Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 109/2022/NĐ-CP hoạt động khoa học trong cơ sở giáo dục đại học

Số hiệu: 109/2022/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Vũ Đức Đam
Ngày ban hành: 30/12/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 109/2022/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2022

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ ngày 14 tháng 6 năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16 tháng 6 năm 2022;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định về tổ chức và quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học; nhóm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học; hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.

2. Nghị định này áp dụng đối với cơ sở giáo dục đại học và tổ chức, cá nhân liên quan tham gia hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tiềm lực khoa học và công nghệ bao gồm nhân lực khoa học và công nghệ, tài sản trí tuệ, cơ sở vật chất, thông tin và nguồn tài chính thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ.

2. Hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học là hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, ứng dụng công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến và các hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ gắn kết với đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

3. Nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học là tập thể các nhà khoa học do một nhà khoa học có uy tín, có năng lực, trình độ chuyên môn cao tại cơ sở giáo dục đại học đứng đầu dẫn dắt phát triển một hướng nghiên cứu có tính liên ngành, dài hạn, có tính tiên phong, đột phá; có mục tiêu, kế hoạch, nội dung nghiên cứu trong từng giai đoạn cụ thể để tạo ra các sản phẩm có giá trị khoa học và thực tiễn cao, gắn với đào tạo tiến sĩ và nghiên cứu sau tiến sĩ.

4. Hoạt động đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học là hoạt động tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý của cơ sở giáo dục đại học để nâng cao năng suất, chất lượng, gia tăng giá trị của sản phẩm, hàng hóa, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội.

Chương II

TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Điều 3. Nội dung và kế hoạch khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học

1. Nội dung hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học bao gồm:

a) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, bao gồm chương trình, đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm, nhiệm vụ khoa học và công nghệ khác;

b) Sở hữu trí tuệ; ứng dụng và chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; dịch vụ khoa học và công nghệ; sản xuất kinh doanh;

c) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý, giảng viên về nghiên cứu khoa học;

d) Dự án đầu tư phát triển, dự án tăng cường năng lực nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm liên ngành và chuyên ngành, dự án nâng cấp tạp chí khoa học, dự án sửa chữa, mua sắm và duy tu bảo dưỡng trang thiết bị, phương tiện làm việc, số hóa thư viện, hạ tầng thông tin;

đ) Nghiên cứu khoa học của sinh viên, học viên theo học chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, nghiên cứu sinh (sau đây gọi chung là người học), nghiên cứu viên, viên chức trong cơ sở giáo dục đại học công lập và cán bộ cơ hữu, giảng viên cơ hữu trong cơ sở giáo dục đại học tư thục (sau đây gọi chung là giảng viên);

e) Hợp tác khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế;

g) Thông tin, thống kê về khoa học và công nghệ; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng;

h) Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho giảng viên, người học, các tổ chức, cá nhân liên quan; thành lập, thúc đẩy hoạt động của các trung tâm đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ;

i) Tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ;

k) Các nội dung hoạt động khoa học và công nghệ khác có liên quan.

2. Cơ sở giáo dục đại học xây dựng kế hoạch khoa học và công nghệ dài hạn, hằng năm theo nội dung khoa học và công nghệ tại khoản 1 Điều này và trên cơ sở chiến lược phát triển của đơn vị; mục tiêu, kế hoạch, chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của Nhà nước, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; nhu cầu hợp tác với doanh nghiệp và hợp tác quốc tế để đẩy mạnh hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Điều 4. Quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học

1. Cơ sở giáo dục đại học ban hành và tổ chức thực hiện quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ theo nguyên tắc sau đây:

a) Hoạt động khoa học và công nghệ cùng hoạt động đào tạo là nhiệm vụ chính của cơ sở giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế - xã hội của đất nước;

b) Xác định rõ vai trò, quyền và trách nhiệm của các đơn vị, giảng viên và người học trong cơ sở giáo dục đại học đối với hoạt động khoa học và công nghệ;

c) Kết quả và hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ của các đơn vị thuộc và trực thuộc, giảng viên, người học trong cơ sở giáo dục đại học là căn cứ để xem xét đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, xếp loại thi đua và giải quyết các chế độ, chính sách có liên quan.

2. Cơ sở giáo dục đại học có bộ phận quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ cấu tổ chức theo quy định. Cơ sở giáo dục đại học quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý hoạt động khoa học và công nghệ.

3. Bộ phận quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học có các giảng viên kiêm nhiệm, cán bộ chuyên trách và các chuyên gia kiêm nhiệm công tác chuyên môn từ các đơn vị trực thuộc để tư vấn thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của đơn vị.

Điều 5. Tổ chức khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học

1. Cơ sở giáo dục đại học quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc trong quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; quyết định thành lập, sáp nhập, chia tách và giải thể tổ chức khoa học và công nghệ theo quy định.

2. Căn cứ hiệu quả hoạt động và định hướng phát triển, cơ sở giáo dục đại học quyết định việc chuyển đổi các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc đủ điều kiện thành doanh nghiệp theo quy định.

Điều 6. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học

1. Cơ sở giáo dục đại học được thành lập doanh nghiệp theo pháp luật về doanh nghiệp, phù hợp với định hướng phát triển của cơ sở giáo dục đại học. Doanh nghiệp trong cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện theo quy định được đăng ký chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

2. Cơ sở giáo dục đại học công lập được góp vốn bằng tài sản trí tuệ là kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nguồn gốc ngân sách nhà nước đã được cơ quan có thẩm quyền giao quản lý sử dụng để liên doanh, liên kết nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về sở hữu trí tuệ, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan khác.

3. Cơ sở giáo dục đại học công lập được giao quyền sử dụng theo hình thức ghi tăng tài sản, cơ sở giáo dục đại học tư thục được giao quyền sở hữu tài sản và phải hoàn trả giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ được hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nguồn gốc ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Việc thương mại hóa và đăng ký chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ thực hiện theo quy định của pháp luật.

4. Các quy định trên không áp dụng đối với trường hợp kết quả khoa học và công nghệ thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

Chương III

NHÓM NGHIÊN CỨU VÀ NHÓM NGHIÊN CỨU MẠNH TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Điều 7. Nhóm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học

1. Cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào nhu cầu, tiềm lực và chiến lược phát triển để xây dựng các loại hình nhóm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu mạnh.

2. Cơ sở giáo dục đại học xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi nhóm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu mạnh từ nguồn lực của cơ sở giáo dục đại học và từ nguồn lực hợp pháp khác.

3. Cơ sở giáo dục đại học công nhận các loại hình nhóm nghiên cứu theo nhu cầu. Nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học được tổ chức chủ trì công nhận theo quy định tại Điều 8, Điều 9 Nghị định này.

4. Tổ chức chủ trì nhóm nghiên cứu mạnh là cơ sở giáo dục đại học có trưởng nhóm nghiên cứu là cán bộ cơ hữu.

Điều 8. Điều kiện thành lập và tiêu chí công nhận nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học

Nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học được thành lập và công nhận theo các điều kiện và tiêu chí sau đây:

1. Nhân lực tham gia nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học bao gồm:

a) Nhà khoa học trong nước và nước ngoài có uy tín cùng hướng nghiên cứu của nhóm nghiên cứu mạnh tham gia theo hình thức cộng tác viên hoặc hình thức hợp tác phù hợp khác;

b) Giảng viên, nghiên cứu viên và người học có cùng hướng nghiên cứu từ cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu và tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học được hình thành và phát triển trên cơ sở các nhóm nghiên cứu sẵn có và đang hoạt động, đã được cơ sở giáo dục đại học quyết định xét chọn, công nhận, hỗ trợ về cơ chế và các nguồn lực để phát triển.

3. Nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học gồm trưởng nhóm, 5 thành viên chủ chốt trở lên và không hạn chế số lượng các thành viên. Thành viên của nhóm nghiên cứu mạnh phải đáp ứng các tiêu chuẩn được quy định tại Điều 9 Nghị định này và không vi phạm một trong các hành vi bị cấm theo pháp luật về khoa học và công nghệ, không đang trong thời gian bị kỷ luật bằng hình thức từ khiển trách trở lên hoặc thi hành án hình sự.

4. Cơ sở giáo dục đại học là tổ chức chủ trì nhóm nghiên cứu mạnh có cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm phù hợp với hướng nghiên cứu chính của nhóm nghiên cứu mạnh; có hoạt động hợp tác nghiên cứu với các tổ chức, cá nhân nước ngoài; đã hợp tác thành công với doanh nghiệp hoặc cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu khác trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

5. Nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học có kế hoạch phát triển ổn định với đội ngũ nhân lực có trình độ và độ tuổi phù hợp; có kế hoạch gia tăng về số lượng và chất lượng các sản phẩm khoa học và công nghệ trong giai đoạn 5 năm; các hoạt động của nhóm nghiên cứu mạnh cần gắn kết với hoạt động của bộ môn, phòng thí nghiệm tại tổ chức chủ trì nhóm nghiên cứu mạnh và hợp tác chặt chẽ với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, nước ngoài.

6. Nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học có định hướng nghiên cứu tiếp cận được các hướng nghiên cứu tiên tiến, hiện đại, có tính đột phá, liên ngành; có thuyết minh định hướng nghiên cứu và kế hoạch phát triển trong 5 năm; sản phẩm của nhiệm vụ nghiên cứu trong 5 năm đầu đáp ứng các tiêu chí sau đây:

a) Công bố ổn định và đạt mức trung bình mỗi năm ít nhất 10 bài báo trên các tạp chí khoa học trong cơ sở dữ liệu Web of Science (WoS) đối với khối ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật công nghệ, ít nhất 10 bài báo trên các tạp chí khoa học trong cơ sở dữ liệu WoS và Scopus đối với khối ngành khoa học xã hội và nhân văn; có sự gia tăng chất lượng các bài báo thông qua việc được đăng trên tạp chí quốc tế có chỉ số ảnh hưởng và chỉ số trích dẫn cao;

b) Xuất bản ít nhất 01 sách chuyên khảo hoặc 02 sách, giáo trình;

c) Đào tạo 05 tiến sĩ trong giai đoạn 5 năm thực hiện nhiệm vụ;

d) Được cấp trung bình mỗi năm ít nhất 01 bằng độc quyền sáng chế hoặc 02 bằng độc quyền giải pháp hữu ích hoặc 02 bằng bảo hộ giống cây trồng có tầm ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội;

đ) Chuyển giao ít nhất 05 công nghệ sản xuất hoặc thương mại hóa ít nhất 05 sản phẩm khoa học và công nghệ vào thực tiễn phục vụ cộng đồng hoặc có 01 sản phẩm khoa học và công nghệ quốc gia được công nhận trong giai đoạn 5 năm thực hiện nhiệm vụ.

Điều 9. Tiêu chuẩn trưởng nhóm và thành viên nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học

1. Trưởng nhóm là giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học đáp ứng đồng thời các tiêu chuẩn sau đây:

a) Đã chủ trì 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia hoặc 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh được nghiệm thu từ mức đạt trở lên trong 5 năm gần nhất;

b) Là tác giả 01 sách chuyên khảo hoặc 02 sách, giáo trình giảng dạy đại học;

c) Có chỉ số trích dẫn khoa học cá nhân H-index từ 10 trở lên (theo cơ sở dữ liệu Scopus);

d) Là tác giả chính của ít nhất 10 công trình công bố trên các tạp chí khoa học trong cơ sở dữ liệu WoS hoặc là tác giả của ít nhất 02 sáng chế hoặc 05 giải pháp hữu ích, hoặc 02 bằng bảo hộ giống cây trồng hoặc là tác giả của công trình khoa học và công nghệ đạt giải nhất giải thưởng cấp bộ, tỉnh hoặc Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ;

đ) Đã hướng dẫn chính thành công ít nhất 02 nghiên cứu sinh;

e) Đã có kinh nghiệm hợp tác với các tổ chức trong nước và nước ngoài trong triển khai hoạt động khoa học và công nghệ, sản xuất thử nghiệm hoặc thương mại hóa thành công sản phẩm khoa học và công nghệ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và nước ngoài;

g) Có đủ sức khỏe đáp ứng theo quy định của pháp luật về lao động, còn đủ tuổi làm công tác chuyên môn ít nhất 5 năm tính đến hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật về lao động để hoàn thành định hướng nghiên cứu.

