ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 710/KH-UBND
|
Hà Tĩnh, ngày 09 tháng 12 năm 2015
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG, ĐẠO ĐỨC LỐI SỐNG
CHO THANH NIÊN, THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2015-2020”
I. MỤC TIÊU VÀ MỘT SỐ CHỈ TIÊU
CHỦ YẾU
I. Mục tiêu:
Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng,
đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ Hà Tĩnh, nhằm tạo chuyển biến căn bản về đạo
đức, lối sống phát triển toàn diện; yêu gia đình, đạo đức
trong sáng, lối sống văn hóa; yêu nước, tự hào dân tộc, kiên định lý tưởng độc
lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có ý thức tuân thủ pháp luật; có năng lực và bản
lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khỏe, trí thức và kỹ
năng lao động, kỹ năng sống, trở thành những công dân có
ích, tích cực xây dựng và bảo vệ quê hương, tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
2. Một số chỉ tiêu chủ yếu:
- 100% thanh niên trong lực lượng vũ
trang, công chức, viên chức, học sinh và sinh viên; 80% tổng số thanh niên Hà
Tĩnh các lĩnh vực còn lại được tuyên truyền, học tập Nghị quyết của các cấp ủy
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- 100% nhà trường trong hệ thống giáo
dục quốc dân xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học.
- 100% đội ngũ làm công tác giáo dục
thanh niên, thiếu niên và nhi đồng được thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ,
năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
- 100% hộ gia đình được phổ biến, hướng
dẫn và cam kết thực hiện tốt việc giáo dục đạo đức, lối sống,
góp phần hướng dẫn học tập cho con em trong gia đình.
- Đến năm 2020, có 100% thanh niên, học
sinh, sinh viên Hà Tĩnh tình nguyện tham gia các hoạt động
xã hội, từ thiện nhân đạo, hoạt động lao động tập thể.
II. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC
HIỆN
1. Đẩy mạnh tuyên truyền,
phổ biến về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối
sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
a) Nội dung tuyên truyền.
- Tuyên truyền, phổ biến lý tưởng
cách mạng, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật liên quan đến đời sống,
học tập, việc làm; tuyên truyền tinh hoa văn hóa, giá trị nhân bản của nhân loại,
tư tưởng Hồ Chí Minh cho thanh niên; giáo dục các giá trị đạo đức, truyền thống
văn hóa, lối sống tốt đẹp của con người Việt Nam và quê hương Hà Tĩnh cho thanh
niên, thiếu niên và nhi đồng.
- Tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực của đời
sống xã hội. Tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ; đấu tranh
phòng chống “Diễn biến hòa bình”, phản bác các luận điệu
thông tin sai trái của các thế lực thù địch.
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức và
trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội trong việc phối hợp giáo dục lý tưởng cách
mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ.
- Tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các diễn
đàn, chương trình,... để tuyên truyền, phổ biến về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng
như:
+ “Đảng với thanh niên - Thanh niên với
Đảng”, “Tuổi trẻ tự hào tiến bước dưới cờ Đảng”
+ Chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi
trẻ Hà Tĩnh”
+ “Tuổi trẻ Hà Tĩnh học tập và làm
theo lời Bác".
+ “Nghĩa tình biên giới hải đảo”.
+ “Nói không với tiêu cực trong thi cử
và bệnh thành tích trong giáo dục”; phong trào tự học, tự rèn luyện trong học
sinh, sinh viên.
+ "Đoàn thanh niên tham gia giữ
gìn trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2015-2020"
+ Tọa đàm “Gặp gỡ nhân chứng”, “Nghe
Cựu chiến binh kể chuyện” cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng nhân các ngày
lễ: 22/12, 30/4, 27/7,...
b) Phát huy hiệu quả các hình thức và
phương tiện tuyên truyền.
- Đa dạng hóa và lồng ghép các hình
thức tuyên truyền thông qua các hội nghị, hội thảo, triển lãm; phóng sự, bài viết
trên báo, đài trung ương, địa phương; các phương tiện trực quan; các cuộc thi
tìm hiểu văn hóa, lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, Đoàn, Hội, Đội; các cuộc thi
về lý tưởng cách mạng, về Chủ tịch Hồ Chí Minh; vinh danh, tuyên
dương, khen thưởng các tấm gương thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tiêu biểu
trong chiến đấu, lao động sản xuất, học tập và rèn luyện.
