Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 4799/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre Người ký: Cao Văn Trọng
Ngày ban hành: 27/10/2011 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4799/KH-UBND

Bến Tre, ngày 27 tháng 10 năm 2011

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2011-2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

PHẦN MỞ ĐẦU

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Xây dựng kế hoạch phát triển về giáo dục và đào tạo trung hạn đến năm 2015 và định hướng dài hạn đến năm 2020 với những mục tiêu, bước phát triển có tầm vóc mới, phù hợp với vị thế và điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới;

- Nhằm có sự chuẩn bị chu đáo về các mặt, đảm bảo sự phát triển giáo dục và đào tạo đúng hướng và bền vững.

- Thực hiện thành công các mục tiêu về giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ IX.

2. Yêu cầu:

- Phân tích, đánh giá đầy đủ, chính xác thực trạng của giáo dục và đào tạo tỉnh nhà giai đoạn 2006-2010 về phát triển mạng lưới trường lớp; quy mô học sinh; chất lượng, hiệu quả giáo dục; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị… nêu bật những thành tựu đã đạt được, những mặt hạn chế, yếu kém tồn tại và nguyên nhân, để trên cơ sở đó đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp cho giai đoạn 2011-2015.

- Mục tiêu cho giai đoạn 2011-2015 phải bảo đảm phù hợp với quan điểm, chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế - xã hội (nói chung) và về giáo dục và đào tạo nói riêng; phù hợp với quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và bảo đảm tính khả thi. Trên cơ sở đó đề ra những định hướng, dự báo tương đối chính xác đến năm 2020.

II. CÁC CĂN CỨ ĐỂ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

- Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009;

- Thông báo Kết luận số 242-TB/TW ngày 15 tháng 4 năm 2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII);

- Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường;

 - Quyết định số 83/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre đến năm 2020;

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần IX (nhiệm kỳ 2010-2015),

UBND tỉnh Bến Tre xây dựng Kế hoạch phát triển ngành giáo dục và đào tạo Bến Tre giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến 2020 như sau:

Phần I

THỰC TRẠNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2006-2010

I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRONG 5 NĂM QUA

1. Phát triển mạng lưới trường lớp và mở rộng quy mô:

Mạng lưới trường, lớp, quy mô học sinh các cấp học được củng cố, phát triển theo quy hoạch. Toàn tỉnh hiện có:

- Giáo dục mầm non: 167 trường (mầm non và mẫu giáo), trong đó có 64 trường tổ chức bán trú. Đã chuyển đổi 12 trường mầm non, mẫu giáo bán công sang công lập. Huy động 2.558 cháu nhà trẻ (tỷ lệ 6,46% so với dân số trong độ tuổi); 38.592 cháu mẫu giáo (tỷ lệ 70,92% so với dân số trong độ tuổi), trong đó có 19.152 trẻ 5 tuổi ra lớp (tỷ lệ 99,97% so với dân số trong độ tuổi). Ngoài ra còn có 1 trường dân lập và 06 trường tư thục với 3.014 cháu.

- Giáo dục tiểu học: Có 189 trường với 98.236 học sinh (tỷ lệ 99,31% so với dân số trong độ tuổi), trong đó có 161 trường có lớp học trên 5 buổi/tuần.

- Giáo dục trung học: Có 137 trường trung học cơ sở (THCS), huy động 73.124 học sinh (tỷ lệ 97,86% so với dân số trong độ tuổi); 30 trường trung học phổ thông (THPT) với 38.007 học sinh (tỷ lệ 59,24% so với dân số trong độ tuổi); 01 trường phổ thông nhiều cấp học (Hermann Gmeiner) với 24 lớp và 840 học sinh và 5 trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp (KTTH-HN).

Có một trường nuôi dạy trẻ em khuyết tật.

- Giáo dục thường xuyên: Có 9 trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) các huyện, thành phố với trên 4.000 học viên theo học bổ túc THPT, trên 500 học viên học tin học, ngoại ngữ (chứng chỉ A, B) và trên 1.000 học viên học nghề phổ thông. Trung tâm GDTX tỉnh có khoảng 4.000 học viên theo học các lớp đào tạo liên kết đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hệ vừa làm vừa học; trên 1.000 học viên học ngoại ngữ và trên 500 học viên học tin học (chứng chỉ A, B, C).

