều kiện học tập (kể cả thời lượng) cũng như yêu cầu học tập hoàn toàn khác biệt với học sinh tiểu học cho nên không thể rập khuôn chương trình tiểu học và cắt xén, rút gọn một cách máy móc được. Phần khác biệt rõ nhất của nội dung chương trình này so với nội dung chương trình tiểu học là:

- Các nội dung dạy học về tiếng Việt được giới thiệu chủ yếu dưới hình thức “Ghi nhớ”, các bài học tập trung vào những điểm có tính chất tổng kết, hoặc cần đối chiếu so sánh để tránh nhầm lẫn. Chú ý nhiều hơn đến văn hóa giao tiếp.

- Giảm bớt phần ngôn ngữ văn chương, tăng thêm phần ngôn ngữ trong các phong cách khác như ngôn ngữ hành chính, phổ biến khoa học, ngôn ngữ báo chí – công luận và ngôn ngữ gắn với đời sống hằng ngày của học viên.

- Môn Làm văn chủ yếu tập trung vào việc hình thành ý niệm về dàn ý và thực hiện các bài viết, bài nói có mạch lạc gắn với cuộc sống của người lớn.

3. Phương pháp dạy học

Chương trình lấy tư tưởng dạy học tập trung vào người học, phát huy tính tích cực, chủ động của người học trong học tập làm phương châm trong việc thực hiện phương pháp dạy học. Phương pháp tổ chức hoạt động học tập phù hợp với đặc trưng bộ môn và với độ tuổi của người học là đường lối cụ thể để thực hiện phương châm đó. Đối với người lớn, việc học chữ, việc rèn luyện theo mẫu, thực hành giao tiếp và thảo luận vẫn cần thiết, nhất là ở giai đoạn thứ nhất, tuy nhiên quan trọng hơn là hình thành ý thức về tiếng Việt và ý thức về việc sử dụng ngôn ngữ Việt Nam. Người Việt dùng tiếng Việt theo kiểu tiếp nhận tiếng Việt một cách tự nhiên trong môi trường xã hội qua các giai đoạn trưởng thành. Cho nên dạy học tiếng cho người lớn bản ngữ là cố gắng giúp họ ý thức được cách tổ chức của tiếng nói đó và cách sử dụng nó một cách có ý thức (không chỉ hoàn toàn tự nhiên). Việc này được thực hiện chủ yếu bằng cách phân tích ngữ liệu và đối chiếu những hiện tượng giống nhau (hiện tượng đồng âm, đồng nghĩa), những hiện tượng khác nhau (hiện tượng trái nghĩa, nhiều nghĩa) của bản thân hệ thống tiếng Việt và trong cách sử dụng tiếng Việt (thực hiện một lời sai khiến có thể dùng những cách diễn đạt khác nhau phù hợp với đối tượng tiếp nhận). Việc sử dụng trò chơi trong việc học tiếng đối với người lớn vẫn có tác dụng nhưng không hoàn toàn giống như ở học sinh tiểu học.

Hình thức tổ chức học tập đối với chương trình này chủ yếu là học theo lớp, học nhóm và học cá nhân. Một biến dạng của hình thức học nhóm là “học thầy không tầy học bạn”, tức là khuyến khích việc học lẫn nhau ở mọi nơi, mọi lúc.

Việc đổi mới phương pháp dạy học gắn liền với việc đổi mới thiết bị dạy học, điều này trước mắt chưa thể được đặt ra với chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Cần cố gắng cung cấp trang thiết bị dạy học và tạo điều kiện thuận lợi cho học viên tham gia chương trình này.

4. Đánh giá kết quả học tập của học viên

a) Về phương thức đánh giá

Hai phương thức đánh giá kết quả học tập của học viên – đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ - đều được sử dụng trong quá trình dạy học. Đánh giá thường xuyên được thực hiện chủ yếu dưới hai hình thức: đánh giá nội dung cũ (có khi không thành bài học) trước khi chuyển sang nội dung mới, với yêu cầu nhắc lại nội dung đã học và đánh giá cuối từng phần học, từng cụm nội dung có chung một đề tài với yêu cầu tổng kết và ôn. Đánh giá định kỳ được thực hiện cuối mỗi phần học tương đương với một lớp của chương trình tiểu học, trong đó có hai định kỳ quan trọng là định kỳ cuối giai đoạn thứ nhất (tương đương cuối lớp 3 Tiểu học) và định kỳ cuối giai đoạn thứ hai, cuối chương trình học (tương đương cuối lớp 5 tiểu học).

b) Về tiêu chuẩn đánh giá

Chất lượng đánh giá chủ yếu dựa trên chuẩn kiến thức và kỹ năng của chương trình môn Tiếng Việt xác định theo từng giai đoạn. Chuẩn kiến thức và kỹ năng là cơ sở của việc soạn đề kiểm tra. Việc đánh giá thái độ đối với môn học của học viên được kết hợp trong việc đánh giá kiến thức và kỹ năng.

c) Về định hướng đổi mới cách đánh giá

Ba phương tiện đánh giá trong định hướng đổi mới cách đánh giá được ứng dụng như sau:

- Đổi mới mục đích đánh giá: bên cạnh việc đánh giá để phân loại học lực của học viên, việc đánh giá còn cần thiết cho việc cung cấp thông tin phản hồi về quá trình dạy và học để giáo viên rút kinh nghiệm, cán bộ quản lý giáo dục điều chỉnh nội dung chương trình, sách hướng dẫn, điều kiện dạy và học, phương pháp dạy và học… thích hợp với từng loại đối tượng cụ thể, từng địa phương cụ thể.

- Đa dạng hóa công cụ đánh giá: kết hợp đánh giá bằng tự luận, bằng trắc nghiệm khách quan (có thể giản đơn qua câu hỏi đúng/sai, hoặc qua việc lựa chọn một trong vài ba phương án được đưa ra, hoặc bằng cách cho lắp ráp những phần cho sẵn v.v..).

- Đổi mới chủ thể đánh giá: chủ thể đánh giá không chỉ là giáo viên mà còn là học viên. Giáo viên tổ chức cho học viên tự đánh giá kết quả học tập của chính mình và của học viên khác, gợi mở con đường tự học cho học viên.

d) Về hướng dẫn thực hiện sự đánh giá

Việc đánh giá thường xuyên nội dung đã học được thực hiện chủ yếu ở phần đầu tiết học bằng những câu hỏi, bài tập có tính chất ôn luyện, vì đối tượng học của chương trình này không có nhiều thì giờ học tập ở nhà.

Việc đánh giá định kỳ được tổ chức hai lần trong phần học tương ứng với một lớp của tiểu học. Như vậy có 6 lần cho giai đoạn thứ nhất và 4 lần cho giai đoạn thứ hai. Tùy tình huống cụ thể, lần đánh giá cuối mỗi giai đoạn  có thể kết hợp với lần đánh giá thứ sáu của giai đoạn thứ nhất và lần đánh giá thứ tư cuối giai đoạn thứ hai, hoặc tổ chức riêng. Lần đánh giá cuối giai đoạn thứ hai có giá trị tương ứng với sự đánh giá kết thúc chương trình tiểu học.

5. Vận dụng chương trình theo đặc điểm cụ thể của các lớp, các địa phương và đối tượng học viên khác nhau.

Chương trình Tiếng Việt là bộ phận chiếm nhiều thời gian nhất của toàn bộ chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ (giai đoạn tương đương với chương trình cấp tiểu học), đồng thời đây cũng là một bộ phận có tính chất cơ sở cho việc học tập tiếp tục và suốt đời của học viên. Mặt khác, học viên của chương trình rất đa dạng, cho nên một chương trình không thể đáp ứng được tất cả mọi học viên.

Vì lẽ trên, chương trình nhất thiết phải được vận dụng theo đặc điểm của từng lớp học, từng địa phương và từng nhóm đối tượng người học khác nhau. Chương trình được thiết kế chủ yếu đáp ứng yêu cầu của đại đa số học viên của các vùng phát triển trung bình (vùng nông thôn đồng bằng và vùng nông thôn trung du). Theo đó các vùng đô thị phát triển và vùng sâu, vùng xa phải có kế hoạch thực hiện sát hợp hơn và có thể gia giảm cho thích hợp, nhưng phải bảo đảm đạt chuẩn kiến thức và kỹ năng của chương trình. Vùng công nghiệp và thủ công nghiệp phát triển, với các nhóm học viên không gắn bó với nông nghiệp, cũng cần có kế hoạch thực hiện thỏa đáng (bổ sung bài đọc về kỹ thuật, về các ngành nghề cụ thể…). Vùng có đồng bào dân tộc mà có khả năng thực hiện chương trình cũng cần có sự chú ý đặc biệt sao cho thích hợp với chương trình.

MÔN TOÁN

I. MỤC TIÊU

Học xong môn Toán trong chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, học viên cần phải đạt được:

1. Có được những kiến thức cơ bản ban đầu về số học các số tự nhiên, phân số, số thập phân; một số đại lượng thông dụng; một số yếu tố hình học và thống kê đơn giản.

2. Có được một số kỹ năng cần thiết như: các kỹ năng thực hành tính, đo lường; giải bài toán có nhiều ứng dụng thiết thực trong đời sống lao động, sản xuất.

3. Bước đầu phát triển năng lực tư duy, khả năng suy luận hợp lý và diễn đạt đúng (nói và viết) ý nghĩa của mình, khả năng phát hiện và giải quyết các vấn đề đơn giản, gần gũi trong cuộc sống. Có trí tưởng tượng, hứng thú học tập toán, có ý thức vận dụng kiến thức toán học vào cuộc sống hàng ngày. Bước đầu biết cách tự học và làm việc có kế hoạch khoa học, chủ động, linh hoạt, sáng tạo.

II. NỘI DUNG

1. Kế hoạch dạy học

TT

Nội dung

Thời lượng (số tiết cho từng lớp)

Lớp 1

Lớp 2

Lớp 3

Lớp 4

Lớp 5

Cộng

1

Số học

45

48

57

56

48

254

2

Đại lượng và đo lường

6

1.9

10

8

10

53

3

Yếu tố hình học

5

9

9

6

10

39

4

Giải bài toán có lời văn

4

9

9

10

12

44

 

Tổng số tiết

60

85

85

80

80

390

2. Nội dung dạy học từng lớp

LỚP 1

(60 tiết; trong đó có 5 tiết ôn tập, 4 tiết kiểm tra)

1. Số học

a) Các số đến 10. Phép cộng và phép trừ trong phạm vi 10

- Nhận biết quan hệ số lượng, biết sử dụng các dấu: =, >, <.

- Đọc, viết, so sánh, cộng, trừ các số trong phạm vi 10.

- Số 0 trong phép cộng, phép trừ.

b) Các số đến 100. Phép cộng và phép trừ trong phạm vi 100

- Đọc, viết, so sánh các số đến 100.

- Phép cộng và phép trừ không nhớ trong phạm vi 100. Tính nhẩm và tính viết.

- Bảng cộng, trừ trong phạm vi 20. Phép cộng và phép trừ có nhớ một lượt trong phạm vi 100.

- Tính giá trị của biểu thức số có đến hai dấu phép tính cộng, trừ.

2. Đại lượng và đo đại lượng

a) Đơn vị đo độ dài: xăng-ti-mét, mét. Đọc, viết, các số đo độ dài theo đơn vị đo xăng-ti-mét, mét. Thực hiện phép tính với các số đo độ dài theo đơn vị đo xăng-ti-mét, mét (các trường hợp đơn giản).

b) Đơn vị đo thời gian: tuần lễ, ngày trong tuần. Thực hành đọc ngày, tháng trên tờ lịch hàng ngày, đọc giờ trên đồng hồ khi kim phút chỉ vào số 12.

3. Yếu tố hình học

a) Nhận dạng hình vuông, hình tam giác, hình tròn.

b) Điểm. Điểm ở trong, điểm ở ngoài một hình. Đoạn thẳng. Thực hành vẽ đoạn thẳng (có độ dài không quá 13 cm) và đo độ dài đoạn thẳng.

4. Giải bài toán có lời văn

a) Giới thiệu bài toán có lời văn.

b) Giải các bài toán bằng một phép cộng hoặc một phép trừ, chủ yếu là các bài toán thêm, bớt một số đơn vị.

LỚP 2

(85 tiết, trong đó có 12 tiết ôn tập, 4 tiết kiểm tra)

1. Số học

a) Các số đến 1000. Phép cộng và phép trừ trong phạm vi 1000

- Đọc, viết các số, đếm trong phạm vi 1000.

- Giới thiệu hàng đơn vị, hàng chục, hàng trăm. So sánh các số trong phạm vi 1000.

- Phép cộng và phép trừ các số có không quá ba chữ số không nhớ hoặc có nhớ một lượt (tổng không quá 1000).

- Giới thiệu tên gọi thành phần và kết quả của phép cộng và phép trừ.

- Tìm thành phần chưa biết của phép cộng, phép trừ.

- Tính giá trị của biểu thức số có đến hai dấu phép tính cộng, trừ và không có ngoặc (các trường hợp đơn giản).

b) Phép nhân và phép chia

- Giới thiệu khái niệm phép nhân, phép chia và tên gọi thành phần, kết quả của phép nhân và phép chia.

- Các bảng nhân, chia 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9. Nhân, chia ngoài bảng.

- Số 1 và số 0 trong phép nhân, phép chia.

- Tìm thành phần chưa biết của phép nhân, phép chia.

- Tính giá trị của biểu thức số có không quá hai dấu phép tính, trong đó có một dấu nhân hoặc dấu chia (nhân, chia trong các bảng tính đã học) và không có ngoặc.

- Giới thiệu về: .

2. Đại lượng và đo đại lượng

a) Đơn vị đo độ dài: đề-xi-mét, ki-lô-mét và mi-li-mét. Đọc, viết các số đo độ dài theo đơn vị đo mới học. Mối quan hệ giữa các đơn vị đo độ dài đã học. Thực hiện phép tính với các số đo độ dài theo đơn vị đã học (các trường hợp đơn giản). Tập đo và ước lượng độ dài.

b) Đơn vị đo dung tích: lít. Đọc, viết, thực hiện phép tính với các số đo dung tích theo đơn vị lít (các trường hợp đơn giản). Tập đong, đo, ước lượng dung tích theo lít.

c) Đơn vị đo khối lượng: ki-lô-gam. Đọc, viết, thực hiện phép tính với các số đo khối lượng theo đơn vị ki-lô-gam (các trường hợp đơn giản). Tập cân, ước lượng khối lượng theo ki-lô-gam.

d) Đơn vị đo thời gian: giờ, phút, giây, ngày, tháng, năm, thế kỷ. Thực hành phép tính với các số đo thời gian (các trường hợp đơn giản). Thực hành xem đồng hồ chính xác đến phút, giây; xem lịch (lịch hàng ngày) để xác định ngày trong một tháng bất kỳ nào đó và xác định một ngày nào đó là thứ mấy (trong tuần lễ).

đ) Giới thiệu tiền Việt Nam. Thực hành nhận biết các loại đồng tiền Việt Nam bằng cách đọc số hoặc chữ ghi trên đồng tiền và quy đổi các đồng tiền Việt Nam.

3. Yếu tố hình học

a) Đường thẳng. Ba điểm thẳng hàng.

b) Đường gấp khúc. Tính độ dài đường gấp khúc.

c) Hình tứ giác, hình chữ nhật.

d) Chu vi của một hình. Tính chu vi hình tam giác, hình tứ giác.

4. Giải bài toán có lời văn

Giải các bài toán đơn giản về phép cộng và phép trừ (có bài toán về nhiều hơn hoặc ít hơn một số đơn vị), về phép nhân và phép chia (chủ yếu là các bài toán tìm tích của hai số và bài toán về chia thành phần bằng nhau, chia theo nhóm).

LỚP 3

(85 tiết; trong đó có 12 tiết ôn tập, 4 tiết kiểm tra)

1. Số học

a) Các số trong phạm vi 100 000

- Đọc, viết các số trong phạm vi 100 000.

- Giới thiệu hàng nghìn, hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn. So sách các số trong phạm vi 100 000.

- Phép cộng và phép trừ các số có đến năm chữ số, có nhớ không quá hai lượt và không liên tiếp (tổng có không quá năm chữ số).

- Phép nhân các số có đến năm chữ số với số có một chữ số có nhớ không quá hai lượt và không liên tiếp (tích có không quá năm chữ số).

- Phép chia các số có đến năm chữ số cho số có một chữ số (chia hết và chia có dư).

- Tính giá trị biểu thức có đến ba dấu phép tính, có hoặc không có dấu ngoặc.

b) Các số có nhiều chữ số

- Đọc, viết các số đến lớp triệu. So sánh các số có đến sáu chữ số.

- Phép cộng, phép trừ các số có đến sáu chữ số, không nhớ hoặc có nhớ không quá ba lượt và không liên tiếp. Tính chất chất giao hoán và kết hợp của phép cộng các số tự nhiên.

- Phép nhân các số có nhiều chữ số với số có không quá ba chữ số (tích không quá sáu chữ số). Tính chất giao hoán và kết hợp của phép nhân các số tự nhiên. Nhân một tổng với một số.

- Phép chia các số có nhiều chữ số cho số có không quá hai chữ số (thương có không quá ba chữ số).

- Tính giá trị của biểu thức chứa một, hai hoặc ba chữ số (các trường hợp đơn giản).

c) Giới thiệu chữ số La Mã

- Các chữ số La Mã thường dùng I, V, X.

- Đọc các số bé hơn XXV viết bằng chữ số La Mã.

- Viết các số bé hơn XXV bằng chữ số La Mã.

d) Yếu tố thống kê

- Dãy số liệu đơn giản.

- Bảng thống kê số liệu.

- Giới thiệu biểu đồ hình cột.

2. Đại lượng và đo đại lượng

a) Đơn vị đo độ dài: bảng các đơn vị đo độ dài từ mi-li-mét đến ki-lô-mét. Mối quan hệ giữa đơn vị liền kề, giữa mét và ki-lô-mét, mét và xăng-ti-mét, mét và mi-li-mét.

b) Đơn vị đo diện tích: xăng-ti-mét vuông, mét vuông. Đơn vị đo diện tích ruộng đất: héc-ta, thước, sào, công, mẫu.

c) Đơn vị đo khối lượng: gam. Đọc, viết, thực hiện phép tính với các số đo theo đơn vị gam (các trường hợp đơn giản). Mối quan hệ giữa gam và ki-lô-gam.

3. Yếu tố hình học

a) Góc vuông và góc không vuông, vẽ góc vuông bằng thước thẳng và ê ke.

b) Hình chữ nhật, hình vuông. Tính chu vi hình chữ nhật, hình vuông. Giới thiệu diện tích một hình. Tính diện tích hình chữ nhật, hình vuông.

c) Điểm ở giữa và trung điểm của đoạn thẳng.

d) Tâm, bán kính, đường kính của hình tròn. Vẽ hình tròn bằng com pa.

4. Giải bài toán có lời văn

a) Giải các bài toán có đến hai bước tính với các mối quan hệ trực tiếp và đơn giản (vận dụng các kiến thức về phép nhân và phép chia).

b) Giải bài toán quy về đơn vị và các bài toán có nội dung hình học.

LỚP 4

(80 tiết, trong đó có 12 tiết ôn tập, 4 tiết kiểm tra)

1. Số học

a) Ôn tập, bổ sung về số tự nhiên

- Ôn tập về đọc, viết, so sánh các số tự nhiên và các phép tính cộng, trừ, nhân, chia với các số tự nhiên.

- Giới thiệu về số tỷ.

- Dấu hiệu chia hết cho 2, 3, 5, 9.

b) Phân số. Các phép tính về phân số

- Khái niệm ban đầu về phân số. Đọc, viết, các phân số; phân số bằng nhau; rút gọn phân số; quy đồng mẫu số hai phân số; so sánh hai phân số.

- Phép cộng, phép trừ hai phân số cùng hoặc không cùng mẫu số (trường hợp đơn giản). Tính chất giao hoán và kết hợp của phép cộng các phân số. Phép nhân phân số với phân số, nhân phân số với số tự nhiên. Tính chất giao hoán và kết hợp của phép nhân các phân số. Nhân một số với một tổng hai phân số.

- Phép chia phân số cho phân số, chia phân số cho số tự nhiên khác 0.

- Tính giá trị của biểu thức số có không quá ba dấu phép tính với các phân số đơn giản.

c) Tỉ số

- Khái niệm ban đầu về tỉ số.

- Giới thiệu về tỉ lệ bản đồ và một số ứng dụng của tỉ lệ bản đồ.

d) Yếu tố thống kê

- Giới thiệu số trung bình cộng.

- Ôn tập và bổ sung về biểu đồ hình cột.

2. Đại lượng và đo đại lượng

a) Đơn vị đo khối lượng: tạ, tấn, đề-ca-gam, héc-tô-gam. Bảng đơn vị đo khối lượng.

b) Đơn vị đo diện tích: đề-xi-mét vuông, ki-lô-mét vuông. Mối quan hệ giữa các đơn vị đo diện tích đã học.

c) Đơn vị đo thời gian: bảng đơn vị đo thời gian. Đổi các đơn vị đo thời gian từ số đo có một tên đơn vị sang số đo có một tên đơn vị khác.

3. Yếu tố hình học

a) Góc nhọn, góc tù, góc bẹt. Hai đường thẳng cắt nhau, vuông góc với nhau, song song với nhau. Giới thiệu về hình bình hành và hình thoi.

b) Tính diện tích hình bình hành, hình thoi.

c) Thực hành vẽ hình bằng thước thẳng và ê ke.

4. Giải bài toán có lời văn

a) Giải các bài toán có đến hai hoặc ba bước tính, có sử dụng phân số.

b) Giải các bài toán liên quan đến tìm hai số biết tổng (hoặc hiệu) và tỉ số của chúng, tìm hai số biết tổng và hiệu của chúng, tìm số trung bình cộng, tìm phân số của một số. Giải các bài toán có liên quan đến các nội dung hình học đã học.

LỚP 5

(80 tiết, trong đó có 15 tiết ôn tập, 4 tiết kiểm tra)

1. Số học

a) Phân số thập phân. Hỗn số. Một số dạng bài toán về “quan hệ tỉ lệ”.

b) Số thập phân. Các phép tính về số thập phân.

- Khái niệm ban đầu về số thập phân. Đọc, viết, so sánh các số thập phân. Viết và chuyển đổi các số đo đại lượng dưới dạng số thập phân.

- Phép cộng và phép trừ các số thập phân có đến ba chữ số ở phần thập phân, có nhớ không quá ba lượt. Tính chất giao hoán và kết hợp của phép cộng các số thập phân.

- Phép nhân các số thập phân có tới ba tích riêng và phần thập phân của tích có không quá ba chữ số. Tính chất giao hoán và kết hợp của phép nhân các số thập phân. Nhân một tổng với một số.

- Phép chia các số thập phân, trong đó số chia có không quá ba chữ số (cả phần nguyên và phần thập phân), thương có không quá bốn chữ số, với phần thập phân của thương có không quá ba chữ số.

- Thực hành tính nhẩm trong một số trường hợp đơn giản.

- Tính giá trị biểu thức có không quá ba dấu phép tính với các số thập phân.

- Giới thiệu về cách sử dụng máy tính bỏ túi.

c) Tỉ số phần trăm

- Khái niệm ban đầu về tỉ số phần trăm. Đọc, viết tỉ số phần trăm.

- Cộng, trừ các  tỉ số phần trăm; nhân, chia tỉ số phần trăm với một số tự nhiên khác 0.

- Mối quan hệ giữa tỉ số phần trăm với phân số thập phân, số thập phân và phân số.

d) Yếu tố thống kê

- Giới thiệu biểu đồ hình quạt.

- Thực hành lập bảng số liệu và vẽ biểu đồ đơn giản.

2. Đại lượng và đo đại lượng

a) Đổi số đo thời gian có hai tên đơn vị sang số đo thời gian có một tên đơn vị và ngược lại. Cộng, trừ các số đo thời gian (có đến hai tên đơn vị). Nhân, chia số đo thời gian (có đến hai tên đơn vị) với (cho) một số tự nhiên khác 0.

b) Vận tốc. Quan hệ giữa vận tốc, thời gian chuyển động và quãng đường đi được.

c) Đơn vị đo diện tích: đề-ca-mét vuông, héc-tô-mét vuông, mi-li-mét vuông; bảng đơn vị đo diện tích.

d) Đơn vị đo thể tích: xăng-ti-mét khối, đề-xi-mét khối, mét khối.

3. Yếu tố hình học

a) Giới thiệu hình hộp chữ nhật, hình lập phương, hình trụ, hình cầu.

b) Tính diện tích hình tam giác và hình thang. Tính chu vi và diện tích hình tròn. Tính diện tích xung quanh, diện tích toàn phần, thể tích hình hộp chữ nhật, hình lập phương.

4. Giải bài toán có lời văn

Giải các bài toán có đến bốn bước tính, trong đó có các bài toán đơn giản về: quan hệ tỉ lệ, tỉ số phần trăm; chuyển động đều; các bài toán ứng dụng các kiến thức đã học để giải quyết một số vấn đề của đời sống; các bài toán có nội dung hình học.

III. CHUẨN KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG

LỚP 1

Chủ đề

Mức độ cần đạt

Ghi chú

I. SỐ HỌC

Các số đến 100

1. Biết đếm, đọc, viết các số đến 100

a) Biết đếm thành thạo trong phạm vi 100

1. Ví dụ

a) Đếm từ 1 đến 100.

 

b) Biết đọc, viết các số đến 10.

b) Viết các số bất kì trong phạm vi 10 và ghi cách đọc các số đó.

 

c) Biết đọc, viết các số đến 100.

c)

- Đọc và viết các số tròn chục trong phạm vi 100.

- Đọc và viết các số theo mẫu:

Đọc số

Viết số

Ba mươi

30

11

Ba mươi mốt

15

Hai mươi lăm

84

Chín mươi tám

 

2. Biết viết các số có hai chữ số thành tổng của số chục và số đơn vị.

2. Ví dụ:

a) Điền số thích hợp vào chỗ chấm (theo mẫu):

- Số 45 gồm 4 chục và 5 đơn vị; ta viết 45 = 40 +5;

- Số 98 gồm… chục và… đơn vị; ta viết 98 = … + …

b) Tính nhẩm

50 + 7 = 57; 30 + 9 =…; 60 + 3 =…;

70 + 4 =…; 80 + 6 =…; 40 + 2….

 

3. Nhận biết số lượng của một nhóm đối tượng

3. Ví dụ: Điền số thích hợp vào chỗ chấm:

 

4. Biết so sánh các số trong phạm vi 100

4. Ví dụ:

a)

- Điền từ thích hợp (lớn hơn, bé hơn, bằng) vào chỗ chấm:

5…6; 7…3; 1…18; 35…35

- Điền dấu thích hợp (>, <, =) vào chỗ chấm:

27…42; 58…39; 87…87; 94…93

b) Sắp xếp các số 54; 83; 15; 29 theo thứ tự từ:

- Lớn đến bé.

- Bé đến lớn.

c) Khoanh tròn vào số lớn nhất trong các số: 57; 98; 42; 62.

d) Khoanh tròn vào số bé nhất trong các số: 19; 91; 13; 37.

 

5. Bước đầu nhận biết được thứ tự các số trên tia số.

5. Ví dụ:

Điền số thích hợp vào chỗ chấm ứng với mỗi vạch của tia số dưới đây rồi đọc các số đó.

2. Phép cộng và phép trừ trong phạm vi 10

1. Cộng trong phạm vi 10

a) Nhận xét ý nghĩa của phép cộng thông qua các mô hình, hình vẽ và việc tính toán trong đời sống hàng ngày.

1. Ví dụ:

a)

- Viết phép tính thích hợp vào các ô vuông dưới hình vẽ sau:

- Anh Lâm đã có 6 con bò. Anh Lâm vừa mua thêm 3 con bò nữa.

Viết phép tính thích hợp để tính số bò hiện có của anh Lâm.

 

b) Thuộc bảng cộng và biết làm tính cộng trong phạm vi 10.

b)

- Tính 5 + 2 =…; 3 + 5 =…

- Tính:

6

5

4

+

+

+

3

2

5

 

 

 

 

c) Bước đầu nhận biết về vai trò của số 0 trong phép cộng.

c) Điền số thích hợp vào chỗ chấm:

7 + 0 =…                       0 + 7 =...

 

d) Biết dựa vào bảng cộng để tìm một thành phần chưa biết của phép cộng trong phạm vi 10.

d) Điền số thích hợp vào ô vuông:

+ 2 = 7;                       4+        = 8.        

 

2. Trừ trong phạm vi 10

2. Ví dụ:

 

a. Nhận biết ý nghĩa của phép trừ thông qua các mô hình, hình vẽ và việc tính toán trong đời sống hàng ngày.

a) Anh Lâm dự định trồng 9 luống cải bắp. Anh Lâm đã trồng được 5 luống cải bắp. Viết phép tính thích hợp để tính số luống cải bắp anh Lâm còn phải trồng.

 

b) Thuộc bảng trừ và biết làm tính trừ trong phạm vi 10.

b) – Tính nhẩm: 5 – 2…; 7 – 3=…

- Tính:

5

8

9

-

-

-

3

6

5

 

 

 

 

c) Nhận biết về vai trò của số 0 trong phép trừ.

c) Điền số thích hợp vào chỗ chấm:

5 – 0 =…; 7 – 0 =…

 

d) Biết dựa vào bảng trừ để tìm một thành phần chưa biết của phép trừ trong phạm vi 10.

d) Điền số thích hợp vào chỗ chấm:

7 - … = 2;  … - 5 = 2.

3. Phép cộng và phép trừ trong phạm vi 100

1. Biết cộng, trừ không nhớ trong phạm vi 100

a) Biết cộng, trừ nhẩm (không nhớ) trong phạm vi 100

- Biết cộng, trừ nhẩm (không nhớ) hai số tròn chục.

- Biết cộng, trừ nhẩm (không nhớ) số có hai chữ số với số có một chữ số.

