HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 101/NQ-HĐND
|
Hà Giang, ngày 10
tháng 7 năm 2024
|
NGHỊ QUYẾT
ĐẨY
MẠNH VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
HÀ GIANG
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
KHÓA XVIII - KỲ HỌP THỨ 17
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội
đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15, ngày 12
tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của
Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ
đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân;
Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 19/BC-ĐGS ngày
14/6/2024 của Đoàn Giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh “Việc thực hiện chính sách,
pháp luật về giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2020 -
2024”, ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Đánh giá kết quả thực
hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Hà Giang,
giai đoạn 2020 - 2024
Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản thống nhất, tán thành
nội dung Báo cáo số 19/BC-ĐGS ngày 14/6/2024 của Đoàn giám sát chuyên đề HĐND tỉnh
về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo
trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2020 - 2024 với những kết quả đạt được, tồn
tại, hạn chế và nguyên nhân chủ yếu sau:
1. Kết quả đạt được: Trên cơ sở các văn bản của
Trung ương, điều kiện và tình hình thực tế của tỉnh, UBND tỉnh đã chủ động tham
mưu với Tỉnh ủy, HĐND ban hành các văn bản cụ thể hóa các chủ trương, chính
sách, quy định của trung ương, tỉnh liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo
(GD&ĐT), đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền,
triển khai, thực hiện; công tác quy hoạch phát triển GD&ĐT được chú trọng,
thực hiện; việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong quản lý nhà nước (QLNN)
lĩnh vực GD&ĐT được UBND tỉnh chỉ đạo, thực hiện, đảm bảo thống nhất, hiệu
quả; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, pháp luật về
GD&ĐT được chỉ đạo thực hiện thường xuyên tại các cấp. Quy mô, hệ thống mạng
lưới trường, lớp, học sinh cơ bản ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập; đội ngũ cán
bộ quản lý (CBQL), giáo viên, nhân viên các cấp học được củng cố, kiện toàn về
số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm bổ sung từng
bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nguồn lực đầu tư lĩnh vực GD&ĐT, công tác xã
hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển GD&ĐT được quan tâm; chế độ,
chính sách đối với đội ngũ CBQL, giáo viên, nhân viên, học sinh cơ bản được thực
hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời, đúng quy định; hoạt động đào tạo nghề, phát
triển giáo dục ngoài công lập được quan tâm đẩy mạnh; một số đề án, kế hoạch của
tỉnh được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục
mũi nhọn của ngành từng bước được nâng lên, có chuyển biến tích cực.
2. Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính
sách, pháp luật về giáo dục vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: (1) Công tác xây dựng
và công nhận trường chuẩn quốc gia còn chậm, chất lượng một số trường chưa đáp ứng
yêu cầu. (2) Còn 367 trường và điểm trường đang sử dụng chưa được cấp GCN quyền
sử dụng đất, 91 điểm trường hiện không còn học sinh nhưng chưa bàn giao. (3) Chất
lượng giáo dục còn thấp, chưa đồng đều giữa các địa phương, cơ sở giáo dục; việc
duy trì sĩ số học sinh đi học chuyên cần tại một số xã chưa cao, còn tình trạng
học sinh nghỉ học, bỏ học giữa chừng, chưa đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng. (4) Việc
cử giáo viên dự xét thăng hạng CDNN từ hạng III lên hạng II vẫn chưa thực hiện
được; việc chi trả tiền thừa giờ cho giáo viên còn chậm, chưa có sự thống nhất
về cách tính giữa các trường, huyện và tỉnh. (5) Một số cán bộ quản lý, giáo
viên, nhân viên ngành GD&ĐT còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp
luật. (6) Công tác vệ sinh khuôn viên nhà trường, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng
học sinh của một số trường chưa đảm bảo. (7) Việc vận chuyển gạo của tỉnh theo
Nghị định số 116/2016/NĐ-CP đến các đơn vị trường học có thời điểm còn chậm,
chưa kịp thời. (8) Công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào học văn
hóa, học nghề còn hạn chế; công tác quản lý và đào tạo nghề dưới 3 tháng cho
lao động nông thôn hiệu quả chưa cao.