- Giáo dục chuyên nghiệp: Có 1 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp chuyên nghiệp với quy mô sinh viên học sinh: 4.592 hệ chính quy và 1.043 hệ vừa làm vừa học.

Số trường đạt chuẩn quốc gia: Có 17/167 trường mầm non, mẫu giáo (tỷ lệ 10,2%), 50/189 trường tiểu học (tỷ lệ 26,5%), 25/137 trường THCS (tỷ lệ 18,2% và 6/31 trường THPT (tỷ lệ 19,4%, trong đó có 1 trường phổ thông nhiều cấp học).

2. Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo:

Chất lượng, hiệu quả giáo dục ngày càng được củng cố và phát triển. Khoảng cách chất lượng giữa thành thị và nông thôn được thu hẹp dần; tỷ lệ học sinh bỏ học, lưu ban ngày càng giảm. Việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở cấp học phổ thông đã được triển khai đồng bộ. Thành quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS được duy trì và nâng chất. Đến năm 2010 có 31/164 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học (tỷ lệ 18,9%).

Trong 5 năm qua, chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ ngày càng được nâng lên, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng từ 10,66% vào năm 2006 xuống còn 4,04% vào năm 2010, có 28 trường thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới.

Các trường phổ thông tổ chức dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học, cấp học. Thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ khách quan, công bằng, giảm tình trạng gây áp lực tâm lý nặng nề. Thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, sử dụng có hiệu quả các thiết bị được cung cấp và tự làm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập tiếp tục được đẩy mạnh, khai thác tốt “nguồn học liệu mở”.

Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học là 99,5%; hiệu quả đào tạo sau 5 năm đạt 96,1%. Tỷ lệ tốt nghiệp THCS hàng năm bình quân trên 98,5%, hiệu quả đào tạo sau 4 năm là 75,8%. Tỷ lệ tuyển sinh lớp 10 hàng năm đạt 77%; số học sinh tốt nghiệp THPT bình quân 83,4%/năm; số học sinh trúng tuyển đại học, cao đẳng ngày càng tăng (đại học: 2006 là 14,26%, năm 2010 là 20,11%; cao đẳng: 2006 là 12,26%, năm 2010 là 25,49%); số học sinh đi du học từ 2006 đến 2010 là 61 em. Hiệu quả đào tạo THPT sau 3 năm đạt 67,9%.

Hoạt động quản lý dạy học ở các trung tâm GDTX ngày càng đi vào nề nếp, chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên. Trung tâm GDTX tỉnh liên kết với các trường đại học, cao đẳng đào tạo bằng nhiều hình thức với nhiều ngành nghề góp phần giải quyết nhu cầu học tập của người học và yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp đã từng bước cải tiến mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo, gắn chuẩn kiến thức, kỹ năng với vị trí việc làm theo nhu cầu xã hội, đồng thời tăng cường các biện pháp đảm bảo chất lượng đào tạo.

Công tác kiểm định chất lượng giáo dục tuy mới triển khai thực hiện, còn nhiều khó khăn nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động nhằm triển khai có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

3. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên:

Đến năm 2010, toàn ngành có 1.065 cán bộ quản lý và 12.465 giáo viên thuộc các cấp học mầm non, phổ thông và GDTX. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngày càng được củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu và nâng cao về trình độ đào tạo. Hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên giữ vững được tư tưởng, chính trị, đạo đức; phong cách và lối sống phù hợp với chuẩn mực của nhà giáo trong thời kỳ mới.

Cán bộ quản lý có 64,41% đạt trình độ chính trị từ trung cấp trở lên; 89,1% được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý; đạt chuẩn chuyên môn 100%, trong đó trên chuẩn 79,71%; tỷ lệ đảng viên 92,68%.

Giáo viên tích cực học tập nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Có 99,81% đạt chuẩn chuyên môn, trong đó trên chuẩn 50,84%; tỷ lệ đảng viên đạt 42,29%.

4. Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật trường học:

Công tác xây dựng trường sở và trang thiết bị dạy học đã được quan tâm đầu tư. Cơ sở vật chất kỹ thuật các trường công lập từng bước được xây dựng kiên cố, tầng hoá và được trang bị tương đối đầy đủ theo quy định tối thiểu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc đầu tư cho trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm. 100% thư viện các trường phổ thông đều đạt chuẩn; 68,4% các trường tiểu học và 95% các trường THCS có phòng máy vi tính, 100% các trường THPT đều có 2 phòng vi tính trở lên, 3 phòng thí nghiệm thực hành/trường, tất cả các trường đều được nối mạng Internet.

Đề án kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 1 đã được hoàn thành 2.018 phòng và giai đoạn 2 được triển khai đúng mục tiêu và tiến độ đã triển khai xây dựng 1.368 phòng học (kế hoạch cả giai đoạn 2 là 2.439 phòng), đã hoàn thành đưa vào sử dụng 951 phòng, đang thi công 417 phòng.

5. Xã hội hoá giáo dục:

Trong thời gian qua, được sự đặc biệt quan tâm lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, dẫn đến nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của giáo dục và đào tạo có những chuyển biến tích cực; sự phối hợp 3 môi trường giáo dục và sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể chăm lo cho sự nghiệp giáo dục ngày càng chặt chẽ và đạt hiệu quả cao; các lực lượng xã hội ngày càng đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục trên cả 3 mặt nhân lực, vật lực và tài lực, đặc biệt là sự quan tâm đầu tư của Nhà nước.

II. NHỮNG TỒN TẠI

- Chất lượng giáo dục phổ thông tuy có tăng nhưng vẫn còn chênh lệch rõ rệt giữa thành thị và nông thôn.

- Tỷ lệ học sinh phổ thông bỏ học tuy được kéo giảm nhưng trong năm học 2009-2010 vẫn còn ở mức khá cao (THCS: 2,09%, THPT: 3,49%).

- Cơ sở vật chất, kỹ thuật trường học được ưu tiên đầu tư nhưng nhìn chung vẫn còn một số mặt chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học, nhất là để phục vụ cho việc học 2 buổi/ngày, tổ chức thực hành - thí nghiệm và triển khai các hoạt động giáo dục khác.

Nguyên nhân của những tồn tại chủ yếu:

- Một bộ phận giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực chưa đạt yêu cầu. Năng lực tham mưu của cán bộ quản lý ở một số trường còn hạn chế.

- Một bộ phận phụ huynh thiếu sự quan tâm dẫn đến học sinh chán học, học kém. Việc kết hợp giữa 3 môi trường nhà trường, gia đình và xã hội còn có lúc, có nơi chưa thật tốt.

- Cơ sở vật chất một số trường xuống cấp, đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Phần II

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO GIAI ĐOẠN 2011-2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2020

I. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC GIAI ĐOẠN 2011-2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

1. Mục tiêu chung:

Quy mô giáo dục được phát triển hợp lý; chuẩn bị nguồn nhân lực cho đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá để trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; tạo cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân.

Chất lượng và hiệu quả giáo dục được nâng cao, tiếp cận được với chất lượng giáo dục của cả nước.

Các nguồn lực giáo dục được huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả để đảm bảo điều kiện phát triển giáo dục.

2. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2011-2015:

2.1. Mạng lưới trường lớp:

Đến năm 2015 toàn tỉnh có 43 trường mầm non, 128 trường mẫu giáo, 188 trường tiểu học, 138 trường THCS, 36 trường THPT, 9 trung tâm GDTX, 1 trung tâm KTTH-HN, 1 trường nuôi dạy trẻ em khuyết tật, 2 trường đại học, 1 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp chuyên nghiệp và các trường ngoài công lập.

2.1.1. Thành lập mới các trường:

- Thành lập 3 trường mầm non tại các xã: Bình Phú, Mỹ Thạnh An và Phường 8 (thành phố Bến Tre).

