ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 67/KH-UBND
|
Đắk Lắk, ngày 03
tháng 4 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM HỌC 2024-2025
Căn cứ Văn bản hợp nhất số
03/VBHN-BGDĐT ngày 03/5/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển
sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông; Thông tư số
32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường
trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học;
Thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT ngày 28/02/2023 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động
của trường Trung học phổ thông chuyên; Thông tư số 04/2023/TT-BGDĐT ngày
23/02/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của
trường phổ thông dân tộc nội trú và Thông tư số 40/2021/TT-BGDĐT ngày
30/12/2021 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trường
trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học
loại hình tư thục, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 trung học
phổ thông (THPT) năm học 2024-2025 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
- Đáp ứng nhu cầu học tập của học
sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường trung học phổ
thông.
- Thực hiện phân luồng học sinh
sau tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS).
2. Yêu cầu
- Thực hiện đúng Quy chế tuyển
sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Kỳ thi tuyển sinh, xét tuyển
sinh được tổ chức an toàn, nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng.
II. NỘI DUNG
TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
1. Đối tượng
tuyển sinh
Học sinh đã tốt nghiệp chương
trình phổ thông THCS hoặc giáo dục thường xuyên trong độ tuổi quy định tại Điều
lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.
2. Phương
thức tuyển sinh
2.1. Tuyển sinh bằng phương
thức thi tuyển đối với các trường: THPT chuyên Nguyễn Du, THPT dân tộc nội
trú (DTNT) N’Trang Lơng, THPT DTNT Đam San, THPT Buôn Ma Thuột, THPT Lê Quý
Đôn, THPT Buôn Hồ, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, THPT Ngô Gia Tự, THPT Ea H’leo, THPT
Phan Bội Châu, THPT Krông Ana, THPT Cư M’gar.
Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động
giải quyết những trường hợp phát sinh khác trong quá trình tuyển sinh theo đúng
quy định hiện hành và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
2.2. Tuyển sinh bằng phương
thức xét tuyển đối với các trường THPT trên địa bàn các huyện: Krông Búk,
M’Drắk, Cư Kuin, Buôn Đôn, Ea Súp, Lắk, Krông Bông và các trường THPT không thi
tuyển của thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và huyện Krông Pắc, Ea Kar,
Krông Ana, Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Năng.
2.3. Các trường THPT, trường
phổ thông có nhiều cấp học tư thục, Trường Phổ thông DTNT Tây Nguyên và Trường
THPT Thực hành Cao Nguyên xây dựng phương án tuyển sinh riêng trên cơ sở Kế
hoạch tuyển sinh của UBND tỉnh, trình Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
3. Chỉ tiêu
tuyển sinh
3.1. Các trường THPT công lập
thực hiện tuyển sinh theo chỉ tiêu kế hoạch năm học của Sở Giáo dục và Đào tạo,
trên nguyên tắc thực hiện phân luồng học sinh sau khi được công nhận tốt nghiệp
THCS.
3.2. Trường THPT DTNT N’Trang
Lơng, Trường THPT DTNT Đam San có tỉ lệ học sinh dân tộc tại chỗ (Êđê, M’Nông,
Gia Rai) được tuyển là 65%, các dân tộc còn lại được tuyển là 35% theo chỉ tiêu
giao, trình Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt kế hoạch phân bổ chỉ tiêu tuyển
sinh cho từng huyện, thị xã, thành phố và công khai chỉ tiêu tuyển sinh.
3.3. Trường THPT chuyên Nguyễn
Du trình Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh các lớp chuyên và
công khai chỉ tiêu tuyển sinh.
4. Địa bàn
tuyển sinh
4.1. Trường THPT chuyên Nguyễn
Du được tuyển những học sinh cư trú hoặc tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh Đắk
Lắk.
4.2. Trường THPT DTNT N’Trang
Lơng được tuyển những học sinh cư trú thuộc địa bàn: Thành phố Buôn Ma Thuột và
các huyện: Buôn Đôn, Cư Kuin, Krông Ana, Krông Bông, Krông Pắc, Lắk, Ea Súp.
4.3. Trường THPT DTNT Đam San
được tuyển những học sinh cư trú thuộc địa bàn thị xã Buôn Hồ và các huyện: Cư
M’gar, Ea H’leo, Krông Búk, Krông Năng, M’Drắk, Ea Kar.