3. Về nguyên nhân hạn chế: (1) Do một số văn bản về
chính sách pháp luật đối với cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh của Chính phủ,
các bộ, ngành liên quan chưa đồng bộ, thống nhất, chưa được điều chỉnh kịp thời;
(2) điều kiện đặc thù là tỉnh miền núi, địa bàn rộng, địa hình chia cắt, kinh tế
xã hội khó khăn, số lượng điểm trường, lớp ghép còn nhiều. (3) Nguồn lực của tỉnh
còn hạn chế, không có nguồn kinh phí để ban hành chế độ, chính sách đặc thù của
tỉnh để thu hút, động viên đội ngũ giáo viên. (4) Việc đầu tư xây dựng trường đạt
chuẩn quốc gia, cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng, phòng ở của giáo
viên, học sinh, công trình phụ trợ, trang thiết bị dạy học còn hạn chế. (5) Thiếu
nguồn dự tuyển, trình độ người dự tuyển giáo viên chưa đáp ứng quy định Luật
Giáo dục 2019 nên tuyển dụng và hợp đồng giáo viên khó khăn. (6) Một số cấp ủy,
chính quyền cấp xã chưa quan tâm đúng mức, chưa sát sao trong công tác QLNN về
giáo dục trên địa bàn; công tác tham mưu của một số viên chức quản lý trường học
đối với cấp ủy, chính quyền cấp xã và cấp trên đối với công tác giáo dục có lúc
chưa chủ động, chưa kịp thời. (7) Một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn
chế về năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ; việc thực hiện quy chế dân chủ tại
một số đơn vị trường học chưa đảm bảo, còn xem nhẹ công tác kiểm định chất lượng
giáo dục. (8) Nhận thức của một bộ phận Nhân dân chưa đúng đắn về tầm quan trọng
trong việc cho con em đến trường; một số học sinh chưa tự giác, coi trọng học tập,
thiếu ý thức phấn đấu vươn lên, việc đi học chuyên cần chưa được thường xuyên.
Điều 2. Nhiệm vụ, giải pháp thời
gian tới
1. Đối với Hội đồng nhân dân tỉnh
1.1. Chỉ đạo rà soát và quyết định điều chỉnh, bổ
sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban
hành liên quan đến phát triển GD&ĐT đảm bảo thực hiện hiệu quả, khả thi
theo quy định pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh.
1.2. Tăng cường công tác chỉ đạo, phát huy vai trò
giám sát đối với chính quyền các cấp trong tổ chức điều hành, thực hiện các nghị
quyết, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực GD&ĐT trên địa
bàn tỉnh.
2. Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh
2.1. Chỉ đạo thường xuyên nghiên cứu hệ thống văn bản
các cấp, các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, xác định những khó
khăn, vướng mắc, bất cập, kịp thời kiến nghị với cấp có thẩm quyền để điều chỉnh,
tháo gỡ kịp thời và chỉ đạo ngành chuyên môn, UBND các cấp triển khai thực hiện
hiệu quả các quy định pháp luật lĩnh vực GD&ĐT. Rà soát, sơ kết, tổng kết,
đánh giá việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án có liên quan lĩnh vực
GD&ĐT đã ban hành nhằm điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế trong quá
trình thực hiện.
2.2. Chỉ đạo rà soát đánh giá việc thực hiện một số
Nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành nhằm kịp thời điều chỉnh, bổ sung, thay thế
đảm bảo thực hiện khả thi phù hợp với tình hình thực tế trong quá trình triển
khai thực hiện.
2.3. Chỉ đạo Sở GD&ĐT, UBND cấp huyện: (1) Có
giải pháp tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được giao; hợp đồng giáo
viên theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ theo chỉ tiêu giao; (2) Thực
hiện đầy đủ, kịp thời, các chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo
viên, nhân viên, học sinh theo quy định; tổ chức xét thăng hạng CDNN cho giáo
viên phổ thông, giáo dục nghề nghiệp; (3) Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với sở,
ngành liên quan hướng dẫn UBND cấp huyện, các cơ sở giáo dục việc thực hiện chế
độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, đảm
bảo thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh và giải quyết dứt điểm tiền thừa giờ của
giáo viên.
2.4. Chỉ đạo tăng cường công tác giáo dục chính trị,
tư tưởng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, đặc biệt đối với một
số nhà trường có nhà giáo vi phạm pháp luật; thực hiện nghiêm túc quy chế dân
chủ tại trường học đảm bảo công khai, minh bạch các hoạt động theo quy định của
pháp luật; tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; chú trọng
công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát chế độ, khẩu phần ăn, chất lượng thực phẩm
trong bếp ăn tại các trường bán trú, trường có tổ chức ăn cho học sinh bán trú.
2.5. Quan tâm công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng
nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chính trị, CNTT trong
quản lý và giảng dạy của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng
các tiêu chí theo quy định và thực hiện giảng dạy hiệu quả chương trình GDPT
2018.
2.6. Huy động và bố trí nguồn lực đầu tư từ các
Chương trình MTQG, Chương trình, đề án ngành giáo dục, nguồn lực xã hội hóa
giáo dục, các nguồn lực khác ngoài NSNN để đầu tư xây dựng phòng học, phòng chức
năng, nhà lưu trú giáo viên, học sinh, các công trình phụ trợ, nước sinh hoạt,
bể nước, bếp ăn, nhà vệ sinh, các công trình xây dựng từ lâu đã xuống cấp cần đầu
tư xây dựng, mở rộng quỹ đất đảm bảo yêu cầu tối thiểu theo Thông tư
13/2020/TT-BGDĐT.
2.7. Hàng năm, dành nguồn lực hợp lý để đầu tư bổ
sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng học, phòng lưu trú học sinh, nhà bếp,
nhà ăn, các công trình phụ trợ khác để chuyển học sinh tiểu học từ điểm trường
về học tại trường chính theo Quyết định số 1425/QĐ-UBND, ngày 13/7/2021 của
UBND tỉnh.