1. Ví dụ:

 

a) Tính nhẩm:

 

50 + 30 =…;                80 – 20 = …

 

 

45 + 2 =…;                  57 – 4 =…;

60 + 8 =…;                  75 – 5 =…

 

b) Biết đặt tính (theo cột dọc) và thực hiện phép cộng, phép trừ không nhớ trong phạm vi 100.

b) Tính:

57

81

75

98

+

+

-

-

12

4

43

7

 

 

 

 

Đặt tính (theo cột dọc), rồi tính:

45 + 34;                     97 – 26;

 

2. Biết cộng, trừ có nhớ trong phạm vi 100

2. Ví dụ:

 

a) Thuộc bảng cộng, trừ trong phạm vi 20.

a) Tính nhẩm:

7 + 8 =…; 8 + 5 =…; 15 – 6 =…;

14 – 9 =…;

 

b) Biết đặt tính (theo cột dọc) và thực hiện phép cộng, trừ có nhớ một lần trong phạm vi 100.

b) Tính

38

71

+

-

45

26

 

 

 

 

 

- Đặt tính (theo cột dọc), rồi tính:

53 + 37; 58 + 17; 61 – 25;

26 + 9; 75 – 9;

 

3. Biết tính giá trị của biểu thức số có đến hai dấu phép tính cộng, trừ (tính theo thứ tự từ trái sang phải).

3. Ví dụ:

Tính: 14 + 21 + 3; 29 – 12 – 7;

38 – 27 + 9

II. ĐẠI LƯỢNG

1. Độ dài

1. Biết các đơn vị đo độ dài: xăng-ti-mét (cm) và mét(m); biết đọc, viết các số đo độ dài trong phạm vi 100cm hoặc 100m; biết 1m = 100cm.

1. Ví dụ:

a) Nhận biết độ dài 1 cm và 1m, rồi điền dấu thích hợp (>, <, =) vào chỗ chấm:

1m … 100cm.

b) Đọc các số đo theo mẫu:

27cm: hai mươi bảy xăng-ti-mét;

15m: mười lăm mét;

95cm:…; 38m:…

c) Nghe đọc rồi viết các số đo theo mẫu:

mười bảy xăng-ti-mét: 17cm;

bốn mươi lăm mét: 45m;

ba mươi lăm xăng-ti-mét:…;

năm mươi bảy mét:…

 

2. Biết dùng thước có vạch chia thành từng xăng-ti-mét, mét để đo độ dài đồ vật, rồi viết các số đo.

2. Ví dụ:

a) Đo độ dài mỗi đoạn thẳng dưới đây, rồi viết các số đo đó vào ô trống tương ứng:

A                            B

 

M

 

 


                                                 N

b) Dùng thước có vạch chia thành từng xăng-ti-mét, mét để đo độ dài các mép của cái bảng trong lớp học, độ dài hàng rào hoặc bức tường bao quanh nhà,…

 

3. Biết thực hiện phép tính cộng và trừ với các số đo theo đơn vị xăng-ti-mét hoặc mét.

3. Ví dụ:

Điền số thích hợp vào chỗ chấm:

3cm + 2cm = …cm; 8cm – 4cm = …cm;

4m + 2m = …m

2. Thời gian

1. Nhớ  được một tuần lễ có 7 ngày và tên gọi, thứ tự các ngày trong tuần lễ.

1. Ví dụ: Hãy viết tiếp tên các ngày trong tuần lễ (theo thứ tự từ chủ nhật đến thứ bảy) vào chỗ chấm:

Chủ nhật, thứ hai, …

 

2. Biết đọc ngày, tháng trên tờ lịch hàng ngày (lịch treo tường).

2. Ví dụ: Nhìn vào tờ lịch hàng ngày, rồi cho biết hôm nay là thứ mấy, ngày mấy, tháng mấy?

 

3. Biết đọc giờ trên đồng hồ khi kim phút chỉ vào số 12.

3. Ví dụ: Xem đồng hồ chỉ mấy giờ trong các trường hợp sau và ghi số giờ vào chỗ chấm

III. YẾU TỐ HÌNH HỌC

 

1. Nhận biết các hình: hình tam giác, hình vuông, hình tròn.

1. Ví dụ:

Viết tên mỗi hình vào chỗ chấm:

 


                                  

             …                  …                   …

 

2. Nhận ra hình tam giác, hình vuông, hình tròn từ các đồ vật xung quanh.

2. Ví dụ: Điền tên hình vào chỗ chấm:

a) Mặt trống có dạng hình …

b) Khăn quàng đỏ có dạng hình …

c) Mặt viên gạch lát nền nhà thường có dạng hình…

 

3. Nhận biết được điểm và đoạn thẳng

3. Ví dụ: Nhận ra và gọi đúng tên điểm và đoạn thẳng dưới đây:

A. Điểm A.

  M                   N   Đoạn thẳng MN     

 

4. Biết vẽ một đoạn thẳng.

a) Vẽ đoạn thẳng AB khi cho trước các điểm A và B.

4. Ví dụ:

a) Dùng thước nối điểm A với điểm B để được đoạn thẳng AB.

A.                     .B

 

b) Vẽ đoạn thẳng có độ dài cho trước không quá 13cm.

b) Dùng thước vẽ đoạn thẳng MN dài 12cm.

 

5. Biết nối các điểm để có hình vuông, hình tam giác.

5. Ví dụ:

Nối các điểm dưới đây để có một hình vuông và hai hình tam giác.

     A.           .C

 

     B.         .D

 

6. Nhận biết được điểm ở trong và điểm ở ngoài một hình.

6. Ví dụ:

a) Ghi Đ (đúng) hoặc S (sai) vào ô vuông trống tương ứng.

             .B                       . A       Điểm A ở ngoài hình tam giác

.C        . D                          Điểm B ở trong hình tam giác

                                 Điểm C ở ngoài hình tam giác

                                 Điểm D ở trong hình tam giác

b) Vẽ hai điểm ở trong và một điểm ở ngoài hình tròn dưới đây.

 

 

 


IV. GIẢI BÀI TOÁN CÓ LỜI VĂN

 

Biết giải một bài toán về thêm, bớt (giải bằng một phép tính cộng hoặc trừ) và biết trình bày bài giải gồm: lời giải, phép tính, đáp số.

Ví dụ:

a) Tổ anh Tâm đã có 14 nam, nay thêm 5 nữ. Hỏi tổ anh Tâm có bao nhiêu người?

Bài giải

Hiện nay, tổ anh Tâm có tất cả là:

14 + 5 = 19 (người)

Đáp số: 19 người.

b) Đàn lợn nhà chị Bích có 19 con. Chị Bích đã bán 8 con lợn. Hỏi chị Bích còn để lại nuôi mấy con lợn?

Bài giải

Số lợn chị Bích còn để lại nuôi là:

19 – 8 = 11 (con lợn)

Đáp số: 11 con lợn.

 

Phần thứ hai:

CHƯƠNG TRÌNH MÔN HỌC

MÔN TOÁN

LỚP 2

Chủ đề

Mức độ cần đạt

Ghi chú

I. SỐ HỌC

1. Các số trong phạm vi 1000

1. Biết đếm từ 1 đến 1000.

1. Ví dụ:

a) Điền số thích hợp vào dưới mỗi vạch trên tia số:

b) Viết số thích hợp vào chỗ chấm:

- 121; 122; 123; …; …; …

- 510; 520; 530; …; …; …

2. Biết đọc, viết các số trong phạm vi 1000.

2. Ví dụ:

a) Đọc và viết các số tròn trăm trong phạm vi 1000.

b) Đọc và viết các số theo mẫu sau:

Đọc số

Viết số

Ba trăm

Sáu trăm mười một

Bốn trăm hai mươi mốt

Bảy trăm hai mươi lăm

300

540

401

615

893

3. Biết xác định số liền trước, số liền sau của một số cho trước.

3. Ví dụ: Viết số thích hợp vào chỗ chấm:

Số liền trước

Số đã cho

Số liền sau

418

599

910

700

4. Nhận biết được giá trị của các chữ số theo vị trí của chúng trong một số. Biết viết số có ba chữ số thành tổng của các số tròn trăm, số tròn chục, số đơn vị và ngược lại.

4. Ví dụ:

Điền các số thích hợp vào chỗ chấm theo mẫu:

a) Trong số 936 có 9 trăm, 3 chục và 6 đơn vị.

Trong số 507 có số …trăm, …chục và …đơn vị.

b) 697 = 600 + 90 + 7;   529 = … + … + …

c) 500 + 30 + 9 = 539;    300 + 50 + 7 = …

5. Biết sử dụng cấu tạo thập phân của số và giá trị của các chữ số theo vị trí của chúng trong một số để so sánh các số trong phạm vi 1000.

5. Ví dụ: Điền dấu thích hợp (> hoặc <) vào chỗ chấm:

a)

938 … 875;

853 … 812;

365 … 362

b)

812 … 905;

324 … 351;

473 … 478

6. Biết xác định số bé nhất (hoặc lớn nhất) trong một nhóm các số cho trước.

6. Ví dụ:

a) Khoanh tròn vào số bé nhất:

285;

784;

219;

276;

737

b) Khoanh tròn vào số lớn nhất:

524;

136;

349;

532;

518

7. Biết sắp xếp các số có ba chữ số theo thứ tự từ bé đến lớn hoặc ngược lại (nhiều nhất là 5 số).

7. Ví dụ: Viết các số 297; 256; 265; 319; 307 theo thứ tự:

a) Từ bé đến lớn.

b) Từ lớn đến bé.

2. Phép cộng và phép trừ các số có đến ba chữ số

1. Biết cộng, trừ nhẩm không nhớ số có ba chữ số với:

1. Ví dụ:

a) Số có một chữ số.

b) Số tròn chục.

 

c) Số tròn trăm.

a)

b)

 

c)

572 + 6 = … ;

500 + 20 = … ;

725 + 30 = … ;

562 + 200 = … ;

427 – 4 = … .

760 – 50 = … ;

376 – 50 = … .

754 – 300 = … .

2. Biết đặt tính (theo cột dọc) và thực hiện phép tính cộng, trừ các số có không quá ba chữ số, không nhớ hoặc có nhớ một lượt (tổng không quá 1000).

2. Ví dụ:

Đặt tính, rồi tính: 537 + 149; 703 – 281; 586 + 72

3. Biết sử dụng mối quan hệ giữa thành phần và kết quả của các phép tính cộng, trừ để tìm x trong các bài tập dạng:

3. Ví dụ:

a) Tìm thành phần chưa biết trong phép tính cộng (số hạng).

a) Tìm x, biết:    x + 167 = 584;

819 + x = 328.

b) Tìm thành phần chưa biết trong phép tính trừ (số bị trừ hoặc số trừ).

b) Tìm x, biết:    x – 145 = 381;

438 – x = 156.

4. Biết tính giá trị của biểu thức số có không quá hai dấu phép tính cộng, trừ trong trường hợp đơn giản (không có ngoặc).

4. Ví dụ: Tính

a) 475 + 20 – 5 = …

b) 638 – 300 + 2 = …

c) 798 – 8 + 200 = …

3. Phép nhân và phép chia các số trong phạm vi 1000

1. Thuộc bảng nhân và bảng chia 2; 3; 4; 5; 6; 7; 8; 9.

1. Ví dụ: Nêu đúng kết quả phép nhân, phép chia của hai số bất kỳ trong các bảng nhân, chia đã học.

2. Biết nhân, chia (hết) nhẩm trong các trường hợp sau:

2. Ví dụ: Tính nhẩm:

a) Phép nhân, chia trong phạm vi các bảng nhân, chia đã học.

a)

4 ´ 8 = …;

6 ´ 5 = …;

7 ´ 6 = …;

 

9 ´ 7 = …;

18 : 2 = …;

27 : 3 = …;

 

32 : 8 = …;

45 : 9 = …

 

b) Nhân, chia (hết) số tròn chục, tròn trăm với (cho) số có một chữ số (tích không quá 1000).

b)

80 ´ 2 = …;

300 ´ 3 = …;

 

500 ´ 2 = …;

60 : 2 = …;

 

600 : 3 = …;

900 : 9 = …;

3. Biết đặt tính và thực hiện phép nhân các số có không quá ba chữ số với số có một chữ số, có nhớ một lượt (tích không quá 1000).

3. Ví dụ: Đặt tính, rồi tính:

18 ´ 4;

317 ´ 3;

105 ´ 9

4. Biết đặt tính và thực hiện phép chia (chia hết hoặc chia có dư) các số có không quá ba chữ số cho số có một chữ số.

4. Ví dụ: Đặt tính, rồi tính:

84 : 3;

98 : 8;

872 : 4;

230 : 9

5. Biết sử dụng các bảng nhân, chia đã học và mối quan hệ giữa thành phần và kết quả của các phép tính nhân, chia để:

5. Ví dụ:

a) Tìm thành phần chưa biết trong phép tính nhân (thừa số).

a) Tìm x, biết: x ´ 4 = 324;         8 ´ x = 256

b) Tìm thành phần chưa biết trong phép chia hết (số bị chia hoặc số chia).

b) Tìm x, biết: x : 4 = 215;          645 : x = 5

6. Biết tính giá trị của biểu thức số có không quá hai dấu phép tính, trong đó có một dấu nhân hoặc chia (nhân, chia trong phạm vi các bảng tính đã học và không có ngoặc).

6. Ví dụ: Tính

5 ´ 6 + 70 = …;

21 : 3 + 83 = …;

8 ´ 4 – 12 = …;

81 : 9 – 3 = … .

             

7. Nhận biết (bằng hình ảnh trực quan), đọc và viết:

; ; ; ; …;

7. Ví dụ:

a) Hãy xem các hình dưới đây, rồi cho biết đã tô đậm vào:

 hình nào?  hình nào?  hình nào?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình 1

 

Hình 2

 

Hình 3

b) Đọc: ; ; ; ; .

c) Điền vào chỗ chấm theo mẫu:

Một phần ba viết là ; một phần năm viết là…; một phần tám viết là…

8. Biết chia một nhóm đối tượng thành 2; 3; 4; 5; …; 9 phần bằng nhau.

8. Ví dụ:

Gạch chéo vào  số ô vuông trong các hình sau:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

9. Biết tìm giá trị

;  …;  của một đại lượng.

9. Ví dụ:

Tìm  của 35 giờ; 216m; 420kg; 318 lít.

II. ĐẠI LƯỢNG VÀ ĐO ĐẠI LƯỢNG

1. Độ dài

1. Biết thêm các đơn vị đo độ dài: đề-xi-mét (dm), mi-li-mét (mm), ki-lô-mét (km)

Nhớ được 1m = 10dm;

1dm = 10cm;

1cm = 10mm;

1m = 100cm;

1m = 1000mm;

1km = 1000m.

1. Ví dụ.

Điền số hoặc dấu (>;<;=) thích hợp vào chỗ chấm:

2m = … dm;

5dm = … cm;

3m = … cm;

1dm = … mm;

8dm … 1m;

1m … 80cm;

100cm … 1m;

9cm … 90mm.

2. Biết sử dụng thước thẳng có vạch chia thành từng mét, xăng-ti-mét, mi-li-mét để đo độ dài.

2. Ví dụ:

Đo độ dài các đoạn thẳng, rồi điền số thích hợp vào ô trống.

 

3. Biết ước lượng độ dài một số đồ vật theo đơn vị đo độ dài thích hợp (trong trường hợp đơn giản).

3. Ví dụ: Điền vào chỗ chấm theo mẫu: Chiếc bút bi dài khoảng 140mm; mép dưới cái bảng đen ở lớp dài khoảng…; chiếc bút chì dài khoảng…; cột nhà cao khoảng…

2. Khối lượng

1. Biết đơn vị đo khối lượng: ki-lô-gam (kg).

1. Ví dụ: Điền số thích hợp vào chỗ chấm:

a) Một gói đường thường có khối lượng khoảng … kg.

b) Một bao xi măng có khối lượng …kg (không kể vỏ bao)

2. Biết sử dụng một số loại cân thông dụng (cân đĩa, cân đồng hồ…) để thực hành đo khối lượng.

2. Ví dụ:

Thực hành cân gạo, cân cam hoặc các loại hoa quả khác (chỉ thực hành trong trường hợp cân với số chẵn ki-lô-gam).

3. Dung tích

1. Biết đơn vị đo dung tích: lít (l).

1. Ví dụ: Điền số thích hợp vào chỗ chấm:

a) Có các loại ca nhựa đựng được: 1 lít, 2 lít, …lít, …lít.

b) Có các loại can nhựa đựng được: 1 lít, 2 lít, …lít, …lít.

c) Có các loại thùng nhựa đựng được: 60 lít, 100 lít, …lít, …lít.

2. Biết sử dụng chai (hoặc ca) một lít để thực hành đo dung tích.

2. Ví dụ: Dùng ca 1 lít để đong nước pha thuốc bảo vệ thực vật.

3. Ước lượng được dung tích của một vài đồ vật thông dụng.

3. Ví dụ:

a) Bình phun thuốc bảo vệ thực vật thường chứa được bao nhiêu lít nước?

b) Đồ dùng đựng nước (bể, chum, vại, thùng,…) của gia đình anh/chị có thể chứa được bao nhiêu lít nước?

4. Thời gian

1. Biết một ngày có 24 giờ, một giờ có 60 phút, một phút có 60 giây.

1. Ví dụ: Điền số thích hợp vào chỗ chấm:

Một ngày có …giờ; 1 giờ = …phút; 1 phút = …giây

2. Biết xem đồng hồ chính xác tới phút và giây.

2. Ví dụ: Thực hành xem đồng hồ trong các trường hợp sau:

3. Biết thực hiện phép tính với các số đo thời gian (có một tên đơn vị đo thời gian).

3. Ví dụ: Tính

3 giờ + 6 giờ;

8 giờ ´ 6 giờ;

135 giây : 5.

45 phút – 30 phút;

15 phút ´ 9;

4. Ước lượng được thời điểm của một số hoạt động trong ngày.

4. Điền số thích hợp vào chỗ chấm:

a) Tôi thường ngủ dậy vào lúc …giờ …phút sáng.

b) Hằng ngày Ủy ban nhân dân xã tôi bắt đầu làm việc từ …giờ …phút sáng.

c) Chúng tôi thường đi ngủ lúc …giờ …phút đêm.

5. Biết xem lịch để xác định được số ngày trong một tháng bất kỳ nào đó và xác định một ngày nào đó là thứ mấy (trong tuần lễ).

5. Ví dụ: Dưới đây là một tờ lịch tháng 10 năm 2006.

Thứ hai

Thứ ba

Thứ tư

Thứ năm

Thứ sáu

Thứ bảy

Chủ nhật

 

 

 

 

 

 

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

Hãy điền số hoặc từ thích hợp vào chỗ chấm:

a) Tháng 10 năm 2006 có …ngày.

b) Ngày 10 tháng 10 năm 2006 là thứ…

c) Ngày đầu tiên của tháng 10 năm 2006 là thứ… Thứ hai đầu tiên của tháng 10 năm 2006 là ngày…

d) Ngày 12 tháng 10 năm 2006 là thứ năm. Thứ bảy cùng tuần với ngày thứ năm đó là ngày…

e) Tháng 10 năm 2006 có …ngày thứ hai.

6. Biết một năm có 12 tháng và tên các tháng trong năm. Biết một thế kỉ có 100 năm.

6. Ví dụ:

a) Hãy xem lịch năm nay rồi điền số ngày trong mỗi tháng vào chỗ chấm:

Tháng

1

2

3

4

5

6

Số ngày

b) Điền số thích hợp vào chỗ chấm (theo mẫu):

Thế kỉ mười chín gồm các năm từ năm 1801 đến năm 1900

Thế kỉ hai mươi gồm các năm từ năm… đến năm 2000

Thế kỉ hai mươi mốt gồm các năm từ năm… đến năm 2100

5. Tiền Việt Nam

1. Nhận biết được các loại đồng tiền Việt Nam bằng cách đọc số hoặc từ ghi trên mỗi đồng tiền.

1. Ví dụ:

a) Nhận biết đồng tiền năm trăm đồng bằng cách đọc số 500 hoặc từ năm trăm đồng ghi trên đồng tiền đó.

b) Nhận biết đồng tiền một nghìn đồng bằng cách đọc số 1000 hoặc từ một nghìn đồng ghi trên đồng tiền đó.

c) Nhận biết đồng tiền một trăm nghìn đồng bằng cách đọc từ một trăm nghìn đồng ghi trên đồng tiền đó.

2. Biết đổi các đồng tiền Việt Nam.

2. Ví dụ: Thực hành đổi các đồng tiền Việt Nam:

a) Một tờ giấy bạc hai nghìn đồng đổi được mấy tờ giấy bạc năm trăm đồng?

b) Một tờ giấy bạc năm mươi nghìn đồng đổi được mấy tờ giấy bạc năm nghìn đồng? mười nghìn đồng?

c) Một tờ giấy bạc một trăm nghìn đồng đổi được mấy tờ giấy bạc mười nghìn đồng? hai mươi nghìn đồng? năm mươi nghìn đồng?

3. Bước đầu biết tính toán để trả tiền hay lấy lại tiền thừa khi mua bán hàng hóa.

3. Ví dụ:

a) Chị Tâm có 3 tờ giấy bạc mười nghìn đồng, 1 tờ giấy bạc năm mươi nghìn đồng. Hỏi chị Tâm có thể chọn các tờ giấy bạc trên như thế nào để có vừa đủ bảy mươi nghìn đồng trả cho người bán hàng?

b) Anh Cúc mua một nải chuối giá bảy nghìn đồng. Anh Cúc đưa cho người bán chuối 1 tờ giấy bạc hai mươi nghìn đồng. Người bán chuối trả lại cho anh Cúc 2 tờ giấy bạc năm nghìn đồng, 1 tờ giấy bạc một nghìn đồng và 3 tờ giấy bạc năm trăm đồng. Hỏi người bán chuối trả lại như thế đủ hay chưa?

III. YẾU TỐ HÌNH HỌC

1. Hình tứ giác, hình chữ nhất, đường thẳng, đường gấp khúc

Nhận dạng và gọi đúng tên đường thẳng, đường gấp khúc, hình tứ giác, hình chữ nhật…

Ví dụ: Ghi tên của mỗi hình sau đây vào chỗ chấm ở dưới hình đó theo mẫu:

 

 

 

2. Độ dài đường gấp khúc

Biết tính độ dài đường gấp khúc khi cho biết độ dài mỗi đoạn thẳng của nó. (Có thể tự cho đường gấp khúc có ba đoạn thẳng, đo từng đoạn, rồi tính độ dài đường gấp khúc đó).

Ví dụ: Tính độ dài đường gấp khúc ABCD.

(Độ dài đường gấp khúc ABCD là: 31 + 25 + 42 = 98 (mm)).

3. Chu vi hình tam giác, hình tứ giác

Biết tính chu vi hình tam giác, hình tứ giác khi biết độ dài các cạnh của nó.

Ví dụ:

a) Tính chu vi hình tam giác ABC biết AB = 12cm; BC = 11cm; CA = 9cm

(… + … + … = (cm)).

b) Tính chu vi hình tứ giác ABCD, biết AB = 5dm; BC = 4dm; CD = 6dm và DA = 3dm.

(… + … + … + … = (dm)).

IV. GIẢI BÀI TOÁN CÓ LỜI VĂN

 

1. Biết giải và trình bày các bài toán (gồm lời giải, phép tính, đáp số) bằng một phép cộng hoặc trừ (trong đó có bài toán về “nhiều hơn”, “ít hơn”, các bài toán có nội dung hình học).

1. Ví dụ:

a) Số người lớn chưa biết chữ của xã An Nhơn là 113 người. Số người lớn chưa biết chữ của xã Hòa Quý nhiều hơn xã An Nhơn là 28 người. Hỏi số người lớn chưa biết chữ của xã Hòa Quý là bao nhiêu?

b) Vụ này, chị Chín thu được 938kg thóc, bác Tám thu được ít hơn chị Chín 183kg thóc. Hỏi vụ này, bác Tám thu được bao nhiêu ki-lô-gam thóc?

c) Mảnh vườn của bác Năm có dạng hình tứ giác. Số đo độ dài các cạnh hình tứ giác đó là: 121m; 62m; 111m; 65m. Bác Năm định làm hàng rào xung quanh mảnh vườn đó. Hỏi bác Năm phải làm bao nhiêu mét hàng rào?

2. Biết giải và trình bày các bài toán bằng một phép tính nhân hoặc chia, chủ yếu là bài toán tìm tích của hai số và chia thành các phần bằng nhau.

2. Ví dụ:

a) Anh Mười trồng 7 luống cải bắp, mỗi luống trồng 141 cây. Hỏi anh Mười trồng được bao nhiêu cây cải bắp?

b) Thôn Hưng Đạo quyên góp được 225kg gạo để giúp đỡ 9 hộ thiếu ăn trong thôn. Số gạo này được chia đều cho mỗi hộ trên. Hỏi mỗi hộ nhận được bao nhiêu ki-lô-gam gạo?

c) Có 315 lít nước mắm. Hỏi phải dùng ít nhất là bao nhiêu can nhựa loại 5 lít để chứa hết số nước mắm đó?

 

LỚP 3

Chủ đề

Mức độ cần đạt

Ghi chú

I. SỐ HỌC

A. CÁC SỐ ĐẾN 100 000

1. Đọc, viết so sánh các số trong phạm vi 100 000

1. Biết đếm trong phạm vi 100 000

a) Đếm thêm 1 đơn vị;

b) Đếm thêm 1 chục;

 

c) Đếm thêm 1 trăm;

 

d) Đếm thêm 1 nghìn.

1. Ví dụ: Điền số thích hợp vào chỗ chấm:

a)

53 603;

… ; … ;

53 604;

53 610;

… ; … ; … ;

53 611; …

b)

37 200;

37 250;

37 210;

… ; … ; … ;

… ; … ; … ;

c)

78 000;

… ;

78 100;

78 600;

… ; … ; … ;

… ; … ;

d)

29 000;

35 000;

30 000; … ;

… ; … ;

… ; … ; … ;

2. Biết đọc, viết các số đến 100 000.

2. Ví dụ:

a) Đọc và viết các số tròn chục nghìn trong phạm vi 100 000.

b) Đọc và viết các số theo mẫu:

Đọc số

Viết số

Năm mươi bảy nghìn

57 000

63 400

Bảy mươi hai nghìn sáu trăm hai mươi

43 561

Mười ba nghìn bảy trăm mười một

73 201

Chín trăm nghìn không trăm linh năm

3. Biết tên gọi các hàng (hàng đơn vị, hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn, hàng chục nghìn) và nêu giá trị của mỗi chữ số theo vị trí của nó trong một số.

3. Ví dụ:

a) Điền số thích hợp vào chỗ chấm: Số 45 197 có chữ số 4 ở hàng chục nghìn chỉ 4 chục nghìn, chữ số 5 ở hàng nghìn chỉ …nghìn, chữ số 1 ở hàng trăm chỉ …trăm, chữ số 9 ở hàng chục chỉ …chục, chữ số 7 ở hàng đơn vị chỉ …đơn vị.

b) Chữ số hàng nghìn của số 13 547 là chữ số nào?

4. Biết mối quan hệ giữa đơn vị của hai hàng kề nhau.

4. Ví dụ: Điền số thích hợp vào chỗ chấm: 1 chục nghìn bằng 10 nghìn, 1 nghìn bằng …trăm, 1 trăm bằng …chục, 1 chục bằng …đơn vị.

5. Biết viết một số có năm chữ số thành tổng của các số tròn chục nghìn, số tròn nghìn, số tròn trăm, số tròn chục, số đơn vị và ngược lại.

5. Ví dụ: Điền số thích hợp vào chỗ chấm:

a) 63 517 = 60 000 + … + … + … + 7.

b) 90 000 + 4000 + 200 + 30 + 6 = …

6. Biết sử dụng cấu tạo thập phân của số và giá trị của các chữ số theo vị trí của chúng trong một số để so sánh các số trong phạm vi 100 000.

6. Ví dụ: Điền dấu thích hợp (<; >; =) vào chỗ chấm:

53 712 … 49 378;          71 349 … 79 127;

10 000 … 9 999 + 1;      302 + 10 … 5 312;

15 623 … 15 732;          23 645 … 23 618.

7. Biết xác định số bé nhất (số lớn nhất) trong một nhóm các số có không quá 4 số cho trước.

7. Ví dụ:

a) Khoanh vào số lớn nhất trong các số dưới đây:

80 756;

80 757;

80 075;

80 009.

b) Khoanh vào số bé nhất trong các số dưới đây:

51 987;

31 978;

31 952;

51 879.

8. Biết sắp xếp các số trong phạm vi 100 000 theo thứ tự từ bé đến lớn hoặc ngược lại.

8. Ví dụ:

a) Viết các số sau theo thứ tự từ bé đến lớn.

53 561;

9 857;

1 998;

53 913.

b) Viết các số sau theo thứ tự từ lớn đến bé.

982;

1 605;

32 751;

73 926.

2. Phép cộng, phép trừ các số trong phạm vi 100 000

1. Biết đặt tính và thực hiện phép cộng các số có đến năm chữ số, có nhớ không quá hai lượt và không liên tiếp nhau (tổng không quá năm chữ số).

1. Ví dụ: Đặt tính, rồi tính:

30 689 + 21 706.

2. Biết đặt tính và thực hiện phép trừ các số có đến năm chữ số, có nhớ không quá hai lượt và không liên tiếp nhau.

2. Ví dụ: Đặt tính, rồi tính:

35 736 – 19 718.

3. Biết cộng, trừ nhẩm các số tròn chục, tròn trăm, tròn nghìn và tròn chục nghìn (tổng không quá năm chữ số).

3. Ví dụ: Tính nhẩm:

70 + 300;

900 – 60;

700 + 3000;

2000 – 500;

50 000 + 20 000;

 

80 000 – 30 000.

 

 

3. Phép nhân, phép chia các số trong phạm vi 100 000

1. Biết đặt tính và thực hiện phép nhân các số có đến năm chữ số với số có một chữ số, có nhớ không quá hai lượt và không liên tiếp nhau (tích không quá năm chữ số).

1. Ví dụ: Đặt tính, rồi tính:

12 415 ´ 3

2. Biết đặt tính và thực hiện phép chia (chia hết hoặc chia có dư) các số có đến năm chữ số cho số có một chữ số.

2. Ví dụ: Đặt tính, rồi tính:

a) 13 605 : 3

b) 52 389 : 8

3. Biết nhân, chia nhẩm số tròn chục, tròn trăm, tròn nghìn, … với (cho) số có một chữ số (trường hợp đơn giản).

3. Ví dụ: Tính nhẩm:

30 ´ 2 = …;

700 ´ 3 = …;

5000 ´ 7 = …;

12 000 ´ 7 = … .