- Thành lập 1 trường mẫu giáo: Tại xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú trên cơ sở tách tổ mẫu giáo ra khỏi Trường Tiểu học An Nhơn.

- Thành lập 1 trường tiểu học: Tại thị trấn Ba Tri.

- Thành lập 5 trường THCS:

+ THCS Mỹ An, huyện Thạnh Phú (năm 2012).

+ THCS Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri (năm 2013).

+ THCS Tân Mỹ, huyện Ba Tri (năm 2015).

+ THCS Phú Sơn, huyện Chợ Lách (năm 2015).

+ THCS thành phố Bến Tre 2.

- Thành lập 6 trường THPT:

+ THPT Phan Liêm, huyện Ba Tri (năm 2011), tại xã An Hoà Tây, diện tích 13.546m2.

+ THPT Thạnh Phước, huyện Bình Đại (năm 2013), tại xã Thạnh Phước, diện tích 13.479m2.

+ THPT An Qui, huyện Thạnh Phú (năm 2013); tại xã An Qui, diện tích 12.492m2.

+ THPT An Thới 2, huyện Mỏ Cày Nam (năm 2014) tại xã An Thới, diện tích 15.000m2.

+ THPT Long Thới, huyện Chợ Lách (năm 2015); tại xã Long Thới, diện tích 15.000m2.

+ THPT Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc (năm 2015); tại xã Nhuận Phú Tân, diện tích 15.000m2.

- Thành lập 1 trường cao đẳng: Trường Cao đẳng Y tế Bến Tre trên cơ sở nâng cấp Trường Trung cấp Y tế.

- Thành lập 2 trường đại học:

+ Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Hàng hải tại xã Lương Hoà, Giồng Trôm.

+ Trường Đại học Bến Tre trên cơ sở nâng cấp trường Cao đẳng Bến Tre.

- Kêu gọi đầu tư xây dựng và phát triển trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trung cấp chuyên nghiệp tư thục.

2.1.2. Giải thể, sáp nhập các trường:

Từ năm 2011-2015 tiến hành sáp nhập các Trường Tiểu học Tân Xuân 1 và Tiểu học Tân Xuân 2 thành Trường Tiểu học Tân Xuân (huyện Ba Tri), Trường Tiểu học Bình Thành 1 và Tiểu học Bình Thành 2 thành Trường Tiểu học Bình Thành (huyện Giồng Trôm); sáp nhập các trường THCS Thành Triệu, THCS Tân Phú B, THCS Hữu Định, THCS Sơn Hoà vào các trường lân cận (huyện Châu Thành).

Năm 2011, sáp nhập các trung tâm KTTH-HN huyện vào trung GDTX huyện ở các huyện: Châu Thành, Bình Đại, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam. Các TTGDTX còn lại cũng thực hiện 2 chức năng như các trung tâm được sáp nhập.

2.2. Mục tiêu huy động đến năm 2015 (tỷ lệ so với dân số trong độ tuổi):

2.2.1. Mầm non:

- Cháu 0 - 2 tuổi vào nhà trẻ 10% năm 2015.

- Cháu 3 - 5 tuổi vào mẫu giáo là 80% năm 2015, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi là 100%. Phổ cập 5 tuổi: 100% xã, phường, huyện đạt chuẩn.

2.2.2. Tiểu học:

- Trẻ trong độ tuổi đi học 100%.

- Trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%.

- Trẻ khuyết tật học các lớp hoà nhập và chuyên biệt 50%.

- 50% xã (phường, thị trấn) đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2.

2.2.3. Trung học cơ sở:

- Học sinh trong độ tuổi đi học 99%.

- Trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 99%.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ khuyết tật học hoà nhập.           

- Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS.

2.2.4. Trung học phổ thông:

- Học sinh trong độ tuổi đi học 65%.

- Tuyển sinh lớp 10 hàng năm khoảng 75% số học sinh dự thi.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ khuyết tật học hoà nhập.

- 39,63% (65/164) xã, phường, thị trấn; 2/9 huyện (thành phố) đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học.