2. Đồng trưởng nhóm là nhà khoa học có uy tín được mời từ nước ngoài, chịu trách nhiệm về nội dung học thuật, có hướng nghiên cứu phù hợp với hướng nghiên cứu của trưởng nhóm, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này hoặc đã đoạt giải thưởng quốc tế có uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu.

3. Trưởng nhóm được đặc cách công nhận nếu là nhà khoa học đầu ngành được công nhận theo quy định về việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ hoặc đã đoạt giải thưởng quốc tế có uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu và đáp ứng yêu cầu tại điểm g khoản 1 Điều này.

4. Thành viên chủ chốt là giảng viên của cơ sở giáo dục đại học hoặc nghiên cứu viên của viện nghiên cứu trong nước, đáp ứng đồng thời các tiêu chuẩn sau đây:

a) Có hướng nghiên cứu phù hợp với hướng nghiên cứu của nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học và có cam kết đăng ký tham gia nhóm nghiên cứu mạnh;

b) Đã chủ trì 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh được nghiệm thu ở mức đạt trở lên trong 5 năm gần nhất;

c) Có chỉ số trích dẫn khoa học cá nhân H-index từ 5 trở lên (theo cơ sở dữ liệu Scopus);

d) Là tác giả của 01 chương sách chuyên khảo hoặc 01 sách giáo trình giảng dạy đại học;

đ) Là tác giả chính của ít nhất 05 công trình công bố trên các tạp chí khoa học trong cơ sở dữ liệu WoS hoặc là tác giả của ít nhất 01 sáng chế hoặc 02 giải pháp hữu ích, hoặc 02 bằng bảo hộ giống cây trồng hoặc là tác giả của công trình khoa học và công nghệ đạt giải ba giải thưởng cấp bộ, tỉnh trở lên hoặc Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ;

e) Đã hướng dẫn chính thành công ít nhất 01 nghiên cứu sinh;

g) Đã có kinh nghiệm hợp tác trong triển khai nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm tạo ra các sản phẩm khoa học được ứng dụng phục vụ cộng đồng và có ít nhất 01 hợp tác nghiên cứu với một nhóm nghiên cứu trong nước hoặc nước ngoài.

5. Thành viên chủ chốt là nhà khoa học có uy tín được mời từ nước ngoài, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn tại các điểm a, c, đ và e khoản 4 Điều này hoặc là nhà khoa học từ doanh nghiệp hoặc tổ chức khác đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn tại các điểm a, c, đ và g khoản 4 Điều này.

6. Thành viên chủ chốt được đặc cách công nhận nếu là nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học trẻ tài năng được công nhận theo quy định về việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ hoặc đã đoạt giải thưởng quốc tế có uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu.

7. Thành viên khác là giảng viên, nghiên cứu viên và người học của cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu trong nước và nước ngoài đáp ứng đồng thời các tiêu chuẩn sau đây:

a) Có hướng nghiên cứu phù hợp với hướng nghiên cứu của nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học và có cam kết đăng ký tham gia nhóm nghiên cứu mạnh;

b) Đã có công trình khoa học công bố chung với trưởng nhóm hoặc các thành viên chủ chốt trên tạp chí khoa học quốc tế hoặc trên tạp chí khoa học uy tín trong nước.

8. Thành viên là nhà khoa học từ doanh nghiệp hoặc tổ chức khác cần đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn tại điểm g khoản 4 và điểm a khoản 7 Điều này.

Điều 10. Chính sách ưu đãi cho nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học

1. Nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học được hưởng ưu đãi từ Nhà nước như sau:

a) Được ưu tiên xem xét đặt hàng thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia;

b) Được ưu tiên đề xuất bố trí vốn đầu tư các dự án đầu tư phát triển cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm cho hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ theo lĩnh vực nghiên cứu của nhóm nghiên cứu mạnh theo quy định của pháp luật về đầu tư công;

c) Được ưu tiên cử thành viên tham gia các chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu tại cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu trong nước và nước ngoài; được cử đi thực tập, làm việc có thời hạn để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu tại các tổ chức khoa học và công nghệ ở nước ngoài theo các chương trình, đề án được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

d) Được hỗ trợ kinh phí để công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế hoặc giải pháp hữu ích hoặc giống cây trồng trong nước và nước ngoài, xuất bản công trình khoa học có giá trị cao về khoa học và thực tiễn theo các chương trình hoặc đề án được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

đ) Được hỗ trợ kinh phí tham dự hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành ở trong nước và ngoài nước theo các chương trình, đề án được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

e) Được xem xét hỗ trợ sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm khác để thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ;

g) Được các thư viện, tổ chức thông tin khoa học và công nghệ công lập tạo điều kiện tiếp cận thông tin, cơ sở dữ liệu về khoa học và công nghệ để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu.

Các nội dung đã được hỗ trợ, tài trợ tại các điểm c, d và đ khoản này không được trùng lặp với các nội dung hỗ trợ, tài trợ khác từ ngân sách nhà nước.

2. Nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học được hưởng ưu đãi từ cơ sở giáo dục đại học như sau:

a) Được cấp kinh phí hoạt động thường xuyên, bố trí phòng làm việc và các phương tiện văn phòng cần thiết cho nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học hoạt động; được hỗ trợ tìm kiếm các nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước để xây dựng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm và được giao trực tiếp quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm từ các nguồn đầu tư tìm kiếm được cho hoạt động nghiên cứu; được hỗ trợ kinh phí theo khả năng của cơ sở giáo dục đại học để hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu đã được phê duyệt;

b) Trưởng nhóm và thành viên chủ chốt là giảng viên cơ hữu của tổ chức chủ trì nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học được giảm 50% định mức giờ chuẩn giảng dạy hằng năm.

Điều 11. Trách nhiệm và quyền của tổ chức chủ trì, trưởng nhóm và thành viên nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học

1. Trách nhiệm và quyền của tổ chức chủ trì nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học

a) Hướng dẫn và hỗ trợ giảng viên cơ hữu đáp ứng đủ điều kiện trưởng nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này tập hợp nhân lực trong nước và nước ngoài để xây dựng thuyết minh định hướng nghiên cứu và kế hoạch phát triển trong 5 năm;

b) Ban hành quy định ưu đãi để phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học, quy định ưu đãi về thu nhập và giờ giảng cho thành viên nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học và đưa vào quy định trong quy chế tài chính, quy chế chi tiêu nội bộ bảo đảm tuân thủ quy định và được công bố công khai;

c) Xây dựng dự toán ngân sách hằng năm trình cấp có thẩm quyền để xét duyệt và bố trí kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học theo quy định;

d) Xây dựng báo cáo kết quả hoạt động của nhóm nghiên cứu mạnh và gửi cơ quan quản lý cấp trên định kỳ hằng năm.

2. Trách nhiệm và quyền của trưởng nhóm

a) Xây dựng thuyết minh định hướng nghiên cứu và kế hoạch phát triển trong 5 năm trình tổ chức chủ trì nhóm nghiên cứu mạnh phê duyệt;

b) Xây dựng hồ sơ đề nghị tổ chức chủ trì nhóm nghiên cứu mạnh công nhận nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học;

c) Tập hợp đội ngũ trong nước và nước ngoài thuộc lĩnh vực chuyên môn có liên quan để phối hợp với các thành viên nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học thực hiện thuyết minh định hướng nghiên cứu và kế hoạch phát triển trong 5 năm đã được phê duyệt; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để triển khai các hoạt động nghiên cứu gắn với đào tạo tiến sĩ, duy trì sự ổn định và gia tăng về số lượng và chất lượng của các sản phẩm khoa học và công nghệ hằng năm;

d) Sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị của tổ chức chủ trì nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học và của tổ chức, doanh nghiệp phối hợp thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu; sử dụng các nguồn kinh phí được cấp theo đúng quy định để đạt được các sản phẩm đã cam kết trong thuyết minh định hướng nghiên cứu và kế hoạch phát triển trong 5 năm; chịu trách nhiệm giải trình trước tổ chức chủ trì nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học và cơ quan quản lý có liên quan;

đ) Báo cáo kết quả hoạt động của nhóm nghiên cứu mạnh với tổ chức chủ trì nhóm nghiên cứu mạnh định kỳ hằng năm;

e) Được tự chủ trong việc thu hút các chuyên gia, nghiên cứu sinh, thực tập sinh tham gia thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu của nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học; được thu nhận thành viên tham gia nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học; được sử dụng và phân bổ các nguồn lực trong nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học;

g) Được đề xuất với tổ chức chủ trì nhóm nghiên cứu mạnh, các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan trong việc xây dựng các hướng nghiên cứu mới, các chương trình đào tạo mới; được phát triển các sản phẩm khoa học và công nghệ của nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học;

h) Được hưởng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ tương đương chính sách cho nhà khoa học đầu ngành trong cơ sở giáo dục đại học theo quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.

3. Trách nhiệm và quyền của các thành viên

a) Tham gia thực hiện tốt các nhiệm vụ do trưởng nhóm phân công và chịu trách nhiệm cá nhân trước trưởng nhóm về hiệu quả công việc được phân công; tích cực tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ của cộng đồng khoa học trong nước và nước ngoài;

b) Được đề xuất với trưởng nhóm về các hướng nghiên cứu và đào tạo mới; được khuyến khích phát hiện và giới thiệu các chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu sinh, thực tập sinh, học viên, sinh viên xuất sắc tham gia nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học;

c) Thành viên chủ chốt được ưu tiên tham gia các chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ tại cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu nước ngoài; được ưu tiên cử đi thực tập, làm việc có thời hạn tại các tổ chức khoa học và công nghệ ở nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu của nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học theo các chương trình, đề án được các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước phê duyệt;

d) Thành viên nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học là giảng viên hoặc cam kết làm giảng viên được ưu tiên hỗ trợ kinh phí đào tạo nghiên cứu sinh theo các chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ được các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước phê duyệt theo quy định;

đ) Đồng trưởng nhóm, thành viên chủ chốt là nhà khoa học nước ngoài được hưởng các ưu đãi theo quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Điều 12. Kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi cho nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học

1. Kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học được bố trí từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ, sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nguồn đầu tư phát triển và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về khoa học và công nghệ, pháp luật về đầu tư công và các quy định khác liên quan.

2. Cơ sở giáo dục đại học được hỗ trợ từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ thực hiện chính sách ưu đãi nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do nhà nước đặt hàng theo quy định. Kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ cho nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học có thể được cấp từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia hoặc từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có) theo quy định.

3. Cơ quan quản lý cấp trên có thẩm quyền quản lý về ngân sách nhà nước của cơ sở giáo dục đại học tổng hợp dự toán kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi cho nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học từ dự toán do cơ sở giáo dục đại học lập, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Chương IV

HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Điều 13. Hoạt động sở hữu trí tuệ trong cơ sở giáo dục đại học

1. Cơ sở giáo dục đại học xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động sở hữu trí tuệ, ban hành quy chế khai thác tài sản trí tuệ đã được Nhà nước bảo hộ và sử dụng tài sản trí tuệ hợp pháp khác của cơ sở giáo dục đại học, trong đó:

a) Trường hợp tài sản trí tuệ là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì việc giao quyền sở hữu cho cơ sở giáo dục đại học và hoàn trả giá trị được thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;

b) Trường hợp tài sản trí tuệ được hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ có đóng góp của nhà tài trợ, cơ sở giáo dục đại học thỏa thuận với nhà tài trợ về việc giao quyền sở hữu hoặc đồng sở hữu kết quả nghiên cứu và chia sẻ lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh khi kết quả nghiên cứu được ứng dụng.

2. Cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và các tài sản trí tuệ khác tạo ra từ ngân sách của cơ sở giáo dục đại học và từ ngân sách nhà nước mà cơ sở giáo dục đại học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định.

Điều 14. Hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên, người học trong cơ sở giáo dục đại học

1. Giảng viên, nghiên cứu sinh được tạo điều kiện tham gia hoặc làm chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp và hoạt động khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học.

2. Học viên được tạo điều kiện tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp và hoạt động khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học.

3. Sinh viên được tạo điều kiện tham gia nghiên cứu khoa học và hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học

4. Cơ sở giáo dục đại học hướng dẫn và ưu tiên bảo đảm các nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học của người học; quy định mức chi cho hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, hỗ trợ học bổng và tài trợ nghiên cứu khoa học của học viên và nghiên cứu sinh; tạo điều kiện về thời gian để thu hút sinh viên, học viên tham gia nghiên cứu khoa học.

5. Cơ sở giáo dục đại học quy định số giờ nghiên cứu khoa học cho giảng viên hướng dẫn đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên; quy định chế độ ưu đãi cho giảng viên hướng dẫn đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên đạt giải thưởng khoa học và công nghệ các cấp.

6. Cơ sở giáo dục đại học quy định chế độ khen thưởng, ưu đãi cho giảng viên và các hình thức khen thưởng, cấp học bổng cho người học có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Điều 15. Hoạt động chuyển giao công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học

1. Cơ sở giáo dục đại học tăng cường phổ biến các kết quả nghiên cứu, giới thiệu thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật, tạo điều kiện cho các tập thể, cá nhân ứng dụng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống và sản xuất kinh doanh, đồng thời thực hiện các dịch vụ khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.

2. Cơ sở giáo dục đại học khuyến khích đơn vị trực thuộc và giảng viên, người học thực hiện các dự án chuyển giao công nghệ, hướng dẫn thủ tục pháp lý, ký kết hợp đồng, đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ.

3. Cơ sở giáo dục đại học được chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và nước ngoài theo quy định, trừ kết quả khoa học và công nghệ thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

Điều 16. Hợp tác về khoa học và công nghệ giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp ngoài cơ sở giáo dục đại học

1. Cơ sở giáo dục đại học chủ động tìm hiểu nhu cầu đổi mới công nghệ và đổi mới sản phẩm của doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan, kết nối hợp tác nghiên cứu giải quyết nhu cầu của doanh nghiệp, thỏa thuận và ký kết văn bản hợp tác với doanh nghiệp.

2. Cơ sở giáo dục đại học công lập được hợp tác với doanh nghiệp đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu chung, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu làm việc chung tại cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đầu tư công và các quy định có liên quan; tham gia ký kết hợp đồng tư vấn, thẩm định, giám định về công nghệ đối với dự án sản xuất mới, nhập khẩu công nghệ, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp theo thỏa thuận.

3. Cơ sở giáo dục đại học được nhận tài trợ bằng tiền hoặc trang thiết bị của doanh nghiệp cho hoạt động khoa học, công nghệ và khai thác theo thỏa thuận với doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về tài trợ, viện trợ.

4. Cơ sở giáo dục đại học được góp vốn bằng tài sản trí tuệ để liên doanh, liên kết với doanh nghiệp ngoài cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và được chia lợi nhuận từ hoạt động liên doanh, liên kết theo quy định. Doanh nghiệp được chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ khi nhận chuyển giao công nghệ từ cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật về chuyển giao công nghệ.

5. Cơ sở giáo dục đại học căn cứ các quy định về nghiên cứu khoa học của giảng viên để tính giờ nghiên cứu cho giảng viên tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại doanh nghiệp có hợp tác với cơ sở giáo dục đại học.

6. Doanh nghiệp được sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để chi trả tiền công, thuê chuyên gia là giảng viên, học viên của cơ sở giáo dục đại học nhằm thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; chi thực hiện các hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ với cơ sở giáo dục đại học nhằm giải quyết các vấn đề khoa học cụ thể trong lĩnh vực khoa học và công nghệ được Nhà nước khuyến khích ưu tiên hoặc theo các lĩnh vực khoa học và công nghệ thuộc cụm ngành, chuỗi sản xuất các sản phẩm mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp; chi thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu chung hoặc đặt hàng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho cơ sở giáo dục đại học; chi thực hiện nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ cho doanh nghiệp tại cơ sở giáo dục đại học thông qua các hình thức ngắn hạn, dài hạn, thực tập, làm việc. Việc sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để thực hiện các nội dung trên được thực hiện theo quy định của quy chế quản lý và hoạt động của quỹ, quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ và các quy định khác có liên quan.

7. Doanh nghiệp được đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu chung, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu làm việc chung tại cơ sở giáo dục đại học để hợp tác nghiên cứu cải tiến, phát triển công nghệ, ứng dụng và sản xuất thử nghiệm các sản phẩm mới nhằm phát triển công nghệ của doanh nghiệp theo quy chế quản lý và hoạt động của quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ và các quy định khác có liên quan.

8. Khuyến khích cán bộ kỹ thuật và quản lý có trình độ phù hợp của doanh nghiệp tham gia hoạt động khoa học, công nghệ và đào tạo, giảng dạy môn học chuyên ngành và các kỹ năng chuyên môn, hướng dẫn nghiên cứu, thực hành, thực tập tại cơ sở giáo dục đại học; khuyến khích giảng viên của cơ sở giáo dục đại học tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại doanh nghiệp.

Điều 17. Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học

1. Cơ sở giáo dục đại học ban hành quy định hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dành cho giảng viên và người học, phát triển và hình thành văn hóa khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học.

2. Cơ sở giáo dục đại học hình thành và phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, mạng lưới khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của đơn vị mình, phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học khác phát triển mạng lưới khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

3. Cơ sở giáo dục đại học xây dựng chương trình ươm tạo, chương trình đào tạo về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dành cho giảng viên và người học; hình thành và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo từ ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và kết quả nghiên cứu của giảng viên và người học.

4. Cơ sở giáo dục đại học hỗ trợ thành lập doanh nghiệp và đăng ký doanh nghiệp khoa học và công nghệ để thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ đã được Nhà nước bảo hộ nhằm phát triển thị trường và huy động vốn từ thị trường, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của nhà nước cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

5. Cơ sở giáo dục đại học sở hữu bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích đã được Nhà nước bảo hộ được thành lập doanh nghiệp, đăng ký doanh nghiệp khoa học và công nghệ nhằm khai thác, hoàn thiện và thương mại hóa sản phẩm theo quy định; ban hành quy chế và thực hiện quy định về chuyển nhượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho tổ chức, cá nhân ngoài cơ sở giáo dục đại học để có nguồn tài chính tái đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ cho cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, pháp luật về sở hữu trí tuệ, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công và các pháp luật khác có liên quan.

6. Cơ sở giáo dục đại học được liên kết với tổ chức, cá nhân thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học theo quy định để hình thành, phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu làm việc chung; phát triển mạng lưới khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, mạng lưới chuyên gia, cố vấn, tư vấn hỗ trợ các khóa huấn luyện, đào tạo, các tổ chức thúc đẩy kinh doanh, quỹ hỗ trợ vốn đầu tư mạo hiểm; kết nối với mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia theo quy định.

Điều 18. Hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học

1. Khuyến khích cơ sở giáo dục đại học đẩy mạnh hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài về khoa học và công nghệ phù hợp với các hiệp định hợp tác về khoa học và công nghệ giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài, hoặc thỏa thuận hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với tổ chức, cá nhân nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Cơ sở giáo dục đại học lựa chọn đối tác nước ngoài có uy tín và kinh nghiệm để hợp tác nghiên cứu, thực hiện các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tự chịu trách nhiệm về nội dung và phạm vi hợp tác, bảo đảm về an ninh chính trị và bí mật quốc gia; mời hoặc thuê chuyên gia nước ngoài tham gia nghiên cứu và đào tạo trình độ cao; hỗ trợ một phần học bổng cho giảng viên và người học, bồi dưỡng, trao đổi học thuật ở nước ngoài, hoặc hỗ trợ thù lao cho chuyên gia nước ngoài từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học.

3. Cơ sở giáo dục đại học được hợp tác xây dựng phòng thí nghiệm giữa cơ sở giáo dục với đối tác nước ngoài gắn với việc thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo quy định.

4. Cơ sở giáo dục đại học đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công bố khoa học trên các tạp chí khoa học có uy tín; thúc đẩy nâng cao chất lượng tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới; chủ trì hoặc tham gia tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế trong một số lĩnh vực có thế mạnh và mời nhà khoa học nước ngoài cùng chủ trì; tổ chức mạng lưới phản biện quốc tế chuyên nghiệp và có uy tín, xuất bản kỷ yếu và ấn phẩm khoa học khác theo tiêu chuẩn quốc tế.

5. Cơ sở giáo dục đại học được mời chuyên gia và ký kết hợp đồng với nhà khoa học có uy tín, nghiên cứu sinh nước ngoài đến hợp tác, làm việc và thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo tiến sĩ tại đơn vị; cử cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, thành viên nhóm nghiên cứu mạnh ra nước ngoài học tập và nghiên cứu.

6. Cơ sở giáo dục đại học được sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ để ký kết hợp đồng chuyên môn với chuyên gia là người nước ngoài; được nhận tài trợ bằng tiền hoặc trang thiết bị từ đối tác nước ngoài cho hoạt động khoa học và công nghệ và sử dụng theo thỏa thuận với đối tác theo quy định.

7. Cơ sở giáo dục đại học tạo điều kiện và cùng cán bộ, giảng viên ký kết hợp đồng chuyên môn, tham gia nhóm nghiên cứu của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài; chịu trách nhiệm về việc cử, quản lý cán bộ, giảng viên tham gia các hoạt động hợp tác, nghiên cứu với nước ngoài theo quy định.

Điều 19. Hoạt động thông tin khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học

1. Cơ sở giáo dục đại học xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động thông tin khoa học và công nghệ, đẩy mạnh nâng cấp tạp chí khoa học theo hướng chuyển đổi số; tạo lập và phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ; khai thác, sử dụng thông tin khoa học và công nghệ; phổ biến, trao đổi các nguồn thông tin khoa học và công nghệ; triển khai các nghiệp vụ thông tin khoa học và công nghệ.

2. Cơ sở giáo dục đại học xây dựng và phát triển hạ tầng thông tin, tham gia xây dựng, cập nhật và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ; xây dựng, quản lý, kết nối và chia sẻ cơ sở dữ liệu về khoa học và công nghệ khác bảo đảm việc tích hợp, trao đổi, chia sẻ dữ liệu đồng bộ, thống nhất; thiết lập, triển khai các mạng thông tin khoa học và công nghệ; ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, phương tiện kỹ thuật tiên tiến trong hoạt động thông tin, thống kê khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng các trang thông tin và cổng thông tin điện tử về khoa học và công nghệ; xây dựng thư viện điện tử, thư viện số; lưu giữ và công bố kết quả hoạt động khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học.

3. Khuyến khích cơ sở giáo dục đại học phát triển khoa học giáo dục mở, có chính sách ưu đãi đối với giảng viên tham gia phát triển tài nguyên giáo dục mở, khóa học trực tuyến mở đại chúng, chuyển các kết quả nghiên cứu khoa học cơ bản sử dụng ngân sách nhà nước thành tài nguyên giáo dục mở.