- Khuyến khích xuất bản, tái bản các
đầu sách hay viết về những tấm gương anh hùng, liệt sĩ,
người tốt - việc tốt. Biên soạn, phát hành các sách và ấn phẩm về bồi dưỡng tâm
hồn, giá trị sống, kỹ năng sống và lý tưởng cách mạng cho thanh niên, thiếu
niên và nhi đồng.
- Quản lý nội dung và khai thác hiệu
quả hệ thống truyền thông, văn hóa, thể thao sẵn có và
tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, internet, mạng xã hội để phục
vụ cho công tác tuyên truyền.
- Sở GD-ĐT, Tỉnh Đoàn và các sở,
ngành liên quan chỉ đạo các đơn vị tổ chức thảo luận và cho đoàn viên thanh
niên, thiếu niên ký cam kết không vi phạm quy chế kiểm tra, thi cử. Trước các kỳ
thi tập trung, đoàn trường phát động phong trào “Kỳ Thi Nghiêm Túc” đến từng
ĐVTN.
- Hàng tháng, phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh xây dựng và phát sóng Chuyên
mục “Truyền hình thanh niên”, “Dấu chân tình nguyện”.
- Thông qua hệ thống website của Sở
GD-ĐT, Tỉnh Đoàn, các sở, ngành, tăng cường Bản tin “Tuổi trẻ Hà Tĩnh” nhằm kịp
thời cập nhật thông tin, định hướng hoạt động và tăng cường tuyên truyền, phổ
biến, nhân rộng các mô hình điển hình, gương thanh niên tiêu biểu trên các lĩnh
vực.
- Sở GD-ĐT, Tỉnh Đoàn phối hợp biên
soạn, phát hành các ấn phẩm “Tuổi trẻ Hà Tĩnh”, “Tạp chí
Thông tin Giáo dục của Ngành” tới tận các cơ sở Đoàn, Hội, Đội và các đơn vị
trường học.
- Đổi mới nội dung, hình thức tuyên
truyền, phổ biến chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và giáo dục lý luận
chính trị cho đoàn viên thanh niên: triển khai việc học và thi 6 bài học lý luận
chính trị trên Internet. Thiết kế modul “Học và thi 6 bài học lý luận chính trị” cung cấp các tài liệu và hệ thống câu
hỏi trắc nghiệm tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những nội
dung cơ bản về lý luận chính trị. Phần mềm có chức năng tự chấm điểm, thông báo kết quả cuộc thi; kiểm tra, theo dõi danh sách dự thi
và số lượt truy cập phần mềm; phân loại bài thi theo nhóm đối tượng và đơn vị.
2. Đổi mới nội dung, phương pháp
và hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức,
lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
a) Xây dựng nội dung giáo dục lý tưởng
cách mạng, đạo đức, lối sống trong
nhà trường bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng cấp học và trình độ
đào tạo, bảo đảm nội dung giáo dục tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân
văn của tư tưởng Hồ Chí Minh:
- Đối với giáo dục mầm non: Tích hợp,
lồng ghép trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường
mầm non để hình thành và phát triển ý thức, hành vi, thói
quen tốt, phù hợp với độ tuổi trong việc thực hiện nội quy, quy định của trường,
lớp mầm non, trong gia đình và cộng đồng.
- Đối với giáo dục phổ thông: Thực hiện
nội dung dạy học các môn Đạo đức, Giáo dục công dân trong chương trình sách
giáo khoa hiện hành trên cơ sở rà soát, tinh giản những nội dung khó, trùng lặp,
chưa thực sự cần thiết đối với học sinh. Lựa chọn các nội dung giáo dục có giá
trị và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, tình cảm và sự phát triển của học
sinh, của xã hội và thời đại; giáo dục hành vi và chuẩn mực đạo đức; giáo dục ý
thức tuân thủ pháp luật, kỹ năng sống và giá trị sống đúng đắn trong chương
trình giáo dục phổ thông mới.