 

 

90 : 3 = …;

2800 : 7 = …;

18 000 ; 6 = … .

4. Bước đầu làm quen với biểu thức, giá trị của biểu thức. Thuộc quy tắc và tính đúng giá trị của biểu thức số có đến hai dấu phép tính (có hoặc không có dấu ngoặc).

4. Ví dụ:

a) Điền số thích hợp vào chỗ chấm:

1595 – 385 = 1210. Giá trị của biểu thức 1595 – 385 là…

b) Tính giá trị của biểu thức:

1900 + 100 – 50 = …;

72 + 32 ´ 3 = …;

136 ´ (51 – 49) = …;

50 ´ 2 : 4 = …;

35 – 15 : 3 = …;

60 : (8 – 3) = … .

B. CÁC SỐ CÓ NHIỀU CHỮ SỐ

1. Đọc, viết, so sánh các số có nhiều chữ số

1. Biết đọc, viết các số đến lớp triệu.

1. Ví dụ: Đọc các số:

7 312 836;         32 640 504;       351 600 307.

2. Biết so sánh các số có đến sáu chữ số; biết sắp xếp bốn số tự nhiên có không quá sáu chữ số theo thứ tự từ bé đến lớn hoặc từ lớn đến bé.

2. Ví dụ:

a) Điền dấu thích hợp (>; <; =) vào chỗ chấm:

902 134 … 815 678;

613 879 … 630 578.

b) Viết các số sau theo thứ tự từ bé đến lớn

376 981;

375 942;

27 893;

375 846.

2. Phép cộng, phép trừ các số có nhiều chữ số

1. Biết đặt tính và thực hiện phép cộng, phép trừ các số có đến sáu chữ số, không nhớ hoặc có nhớ không quá ba lượt và không liên tiếp.

1. Ví dụ: Đặt tính, rồi tính:

367 589 + 541 708;        647 253 – 285 749.

2. Bước đầu biết sử dụng tính chất giao hoán và tính chất kết hợp của phép cộng các số tự nhiên trong thực hành tính.

2. Ví dụ: Tính bằng cách thuận tiện nhất:

921 + 898 + 2079.

3. Biết cộng, trừ nhẩm các số tròn trăm nghìn, tròn triệu (các trường hợp đơn giản).

3. Ví dụ: Đặt tính, rồi tính:

900 000 + 500 000 ;

6 000 000 + 9 000 000;

7 000 000 – 3 000 000;

3 500 000 + 2 500 000;

5 000 000 – 1 800 000.

800 000 – 300 000;

3. Phép nhân, phép chia các số có nhiều chữ số

1. Biết đặt tính và thực hiện phép nhân các số có nhiều chữ số với số có không quá ba chữ số (tích có không quá sáu chữ số).

1. Ví dụ: Đặt tính, rồi tính:

34 067 ´ 23;

536 ´ 308.

2. Bước đầu biết sử dụng tính chất giao hoán, tính chất kết hợp của phép nhân và tính chất nhân một tổng với một số trong thực hành tính.

2. Ví dụ: Tính bằng cách thuận tiện nhất:

36 ´ 25 ´ 4;

215 ´ 86 + 215 ´ 14

 

           

3. Biết đặt tính và thực hiện phép chia các số có nhiều chữ số cho số có không quá hai chữ số (thương có không quá ba chữ số).

3. Ví dụ: Đặt tính, rồi tính:

13 498 : 32.

4. Biết nhân nhẩm với 10; 100; 1000; chia nhẩm cho 10; 100; 1000.

4. Ví dụ: Tính nhẩm:

a) 300 ´600;      256 ´ 1 000.

b) 2 002 000 : 1 000.

4. Biểu thức chứa chữ

Nhận biết và tính được giá trị của biểu thức chứa một, hai hoặc ba chữ (trường hợp đơn giản).

Ví dụ:

a) Tính giá trị của biểu thức 4 ´ a với a = 8.

b) Tính giá trị của biểu thức 2 ´ a + b với a = 2 và b = 5.

c) Tính giá trị của biểu thức m – (n + p) với m = 10; n = 2; p = 4.

C. CHỮ SỐ LA MÃ

Chữ số La Mã

1. Biết một số chữ số La Mã thường dùng.

1. Ví dụ: Điền (theo mẫu) tên các chữ số La Mã dưới đây vào chỗ chấm:

I: một, V: …, X: …

2. Biết đọc những số bé hơn hai mươi ba viết bằng chữ số La Mã.

2. Ví dụ:

Đọc các số viết bằng chữ số La Mã sau đây:

I, II, IV, VII, IX, XI, XII, XIV, XVI, XIX, XX, XXI, XXII.

3. Biết viết những số bé hơn hai mươi ba bằng chữ số La Mã.

3. Ví dụ:

Viết các số 1; 2; 4; 5; 6; 9; 10; 11; 14; 15; 19; 20; 21; 22 bằng chữ số La Mã.

D. YẾU TỐ THỐNG KÊ

Yếu tố thống kê

1. Bước đầu làm quen với dãy số liệu và biết sắp xếp các số trong dãy số liệu.

1. Ví dụ:

a) Các anh Ba, Tâm, Đức, Tài có số tiền theo thứ tự là: 120 000 đồng; 50 000 đồng; 100 000 đồng; 80 000 đồng.

Dựa vào dãy số liệu trên, cho biết:

- Anh Tâm có bao nhiêu tiền?

- Ai có nhiều tiền nhất, ai có ít tiền nhất?

- Anh Ba nhiều hơn anh Tài bao nhiêu tiền?

b) Số ki-lô-gam gạo trong mỗi bao được ghi như dưới đây:

50kg; 30kg; 45kg; 27kg. Hãy viết số ki-lô-gam gạo của bốn bao trên theo thứ tự từ:

- Bé đến lớn.

- Lớn đến bé.

2. Bước đầu làm quen với bảng thống kê số liệu. Biết ý nghĩa và đọc được các số liệu có trong bảng thống kê đơn giản.

2. Ví dụ: Số cây 4 thôn của xã An Ninh trồng ở ven đường trong dịp đầu xuân Bính Tuất được ghi ở bảng thống kê sau:

Thôn

Đông

Đoài

Trung

Thượng

Số cây

350

280

450

400

Dựa vào bảng số liệu trên hãy cho biết:

a) Thôn Đoài đã trồng được bao nhiêu cây?

b) Thôn nào trồng được nhiều cây nhất?

Thôn nào trồng được ít cây nhất?

c) Cả xã trồng được bao nhiêu cây?

3. Bước đầu làm quen với việc biểu diễn một dãy số liệu bằng biểu đồ hình cột.

3. Ví dụ:

a) Dưới đây là một biểu đồ hình cột biểu diễn số cây mà 4 thôn của xã An Ninh trồng được (nêu ở ví dụ trên). Hãy quan sát biểu đồ này rồi điền từ thích hợp vào chỗ chấm:

- Hàng dưới của biểu đồ ghi… các thôn.

- Các số ghi bên trái của biểu đồ chỉ…

- Mỗi hình cột (tô đen) trong biểu đồ biểu diễn… đã trồng của một thôn.

- Số ghi ở đỉnh mỗi hình cột chỉ… đã trồng được biểu diễn bởi cột đó.

SỐ CÂY BỐN THÔN CỦA XÃ AN NINH TRỒNG ĐƯỢC

b) Biểu đồ hình cột dưới đây biểu diễn về số ngày có mưa trong ba tháng của năm 2004 ở một huyện miền núi. Dựa vào biểu đồ hãy trả lời các câu hỏi sau:

- Tháng nào mưa nhiều nhất?

- Tháng 7 có bao nhiêu ngày mưa?

- Tháng 8 mưa nhiều hơn tháng 9 bao nhiêu ngày?

SỐ NGÀY CÓ MƯA TRONG BA THÁNG CỦA NĂM 2004

II. ĐẠI LƯỢNG VÀ ĐO ĐẠI LƯỢNG

1. Độ dài

1. Biết tên gọi, ký hiệu (viết tắt), mối quan hệ của các đơn vị đo độ dài trong bảng đơn vị đo độ dài.

1. Ví dụ: Điền số thích hợp vào chỗ chấm:

a)

1km = …hm;

1dam = …m;

1hm = …dam;

1m = …dm.

b)

1km = …m;

1m = …cm;

 

1m = …mm.

 

2. Biết đổi số đo có hai đơn vị đo thành số đo có một tên đơn vị đo.

2. Ví dụ: Điền số thích hợp vào chỗ chấm:

 

5m7cm = … cm;

7m3dm = … dm.

2km50m = … m;

3. Biết thực hiện các phép tính với các số đo độ dài.

3. Ví dụ: Tính

 

35m + 15m = ..;

15km + 8km = …;

72km : 8 = …

70m – 34m = …;

27m ´ 4 = …;

4. Biết sử dụng thước đo độ dài để xác định kích thước các đồ vật và đối tượng thường gặp trong đời sống.

4. Ví dụ: Đo độ dài của thanh gỗ, đoạn đường cần tu sửa, bức tường bao quanh vườn; chiều cao của cái tủ, cái bàn; chiều cao và chiều rộng của cửa ra vào trong nhà; chiều dài, chiều rộng của mặt bàn học…

5. Biết ước lượng độ dài các đồ vật và đối tượng trong một số trường hợp đơn giản.

5. Ví dụ: Ước lượng độ dài của quãng đường vừa đi qua, quãng đường từ nhà đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã; chiều cao của bạn, của bức tường; chiều rộng và chiều cao của cửa ra vào phòng học.

2. Diện tích

1. Biết so sánh diện tích của hai hình đơn giản bằng cách chồng hình lên nhau hoặc bằng cách đếm số ô vuông trong mỗi hình rồi so sánh các số ô vuông đó.

1. Ví dụ:

a) So sánh diện tích của hình A và hình B

b) So sánh diện tích của 3 hình sau:

2. Biết đơn vị đo diện tích: xăng-ti-mét vuông (cm2), mét vuông (m2) và mối quan hệ của chúng.

2. Ví dụ: Điền số thích hợp vào chỗ chấm

a) Xăng-ti-mét vuông (cm2) là diện tích của hình vuông có cạnh dài… cm.

b) Trong hình bên, mỗi ô vuông có diện tích là …cm2.

c) Mét vuông (m2) là diện tích của hình vuông có cạnh dài… m.

d) Hình vuông ABCD có cạnh dài 1m. Vậy diện tích của hình vuông ABCD là …m2.

e) 1m2 = …cm2.

3. Biết một số đơn vị đo diện tích ruộng đất.

3. Ví dụ:

a) Biết đơn vị đo diện tích ruộng đất là héc-ta (ha).

a) Điền số thích hợp vào chỗ chấm:

1ha = … m2;

5ha = … m2;

100ha = … m2.

2ha = … m2;

10ha = … m2;

b) Biết thêm các đơn vị đo diện tích ruộng đất mang tính địa phương như: thước sào, công, mẫu.

b) – Ngoài héc-ta, ở địa phương anh/chị còn dùng những đơn vị nào trong các đơn vị sau đây: thước, sào, công, mẫu để đo diện tích ruộng đất?

- Mỗi đơn vị đó bằng bao nhiêu mét vuông?

1 thước = … m2;

1 công = … m2;

1 sào = … m2;

1 mẫu = … m2.

3. Khối lượng

1. Biết thêm đơn vị đo khối lượng là gam (g); mối quan hệ giữa ki-lô-gam và gam.

1. Ví dụ:

Kể tên một số gói (hộp, túi) thực phẩm thường dùng có khối lượng tính theo gam (đường, …, …,)

2. Biết sử dụng các loại cân đơn giản: cân đĩa, cân đồng hồ,… để xác định khối lượng các đồ vật.

2. Ví dụ:

Dùng cân đồng hồ cân lại miếng thịt anh/chị vừa mua để xem người bán hàng có cân đúng không?

3. Biết ước lượng khối lượng một số đồ vật xung quanh.

3. Ví dụ:

a) Hộp sữa nặng khoảng…

b) Ước lượng khối lượng của 5 quả táo anh/chị chọn để mua.

III. YẾU TỐ HÌNH HỌC

1. Góc vuông, góc không vuông

1. Nhận dạng và gọi đúng tên góc vuông, góc không vuông.

1. Ví dụ: Điền từ thích hợp vào chỗ chấm:

a) Góc có đỉnh A; cạnh AB, AC là góc…

b) Góc có đỉnh O, cạnh OP, OQ là góc..

c) Khoanh vào chữ đặt trước câu trả lời đúng:

Số góc vuông ở hình bên là:

A.2; B.3; C.4; D.5.

2. Biết dùng ê ke để xác định góc vuông, góc không vuông.

2. Dùng ê ke kiểm tra trong hình sau có mấy góc vuông?

2. Hình chữ nhật

1. Nhận biết hình chữ nhật và một số đặc điểm của nó (có bốn góc vuông, có hai cạnh dài bằng nhau, có hai cạnh ngắn bằng nhau).

1. Ví dụ:

a) Dùng ê ke kiểm tra xem trong mỗi hình dưới đây có mấy góc vuông?

b) Trong các hình trên, hình nào là hình chữ nhật?

2. Biết tính chu vi hình chữ nhật (theo quy tắc).

2. Ví dụ: Tính chu vi hình chữ nhật có:

a) Chiều dài 12cm, chiều rộng 8cm;

b) Chiều dài 5m, chiều rộng 25dm (đổi 5m thành 50dm, rồi tính).

3. Biết tính diện tích hình chữ nhật (theo quy tắc).

3. Ví dụ: Tính diện tích hình chữ nhật có:

a) Chiều dài 15cm, chiều rộng 7cm;

b) Chiều dài 53m, chiều rộng 700cm (đổi 700cm thành 7m, rồi tính).

3. Hình vuông

1. Nhận biết hình vuông và một số đặc điểm của nó (bốn góc vuông và bốn cạnh bằng nhau).

1. Ví dụ:

a) Trong các hình sau đây, hình nào là hình vuông?

b) Kẻ thêm một đoạn thẳng thích hợp vào mỗi hình không phải là hình vuông để được hình vuông.

2. Biết tính chu vi hình vuông (theo quy tắc).

2. Ví dụ: Điền vào ô trống (theo mẫu):

Cạnh hình vuông

7m

12dm

25cm

5km

Chu vi hình vuông

7 ´ 4 = 28 (m)

 

 

 

3. Biết tính diện tích hình vuông (theo quy tắc).

3. Ví dụ: Tính diện tích hình vuông có cạnh là:

a) 6cm;

b) 7m;

c) 90dm.

4. Điểm ở giữa, trung điểm của đoạn thẳng

1. Nhận biết điểm ở giữa, trung điểm của đoạn thẳng. Bước đầu phân biệt được sự giống nhau và khác nhau của điểm ở giữa và trung điểm (điểm chính giữa) của đoạn thẳng.

1. Ví dụ: Quan sát hình bên rồi điền chữ (A, B, M, N, C, D) hoặc dấu (>, < =) thích hợp vào chỗ chấm:

a) M là điểm ở giữa hai điểm … và …

b) O là điểm ở giữa hai điểm … và …

c) N là trung điểm của đoạn thẳng CD vì N là điểm giữa hai điểm … và CN … ND.

2. Xác định được trung điểm của một đoạn thẳng cho trước trong trường hợp đơn giản (đoạn thẳng vẽ trên giấy kẻ ô li, số đo độ dài đoạn thẳng là một số chẵn.

2. Ví dụ:

a) Nêu tên các trung điểm của AB; CD; AC và BD?

b) Xác định trung điểm đoạn thẳng AB và đoạn thẳng CD.

c) Đo độ dài đoạn thẳng MN và xác định trung điểm đoạn thẳng MN.

5. Hình tròn

1. Nhận biết được: tâm, đường kính, bán kính của hình tròn.

1. Ví dụ: Nêu tên các bán kính, đường kính có trong mỗi hình tròn dưới đây:

2. Biết dùng com pa để vẽ hình tròn.

2. Ví dụ: Hãy vẽ hình tròn có:

a) Tâm O, bán kính 3cm.

b) Tâm I, bán kính 5cm.

3. Biết vẽ bán kính, đường kính của một hình tròn cho trước (có tâm đã xác định).

3. Ví dụ: Vẽ bán kính OA và đường kính MN trong hình tròn sau:

IV. GIẢI BÀI TOÁN CÓ LỜI VĂN

1. Bài toán vận dụng các kiến thức về phép nhân và phép chia

Biết giải và trình bày bài giải các bài toán bằng một bước tính, trong đó có bài toán về:

 

a) Áp dụng trực tiếp phép nhân, phép chia.

a) Ví dụ:

- Mỗi hec-ta trồng lúa thu được 10532kg thóc. Hỏi 12ha trồng lúa thu được bao nhiêu ki-lô-gam thóc?

- Xã Minh Tân phải đắp lại một đoạn đường dài 2366m. Xã chia đều đoạn đường phải đắp lại cho 7 thôn. Hỏi mỗi thôn phải đắp lại bao nhiêu mét đường?

b) Gấp một số lên nhiều lần. Giảm một số đi một số lần.

b) Ví dụ: Chị Lan đi chợ tiêu hết 27 500 đồng. Chị Bích tiêu gấp 3 lần chị Lan. Hỏi chị Bích tiêu hết bao nhiêu tiền?

c) Tìm một trong các phần bằng nhau của một số.

c) Ví dụ: Trong vụ mùa này bác Đức thu được 2562kg thóc, số thóc chị Hạnh thu được chỉ bằng số thóc thu được của bác Đức. Hỏi chị Hạnh thu được bao nhiêu ki-lô-gam thóc?

d) So sánh số lớn gấp mấy lần số bé, số bé bằng một phần mấy số lớn.

d) Ví dụ: Trong ngày Tết trồng cây, anh Tâm trồng được 9 cây. Chị Chính trồng được 54 cây. Hỏi:

- Số cây chị Chính đã trồng gấp mấy lần số cây anh Tâm đã trồng?

- Số cây anh Tâm đã trồng bằng một phần mấy số cây chị Chính đã trồng?

2. Bài toán giải bằng hai bước tính

Biết giải và trình bày bài giải các bài toán có đến hai bước tính, trong đó có bài toán liên quan đến rút về đơn vị, bài toán có nội dung hình học.

a) Ví dụ: Một miếng đất hình chữ nhật có chiều dài 365m, chiều rộng kém chiều dài 131m. Tính diện tích miếng đất đó.

 

b) Ví dụ: Một tổ hộ đê đắp được một con trạch dài 245m trong 7 ngày. Hỏi trong 13 ngày tổ đó đắp được bao nhiêu mét? (số mét đắp được trong mỗi ngày như nhau).

 

LỚP 4

Chủ đề

Mức độ cần đạt

Ghi chú

I. SỐ HỌC

A. ÔN TẬP, BỔ SUNG VỀ SỐ TỰ NHIÊN

1. Tỉ

Biết một tỉ bằng 1000 triệu.

Ví dụ: Điền số hoặc từ thích hợp vào chỗ chấm:

a) 1 000 000 000: Một nghìn triệu hay …tỉ

b) 5 000 000 000: Năm nghìn triệu hay …tỉ

2. Dấu hiệu chia hết cho 2, 5, 3, 9

Bước đầu biết vận dụng dấu hiệu chia hết cho 2; 5; 3; 9 trong một số tình huống đơn giản.

Ví dụ: Trong các số sau đây, số nào chia hết cho 2? Số nào chia hết cho 3? Số nào chia hết cho 5? Số nào chia hết cho 9?

231; 2010; 1999; 7435; 4568; 2050; 37 766

B. PHÂN SỐ

1. Khái niệm ban đầu về phân số

Nhận biết khái niệm ban đầu về phân số. Biết đọc, viết các phân số có từ số và mẫu số không quá 100.

Ví dụ: Viết rồi đọc phân số chỉ phần tô đậm trong mỗi hình dưới đây.

Hình 1

Hình 2

Hình 3

    

    

Hình 4

2. Tính chất cơ bản của phân số và một số ứng dụng

1. Nhận biết được tính chất cơ bản của phân số.

1. Ví dụ: Viết số thích hợp vào ô trống

2

=



 

18

=

3

3

6

60



2. Biết cách sử dụng dấu hiệu chia hết để rút gọn một phân số.

2. Ví dụ: Rút gọn các phân số

              

3. Biết quy đồng mẫu số hai phân số trong trường hợp đơn giản.

3. Ví dụ: Quy đồng mẫu số các phân số:

 và            và           và

 và         và

3. So sánh hai phân số

1. Biết so sánh hai phân số cùng mẫu số.

1. Ví dụ: So sánh các phân số:

 và            và         và

2. Biết so sánh hai phân số khác mẫu số.

2. Ví dụ: So sánh các phân số:

 và            và           và

3. Biết viết các phân số theo thứ tự từ bé đến lớn hoặc từ lớn đến bé.

3. Ví dụ: Viết các phân số theo thứ tự từ bé đến lớn:

a)                  b)   

4. Phép cộng phân số

1. Biết thực hiện phép cộng hai phân số cùng mẫu số.

1. Ví dụ: Tính

 +              +

2. Biết thực hiện phép cộng hai phân số khác mẫu số.

2. Ví dụ: Tính

 +              +

3. Biết cộng một phân số với một số tự nhiên.

3. Ví dụ: Tính

3 +    + 5.

5. Phép trừ phân số

1. Biết thực hiện phép trừ hai phân số cùng mẫu số.

1. Ví dụ: Tinh

 -              -

2. Biết thực hiện phép trừ hai phân số khác mẫu số.

2. Ví dụ: Tinh

 -              -

3. Biết thực hiện phép trừ một số tự nhiên cho một phân số; một phân số cho một số tự nhiên.

3. Ví dụ: Tinh

3 -                 - 3.

6. Phép nhân phân số

1. Biết thực hiện phép nhân hai phân số.

1. Ví dụ: Tính

 ´                          ´

2. Biết nhân một phân số với một số tự nhiên.

2. Ví dụ: Tính

 ´ 4.

7. Phép chia phân số

1. Biết thực hiện phép chia hai phân số (bằng cách nhân phân số thứ nhất với phân số thứ hai “đảo ngược”).

1. Ví dụ: Tính

 :              :              : .

2. Biết thực hiện phép chia phân số cho một số tự nhiên.

2. Ví dụ: Tính

 : 4;                : 3;                : 5.

8. Biểu thức

Biết tính giá trị của biểu thức có không quá ba dấu phép tính với các phân số đơn giản theo các quy tắc như đối với số tự nhiên.

Ví dụ: Tính

a)  +  - .              b)  ´  : .

9. Tìm một thành phần trong phép tính

Biết tìm một thành phần chưa biết trong phép tính (như đối với số tự nhiên).

Ví dụ: Tìm x

a) x +  = .               b) x -  = .

c)  - x = .               d) x ´  = .

e) x :  = .               g)  : x = .

C. TỈ SỐ

 

1. Biết lập tỉ số của hai đại lượng cùng loại.

1. Ví dụ: Viết tỉ số của a và b, biết

a) a = 2;            b = 3.

b) Một tổ sản xuất có 5 công nhân nam và 6 công nhân nữ.

- Viết tỉ số của số công nhân nam và số công nhân của cả tổ.

- Viết tỉ số của số công nhân nữ và số công nhân của cả tổ.

2. Biết tỉ lệ bản đồ và một số ứng dụng của tỉ lệ bản đồ.

2. Ví dụ:

a) Trên bản đồ tỉ lệ 1:1000, mỗi độ dài 1mm, 1cm, 1dm ứng với độ dài thật nào cho dưới đây?

1000dm;           1000cm;            1000mm

b) Quãng đường từ A đến B dài 12km. Trên bản đồ tỉ lệ 1:100 000, quãng đường đó dài bao nhiêu xăng-ti-mét?

D. YẾU TỐ THỐNG KÊ

 

1. Biết cách tìm số trung bình cộng của nhiều số.

1. Ví dụ: Tìm số trung bình cộng của các số sau: 36; 42 và 57.

2. Biết thu thập và xử lý một số thông tin đơn giản từ một biểu đồ hình cột.

2. Ví dụ: Biểu đồ dưới đây biểu diễn số cây đã trồng của ba xóm ở thôn An Cầu:

SỐ CÂY ĐÃ TRỒNG CỦA CÁC XÓM

Nhìn vào biểu đồ trên, hãy cho biết:

a) Những xóm nào đã tham gia trồng cây?

b) Xóm nào trồng được nhiều cây nhất?

c) Mỗi xóm trồng được bao nhiêu cây?

d) Tổng số cây ba xóm đã trồng được là bao nhiêu?

II. ĐẠI LƯỢNG VÀ ĐO ĐẠI LƯỢNG

1. Khối lượng

1. Biết thêm các đơn vị đo khối lượng: đề-ca-gam, héc-tô-gam, tạ, tấn. Biết đọc, viết các số đo khối lượng theo những đơn vị đo đã học.

1. Ví dụ:

a) Đọc: 274dag, 8100hg

b) Viết số đo khối lượng:

- Một trăm năm mươi đề-ca-gam.

- Chín mươi tám héc-tô-gam.

2. Biết tên gọi, ký hiệu, mối quan hệ của các đơn vị đo khối lượng trong bảng đơn vị đo khối lượng.

2. Ví dụ: Viết số thích hợp vào chỗ chấm

a)

1tấn = … tạ;

1kg = … hg;

1dag = … g

1tạ = … kg;

1hg = … dag;

b)

1kg = … g;

1tấn = … kg.

1tạ = … kg;

3. Biết chuyển đổi số đo khối lượng.

3. Ví dụ: Viết số thích hợp vào chỗ chấm

 

4 tạ = .. kg;

20 tạ = … tấn;

3 tấn 25kg = … kg;

5kg 8g = … g.

4. Biết thực hiện phép tính với các số đo khối lượng (có tên một đơn vị đo).

4. Ví dụ:: Tính

 

18kg + 26kg;

648g – 75g;

135 tấn ´ 4;

768kg : 6.

5. Biết ước lượng khối lượng của một vật trong trường hợp đơn giản.

5. Ví dụ: Viết số thích hợp (2kg, 2 tạ, 2 tấn) vào chỗ chấm

a) Con bò cân nặng…

b) Con gà cân nặng…

c) Con voi cân nặng…

2. Diện tích

1. Biết thêm các đơn vị đo diện tích: đề-xi-mét vuông, ki-lô-mét vuông. Biết đọc, viết các số đo diện tích theo những đơn vị đo đã học.

1. Ví dụ: 1:

a) Đọc: 32dm2; 1980m2; 470km2.

b) Viết số đo diện tích:

Một trăm linh hai đề-xi-mét vuông.

Chín trăm chín mươi mét vuông.

Hai nghìn không trăm linh một ki-lô-mét vuông.

2. Biết mối quan hệ giữa mét vuông và ki-lô-mét vuông, đề-xi-mét vuông và xăng-ti-mét vuông, đề-xi-mét vuông và mét vuông.

2. Ví dụ: Viết số đo thích hợp vào chỗ chấm

 

1km2 = … m2;

1dm2 = … cm2.

1m2 = … dm2

3. Biết chuyển đổi số đo diện tích.

3. Ví dụ: Viết số thích hợp vào chỗ chấm:

48m2 = … dm2;

13dm229cm2 = … cm2;

2 000 000m2 = … km2;

m2 = … cm2.

4. Biết thực hiện phép tính với các số đo diện tích theo đơn vị đã học (có tên một đơn vị đo).

4. Ví dụ: Tính

 

760dm2 + 98dm2;

1876km2 - 190km2;

257m2 ´ 60;

1984km2 : 4.

5. Biết ước lượng số đo diện tích trong trường hợp đơn giản.

5. Ví dụ: Chọn ra số đo thích hợp chỉ

a) Diện tích lớp học: 81cm2; 900dm2; 42m2

b) Diện tích nước Việt Nam: 5 000 000m2; 324 000dm2; 330 991km2.

3. Thời gian

1. Biết mối quan hệ giữa một số đơn vị đo thời gian thông dụng.

1. Ví dụ: Viết số thích hợp vào chỗ chấm

1 thế kỉ = … năm;          1 năm = … tháng;

1 năm (không nhuận) có …ngày;

1 năm (nhuận) có …ngày;

1 tuần lễ có …ngày; 1 ngày có …giờ;

1 giờ = …phút; 1 phút = …giây.

2. Biết chuyển đổi số đo thời gian từ số đo có một tên đơn vị sang số đo có một tên đơn vị khác.

2. Ví dụ: Viết số thích hợp vào chỗ chấm

a)

7 phút = …giây;

6 giờ = …phút;

 

giờ = …phút;

3 giờ 25 phút = …phút;

 

2 ngày = …giờ;

2 ngày rưỡi = …giờ;

 

6 năm = …tháng;

5 thế kỉ = …năm

b)

120 giây = …phút;

360 phút = …giờ;

 

48 giờ = …ngày;

36 tháng = …năm;

 

1500 năm = … thế kỉ.

3. Biết thực hiện phép tính với các số đo thời gian (có một tên đơn vị).

3. Ví dụ: Tính

495 giây + 60 giây;        184 giây ´ 8.

III. YẾU TỐ HÌNH HỌC

1. Góc nhọn, góc tù, góc bẹt

Nhận biết được góc vuông, góc nhọn, góc tù, góc bẹt.

Ví dụ: Trong các góc sau đây, góc nào là góc vuông, góc nhọn, góc tù, góc bẹt?

 

2. Hai đường thẳng vuông góc, hai đường thẳng song song

1. Nhận biết được hai đường thẳng vuông góc, hai đường thẳng song song.

1. Ví dụ: Cho hình chữ nhật ABCD. Hãy

a) Ghi tên từng cặp cạnh vuông góc với nhau.

b) Ghi tên từng cặp cạnh song song với nhau.

2. Biết vẽ hai đường thẳng vuông góc; hai đường thẳng song song (bằng thước thẳng và ê ke).

2. Ví dụ:

a) Hãy vẽ đường thẳng AB đi qua điểm E và vuông góc với đường thẳng CD cho trước.

 

b) Hãy vẽ đường thẳng AB đi qua điểm M và song song với đường thẳng CD cho trước.