2.2.5. Giáo dục thường xuyên:

- Xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên để các trung tâm GDTX thực hiện đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

2.2.6. Giáo dục trung cấp chuyên nghiệp:

Mở rộng quy mô giáo dục trung cấp chuyên nghiệp kể cả loại hình ngoài công lập. Mở rộng quy mô tuyển sinh học sinh THCS vào trung cấp chuyên nghiệp; tăng quy mô tuyển sinh hàng năm 10%, 50% tỷ lệ lao động qua đào tạo.

2.2.7. Giáo dục đại học:

Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, từng bước hiện đại hoá các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Dự kiến đến năm 2015 sẽ thành lập Trường Cao đẳng Y tế Bến Tre trên cơ sở nâng cấp Trường Trung cấp Y tế, 2 trường đại học: Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Hàng hải và Trường Đại học Bến Tre trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Bến Tre. Đạt tỷ lệ 200 sinh viên/vạn dân.

2.3. Mục tiêu chất lượng và hiệu quả:

2.3.1. Mầm non:

Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được chuyển biến về cơ bản, giúp trẻ phát triển hài hoà về thể chất, tình cảm, trí tuệ và thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ vào học lớp 1. Đến năm 2015 có 80% số trẻ 5 tuổi đạt chuẩn phát triển, duy trì tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non ở mức dưới 10%.

2.3.2. Phổ thông:

Chất lượng toàn diện của học sinh phổ thông có sự chuyển biến rõ rệt để phát triển năng lực làm người. Học sinh có ý thức và trách nhiệm cao trong học tập, có lối sống lành mạnh, có năng lực làm việc độc lập và hợp tác, có kỹ năng sống, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, có năng lực tự học, có khả năng sử dụng ngoại ngữ, biết vận dụng kiến thức vào cuộc sống.

Đối với giáo dục tiểu học: Đến năm 2015 năng lực đọc hiểu và làm toán của học sinh được nâng cao rõ rệt, tỷ lệ học sinh đạt yêu cầu trong các đánh giá quốc gia về đọc hiểu và tính toán là 80%, 70% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, 50% học sinh được học chương trình tiếng Anh mới từ lớp 3, 80% học sinh được học tin học.

Đối với giáo dục trung học: Học sinh được trang bị học vấn cơ bản, kỹ năng sống, những hiểu biết ban đầu về công nghệ và nghề phổ thông, được học liên tục và hiệu quả chương trình ngoại ngữ mới. Hiệu quả đào tạo cấp THCS 90%, cấp THPT trên 70%. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT trên 80%.

2.3.3. Giáo dục thường xuyên:

Duy trì bền vững kết quả phổ cập xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục THCS. Chất lượng giáo dục thường xuyên được nâng cao, giúp người học có kiến thức, kỹ năng để tiếp tục tham gia các chương trình giáo dục liên thông, đa dạng và đáp ứng được yêu cầu của công việc, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 35 trên 98%, từ 36 tuổi trở lên trên 95%.

2.3.4. Giáo dục chuyên nghiệp:

Đến năm 2015, sau khi hoàn thành các chương trình giáo dục nghề nghiệp, học sinh có năng lực và đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật lao động, khả năng sử dụng ngoại ngữ trong học tập và làm việc đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu lao động và khả năng cạnh tranh nhân lực của đất nước, có khả năng tự tìm và tự tạo việc làm, có 80% số học sinh tốt nghiệp được các doanh nghiệp và cơ quan sử dụng lao động đánh giá đáp ứng được các yêu cầu của công việc.           

2.4. Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia:

Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học mầm non và phổ thông nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển giáo dục.

Đến năm 2015 có 42 trường mầm non (tỷ lệ 25%); 67 trường tiểu học (tỷ lệ 35,4%), trong đó có 9 trường đạt chuẩn mức 2; 55 trường THCS (40,7%) và 11 trường THPT (32,3%) đạt chuẩn quốc gia.

3. Định hướng giai đoạn 2016-2020:

3.1. Mạng lưới trường lớp:

Thành lập mới các trường mầm non tại các xã: An Thuỷ, Mỹ Chánh, Tân Xuân, An Ngãi Trung (huyện Ba Tri), An Thuận (thành phố Bến Tre), Châu Bình, Tân Thanh (huyện Giồng Trôm) và THCS Mỹ Thạnh An (thành phố Bến Tre).