4.4. Trường THPT công lập được
tuyển những học sinh cư trú hoặc tốt nghiệp THCS trong phạm vi toàn huyện, thị
xã, thành phố nơi trường THPT thuộc địa bàn.
5. Đăng ký
tuyển sinh
5.1. Học sinh đăng ký tuyển
sinh trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Trung tâm hành chính công tỉnh
trong khoảng thời gian quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo.
5.2. Thí sinh và gia đình chịu
hoàn toàn trách nhiệm với thông tin đã khai báo. Khi học sinh trúng tuyển làm
thủ tục nhập học, nhà trường yêu cầu thí sinh nộp bản chính các loại hồ sơ để đối
chiếu.
6. Đăng ký
nguyện vọng đối với học sinh tham gia thi tuyển, xét tuyển
6.1. Đối với học sinh tham gia
thi tuyển vào trường chuyên biệt: trường THPT chuyên Nguyễn Du; trường THPT
DTNT N’Trang Lơng, trường THPT DTNT Đam San, nếu không trúng tuyển có thể đăng
ký sử dụng kết quả thi để tuyển sinh vào 01 trường THPT công lập tổ chức thi
tuyển thuộc địa bàn huyện, thị xã, thành phố nơi học sinh cư trú hoặc nơi tốt
nghiệp THCS;
6.2. Đối với học sinh tham gia
thi tuyển vào trường THPT công lập, nếu không trúng tuyển sẽ đăng ký thêm 01
nguyện vọng là 01 trường THPT xét tuyển thuộc địa bàn huyện, thị xã, thành phố
nơi học sinh cư trú hoặc nơi tốt nghiệp THCS.
6.3. Học sinh không đăng ký thi
tuyển, được đăng ký xét tuyển tại 01 trường THPT xét tuyển sinh thuộc địa bàn
huyện, thị xã, thành phố nơi thí sinh cư trú hoặc nơi tốt nghiệp THCS.
6.4. Học sinh trúng tuyển vào
trường THPT chuyên biệt thì không được xét tuyển vào trường THPT công lập thi
tuyển; học sinh trúng tuyển vào trường thi tuyển thì không được xét vào trường
xét tuyển.
7. Tuyển thẳng,
chế độ ưu tiên
7.1. Chính sách tuyển thẳng
a) Học sinh được tuyển thẳng
vào các trường THPT công lập theo phân tuyến trên địa bàn cấp huyện đối với các
đối tượng:
- Học sinh trường phổ thông
DTNT của huyện, thị xã, thành phố đã tốt nghiệp THCS.
- Học sinh là người dân tộc rất
ít người (thực hiện theo Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Thủ tướng
Chính phủ quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ
mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người, gồm 16 dân tộc: Cống,
Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô
Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ).
- Học sinh khuyết tật (có giấy
chứng nhận khuyết tật theo Điều 19 của Luật Người khuyết tật năm 2010).
- Học sinh đoạt giải cấp quốc
gia và quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, cuộc thi khoa học kĩ thuật
dành cho học sinh trung học.
Học sinh thuộc diện tuyển thẳng
có thể đăng ký dự thi tuyển vào trường tổ chức thi tuyển (nếu có) trên địa bàn
cấp huyện; nếu không trúng tuyển thì được xét tuyển thẳng vào trường mà UBND cấp
huyện phân tuyến tuyển thẳng.
b) Học sinh được tuyển thẳng
vào Trường THPT DTNT N’Trang Lơng, Trường THPT DTNT Đam San theo địa bàn của
các trường đối với các đối tượng:
- Học sinh là người dân tộc rất
ít người (thực hiện theo Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Thủ tướng
Chính phủ quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ
mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người, gồm 16 dân tộc: Cống,
Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô
Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ).
- Học sinh người dân tộc thiểu
số thuộc đối tượng quy định tại Điều 9 của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường
phổ thông dân tộc nội trú ban hành kèm theo Thông tư số 04/2023/TT-BGDĐT đoạt
giải cấp quốc gia, quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, cuộc thi
khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học.