3. Biết vẽ đường cao của một tam giác (trong trường hợp đơn giản).

3. Ví dụ: Hãy vẽ đường cao AH của hình tam giác ABC

3. Hình bình hành

1. Nhận biết được hình bình hành và một số đặc điểm của nó.

1. Ví dụ:

a) Trong các hình sau, hình nào là hình bình hành?

b) Cho hình bình hành ABCD.

Hãy ghi tên:

- Hai cặp cạnh đối diện song song.

- Hai cặp cạnh đối diện bằng nhau.

2. Biết cách tính chu vi và diện tích của hình bình hành.

2. Ví dụ:

a) Tính chu vi hình bình hành ABCD biết: AB = 8cm, BC = 3cm.

b) Tính diện tích hình bình hành biết: độ dài đáy là 40cm; chiều cao là 34cm.


4. Hình thoi

1. Nhận biết được hình thoi và một số đặc điểm của nó.

1. Ví dụ:

a) Trong các hình dưới đây, hình nào là hình thoi?

Hình 1

Hình 2

Hình 3

Hình 4

b) Gấp tờ giấy hình thoi (theo hình vẽ) để kiểm tra các đặc điểm sau đây của hình thoi:

- Bốn cạnh đều bằng nhau;

- Hai đường chéo vuông góc với nhau;

- Hai đường chéo cắt nhau tại trung điểm của mỗi đường.

2. Biết cách tính diện tích của hình thoi.

2. Ví dụ: Tính diện tích hình thoi biết: độ dài các đường chéo là 8dm và 20dm.

IV. GIẢI BÀI TOÁN CÓ LỜI VĂN

 

Biết giải và trình bày bài giải các bài toán có đến ba bước tính với các số tự nhiên hoặc phân số, trong đó có các bài toán về

 

1. Tìm số trung bình cộng.

1. Ví dụ: Đàn lợn (heo) của bác Hai Uy có 4 con với trọng lượng từng con lần lượt là: 95kg; 105kg; 106kg; 110kg. Tính trọng lượng trung bình của đàn lợn trên.

2.Tìm hai số biết tổng và hiệu của hai số đó.

2. Ví dụ: Lớp xóa mù chữ thôn An Thanh có 35 học viên, số nữ nhiều hơn số nam là 3 người. Hỏi lớp xóa mù chữ ở thôn An Thanh có bao nhiêu học viên nam và bao nhiêu học viên nữ?

3. Tìm phân số của một số.

3. Ví dụ:

Một rổ có 36 quả cam. Hỏi  số cam trong rổ là bao nhiêu quả?

4. Tìm hai số biết tổng và tỉ số của hai số đó.

4. Ví dụ: Vụ này, bác Hà thu hoạch được 2160kg thóc cả nếp và tẻ, trong đó lượng thóc nếp bằng  lượng thóc tẻ. Hỏi vụ này, bác Hà thu được bao nhiêu ki-lô-gam thóc mỗi loại?

5. Tìm hai số biết hiệu và tỉ số của hai số đó.

5. Ví dụ:

Mẹ hơn con 25 tuổi. Tuổi con bằng  tuổi mẹ. Tính tuổi của mỗi người.

 

LỚP 5

Chủ đề

Mức độ cần đạt

Ghi chú

I. SỐ HỌC

A. BỔ SUNG VỀ PHÂN SỐ

1. Giới thiệu phân số thập phân

1. Nhận biết được phân số thập phân.

1. Ví dụ: Phân số nào là phân số thập phân?

; ; ; ; ;

2. Biết đọc, viết các phân số thập phân.

2. Ví dụ:

a) Viết các phân số thập phân: bảy phần mười; hai mươi phần trăm; một phần triệu.

b) Đọc các phân số thập phân: ; ; .

2. Hỗn số

1. Nhận biết được hỗn số và biết hỗn số có phần nguyên và phần phân số.

1. Ví dụ:

a) Viết hỗn số chỉ phần tô đậm trong hình vẽ dưới đây:

b) Điền số thích hợp vào chỗ chấm:

 có phần nguyên là…, phần phân số là…, phần phân số bé hơn…

2. Biết đọc, viết hỗn số.

2. Ví dụ:

a) Đọc các hỗn số: ; .

b) Viết các hỗn số:

- Hai và ba phần tám;

- Một và năm phần bảy.

3. Biết chuyển một hỗn số thành một phân số.

3. Ví dụ: Chuyển mỗi hỗn số sau thành phân số:

;      ;     .

B. SỐ THẬP PHÂN, CÁC PHÉP TÍNH VỚI SỐ THẬP PHÂN

1. Khái niệm ban đầu về số thập phân

1. Biết nhận dạng số thập phân.

1. Ví dụ: 0,1; 0,07; 2,8; 9,572;… là các số thập phân.

2. Biết số thập phân gồm phần nguyên và phần thập phân.

2. Ví dụ: Nêu phần nguyên và phần thập phân của mỗi số sau:

7,98;                 25,477;             0,307.

3. Biết đọc số thập phân.

3. Ví dụ: Đọc các số thập phân: 1,7; 2,35; 28,364; 900,90.

4. Biết viết số thập phân khi biết phần nguyên và số đơn vị của mỗi hàng trong phần thập phân.

4. Ví dụ:

Viết số thập phân có: Năm mươi lăm đơn vị, năm phần mười, năm phần trăm, năm phần nghìn.

5. Biết đổi các số đo viết dưới dạng phân số thập phân thành các số đo viết dưới dạng số thập phân và ngược lại.

5. Ví dụ:

a) Viết số thập phân thích hợp vào chỗ chấm:

7dm = m = … m;

6g = kg = … kg;

8m 56cm = 8m = … m.

b) Viết các số đo sau thành số đo dưới dạng phân số thập phân có đơn vị đo là mét: 3,4dm; 21,5dm; 236cm.

2. So sánh số thập phân

1. Biết cách so sánh hai số thập phân (thuộc quy tắc và biết vận dụng để so sánh các số thập phân).

1. Ví dụ: So sánh các số thập phân

a) 48,97 và 51,02.          b) 96,4 và 96,38.

c) 0,7 và 0,65.               d) 28,3 và 28,300.

2. Biết sắp xếp một nhóm các số thập phân theo thứ tự từ bé đến lớn hoặc ngược lại.

2. Ví dụ: Xếp theo thứ tự từ bé đến lớn các số sau đây

6,375;

9,01;

8,72;

6,735;

7,19.

3. Phép cộng và phép trừ các số thập phân

1. Biết cộng, trừ các số thập phân có đến ba chữ số ở phần thập phân, có nhớ không quá hai lượt.

1. Ví dụ: Đặt tính, rồi tính

a) 25,46 + 38,24.           b) 37,97 – 18,09.

c) 39,205 + 8,677.          d) 61,429 – 9,165.

2. Biết tính chất giao hoán, tính chất kết hợp của phép cộng các số thập phân và sử dụng trong thực hành tính.

2. Ví dụ: Tính bằng cách thuận tiện nhất

a) 4,68 + 6,03 + 3,97.

b) 6,9 + 8,4 + 3,1 + 0,6.

3. Biết tính giá trị của các biểu thức có không quá ba dấu phép tính cộng, trừ, có hoặc không có dấu ngoặc.

3. Ví dụ: Tính

a) 5,27 + 14,35 + 9,25.

b) 8,3 – 1,4 – 3,6.

c) 18,64 – (6,24 + 10,5).

4. Biết tìm một thành phần chưa biết của phép cộng hoặc phép trừ.

4. Ví dụ: Tìm x

a) x + 4,32 = 8,67.         b) 6,85 + x = 10,29.

c) x – 3,64 = 5,86.         d) 7,9 – x = 2,5.

4. Phép nhân các số thập phân

1. Biết thực hiện phép nhân có tích là số thập phân có không quá ba chữ số ở phần thập phân, trong một số trường hợp:

1. Ví dụ: Tính

a) Nhân một số thập phân với một số tự nhiên có không quá hai chữ số, mỗi lượt nhân có nhớ không quá hai lần.

a) 12,6 ´ 3;                    0,156 ´ 15.

b) Nhân một số thập phân với một số thập phân, mỗi lượt nhân có nhớ không quá hai lần.

b) 12,5 ´ 6,7;                 28,5 ´ 0,25

2. Biết nhân nhẩm một số thập phân với 10; 100; 1000; …; hoặc với 0,1; 0,01; 0,001.

2. Ví dụ: Nhân nhẩm

a)

1,4 ´ 10;

2,1 ´ 100;

5,32 ´ 1000.

b)

5579,8 ´ 0,1;

7524,3 ´ 0,001.

67,19 ´ 0,01;

 

3. Biết sử dụng một số tính chất của phép nhân trong thực hành tính giá trị của các biểu thức số.

3. Ví dụ:

a) Tính bằng cách thuận tiện nhất:

 

7,38 ´ 1,25 ´ 80.

b) Tính bằng hai cách:

 

(6,75 + 3,25) ´ 4,2;

7,8 ´ 0,35 + 0,35 ´ 3,2.

5. Phép chia các số thập phân

1. Biết thực hiện phép chia, thương là số tự nhiên hoặc số thập phân có không quá ba chữ số ở phần thập phân, trong một số trường hợp:

1. Ví dụ: Tính

a) Chia số thập phân cho số tự nhiên.

a) 67,2 : 7;                    135,5 : 25

b) Chia số tự nhiên cho số tự nhiên, thương tìm được là một số thập phân.

b) 23 : 4;                       882 : 36

c) Chia số tự nhiên cho số thập phân.

c) 9 : 4,5;                      2 : 12,5

d) Chia số thập phân cho số thập phân.

d) 17,55 : 39;                   8,216 : 5,2

2. Biết chia nhẩm một số thập phân cho 10; 100; 1000 hoặc cho 0,1; 0,01; 0,001.

2. Ví dụ: Tính nhẩm

a)

43,2 : 10;

2,07 : 10;

2,23 : 100.

b)

32 : 0,1;

934 : 0,01;

0,225 : 0,001.

3. Biết tính giá trị các biểu thức có đến ba dấu phép tính.

3. Ví dụ: Tính

a) 38,95 + 12,7 ´ 3,2.

b) (128,4 – 73,2) : 2,4 – 18,32.

c) 8,64 : (1,46 + 3,34) + 6,32.

4. Biết tìm một thành phần chưa biết của phép nhân hoặc phép chia với số thập phân.

4. Ví dụ: Tìm x

a) x ´ 1,8 = 72.              c) 25 : x = 1,25.

b) x : 2,5 = 4,02.

C. TỈ SỐ PHẦN TRĂM

 

1. Nhận biết tỉ số phần trăm của hai đại lượng cùng loại.

1. Ví dụ: Điền tỉ số phần trăm thích hợp vào chỗ chấm

Ở ấp Bình Tây, cứ 100 người dân thì có 30 người chưa học hết tiểu học. Vì vậy, tỉ số phần trăm giữa số người chưa học hết tiểu học và số dân trong toàn ấp là…

2. Biết đọc, viết tỉ số phần trăm.

2. Ví dụ:

a) Đọc các tỉ số phần trăm: 30%; 45%; 9,5%.

b) Viết các tỉ số phần trăm: bốn mươi phần trăm, năm mươi lăm phần trăm, mười sáu phẩy bảy phần trăm.

3. Biết viết một số phân số thành tỉ số phần trăm và viết tỉ số phần trăm thành phân số.

3. Ví dụ: Viết theo mẫu

a)

 = 50 : 100 = 50%;

 

 = … = … = …

b)

25% = ;            75% = … = …

4. Biết thực hiện phép cộng, phép trừ các tỉ số phần trăm; nhân tỉ số phần trăm với một số tự nhiên, chia tỉ số phần trăm cho một số tự nhiên khác 0.

4. Ví dụ: Tính

a) 27,5% + 38%.            b) 30% - 16%.

c) 14,2% ´ 4.                 d) 216% : 8.

5. Biết:

a) Tìm tỉ số phần trăm của hai số.

5. Ví dụ:

a) Tìm tỉ số phần trăm của 303 và 600.

b) Tìm giá trị một tỉ số phần trăm của một số.

b) Tìm 52,5% của 800.

c) Tìm một số, biết giá trị một tỉ số phần trăm của số đó.

c) Tìm một số, biết 52,5% của số đó là 420.

D. YẾU TỐ THỐNG KÊ

Biểu đồ hình quạt

1. Nhận biết biểu đồ hình quạt và ý nghĩa thực tế của nó.

1. Ví dụ:

Hình vẽ bên là biểu đồ biểu diễn kết quả học tập của học viên ở lớp Xóa mù chữ thôn Vân La. Nhìn vào biểu đồ hãy cho biết:

a) Số học viên đạt loại giỏi chiếm bao nhiêu phần trăm?

b) Số học viên loại khá chiếm bao nhiêu phần trăm?

c) Số học viên loại trung bình chiếm bao nhiêu phần trăm?

2. Biết thu thập và xử lý một số thông tin đơn giản từ một biểu đồ hình quạt.

2. Ví dụ: Biểu đồ hình quạt dưới đây cho biết tỉ số phần trăm các loại sách trong thư viện của một xã:

a) Hãy đọc tỉ số phần trăm của mỗi loại sách trên biểu đồ.

b) Trong thư viện trên, loại sách nào có số lượng nhiều nhất? Loại sách đó nhiều hơn loại sách hướng dẫn kỹ thuật bao nhiêu phần trăm?

II. ĐẠI LƯỢNG VÀ ĐO ĐẠI LƯỢNG

1. Bảng đơn vị đo độ dài (bổ sung)

 

 

 

1. Biết tên gọi, ký hiệu, mối quan hệ của các đơn vị đo độ dài trong bảng đơn vị đo độ dài.

1. Ví dụ:

a) Viết theo mẫu:

Lớn hơn mét

Mét

Nhỏ hơn mét

km

hm

dam

m

dm

cm

mm

 

 

 

1m

 

 

 

 

 

 

= 10dm

 

 

 

 

 

 

= dam

 

 

 

b) Trong bảng đơn vị đo độ dài:

- Đơn vị lớn gấp bao nhiêu đơn vị bé liền kề?

- Đơn vị bé bằng một phần mấy đơn vị lớn hơn liền kề?

2. Biết chuyển đổi các đơn vị đo độ dài:

2. Ví dụ: Viết số thích hợp vào chỗ chấm

a) Từ số đo có một tên đơn vị sang số đo có một tên đơn vị khác.

a)

135m = … dm;

15km = … m;

8300cm = … m;

150mm = … cm.

b) Từ số đo có hai tên đơn vị sang số đo có một tên đơn vị và ngược lại

b)

4km37m = … m;

8cm5mm = … mm;

354dm = …m …dm;

3040m = … km …m.

3. Biết thực hiện phép tính với các số đo độ dài và vận dụng trong giải quyết một số tình huống thực tế.

3. Ví dụ: Trên tuyến đường sắt Thống Nhất, quãng đường từ Hà Nội đến Đà Nẵng dài 791km, quãng đường từ Đà Nẵng đến thành phố Hồ Chí Minh dài hơn quãng đường đó 144km. Hỏi:

a) Đường sắt từ Đà Nẵng đến thành phố Hồ Chí Minh dài bao nhiêu ki-lô-mét?

b) Đường sắt từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh dài bao nhiêu ki-lô-mét?

2. Bảng đơn vị đo khối lượng

1. Biết tên gọi, ký hiệu, mối quan hệ của các đơn vị đo khối lượng trong bảng đơn vị đo khối lượng.

1. Ví dụ:

a) Viết theo mẫu:

Lớn hơn ki-lô-gam

Ki-lô-gam

Nhỏ hơn ki-lô-gam

tấn

tạ

yến

kg

hg

dag

g

 

 

 

1kg

 

 

 

 

 

 

= 10hg

 

 

 

 

 

 

= yến

 

 

 

b) Trong bảng đơn vị đo khối lượng:

- Đơn vị lớn gấp bao nhiêu lần đơn vị bé hơn liền kề?

- Đơn vị bé bằng một phần mấy đơn vị lớn hơn liền kề?

2. Biết chuyển đổi các đơn vị đo khối lượng:

2. Ví dụ: Viết số thích hợp vào chỗ chấm

a) Từ số đo có một tên đơn vị sang số đo có một tên đơn vị khác.

a)

18 tạ = … kg;

35 tấn = … kg;

4300kg = … tạ;

65000kg = … tấn.

b) Từ số đo có hai tên đơn vị sang số đo có một tên đơn vị và ngược lại.

b)

2kg326g = … g;

6kg3g = … g;

4008g = … kg … g;

9350kg = … tấn … kg.

3. Biết thực hiện phép tính với các số đo khối lượng và vận dụng trong giải quyết một số tình huống thực tế.

3. Ví dụ: Một cửa hàng trong ba ngày bán được 1 tấn đường. Ngày đầu bán được 300kg. Ngày thứ hai bán gấp 2 lần ngày đầu. Hỏi ngày thứ ba cửa hàng bán được bao nhiêu ki-lô-gam đường?

3. Diện tích

1. Biết thêm các đơn vị đo diện tích: đề-ca-mét vuông, hét-tô-mét vuông, mi-li-mét vuông. Biết đọc, viết các số đo diện tích theo những đơn vị đã học.

1. Ví dụ:

a) Đọc: 29mm2; 105dam2; 4925hm2.

b) Viết số đo diện tích:

Một trăm sáu mươi tám mi-li-mét vuông;

Mười tám nghìn chín trăm đề-ca-mét vuông;

Ba nghìn sáu trăm hai mươi héc-tô-mét vuông.

2. Biết tên gọi, ký hiệu, mối quan hệ của các đơn vị đo diện tích trong bảng đơn vị đo diện tích.

2. Ví dụ:

a) Viết theo mẫu:

Lớn hơn mét vuông

Mét vuông

Bé hơn mét vuông

km2

hm2

dam2

m2

dm2

cm2

mm2

 

 

 

1m2

 

 

 

 

 

 

= 100dm2

 

 

 

 

 

 

= dam2

 

 

 

b) Trong bảng đơn vị đo diện tích:

- Đơn vị lớn gấp bao nhiêu lần đơn vị liền kề?

- Đơn vị bé bằng một phần mấy đơn vị lớn hơn liền kề?

3. Biết chuyển đổi đơn vị đo diện tích:

3. Ví dụ: Viết số thích hợp vào chỗ chấm

a) Từ số đo có một tên đơn vị sang số đo có một tên đơn vị khác.

a)

8km2 = … m2;

9m2 = … cm2.

20 000m2 = … dam2;

b) Từ số đo có hai tên đơn vị sang số đo có một tên đơn vị và ngược lại.

b)

12m29dm2 = … dm2;

150cm2 = … dm2 … cm2;

709mm2 = … cm2 … mm2;

4. Biết thực hiện phép tính với các số đo diện tích.

4. Ví dụ: Tính

896mm2 – 159mm2;        1270km2 ´ 8.

4. Thể tích

1. Biết các đơn vị đo thể tích: xăng-ti-mét khối, đề-xi-mét khối, mét khối. Biết đọc, viết các số đo thể tích theo những đơn vị đo đã học.

1. Ví dụ:

a) Đọc các số đo: 76cm3; 85,08dm3; m3; 0,911m3.

b) Viết các số đo thể tích:

Bảy nghìn hai trăm mét khối; Một phần tám đề-xi-mét khối;

Hai mươi tư phẩy năm xăng-ti-mét khối.

2. Biết mối quan hệ giữa mét khối và đề-xi-mét khối, giữa đề-xi-mét khối và xăng-ti-mét khối, giữa mét khối và xăng-ti-mét khối.

2. Ví dụ: Viết số thích hợp vào chỗ chấm

1m3 = … dm3;                1dm3 = … cm3;

1m3 = … cm3;

3. Biết chuyển đổi đơn vị đo thể tích trong trường hợp đơn giản.

3. Ví dụ:

a) Viết số thích hợp vào chỗ chấm:

375dm3 = … cm3;          2500cm3 = … dm3;

dm3 = … cm3;            5100cm3 = … dm3.

b) Viết các số đo dưới dạng số đo có đơn vị đo là đề-xi-mét khối:

1cm3 ; 5,126m3 ; 13,8m3 ; m3 ; 0,22m3.

5. Thời gian

1. Biết chuyển đổi đơn vị đo thời gian:

1. Ví dụ: Viết số thích hợp vào chỗ chấm

a) Từ số đo có hai tên đơn vị sang số đo có một tên đơn vị.

a)

2 phút 35 giây = … giây;

2 giờ 15 phút = … phút;

2 ngày 8 giờ = … giờ;

3 năm 8 tháng = … tháng

b) Từ số đo có một tên đơn vị sang số đo có hai tên đơn vị.

b)

50 tháng = … năm … tháng;

60 giờ = … ngày … giờ;

182 phút = … giờ … phút;

75 giây = … phút … giây.

2. Biết cách thực hiện phép cộng, phép trừ các số đo thời gian (có đến hai tên đơn vị).

2. Ví dụ: Tính

a)

3 giờ 5 phút + 6 giờ 32 phút

12 phút 43 giây + 5 phút 37 giây

b)

15 giờ 55 phút – 13 giờ 10 phút

3 phút 20 giây – 2 phút 45 giây

3. Biết cách thực hiện phép nhân, phép chia số đo thời gian (có đến 2 tên đơn vị) với (cho) một số tự nhiên khác 0.

3. Ví dụ: Tính

a)

3 giờ 12 phút ´ 3;

12 phút 25 giây ´ 5.

b)

24 phút 12 giây : 4;

7 giờ 30 phút : 6.

6. Vận tốc

Bước đầu nhận biết vận tốc của một chuyển động; tên gọi, ký hiệu của một số đơn vị đo vận tốc (km/giờ, m/phút, m/giây).

Ví dụ: Điền từ hoặc số thích hợp vào chỗ chấm:

Một ôtô đi quãng đường dài 170km hết 4 giờ. Như vậy, trung bình mỗi giờ ôtô đi được: 170 : 4 = 42,5 (km). Ta nói vận tốc trung bình, hay nói tắt… của ôtô là …km/giờ.

III. YẾU TỐ HÌNH HỌC

1. Hình tam giác

1. Nhận biết các dạng hình tam giác:

- Tam giác có ba góc nhọn.

- Tam giác có một góc tù và hai góc nhọn.

- Tam giác có một góc vuông và hai góc nhọn.

1. Ví dụ: Trong các tam giác sau, tam giác nào có: ba góc nhọn? Một góc tù và hai góc nhọn? Một góc vuông và hai góc nhọn?

2. Hình thang

1. Nhận biết hình thang và một số đặc điểm của nó.

1. Ví dụ: Trong các hình sau, hình nào là hình thang?

2. Biết cách tính diện tích của hình thang.

2. Ví dụ: Tính diện tích hình thang biết: độ dài đáy lớn là 25cm, độ dài đáy nhỏ là 18cm và chiều cao là 13cm.

3. Hình tròn

Biết cách tính chu vi và diện tích của hình tròn.

Ví dụ:

a) Tính chu vi hình tròn có bán kính r = 1,2m.

b) Tính diện tích hình tròn có đường kính d = 12cm.

4. Hình hộp chữ nhật. Hình lập phương

1. Nhận biết hình hộp chữ nhật và hình lập phương và một số đặc điểm của nó.

1. Ví dụ: Điền số thích hợp vào chỗ chấm

 

Số mặt

Số cạnh

Số đỉnh

Hình hộp chữ nhật

Hình lập phương

2. Biết cách tính diện tích xung quanh và diện tích toàn phần của hình hộp chữ nhật và hình lập phương.

2. Ví dụ:

a) Tính diện tích xung quanh và diện tích toàn phần của hình hộp chữ nhật có chiều dài 19dm, chiều rộng 14dm và chiều cao 13dm.

b) Người ta làm một cái hộp không có nắp bằng bìa cứng dạng hình lập phương có cạnh 2,5dm. Tính diện tích bìa phải dùng để làm hộp (không tính mép dán).

3. Biết cách tính thể tích hình hộp chữ nhật và hình lập phương.

3. Ví dụ:

a) Tính thể tích hình hộp chữ nhật có chiều dài 18cm, chiều rộng 15cm và chiều cao 11cm.

b) Tính thể tích hình lập phương có cạnh là 23mm.

5. Hình trụ

Nhận biết hình trụ.

Ví dụ: Trong các hình dưới đây, hình nào là hình trụ?

6. Hình cầu

Nhận biết hình cầu.

Ví dụ: Trong các hình dưới đây, hình nào là hình cầu?

IV. GIẢI BÀI TOÁN CÓ LỜI VĂN

 

Biết giải và trình bày giải các bài toán có đến bốn bước tính, trong đó có các bài toán về:

 

1. “Quan hệ tỉ lệ”. 

1. Ví dụ:

a) Trong 1 giờ, 2 công nhân đào được 7m rãnh để đặt ống nước. Hỏi với mức đào như vậy, trong 1 giờ, 6 công nhân đào được bao nhiêu mét rãnh?

b) Muốn đắp xong một nền nhà trong 4 ngày, cần có 6 người. Hỏi muốn đắp xong nền nhà đó trong 3 ngày thì cần có bao nhiêu người? (mức làm của mỗi người như nhau).

2. Tỉ số phần trăm.

2. Ví dụ:

a) Một lâm trường có 840ha rừng, trong đó có 105ha rừng mới trồng. Hỏi diện tích mới trồng chiếm bao nhiêu phần trăm diện tích rừng của toàn lâm trường?

b) Lãi suất tiết kiệm là 0,5% một tháng. Một người gửi tiết kiệm 5.000.000 đồng. Tính số tiền lãi tiết kiệm sau một tháng.

c) Số học viên nữ của Trung tâm học tập cộng đồng xã An Đồng là 120 người, chiếm 60% số học viên của toàn Trung tâm. Hỏi Trung tâm đó có bao nhiêu học viên?

3. Chuyển động đều.

3. Ví dụ:

a) Một máy bay bay được 1800km trong 2 giờ 15 phút. Tính vận tốc của máy bay.

b) Một người đi xe đạp trong 2 giờ 30 phút với vận tốc 12,6km/giờ. Tính quãng đường đi được của người đó.

c) Quãng đường từ nhà anh Tâm đến thị xã dài 18km. Anh Tâm đi xe đạp từ nhà tới thị xã với vận tốc 12km/giờ. Anh khởi hành từ 6 giờ 15 phút sáng. Hỏi anh Tâm tới thị xã vào lúc mấy giờ sáng?

4. Nội dung hình học

4. Ví dụ:

a) Một thửa ruộng hình thang có đáy lớn 120m, đáy bé bằng 2/3 đáy lớn, chiều cao kém đáy bé 5m. Trung bình 100m2 thu hoạch được 64,5kg thóc. Tính số ki-lô-gam thóc thu hoạch trên thửa ruộng đó.

b) Người ta xếp các viên gạch hình hộp chữ nhật tạo thành một hình lập phương cạnh 22cm.

- Tính kích thước của mỗi viên gạch.

- Tính diện tích toàn phần của hình lập phương.

 

IV. GIẢI THÍCH – HƯỚNG DẪN

1. Quan điểm xây dựng và phát triển chương trình

Quan điểm xây dựng và phát triển chương trình môn Toán trong chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ là:

a) Dựa trên cơ sở chương trình chuẩn môn Toán của chương trình giáo dục tiểu học và những định hướng, yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông (về mục tiêu, nội dung; phương pháp, phương tiện dạy học và đánh giá kết quả học tập).

b) Kế thừa và phát triển truyền thống dạy học toán trong giáo dục thường xuyên ở nước ta, cụ thể là:

- Lựa chọn các kiến thức toán theo phương châm “cơ bản, tinh giản, thiết thực” phù hợp với điều kiện học tập và trình độ nhận thức của học viên người lớn.

- Khai thác triệt để vốn hiểu biết và kinh nghiệm sống của học viên để giảm bớt thời gian giải các bài toán dẫn đến việc hình thành bước đầu những khái niệm toán học. Khai thác khả năng tư duy của học viên để tích hợp một số kiến thức, kỹ năng đơn giản (người học đã biết một phần) hoặc có liên quan với nhau, hay tương tự nhau, nhằm giảm bớt thời gian học tập các kiến thức, kỹ năng này.

- Kiến thức toán phải hỗ trợ, gắn bó với việc dạy học các môn học khác.

c) Tạo điều kiện cho việc đổi mới phương pháp dạy học toán trong chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và khả năng tự học của học viên.

d) Về nội dung và cách sắp xếp kiến thức toán trong chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.

- Nội dung bao gồm: số học các số tự nhiên, phân số, số thập phân, các đại lượng thông dụng; một số yếu tố hình học cùng những ứng dụng của chúng trong thực hành; tính, đo lường, giải bài toán có lời văn. Một số yếu tố thống kê được giới thiệu ở dạng sơ giản, chủ yếu là thực hành, nêu lên nhận xét từ một số thông tin trên bảng số liệu thống kê, trên một số loại biểu đồ. Dạy học số học tập trung vào số tự nhiên và số thập phân. Dạy học phân số chỉ giới thiệu một số nội dung cơ bản và sơ giản nhất phục vụ chủ yếu cho dạy học số thập phân và một số ứng dụng trong thực tế. Các yếu tố đại số được tích hợp trong số học, góp phần nổi rõ dần một số quan hệ số lượng và cấu trúc của các tập hợp số.

- Sắp xếp kiến thức toán theo nguyên tắc đồng tâm hợp lý, mở rộng và phát triển dần theo các vòng số, từ các số trong phạm vi 10, 100, 1000, 100 000, đến các số nhiều chữ số, phân số, số thập phân; đảm bảo tính hệ thống, sự liên tục giữa môn toán của xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ với môn toán của giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở.

- Gắn bó chặt chẽ giữa kiến thức toán với thực tiễn và phục vụ thực tiễn.

2. Về phương pháp và thiết bị dạy học

Định hướng chung về phương pháp dạy học toán trong chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ là tích cực hóa các hoạt động học tập của học viên, rèn luyện khả năng tự học, tự phát hiện và giải quyết vấn đề nhằm hình thành ở học viên phương pháp học tập và làm việc tích cực, chủ động, khoa học và sáng tạo.

Phần lớn học viên học chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ đã có một vốn sống và hiểu biết nhất định, tuy nhiên trình độ nhận thức trong học toán của họ cũng có những hạn chế. Vì vậy, giáo viên cần thiết kế, tổ chức quá trình dạy học toán sao cho khai thác được vốn sống, vốn hiểu biết và khắc phục được những hạn chế của học viên để thu hút họ tích cực tham gia các hoạt động dạy học, chủ động tiếp thu kiến thức, rèn luyện kỹ năng trong học tập toán.