Xây dựng hoàn chỉnh các trung tâm GDTX theo chuẩn.

3.2. Mục tiêu huy động (so với dân số trong độ tuổi):

- Huy động 15% cháu 0-2 tuổi vào nhà trẻ, 80% cháu 3-5 tuổi vào mẫu giáo, trong đó cháu 5 tuổi là 100%.

- Ở cấp tiểu học, trẻ trong độ tuổi đi học 100%, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100% và trẻ khuyết tật học các lớp hoà nhập và chuyên biệt 70%.

- Đối với cấp THCS, học sinh trong độ tuổi đi học 99%, trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 99%.

- Cấp THPT, học sinh trong độ tuổi đi học 70%, tuyển sinh lớp 10 hàng năm khoảng 75% số học sinh dự thi.

- Tạo cơ hội cho mọi người có thể học tập suốt đời, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mình, người lao động được đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng ngắn hạn định kỳ và thường xuyên, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

- Mở rộng quy mô giáo dục đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp kể cả loại hình ngoài công lập, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo 60%, đạt tỷ lệ 287 sinh viên/vạn dân.

3.3. Mục tiêu chất lượng và hiệu quả:

- Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được chuyển biến rõ nét. Đến năm 2020 có 90% số trẻ 5 tuổi đạt chuẩn phát triển, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non ở mức dưới 8%.

- Chất lượng toàn diện của học sinh phổ thông sánh ngang với các thành phố lớn trong cả nước. Tỷ lệ hoàn thành cấp học ở mức 90% trở lên đối với 3 cấp học. Chú trọng đào tạo và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu để trở thành nhân tài cho đất nước.

- Tỷ lệ học sinh tiểu học đạt yêu cầu trong các đánh giá quốc gia về đọc hiểu và tính toán là 90% và tất cả học sinh được học 2 buổi/ngày. Hiệu quả đào tạo cấp học THCS 90%, THPT trên 75%. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT trên 80%.

- Duy trì bền vững kết quả phổ cập giáo dục. Chất lượng giáo dục thường xuyên được nâng cao. Tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15-35 trên 99% và tiếp tục được giáo dục sau khi biết chữ.

- Có 60% trường MN, 60% trường TH, 50% trường THCS, 70% trường THPT đạt chuẩn quốc gia.

II. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Vốn đầu tư:

1.1. Giai đoạn 2011-2015: (Kèm các biểu mẫu)

- Xây dựng mới và bổ sung tại các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trung tâm GDTX huyện, thành phố với tổng số vốn: 2.933,587 tỷ đồng.

- Xây dựng bổ sung phòng học, phòng chức năng, mua sắm trang thiết bị và đào tạo giáo viên phục vụ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi là 260,822 tỷ đồng.

- Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia: 33,817 tỷ đồng.

- Sửa chữa các trường với tổng số vốn: 77,374 tỷ đồng.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2011-2015 là 3.305,600 tỷ đồng.

Chia ra các nguồn:

- Vốn kiên cố hoá trường, lớp học:        1.795,432 tỷ đồng.

- Vốn tỉnh:                                             1.161,094 tỷ đồng.

Nguồn khác:                                         349,074 tỷ đồng.

Phân kỳ đầu tư như sau:

- Năm 2011: 971,635 tỷ đồng.

- Năm 2012: 882,309 tỷ đồng.

- Năm 2013: 665,311 tỷ đồng.

- Năm 2014: 550,922 tỷ đồng.

- Năm 2015: 235,423 tỷ đồng.

1.2. Giai đoạn 2016-2020:

Ước tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 là 660,722 tỷ đồng. Trong đó xây dựng mới và xây dựng bổ sung các trường học là 557,178 tỷ đồng; sửa chữa lớn các trường học là 103,544 tỷ đồng.

2. Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục:

Thu hút đầu tư xây dựng và phát triển trường mầm non, phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp.