7.2. Chế độ ưu tiên
a) Chế độ cộng điểm ưu tiên chỉ
áp dụng đối với trường THPT không chuyên. Những học sinh có nhiều chế độ ưu
tiên khác nhau thì chỉ được hưởng một mức cộng điểm của loại ưu tiên cao nhất.
b) Chế độ cộng điểm ưu tiên thực
hiện cho các loại đối tượng tại khoản 2, Điều 7 của Văn bản hợp nhất số
03/VBHN-BGDĐT ngày 03/5/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo được quy định như sau:
Nhóm đối tượng 1 cộng 2,0 điểm; Nhóm đối tượng 2 cộng 1,5 điểm và Nhóm đối tượng
3 cộng 1,0 điểm.
c) Đối với quy định người học
đang sinh sống, học tập ở các vùng (xã, thôn) có điều kiện kinh tế - xã hội đặc
biệt khó khăn, nếu tại địa bàn sinh sống không có trường THCS, học sinh phải học
tập ở địa bàn khác thì vẫn hưởng chế độ ưu tiên. Xã, thôn có điều kiện kinh tế
- xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày
16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc.
III. ĐỀ THI,
LỊCH THI ĐỐI VỚI CÁC TRƯỜNG TỔ CHỨC THI TUYỂN
1. Đề thi
Nội dung đề thi tuyển vào lớp
10 THPT nằm trong chương trình THCS hiện hành, chủ yếu trong chương trình lớp
9 và đảm bảo các cấp độ nhận thức.
a) Đối với các môn thi chung
- Đề thi các môn Ngữ Văn có thời
lượng 120 phút, thi theo hình thức tự luận;
- Đề thi môn Toán có thời lượng
120 phút, thi theo hình thức tự luận;
- Đề thi môn Tiếng Anh có thời
lượng 60 phút, thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
b) Đối với các môn thi chuyên
Tất cả các môn thi chuyên đều
có thời lượng 150 phút và đều thi theo hình thức tự luận. Riêng môn Ngoại ngữ
(Tiếng Anh, Tiếng Pháp) được kết hợp giữa hình thức tự luận và trắc nghiệm
khách quan để đánh giá các kỹ năng nghe hiểu, đọc hiểu, viết; môn Tin học thi lập
trình trên máy tính với ngôn ngữ lập trình Pascal hoặc C++.
2. Lịch thi
Căn cứ Kế hoạch thời gian năm học
của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo ấn định thời gian thi, lịch thi và tổ chức
thông báo cho phụ huynh, học sinh và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan chậm
nhất là 60 ngày trước ngày thi.
IV. TỔ CHỨC
TUYỂN SINH
1. Trường
Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Du
1.1. Tổ chức tuyển sinh qua 02
vòng
a) Vòng 1: Tổ chức sơ tuyển
- Hội đồng tuyển sinh Trường
THPT chuyên Nguyễn Du tổ chức sơ tuyển khi nhận hồ sơ học sinh đạt các tiêu chí
sau:
+ Xếp loại hạnh kiểm và học lực
cả năm của 4 năm cấp THCS từ khá trở lên.
+ Xếp loại tốt nghiệp THCS từ
khá trở lên.
b) Vòng 2: Thi tuyển đối với học
sinh đã đạt vòng 1.
- Các môn thi gồm: Ngữ văn,
Toán, Ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp) và các môn chuyên: Toán, Vật lí, Hóa học,
Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh, Tiếng Pháp. Nếu môn
chuyên là Toán, Ngữ văn hoặc Ngoại ngữ thì mỗi môn này phải thi 02 bài: 01 bài
thi không chuyên và 01 bài thi chuyên với mức độ yêu cầu cao hơn. Học sinh chỉ
được dự thi 01 môn chuyên (nguyện vọng chuyên 1).
- Học sinh thi chuyên Toán, Hóa
học, Ngữ văn, Tiếng Anh được phép đăng ký thêm 01 nguyện vọng chuyên, cụ thể:
+ Học sinh thi chuyên Toán được
phép đăng ký nguyện vọng chuyên 2: chuyên Tin học hoặc chuyên Sinh học.
+ Học sinh thi chuyên Hóa học
được phép đăng ký nguyện vọng chuyên 2: chuyên Sinh học.