Để góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, giáo viên cần tổ chức các hoạt động học tập, thường xuyên tạo ra tình huống có vấn đề, tìm các biện pháp lôi cuốn học viên tự phát hiện và giải quyết vấn đề bằng cách hướng dẫn và tổ chức cho học viên tìm hiểu kỹ vấn đề đó, huy động vốn hiểu biết và kinh nghiệm của học viên để giải đáp từng câu hỏi đặt ra trong quá trình giải quyết vấn đề, diễn đạt (nói và viết), các bước đi trong cách giải, tự kiểm tra lại các kết quả đạt được, cùng các học viên khác rút kinh nghiệm về phương pháp giải.

3. Về đánh giá kết quả học tập của học viên

- Việc đánh giá kết quả học tập của học viên cần dựa vào mục tiêu và chuẩn kiến thức, kỹ năng đã quy định trong chương trình. Thang đánh giá trình độ cần đạt được về kiến thức, kỹ năng của môn Toán trong chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ có 3 mức: biết, hiểu (hoặc thông hiểu), ứng dụng (hoặc vận dụng); trong đó mức thấp nhất là ‘biết’, mức trung bình là ‘hiểu’, mức cao là ‘ứng dụng’ và được cụ thể hóa bằng các ví dụ ghi trong cột ghi chú của phần chuẩn kiến thức, kỹ năng. Học viên phải giải được các bài tập nêu trong các ví dụ này.

- Chú ý kỹ năng làm tính, đo lường và giải các bài toán có nhiều ứng dụng trong đời sống lao động và sản xuất.

- Tạo mọi điều kiện để học viên tự đánh giá và tham gia đánh giá kết quả đạt được của các học viên khác trong nhóm, trong lớp khi học toán.

- Cần phải coi trọng việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên. Phối hợp giữa đánh giá thường xuyên và định kỳ, giữa đánh giá bằng điểm và bằng nhận xét, giữa đánh giá của giáo viên và tự đánh giá của học viên.

- Bộ công cụ và các hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập toán phải:

+ Đảm bảo toàn diện, khách quan, công bằng cho mọi đối tượng nhưng coi trọng khích lệ học viên học tập.

+ Phối hợp giữa trắc nghiệm khách quan và tự luận, giữa kiểm tra viết và kiểm tra bằng hình thức vấn đáp, thực hành ở trong và ngoài lớp…

4. Về vận dụng chương trình theo vùng miền và các đối tượng học viên

Căn cứ vào đặc điểm của học viên, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, miền giáo viên cần chủ động lựa chọn nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học toán sao cho:

- Đảm bảo dạy học theo đúng mục tiêu, chuẩn kiến thức và kỹ năng của các chủ đề đã xác định. Đảm bảo những yêu cầu tối thiểu cần đạt sau mỗi giai đoạn xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.

- Cần thay thế hoặc bổ sung những bài toán sát với thực tế của học viên (đặc biệt là những bài toán ứng dụng thực tiễn với đời sống văn hóa, lao động, sản xuất của họ…)

- Cần quan tâm đáp ứng được nhu cầu và phát triển của từng đối tượng.

 

MÔN TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI

I. MỤC TIÊU

Học xong môn Tự nhiên và Xã hội trong chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, học viên cần đạt được:

1. Một số kiến thức cơ bản và thực tế về:

a) Con người và sức khỏe (cơ thể người, cách giữ vệ sinh cơ thể và phòng tránh một số bệnh tật, tai nạn thường gặp).

b) Một số sự vật, hiện tượng thường gặp trong tự nhiên và xã hội.

2. Một số kỹ năng:

a) Biết cách chăm sóc sức khỏe và phòng tránh một số bệnh tật, tai nạn cho bản thân, đồng thời biết hướng dẫn những người trong gia đình, cộng đồng cùng thực hiện.

b) Biết cách quan sát, nhận xét, nêu thắc mắc, đặt câu hỏi và diễn đạt những hiểu biết của mình về sự vật, hiện tượng đơn giản trong tự nhiên và xã hội.

3. Một số thái độ và hành vi:

a) Có ý thức thực hiện các quy tắc giữ vệ sinh, an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

b) Yêu thiên nhiên, gia đình, quê hương.

II. NỘI DUNG

1. Kế hoạch dạy học

Nội dung

Giai đoạn I

Lớp 1 (tiết)

Lớp 2 (tiết)

Lớp 3 (tiết)

Tổng số (tiết)

1. Con người và sức khỏe

0

10

10

20

2. Xã hội

0

8

8

16

3. Tự nhiên

0

12

12

24

Tổng số tiết

0

30

30

60

2. Nội dung dạy học từng lớp

 

LỚP 2

(30 tiết; trong đó ôn tập, kiểm tra: 3 tiết)

1. Con người và sức khỏe

a) Cơ thể người

- Các giác quan.

- Cơ quan vận động.

- Cơ quan tiêu hóa.

b) Vệ sinh phòng bệnh

- Vệ sinh thân thể, răng miệng; phòng bệnh ngoài da và bệnh về răng miệng.

- Vệ sinh các giác quan, phòng bệnh cho các giác quan.

- Vệ sinh cơ quan vận động, phòng bệnh cong vẹo cột sống.

- Vệ sinh cơ quan tiêu hóa, phòng bệnh giun.

2. Xã hội

a) Cuộc sống gia đình

- Các thành viên, các thế hệ trong gia đình; mối quan hệ họ hàng.

- Cách bảo quản và sử dụng một số đồ dùng trong nhà.

- Giữ vệ sinh nhà ở.

- An toàn khi ở nhà.

b) Địa phương

- Xóm, thôn, xã, huyện hoặc phố, phường, quận nơi đang sống.

- An toàn giao thông.

3. Tự nhiên

a) Thực vật và động vật

- Một số thực vật sống trên cạn, dưới nước.

- Một số động vật sống trên cạn, dưới nước.

- Một số động vật quý hiếm và việc bảo vệ.

b) Bầu trời và Trái Đất

- Mặt Trời.

- Mặt Trăng và các vì sao.

- Hiện tượng thời tiết.

 

LỚP 3

(30 tiết; trong đó ôn tập, kiểm tra: 3 tiết)

1. Con người và sức khỏe

a) Cơ thể người

- Cơ quan hô hấp.

- Cơ quan tuần hoàn.

- Cơ quan bài tiết nước tiểu.

- Cơ quan thần kinh.

b) Vệ sinh phòng bệnh

- Vệ sinh hô hấp, phòng một số bệnh đường hô hấp.

- Vệ sinh cơ quan tuần hoàn, phòng một số bệnh tim mạch.

- Vệ sinh cơ quan bài tiết nước tiểu, phòng một số bệnh đường tiết niệu.

- Vệ sinh thần kinh.

2. Xã hội

a) Các tổ chức xã hội

- Các tổ chức chính quyền: HĐND, UBND xã, huyện, tỉnh (phường, quận, thành phố).

- Các tổ chức đoàn thể: Đảng, Đoàn, Hội phụ nữ, Hội nông dân,…

b) Địa phương

- Địa danh, đặc điểm của tỉnh hoặc thành phố nơi đang sống.

- Vệ sinh nơi công cộng.

- An toàn giao thông.

3. Tự nhiên

a) Thực vật và động vật

- Đặc điểm bên ngoài của thực vật.

- Đặc điểm bên ngoài của một số động vật.

b) Bầu trời và Trái Đất

- Trái Đất và Mặt Trăng trong hệ Mặt Trời.

- Hình dạng và đặc điểm bề mặt Trái Đất.

III. CHUẨN KIẾN THỨC, KỸ NĂNG

LỚP 2

Chủ đề

Mức độ cần đạt

Ghi chú

1. Con người và sức khỏe

a) Cơ thể người

Kiến thức

- Kể tên và nêu được chức năng của các giác quan.

 

- Nêu được tên các vùng xương và cơ chính của bộ xương và hệ cơ.

- Xương đầu, xương mặt, xương sườn, xương sống, xương tay, xương chân,…

- Cơ đầu, cơ mặt, cơ ngực, cơ lưng, cơ bụng, cơ tay, cơ chân,…

- Trình bày được chức năng của xương và cơ trong hoạt động vận động của cơ thể.

- Nêu được tên và chức năng chính các bộ phận của cơ quan tiêu hóa.

 

- Trình bày tóm tắt về sự biến đổi thức ăn ở miệng, dạ dày, ruột non, ruột già.

- Thức ăn được nghiền nhỏ, nhào trộn, tẩm ướt. Nhờ các dịch tiêu hóa, thức ăn được biến thành chất bổ dưỡng. Các chất bổ dưỡng thấm vào máu đi nuôi cơ thể. Các chất bã tạo thành phân và thải ra ngoài.

Kỹ năng

- Quan sát và chỉ được vị trí và nói tên các giác quan trên tranh vẽ hoặc mô hình.

- Quan sát, chỉ được vị trí và nói tên các bộ phận chính của cơ quan vận động, tiêu hóa trên tranh vẽ hoặc mô hình.

 

b) Vệ sinh phòng bệnh

Kiến thức

- Xác định được việc nên làm và không nên làm để giữ vệ sinh thân thể, răng miệng và bảo vệ các giác quan.

- Nhận ra được sự cần thiết phải giữ vệ sinh thân thể, răng miệng và các giác quan để phòng các bệnh có liên quan đến da, các giác quan và răng miệng.

- Biết được vai trò của việc tập thể dục hằng ngày, lao động và ăn uống đầy đủ đối với sự phát triển của cơ và xương.

 

- Nêu được một số việc cần làm để giữ gìn, bảo vệ cơ quan tiêu hóa, giữ vệ sinh ăn uống.

- Ăn chậm, nhai kỹ; không uống nước lã;…

- Rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi đại tiểu tiện,…

Kỹ năng

- Biết cách giữ vệ sinh thân thể, phòng bệnh ngoài da.

- Biết cách giữ vệ sinh mắt, phòng bệnh đau mắt hột.

- Biết cách giữ vệ sinh răng, miệng, phòng bệnh sâu răng, viêm lợi.

- Biết cách bảo vệ, phòng tránh các tác động có hại đến cột sống.

- Biết cách phòng tránh bệnh giun.

 

2. Xã hội

a) Cuộc sống gia đình

Kiến thức

- Biết được các thành viên trong gia đình cần cùng nhau chia sẻ công việc nhà.

- Nêu được các thế hệ trong một gia đình và các mối quan hệ họ hàng nội, ngoại.

 

- Nêu được một số việc cần làm để giữ vệ sinh nhà ở và môi trường xung quanh nơi ở.

- Quét dọn sạch sẽ xung quanh nhà ở, sân vườn, chuồng trại,…

- Nêu được một số việc cần làm để phòng tránh ngộ độc khi ở nhà.

- Không ăn thức ăn ôi thiu,…

- Nêu được một số việc cần làm để phòng cháy khi đun nấu.

- Không để các vật dễ cháy gần bếp, đun bếp xong phải nhớ tắt bếp,…

Kỹ năng

- Biết phân công hợp lý các công việc cho mỗi thành viên trong gia đình.

- Phân biệt các thế hệ trong gia đình.

- Vẽ sơ đồ mối quan hệ họ hàng nội, ngoại.

- Biết cách giữ gìn và xếp đặt một số đồ dùng trong nhà gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ và hướng dẫn các thành viên trong gia đình cùng thực hiện.

 

b) Địa phương

Kiến thức

- Mô tả được một số nét về cảnh quan thiên nhiên và nghề nghiệp chính của người dân địa phương đó.

 

- Kể được tên các loại đường giao thông và một số phương tiện giao thông.

- Đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không.

- Nhận biết một số biển báo giao thông.

- Biển báo nguy hiểm, biển cấm đi ngược chiều,…

- Nêu được một số luật giao thông cơ bản đối với người đi bộ và đi trên các phương tiện giao thông công cộng.

 

Kỹ năng

- Thực hiện đúng quy định khi đi bộ và khi đi các phương tiện giao thông công cộng.

 

3. Tự nhiên

a) Thực vật và động vật

Kiến thức

- Trình bày được ích lợi của một số thực vật sống trên cạn, dưới nước đối với con người.

- Trình bày được ích lợi hoặc tác hại của một số động vật sống trên cạn, dưới nước đối với con người.

- Nêu được tên một số thực vật, động vật quý hiếm có ở địa phương hoặc Việt Nam cần được bảo vệ.

 

Kỹ năng

- Quan sát và phân biệt được một số thực vật và động vật sống trên cạn, dưới nước.

- Biết chăm sóc, bảo vệ thực vật, động vật có ích, quý hiếm ở địa phương và hướng dẫn những người khác cùng thực hiện.

 

b) Bầu trời và Trái Đất

Kiến thức

- Mô tả bầu trời biểu kiến vào ban ngày và ban đêm.

- Kể được tên 4 phương, 8 hướng; phương Mặt Trời mọc và lặn.

- Nhận biết và mô tả một số hiện tượng của thời tiết như: nắng, mưa, gió, nóng, rét…

Kỹ năng

- Quan sát và nêu nhận xét bầu trời ban ngày và ban đêm.

- Biết tìm phương hướng bằng Mặt trời.

 

 

LỚP 3

Chủ đề

Mức độ cần đạt

Ghi chú

1. Con người và sức khỏe

 

 

a) Cơ thể người

Kiến thức

- Xác định được vị trí và chức năng của cơ quan hô hấp, tuần hoàn, bài tiết nước tiểu và thần kinh.

Kỹ năng

- Quan sát tranh vẽ (mô hình) và chỉ đúng vị trí các bộ phận của cơ quan hô hấp, tuần hoàn, bài tiết nước tiểu và thần kinh.

 

b) Vệ sinh phòng bệnh

Kiến thức

 

- Trình bày được một số việc cần làm để giữ gìn, bảo vệ các cơ quan hô hấp, tuần hoàn, bài tiết nước tiểu và thần kinh.

- Ví dụ: tập thở sâu; thở không khí trong sạch; hoạt động lao động và tập thể dục thể thao vừa sức; ngủ, nghỉ ngơi và học tập, làm việc điều độ,…

- Nêu được tên và nguyên nhân gây ra một số bệnh thường gặp ở cơ quan hô hấp, tuần hoàn và bài tiết nước tiểu.

- Ví dụ: viêm mũi, viêm họng, lao phổi, thấp tim, viêm nhiễm các bộ phận của cơ quan bài tiết nước tiểu.

- Nêu được một số việc làm có lợi hoặc có hại đối với thần kinh.

 

Kỹ năng

- Biết lập và thực hiện thời gian biểu hằng ngày của bản thân, biết hướng dẫn các thành viên trong gia đình cùng có nếp sống khoa học. 

- Biết phòng tránh và biết hướng dẫn người khác phòng tránh một số bệnh thường gặp ở cơ quan hô hấp, tuần hoàn, bài tiết nước tiểu.

- Biết phòng tránh và biết hướng dẫn người khác phòng tránh những việc làm có hại đối với thần kinh.

 

2. Xã hội
a) Các tổ chức xã hội

 

Kiến thức

- Nêu được nhiệm vụ chính của tổ chức chính quyền các cấp xã (phường), quận (huyện), tỉnh (thành phố).

- Nêu được nhiệm vụ chính của các đoàn thể (Đảng, Đoàn, Hội phụ nữ, Hội nông dân,…) ở địa phương.

Kỹ năng

- Vẽ được sơ đồ tổ chức chính quyền các cấp.

 

b) Địa phương

Kiến thức

- Nêu được địa danh, đặc điểm của tỉnh hoặc thành phố nơi đang sống.

- Trình bày được một số điểm khác nhau giữa làng quê và đô thị.

- Nêu được một số quy định đảm bảo an toàn khi đi xe đạp, xe máy.

- Nêu được tác hại của rác, phân và nước thải.

- Nêu được một số cách xử lý rác, phân, nước thải hợp vệ sinh.

Kỹ năng

Thực hiện và hướng dẫn người khác thực hiện vứt rác, đổ nước thải, đại tiểu tiện đúng nơi quy định.

 

3. Tự nhiên

 

 

 

 

a) Thực vật và động vật

Kiến thức

- Xác định được đặc điểm chung của thực vật. Nhận ra sự đa dạng và phong phú của thực vật.

- Thân, rễ, lá, hoa, quả.

- Ví dụ về sự đa dạng: các loài cây khác nhau có sự khác nhau về hình dạng, kích thước, màu sắc, cách mọc,… của thân, rễ, lá, hoa, quả.

- Trình bày được chức năng của thân, rễ, lá, hoa, quả đối với đời sống của thực vật và ích lợi của các bộ phận đó đối với đời sống con người.

 

- Xác định được đặc điểm chung của động vật. Nhận ra sự đa dạng và phong phú của động vật.

- Cơ thể gồm 3 phần: đầu, mình và cơ quan di chuyển.

 

- Ví dụ về sự đa dạng: các loài vật khác nhau có sự khác nhau về hình dạng, kích thước, cấu tạo ngoài.

- Trình bày được ích lợi hoặc tác hại của một số động vật đối với con người.

Kỹ năng

- Quan sát hình vẽ hoặc vật thật và chỉ được các bộ phận bên ngoài của một số thực vật và động vật.

 

b) Bầu trời và Trái Đất

Kiến thức

 

- Trình bày được vai trò của Mặt Trời đối với sự sống trên Trái Đất.

- Mặt Trời chiếu sáng và sưởi ấm Trái Đất.

- Nêu được vị trí của Trái Đất và Mặt Trời trong hệ Mặt Trời.

- Từ Mặt Trời ra xa dần, Trái Đất là hành tinh thứ 3.

- Nhận biết Trái Đất là một hành tinh của Mặt Trời và Mặt Trăng là vệ tinh của Trái Đất.

- Biết được một năm trên Trái Đất có bao nhiêu tháng, bao nhiêu ngày và mấy mùa.

- Nhận biết hình dạng của Trái Đất và nêu được đặc điểm của bề mặt Trái Đất, bề mặt lục địa.

Kỹ năng

- Sử dụng mũi tên để mô tả chiều chuyển động của Trái Đất quanh mình nó và quanh Mặt Trời.

- Sử dụng mũi tên để mô tả chiều chuyển động của Mặt Trăng quanh Trái Đất.

- Sử dụng mô hình để nói về hiện tượng ngày, đêm.

 

 

IV. GIẢI THÍCH – HƯỚNG DẪN

1. Quan điểm xây dựng và phát triển chương trình

a) Chương trình quán triệt tư tưởng tích hợp, coi tự nhiên, con người và xã hội là một tổng thể thống nhất có mối quan hệ qua lại; trong đó con người với những hoạt động của mình, vừa là cầu nối giữa tự nhiên và xã hội vừa tác động mạnh mẽ đến tự nhiên và xã hội.

b) Nội dung chương trình phù hợp với thời lượng cho phép, phù hợp với đối tượng thanh thiếu niên và người lớn chưa được đi học bao giờ hoặc phải bỏ học giữa chừng để đạt được trình độ tiểu học theo chuẩn của môn Tự nhiên và Xã hội trong chương trình giáo dục phổ thông.

c) Chương trình chú trọng đến các hoạt động quan sát, thực hành ứng dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào cuộc sống, lao động, sản xuất, công tác hằng ngày của học viên đồng thời là cơ sở để họ có thể học tiếp các môn Khoa học, Lịch sử và Địa lý ở tiểu học.

d) Nội dung chương trình môn Tự nhiên và Xã hội bao gồm 3 chủ đề chính như sau:

- Con người và sức khỏe: các cơ quan trong cơ thể, cách giữ vệ sinh thân thể, ăn, ở, nghỉ ngơi, lao động điều độ và an toàn, phòng tránh bệnh tật.

- Xã hội: các thành viên, các thế hệ trong gia đình; các tổ chức chính quyền và đoàn thể; các hoạt động nghề nghiệp của con người ở địa phương; một số cơ sở chăm lo đời sống vật chất, văn hóa, giáo dục, y tế,… ở địa phương.

- Tự nhiên: đặc điểm cấu tạo và môi trường sống của một số cây, con phổ biến ở địa phương; ích lợi hoặc tác hại của chúng đối với con người; một số thực vật và động vật quý hiếm cần được bảo vệ. Một số hiện tượng tự nhiên (thời tiết, ngày, đêm, các mùa,…); sơ lược về Mặt Trời, Mặt Trăng, sao và Trái Đất.

2. Về phương pháp dạy học

a) Căn cứ vào đối tượng học viên, giáo viên có thể lựa chọn và phối hợp nhiều phương pháp khác nhau như: quan sát, trình bày có sự tham gia của người học, động não, trò chơi, thảo luận, hỏi – đáp, thực hành,… để dạy học. Trong quá trình sử dụng những phương pháp dạy học nêu trên cần hướng vào việc tích cực hóa hoạt động học tập và phát triển tính sáng tạo của người học.

b) Do đối tượng học tập môn học là thanh thiếu niên và người lớn chưa được đi học bao giờ hoặc phải bỏ học giữa chừng, vì vậy không thể “bắt buộc” họ học. Đối tượng học viên này sẽ tìm thấy động cơ học tập khi bài học có thể giúp họ giải quyết những khó khăn thường gặp trong cuộc sống. Điều đó có nghĩa là với đối tượng này cần phải tạo động cơ, tạo ra một không khí làm cho mọi người tự giác, muốn học. Để làm được như vậy cần nhấn mạnh vào lợi ích: bài học sẽ đem lại những gì cho họ. Lợi ích mà họ tìm kiếm có thể không liên quan trực tiếp đến tài chính mà ở nhiều yếu tố liên quan đến thành công trong công việc, trong cuộc sống.

c) Do đặc trưng của môn học, giáo viên cần chú trọng hướng dẫn học viên biết cách quan sát, nêu thắc mắc, tìm tòi, phát hiện ra những kiến thức mới về con người và sức khỏe, tự nhiên và xã hội; tăng cường tổ chức những hoạt động thực hành để góp phần phát triển tư duy, rèn luyện kỹ năng môn học và kỹ năng sống; tăng cường hiệu quả học bằng cách tạo cơ hội cho học viên nhớ lại những thông tin mới học theo nhiều cách, như đặt câu hỏi, đưa ra bài tập đòi hỏi học viên nhớ lại những điều đã học, dành thời gian cho phần củng cố, yêu cầu học viên tóm tắt lại ý chính đã học,…

d) Đối tượng của môn học rất gần gũi với đời sống hằng ngày của học viên. Vì vậy, ngoài tranh ảnh, sơ đồ, mẫu vật, mô hình,… được cung cấp, giáo viên cần sử dụng khung cảnh trong thiên nhiên, gia đình và hoạt động sinh sống ở địa phương,… để dạy học. Khuyến khích giáo viên tự làm đồ dùng dạy học bằng những vật liệu sẵn có ở địa phương.

3. Về đánh giá kết quả học tập của học viên

a) Đánh giá kết quả học tập môn Tự nhiên và Xã hội, giáo viên cần quan tâm cả ba mặt kiến thức, kỹ năng và thái độ. Công cụ kiểm tra đánh giá cần được xây dựng theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học.

b) Kết quả học tập của học viên được ghi nhận bằng điểm và nhận xét cụ thể của giáo viên.

c) Tạo điều kiện cho học viên tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau thông qua các hoạt động học tập cá nhân, học nhóm và cả lớp.

d) Hình thức kiểm tra có thể vấn đáp hoặc bài viết (có thể sử dụng các câu hỏi trắc nghiệm hoặc tự luận ngắn).

4. Về vận dụng chương trình theo đặc điểm đối tượng và đặc điểm của địa phương

a) Lựa chọn phương pháp và phương tiện dạy học một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường và trình độ học viên.

b) Tạo điều kiện cho học viên được học ngoài thiên nhiên và trong thực tế của địa phương.

c) Khuyến khích học viên liên hệ, vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống hằng ngày.

d) Có thể thay đổi trật tự một số bài học cho phù hợp với điều kiện ở địa phương.

 

MÔN KHOA HỌC

I. MỤC TIÊU

Học xong môn Khoa học trong chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, học viên cần đạt được:

1. Một số kiến thức cơ bản và thực tế về:

- Sự trao đổi chất, nhu cầu dinh dưỡng, sự sinh sản, sự tăng trưởng và phát triển của con người. Cách phòng tránh một số bệnh thông thường và bệnh truyền nhiễm.

- Sự trao đổi chất, sự sinh sản của thực vật, động vật.

- Đặc điểm và ứng dụng của một số chất, một số vật liệu và nguồn năng lượng thường gặp trong đời sống và sản xuất.

2. Một số kỹ năng về:

- Ứng xử thích hợp trong một số tình huống có liên quan đến sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, biết hướng dẫn những người trong gia đình, cộng đồng cùng thực hiện.

- Quan sát, thực hành, áp dụng và hướng dẫn người khác áp dụng một số kiến thức vào đời sống, sản xuất.

- Nêu thắc mắc, đặt câu hỏi trong quá trình học tập, tìm thông tin để giải đáp, diễn đạt những hiểu biết bằng lời nói, bài viết, hình vẽ, sơ đồ,…

- Phân tích, so sánh, rút ra những dấu hiệu chung và riêng của một số sự vật, hiện tượng đơn giản trong tự nhiên.

3. Một số thái độ và hành vi:

- Tự giác thực hiện các quy tắc vệ sinh, an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

- Có ý thức vận dụng những kiến thức đã học vào đời sống.

- Yêu con người, thiên nhiên, đất nước, yêu cái đẹp.

- Có ý thức và hành động bảo vệ môi trường xung quanh.

II. NỘI DUNG

1. Kế hoạch dạy học

Nội dung

Giai đoạn II

Lớp 4 (tiết)

Lớp 5 (tiết)

Lớp 6 (tiết)

1. Con người và sức khỏe

10

10

20

2. Vật chất và năng lượng 

19

17

36

3. Thực vật và động vật

6

4

10

4. Môi trường và tài nguyên

0

4

4

Tổng số tiết

35

35

70

2. Nội dung dạy học từng lớp

 

LỚP 4

(35 tiết; trong đó, ôn tập và kiểm tra 5 tiết)

1. Con người và sức khỏe

a) Trao đổi chất ở người

- Một số biểu hiện về sự trao đổi chất giữa cơ thể người với môi trường.

- Vai trò của các cơ quan trong sự trao đổi chất giữa cơ thể người với môi trường.

b) Nhu cầu dinh dưỡng

- Một số chất dinh dưỡng có trong thức ăn và vai trò của chúng đối với cơ thể.

- Dinh dưỡng hợp lý.

- An toàn thực phẩm.

c) Vệ sinh phòng bệnh

- Phòng một số bệnh do ăn thiếu hoặc thừa chất dinh dưỡng.

- Phòng một số bệnh lây qua đường tiêu hóa.

d) An toàn trong cuộc sống

- Phòng tránh tai nạn đuối nước.

- Phòng tránh bỏng.

2. Vật chất và năng lượng

a) Nước

- Tính chất.

- Vai trò.

- Ô nhiễm nguồn nước; sử dụng và bảo vệ nguồn nước.

b) Không khí

- Tính chất, thành phần.

- Vai trò.

- Ô nhiễm không khí và bảo vệ bầu không khí.

c) Ánh sáng

- Vật tự phát sáng và vật được chiếu sáng.

- Vật cho ánh sáng đi qua và vật cản sáng.

- Vai trò của ánh sáng. Sử dụng ánh sáng trong đời sống.

d) Nhiệt

- Nhiệt độ, nhiệt kế.

- Nguồn nhiệt, vật dẫn nhiệt và vật cách nhiệt.

- Vai trò của nhiệt. Sử dụng an toàn và tiết kiệm một số nguồn nhiệt trong sinh hoạt.

đ) Âm thanh

- Nguồn âm.

- Vai trò của âm thanh trong cuộc sống.

- Một số biện pháp chống tiếng ồn.

3. Thực vật và động vật

a) Trao đổi chất ở thực vật

- Nhu cầu không khí, nước, chất khoáng, ánh sáng, nhiệt.

- Sự trao đổi chất giữa thực vật với môi trường.

b) Trao đổi chất ở động vật

- Nhu cầu không khí, nước, thức ăn, ánh sáng, nhiệt.

- Sơ đồ sự trao đổi chất giữa động vật với môi trường.

c) Chuỗi thức ăn trong tự nhiên

- Một số ví dụ về chuỗi thức ăn trong tự nhiên.

- Vai trò của thực vật đối với sự sống trên Trái Đất.

 

LỚP 5

(35 tiết; trong đó, ôn tập và kiểm tra 5 tiết)

1. Con người và sức khỏe

a) Sự sinh sản và phát triển của cơ thể người

- Sự sinh sản.

- Sự lớn lên và phát triển của cơ thể người.

b) Vệ sinh phòng bệnh

- Vệ sinh tuổi vị thành niên.

- Phòng tránh một số bệnh truyền nhiễm.

c) An toàn trong cuộc sống

- Sử dụng thuốc an toàn.

- Phòng tránh bị xâm hại.

- Không sử dụng các chất gây nghiện.

- Phòng tránh tai nạn giao thông.

2. Vật chất và năng lượng

a) Đặc điểm và ứng dụng của một số vật liệu thường dùng

- Sắt, gang thép, đồng, nhôm.

- Đá vôi, gạch, ngói, xi măng, thủy tinh.

b) Sự biến đổi của chất

- Ba thể của chất.

- Hỗn hợp và dung dịch.

- Sự biến đổi hóa học.

c) Sử dụng năng lượng

- Năng lượng than đá, dầu mỏ, khí đốt.

- Năng lượng mặt trời, gió, nước.

- Năng lượng điện.

3. Thực vật và động vật

a) Sự sinh sản của thực vật

- Cơ quan sinh sản.

- Trồng cây bằng hạt, thân, lá, rễ.

b) Sự sinh sản của động vật

- Một số động vật đẻ trứng.

- Một số động vật đẻ con.

4. Môi trường và tài nguyên thiên nhiên

a) Môi trường và tài nguyên

- Môi trường.

- Tài nguyên thiên nhiên.

b) Mối quan hệ giữa môi trường và con người

- Vai trò của môi trường đối với con người.

- Tác động của con người đối với môi trường.

- Một số biện pháp bảo vệ môi trường.