Điều 20. Liêm chính học thuật trong cơ sở giáo dục đại học

1. Cơ sở giáo dục đại học ban hành bộ quy tắc về liêm chính học thuật trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bảo đảm nguyên tắc trung thực, trách nhiệm, công bằng, minh bạch phù hợp với thực tiễn và theo thông lệ quốc tế.

2. Cơ sở giáo dục đại học ban hành các quy định nội bộ, công cụ để kiểm soát, biện pháp xử lý vi phạm để ngăn chặn hành vi đạo văn, gian lận và bịa đặt trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chương V

ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN TIỀM LỰC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Điều 21. Đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học

1. Đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học, bao gồm các nội dung sau đây:

a) Xây dựng phòng thí nghiệm tập trung, phòng thí nghiệm chuyên ngành, liên ngành hiện đại và đồng bộ; phát triển cơ sở hạ tầng thông tin và cơ sở dữ liệu về khoa học và công nghệ để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học;

b) Hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, khu làm việc chung trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cơ sở giáo dục đại học;

c) Số hóa thư viện trong cơ sở giáo dục đại học để khai thác cơ sở dữ liệu thông tin khoa học và công nghệ trong nước và nước ngoài;

d) Mua cơ sở dữ liệu thông tin khoa học và công nghệ, tài sản trí tuệ; mua công nghệ, hỗ trợ chuyển giao và nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài theo quy định;

đ) Các nội dung khác theo quy định.

2. Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở vật chất cho hoạt động khoa học và công nghệ đối với cơ sở giáo dục đại học công lập đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

a) Là cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu; cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng có nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; cơ sở giáo dục đại học có nhóm nghiên cứu mạnh được công nhận theo Nghị định này; cơ sở giáo dục đại học đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các lĩnh vực ưu tiên của công nghiệp 4.0;

b) Là cơ sở giáo dục đại học có phòng thí nghiệm trọng điểm dùng chung liên ngành, liên trường, kết nối hiệu quả và gắn với năng lực thực tế của đơn vị; cơ sở giáo dục đại học có ứng dụng khoa học và công nghệ tạo ra các sản phẩm mới, có khả năng thương mại hóa cao hoặc có các phòng thí nghiệm bộ môn tăng cường nghiên cứu cơ bản phục vụ đào tạo sinh viên ngành sư phạm;

c) Là cơ sở giáo dục đại học có ảnh hưởng quan trọng đến phát triển vùng và địa phương, có đủ năng lực và điều kiện hạ tầng khoa học và công nghệ giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng hoặc có vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng;

d) Là cơ sở giáo dục đại học được giao đào tạo và nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực được Nhà nước ưu tiên hoặc có các nhiệm vụ nghiên cứu liên quan đến sản phẩm quốc gia.

Điều 22. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học

1. Cơ sở giáo dục đại học thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

2. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học được hình thành từ các nguồn sau đây:

a) Kinh phí trích từ nguồn thu học phí;

b) Các khoản đóng góp tự nguyện, tài trợ, hiến, tặng của cựu sinh viên hoặc của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;

c) Các nguồn thu hợp pháp khác.

3. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học được chi cho các nội dung sau đây:

a) Thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp không sử dụng ngân sách nhà nước; đối ứng nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp bộ và tương đương trở lên có sử dụng ngân sách nhà nước;

b) Hỗ trợ các loại hình nhóm nghiên cứu, giảng viên công bố kết quả nghiên cứu, đăng ký sở hữu trí tuệ, tham dự hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và nước ngoài, mua tài liệu khoa học; mua bản quyền, cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ; mua quyền sở hữu và sử dụng công nghệ; mời chuyên gia tham dự hội nghị, hội thảo; hỗ trợ thù lao hợp đồng thuê khoán chuyên môn được ký kết với chuyên gia; hỗ trợ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ; hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp của người học và giảng viên;

c) Chi khen thưởng các giảng viên cơ hữu và người học có thành tích cao trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đoạt giải thưởng khoa học và công nghệ trong nước, quốc tế;

d) Chi thưởng ít nhất bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp (sau đây gọi là mức lương bình quân) cho tác giả chính bài báo là giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học được công bố trên tạp chí khoa học trong cơ sở dữ liệu WoS; chi thưởng ít nhất 05 lần mức lương bình quân cho tác giả 01 sáng chế và chi thưởng ít nhất 03 lần mức lương bình quân cho tác giả 01 giải pháp hữu ích hoặc 01 giống cây trồng; chi thưởng cho tác giả chính bài báo được công bố trên tạp chí trong danh mục Scopus với mức chi do cơ sở giáo dục đại học quyết định;

đ) Trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật, sửa chữa, mua sắm và duy tu bảo dưỡng trang thiết bị, phương tiện làm việc, tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển khoa học và công nghệ;

e) Tài trợ hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên và giảng viên trẻ; hỗ trợ học bổng cho học viên và nghiên cứu sinh;

g) Tài trợ kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học tại khoản 2 Điều 10 Nghị định này;

h) Thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ do tổ chức, cá nhân tài trợ, đặt hàng theo thỏa thuận với nhà tài trợ;

i) Thực hiện hoạt động đầu tư, đối ứng vốn đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo;

k) Thực hiện thuê tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài để tư vấn, quản lý hoạt động đầu tư của quỹ phát triển khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học; thực hiện ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

l) Thực hiện hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo khác của cơ sở giáo dục đại học.

4. Cơ sở giáo dục đại học ban hành quy định về tổ chức và hoạt động của quỹ phát triển khoa học và công nghệ và có trách nhiệm quản lý, sử dụng quỹ theo đúng mục đích thành lập quỹ.

Điều 23. Tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học

1. Tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học bao gồm:

a) Ngân sách nhà nước từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ, nguồn sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nguồn đầu tư phát triển khoa học và công nghệ và nguồn sự nghiệp khác theo quy định;

b) Nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước của cơ sở giáo dục đại học bao gồm nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp, nguồn thu dịch vụ khác hỗ trợ hoạt động đào tạo, hoạt động kinh doanh, phục vụ cộng đồng, đầu tư tài chính (nếu có) và nguồn thu khác theo quy định của pháp luật;

c) Tài trợ, viện trợ, hiến, tặng của cựu sinh viên hoặc của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho hoạt động khoa học và công nghệ.

2. Chi ngân sách nhà nước cho phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học công lập gồm các nội dung sau đây:

a) Từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ: Tài trợ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ, các chính sách ưu đãi cho nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học tại Điều 10 Nghị định này theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; hỗ trợ kinh phí công bố bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín; đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích; hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ươm tạo và đổi mới công nghệ; hỗ trợ phát triển, nâng cao chất lượng tạp chí khoa học để gia nhập hệ thống trích dẫn khu vực và quốc tế; chi cho dự án tăng cường năng lực nghiên cứu, dự án duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa cơ sở vật chất - kỹ thuật và trang thiết bị; mua cơ sở dữ liệu thông tin khoa học và công nghệ trong nước và nước ngoài; chi thưởng bằng mức lương thấp nhất bình quân cho công bố khoa học có giá trị, bằng 03 lần mức lương bình quân cho 01 sáng chế, bằng 02 lần mức lương bình quân cho 01 giải pháp hữu ích hoặc 01 giống cây trồng; chi hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ và chi cho các hoạt động khoa học và công nghệ khác theo quy định;

b) Từ nguồn đầu tư phát triển khoa học và công nghệ: Chi cho dự án phòng thí nghiệm đầu tư tập trung, phòng thí nghiệm chuyên ngành, liên ngành, dự án tăng cường năng lực nghiên cứu, dự án số hóa thư viện trong cơ sở giáo dục đại học và dự án đầu tư phát triển khoa học công nghệ khác;

c) Từ nguồn sự nghiệp giáo dục và đào tạo: Cấp học bổng, học phí, chi phí cho nghiên cứu sinh là giảng viên hoặc cam kết là giảng viên theo các chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ của Nhà nước theo quy định;

d) Từ nguồn sự nghiệp khác: Các nội dung đầu tư cho khoa học và công nghệ có thể bố trí phù hợp với pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công và các quy định khác có liên quan.

Các nội dung tài trợ, hỗ trợ không được trùng lặp với các tài trợ, hỗ trợ khác từ nguồn ngân sách nhà nước.

3. Chi ngân sách nhà nước cho phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học tư thục gồm các nội dung sau đây:

a) Từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ: Tài trợ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ do Nhà nước đặt hàng; hỗ trợ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ, khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ khác theo các chương trình hoặc đề án của Nhà nước;

b) Từ nguồn sự nghiệp giáo dục và đào tạo: Cấp học bổng, học phí, chi phí cho nghiên cứu sinh là giảng viên hoặc cam kết là giảng viên theo các chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ của Nhà nước cho cơ sở giáo dục đại học tư thục theo quy định.

Nội dung tài trợ, hỗ trợ được quy định tại điểm c khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều này không được trùng lặp với các tài trợ, hỗ trợ đã hoặc đang thực hiện bằng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ, sự nghiệp giáo dục và đào tạo hoặc nguồn kinh phí khác của Nhà nước.

4. Chi từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học cho các nội dung tại khoản 3 Điều 22 Nghị định này.

5. Cơ sở giáo dục đại học ban hành quy định về tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học trong quy chế tài chính và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị theo phân cấp tự chủ đại học, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, khoa học và công nghệ, đầu tư công, giáo dục, giáo dục đại học và được công bố công khai.

Điều 24. Quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học

1. Kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học được cấp từ nguồn ngân sách nhà nước, một phần từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc không sử dụng ngân sách nhà nước.

2. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

a) Đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, việc lập dự toán ngân sách, quản lý tài chính, tài sản của nhiệm vụ khoa học và công nghệ và thủ tục thanh quyết toán kinh phí, thanh lý hợp đồng khoa học và công nghệ thực hiện theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước, về khoa học công nghệ, về quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định liên quan;

b) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hoặc phương thức khoán chi từng phần theo quy định;

c) Đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng một phần kinh phí ngoài ngân sách nhà nước, cơ sở giáo dục đại học cần xác định rõ nội dung sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước và ngoài ngân sách nhà nước để áp dụng các quy định cho phù hợp.

Quy trình lập dự toán, thanh quyết toán kinh phí sử dụng ngân sách nhà nước áp dụng theo quy định tại điểm a khoản này; quy trình lập dự toán, thanh quyết toán kinh phí ngoài ngân sách nhà nước áp dụng theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.

3. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước

a) Cơ sở giáo dục đại học được đăng ký thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ hoặc từ nguồn thu hợp pháp khác của đơn vị khi đáp ứng đầy đủ tiêu chí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ ở cấp đăng ký;

b) Quy trình lập dự toán, thanh quyết toán kinh phí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước được áp dụng theo quy định về tài chính của cơ sở giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm tổ chức thẩm định dự toán kinh phí của nhiệm vụ; trường hợp chưa có định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi, cơ sở giáo dục đại học quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

4. Việc quyết toán các nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện riêng biệt và báo cáo đầy đủ với cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.

Chương VI

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Điều 25. Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo

1. Hướng dẫn việc đề xuất, hình thành và phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học; phát triển mạng lưới chuyên gia, cố vấn, tư vấn cho khởi nghiệp sáng tạo, kết nối với Mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

2. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học khai thác cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phòng thí nghiệm, thử nghiệm, không gian sẵn có của các cơ sở giáo dục đại học phục vụ hoạt động của các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

3. Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học theo thẩm quyền.

Điều 26. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ

1. Hướng dẫn ưu đãi cho nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học khi đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia.