+ Học sinh thi chuyên Ngữ văn
được phép đăng ký nguyện vọng chuyên 2: chuyên Lịch sử hoặc chuyên Địa lí.
+ Học sinh thi chuyên Tiếng Anh
được phép đăng ký nguyện vọng chuyên 2: chuyên Tiếng Pháp.
- Điểm bài thi, hệ số điểm bài
thi
+ Điểm bài thi tính theo thang
điểm 10, nếu chấm bài thi theo thang điểm khác thì kết quả điểm các bài thi phải
quy đổi ra thang điểm 10.
+ Hệ số điểm bài thi: Điểm các
bài thi môn không chuyên tính hệ số 1, điểm các bài thi môn chuyên tính hệ số
2.
- Điểm xét thi tuyển là tổng số
điểm các bài thi môn không chuyên và điểm bài thi môn chuyên (đã tính hệ số).
- Chỉ xét tuyển đối với thí
sinh đã tham gia thi tuyển, thi đủ các bài thi quy định, không vi phạm Quy chế
trong kỳ thi tuyển sinh. Thí sinh trúng tuyển phải có tất cả các bài thi đều đạt
trên 2,0 điểm.
1.2. Thông báo đến các phòng
Giáo dục và Đào tạo, trường THCS, trường phổ thông DTNT cấp huyện về Kế hoạch
tuyển sinh sau khi đã được Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
2. Trường
Trung học phổ thông dân tộc nội trú N’Trang Lơng và Trường Trung học phổ thông
dân tộc nội trú Đam San
2.1. Tổ chức tuyển sinh qua 2
vòng
a) Vòng 1: Tổ chức sơ tuyển
Hội đồng tuyển sinh Trường THPT
DTNT N’Trang Lơng, Trường THPT DTNT Đam San phối hợp với UBND cấp huyện thuộc địa
bàn tuyển sinh tổ chức sơ tuyển học sinh dự thi và thông báo cho học sinh đủ điều
kiện dự thi. Học sinh được dự tuyển vòng 2 nếu đạt các điều kiện sau:
- Điều kiện về hồ sơ:
+ Thuộc đối tượng tuyển sinh
theo quy định tại Điều 9 của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông
dân tộc nội trú ban hành kèm theo Thông tư 04/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và
Đào tạo;
+ Trong độ tuổi quy định và có
đủ hồ sơ hợp lệ;
+ Lý lịch được kê khai rõ ràng
do UBND cấp xã xác nhận.
- Điều kiện về kết quả đánh
giá, xếp loại: Ở tất cả các lớp 6, 7, 8, 9 học sinh phải được lên lớp thẳng
(không thuộc đối tượng kiểm tra lại các môn văn hoá mới được lên lớp) và xếp loại
hạnh kiểm từ khá trở lên.
b) Vòng 2: Thi tuyển đối với học
sinh đã qua vòng 1, môn thi gồm: Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh. Cách tính điểm tuyển
sinh:
- Điểm bài thi là tổng điểm
thành phần của từng câu hỏi trong đề thi, điểm bài thi được cho theo thang điểm
từ điểm 0 đến điểm 10, điểm lẻ đến 0,25.
- Điểm xét thi tuyển là tổng số
điểm của ba bài thi và điểm cộng thêm cho đối tượng ưu tiên. Thí sinh trúng tuyển
phải có tất cả các bài thi đều đạt trên 1,0 điểm.
2.2. Thông báo đến các Phòng
Giáo dục và Đào tạo, trường THCS, trường phổ thông DTNT cấp huyện về Kế hoạch
tuyển sinh sau khi đã được Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
3. Các
trường trung học phổ thông công lập tổ chức thi tuyển
Thi các môn: Ngữ văn, Toán và
Tiếng Anh với cách tính điểm tuyển sinh, nguyên tắc xét tuyển và đăng ký nguyện
vọng như sau:
3.1. Thang điểm thi và hệ số điểm
bài thi
- Điểm bài thi là tổng điểm
thành phần của từng câu hỏi trong đề thi, điểm bài thi được cho theo thang điểm
từ điểm 0 đến điểm 10, điểm lẻ đến 0,25.
- Điểm xét thi tuyển là tổng số
điểm của ba bài thi và điểm cộng thêm cho đối tượng ưu tiên.