III. CHUẨN KIẾN THỨC, KỸ NĂNG

LỚP 4

Chủ đề

Mức độ cần đạt

Ghi chú

1. Con người và sức khỏe

 

 

a) Trao đổi chất ở người

Kiến thức

 

- Nêu được những yếu tố cần cho sự sống của con người.

- Thức ăn, nước uống, không khí, ánh sáng, nhiệt độ.

- Nêu được một số biểu hiện về sự trao đổi chất giữa cơ thể người với môi trường.

 

- Kể được tên một số cơ quan của cơ thể người tham gia trực tiếp vào quá trình trao đổi chất. Biết được nếu một cơ quan ngừng hoạt động thì cơ thể sẽ chết.

Kỹ năng

Vẽ sơ đồ trao đổi chất giữa cơ thể với môi trường.

- Các cơ quan trực tiếp tham gia vào quá trình trao đổi chất ở người: tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn, bài tiết.

b) Nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể

Kiến thức

- Kể tên những thức ăn có chứa nhiều chất đạm, chất bột đường, chất béo, các vi-ta-min, chất khoáng, chất xơ.

 

- Thịt, cá, trứng, tôm, cua,… chứa nhiều chất đạm.

- Gạo, bánh mì, ngôi, khoai,… chứa nhiều chất bột đường.

- Mỡ, dầu, bơ,… chứa nhiều chất béo.

- Cà rốt, gấc, lòng đỏ trứng, các loại rau,… chứa nhiều vi-ta-min.

- Thịt, cá, trứng, các loại rau có lá màu xanh thẫm,… chứa nhiều chất khoáng.

- Các loại rau chứa nhiều chất xơ.

- Nêu được vai trò của chất đạm, chất bột đường, chất béo, vi-ta-min, chất khoáng, chất xơ đối với cơ thể.

- Nêu được một số tiêu chuẩn của thực phẩm sạch và an toàn.

- Nêu được một số biện pháp thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Kể tên một số cách bảo quản thức ăn.

Kỹ năng

- Biết phân loại thức ăn theo nhóm chất dinh dưỡng.

- Quan sát bảng “Tháp dinh dưỡng cân đối cho một người trong một tháng” và nói được tên nhóm thức ăn cần ăn đủ, ăn vừa phải, ăn có mức độ, ăn ít và ăn hạn chế.

- Nêu được tại sao cần ăn phối hợp nhiều loại thức ăn và thường xuyên thay đổi món.

- Thực hiện ăn phối hợp các loại thức ăn khác nhau.

 

- Thực hiện một số biện pháp bảo quản thức ăn ở nhà.

- Làm khô, ướp lạnh, ướp mặn, đóng hộp,…

c) Vệ sinh phòng bệnh

Kiến thức

- Nêu cách phòng tránh một số bệnh do ăn thiếu hoặc ăn thừa chất dinh dưỡng.

- Kể tên, nguyên nhân và cách phòng tránh một số bệnh lây qua đường tiêu hóa.

- Nhận biết người bệnh cần được ăn uống đủ chất, chỉ một số bệnh phải ăn kiêng.

Kỹ năng

- Thực hiện giữ vệ sinh ăn uống để phòng bệnh.

- Phân biệt được lúc cơ thể khỏe mạnh và lúc cơ thể bị bệnh.

- Biết xác định tình trạng sức khỏe của bản thân khi trong người khó chịu, không bình thường để xử lý kịp thời.

- Biết ăn uống hợp lý khi bị bệnh.

- Biết cách phòng chống mất nước khi bị tiêu chảy.

 

d) An toàn trong cuộc sống

Kiến thức

- Nêu được một số việc nên và không nên làm để phòng tránh tai nạn đuối nước.

- Nêu được một số việc nên và không nên làm để phòng tránh bỏng.

Kỹ năng

- Thực hiện và hướng dẫn người khác thực hiện được các quy tắc an toàn phòng tránh đuối nước.

- Biết cách sơ cứu khi bị bỏng.

 

2. Vật chất và năng lượng

a) Nước

Kiến thức

- Trình bày được một số tính chất của nước và ứng dụng một số tính chất đó trong đời sống.

 

- Nước là chất lỏng, trong suốt, không màu, không mùi, không vị, không có hình dạng nhất định; nước chảy từ cao xuống thấp, chảy lan ra khắp mọi phía, thấm qua một số vật và hòa tan một số chất.

- Xác định được nước tồn tại ở ba thể: lỏng, khí, rắn.

- Trình bày được vòng tuần hoàn của nước trong tự nhiên.

 

- Nêu được vai trò của nước trong đời sống, sản xuất và sinh hoạt.

- Nước giúp cơ thể hấp thu được những chất dinh dưỡng hòa tan lấy từ thức ăn và tạo thành các chất cần cho sự sống của sinh vật. Nước giúp thải các chất thừa, chất độc hại. Nước được sử dụng trong đời sống hằng ngày, trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.

- Nêu được một số cách làm sạch nước.

- Nêu được một số nguyên nhân làm ô nhiễm nguồn nước và các biện pháp bảo vệ nguồn nước.

Kỹ năng

- Quan sát và làm thí nghiệm để phát hiện ra một số tính chất của nước.

- Làm thí nghiệm về sự chuyển thể của nước.

- Vẽ sơ đồ vòng tuần hoàn của nước trong tự nhiên.

- Thực hiện và hướng dẫn những người trong gia đình tiết kiệm nước và bảo vệ nguồn nước.

- Lọc, khử trùng, đun sôi,…

b) Không khí

Kiến thức

 

- Trình bày được một số tính chất và thành phần của không khí.

- Không khí trong suốt, không có màu, không có mùi, không có hình dạng nhất định; không khí có thể bị nén lại và dãn ra.

- Thành phần chính của không khí gồm khí ni-tơ và khí ô-xy. Ngoài ra còn có khí các-bô-nic, hơi nước, bụi, vi khuẩn,…

- Nêu được ví dụ ứng dụng một số tính chất của không khí trong đời sống.

- Trình bày được vai trò và ứng dụng của không khí trong sự sống và sự cháy.

- Giải thích được nguyên nhân gây ra gió.

- Nêu được một số tác hại của bão và cách phòng chống.

- Nêu được một số nguyên nhân gây ô nhiễm không khí và một số biện pháp bảo vệ không khí trong sạch.

Kỹ năng

- Làm thí nghiệm để nhận biết xung quanh mọi vật và chỗ rỗng bên trong vật đều có không khí.

- Quan sát và làm thí nghiệm để phát hiện ra một số tính chất của không khí.

- Làm thí nghiệm để nhận ra không khí chuyển động tạo thành gió.

- Ví dụ: bơm xe,…

c) Nhiệt

Kiến thức

- Xác định được các vât nóng hơn thì có nhiệt độ cao hơn, các vật lạnh hơn thì có nhiệt độ thấp hơn; vật ở gần vật nóng hơn thì thu nhiệt nên nóng lên; vật ở gần vật lạnh hơn thì bị mất nhiệt nên lạnh đi.

 

- Kể được tên một số vật dẫn nhiệt tốt và dẫn nhiệt kém.

- Các kim loại (đồng, nhôm,..) dẫn nhiệt tốt. Không khí, các vật xốp như bông, len,… dẫn nhiệt kém.

- Nhận biết được chất lỏng nở ra khi nóng lên, co lại khi lạnh đi.

- Kể tên và nêu được vai trò của một số nguồn nhiệt.

Kỹ năng

- Biết cách sử dụng nhiệt kế trong đời sống và sản xuất.

 

- Thực hiện và hướng dẫn người khác thực hiện được một số biện pháp an toàn, tiết kiệm khi sử dụng các nguồn nhiệt trong sinh hoạt.

- Ví dụ: theo dõi khi đun nấu; tắt bếp khi không dùng nữa;…

d) Ánh sáng

Kiến thức

 

- Nêu được ví dụ về các vật tự phát sáng và các vật được chiếu sáng; một số vật cho ánh sáng truyền qua và một số vật không cho ánh sáng truyền qua; vai trò của ánh sáng đối với sự sống.

- Giải thích được tại sao người và động vật có thể nhìn thấy mọi vật.

- Xác định được nguyên nhân tạo ra bóng tối. Giải thích được lý do khiến bóng của vật thay đổi.

- Vật tự phát sáng: Mặt Trời, ngọn lửa,…

- Vật được chiếu sáng: Mặt Trăng, bàn ghế,…

Kỹ năng

 

- Tránh được những trường hợp ánh sáng quá mạnh chiếu vào mắt, không đọc, viết dưới ánh sáng quá yếu đồng thời biết hướng dẫn những người khác cùng thực hiện.

- Không nhìn thẳng vào Mặt Trời, không nhìn trực tiếp vào ánh sáng tia lửa hàn,…

đ) Âm thanh

Kiến thức

- Nhận biết âm thanh do vật rung động phát ra.

- Nêu ví dụ chứng tỏ âm thanh có thể truyền qua chất khí, chất lỏng, chất rắn.

- Giải thích được sự truyền âm.

 

- Nêu được ví dụ về ích lợi của âm thanh trong cuộc sống.

- Âm thanh dùng để giao tiếp trong sinh hoạt, học tập, lao động, giải trí; dùng để báo hiệu (còi tàu, xe,…).

- Nêu được ví dụ về tác hại của tiếng ồn.

- Ảnh hưởng đến sức khỏe (đau đầu, mất ngủ); gây mất tập trung trong công việc,…

Kỹ năng

- Thực hiện và hướng dẫn người khác thực hiện các quy định không gây ồn nơi công cộng.

 

- Biết cách phòng chống tiếng ồn trong cuộc sống.

- Ví dụ: bịt tai khi nghe âm thanh quá to, đóng cửa để ngăn cách tiếng ồn,…

3. Thực vật và động vật

a) Trao đổi chất ở thực vật

Kiến thức

- Xác định được những yếu tố cần để duy trì sự sống của thực vật. Biết áp dụng kiến thức đó trong trồng trọt.

 

- Thực vật cần có đủ nước, chất khoáng, không khí, ánh sáng và nhiệt độ thì mới sống và phát triển bình thường.

- Trình bày được sự trao đổi chất của thực vật với môi trường.

- Thực vật thường xuyên phải lấy từ môi trường các chất khoáng, khí các-bô-níc, nước, khí ô-xy và thải ra hơi nước, khí ô-xy, khí các-bô-níc, chất khoáng khác…

Kỹ năng

- Vẽ sơ đồ sự trao đổi chất giữa thực vật với môi trường.

 

b) Trao đổi chất ở động vật

Kiến thức

- Xác định được những yếu tố cần để duy trì sự sống của động vật. Biết áp dụng kiến thức đó trong chăn nuôi.

 

- Động vật cần có đủ nước, chất khoáng, không khí, ánh sáng và nhiệt độ thì mới sống và phát triển bình thường.

- Trình bày được sự trao đổi chất của động vật với môi trường.

- Động vật thường xuyên phải lấy từ môi trường thức ăn, nước, khí ô-xy và thải ra các chất cặn bã, khí các-bô-níc, nước tiểu,…

Kỹ năng

Vẽ sơ đồ sự trao đổi chất giữa động vật với môi trường.

 

c) Chuỗi thức ăn trong tự nhiên

Kiến thức

- Nêu được ví dụ về chuỗi thức ăn trong tự nhiên.

 

- Trình bày được vai trò của thực vật đối với sự sống trên Trái Đất.

- Nhờ quá trình quang hợp, thực vật cung cấp chất dinh dưỡng và khí ô-xy cho người và động vật, duy trì sự sống trên Trái Đất.

Kỹ năng

Vẽ sơ đồ mối quan hệ về thức ăn giữa sinh vật này với sinh vật khác.

 

 

LỚP 5

Chủ đề

Mức độ cần đạt

Ghi chú

1. Con người và sức khỏe

a) Sinh sản và phát triển cơ thể người

Kiến thức

- Biết sử dụng các thuật ngữ khoa học như: trứng, tinh trùng, thụ tinh, thụ thai, hợp tử, phôi, bào thai để trình bày về quá trình sinh sản ở người.

- Nêu được ý nghĩa của sự sinh sản ở người và sự cần thiết phải thực hiện Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ).

- Trình bày được những việc nên làm và không nên làm đối với phụ nữ có thai để đảm bảo mẹ khỏe và thai nhi khỏe.

 

- Trình bày được sự thay đổi về sinh học và xã hội ở các giai đoạn phát triển khác nhau của con người.

- Ví dụ: giai đoạn ấu thơ, vị thành niên, trưởng thành, trung niên, tuổi già.

- Nhận ra sự cần thiết phải thay đổi một số quan niệm của xã hội về vai trò của nam, nữ.

 

Kỹ năng

- Thực hiện bình đẳng giới, không phân biệt nam, nữ trong mọi hoạt động ở gia đình và cộng đồng, đồng thời tuyên truyền cho những người khác cùng thực hiện.

- Thực hiện và tuyên truyền cho những người khác cùng thực hiện KHHGĐ.

 

b) Vệ sinh phòng bệnh

Kiến thức

- Nêu được những việc nên và không nên làm để bảo vệ sức khỏe cho bà mẹ khi mang thai.

- Nêu được những việc nên và không nên làm để giữ vệ sinh, bảo vệ sức khỏe ở tuổi vị thành niên.

- Nêu được nguyên nhân, đường lây truyền và cách phòng tránh một số bệnh.

Kỹ năng

- Thực hiện hoặc hướng dẫn cho con, em trong gia đình biết giữ vệ sinh cá nhân ở tuổi vị thành niên.

 

- Thực hiện và hướng dẫn người khác thực hiện các biện pháp phòng tránh một số bệnh truyền nhiễm.

- Sốt rét, sốt xuất huyết, viêm màng não, viêm gan, HIV/AIDS.

c) An toàn trong cuộc sống

Kiến thức

- Nhận thức được sự cần thiết phải dùng thuốc an toàn.

- Nêu được tác hại của ma túy, thuốc lá, rượu, bia.

- Nêu được một số quy tắc an toàn cá nhân, phòng tránh bị xâm hại.

- Nêu được một số việc nên và không nên làm để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Kỹ năng

- Từ chối và vận động người khác không sử dụng rượu, bia, thuốc lá, ma túy.

- Nhận biết và hướng dẫn người khác nhận biết được nguy cơ khi bản thân có thể bị xâm hại.

- Biết cách phòng tránh và ứng phó khi có nguy cơ bị xâm hại đồng thời biết hướng dẫn người khác cách phòng tránh.

 

2. Vật chất và năng lượng

a) Đặc điểm và ứng dụng của một số vật liệu thường dùng

 

 

Kiến thức

- Trình bày được một số tính chất và ứng dụng của sắt và hợp kim của sắt; đồng và hợp kim của đồng; nhôm trong sản xuất và đời sống.

 

- Ví dụ: Đồng có ánh kim, dẻo (dễ uốn, dễ kéo dài thành sợi, dễ rèn, dập).

- Xác định được một số tính chất và công dụng của đá vôi.

- Ví dụ: Đá vôi bị sủi bọt khi tiếp xúc với a-xít.

- Trình bày được tính chất và cách sản xuất gạch, ngói, xi măng, thủy tinh, cao su.

- Cao su: đàn hồi.

- Trình bày được tính chất của chất dẻo và tơ sợi.

- Chất dẻo: không dẫn điện, cách nhiệt.

- Tơ sợi tự nhiên: thấm nước, khi cháy có tàn tro.

- Tơ sợi nhân tạo: không thấm nước, khi cháy sợi sun lại.

Kỹ năng

- Biết cách và hướng dẫn người khác cách bảo quản một số đồ dùng được làm từ gang, thép; đồng và nhôm.

- Biết cách và hướng dẫn người khác cách bảo quản một số vật liệu xây dựng, gạch, ngói, xi măng, đá vôi.

- Biết cách và hướng dẫn người khác cách bảo quản và phân biệt tơ sợi tự nhiên và tơ sợi nhân tạo.

 

b) Sự biến đổi của chất

Kiến thức

- Nêu được ví dụ về một số chất ở thể rắn, thể lỏng và thể khí; hỗn hợp và dung dịch.

- Nêu được một số ví dụ về biến đổi hóa học xảy ra do tác dụng của nhiệt hoặc tác dụng của ánh sáng.

Kỹ năng

- Phân biệt được hỗn hợp và dung dịch.

- Thực hành tách các chất ra khỏi một số hỗn hợp và dung dịch.

 

c) Năng lượng

Kiến thức

 

- Nhận biết mọi hoạt động và biến đổi (vị trí, hình dạng, nhiệt độ,…) đều cần năng lượng. Nêu được ví dụ.

 

- Kể tên một số nguồn năng lượng và công dụng của chúng trong đời sống và sản xuất.

- Sử dụng năng lượng mặt trời: chiếu sáng, sưởi ấm, phơi khô, phát điện,...

- Sử dụng năng lượng gió: điều hòa khí hậu, làm khô, chạy động cơ gió,…

- Sử dụng năng lượng nước chảy: quay guồng nước, chạy máy phát điện,…

- Sử dụng năng lượng than đá, dầu mỏ, khí đốt: nấu ăn, thắp sáng, chạy máy,…

- Nêu được một số biện pháp phòng chống cháy, bỏng, ô nhiễm khi sử dụng năng lượng chất đốt.

- Nêu được một số quy tắc cơ bản sử dụng an toàn, tiết kiệm điện.

Kỹ năng

- Thực hiện và vận động người khác tiết kiệm năng lượng chất đốt.

 

- Lắp được mạch điện thắp sáng đơn giản.

- Sử dụng pin, bóng đèn, dây dẫn để lắp mạch điện đơn giản.

3. Thực vật và động vật

a) Sinh sản của thực vật

 

 

Kiến thức

- Xác định được cơ quan sinh sản của thực vật có hoa và điều kiện nảy mầm của hạt.

- Nhận biết được sự sinh sản hữu tính và vô tính ở thực vật.

Kỹ năng

- Phân biệt được nhị và nhụy; hoa đực và hoa cái.

- Chỉ trên hình vẽ hoặc vật thật cấu tạo của hạt, thành phần của phôi hạt.

 

b) Sinh sản của động vật

Kiến thức

- Xác định được một số động vật đẻ trứng và đẻ con.

- Nêu ví dụ về sự nuôi và dạy con của một số loài thú.

Kỹ năng

- Vẽ sơ đồ sự sinh sản của côn trùng, ếch.

 

4. Môi trường và tài nguyên thiên nhiên

Kiến thức

- Nêu được một số ví dụ về môi trường và tài nguyên.

- Nhận biết môi trường có ảnh hưởng lớn đến đời sống của con người.

 

- Nhận biết tác động của con người đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

- Tác động của con người đến môi trường: rừng, đất, nước, không khí.

- Nêu được một số biện pháp bảo vệ môi trường.

Kỹ năng

- Thực hiện và vận động, hướng dẫn người khác thực hiện một số biện pháp bảo vệ môi trường.

 

 

IV. GIẢI THÍCH – HƯỚNG DẪN

1. Quan điểm phát triển chương trình

a) Chương trình quán triệt tư tưởng tích hợp các nội dung của khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) với khoa học về sức khỏe.

b) Nội dung chương trình phù hợp với thời lượng cho phép, phù hợp với đối tượng thanh thiếu niên và người lớn chưa được đi học bao giờ hoặc phải bỏ học giữa chừng để đạt được trình độ tiểu học theo chuẩn của môn Khoa học trong chương trình giáo dục phổ thông.

c) Chương trình chú trọng đến việc hình thành và phát triển các kỹ năng trong học tập khoa học như quan sát, dự đoán, giải thích các sự vật, hiện tượng tự nhiên đơn giản và kỹ năng vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống lao động, sản xuất, công tác hằng ngày của học viên; đồng thời là cơ sở để họ có thể học tiếp các môn Sinh học, Vật lý, Hóa học ở cấp trên.

d) Nội dung chương trình môn Khoa học (ở lớp 4, 5) được phát triển tiếp nối từ chương trình môn Tự nhiên và Xã hội (ở các lớp 1, 2 và 3). Chương trình môn Tự nhiên và Xã hội bao gồm 3 chủ đề: con người và sức khỏe; xã hội; tự nhiên. Trong môn Khoa học chủ đề con người và sức khỏe vẫn được tiếp tục phát triển; còn chủ đề tự nhiên được phát triển thành 3 nội dung (chủ đề nhỏ): vật chất và năng lượng; thực vật và động vật (ở các lớp 4, 5); chủ đề môi trường và tài nguyên thiên nhiên (ở lớp 5). Riêng chủ đề xã hội không được phát triển tiếp, chỉ có một số mạch nội dung của chủ đề này như: an toàn khi ở nhà; an toàn giao thông là được tiếp tục phát triển và mở rộng hơn trong chủ đề con người và sức khỏe với tên gọi: an toàn trong cuộc sống.

2. Về phương pháp dạy học

a) Căn cứ đối tượng học viên, giáo viên có thể lựa chọn và phối hợp nhiều phương pháp khác nhau như: quan sát, trình bày có sự tham gia của người học, động não, trò chơi, đóng vai, thảo luận, hỏi – đáp, thí nghiệm, thực hành,… để dạy học. Trong quá trình sử dụng những phương pháp dạy học nêu trên cần hướng vào việc tích cực hóa hoạt động học tập và phát triển tính sáng tạo của người học.

b) Do đối tượng học tập môn học là thanh thiếu niên và người lớn chưa được đi học bao giờ hoặc phải bỏ học giữa chừng, vì vậy không thể “bắt buộc” họ học. Đối tượng học viên này sẽ tìm thấy động cơ học tập khi bài học giúp họ giải quyết những khó khăn thường gặp trong cuộc sống. Điều đó có nghĩa là với đối tượng này cần phải tạo động cơ, tạo ra một không khí làm cho mọi người tự giác, muốn học. Để làm được như vậy cần nhấn mạnh vào lợi ích: bài học sẽ đem lại những gì cho họ. Lợi ích mà họ tìm kiếm có thể không liên quan trực tiếp đến tài chính mà ở nhiều yếu tố liên quan đến thành công trong công việc, trong cuộc sống.

c) Tổ chức cho học viên thực hiện các hoạt động khám phá nhằm khêu gợi sự tò mò, khám phá khoa học, thói quen nêu thắc mắc, đặt câu hỏi, giải thích những tình huống trong đời sống và sản xuất của học viên; tăng cường tổ chức những hoạt động thực hành cho học viên (nếu có thể) để góp phần phát triển tư duy, rèn luyện kỹ năng môn học và kỹ năng sống; tăng cường hiệu quả học bằng cách tạo cơ hội cho học viên nhớ lại những thông tin mới học theo nhiều cách như đặt câu hỏi, đưa ra bài tập đòi hỏi học viên nhớ lại những điều đã học, dành thời gian cho phần củng cố, yêu cầu học viên tóm tắt lại ý chính đã học,…

d) Ngoài tranh ảnh, sơ đồ, mô hình, giáo viên cần chú trọng sử dụng các đồ vật, hiện tượng tự nhiên, thiên nhiên xung quanh,… để dạy học. Khuyến khích giáo viên tự làm đồ dùng dạy học bằng những vật liệu sẵn có ở địa phương.

3. Về cách đánh giá kết quả học tập của học viên

a) Đánh giá kết quả học tập môn Khoa học của học viên, giáo viên cần quan tâm cả ba mặt: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Công cụ kiểm tra đánh giá cần được xây dựng theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học.

b) Kết quả học tập của học viên được ghi nhận bằng điểm kết hợp với nhận xét cụ thể của giáo viên.

c) Tạo điều kiện cho học viên tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau thông qua các hoạt động học tập cá nhân, học nhóm và cả lớp.

d) Hình thức kiểm tra có thể vấn đáp hoặc bài viết (có thể sử dụng các câu hỏi trắc nghiệm khách quan hoặc tự luận ngắn).

4. Về vận dụng chương trình theo đặc điểm đối tượng và đặc điểm của địa phương

a) Lựa chọn phương pháp dạy học tùy theo điều kiện của địa phương và đặc điểm đối tượng học viên.

b) Tận dụng các điều kiện cụ thể của địa phương để tổ chức cho học viên học tập ở ngoài hiện trường (các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp, mỏ,…).

c) Khuyến khích học viên vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống hằng ngày.

d) Có thể thay đổi trật tự một số bài học cho phù hợp với điều kiện ở địa phương.

 

MÔN LỊCH SỬ VÀ ĐỊA LÝ

I. MỤC TIÊU

Học xong môn Lịch sử và Địa lý trong chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, học viên cần đạt được:

1. Nhớ và trình bày được một số kiến thức cơ bản ban đầu về:

a) Bản đồ và cách sử dụng bản đồ.

b) Các sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử tiêu biểu có tính hệ thống theo dòng thời gian của lịch sử Việt Nam từ buổi đầu dựng nước cho đến nay.

c) Thiên nhiên và hoạt động của con người ở một số vùng miền trên đất nước Việt Nam.

d) Một số đặc điểm chính về tự nhiên, dân cư, kinh tế của Việt Nam và các châu lục, một số quốc gia đại diện cho các châu lục.

2. Hình thành và phát triển các kỹ năng:

a) Học tập và nghiên cứu lịch sử, địa lý: quan sát, nhận xét, phân tích, so sánh, đánh giá các sự kiện, hiện tượng lịch sử và địa lý; phân tích, sử dụng bản đồ, biểu đồ, tranh ảnh, bảng số liệu ở mức độ đơn giản.

b) Thu thập, xử lý và trình bày thông tin về lịch sử, địa lý.

c) Vận dụng tri thức lịch sử, địa lý để giải thích ở mức độ đơn giản các hiện tượng, sự vật lịch sử, địa lý.

3. Từng bước phát triển thái độ, tình cảm:

a) Ham học hỏi để biết về lịch sử dân tộc, các hiện tượng tự nhiên, kinh tế - xã hội.

b) Có tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước.

c) Có ý thức tôn trọng, bảo vệ các thành quả lao động của con người, bảo vệ các di tích lịch sử và văn hóa.

d) Có ý thức trách nhiệm và tham gia vào các hoạt động sử dụng hợp lý, bảo vệ và cải tạo môi trường nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình và cộng đồng.

II. NỘI DUNG

1. Kế hoạch dạy học

TT

Nội dung chương trình

Thời lượng

(số tiết cho từng lớp)

Lớp 4

Lớp 5

Cộng

1

Bản đồ

2

 

2

 

Phần Lịch sử

 

 

 

2

Buổi đầu thời kỳ dựng nước và giữ nước: Nước Văn Lang, Âu Lạc (từ khoảng năm 700 TCN đến năm 179 TCN)

2

 

2

3

Thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc chống ách thống trị của các thế lực phong kiến phương Bắc (từ năm 179 TCN đến năm 938)

2

 

2

4

Thời kỳ xây dựng và bảo vệ quốc gia độc lập, tự chủ, thống nhất (từ cuối thế kỷ X đến giữa thế kỷ XVIII)

10

 

10

5

Buổi đầu triều Nguyễn (nửa đầu TK XIX)

2

 

2

6

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1858 – 1954)

 

10

10

7

Xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà (1954 – 1975)

 

4

4

8

Công cuộc xây dựng CNXH trong cả nước (1975 đến nay)

 

2

2

 

Phần Địa lý

 

 

 

9

Thiên nhiên và con người ở miền núi, trung du Việt Nam

6

 

6

10

Thiên nhiên và con người ở miền đồng bằng Việt Nam

8

 

8

11

Vùng biển, các đảo và quần đảo Việt Nam

1

 

1

12

Địa lý Việt Nam

- Địa lý tự nhiên

- Địa lý dân cư

- Địa lý kinh tế

 

 

5

1

5

11

13

Địa lý thế giới

 

6

6

 

Ôn tập và kiểm tra

2

2

4

 

Cộng

35

35

70

 

2. Nội dung dạy học từng lớp

 

LỚP 4

(35 tiết; trong đó có 2 tiết kiểm tra)

1. Bản đồ

a) Khái niệm, một số yếu tố của bản đồ.

b) Cách sử dụng bản đồ.

2. Phần Lịch sử

a) Buổi đầu thời kỳ dựng nước và giữ nước (từ khoảng năm 700 TCN đến năm 179 TCN)

- Sự ra đời của nước Văn Lang, Âu Lạc.

- Những nét chính về đời sống vật chất và tinh thần của người Việt cổ.

- Lý do nước Âu Lạc chiến thắng ngoại xâm và sau đó lại thất bại.

b) Thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc chống ách thống trị của các thế lực phong kiến phương Bắc (từ năm 179 TCN đến năm 938)

- Tình hình nước ta dưới ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc: thời gian đô hộ, cảnh thống khổ của nhân dân ta dưới ách đô hộ của các thế lực phương Bắc.

- Một số cuộc khởi nghĩa tiêu biểu và người lãnh đạo: Hai Bà Trưng, chiến thắng Bạch Đằng do Ngô Quyền lãnh đạo.

c) Buổi đầu độc lập (từ năm 938 đến năm 1009)

- Khái quát tình hình nước ta sau khi Ngô Quyền mất, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất.

d) Quốc gia Đại Việt thời Lý (từ năm 1009 đến năm 1226)

- Tên nước, vua, kinh đô.

- Cuộc kháng chiến chống Tống lần 2 và ý nghĩa của sự kiện lịch sử đó.

đ) Quốc gia Đại Việt thời Trần (từ năm 1226 đến năm 1400)

- Tên nước, vua, kinh đô.

- Ba lần chiến thắng quân Nguyên – Mông xâm lược.

e) Quốc gia Đại Việt buổi đầu thời Hậu Lê (thế kỷ XV)

- Chiến thắng Chi Lăng và ý nghĩa lịch sử của thắng lợi này.

- Một số chính sách khuyến học và một số học giả.

g) Quốc gia Đại Việt (thế kỷ XVI – XVIII)

- Lý do đất nước bị chia cắt, ranh giới Đàng trong, Đàng ngoài.

- Diễn biến sơ lược việc Quang Trung đại phá quân Thanh.

h) Buổi đầu triều Nguyễn (nửa đầu TK XIX)

- Nhà Nguyễn được thành lập (kinh đô, một số chính sách).

- Mô tả đôi nét về kinh thành Huế.

3. Phần Địa lý

a) Thiên nhiên và con người ở miền núi, trung du Việt Nam

- Dãy Hoàng Liên Sơn.

- Trung du Bắc Bộ.

- Tây Nguyên.

b) Thiên nhiên và con người ở miền đồng bằng Việt Nam

- Đồng bằng Bắc Bộ.