- Đối với giáo dục nghề nghiệp và
giáo dục đại học: Chú trọng bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, truyền thông, lòng tự hào dân tộc; tăng cường giáo dục ý
thức tuân thủ pháp luật; lối sống nhân ái bao dung, nghĩa tình, trách nhiệm đối
với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội và đất nước; gắn
giáo dục lý luận chính trị với giáo dục kỹ năng, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp,
năng lực tự học, sáng tạo và tự đổi mới tri thức.
b) Đổi mới
phương pháp giảng dạy các môn học Đạo đức và Giáo dục công dân, Giáo dục Lý luận
chính trị theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học; phát huy tính
tích cực của học sinh, sinh viên; tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo
trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.
c) Đa dạng hóa và vận dụng các hình
thức tổ chức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho phù hợp với tâm
sinh lý lứa tuổi thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, Giáo dục theo chủ đề, kết
hợp với hoạt động vui chơi, hoạt động thực hành trải nghiệm đối với giáo dục mầm
non. Tăng cường các hoạt động tập thể, lao động, vệ sinh trường, lớp học, hoạt
động xã hội; các hoạt động câu lạc bộ văn hóa, thể thao, các phong trào thi đua
trong nhà trường phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học.
Đa dạng hóa và vận dụng các hình thức giáo dục trong các trường phổ thông để thực
hiện có hiệu quả như: dạy học gắn liền với trải nghiệm sáng tạo, dạy học theo
di sản gắn liền với các địa chỉ như: Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Khu Lưu niệm
Trần Phú, Hà Huy Tập, Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, tổ chức chương trình
ngoại khóa, câu lạc bộ, các cuộc giao lưu,...
Bố trí thời lượng
giáo dục cho các hoạt động Đoàn, Hội, Đội và các hoạt động ngoại khóa, trải
nghiệm sáng tạo ở nhà trường trong chương trình giáo dục
phổ thông mới.
3. Đẩy mạnh các phong trào thi
đua, các cuộc vận động của tổ chức Đoàn, Hội, Đội.
a) Nâng cao chất lượng tổ chức các
phong trào của thanh niên, thiếu niên và nhi đồng do Đoàn
thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh
viên Việt Nam, Hội đồng Đội Trung ương phát động.
b) Tổ chức thực hiện các công trình,
phần việc thanh niên, bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc
phòng an ninh và nhiệm vụ chuyên môn tại địa phương, đơn vị theo quy mô 4 cấp của
Đoàn. Đề cao tính sáng tạo, tính hành động, tính giáo dục qua việc thực hiện từng
dự án, đề án, công trình thanh niên, tránh hình thức, phô trương, lãng phí.
c) Định kỳ kiểm tra, đánh giá kết quả
thực hiện để phát triển, nhân rộng các phong trào có giá trị thực tiễn cao, có ý nghĩa giáo dục tích cực với thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
Chú trọng công tác tuyên dương, khen thưởng từ cơ sở, với các nội dung, giải
pháp cụ thể:
- Định kỳ hàng tháng, quý, năm tổng hợp
báo cáo kết quả thực hiện về cho UBND tỉnh; duy trì việc kiểm tra, đánh giá. Thực hiện tốt công tác tuyên dương khen thưởng các cá nhân, tập
thể có nhiều thành tích, sáng tạo trong công tác Đoàn, Hội, Đội để nhân rộng mô hình.
- Thực hiện tốt công tác phối hợp: Sở
GD-ĐT, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh, Tỉnh Đoàn phối hợp tổ chức các
cuộc thi Viết, vẽ tuổi học trò. Khuyến khích, động viên thanh niên có đam mê,
năng khiếu tham gia và các Hội, trại sáng tác, tạo được nhiều tác phẩm có chất
lượng, góp phần giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
- Nhân rộng các mô hình điển hình
trong học tập và làm theo lời Bác cho các cơ sở đoàn trong toàn tỉnh, như mô
hình: “Em nuôi của Đoàn” (huyện đoàn Lộc Hà), mô hình “Nâng bước đến
trường" (ĐTN BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh), mô hình “Quà tặng yêu thương"
(huyện đoàn Hương Khê)...