2. Hướng dẫn cơ chế tự chủ đối với các tổ chức khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.

3. Xây dựng và triển khai đề án thí điểm hỗ trợ thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ để khai thác, hoàn thiện và thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ trong các cơ sở giáo dục đại học; hướng dẫn cơ sở giáo dục đại học thành lập cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

Điều 27. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

Tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền kế hoạch ngân sách chi thường xuyên cho hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 28. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Tổng hợp, trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư về khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Điều 29. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

1. Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc theo quy định tại Nghị định này.

2. Xem xét ưu tiên phê duyệt các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ cho tổ chức chủ trì là cơ sở giáo dục đại học theo quy định.

3. Ban hành theo thẩm quyền chính sách thu hút và trọng dụng giảng viên có thành tích nghiên cứu khoa học làm việc tại cơ sở giáo dục đại học trực thuộc, chính sách huy động nguồn tài chính từ doanh nghiệp để hỗ trợ, tài trợ và thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học.

Điều 30. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc theo quy định tại Nghị định này.

2. Xem xét ưu tiên phê duyệt các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh cho tổ chức chủ trì là cơ sở giáo dục đại học theo quy định.

3. Trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền chính sách thu hút và trọng dụng giảng viên có thành tích nghiên cứu khoa học làm việc tại cơ sở giáo dục đại học trực thuộc; chính sách huy động nguồn tài chính từ doanh nghiệp trên địa bàn để hỗ trợ, tài trợ và thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học.

4. Ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất, đặt hàng cơ sở giáo dục đại học thực hiện để phát triển kinh tế - xã hội địa phương và hỗ trợ hoạt động khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học từ nguồn ngân sách địa phương.

Điều 31. Trách nhiệm và quyền của cơ sở giáo dục đại học

1. Ban hành quy định chi tiết về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học, gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo đại học và sau đại học, bảo đảm tính dân chủ, minh bạch và trách nhiệm giải trình; chịu trách nhiệm về phân cấp quản lý và hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.

2. Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động khoa học và công nghệ theo các quy định tự chủ; chủ động xây dựng kế hoạch khoa học và công nghệ dài hạn và hằng năm; tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp đã được phê duyệt.

3. Xây dựng kế hoạch, huy động nguồn kinh phí cho hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học; xây dựng dự án đầu tư cơ sở vật chất; thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp, quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Căn cứ vào tiềm lực và chiến lược phát triển để hình thành các loại hình nhóm nghiên cứu và công nhận nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học.

4. Tạo điều kiện làm việc, xây dựng năng lực và phát huy động lực, tôn trọng quyền tự do sáng tạo, tự chủ học thuật của giảng viên và người học; khen thưởng giảng viên và người học có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

5. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học. Thúc đẩy, tạo điều kiện hình thành doanh nghiệp và doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.

6. Bảo đảm sử dụng đúng mục đích, đúng quy định, minh bạch, hiệu quả nguồn vốn đầu tư và chịu trách nhiệm giải trình về đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại cơ sở giáo dục đại học.

7. Ban hành quy định để phát triển các loại hình nhóm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học; có chế độ ưu đãi cho thành viên nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học và được quy định trong quy chế tài chính và quy chế chi tiêu nội bộ theo phân cấp tự chủ đại học, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, khoa học và công nghệ, đầu tư công, giáo dục, giáo dục đại học và được công bố công khai.

8. Ban hành quy định và tự chịu trách nhiệm về liêm chính học thuật đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của cơ sở giáo dục đại học.

9. Hằng năm, cơ sở giáo dục đại học trích tối thiểu 5% từ nguồn thu học phí; cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu trích tối thiểu 8% từ nguồn thu học phí cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Kinh phí trích từ nguồn thu học phí chỉ được sử dụng cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của người học, giảng viên cơ hữu và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học. Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học sử dụng nguồn thu hợp pháp khác để trích lập cho quỹ phát triển khoa học và công nghệ của đơn vị. Việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học phải được quy định trong quy chế tài chính và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị theo quy định của pháp luật hiện hành và được công bố công khai.

10. Được tự chủ quyết định ký kết hợp đồng lao động với chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ và chịu trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý có thẩm quyền.

11. Được tự chủ quyết định sử dụng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trang thiết bị được đầu tư để phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ và thực hiện dịch vụ khoa học và công nghệ theo quy định.

12. Cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên được tự chủ sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ theo quy định.

13. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả, giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.

Điều 32. Trách nhiệm và quyền của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học

1. Sử dụng kinh phí từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để đặt hàng cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp; đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu chung đặt tại cơ sở giáo dục đại học; đầu tư vào quỹ phát triển khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học và hoạt động khoa học và công nghệ khác.

2. Đặt hàng cơ sở giáo dục đại học thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai ứng dụng về khoa học và công nghệ theo danh mục thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ được Nhà nước khuyến khích, ưu tiên.

3. Được ưu tiên quảng bá, giới thiệu hoạt động sản xuất kinh doanh, được khai thác tài sản đầu tư hình thành trong quá trình hợp tác và được hưởng tỷ lệ lợi nhuận theo thỏa thuận với cơ sở giáo dục đại học;

4. Được hưởng ưu đãi từ việc kinh doanh các sản phẩm khoa học và công nghệ tạo ra trong quá trình hợp tác với cơ sở giáo dục đại học.

5. Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khi đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.

Điều 33. Chế độ báo cáo

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo kết quả thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc phạm vi quản lý định kỳ hằng năm theo quy định hoặc đột xuất, gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ để theo dõi, tổng hợp.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 34. Điều khoản chuyển tiếp

Hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 99/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học trước khi Nghị định này có hiệu lực thì được tiếp tục thực hiện đến khi hoàn thành.

Điều 35. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2023.

2. Nghị định số 99/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Điều 36. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (2b).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Vũ Đức Đam

THE GOVERNMENT
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 109/2022/ND-CP

Hanoi, December 30, 2022

 

DECREE

ON REGULATIONS ON SCIENTIFIC AND TECHNOLOGICAL ACTIVITIES IN HIGHER EDUCATION INSTITUTIONS

Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015; the Law on amendments to the Law on Government Organization and the Law on Organization of Local Government dated November 22, 2019;

Pursuant to the Law on Higher Education dated June 18, 2012; the Law on amendments to the Law on Higher Education dated November 19, 2018;

Pursuant to the Law on Science and Technology dated June 18, 2013;

Pursuant to the Law on Intellectual Property dated November 29, 2005; the Law on amendments to the Law on Intellectual Property dated June 19, 2009; the Law on amendments to the Law on Insurance Business, the Law on Intellectual Property dated June 14, 2019 and the Law on amendments to the Law on Intellectual Property dated June 16, 2022;

At the proposal of the Minister of Education and Training;

The Government promulgates a Decree on regulations on scientific and technological activities in higher education institutions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope and regulated entities

1. This Decree set forth the organization and management of scientific and technological activities in higher education institutions; research groups and strong research groups in higher education institutions; scientific, technological and innovative activities in higher education institutions; develop scientific and technological potential in higher education institutions; responsibilities of agencies, organizations and individuals for scientific and technological activities in higher education institutions.

2. This Decree applies to higher education institutions and related organizations and individuals participating in scientific and technological activities in higher education institutions.

Article 2. Interpretation of terms

For the purposes of this Decree, these terms below shall be construed as follows:

1. Scientific and technological potential include human resources in science and technology, intellectual property, facilities, information and financial resources for carrying out scientific and technological activities.

2. Scientific and technological activities in higher education institutions mean activities of scientific research, experimental research and development, technology application, science and technology services, promotion of initiatives and other creative activities aimed at developing science and technology in association with training of highly qualified human resources, contributing to the country's socio-economic development.

3. A strong research group in a higher education institution is a collective of scientists led by a reputable, capable and highly qualified scientist at the higher education institution who leads and develop an interdisciplinary, long-term, pioneering and breakthrough research direction; have research objectives, plans and contents in each specific period to create products of high scientific and practical value, associated with doctoral training and post-doctoral research.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Chapter II

ORGANIZATION AND MANAGEMENT OF SCIENTIFIC AND TECHNOLOGICAL ACTIVITIES IN HIGHER EDUCATION INSTITUTIONS

Article 3. Scientific and technological contents and plans in higher education institutions

1. . Contents of scientific and technological activities in a higher education institution include:

a) Scientific and technological tasks at all levels, including programs, topics and pilot production projects, and other scientific and technological tasks;

b) Intellectual property; application and transfer, and commercialization of scientific research and technological development results; science and technology services; manufacturing and business;

c) Training and retraining to improve the qualifications of administrators and lecturers in scientific research;

d) Development investment projects, research capacity strengthening projects, key laboratories, interdisciplinary and specialized laboratories, projects to improve scientific journals, projects to repair, procure, and maintain equipment, working facilities, digitize libraries and information infrastructure;

dd) Scientific researches of students, master’s students, postgraduate students (hereinafter referred to as students), researchers and public employees in public higher education institutions; full time staff and lecturers in private higher education institutions (hereinafter referred to as lecturers);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) Information and statistics on science and technology; standards, measurement, quality;

h) Building an innovation startup ecosystem for lecturers, students, related organizations and individuals; establishing and promoting the operation of innovation and technology transfer centers;

i) Finance for scientific and technological activities;

k) Other relevant scientific and technological activities.

2. Higher education institutions develop long-term and annual science and technology plans according to the science and technology content in Clause 1 of this Article and on the basis of the development strategy of the unit; objectives, plans and strategies for science and technology development of the State, ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, provinces and centrally affiliated cities; the need for business cooperation and international cooperation to promote scientific, technological and innovative activities.

Article 4. Management of scientific and technological activities in higher education institutions

1. Higher education institutions shall promulgate and organize the implementation of regulations on management of scientific and technological activities according to the following principles:

a) Scientific and technological activities and training activities are the main tasks of higher education institutions in order to improve the quality of training of highly qualified human resources, contributing to the promotion of science and technology development, and socio-economic of the country;

b) Clearly define roles, rights and responsibilities of units, lecturers and students in higher education institutions for scientific and technological activities;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. A higher education institution has a division to manage scientific and technological activities in its organizational structure as prescribed. The higher education institution shall prescribe the functions and tasks of the department managing scientific and technological activities.

3. The department managing scientific and technological activities in the higher education institution has part-time lecturers, full-time staff and part-time experts from the affiliated units to provide consultation to carry out scientific and technological tasks of the unit.

Article 5. Organization of scientific and technological activities in higher education institutions

1. The higher education institution shall stipulate the organization and operation of the affiliated science and technology institutions prescribed in the regulations on organization and operation of the higher education institution; decide on the establishment, merger, division and dissolution of science and technology organizations according to regulations.

2. Based on its operational efficiency and development orientation, the higher education institution shall decide on the transformation of its affiliated science and technology institutions into enterprises according to given regulations.

Article 6. Science and technology enterprises in higher education institutions

1. A higher education institution may establish an enterprise in accordance with the law on enterprises, in accordance with the development orientation of the higher education institution. An enterprise in higher education institution that satisfies the prescribed eligibility requirements may apply for the certification of science and technology enterprise.

2. Public higher education institutions may contribute capital in form of intellectual property that is the result of a scientific and technological task originating from the state budget and used by a competent authority for joint venture purposes, if it meets the conditions prescribed by the law on science and technology, the law on management and use of public property, the law on intellectual property, the law on enterprises and the relevant laws.

3. The public higher education institution is assigned the right to use the intellectual property that is the result of a scientific and technological task originating from the state budget in the form of an increase in assets, the private higher education institution is assigned the right to own such intellectual property and must return the value of the property as a result of the property in accordance with the law on intellectual property and the law on management and use of public property. The commercialization and registration of certification of science and technology enterprises shall comply with the provisions of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Chapter III

RESEARCH GROUPS AND STRONG RESEARCH GROUPS IN HIGHER EDUCATION INSTITUTIONS

Article 7. Research groups and strong research groups in higher education institutions

1. Higher education institutions shall, based on their needs, potentials and development strategies to build different types of research groups and strong research groups.