- Đồng bằng Nam Bộ.

- Đồng bằng duyên hải miền Trung.

c) Vùng biển, các đảo và quần đảo Việt Nam

 

LỚP 5

(35 tiết; trong đó có 2 tiết kiểm tra)

1. Phần Lịch sử

a) Hơn tám mươi năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và đô hộ (1858 – 1954)

- Một số sự kiện tiêu biểu (cuộc phản công ở kinh thành Huế của Tôn Thất Thuyết, biết tên một số người lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa như Phan Đình Phùng, Đinh Công Tráng…).

- Nguyễn Ái Quốc tìm đường cứu nước: hoàn cảnh Nguyễn Ái Quốc đi tìm đường cứu nước, nơi Người xuất phát…

- Sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: ngày 03 – 02 – 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Nguyễn Ái Quốc là người chủ trì hội nghị thành lập Đảng.

- Cách mạng tháng Tám tại Hà Nội (giành chính quyền thắng lợi ngày 19 – 8 – 1945).

b) Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp bảo vệ chính quyền non trẻ (1946 – 1954)

- Những khó khăn của nước ta sau Cách mạng tháng Tám: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm.

- Một số chiến dịch: Việt Bắc, Biên Giới, Điện Biên Phủ (nhấn mạnh chiến thắng Điện Biên Phủ và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng này).

c) Xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà (1954 – 1975)

- Miền Bắc:

+ Sau 1954, miền Bắc được giải phóng và xây dựng CNXH: nhà máy cơ khí Hà Nội.

+ Làm tròn nghĩa vụ hậu phương với miền Nam: đường Trường Sơn.

- Miền Nam:

+ Tình hình nước ta sau hiệp định Giơ-ne-vơ.

+ Phong trào Đồng Khởi.

+ Tiến vào Dinh Độc Lập: ngày 30 – 4 – 1975, quân ta giải phóng Sài Gòn, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

d) Công cuộc xây dựng CNXH trong cả nước (1975 đến nay)

- Hoàn thành thống nhất đất nước, Quốc hội chung cho cả nước được bầu vào tháng 4 và họp vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm 1976.

- Thành tựu xây dựng CNXH: nhà máy thủy điện Hòa Bình.

2. Phần Địa lý

a) Địa lý Việt Nam

- Một số đặc điểm của thiên nhiên.

- Một số đặc điểm về dân cư và dân tộc.

- Một số ngành kinh tế.

b) Địa lý thế giới

- Giới thiệu các châu lục và đại dương trên bản đồ thế giới.

- Một số đặc điểm của từng châu lục.

- Một số quốc gia tiêu biểu: Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia, Liên bang Nga, Pháp, Ai Cập, Hoa Kỳ, Ô-xtrây-li-a (vị trí, thủ đô, một số đặc điểm nổi bật của mỗi quốc gia).

III. CHUẨN KIẾN THỨC, KỸ NĂNG

LỚP 4

PHẦN LỊCH SỬ

Chủ đề

Mức độ cần đạt

Ghi chú

1. Buổi đầu thời kỳ dựng nước và giữ nước (từ khoảng năm 700 TCN đến năm 179 TCN)

Kiến thức

- Nắm được một số sự kiện về nước Văn Lang: kinh đô, thời gian tồn tại, những nét chính về đời sống vật chất và tinh thần của người Việt cổ.

 

- Biết địa điểm, kinh đô nước Văn Lang, các giai cấp trong xã hội Văn Lang.

- Hiểu một số nét vật chất của người Việt cổ (sản xuất, ăn, ở, phong tục…).

- Biết vì sao An Dương Vương tổ chức kháng chiến thắng lợi và sau đó lại thất bại.

- Biết Âu Lạc giành được thắng lợi là do đoàn kết, thất bại do chủ quan.

Kỹ năng

Xác định được vị trí nước Văn Lang, Âu Lạc trên bản đồ.

 

- Xác định được vị trí nước Văn Lang, Âu Lạc trên bản đồ.

2. Thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc chống ách thống trị của các thế lực phong kiến phương Bắc (từ năm 179 TCN đến năm 938)

Kiến thức

- Mô tả được một số nét về tình hình nước ta dưới ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc.

 

- Mô tả cảnh nhân dân ta phải cống nộp sản vật quý cho người Hán và cuộc sống cực nhọc của nhân dân ta.

- Nhớ được một số nét về khởi nghĩa Hai Bà Trưng và hiểu được đây là cuộc khởi nghĩa mở đầu cho thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc.

- Nêu lý do, thời gian, địa điểm, người lãnh đạo khởi nghĩa và ý nghĩa của các sự kiện lịch sử này.

- Tường thuật ngắn gọn trận Bạch Đằng do Ngô Quyền lãnh đạo và nêu được ý nghĩa của sự kiện này.

 

Kỹ năng

- Biết sử dụng bản đồ trong việc trình bày diễn biến các cuộc khởi nghĩa.

 

- Nhận biết vị trí, địa hình nơi diễn ra khởi nghĩa Hai Bà Trưng và chiến thắng Bạch Đằng.

3. Buổi đầu độc lập (từ năm 938 đến năm 1009)

Kiến thức

- Nắm được những nét khái quát tình hình nước ta sau khi Ngô Quyền mất.

 

- Chú ý chi tiết: triều đình lục đục, đất nước bị chia cắt, ngoại xâm lăm le…

- Trình bày được cuộc dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh.

- Kể vài nét về thời thơ ấu của Đinh Bộ Lĩnh và công lao của ông.

- Tường thuật sơ lược cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất năm 981 do Lê Hoàn chỉ huy.

- Nêu được vì sao Lê Hoàn tổ chức kháng chiến chống Tống. Diễn biến và kết quả của cuộc kháng chiến này (sử dụng lược đồ để trình bày diễn biến).

4. Quốc gia Đại Việt thời Lý (từ năm 1009 đến năm 1226)

Kiến thức

- Nắm được sự kiện: Lý Công Uẩn lên ngôi vua và rời đô ra Thăng Long.

 

- Giải thích lý do Lý Thái Tổ rời đô ra Thăng Long (đất rộng, ven sông, giao lưu thuận lợi).

- Trình bày trận chiến trên sông Như Nguyệt trên lược đồ.

- Tường thuật sơ lực về cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ hai (1075 – 1077).

- Phân tích bài thơ tương truyền của Lý Thường Kiệt.

- Kể sơ lược công lao của Lý Công Uẩn và Lý Thường Kiệt.

5. Quốc gia Đại Việt thời Trần (từ năm 1226 đến năm 1400)

Kiến thức

- Biết được sự quan tâm của nhà Trần tới sản xuất nông nghiệp.

 

- Giới thiệu một vài chính sách nói lên sự quan tâm của nhà Trần trong công cuộc đắp đê chống lũ lụt.

- Trình bày một số sự kiện chủ yếu về ba lần đánh thắng quân xâm lược Mông – Nguyên (quyết tâm của toàn dân, tài thao lược của Trần Hưng Đạo).

- Tường thuật khái quát về 3 lần chiến thắng chống quân Mông – Nguyên.

- Phân tích sự kiện: hội nghị Diên Hồng và chuyện Trần Quốc Tuấn bóp nát quả cam.

6. Quốc gia Đại Việt buổi đầu thời Hậu Lê (TK XV)

Kiến thức

- Nắm được diễn biến chính của chiến thắng Chi Lăng và sự thành lập nhà Hậu Lê.

 

- Chú ý ý nghĩa chiến thắng Chi Lăng.

- Khái quát sự phát triển của giáo dục, văn học và khoa học thời Hậu Lê.

- Nêu một số chính sách khuyến học và giới thiệu một vài học giả tiêu biểu: Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông.

7. Quốc gia Đại Việt thế kỷ XVI – XVIII

Kiến thức

- Nêu một vài sự kiện về việc chia cắt đất nước.

 

- Nêu lý do chia cắt đất nước.

 

- Chỉ trên lược đồ ranh giới Đàng trong, Đàng ngoài.

- Nêu diễn biến sơ lược các trận Hạ Hồi, Ngọc Hồi, Đống Đa.

- Phân tích công lao của Quang Trung.

Kỹ năng

- Đọc được bản đồ.

- Sử dụng bản đồ, lược đồ, tranh ảnh như nguồn tri thức để khai thác kiến thức phục vụ bài học.

 

8. Buổi đầu triều Nguyễn (nửa đầu TK XIX)

Kiến thức

- Hiểu được sự thành lập triều Nguyễn.

 

- Giới thiệu về triều Nguyễn.

- Nêu một số chính sách của nhà Nguyễn.

- Phân tích một số chính sách của nhà Nguyễn.

- Mô tả đôi nét về vẻ đẹp của kinh thành Huế.

- Dùng tranh ảnh miêu tả vẻ đẹp của kinh thành Huế.

Kỹ năng

- Sử dụng bản đồ, tranh ảnh trong việc xác định vị trí kinh thành Huế.

 

- Mô tả đôi nét vẻ đẹp của kinh thành Huế theo hiểu biết của mỗi học viên.

- Mô tả về kinh thành Huế theo sự hiểu biết của mình.

 

PHẦN ĐỊA LÝ

Chủ đề

Mức độ cần đạt

Ghi chú

1. Bản đồ

Kiến thức

- Nêu được định nghĩa đơn giản về bản đồ.

 

- Nhận biết một số yếu tố của bản đồ.

- Tên, phương hướng, tỷ lệ và ký hiệu bản đồ.

- Nêu được trình tự các bước sử dụng bản đồ ở mức độ đơn giản.

 

Kỹ năng

- Đọc bản đồ ở mức độ đơn giản.

- Đọc tên bản đồ, xem bảng chú giải, tìm đối tượng địa lý trên bản đồ.

2. Thiên nhiên và con người ở miền núi, trung du Việt Nam

 

 

a) Thiên nhiên

Kiến thức

- Nêu được một số đặc điểm tiêu biểu về địa hình, khí hậu của dãy Hoàng Liên Sơn, Trung du Bắc Bộ, Tây Nguyên.

 

- Hoàng Liên Sơn: núi cao hùng vĩ, có đỉnh Phan-xi-păng cao nhất nước ta, trên cao có khí hậu lạnh.

- Trung du: vùng chuyển tiếp đồng bằng và miền núi.

- Tây Nguyên: hệ thống cao nguyên xếp tầng cao thấp khác nhau.

- Mô tả sơ lược về sông ở miền núi, rừng rậm nhiệt đới, rừng rụng lá mùa khô.

- Sông: nhiều thác ghềnh.

- Rừng rậm nhiệt đới: nhiều loại cây, nhiều tầng tán.

- Rừng rụng lá mùa khô: thường chỉ có một loại cây.

- Nêu được một số vai trò của rừng đối với tự nhiên, đời sống và sản xuất.

Kỹ năng

- Chỉ dãy Hoàng Liên Sơn, các cao nguyên ở Tây Nguyên trên bản đồ tự nhiên Việt Nam.

- Phân tích bảng số liệu thống kê ở mức độ đơn giản.

 

b) Dân cư

Kiến thức

- Nhớ tên một số dân tộc thiểu số ở Hoàng Liên Sơn, Tây Nguyên.

- Biết được ở miền núi dân cư thưa thớt.

Kỹ năng

- Sử dụng tranh ảnh để mô tả nhà sàn, trang phục của một số dân tộc.

 

- Thái, Mông, Dao, Gia-rai, Ê-đê, Ba-na.

c) Hoạt động sản xuất

Kiến thức

- Nêu được một số hoạt động sản xuất chủ yếu của người dân ở Hoàng Liên Sơn, Trung du Bắc Bộ, Tây Nguyên.

- Nhận biết khó khăn về giao thông miền núi.

Kỹ năng

Sử dụng tranh ảnh, bảng số liệu để nhận biết một số đặc điểm về hoạt động sản xuất của người dân.

 

- Trồng trọt, chăn nuôi, nghề thủ công; khai thác: khoáng sản, lâm sản, sức nước.

d) Thành phố

Kiến thức

- Nêu được một số đặc điểm chủ yếu của thành phố Đà Lạt.

Kỹ năng

- Chỉ thành phố Đà Lạt trên bản đồ Việt Nam.

 

3. Thiên nhiên và con người ở miền đồng bằng Việt Nam

 

 

a) Thiên nhiên

Kiến thức

- Nêu được một số đặc điểm tiêu biểu về địa hình, khí hậu, đất, sông ngòi của đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Nam Bộ, đồng bằng duyên hải miền Trung

 

- Đồng bằng Bắc Bộ: hình tam giác, địa hình khá bằng phẳng, khí hậu có mùa đông lạnh, đất màu mỡ, nhiều sông ngòi.

- Đồng bằng Nam Bộ: địa hình khá bằng phẳng, nhiều sông ngòi kênh rạch, nhiều đất phèn đất mặn.

- Đồng bằng duyên hải miền Trung: nhiều đồng bằng nhỏ hẹp, đất ít màu mỡ.

Kỹ năng

- Nhận biết được đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Nam Bộ, dải đồng bằng duyên hải miền Trung trên bản đồ tự nhiên Việt Nam.

 

- Chỉ trên bản đồ một số sông lớn.

- Sông Hồng, sông Thái Bình, sông Tiền, sông Hậu.

- Phân tích bảng số liệu nhiệt độ Hà Nội ở mức độ đơn giản.

 

b) Dân cư

Kiến thức

- Nhớ tên một số dân tộc sống ở đồng bằng.

- Biết được đồng bằng là nơi dân cư đông đúc.

- Mô tả sơ lược về nhà ở, trang phục của một số dân tộc ở đồng bằng.

Kỹ năng

- Sử dụng tranh ảnh để mô tả nhà ở, làng, trang phục của một số dân tộc.

 

- Kinh, Chăm, Hoa, Khơ-me,…

c) Hoạt động sản xuất

Kiến thức

- Nêu một số hoạt động sản xuất chủ yếu của người dân ở đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Nam Bộ, dải đồng bằng duyên hải miền Trung

 

- Đồng bằng Bắc Bộ: trồng lúa, mùa đông trồng rau xứ lạnh; nuôi nhiều lợn và gia cầm; làm nhiều nghề thủ công;…

- Đồng bằng Nam Bộ: trồng nhiều lúa, cây ăn quả, nuôi trồng và chế biến thủy sản; chế biến lương thực, thực phẩm;…

- Đồng bằng duyên hải miền Trung: trồng lúa, mía, lạc,…; làm muối; nuôi, đánh bắt và chế biến thủy sản; du lịch;…

Kỹ năng

- Sử dụng tranh ảnh, bảng số liệu, biểu đồ để nhận biết một số hoạt động sản xuất của người dân.

- Chỉ trên bản đồ một số tuyến giao thông chính của vùng.

 

d) Thành phố

Kiến thức

- Nêu được một số đặc điểm chủ yếu của các thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Kỹ năng

- Chỉ trên bản đồ các thành phố trên.

 

4. Vùng biển, các đảo và quần đảo Việt Nam

Kiến thức

- Biết sơ lược về vùng biển, các đảo và quần đảo của nước ta.

 

- Biển Việt Nam là một bộ phận của biển Đông.

- Có nhiều đảo và quần đảo, hai quần đảo lớn Hoàng Sa, Trường Sa.

- Kể được tên một số hoạt động khai thác nguồn lợi chính của biển, đảo.

Kỹ năng

- Nhận biết được Biển Đông, các vịnh, đảo, quần đảo lớn của nước ta trên bản đồ Việt Nam.

 

 

LỚP 5

PHẦN LỊCH SỬ

Chủ đề

Mức độ cần đạt

Ghi chú

1. Hơn tám mươi năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và đô hộ (1858 – 1945)

Kiến thức

- Biết Trương Định là thủ lĩnh nổi tiếng của phong trào chống Pháp ở Nam Kỳ.

- Nêu được những băn khoăn của Trương Định: Giữa lệnh vua và ý dân, không biết làm thế nào là phải? Nhưng ông đã quyết tâm cùng nhân dân đứng lên khởi nghĩa.

- Nắm được: ngày 05 – 06 – 1911 tại bến cảng Nhà Rồng (thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Tất Thành (tên Bác Hồ lúc đó) ra đi tìm đường cứu nước.

- Giới thiệu tranh ảnh bến cảng Nhà Rồng, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

- Biết ngày 03 tháng 02 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người chủ trì hội nghị thành lập Đảng.

- Ghi nhớ: Bác Hồ là người chủ trì hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Biết ngày 19 – 8 – 1945 Cách mạng tháng Tám thành công ở Hà Nội.

- Ghi nhớ: 19 – 8 – 1945 là ngày Cách mạng tháng Tám thành công.

- Sử dụng tranh ảnh, tư liệu để giới thiệu sự kiện Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập.

2. Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954)

Kiến thức

- Nắm được những nét chính tình hình nước ta sau Cách mạng tháng Tám.

- Biết tình hình nước ta “ngàn cân treo sợi tóc”: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm và cách giải quyết của Đảng ta.

- Nắm sơ lược diễn biến một số chiến dịch: Việt Bắc, Biên Giới, Điện Biên Phủ

- Tường thuật những nét chính diễn biến và ý nghĩa của các chiến dịch, đi sâu vào chiến dịch Điện Biên Phủ.

- Sử dụng bản đồ, tranh ảnh để tường thuật khái quát diễn biến của một số chiến dịch.

Kỹ năng

- Xác định được vị trí của các cuộc khởi nghĩa trên bản đồ.

- Khai thác được kiến thức qua tranh ảnh, bản đồ, lược đồ.

 

3. Xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà (1954 – 1975)

Kiến thức

- Trình bày được đôi nét về tình hình miền Bắc sau năm 1954: miền Bắc được giải phóng và xây dựng CNXH, làm hậu phương cho miền Nam.

 

- Sử dụng bản đồ giới thiệu giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền Nam – Bắc.

- Nêu được đóng góp của miền Bắc cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

- Hiểu sơ lược tình hình miền Nam sau hiệp định Giơ-ne-vơ và âm mưu của Mỹ muốn chia cắt lâu dài đất nước ta.

- Nêu được hành động tàn ác của Mỹ - Diệm.

- Mô tả được những nét chính của phong trào “Đồng Khởi” ở Bến Tre.

- Kể một vài hành động phản ánh sự tàn ác của Mỹ - Diệm đối với nhân dân miền Nam.

- Hiểu được Bến Tre là tiêu biểu của phong trào Đồng Khởi toàn miền Nam.

- Trình bày những nét chính cuộc tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968.

- Mô tả được cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt khắp các đô thị toàn miền Nam vào tết Mậu Thân 1968.

- Mô tả được sự kiện: ngày 30 – 4 – 1975, quân dân ta tấn công giải phóng Sài Gòn, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

- Ghi nhớ: ngày 30 – 4 – 1975 giải phóng miền Nam, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ đây nước ta hoàn toàn độc lập, thống nhất.

Kỹ năng

- Nhận biết được vị trí quan trọng khi chiến dịch diễn ra: Sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, dinh Độc Lập,…

 

- Sử dụng bản đồ, tranh ảnh để trình bày và minh họa diễn biến của chiến dịch lịch sử.

4. Công cuộc xây dựng CNXH trong cả nước (1975 đến nay)

 

Kiến thức

- Biết sự kiện: tháng 4 – 1976, Quốc hội chung cho cả nước được bầu.

 

 

- Quốc hội chung cho cả nước được bầu vào tháng 4 và họp vào cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 1976.

- Trình bày được một số thành tựu xây dựng CNXH.

- Giới thiệu đôi nét về nhà máy thủy điện Hòa Bình.

- Nêu một số công trình ở địa phương mình.

Kỹ năng

- Biết sử dụng bản đồ, tranh ảnh và tư liệu tham khảo để mô tả thành tựu xây dựng CNXH.

 

5. Ôn tập – kiểm tra

Kiến thức

- Lập bảng tóm tắt các sự kiện tiêu biểu qua các thời kỳ lịch sử từ 1930 đến 1975.

Lập bảng tổng kết theo mẫu:

Ví dụ:

Mốc thời gian

Sự kiện chính

- 03-02-1930

Thành lập ĐCSVN

- 1947

…………

- 1950

…………

- ………

…………

Kỹ năng

- Biết cách hệ thống các sự kiện lịch sử.

 

 

PHẦN ĐỊA LÝ

Chủ đề

Mức độ kiến thức

Ghi chú

1. Địa lý Việt Nam

a) Địa lý tự nhiên

Kiến thức

- Mô tả sơ lược về vị trí và giới hạn nước Việt Nam.

- Trong vòng đai nhiệt đới Bắc bán cầu, ở Đông Nam Á.

- Gồm đất liền, biển, đảo.

- Nhớ diện tích phần đất liền của Việt Nam.

- Khoảng 330.000 km2.

- Nêu được một số đặc điểm chính của tự nhiên Việt Nam (địa hình, khí hậu, sông ngòi, đất, rừng, biển Việt Nam).

- Địa hình: 3/4 diện tích là đồi núi, chủ yếu đồi núi thấp.

- Khí hậu: nhiệt đới ẩm gió mùa, có sự khác nhau giữa miền Bắc và miền Nam.

- Sông ngòi: dày đặc, nước lên xuống theo mùa.

- Đất: phe-ra-lit ở miền núi, phù sa ở đồng bằng.

- Rừng: chủ yếu là rừng nhiệt đới.

- Biển rộng, nhiều tài nguyên.

- Kể tên một số khoáng sản chính của Việt Nam.

- Biết được mối quan hệ giữa khí hậu và sông ngòi, biển.

- Phân tích được vai trò của sông ngòi, biển đối với tự nhiên và đời sống, sản xuất.

Kỹ năng

- Nhận biết vị trí, giới hạn phần đất liền của Việt Nam trên bản đồ.

 

- Chỉ trên bản đồ.

+ Các dãy núi, cao nguyên, đồng bằng lớn, một số mỏ khoáng sản chính.

+ Ranh giới khí hậu Bắc – Nam.

+ Các sông: Hồng, Thái Bình, Mã, Cả, Đồng Nai, Tiền, Hậu.

- Than ở Quảng Ninh, sắt ở Thái Nguyên, apatit Lào Cai, dầu khí ở vùng biển phía Nam.

- Dãy Bạch Mã.

+ Một số điểm du lịch nghỉ mát nổi tiếng ven biển nước ta.

- Hạ Long, Nha Trang, Vũng Tàu,…

+ Nơi phân bố đất phe-ra-lit, đất phù sa, rừng rậm nhiệt đới, rừng ngập mặn.

- Đất phe-ra-lit ở miền núi, đất phù sa ở đồng bằng.

- Rừng rậm nhiệt đới có ở nhiều nơi, rừng ngập mặn ở ven biển.

- Nhận biết và mô tả rừng rậm nhiệt đới, rừng ngập mặn qua tranh ảnh.

- Nhận xét bảng số liệu về khí hậu ở mức độ đơn giản.

 

b) Địa lý dân cư

Kiến thức

- Nêu được một số đặc điểm của dân số và phân bố dân cư ở nước ta.

 

- Dân số đông, gia tăng dân số nhanh, phân bố dân cư không đều.

- Ghi nhớ số dân của nước ta ở một thời điểm cụ thể gần đây.

- Ví dụ: năm 2004 nước ta có khoảng 82 triệu người.

- Trình bày được hậu quả của dân số đông và tăng nhanh.

- Khó đáp ứng các nhu cầu của người dân về ăn, mặc, ở, học hành, chăm sóc y tế.

Kỹ năng

Sử dụng biểu đồ, bản đồ, bảng số liệu để nhận xét và rút ra đặc điểm dân số, phân bố dân cư ở mức độ đơn giản.

 

c) Địa lý kinh tế

Kiến thức

- Nêu được một số đặc điểm nổi bật về sản xuất và phân bố của nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản ở nước ta.

 

- Cơ cấu và vùng phân bố chủ yếu của mỗi ngành.

- Nêu được một số đặc điểm nổi bật về sản xuất và phân bố của công nghiệp.

- Nhiều ngành công nghiệp và thủ công nghiệp.

- Phân bố tập trung ở đồng bằng, ven biển. 

- Nhớ tên 2 trung tâm công nghiệp.

- Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

- Nêu được một số đặc điểm nổi bật về giao thông, thương mại, du lịch của nước ta.

- Nước ta có nhiều loại đường và phương tiện giao thông.

- Thương mại gồm nội thương và ngoại thương.

- Có nhiều điều kiện để phát triển du lịch, du lịch đang ngày càng phát triển.

- Nhớ tên một số địa điểm du lịch lớn.

- Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu.

Kỹ năng

- Sử dụng biểu đồ, bản đồ để nhận xét tình hình sản xuất, phân bố của các ngành nông, lâm, thủy sản, công nghiệp, giao thông vận tả.

- Chỉ trên bản đồ:

 

+ Một số trung tâm công nghiệp, ngành công nghiệp.

- Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, nhà máy thủy điện Hòa Bình.

+ Một số tuyến đường và đầu mối giao thông chính

- Đường sắt Bắc Nam, quốc lộ 1A; đầu mối giao thông: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

2. Địa lý thế giới

a) Châu Á

Kiến thức

- Nhận biết sơ lược các châu lục và đại dương qua bản đồ.

 

- Mô tả sơ lược về vị trí địa lý và giới hạn của châu Á.

 

- Nêu được một số đặc điểm điển hình về địa hình, khí hậu, dân cư và hoạt động sản xuất của người dân châu Á.

- 3/4 diện tích là núi và cao nguyên, núi cao và đồ sộ bậc nhất thế giới.

- Châu Á nhiều đới khí hậu (nhiệt đới, ôn đới, hàn đới).

- Châu lục có số dân đông nhất thế giới, chủ yếu là người da vàng.

- Đại đa số là các nước đang phát triển.

- Nêu được một số đặc điểm của khu vực Đông Nam Á và các nước láng giềng Việt Nam.

Kỹ năng

- Sử dụng quả địa cầu, bản đồ để nhận biết vị trí địa lý, giới hạn lãnh thổ châu Á.

 

- Đọc đúng tên và chỉ vị trí một số dãy núi, cao nguyên, đồng bằng, sông lớn của châu Á trên bản đồ.

- Dãy núi Hy-ma-lay-a; cao nguyên Tây Tạng; đồng bằng: Hoa Trung, Ấn Hằng, Mê Công; sông: Hoàng Hà, Mê Công.

- Sử dụng tranh ảnh, bản đồ để nhận xét và rút ra kết luận về đặc điểm dân cư và hoạt động sản xuất của người dân châu Á.

 

- Chỉ trên bản đồ và đọc tên nước, tên thủ đô các nước láng giềng của Việt Nam.

Trung Quốc (Bắc Kinh), Lào (Viêng Chăn), Cam-pu-chia (Phnôm Pênh).

b) Châu Âu

Kiến thức

- Mô tả sơ lược về vị trí địa lý và giới hạn của châu Âu.

 

- Nêu được một số đặc điểm điển hình về địa hình, khí hậu, dân cư và hoạt động sản xuất của người dân châu Âu.

- 2/3 diện tích là đồng bằng.

- Khí hậu: chủ yếu là ôn hòa.

- Chủ yếu là người da trắng.

- Nhiều nước có kinh tế phát triển.

- Nêu được một số đặc điểm nổi bật của Liên bang Nga và Pháp.

- Liên bang Nga: diện tích lớn nhất thế giới.

Kỹ năng

- Sử dụng quả địa cầu, bản đồ để nhận biết vị trí địa lý, giới hạn lãnh thổ châu Âu.

 

- Đọc đúng tên và chỉ vị trí một số dãy núi, cao nguyên, đồng bằng sông lớn của châu Âu trên bản đồ.

- Núi: An pơ, Các pát…

- Đồng bằng: Đông, Trung và Tây Âu…

- Sông: Von ga, Đa nuýp…

- Sử dụng tranh ảnh, bản đồ để nhận xét và rút ra kết luận về đặc điểm dân cư và hoạt động sản xuất của người dân châu Âu.

 

- Chỉ trên bản đồ và đọc tên nước, tên thủ đô một một số nước ở châu Âu.

- Nga (Mat-xcơ-va), Pháp (Pa ri)…

c) Châu Phi

Kiến thức

- Mô tả sơ lược về vị trí địa lý và giới hạn của châu Phi.

 

- Nêu được một số đặc điểm điển hình về địa hình, khí hậu, dân cư và hoạt động sản xuất của người dân châu Phi.

- Địa hình chủ yếu là cao nguyên.

- Khí hậu: nóng khô.

- Chủ yếu là người da đen.

- Sông Nin: dài nhất thế giới.

- Trồng cây công nghiệp nhiệt đới, khai thác khoáng sản.

- Nêu được một số đặc điểm của Ai Cập.

- Nền văn minh cổ đại, nổi tiếng về các công trình kiến trúc cổ.

Kỹ năng

- Sử dụng quả địa cầu, bản đồ để nhận biết vị trí địa lý, giới hạn lãnh thổ châu Phi.

- Chỉ vị trí hoang mạc Xa-ha-ra, sông Nin trên bản đồ.

 

- Chỉ trên bản đồ và đọc tên nước, tên thủ đô của Ai Cập

- Thủ đô: Cai-rô.

d) Châu Mỹ

Kiến thức

- Mô tả sơ lược về vị trí địa lý và giới hạn của châu Mỹ.

 

- Nêu được một số đặc điểm điển hình về địa hình, khí hậu, dân cư và hoạt động sản xuất của người dân châu Mỹ.

- Từ tây sang đông: núi cao, đồng bằng, núi thấp và cao nguyên.

- Có nhiều đới khí hậu.

- Nhiều chủng tộc, có nguồn gốc chủ yếu là người nhập cư.

- Bắc Mỹ có kinh tế phát triển cao hơn Trung và Nam Mỹ.

- Nêu được một số đặc điểm kinh tế của Hoa Kỳ.

- Nền kinh tế phát triển, nhiều ngành công nghiệp đứng hàng đầu thế giới.

Kỹ năng

- Sử dụng quả địa cầu, bản đồ để nhận biết vị trí địa lý, giới hạn lãnh thổ châu Mỹ.

 

- Đọc đúng tên và chỉ vị trí một số dãy núi, cao nguyên, đồng bằng, sông lớn của châu Mỹ trên bản đồ.

- Các dãy: Cooc-đi-e, An-đét…

- Cao nguyên: Bra-din…

- Đồng bằng: Trung tâm, A-ma-dôn…

- Sông: Mi-xi-xi-pi, A-ma-dôn…

- Sử dụng tranh ảnh, bản đồ để nhận xét và rút ra kết luận về đặc điểm dân cư và hoạt động sản xuất của người dân châu Mỹ.