d) Tổ chức phát động các đợt sinh hoạt
chính trị, cuộc vận động, phong trào thi đua nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, các
sự kiện chính trị trọng đại của dân tộc, đất nước, của Đảng, của Đoàn, Hội, Đội,
các chương trình tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa của dân tộc. Khuyến
khích, tạo môi trường và điều kiện cho hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật trong trí thức, văn nghệ sĩ trẻ. Đổi
mới và nâng cao chất lượng tổ chức trại sáng tác văn học nghệ thuật của Đoàn, Hội.
4. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ,
giáo viên, giảng viên, công tác viên phụ trách công tác giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng trong các cơ sở giáo dục, tổ chức Đoàn, Đội, Hội.
a) Tổ chức bồi
dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ,
giáo viên giảng dạy các môn học Đạo đức, Giáo dục công dân, Lý luận chính trị,
giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý, tổng phụ trách đội, giáo viên làm công
tác đoàn, trợ lý thanh niên, giáo viên chủ nhiệm lớp trong các nhà trường.
b) Bồi dưỡng, phát huy hiệu quả đội
ngũ chuyên viên phụ trách công tác học sinh, sinh viên, cán bộ Đoàn, Hội, Đội.
c) Tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho đội
ngũ làm công tác xã hội ở cấp xã, phường về công tác giáo dục lý tưởng cách mạng,
đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
5. Tăng cường sự phối hợp giữa nhà
trường, gia đình, xã hội trong giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
a) Phát huy vai trò, trách nhiệm của
gia đình trong việc chăm sóc và giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng:
- Các bậc ông bà, cha mẹ được tuyên
truyền, nâng cao nhận thức về quyền, bổn phận của trẻ em, mục tiêu giáo dục
toàn diện và hài hòa về đức, trí, thể, mỹ; phát triển tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.
- Chủ động phối hợp với nhà trường và
các đoàn thể trong việc giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
- Thực hiện cam kết với cơ sở giáo dục
về thực hiện đầy đủ nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục và tạo môi trường tốt nhất góp
phần hướng dẫn, quản lý con em học tập, rèn luyện.
- Phối hợp với chính quyền địa phương
các cấp, các ngành và các tổ chức đoàn thể trong
việc hỗ trợ, cảm hóa thanh, thiếu niên chậm tiến.
b) Xây dựng môi trường nhà trường dân
chủ, lành mạnh, thân thiện:
- Xây dựng và thực
hiện Quy tắc ứng xử văn hóa trong các nhà trường.
- Tiếp tục thực hiện và đưa các nội
dung của phong trào Thi đua Dạy tốt - Học tốt thành các hoạt động thường xuyên
trong các cấp học mầm non và phổ thông.
- Xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp,
an toàn, thân thiện, mỗi trường học có ít nhất một không gian văn hóa gắn với
giáo dục lịch sử, truyền thống, ý thức công dân cho học sinh.
- Các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở
giáo dục nghề nghiệp, trường trung học phổ thông, trung học cơ sở có bộ phận tư
vấn và bố trí cán bộ, giáo viên phụ trách, kiêm nhiệm công
tác tư vấn tâm lý, hướng nghiệp.
c) Tăng cường trách nhiệm của chính
quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể:
- Xác định công tác giáo dục lý tưởng
cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng là nhiệm vụ
chính trị của chính quyền địa phương các cấp trong việc chỉ đạo thực hiện.
- Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cho học sinh, sinh viên, các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn.
- Lãnh đạo chính quyền địa phương các
cấp định kỳ hằng năm gặp gỡ, đối thoại, nắm bắt tâm tư, tình cảm, định hướng tư tưởng, giải quyết kịp thời nhu cầu,
nguyện vọng chính đáng và chăm lo, bảo vệ quyền hợp pháp của thế hệ trẻ.