2. Higher education institutions shall develop and implement policies to support and give incentives to strong research groups and research groups from the resources of the higher education institutions and from other lawful resources.

3. Higher education institutions recognize different types of research groups according to their needs. Strong research groups in higher education institutions shall be recognized by the lead organization according to the provisions of Articles 8, Article 9 of this Decree.

4. The organization leading the strong research group is a higher education institution with a permanent staff member as the head of the research group.

Article 8. Conditions for establishment and criteria for recognition of strong research groups in higher education institutions

Strong research groups in higher education institutions are established and recognized under the following conditions and criteria:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Prestigious domestic and foreign scientists of the same research orientations of the strong research group who participate in the form of collaborators or other suitable forms of cooperation;

b) Lecturers, researchers and students with the same research orientations from higher education institutions, research institutes and related organizations and individuals.

2. Strong research groups in a higher education institution are formed and developed on the basis of existing and active research groups, which have been selected, recognized and supported by the higher education institution as to support mechanisms and resources for development.

3. A strong research group in a higher education institution consists of a team leader, 5 key members or more, and an unlimited number of members. Members of a strong research group must meet the criteria specified in Article 9 of this Decree and not commit one of the prohibited acts under the law on science and technology, and not be in the period of disciplinary action in the form of reprimand or higher or criminal judgment enforcement.

4. A higher education institution being the organization leading a strong research group must have facilities and laboratories suitable to the main research orientations of the strong research group; have research cooperation activities with foreign organizations and individuals; have successfully cooperated with enterprises or higher education institutions, other research institutes in scientific research and technology transfer.

5. A strong research group in a higher education institution must have a stable development plan with qualified and age-appropriate human resources; have a plan to increase the quantity and quality of scientific and technological products in a period of 5 years; the activities of the strong research group need to be linked with the activities of the departments and laboratories at the organization leading the strong research group and cooperate closely with domestic and foreign organizations and enterprises.

6. Strong research groups in higher education institutions can access advanced, modern, breakthrough and interdisciplinary research orientations; have research orientation explanation and development plan for 5 years; and have products of the research tasks in the first 5 years that meet the following criteria:

a) Stable publication and average annual publication of at least 10 articles in scientific journals in the Web of Science (WoS) database for natural sciences and engineering, at least 10 articles in scientific journals in the WoS and Scopus database for the humanities and social sciences; there is an increase in the quality of articles through being published in international journals with high impact and citation indexes;

b) Publish at least 01 monograph or 02 books and textbooks;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Granted on average each year at least 01 invention patent or 02 utility solution patents or 02 plant variety patents with widespread social influence;

dd) Transferring at least 05 production technologies or commercializing at least 05 scientific and technological products into practice for the community or having 01 national science and technology product recognized in the 5-year period of performing the tasks.

Article 9. Criteria for strong team leaders and research group members in higher education institutions

1. The group leader is a permanent lecturer of a higher education institution who simultaneously meets the following criteria:

a) Having led 01 national science and technology task or 02 science and technology tasks of ministerial or provincial level which have been tested and accepted as passed or higher in the last 5 years;

b) Being the author of 01 monograph or 02 university books and textbooks;

c) Having an h-index of 10 or more (according to the Scopus database);

d) Being the main author of at least 10 works published in scientific journals in the WoS database or the author of at least 02 inventions or 05 utility solutions, or 02 plant variety patents or being the author of a scientific and technological work winning the first prize at the ministerial or provincial level or the Ho Chi Minh Prize, the State Prize in science and technology;

dd) Having successfully supervised at least 02 postgraduate students;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) Fit for work as prescribed by labor law, still eligible for professional work for at least 5 years before retirement age as prescribed by labor law to complete the research orientations.

2. The co-leader is a reputable scientist invited from abroad, responsible for the academic content, has a research orientation in line with the research orientation of the group leader, and also meets the standards in Points c, d and dd Clause 1 of this Article or has won prestigious international awards in the field of research.

3. The group leader will be exceptionally recognized if he/she is a leading scientist who is recognized according to regulations on the utilization of individuals in scientific and technological activities or has won prestigious international awards in the field of science and technology research area and meet the requirements at point m, g Clause 1 of this Article.

4. Key members are lecturers of higher education institutions or researchers of domestic research institutes, and concurrently satisfy the following criteria:

a) Having a research orientation suitable to the research orientation of a strong research group in a higher education institution and having a commitment to register to join the strong research group;

b) Having led 01 ministerial- or provincial-level science and technology task, which has been tested and accepted as passed or higher in the last 5 years;

c) Having an h-index of 5 or more (according to the Scopus database);

d) Being the author of 01 monograph or 01 university textbook;

dd) Being the main author of at least 05 works published in scientific journals in the WoS database or the author of at least 01 inventions or 02 utility solutions, or 02 plant variety patents or being the author of a scientific and technological work winning the first prize at the ministerial or provincial level or the Ho Chi Minh Prize, the State Prize in science and technology;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) Having experience in cooperation in research implementation, pilot production to create scientific products that are applied to serve the community and having at least 01 research cooperation with a domestic or foreign research group.

5. Key members are reputable scientists invited from abroad, fully meeting the criteria at Points a, c, dd and e, Clause 4 of this Article, or scientists from enterprises or other organizations which fully satisfy the criteria at Points a, c, dd and g, Clause 4 of this Article.

6. The key member will be exceptionally recognized if he/she is a leading scientist, talented young scientist who is recognized according to regulations on the utilization of individuals in scientific and technological activities or has won prestigious international awards in the field of research.

7. Other key members are lecturers, researchers and students of domestic and foreign higher education institutions or research institutes, and concurrently satisfy the following criteria:

a) Having a research orientation suitable to the research orientation of a strong research group in a higher education institution and having a commitment to register to join the strong research group;

b) Having had a scientific work published jointly with the group leader or key members in an international scientific journal or in a prestigious domestic scientific journal.

8. Members who are scientists from enterprises or other organizations need to fully satisfy the criteria in Article g, Clause 4 and Point a, Clause 7 of this Article.

Article 10. Incentive policies for strong research groups in higher education institutions

1. Strong research groups in higher education institutions are entitled to incentives from the State as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Given priority to the proposal of allocating investment capital for investment projects to develop facilities and laboratories for scientific research and technology transfer activities according to the research fields of the strong research group according to the provisions of law provisions of the law on public investment;

c) Given priority to appoint members to participate in post-doctoral research programs to perform research tasks at domestic and foreign training institutions and research institutions; be sent to practice and work for a definite term to perform research tasks at overseas science and technology organizations under programs and projects approved by competent authorities;

d) Receive financial support to publish research results in reputable international scientific journals, register for protection of intellectual property rights for inventions or utility solutions or domestic and foreign plant varieties, publish scientific works of high scientific and practical value under programs or projects approved by competent authorities;

dd) To receive financial support for attending specialized scientific conferences and seminars at home and abroad according to programs and projects approved by competent authorities;

e) Receive support for using national key laboratories and other laboratories to carry out scientific and technological activities;

g) Be facilitated by public libraries and scientific and technological information organizations to access information and databases on science and technology to perform research tasks.

The supported and financed matters at points c, d and dd of this clause must not overlap with other supported and financed matters from the state budget.

2. Strong research groups in higher education institutions are entitled to incentives from the State as follows:

a) Receive funds for regular operation, have working rooms and necessary office facilities for operation; be supported to find investment sources outside the state budget to build facilities and laboratories, and are assigned to directly manage and use facilities and laboratories from sources of funds for research activities; receive financial support according to the ability of the higher education institution to complete approved research assignment;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 11. Responsibilities and rights of leading organizations, team leaders and members of strong research groups in higher education institutions

1. Responsibilities and rights of the organization leading strong research groups in a higher education institution

a) Guide and support permanent lecturers who meet the eligibility requirements for strong research group leader in higher education institutions specified in Clause 1, Article 9 of this Decree to gather domestic and foreign human resources who have built up research orientation and development plan in 5 years;

b) Issue regulations on incentives to develop strong research groups in higher education institutions, provide incentives for income and teaching hours for members of strong research groups in higher education institutions, and include regulations in financial regulations, internal spending regulations to ensure compliance with regulations and be publicly announced;

c) Formulate annual budget estimates and submit them to competent authorities for approval and allocate funds to implement the policy of incentives for strong research groups in higher education institutions according to regulations;

d) Prepare reports on the performance of the strong research group and send it to the superior agency on an annual basis.

2. Responsibilities and rights of a group leader

a) Formulate a research orientation and development plan for 5 years and submit it to the organization leading the strong research group for approval;

b) Make an application to request the leading organization to recognize a strong research group in a higher education institution;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Effectively use the facilities and equipment of the organization leading the strong research group in the higher education institution and those of the organizations and enterprises that cooperate in performing the research tasks; use the funds allocated in accordance with regulations to achieve the products committed in the description of the research orientation and development plan in 5 years; be accountable to the organization leading the strong research group in the higher education institution and relevant regulatory agencies;

dd) Send annual report on the performance of the strong research group to the leading organization;

e) Be autonomous in attracting experts, postgraduate students and interns to participate in performing research tasks of the strong research group in higher education institution; in admitting members to join strong research groups in higher education institution; in using and allocating resources within the strong research group in the higher education institution;

g) Propose to the organization leading the strong research group, relevant ministries, branches and agencies in the development of new research orientations and new training programs; to develop scientific and technological products of the strong research group in higher education institution;

h) Enjoy incentives and support policies equivalent to those for leading scientists in higher education institutions according to regulations on utilization of individuals in scientific and technological activities.

3. Responsibilities and rights of members

a) Effectively perform the tasks assigned by the group leader and be accountable to the group leader for the effective performance of the assigned tasks; actively participate in scientific and technological activities of the domestic and foreign scientific community;

b) Propose to the group leader about new research and training directions; be encouraged to discover and introduce excellent experts, scientists, postgraduate students, interns, trainees and students to join the strong research group in the higher education institution;

c) Key members are given priority to participate in post-doctoral research programs at foreign training institutions or research institutions; be given priority to be sent to practice and work for a definite time at overseas science and technology organizations to perform research tasks of the strong research group in the higher education institution according to programs and projects approved by the competent authorities;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Co-leaders of the group, key members being foreign scientists are entitled to incentives according to regulations on attracting overseas Vietnamese for scientific and technological activities and foreign experts participating in scientific and technological activities in Vietnam.

Article 12. Funding for implementation of incentive policies for strong research groups in higher education institutions

1. Funds for implementation of policies on incentives for strong research groups in higher education institutions shall be allocated from sources of funds for scientific and technological, education and training, development investment and other lawful sources according to the law on state budget, law on science and technology, law on public investment and other relevant regulations.

2. Higher education institutions supported by scientific and technological sources shall implement the incentives policy for strong research groups in higher education institutions for scientific and technological tasks ordered by the State as specified. Funds for implementation of incentives policies from the source of science and technology for strong research groups in higher education institutions may be provided from the national science and technology development fund or from the science and technology development fund of provinces and centrally affiliated cities and from other lawful funding sources (if any) according to regulations.

3. The superior agency competent to manage the state budget of the higher education institution shall summarize the budget estimates for the implementation of incentives policies for strong research groups in the higher education institution from cost estimates made by the higher education institution and send it to the Ministry of Science and Technology, the Ministry of Finance, and the Ministry of Planning and Investment for consolidation in accordance with the law on state budget.