3.2. Nguyên tắc xét tuyển
- Chỉ xét tuyển đối với thí
sinh đã tham gia thi tuyển, thi đủ các bài thi quy định, không vi phạm Quy chế
trong kỳ thi tuyển sinh. Thí sinh trúng tuyển phải có tất cả các bài thi đều đạt
trên 1,0 điểm.
- Nguyên tắc xét tuyển: Xét tuyển
theo điểm xét thi tuyển từ cao xuống thấp để tuyển đủ chỉ tiêu, đảm bảo nguyên
tắc: điểm trúng tuyển nguyện vọng 2 phải cao hơn điểm trúng tuyển nguyện vọng 1
của cùng một trường là 1,5 điểm.
4. Các
trường trung học phổ thông công lập tổ chức xét tuyển
Tổ chức tuyển sinh và công khai
kết quả tuyển sinh theo nguyên tắc tính điểm sau đây:
4.1. Điểm tính theo kết quả rèn
luyện và học tập mỗi năm học của học sinh THCS được tính như sau:
- Hạnh kiểm tốt, học lực giỏi:
10 điểm.
- Hạnh kiểm khá, học lực giỏi
hoặc hạnh kiểm tốt, học lực khá: 9,0 điểm.
- Hạnh kiểm khá, học lực khá:
8,0 điểm.
- Hạnh kiểm trung bình, học lực
giỏi hoặc hạnh kiểm tốt, học lực trung bình: 7,0 điểm.
- Hạnh kiểm khá, học lực trung
bình hoặc hạnh kiểm trung bình, học lực khá: 6,0 điểm.
- Các trường hợp còn lại: 5,0
điểm.
4.2. Điểm xét tuyển là tổng điểm
tính theo kết quả rèn luyện, học tập của 4 năm học ở THCS và điểm cộng thêm cho
đối tượng ưu tiên.
4.3. Nguyên tắc xét tuyển: Xét
theo điểm xét tuyển từ cao xuống thấp để tuyển đủ chỉ tiêu. Trường hợp xét đến
chỉ tiêu cuối cùng có nhiều thí sinh có điểm xét tuyển bằng nhau thì tiếp tục
xét chọn thí sinh theo thứ tự ưu tiên sau: Có điểm trung bình các môn học cả
năm ở lớp 9 cao hơn; có tổng điểm trung bình của môn Toán môn Ngữ văn và môn
Ngoại ngữ cả năm ở lớp 9 cao hơn. Nếu vẫn còn trường hợp bằng điểm nhau thì Hội
đồng tuyển sinh nhà trường thảo luận để thống nhất quyết định.
5. Tuyển
sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông học Chương trình tăng cường tiếng Pháp
5.1. Học sinh học Chương trình
tăng cường tiếng Pháp cấp THCS được đăng ký dự thi vào Trường THPT chuyên Nguyễn
Du theo quy chế của trường chuyên.
5.2. Học sinh học Chương trình
tăng cường tiếng Pháp cấp THCS được xét tuyển vào học lớp 10 theo chỉ tiêu
riêng tại Trường THPT Buôn Ma Thuột. Việc xét tuyển vào học lớp 10 THPT được tiến
hành sau khi có kết quả thi tốt nghiệp tiếng Pháp và theo đúng quy chế, hướng dẫn
của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
V. HỘI ĐỒNG
TUYỂN SINH, DUYỆT KẾT QUẢ TUYỂN SINH
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
thành lập Hội đồng tuyển sinh chung để chỉ đạo, tổ chức Kỳ tuyển sinh. Nhiệm vụ,
quyền hạn và trách nhiệm của hội đồng ra đề thi, hội đồng coi thi, hội đồng chấm
thi, hội đồng phúc khảo bài thi; công tác ra đề thi, sao in, gửi đề thi tuyển
sinh được áp dụng theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành.
2. Đối với Trường THPT
chuyên Nguyễn Du, Trường THPT DTNT N’Trang Lơng, Trường THPT DTNT Đam San và
các trường THPT công lập thi tuyển, sau khi chấm thi xong, hiệu trưởng nhà trường
trực tiếp duyệt kết quả với Sở Giáo dục và Đào tạo.