- Củng cố, nhân rộng và tổ chức có hiệu
quả hoạt động của các mô hình giáo dục pháp luật, cảm hóa thanh niên, thiếu
niên chậm tiến. Sở GDĐT, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Tỉnh Đoàn phối hợp chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị
đăng ký đảm nhận cảm hóa, giúp đỡ đối tượng thanh niên chậm tiến; tăng cường giúp đỡ đối tượng thanh niên chậm tiến sớm tiến bộ, thay
đổi theo chiều hướng tích cực, tái hòa nhập cộng đồng, tham gia phát triển kinh
tế - xã hội. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ giúp đỡ đối tượng thanh niên hoàn
lương được hỗ trợ vay vốn xây dựng mô hình kinh tế. Phát
huy và nhân rộng Đội TNTN "Thắp sáng niềm tin", ra mắt các CLB "Nhịp sống trẻ" và tập huấn kỹ năng công tác tuyên
truyền phòng, chống ma túy cho các thành viên.
6. Tăng cường cơ sở vật chất và bảo
đảm thiết chế tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
a) Xây dựng chuyên trang tuyên truyền
trên các cổng thông tin của ngành, địa phương về nội dung giáo dục lý tưởng
cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ.
b) Tổ chức rà soát lại việc bố trí, sử
dụng sân chơi, các công trình văn hóa, thể thao cho thanh niên, thiếu niên và
nhi đồng tại địa phương. Phát huy hiệu quả các thiết chế văn
hóa, thể thao cơ sở hiện có; xã hội hóa nguồn lực để nâng cấp cơ sở vật chất phục
vụ nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
c) Xây dựng cơ chế phối hợp nhằm khai
thác, sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao trong và ngoài nhà trường
cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tại địa phương và học sinh, sinh viên
trong các cơ sở giáo dục, đào tạo.
d) Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến
khích các tổ chức, cá nhân xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; tham gia tổ
chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, hoạt động của hệ thống
các trung tâm tổ chức hoạt động, sinh hoạt cho thanh thiếu niên, các nhà thiếu
nhi cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Các cơ sở giáo
dục chủ động tham mưu với các cấp chính quyền địa phương để trên địa bàn sinh sống, học tập và làm việc có các
khu giải trí, vui chơi lành mạnh cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Tăng
cường chỉ đạo các cơ sở Đoàn, Hội, Đội, các đơn vị trường học
phát huy các thiết chế văn hóa và các hoạt động văn hóa - nghệ thuật trong việc
giáo dục đoàn viên thanh niên; định hướng cho thanh niên phát triển loại hình
văn hóa hiện đại mang tính khoa học và nhân văn, tham gia bảo tồn và phát huy bản
sắc văn hóa dân tộc. Chỉ đạo các đơn vị giáo dục tổ chức tuyên truyền, quán triệt
Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa
XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước";
chỉ đạo mỗi cơ sở giáo dục, các tổ chức
Đoàn, Hội, Đội thành lập 01 câu lạc bộ và các hoạt động tham gia giữ gìn, phát
huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, quê
hương, đất nước như: Dân ca Ví giặm Nghệ Tĩnh, ca trù, các lễ hội truyền thống...;
huy động các nguồn lực xã hội tham gia bảo tồn, tu sửa, phát huy các di tích văn hóa lịch sử.
III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRIỂN KHAI
THỰC HIỆN TRONG NĂM 2015 VÀ NĂM 2016
1. Rà soát, thực hiện đầy đủ chế độ,
chính sách cho giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên
Tiền phong Hồ Chí Minh của các trường phổ thông, trong
tháng 12 năm 2015.
2. Quy định thời lượng triển khai các
hoạt động Đoàn, Đội trong chương trình giáo dục phổ thông
mới, chú trọng kết hợp nội dung sinh
hoạt Đoàn, Đội trong hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo của các trường phổ
thông, cụ thể:
Giao quyền chủ động cho các cơ sở
giáo dục xây dựng Kế hoạch triển khai các hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo
gắn liền với từng chủ đề, chủ điểm của nhà trường và quê hương, đất nước như:
Thi viết, vẽ về mái trường, thầy cô, bạn bè, nhân ngày 20/11, về người lính
nhân ngày 22/12; về người phụ nữ nhân ngày 8/3; 20/10; về Ngày truyền thống của Đoàn, Đội, Hội. Tổ chức tốt các hoạt động Kỷ niệm các ngày
lễ lớn; tổ chức cho học sinh tham quan các khu di tích lịch sử, các danh lam,
thắng cảnh. Từ đó bồi đắp cho các em tình yêu, lòng tự hào về truyền thống quê
hương, đất nước.