Chapter IV

SCIENTIFIC, TECHNOLOGICAL AND INNOVATIVE ACTIVITIES IN HIGHER EDUCATION INSTITUTIONS

Article 13. Intellectual property activities in higher education institutions

1. The higher education institution shall develop a plan for implementation of intellectual property activities, issue regulations on exploitation of State-protected intellectual property and use other lawful intellectual property of the higher education institution, including:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) In case the intellectual property is formed from a scientific and technological task with the contribution of the sponsor, the higher education institution shall reach agreement with the sponsor on the assignment of ownership or co-ownership of the research results and profit sharing from production and business when research results are applied.

2. Higher education institutions are responsible for filing applications for protection of inventions, utility solutions, industrial designs and other intellectual property created from the higher education institution's budget and from state budget that the higher education institution is assigned to preside over the science and technology tasks as prescribed.

Article 14. Scientific research activities of lecturers and students in higher education institutions

1. Lecturers and postgraduate students are allowed to participate in or take charge of scientific and technological tasks at all levels and in scientific and technological activities of higher education institutions.

2. Students are facilitated to perform scientific and technological tasks at all levels and in scientific and technological activities of higher education institutions.

3. Students are facilitated to participate in scientific research and scientific and technological activities in higher education institutions

4. Higher education institutions shall guide and prioritize resources for students' scientific research activities; stipulate expenditure amounts for scientific research activities of students, scholarships and sponsorship for scientific research of students and postgraduate students; create favorable conditions on time to attract students and trainees to participate in scientific research.

5. Higher education institutions shall prescribe the number of hours of scientific research for lecturers to supervise students' scientific research topics; stipulate preferential regimes for lecturers who guide scientific research projects of students who win science and technology awards at all levels.

6. Higher education institutions shall stipulate the reward and preferential regime for lecturers and other forms of reward and scholarship for students with outstanding achievements in science, technology and innovative activities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Higher education institutions promote the dissemination of research results, introduce scientific achievements and technical advances, and create conditions for groups and individuals to apply and transfer research results. into real life and production and business, and at the same time provide scientific and technological services in higher education institutions.

2. Higher education institutions encourage their affiliated units and lecturers and students to implement technology transfer projects, guide legal procedures, sign contracts, and register technology transfer contracts.

3. Higher education institutions may transfer technology to domestic and foreign enterprises and organizations according to regulations, except for scientific and technological results that are classified as state secrets.

Article 16. Cooperation in science and technology between higher education institutions and enterprises outside higher education institutions

1. Higher education institutions proactively explore the needs of enterprises for technological innovation and product innovation in related fields, connect and cooperate in research to solve enterprises' needs, negotiate and sign cooperation documents with enterprises.

2. Public higher education institutions may cooperate with enterprises to invest in the construction of joint research laboratories, small and medium-sized business incubators, technical facilities to support small and medium-sized enterprises, and co-working areas at a higher education institution in accordance with the law on management and use of public property, public investment and relevant regulations; participate in the signing of contracts for consultancy, appraisal and technology assessment for enterprises' new projects of production, technology import or innovation as agreed.

3. Higher education institutions may receive financial support or equipment from enterprises for scientific, technological and exploitation activities as agreed with enterprises in accordance with the law on funding and aids.

4. Higher education institutions may contribute capital with intellectual property to enter into joint ventures and associations with enterprises outside higher education institutions in accordance with the law on intellectual property, the law on management, use of public property and receive profits from joint venture and association activities according to regulations. Enterprises may receive a share of intellectual property rights when receiving technology transfer from higher education institutions in accordance with the provisions of the law on intellectual property and the law on technology transfer.

5. Higher education institutions shall, based on regulations on scientific research of lecturers, calculate research hours for lecturers participating in scientific and technological activities at enterprises that cooperate with higher education institutions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7. Enterprises may invest in building joint research laboratories, small and medium-sized business incubators, technical facilities to support small and medium-sized enterprises, and co-working areas at higher education institutions to cooperate in research and improvement, technology development, application and trial production of new products in order to develop the enterprise's technology in accordance with the regulations on management and operation of the enterprise's science and technology development fund industry, regulations of law on science and technology and other relevant regulations.

8. Encourage qualified technical and managerial staff of the enterprise to participate in scientific, technological activities, to train and teach specialized subjects and professional skills, to supervise research, practice at higher education institutions; encourage lecturers of higher education institutions to participate in scientific and technological activities at enterprises.

Article 17. Startup and innovation ecosystem in higher education institutions

1. Higher education institutions promulgate regulations on supporting startups and innovation for lecturers and students, developing and forming a culture of startups and innovation in higher education institutions.

2. Higher education institutions form and develop innovation centers, start-up and innovation networks of their own, and coordinate with other higher education institutions to develop start-up and innovation network.

3. Higher education institutions shall develop incubation programs and training programs on startups and innovation for lecturers and students; form and develop startups and innovation from start-up ideas, innovation and research results of lecturers and students.

4. Higher education institutions support the establishment of enterprises and registration of science and technology enterprises to commercialize intellectual property rights protected by the State in order to develop the market and mobilize capital from the market, access to state preferential capital sources for science and technology enterprises.

5. Higher education institutions possessing patents and utility solutions that have been protected by the State may establish enterprises, register science and technology enterprises in order to exploit, improve and commercialize products according to regulations; may promulgate regulations and implement regulations on transfer of science and technology enterprises to organizations and individuals outside higher education institutions in order to have financial resources to reinvest in research activities and enhance science and technology potential for higher education institutions in accordance with the law on science and technology, the law on intellectual property, the law on management and use of state capital invested in production, doing business at enterprises, the law on management and use of public property and other relevant laws.

6. Higher education institutions may associate with organizations and individuals to establish science and technology development funds of higher education institutions according to regulations in order to form and develop innovation centers, small and medium-sized business incubators, technical facilities to support small and medium-sized enterprises, co-working areas; to develop start-up, innovation network, network of experts, mentors, consultants to support training courses, training, business promotion organizations, venture capital support funds; connect with the national innovation start-up network according to regulations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Encourage higher education institutions to promote cooperation with foreign organizations and individuals in science and technology in accordance with agreements on cooperation in science and technology between the Government of Vietnam and the Government of foreign countries or a cooperation agreement between a higher education institution and a foreign organization or individual in accordance with law.

2. The higher education institution selects a reputable and experienced foreign partner for cooperation in research and implementation of scientific, technological and innovative activities, and is solely responsible for the content and scope of cooperation, ensuring political security and national secrets; invite or hire foreign experts to participate in high-level research and training; partially support scholarships for lecturers and learners, training, academic exchange abroad, or support remuneration for foreign experts from the scientific and technological development fund of the higher education institution.

3. The higher education institution may cooperate in building laboratories between the educational institution and foreign partners in association with the implementation of international cooperation programs and projects on scientific research and technological development as prescribed.

4. Higher education institutions promote international cooperation in scientific publication in prestigious scientific journals; promote the quality of scientific journals of higher educational institutions to achieve regional and world standards; chair or participate in holding international scientific conferences and seminars in a number of strong fields and invite foreign scientists to co-chair; organize a professional and reputable international review network, publish yearbooks and other scientific publications according to international standards.

5. Higher education institutions may invite experts and sign contracts with reputable scientists and foreign researchers to cooperate, work and carry out scientific research and doctoral training at the institutions; send staff, lecturers, postgraduate students, strong research team members abroad to study and research.

6. Higher education institutions may use funds for performing scientific and technological tasks to sign professional contracts with foreign experts; receive financial support or equipment from foreign partners for scientific and technological activities and use them according to agreements with partners as prescribed.

7. Higher education institutions enable and together with officials and lecturers to sign professional contracts and join research groups of foreign science and technology organizations; be responsible for the appointment and management of officials and lecturers participating in cooperation and research activities with foreign countries according to regulations.

Article 19. Scientific and technological activities in higher education institutions

1. Higher education institutions shall develop programs and plans on science and technology information activities, upgrade scientific journals towards digital transformation; create and develop scientific and technological information sources; use scientific and technological information; disseminate and exchange scientific and technological information sources; implement scientific and technological information practices.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Encourage higher education institutions to develop open educational science, adopt preferential policies for lecturers participating in the development of open educational resources, open online courses to the public, and transfer basic scientific research results using the state budget into open educational resources.

Article 20. Academic integrity in higher education institutions

1. Higher education institutions promulgate a set of rules on academic integrity in science, technology and innovation activities, ensuring the principles of honesty, responsibility, fairness and transparency in accordance with practices and in accordance with international practices.

2. Higher education institutions promulgate internal regulations, tools to control and handle violations to prevent acts of plagiarism, fraud and fabrication in scientific and technological, and innovative activities.

Chapter V

INVESTMENT IN THE DEVELOPMENT OF SCIENCE AND TECHNOLOGY POTENTIAL IN HIGHER EDUCATION INSTITUTIONS

Article 21. Investment in facilities for scientific and technological activities in higher education institutions

1. Investment in facilities for science and technology activities in higher education institutions, including the following:

a) Building centralized laboratories, modern and synchronous specialized and interdisciplinary laboratories; develop information infrastructure and database on science and technology to support scientific research activities;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Digitizing libraries in higher education institutions to exploit domestic and foreign scientific and technological information databases;

d) Purchase scientific and technological information databases and intellectual property; purchase technology, support technology transfer and technology import from abroad according to regulations;

dd) Other matters as prescribed.

2. The State gives priority to invest in development of facilities for science and technology activities for a public higher education institution if it satisfies one of the following conditions:

a) It is a research-oriented higher education institution; it is an application-oriented higher education institution with many achievements in scientific research and technology transfer; it has strong research groups being recognized under this Decree; it takes the lead in the application of information technology, digital transformation and priority areas of industry 4.0;

b) It has interdisciplinary and inter-university key laboratories that effectively connect and associate with the actual capacity of the institution; it has applied science and technology to create new, highly commercialized products, or have subject laboratories that enhance basic research to serve the training of pedagogical students;

c) It has an important influence on regional and local development; it has sufficient capacity and conditions for scientific and technological infrastructure to solve problems related to socio-economic development of the region or plays an important role in human resource training, research and technology transfer for socio-economic development of the region;

d) It is assigned to provide training and scientific research in the fields prioritized by the State or has research tasks related to national products.

Article 22. Science and technology development funds of higher education institutions

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Science and technology development funds of higher education institutions are formed from the following sources:

a) Funding set aside from tuition fees;

b) Voluntary contributions, sponsorships, donations, donations from alumni or from domestic and foreign organizations and individuals;

c) Other lawful sources of income.

3. The science and technology development fund of a higher education institution may be spent on the following:

a) Performing scientific and technological tasks at all levels without using the state budget; reciprocating scientific and technological tasks at ministerial level and equivalent or higher with the use of the state budget;

b) Supporting various types of research groups and lecturers to announce research results, register intellectual property, attend domestic and foreign scientific conferences and seminars, and purchase scientific documents; purchasing copyrights, scientific and technological databases; purchasing the right to own and use technology; inviting experts to attend conferences and seminars; supporting remuneration for freelance contracts signed with experts; supporting scientific and technological human resource training and retraining activities; supporting start-up groups of students and lecturers;

c) Rewarding permanent lecturers and students with high achievements in scientific research and technology transfer, winning national and international science and technology prizes;

d) Paying bonuses at least equal to the lowest average salary of regions of the business sector (hereinafter referred to as average salary) to the main author of the article who is a permanent lecturer of a higher education institution published in scientific journals in the WoS database; paying bonuses at least 05 times the average salary for the author of 01 invention and paying bonuses at least 03 times the average salary for the author of 01 utility solution or 01 plant variety; paying bonuses to the main author of articles published in journals in the Scopus catalog at a rate determined by the higher education institution;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Sponsoring scientific research activities of students and young lecturers; supporting scholarships for students and postgraduate students;

g) Funding for preferential policies for strong research groups in higher education institutions specified in Clause 2, Article 10 of this Decree;

h) Carrying out scientific and technological activities sponsored or ordered by organizations and individuals according to agreements with sponsors;

i) Carrying out investment activities, reciprocal investment capital for start-up and innovation activities;

k) Engaging domestic and foreign organizations and individuals to advise and manage investment activities of the scientific and technological development fund of the higher education institution; carrying out technology incubation, science and technology business incubation, commercialization of scientific research and technological development results;

l) Carrying out other scientific, technological and innovative activities of the higher education institution.