 

- Chỉ trên bản đồ và đọc tên nước, tên thủ đô Hoa Kỳ.

- Thủ đô: Oa-sinh-tơn.

đ) Châu Đại Dương

Kiến thức

- Mô tả sơ lược về vị trí địa lý và giới hạn của châu Đại Dương.

 

- Nêu được một số khác biệt về tự nhiên giữa phần lục địa Ô-xtrây-lia và các đảo, quần đảo của châu Đại Dương.

- Ô-xtrây-lia: khí hậu khô hạn, hoang mạc và xa van chiếm phần lớn diện tích; nhiều loại thú có túi: căng-gu-ru, gấu túi.

- Các đảo: khí hậu đại dương nóng ẩm.

- Nêu được một số đặc điểm dân cư và hoạt động sản xuất của châu Đại Dương.

- Số dân ít nhất trong các châu lục.

- Ô-xtrây-lia: nền kinh tế - xã hội phát triển, nổi tiếng về xuất khẩu lông cừu, len, thịt bò.

Kỹ năng

- Sử dụng quả địa cầu, bản đồ để nhận biết vị trí địa lý, giới hạn lãnh thổ châu Đại Dương.

 

- Chỉ trên bản đồ và đọc tên nước, tên thủ đô của Ô-xtrây-lia.

- Thủ đô: Can-be-ra.

e) Châu Nam Cực

Kiến thức

- Mô tả sơ lược về vị trí địa lý và giới hạn của châu Nam Cực.

 

- Nêu được một số đặc điểm nổi bật của châu Nam Cực.

- Lạnh nhất thế giới, băng tuyết bao phủ quanh năm, chim cánh cụt là động vật tiêu biểu.

Kỹ năng

- Sử dụng quả địa cầu, bản đồ để nhận biết vị trí địa lý, giới hạn lãnh thổ châu Nam Cực.

 

 

IV. GIẢI THÍCH – HƯỚNG DẪN

1. Quan điểm xây dựng và phát triển chương trình

a) Chương trình được xây dựng ở góc độ liên môn. Lịch sử chú trọng về tiến trình thời gian, Địa lý chú trọng về sự phân bố không gian nhưng đều có những điểm chung là gắn với bản đồ, đều đề cập tới hoạt động của con người và thành tựu của những hoạt động đó. Các kiến thức của lịch sử cũng liên quan nhiều đến không gian địa lý, muốn hiểu rõ về tình hình phát triển và phân bố các đối tượng địa lý kinh tế - xã hội cũng cần phải có hiểu biết nhất định về lịch sử. Vì vậy trong quá trình dạy học, việc kết hợp các nội dung của hai phân môn Lịch sử và Địa lý sẽ giúp học viên nhận thức các vấn đề được trọn vẹn và thuận lợi hơn.

b) Nội dung chương trình phải mang tính khả thi: phù hợp thời lượng cho phép, đối tượng thanh thiếu niên và người lớn chưa được đi học bao giờ hoặc bỏ học giữa chừng để đạt trình độ chuẩn của môn Lịch sử và Địa lý ở tiểu học.

Về mức độ nội dung: giữa biết, hiểu, vận dụng, chương trình coi trọng mức độ biết (Lịch sử: sự kiện đó diễn ra ở đâu, lúc nào, ai khởi xướng?...; Địa lý: ở đâu, như thế nào?...) còn mức độ hiểu và vận dụng chỉ đòi hỏi ở yêu cầu nhất định và có ý nghĩa thiết thực với học viên.

c) Chương trình quan tâm tới điều kiện và kinh nghiệm sống của người học, chú trọng đến việc hình thành các năng lực cần thiết cho người lao động, đó là năng lực hoạt động, tham gia, hòa nhập cộng đồng và vận dụng các kiến thức, kỹ năng của bộ môn vào việc tìm hiểu các vấn đề về lịch sử và địa lý trong thực tiễn cuộc sống, tạo cơ sở để học lên các lớp trên.

d) Chú trọng việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm góp phần phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học viên trong học tập, bồi dưỡng phương pháp học tập lịch sử và địa lý để tiếp tục tìm hiểu, mở rộng vốn văn hóa của bản thân.

2. Phương pháp dạy học

a) Vận dụng các phương pháp dạy học theo hướng tích cực, lựa chọn và phối hợp nhiều phương pháp khác nhau để học viên được hoạt động tự phát hiện kiến thức, rèn luyện kỹ năng.

b) Giáo viên cần hướng dẫn cho học viên thu thập, tìm kiếm và lựa chọn thông tin, từ các nguồn tri thức (sách giáo khoa, bản đồ, tranh ảnh, sơ đồ, biểu đồ, mô hình, các phương tiện nghe nhìn,…).

c) Cần đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, kết hợp dạy học trong lớp và dạy học ngoài lớp, kết hợp dạy học toàn lớp với dạy học cá nhân, dạy học theo nhóm, cặp.

d) Nếu có điều kiện nên tổ chức cho học viên học ngoài hiện trường, tham quan, để giảm tính trừu tượng, tăng tính hấp dẫn của nội dung học tập.

3. Các điều kiện đảm bảo học tập

a) Sách giáo khoa, sách giáo viên.

b) Bản đồ, tranh ảnh lịch sử và địa lý, nếu có thể có một số băng/đĩa hình về lịch sử và địa lý.

4. Đánh giá kết quả học tập

a) Nội dung đánh giá: đánh giá kết quả học tập môn Lịch sử và Địa lý cần quan tâm cả ba mặt: kiến thức, kỹ năng, thái độ. Công cụ đánh giá cần được xây dựng theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học.

b) Hình thức và phương pháp kiểm tra đánh giá: bên cạnh hình thức và phương pháp kiểm tra truyền thống (kiểm tra vấn đáp, kiểm tra viết bằng câu hỏi tự luận), giáo viên nên áp dụng các hình thức và phương pháp khác như trắc nghiệm khách quan (lựa chọn đúng sai, câu nhiều lựa chọn, câu ghép đôi, câu điền khuyết…), các bài tập theo chủ đề, phiếu quan sát,…

c) Cách tiến hành: việc kiểm tra đánh giá thường do giáo viên thực hiện, tuy nhiên nên khuyến khích học viên tham gia vào quá trình đánh giá. Kết quả học tập cuối kỳ hoặc cả năm của học viên môn Lịch sử và Địa lý thực hiện bằng cách lấy điểm số trung bình của hai điểm Lịch sử và Địa lý, có kèm theo nhận xét.

5. Vận dụng theo đặc điểm địa phương, nhà trường và đối tượng học viên

a) Dạy học lịch sử và địa lý theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, cơ bản và thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện học tập của học viên, vì vậy cần lựa chọn phương pháp và phương tiện dạy học một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường.

b) Với những bài lịch sử, địa lý có nội dung phản ánh những đặc điểm của địa phương, nên dành thời gian cho học viên tìm hiểu, liên hệ thực tế kỹ hơn so với các nội dung khác.

c) Khuyến khích học viên liên hệ kiến thức với lịch sử, địa lý địa phương.

d) Tạo điều kiện để học viên được làm việc với sách giáo khoa, với các nguồn tư liệu và hệ thống phương tiện dạy học lịch sử và địa lý; nếu có điều kiện nên tổ chức cho học viên học tại các di tích lịch sử, viện bảo tàng, nhà truyền thống…; làm được như vậy thì nội dung học tập sẽ sinh động hơn, học viên hiểu bài sâu hơn và nắm kiến thức được chắc chắn hơn.

đ) Tạo điều kiện cho học viên đi tham quan ít nhất một địa điểm ở địa phương để học viên có thể thu được những thông tin cần thiết cho bài học lịch sử hoặc địa lý. Trường hợp không thể đưa học viên đi tham quan, giáo viên có thể mời người có hiểu biết về lĩnh vực kiến thức có liên quan đến nội dung bài học nói chuyện với học viên.

Phần thứ ba:

CHUẨN KIẾN THỨC, KỸ NĂNG VÀ YÊU CẦU VỀ THÁI ĐỘ HỌC VIÊN CẦN ĐẠT SAU KHI HỌC HẾT CHƯƠNG TRÌNH XÓA MÙ CHỮ VÀ GIÁO DỤC TIẾP TỤC SAU KHI BIẾT CHỮ

Giai đoạn 1:

XÓA MÙ CHỮ

I. TIẾNG VIỆT

1. Kiến thức

a) Âm và chữ viết

- Có kiến thức về chữ, âm, vần, thanh điệu.

- Hiểu biết về cách viết chữ thường, chữ hoa, dấu câu (dấu chấm, chấm hỏi, chấm than, phẩy, hai chấm), về cách viết câu không quá phức tạp, viết đoạn văn, văn bản ngắn.

b) Từ vựng

- Có thêm một số từ ngữ thường gặp trong đời sống và từ ngữ về hành chính, phổ biến khoa học, báo chí.

- Có thêm được vốn từ ngữ thông qua việc học thành ngữ, tục ngữ, ca dao.

- Bước đầu làm quen với từ ngữ có hình ảnh trong văn chương qua các đoạn, bài văn ngắn.

- Bước đầu hiểu về nghĩa của từ ngữ.

c) Ngữ pháp

- Hiểu biết về từ chỉ vật, chỉ hoạt động, chỉ tính chất.

- Hiểu biết về cấu tạo cơ bản của câu: chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ (mô hình phổ biến của câu tường thuật).

d) Phong cách ngôn ngữ và tu từ

- Có hiểu biết ban đầu về ngôn ngữ hành chính, phổ biến khoa học, báo chí.

- Nhận biết phép so sánh, phép nhân hóa trong bài đọc.

2. Kỹ năng

a) Đọc

- Đọc trơn các văn bản ngắn thuộc phong cách hành chính, phổ biến khoa học, báo chí và văn bản nghệ thuật có độ dài khoảng 200 chữ, tốc độ tối thiểu 70 – 80 chữ/phút.

- Đọc rõ ý của câu (biết nghỉ hơi ở chỗ có dấu câu và chỗ cần tách ý của câu).

- Đọc hiểu nghĩa của từ ngữ quen thuộc, hiểu nội dung của câu, của đoạn văn, bài ngắn có nội dung thường gặp.

b) Viết

- Biết viết chữ thường, chữ hoa, chữ số.

- Biết viết tên riêng Việt Nam và một số tên riêng nước ngoài.

- Viết chính tả bài dài khoảng 60 – 70 chữ trong 15 phút, không mắc quá 5 lỗi.

- Viết được câu, đoạn văn, bài ngắn.

c) Nghe

- Nghe hiểu được nội dung của đoạn văn, bài ngắn.

- Nghe viết được các bài chính tả có trong chương trình.

d) Nói

- Kể lại được nội dung chính của sự việc đã được nghe.

- Biết giới thiệu các thành viên trong một tổ chức.

- Biết phát biểu ý kiến trong cuộc họp.

- Biết sử dụng các nghi thức lời nói thích hợp (chú ý thực hiện phép lịch sự) trong giao tiếp.

3. Thái độ

a) Nhận biết lợi ích của việc học chữ trước mắt và lâu dài.

b) Xây dựng thái độ học tập đúng đắn môn tiếng Việt, vì nó là phương tiện cần thiết để học tốt các môn học khác.

c) Xây dựng thói quen nói tốt, viết đúng tiếng Việt; chú ý sử dụng tiếng Việt có văn hóa.

II. TOÁN

1. Kiến thức

a) Số học

- Có một số hiểu biết về hàng và lớp của số tự nhiên, biết cách so sánh các số tự nhiên. Biết một số chữ La Mã thường dùng.

- Biết ý nghĩa thực tế, tên gọi thành phần, kết quả của các phép tính cộng, trừ, nhân, chia và cách tìm thành phần chưa biết của mỗi phép tính trên. Biết các bảng cộng, trừ và nhân, chia. Biết cách cộng, trừ, nhân, chia các số tự nhiên. Biết một số tính chất của phép cộng và phép nhân.

- Biết biểu thức số, biểu thức chữ và quy tắc tính giá trị của biểu thức. Biết dãy số liệu, bảng thống kê số liệu và biểu đồ hình cột.

b) Đại lượng

- Biết: mi-li-mét, xăng-ti-mét, đề-xi-mét, mét, đề-ca-mét, héc-tô-mét, ki-lô-mét là các đơn vị đo độ dài; giây, phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm, thế kỷ là các đơn vị đo thời gian; gam, ki-lô-gam là các đơn vị đo khối lượng; lít là đơn vị đo dung tích; héc-ta, mẫu, sào, công, thước là các đơn vị đo diện tích ruộng đất. Biết ký hiệu và mối quan hệ của các đơn vị đo (đã học) của mỗi đại lượng trên.

- Biết cách nhận biết các loại đồng tiền Việt Nam qua số hoặc từ ghi trên đồng tiền.

c) Yếu tố hình học

- Biết điểm, đoạn thẳng, đường thẳng, đường gấp khúc, góc vuông, góc không vuông, hình tam giác, hình tứ giác, hình chữ nhật, hình vuông, hình tròn. Biết điểm ở trong, ở ngoài một hình. Biết điểm ở giữa và trung điểm của đoạn thẳng.

- Biết quy tắc tính chu vi, diện tích chữ nhật và hình vuông.

d) Giải bài toán có lời văn

- Biết bài giải của bài toán có lời văn gồm: lời giải, phép tính và đáp số.

2. Kỹ năng

a) Số học

- Đọc, viết được các số tự nhiên trong phạm vi lớp triệu. So sánh được các số tự nhiên có đến sáu chữ số. Đọc, viết được ; ,…, .

- Đọc, viết được các số bé hơn hai mươi ba viết bằng chữ số La Mã.

- Thực hiện được phép cộng, phép trừ các số tự nhiên có đến sáu chữ số, có nhớ không quá ba lượt và không liên tiếp. Thực hiện được phép nhân các số tự nhiên có nhiều chữ số với số có không quá ba chữ số (tích không quá sáu chữ số). Thực hiện được phép chia một số tự nhiên có nhiều chữ số cho một số có không quá hai chữ số (thương có không quá ba chữ số). Thực hiện được cộng, trừ nhẩm các số tròn trăm nghìn, tròn triệu (trong phạm vi lớp triệu). Thực hiện được nhân (chia) nhẩm một số tự nhiên với (cho) 10; 100; 1000. Bước đầu sử dụng được các tính chất (đã học) của phép cộng, phép nhân trong thực hành tính.

- Tính được giá trị của một biểu thức số, biểu thức chữ (chứa một, hai hoặc ba chữ) có đến hai dấu phép tính (có ngoặc hoặc không có ngoặc) trong các trường hợp đơn giản.

- Bước đầu sắp xếp được các số liệu trong dãy số liệu, nêu được nhận xét từ các số liệu trong một bảng thống kê số liệu, một biểu đồ hình cột.

b) Đại lượng

- Đọc và viết được số đo của một đại lượng có một hoặc hai tên đơn vị đo (đã học). Sử dụng được các đơn vị đo của các đại lượng (đã học) trong tính toán và đo lường.

- Chuyển đổi và tính toán được khi thu, chi bằng tiền Việt Nam.

c) Yếu tố hình học

- Nhận được dạng và gọi đúng tên các hình đã học.

- Xác định được: góc vuông, góc không vuông (bằng ê ke); điểm ở trong, điểm ở ngoài một hình; điểm ở giữa, trung điểm của một đoạn thẳng.

- Vẽ được đoạn thẳng có độ dài cho trước hoặc có hai đầu mút cho trước; hình tam giác, hình vuông, hình chữ nhật bằng cách nối các điểm hoặc kẻ thêm một đoạn thẳng thích hợp; hình tròn bằng compa.

- Tính được độ dài đường gấp khúc; chu vi hình tam giác, hình tứ giác, hình chữ nhật, hình vuông và diện tích hình chữ nhật, hình vuông.

d) Giải bài toán có lời văn

- Giải và trình bày được lời giải các bài toán có nội dung thực tế có tới hai bước tính.

3. Tư duy, tình cảm, thái độ

a) Bước đầu phát triển năng lực tư duy, khả năng suy luận logic và diễn đạt cách giải quyết một vấn đề đơn giản, gần gũi trong cuộc sống.

b) Có hứng thú học tập toán, có ý thức vận dụng kiến thức, kỹ năng toán vào thực tiễn.

c) Bước đầu làm việc có kế hoạch, khoa học, chủ động và linh hoạt.

III. TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI

1. Kiến thức

a) Nêu được một số chức năng của các giác quan, các cơ quan vận động, tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn, bài tiết, thần kinh ở người. Biết giữ vệ sinh và phòng tránh một số bệnh thông thường có liên quan đến các cơ quan trên.

b) Nêu được các thế hệ trong một gia đình và các mối quan hệ họ hàng nội, ngoại; nhiệm vụ chính của tổ chức chính quyền và đoàn thể ở địa phương; các biện pháp giữ vệ sinh môi trường.

c) Trình bày được đặc điểm cơ bản của một số thực vật và động vật; một số đặc điểm của bề mặt Trái Đất; vị trí của Trái Đất trong hệ Mặt Trời và vai trò của Mặt Trời đối với sự sống trên Trái Đất.

2. Kỹ năng

a) Biết cách chăm sóc sức khỏe và phòng tránh một số bệnh tật, tai nạn cho bản thân, đồng thời biết hướng dẫn những người trong gia đình, cộng đồng cùng thực hiện.

b) Biết cách quan sát, nhận xét, nêu thắc mắc, đặt câu hỏi và diễn đạt những hiểu biết của mình về sự vật, hiện tượng đơn giản trong tự nhiên và xã hội.

3. Thái độ

a) Có ý thức thực hiện các quy tắc giữ vệ sinh, an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

b) Yêu thiên nhiên, gia đình, quê hương.

Giai đoạn 2:

GIÁO DỤC TIẾP TỤC SAU KHI BIẾT CHỮ

I. TIẾNG VIỆT

1. Kiến thức

a) Âm và chữ viết

- Phân biệt được những âm và thanh riêng của địa phương mình khác với âm và thanh toàn dân, trên cơ sở đó nhận biết được một số âm, thanh chưa chuẩn của địa phương.

- Có ý thức viết chữ và dấu thanh đúng với âm và thanh toàn dân, cố gắng tránh viết sai do ảnh hưởng của tiếng địa phương.

- Viết tên riêng tiếng Việt và một số tên riêng nước ngoài thường gặp.

- Viết các chữ thường và chữ hoa.

- Biết trình bày đúng một bài viết ngắn, đơn giản.

b) Từ vựng

- Mở rộng vốn từ thường dùng trong đời sống và một số từ ngữ thuộc về hành chính, phổ biến khoa học, báo chí, một số thuật ngữ dùng trong văn học.

- Mở rộng vốn thành ngữ, tục ngữ, ca dao.

- Nhận biết được một số yếu tố Hán Việt thường gặp.

- Bước đầu hiểu về nghĩa gốc, nghĩa chuyển của từ; về từ nhiều nghĩa, từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ đồng âm.

c) Ngữ pháp

- Hiểu biết sơ bộ về một số từ loại cơ bản: danh từ, động từ, tính từ.

- Bước đầu nhận biết từ đơn, từ phức, từ ghép, từ láy.

- Bước đầu nhận biết câu đơn, câu ghép.

- Bước đầu nhận biết các kiểu câu tường thuật, nghi vấn, cầu khiến, cảm thán và biết sử dụng chúng một cách trực tiếp.

d) Phong cách ngôn ngữ và tu từ

- Nhận biết được sự khác nhau của văn bản hành chính, phổ biến khoa học, báo chí và nghệ thuật có chứa dấu hiệu rõ ràng.

- Hiểu được phép so sánh, phép nhân hóa dễ nhận biết trong bài đọc.

2. Kỹ năng

a) Đọc

- Đọc trơn các văn bản ngắn thuộc phong cách hành chính, phổ biến khoa học, báo chí và văn bản nghệ thuật có độ dài khoảng 250 – 300 chữ, tốc độ tối thiểu 100 – 120 chữ/phút.

- Đọc rõ, đúng ý của câu.

- Đọc hiểu nghĩa của từ ngữ quen thuộc, hiểu nội dung của câu không quá phức tạp, của đoạn văn, bài ngắn có nội dung thường gặp.

- Hiểu được nghĩa của từ ngữ trong bài đọc.

- Đọc và giải thích sơ đồ, biểu bảng thường gặp, mục lục sách.

b) Viết

- Viết được tên riêng tiếng Việt và một số tên riêng nước ngoài thường gặp.

- Viết chính tả bài dài khoảng 100 chữ trong 15 phút, không mắc quá 5 lỗi.

- Biết ghi lại ý chính của những bài đã đọc được, đã nghe được.

- Biết tổ chức một bài viết có ba phần.

- Viết được biên bản, báo cáo, thống kê đơn giản.

c) Nghe

- Nghe hiểu được các bài ngắn thuộc phong cách hành chính, phổ biến khoa học, báo chí.

- Nghe hiểu được ý định, tình cảm của người nói trong hội thoại.

d) Nói

- Kể lại được nội dung chính của các bài nói, bài viết dễ và ngắn thuộc phong cách hành chính, phổ biến khoa học, báo chí.

- Biết trao đổi ý kiến, thảo luận trong cuộc họp về những vấn đề thường gặp trong đời sống.

- Biết sử dụng các nghi thức lời nói thích hợp (chú ý tính lịch sự) trong giao tiếp có tính chất chính thức.

3. Thái độ

a) Có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, yêu tiếng Việt.

b) Ý thức được rằng tiếng Việt là công cụ quan trọng cho việc học tập suốt đời.

c) Có ý thức trau dồi lời nói, một biểu hiện của nhân cách.

II. TOÁN

1. Kiến thức

a) Số học

- Có một số kiến thức ban đầu về phân số, số thập phân, tỷ số, tỷ số phần trăm, số trung bình cộng của nhiều số và biểu đồ.

- Biết các quy tắc so sánh và cộng, trừ, nhân, chia phân số và số thập phân. Biết tính chất giao hoán, kết hợp của phép cộng, phép nhân phân số và số thập phân, tính chất nhân một tổng với một số.

b) Đại lượng

- Biết các bảng đơn vị đo: độ dài, khối lượng, diện tích, thời gian và mối quan hệ của các đơn vị trong mỗi bảng.

- Biết một số đơn vị đo thể tích (xăng-ti-mét khối, đề-xi-mét khối, mét khối), ký hiệu và mối quan hệ của các đơn vị trên.

- Biết khái niệm ban đầu về vận tốc của một chuyển động và một số đơn vị đo vận tốc (ki-lô-mét giờ, mét phút, mét giây) cùng ký hiệu của chúng. Biết mối quan hệ giữa vận tốc, thời gian và quãng đường.

c) Yếu tố hình học

- Biết góc nhọn, góc tù, góc bẹt, hai đường thẳng vuông góc, hai đường thẳng song song, ba dạng của hình tam giác. Biết hình bình hành, hình thoi, hình thang, hình hộp chữ nhật, hình lập phương và đặc điểm của mỗi hình trên. Biết hình trụ, hình cầu.

- Biết cách tính diện tích hình tam giác, hình thoi, hình thang. Biết cách tính chu vi và diện tích hình bình hành, hình tròn. Biết cách tính diện tích xung quanh, diện tích toàn phần và thể tích của hình hộp chữ nhật, hình lập phương.

d) Giải bài toán có lời văn

- Biết cách giải và trình bày bài giải có đến bốn bước tính.

2. Kỹ năng

a) Số học

- Đọc, viết được: phân số (có tử và mẫu không quá 100), phân số thập phân, hỗn số, số thập phân, tỷ số, tỷ số phần trăm. So sánh được hai phân số, hai số thập phân.

- Thực hiện được: các phép cộng, trừ, nhân, chia hai phân số; các phép cộng, nhân (trừ, chia) một phân số với (cho) một số tự nhiên; phép trừ một số tự nhiên cho một phân số.

- Thực hiện được phép cộng, phép trừ các số thập phân có đến ba chữ số ở phần thập phân, có nhớ không quá hai lượt. Thực hiện được các phép nhân: một số thập phân với một số tự nhiên có không quá hai chữ số, một số thập phân với một số thập phân (mỗi lượt nhân có nhớ không quá hai lượt và tích là số thập phân có không quá ba chữ số ở phần thập phân). Thực hiện được các phép chia: số thập phân cho số tự nhiên; số tự nhiên cho số tự nhiên, thương tìm được là một số thập phân; số tự nhiên cho số thập phân; số thập phân cho số thập phân (thương là số tự nhiên hoặc số thập phân có không quá ba chữ số ở phần thập phân). Sử dụng được các tính chất (đã học) của phép cộng, phép nhân các số thập phân trong thực hành tính. Thực hiện được nhân (chia) nhẩm một số thập phân với (cho) 10; 100; 1000 hoặc 0,1; 0,01; 0,001.

- Tính được tỷ số, tỷ số phần trăm của hai số. Tính được giá trị của biểu thức có đến ba dấu phép tính với các phân số hoặc số thập phân.

- Tính được trung bình cộng của nhiều số và thu thập, xử lý được một số thông tin đơn giản từ một biểu đồ hình cột, hình quạt.

b) Đại lượng

- Sử dụng được các đơn vị đo của các đại lượng (đã học) trong đo lường.

- Thực hiện được các phép tính với các số đo độ dài, số đo khối lượng, số đo diện tích, số đo thể tích trong một số tình huống thực tế. Thực hiện được phép cộng, phép trừ các số đo thời gian có đến hai tên đơn vị; phép nhân (chia) số đo thời gian có đến hai tên đơn vị với (cho) một số tự nhiên khác 0. Tính được vận tốc của ôtô, máy bay, người đi xe đạp, v.v…

c) Yếu tố hình học

- Vẽ được hai đường thẳng vuông góc, hai đường thẳng song song bằng thước thẳng và ê ke. Vẽ được đường cao của một tam giác trong trường hợp đơn giản.

- Tính được chu vi hình bình hành, hình tròn. Tính được diện tích hình tam giác, hình bình hành, hình thoi, hình thang, hình tròn. Tính được diện tích xung quanh, diện tích toàn phần và thể tích hình hộp chữ nhật, hình thập phương.

d) Giải bài toán có lời văn

- Giải và trình bày được lời giải các bài toán có nội dung thực tế và có đến bốn bước tính.

3. Tư duy, tình cảm, thái độ

a) Phát triển năng lực tư duy và có trí tưởng tượng.

b) Nhận thức được tác dụng của tri thức toán học trong thực tiễn đời sống, từ đó tự tin và có thái độ học tập đúng đắn.

c) Bước đầu biết cách tự học và xây dựng được nề nếp, động cơ học tập tiếp tục.

III. KHOA HỌC

1. Kiến thức

a) Trình bày được về sự trao đổi chất giữa cơ thể người, động vật, thực vật với môi trường; sự sinh sản của người, thực vật và động vật; sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể người; đặc điểm của vị thành niên, cách giữ vệ sinh và bảo vệ sức khỏe về thể chất, tinh thần ở tuổi vị thành niên; cách phòng tránh một số bệnh thông thường và bệnh truyền nhiễm.

b) Nêu được đặc điểm và ứng dụng của một số chất, một số vật liệu và nguồn năng lượng thường gặp trong đời sống và sản xuất.

2. Kỹ năng

a) Ứng xử thích hợp trong một số tình huống có liên quan đến sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, biết hướng dẫn những người trong gia đình, cộng đồng cùng thực hiện.

b) Quan sát, thực hành, áp dụng và hướng dẫn người khác áp dụng một số kiến thức vào đời sống, sản xuất.

c) Nêu thắc mắc, đặt câu hỏi trong quá trình học tập, tìm thông tin để giải đáp, diễn đạt những hiểu biết bằng lời nói, bài viết, hình vẽ, sơ đồ,…

d) Phân tích, so sánh, rút ra những dấu hiệu chung và riêng của một số sự vật, hiện tượng đơn giản trong tự nhiên.

3. Thái độ

a) Tự giác thực hiện các quy tắc vệ sinh, an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

b) Có ý thức vận dụng những kiến thức đã học vào đời sống.

c) Yêu con người, thiên nhiên, đất nước, yêu cái đẹp.

d) Có ý thức và hành động bảo vệ môi trường xung quanh cuộc sống của gia đình và cộng đồng.

IV. LỊCH SỬ VÀ ĐỊA LÝ

1. Kiến thức

a) Biết sơ lược về bản đồ và cách sử dụng bản đồ.

b) Trình bày được một số hiện tượng, nhân vật lịch sử có tính hệ thống theo dòng thời gian của lịch sử Việt Nam.

c) Biết một số đặc điểm tiêu biểu về thiên nhiên và hoạt động sản xuất của con người ở một số vùng trên đất nước Việt Nam.

d) Biết một số đặc điểm chính về tự nhiên, dân cư, kinh tế của Việt Nam; các châu lục và một số quốc gia đại diện cho từng châu lục.

2. Kỹ năng

a) Quan sát, nhận xét, phân tích, so sánh một số sự kiện, hiện tượng lịch sử và địa lý.

b) Bước đầu biết sử dụng bản đồ, biểu đồ, tranh ảnh, bảng số liệu… trong học tập.

c) Bước đầu biết thu thập, xử lý và trình bày một số thông tin đơn giản về lịch sử và địa lý.

d) Vận dụng tri thức lịch sử, địa lý để giải thích ở mức độ đơn giản các hiện tượng địa lý, sự kiện lịch sử.

3. Thái độ

a) Có tình yêu thiên nhiên, đất nước, quê hương.

b) Ham học hỏi để biết về lịch sử dân tộc và địa lý Tổ quốc.

c) Có ý thức tôn trọng và bảo vệ thành quả lao động của con người, bảo vệ các di tích lịch sử và văn hóa.

d) Có ý thức trách nhiệm và tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ và cải tạo môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình và cộng đồng.

Chuẩn kiến thức kỹ năng và thái độ của học viên cần đạt sau khi học hết giai đoạn I và giai đoạn II cũng là chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ của học viên cần đạt sau khi học hết toàn bộ chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Vọng

 

(Công báo số 358-361 ngày 12/6/2007)

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 13/2007/QĐ-BGDĐT ngày 03/05/2007 ban hành Chương trình xoá mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


13.549

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.90.108
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!