Tổ chức tốt việc dạy học; tham gia
tích cực các cuộc thi vận dụng kiến thức để giải quyết các
vấn đề thực tiễn. Tổ chức có hiệu quả các buổi học tập ở
các cơ sở sản xuất, giúp học sinh trải nghiệm từ thực tiễn.
3. Tiếp tục triển khai phong trào Thi
đua Dạy tốt - Học tốt; quy định thống nhất việc treo khẩu hiệu trong khuôn viên nhà trường từ năm học 2015 - 2016 như:
Phát động phong trào “Thì đua dạy tốt,
Học tốt” đến tất cả các đơn vị trường học trong toàn tỉnh gắn với việc thực hiện
Nghị quyết số 29/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản
giáo dục và đào tạo; xây dựng các tập thể nhà trường có nhiều gương điển hình về
dạy tốt, học tốt.
Xây dựng được lực lượng cốt cán tiên phong, gương mẫu trong việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng
phát triển năng lực, phẩm chất người học. Tổ chức thao giảng, dự giờ thăm lớp
và ghi hình các tiết dạy được lựa chọn ở các bộ môn, đăng tải trên Website của Ngành để làm học liệu cho giáo viên.
4. Quy định việc tổ chức cho học
sinh, sinh viên trực tiếp lao động, vệ sinh lớp học và các công trình trong
khuôn viên nhà trường.
5. Thực hiện và duy trì việc hát Quốc
ca trong các lễ chào cờ; việc tập thể dục giữa giờ cho học sinh phổ thông; các
bài tập thể dục tại chỗ cho học sinh, sinh viên và hô các khẩu ngữ sau khi
tập thể dục tập thể.
6. Xây dựng kế hoạch triển khai, thực
hiện hoạt động tổ chức trại hè thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
7. Triển khai các chuyên mục, chương
trình giáo dục lý trưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng trên các
phương tiện truyền thông, báo chí.
8. Rà soát việc bố trí, sử dụng sân
chơi, bãi tập cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tại địa
phương. Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở hiện có; xã hội hóa nguồn
lực để nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu vui chơi,
giải trí lành mạnh của thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
Trong công tác quy hoạch, ưu tiên diện
tích đất trồng cây xanh sử dụng công cộng, để người dân tiếp cận và sử dụng cho
các mục đích luyện tập thể dục thể thao, nghỉ ngơi và giải
trí.
9. Tăng cường phối
hợp giữa chính quyền địa phương các cấp, nhà trường, gia đình với các tổ chức
đoàn thể trong công tác giáo dục thanh niên, thiếu niên và
nhi đồng.
IV. KINH PHÍ
1. Kinh phí thực
hiện Kế hoạch từ kinh phí chi thường xuyên hàng năm do ngân sách nhà nước cấp cho các Sở, Ngành, các đoàn thể, các địa phương theo dự toán hàng
năm.
2. Huy động các nguồn lực của các cá
nhân, tổ chức, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để tổ chức
hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu
niên và nhi đồng.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo: Cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, địa
phương triển khai thực hiện Kế hoạch; chịu trách nhiệm đôn đốc các sở, ban, ngành; chỉ đạo hướng
dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục thực hiện các mục tiêu,
nhiệm vụ của Kế hoạch và tổng hợp báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện hàng năm
theo yêu cầu của UBND tỉnh.
2. Tỉnh Đoàn: Phối hợp với Sở GD-ĐT,
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị
liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch.
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
- Định hướng phát triển các hoạt động
văn hóa, sáng tác văn học, nghệ thuật và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về
văn hóa nhất là quản lý hoạt động biểu diễn của các tổ chức, đơn vị và văn nghệ sĩ; thông qua hoạt động biểu diễn
tuyên truyền về chuẩn mực đạo đức, lối sống văn hóa, giáo dục lý tưởng cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; quản lý các hoạt động
kinh doanh dịch vụ văn hóa, tạo môi trường văn hóa lành mạnh trên địa bàn,
- Chỉ đạo, lồng ghép nội dung lý tưởng
cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng trong quá trình triển khai Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng
đời sống văn hóa” trong đó đề cao vai trò của gia đình trong việc giáo dục con
cháu.
4. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:
- Chỉ đạo công tác tuyên truyền nâng
cao nhận thức về quyền trẻ em và công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em thông qua
truyền thông - giáo dục về Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em và Công ước quốc tế về
quyền trẻ em.
- Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền
hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách trợ
giúp, tạo việc làm thu nhập ổn định xã hội đối với các hộ gia đình nghèo, khó
khăn để bảo đảm các quyền cơ bản của thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, cũng
như bảo đảm điều kiện tối thiểu trong việc chăm sóc, giáo
dục cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
5. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước
thông tin truyền thông nhất là các hoạt động kinh doanh, trò chơi trực tuyến và các dịch vụ (online), các trang mạng xã hội,
báo chí, thông tin truyền thông, các xuất bản phẩm, đảm bảo
giữ gìn thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của con người Việt
Nam.
- Phối hợp với các Sở, Ngành, các địa
phương; chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông cơ sở có chuyên mục tuyên truyền giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo
đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
6. Công an tỉnh:
Phối hợp với Sở GD-ĐT xây dựng và triển
khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANQG và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đấu tranh
phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong các trường học
và cơ sở giáo dục.
Phối hợp với các sở, ngành, các địa
phương xây dựng kế hoạch và triển khai công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến
pháp luật đấu tranh phòng chống tội phạm và giáo dục thanh,
thiếu niên cá biệt. Tăng cường công tác quản lý văn hóa, kịp thời ngăn chặn tác động xấu của các sản phẩm không
lành mạnh đến với thanh, thiếu niên.
7. Sở Tài chính: Bố trí ngân sách
hàng năm để triển khai các giải pháp thực hiện Kế hoạch theo phân cấp của Luật
Ngân sách nhà nước và hướng dẫn quản lý tài chính, kinh phí của Kế hoạch.
8. Các sở, ngành khác: Triển khai thực
hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan và chịu trách nhiệm về công tác giáo dục
lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa đối với thế
hệ trẻ trong hệ thống nhà trường theo phân cấp quản lý và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ.
9. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh: Phối hợp với cơ quan chủ trì để tuyên truyền và
triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện.
10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố, thị xã: Chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức, chỉ đạo thực
hiện Kế hoạch trên địa bàn; bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, giải
pháp thực hiện công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho
thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
11. Đề nghị Ban
Tuyên giáo Tỉnh ủy: Tham gia định hướng chỉ đạo, phối hợp kiểm tra việc xây dựng
các chương trình hoạt động, hệ thống tài liệu, sách bồi dưỡng phục vụ cho việc
tuyên truyền về giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý
tưởng cách mạng cho thanh niên, thiếu
niên và nhi đồng do các cơ quan triển khai thực hiện.
12. Đề nghị Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Các đoàn thể, các tổ chức chính trị -
xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp phối hợp với các sở, ngành tuyên truyền, vận
động nhân dân tích cực tham gia công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức,
lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; đưa nội dung giáo dục vào
phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; thực hiện
công tác khuyến học, khuyến tài, tuyên dương, vinh danh
các học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi.
Yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng
các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo và tổ chức triển
khai thực hiện Kế hoạch này có hiệu quả; định
kỳ 6 tháng, một năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Giáo dục
và Đào tạo trước ngày 15 tháng 12 hàng năm để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ; (để báo cáo)
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
(để báo cáo)
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh; (để báo cáo)
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Báo Hà Tĩnh, Đài PT-TH tỉnh;
- Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy,
- TTr HĐND các huyện, thành phố,
thị xã;
- UBND các huyện, TP, thị xã;
- Chánh, Phó VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, VX.
Gửi: + VB giấy: TP không nhận được
bản ĐT;
+ Bản ĐT: Các TP khác.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thiện
|