3. Đối với trường THPT tổ
chức xét tuyển sinh: Sau khi tổ chức xét tuyển xong, nhà trường gửi danh sách
trúng tuyển, tờ trình đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn y điểm chuẩn,
số lượng và danh sách học sinh trúng tuyển.
VI. SỬ DỤNG
PHẦN MỀM TUYỂN SINH
1. Tất cả dữ liệu tuyển
sinh vào lớp 10 (bao gồm cả trường tổ chức thi tuyển, trường tổ chức xét tuyển)
đều dùng chung hệ thống phần mềm tuyển sinh trực tuyến.
2. Để thuận lợi cho học
sinh và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục trong việc
tuyển sinh, các trường THPT chủ trì phối hợp với các phòng Giáo dục và Đào tạo,
trường THCS triển khai việc hướng dẫn học sinh đăng ký tuyển sinh trực tuyến.
VII. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Đối với
Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chỉ đạo, tổ chức, hướng dẫn
công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT theo Kế hoạch của UBND tỉnh.
- Tổ chức giám sát, thanh tra,
kiểm tra công tác tuyển sinh; lưu trữ hồ sơ tuyển sinh theo đúng quy định.
2. Đối với
Ủy ban nhân dân cấp huyện
- Chỉ đạo thực hiện phân tuyến
tuyển sinh đối với học sinh tuyển thẳng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học
sinh học tập và thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.
- Phối hợp phê duyệt hồ sơ học
sinh đăng ký tuyển sinh vào trường THPT DTNT N’Trang Lơng, THPT DTNT Đam San.
3. Đối với
các Phòng Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì phối hợp với các trường
THPT trên địa bàn để tham mưu UBND cấp huyện phân tuyến địa bàn tuyển sinh vào
lớp 10 cho học sinh tuyển thẳng.
- Phối hợp với các ban, ngành của
địa phương để tuyên truyền về chủ trương tuyển sinh; phối hợp với các trường
THPT trên địa bàn, Trường THPT chuyên Nguyễn Du, Trường THPT DTNT N’Trang Lơng,
Trường THPT DTNT Đam San để thông báo đến các trường THCS, trường phổ thông
DTNT cấp huyện về đối tượng tuyển sinh, phương thức tuyển sinh, thời gian đăng
ký tuyển sinh, thời gian thi tuyển, xét tuyển vào các trường cho học sinh và
cha mẹ học sinh kịp thời.
- Chỉ đạo các trường THCS hoàn
thành các loại hồ sơ, dữ liệu của học sinh đúng thời gian quy định để đăng ký,
đối chiếu dữ liệu tuyển sinh.
- Chỉ đạo các trường THCS hướng
dẫn, hỗ trợ học sinh đăng ký tuyển sinh trực tuyến.
4. Đối với
các trường trung học phổ thông
- Lập Kế hoạch tuyển sinh của
nhà trường; thông báo rộng rãi đến học sinh và cha mẹ học sinh các thông tin cần
thiết về tuyển sinh, đặc biệt là quy định về các loại hồ sơ, thời hạn nộp hồ
sơ, địa bàn và phương thức tuyển sinh.
- Tổ chức quán triệt Quy chế, Kế
hoạch tuyển sinh cho giáo viên; phối hợp với các ban, ngành địa phương để tuyên
truyền về chủ trương tuyển sinh; cử cán bộ coi thi, chấm thi, tham gia các hội
đồng tuyển sinh.
- Chủ trì, phối hợp với Phòng
Giáo dục và Đào tạo, trường THCS trên địa bàn để thực hiện công tác hướng dẫn học
sinh đăng ký tuyển sinh trực tuyến theo đúng quy định.
Trên đây là Kế hoạch tuyển sinh
vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2024-2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, yêu
cầu các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện; kịp thời báo cáo những khó khăn,
vướng mắc về UBND tỉnh (qua Sở Giáo dục và Đào tạo) để được xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (b/c);
- TTTU, TT.HĐND tỉnh (b/c);
- Ban Tuyên giáo TU;
- Ban VHXH - HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, PCVP UBND tỉnh;
- Sở Giáo dục và Đào tạo;
- UBND các huyện, TX, TP;
- Phòng GDĐT các huyện, TX,TP;
- TTCN&CTTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX (nk_10b).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
H’Yim Kđoh
|