4. The higher education institution shall promulgate regulations on the organization and operation of the science and technology development fund and shall be responsible for managing and using the fund according to the purposes of its establishment.

Article 23. Finance for scientific and technological activities in higher education institutions

1. Finance for scientific and technological activities in higher education institutions includes:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Lawful revenues outside state budget of higher education institutions include revenues from non-business activities, revenues from other services in support of training activities, business activities, community service, financial investment (if any) and other revenue sources as prescribed by law;

c) Sponsorship, aids, donation of alumni or domestic and foreign organizations and individuals for scientific and technological activities.

2. State budget expenditures for development of scientific and technological potentials in public higher education institutions include the following items:

a) From science and technology source: Funding for scientific and technological research tasks, preferential policies for strong research groups in higher education institutions specified in Article 10 of this Decree in accordance with regulations of the law on the state budget; financial support for publication of articles in prestigious international scientific journals; registration of inventions and utility solutions; support of the commercialization of scientific research and technology development results, technology incubation and innovation; supporting the development and improvement of the quality of scientific journals to join the regional and international citation system; spending on projects on strengthening research capacity, projects on maintenance, repair and repair of facilities and equipment; purchase of domestic and foreign scientific and technological information databases; paying bonuses equal to the lowest average salary for valuable scientific publications, equal to 03 times the average salary for 01 invention, equal to 02 times the average salary for 01 utility solution or 01 plant variety; spending on training and retraining of science and technology human resources and spending on other science and technology activities as prescribed;

b) From science and technology development source: Spending on projects of centralized investment laboratories, specialized and interdisciplinary laboratories, projects on strengthening research capacity, projects on library digitization in higher education institutions and other scientific and technological development investment projects;

c) From education and training source: grant of scholarships, covering tuition fees, expenses for postgraduate students who are lecturers or committed to be lecturers according to the State's doctoral training programs as prescribed;

d) From other non-business sources: Investment in science and technology can be arranged in accordance with the law on state budget, the law on public investment and other relevant regulations.

The sponsorship and support items must not be duplicated with other grant and support items from the state budget.

3. State budget expenditures on development of scientific and technological potentials in private higher education institutions include the following items:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) From education and training source: grant of scholarships, covering tuition fees, expenses for postgraduate students who are lecturers or committed to be lecturers according to the State's doctoral training programs for private higher education institutions as prescribed.

The contents of sponsorship and support specified at Point c, Clause 2 and Point b, Clause 3 of this Article must not overlap with the sponsorships and supports that have been or are being made with the science and technology source, the education and training source or other funding sources of the State.

4. Expenditures from the science and technology development fund of the higher education institution on the items specified in Clause 3, Article 22 of this Decree.

5. Higher education institutions promulgate financial regulations for scientific and technological activities in higher education institutions in their financial regulations and internal spending regulations according to their autonomy decentralization, ensuring compliance with the law on state budget, science and technology, public investment, education, and higher education and making it public.

Article 24. Management, use and settlement of funds for performing science and technology tasks in higher education institutions

1. Funds for performing science and technology tasks in higher education institutions are provided from the state budget, partly from the state budget or not from the state budget.

2. Scientific and technological tasks using the state budget

a) As for science and technology tasks funded with the state budget, the making of budget estimates, financial and asset management of science and technology tasks, and procedures for funding and payment of funds; management of science and technology contracts in accordance with the law on state budget, on science and technology, on management and use of public property and related regulations;

b) Scientific and technological tasks shall be performed according to the method of lump sum payment to the final product or the method of partial payment according to regulations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The process of making cost estimates, making payment and settlement of expenditures using the state budget shall comply with Point a of this Clause; the process of making cost estimates, making payments for non-state budget expenditures shall comply with Point b, Clause 3 of this Article.

3. Scientific and technological tasks not using the state budget

a) A higher education institution may register to perform science and technology tasks at all levels from the science and technology development fund or from other lawful revenue sources of the institution when fully meeting the criteria of science and technology service tasks at the given registration level;

b) The process of making cost estimates, payment and settlement of funds for science and technology tasks that do not use the state budget shall comply with the financial regulations of the higher education institution. The higher education institution is responsible for organizing the appraisal of the cost estimate of the task; if the required labor hours, equipment and materials to complete defined products or work activities have not been identified, the higher education institution shall decide and take responsibility for its decision.

4. The final accounts of funding sources for performing scientific and technological tasks shall be prepared separately and fully reported to regulatory agencies as prescribed.

Chapter VI

RESPONSIBILITIES OF AGENCIES, ORGANIZATIONS, AND INDIVIDUALS IN SCIENTIFIC, TECHNOLOGICAL AND INNOVATIVE ACTIVITIES IN HIGHER EDUCATION INSTITUTIONS

Article 25. Responsibilities of the Ministry of Education and Training

1. Guide the proposal, formation and development of start-up and innovation support centers in higher education institutions; develop a network of experts, mentors and consultants for innovative startups, and connect with the National Innovation Startup Network.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Guide, monitor, urge and inspect the implementation of science, technology and innovation activities in higher education institutions according to their competence.

Article 26. Responsibilities of the Ministry of Science and Technology

1. Guide incentives for strong research groups in higher education institutions when ordering national science and technology tasks.

2. Guide the autonomy mechanism for science and technology organizations in higher education institutions.

3. Develop and initiate a pilot project to support the establishment of science and technology enterprises to exploit, perfect and commercialize intellectual property rights in higher education institutions; guide higher education institutions to set up small and medium-sized business incubators, technical facilities to support small and medium-sized enterprises, and co-working areas to support small and medium-sized start-ups.

Article 27. Responsibilities of the Ministry of Finance

Summarize and submit to competent authorities the plan of recurrent expenditures for science and technology activities in higher education institutions in accordance with the law on state budget.

Article 28. Responsibilities of the Ministry of Planning and Investment

Summarize and submit to the Government and the Prime Minister annual and medium-term plans for public investment to implement science and technology investment programs and projects in higher education institutions approved by competent authorities in accordance with the law on public investment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Guide, monitor, urge and inspect the implementation of scientific and technological activities of affiliated higher education institutions according to this Decree.

2. Prioritize approval of ministerial-level science and technology tasks for the lead organization being a higher education institution as prescribed.

3. Promulgate according to its competence policies on attracting and employing lecturers with achievements in scientific research working at affiliated higher education institutions, policies on mobilizing financial resources from enterprises for supporting and sponsoring and carrying out scientific and technological activities at higher education institutions.

Article 30. Responsibilities of People's Committees of provinces and centrally affiliated cities

1. Guide, monitor, urge and inspect the implementation of scientific and technological activities of affiliated higher education institutions according to this Decree.

2. Prioritize approval of province-level science and technology tasks for the lead organization being a higher education institution as prescribed.

3. Promulgate according to its competence policies on attracting and employing lecturers with achievements in scientific research working at affiliated higher education institutions, policies on mobilizing financial resources from enterprises for supporting and sponsoring and carrying out scientific and technological activities at higher education institutions.

4. Apply the results of performing scientific and technological tasks proposed and ordered by the People's Committees of provinces and centrally affiliated cities from higher education institutions for socio-economic development in the provinces and support scientific and technological activities of higher education institutions from the local budget.

Article 31. Responsibilities and rights of higher education institutions

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Implement a mechanism of autonomy and self-responsibility in scientific and technological activities according to regulations on autonomy; take the initiative in formulating long-term and annual science and technology plans; perform scientific and technological tasks at all levels that have been approved.

3. Formulate plans and mobilize funding sources for science and technology activities in higher education institutions; construct infrastructure investment projects; establish science and technology organizations, enterprises, science and technology development funds. Form different types of research groups and recognize strong research groups in higher education institutions based on the potential and development strategy.

4. Facilitate working conditions, build capacity and promote motivation, respect creative freedom and academic autonomy of lecturers and students; reward lecturers and researchers with outstanding achievements in science, technology and innovation activities.

5. Enable enterprises, organizations and individuals to invest in developing potentials and encourage scientific, technological and innovative activities in higher education institutions. Promote and facilitate the formation of science and technology enterprises and enterprises in higher education institutions.

6. Ensure proper use of investment capital for the right purposes, regulations, transparency and efficiency, and take responsibility for investment in science, technology and innovation activities at higher educational institutions.

7. Promulgate regulations to develop strong research groups and research groups in higher education institutions; have preferential regimes for members of research groups and strong research groups in higher education institutions and are specified in the financial regulations and internal spending regulations according to the university autonomy decentralization, ensuring compliance with comply with regulations of law on state budget, science and technology, public investment, education and higher education and be made public.

8. Promulgate regulations and take self-responsibility for academic integrity for scientific, technological and innovative activities of higher education institutions.

9. Annually, each higher education institution shall set aside at least 5% from tuition fees; each research-oriented higher education institution shall set aside at least 8% from tuition fees for science, technology and innovation activities. Funds set aside from tuition fees may only be used for scientific, technological and innovative activities of students and permanent lecturers and for developing the scientific and technological potential of the higher education institution. Encourage higher education institutions to use other lawful sources of income to set aside for their science and technology development funds. The set-aside, management and use of the science and technology development fund of a higher education institution must be specified in the institution's financial regulations and internal spending regulations in accordance with current laws and made publicly available.

10. Have the autonomy to decide on the conclusion of labor contracts with foreign experts participating in science and technology activities and to report to the competent management agency.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



12. Public higher education institutions that cover their own recurrent expenditures are entitled to autonomously use lawful non-state budget revenues to invest in projects to conduct scientific research and technology transfer as prescribed.

13. Organize the examination, supervision and evaluation of results, settle complaints and denunciations, commend and reward and handle violations of science and technology activities in higher education institutions.

Article 32. Responsibilities and rights of enterprises, organizations and individuals participating in science and technology activities in higher education institutions

1. Use funds from the enterprise's science and technology development fund to order higher education institutions for technological research, development and innovation for enterprises; invest in building joint research laboratories located at higher education institutions; invest in science and technology development funds of higher education institutions and other science and technology activities.

2. Order higher education institutions to perform the task of researching and initiating science and technology applications according to the list of science and technology fields encouraged and prioritized by the State.

3. Be given priority to promote and introduce production and business activities, to exploit investment properties formed during the cooperation process and to enjoy the profit rate agreed upon with the higher education institution;

4. Enjoy incentives from the business of scientific and technological products created in the course of cooperation with higher education institutions.

5. The State recognizes and protects the ownership of assets, investment capital, income, and other lawful rights and interests of enterprises, organizations and individuals when investing in scientific and technological activities. in higher education institutions.

Article 33. Reporting regime

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Chapter VII

IMPLEMENTATION

Article 34. Transitional provisions

Scientific and technological activities in higher education institutions have been approved by competent authorities in accordance with the Government's Decree No. 99/2014/ND-CP dated October 25, 2014 on investment potential development and encouragement of scientific and technological activities in higher education institutions before this Decree takes effect may continue until completion.

Article 35. Entry in force

1.

2. Decree No. 99/2014/ND-CP dated October 25, 2014 of the Government on investment in potential development and encouragement of scientific and technological activities in higher education institutions has expired from the effective date of this Decree.

Article 36. Implementation

Ministers, heads of ministerial-level agencies and governmental agencies, chairpersons of provincial-level People's Committees and concerned institutions and individuals shall implement this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PP. THE PRIME MINISTER
DEPUTY MINISTER




Vu Duc Dam

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 109/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


13.544

DMCA.com Protection Status
IP: 18.218.129.100
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!