Tiếp tục vận động hỗ trợ cho học sinh nghèo thuộc diện chính sách và các nguồn kinh phí khác để sửa chữa, trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật trường học. Tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để giáo dục học sinh; kéo giảm tỷ lệ bỏ học, lưu ban, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

3. Tăng cường công tác quản lý giáo dục - đào tạo:

Các cấp quản lý giáo dục - đào tạo nâng cao năng lực tham mưu với các cấp uỷ và chính quyền địa phương; chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể trong phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo và trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trường học. Đảm bảo các công trình xây dựng đúng quy trình, thủ tục, đúng tiến độ và đạt yêu cầu chất lượng.

Thực hiện đổi mới cơ chế quản lý tài chính cho giáo dục và đào tạo, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và xã hội, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục.

Tập trung chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra công tác giảng dạy và học tập để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị trường học; tu bổ, sửa chữa kịp thời trường sở; giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng trường xanh, sạch, đẹp, an toàn.

4. Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục:

Chuẩn hoá đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tất cả các cấp học, bảo đảm đủ số lượng, đạt chuẩn nghề nghiệp và đồng bộ về cơ cấu; đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên và nâng cao chất lượng đảng viên trong ngành giáo dục; nâng cao trình độ lý luận chính trị, phẩm chất, đạo đức lối sống, lương tâm nghiệp vụ của nhà giáo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong giai đoạn mới.

Đối với cán bộ quản lý giáo dục: 100% là đảng viên, đạt trình độ lý luận chính trị - hành chính từ trung cấp trở lên và được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục. Về trình độ chuyên môn: Có 90% cán bộ quản lý trường mầm non và tiểu học đạt trình độ cao đẳng trở lên; 90% cán bộ quản lý trường THCS đạt trình độ đại học trở lên; 25% cán bộ quản lý trường THPT và 10% cán bộ quản lý ở các cơ quan giáo dục (phòng, sở) đạt trình độ thạc sỹ trở lên.

Đối với giáo viên: Bổ sung, điều chỉnh, sắp xếp, bố trí giáo viên các cấp học đủ theo biên chế quy định. Về chuyên môn 100% đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn: Mầm non 60%, tiểu học 80%, THCS 60%, THPT 15%, giáo viên các cấp là đảng viên 50%. Đạt chuẩn nghề nghiệp 100%, đến 2015 có 90% đạt chuẩn nghề nghiệp loại khá trở lên.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các ngành chức năng để tổ chức triển khai Kế hoạch này.

2. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, cấp phát nguồn vốn đầu tư xây dựng các trường học.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát kế hoạch sử dụng đất đai, đảm bảo đủ quỹ đất đáp ứng nhu cầu xây dựng trường học, kể cả trường ngoài công lập.

4. Sở Kế họach và Đầu tư: Chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, các ngành chức năng và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố đề xuất chính sách thu hút đầu tư và kêu gọi đầu tư xây dựng các trường ngoài công lập. Thẩm định các dự án xây dựng trường học, đảm bảo tối thiểu đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất và diện tích đất đai. Đề xuất kế hoạch phân bổ vốn xây dựng cơ bản hàng năm cho các dự án trường học.

5. Sở Xây dựng: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình, hướng dẫn thực hiện các quy trình, quy định về đầu tư xây dựng và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các công trình xây dựng trường học.

6. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố: Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài nguyên và Môi trường quy hoạch đất đai để xây dựng các trường, kể cả trường ngoài công lập trên địa bàn huyện, thành phố; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư trong việc đền bù, giải toả mặt bằng và thi công công trình. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo lập thủ tục thành lập các trường học.

Trong quá trình thực hiện nếu có gặp vướng mắc, khó khăn, các sở và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố báo cáo kịp thời về Uỷ ban nhân dân tỉnh để xem xét tiếp tục chỉ đạo thực hiện./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Cao Văn Trọng

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 4799/KH-UBND ngày 27/10/2011 về phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 do tỉnh Bến Tre ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.307

DMCA.com Protection Status
IP: 34.58.253.139
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!