2.8. Chỉ đạo mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học,
đồ chơi ngoài trời, thiết bị dạy học tối thiểu các cấp học đảm bảo kịp thời, đầy
đủ theo danh mục quy định tại các Thông tư của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban
hành, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDPT 2018.
2.9. Tăng cường công tác QLNN về đầu tư mua sắm
trang thiết bị dạy học, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời sai phạm trong việc thực
hiện đấu thầu, mua sắm trang thiết bị dạy học thời gian qua. Tăng cường công
tác quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học đã trang bị
cho các trường; chỉ đạo kiểm tra, rà soát danh mục thiết bị dạy học đã cấp để
đánh giá đối chiếu sự phù hợp và xem xét điều chuyển giữa các trường theo phân
cấp, đảm bảo sát với tình hình thực tế, phát huy hiệu quả sử dụng trang thiết bị;
chỉ đạo UBND cấp huyện chỉ đạo bàn giao 91 điểm trường hiện không còn học sinh
học nhằm phát huy hiệu quả sử dụng các điểm trường.
2.10. Thực hiện hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng
giáo dục tỉnh Hà Giang giai đoạn 2023-2030; thực hiện đổi mới phương pháp, nâng
cao chất lượng dạy và học; duy trì vững chắc và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục,
xoá mù chữ; kiện toàn, sắp xếp và nâng cao hiệu quả hoạt động các trung tâm học
tập cộng đồng; tăng cường công tác kiểm định, nâng cao chất lượng giáo dục toàn
diện các cấp học và giáo dục mũi nhọn.
2.11. Chỉ đạo sơ kết, đánh giá việc thực hiện đề án
chuyển học sinh tiểu học từ điểm trường về học tại trường chính theo Quyết định
số 1425/QĐ-UBND, trong đó đánh giá sự phù hợp việc thực hiện lộ trình “chuyển
toàn bộ học sinh tiểu học từ điểm trường về học tại trường chính” do học sinh lớp
1, lớp 2 còn nhỏ tuổi, chưa tự chăm sóc bản thân, sinh hoạt, học tập.
2.12. Ban hành Đề án mới về gắn giáo dục với dạy
nghề cho học viên tại các Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn tỉnh để thay thế
“Quyết định số 844/QĐ-UBND ngày 08/5/2013 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án
gắn giáo dục với dạy nghề cho học viên tại các Trung tâm GDTX trên địa bàn tỉnh
giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020” cho phù hợp với tình hình thực
tế.
2.13. Nghiên cứu hỗ trợ thêm tiền ăn đối với học
viên học đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng do Trung tâm GDNN-GDTX
các huyện tổ chức.
2.14. Chỉ đạo rà soát, sắp xếp lại các Trung tâm
GDNN-GDTX cấp huyện bảo đảm hoạt động hiệu quả tránh lãng phí về nguồn lực đầu
tư, đất đai, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên, nhân viên.
2.15. Chỉ đạo sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục
mầm non, phổ thông và thường xuyên theo Công văn số 826/BGDĐT-CSVC của Bộ
GD&ĐT; thực hiện sáp nhập, dồn ghép, từng bước xoá các lớp học ghép, điểm
trường, thành lập các cụm điểm trường cấp tiểu học để tổ chức bán trú cho học
sinh.
2.16. Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì,
phối hợp với UBND các cấp, các đơn vị liên quan rà soát và thực hiện cấp Giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 367 trường và điểm trường hiện đang sử dụng
nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định.
2.17. Điều chỉnh nhiệm vụ vận chuyển gạo từ Sở Giáo
dục giao về cho UBND cấp huyện để tổ chức thực hiện, nhằm đảm bảo công tác vận
chuyển gạo hỗ trợ học sinh kịp thời và phù hợp với thời gian học tập của học
sinh tại trường.
2.18. Kịp thời ban hành Quyết định quy định mức chi
phí đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh (do Quyết định
số 23/2015/QĐ-UBND ngày 03/12/2015 của UBND tỉnh đã bị bãi bỏ, hết hiệu lực quý
I/2024).
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện
có hiệu quả các nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết này; báo cáo kết
quả thực hiện tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2025 HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ
2021 - 2026.
2. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, các Tổ
đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của
mình có trách nhiệm giám sát việc thi hành Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hà
Giang Khóa XVIII, Kỳ họp thứ 17 thông qua ngày 10 tháng 7 năm 2024 và có hiệu lực
thi hành kể từ ngày 10 tháng 7 năm 2024./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Ban Công tác đại biểu, UBTVQH;
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ;
- TTr Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang;
- Đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII;
- Các sở, ban, ngành, tổ chức CT-XH cấp tỉnh;
- TTr HĐND - UBND các huyện, thành phố;
- LĐVP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH&HĐND, UBND tỉnh;
- Báo Hà Giang, Đài PTTH tỉnh, Trang thông tin điện tử đại biểu dân cử tỉnh
Hà Giang, Trung tâm Thông tin
- Công báo Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, HĐND (01b).
|
CHỦ TỊCH
Thào Hồng Sơn
|