ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3997/KH-UBND
|
Thành phố Hồ Chí
Minh, ngày 30 tháng 11 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC HỌC TẬP TRỰC TIẾP TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày
11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn,
linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”;
Căn cứ Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày
12 tháng 10 năm 2021 của Bộ Y tế ban hành tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện
Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ ban hành quy định
tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”;
Căn cứ Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT ngày
24 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện nhiệm vụ
năm học 2021 - 2022 ứng phó với dịch COVID-19, tiếp tục đổi mới, kiên trì mục
tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo;
Căn cứ Công văn số 4726/BGDĐT-GDTC ngày 15 tháng 10 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổ chức
hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục;
Căn cứ Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 30
tháng 9 năm 2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố tiếp tục kiểm soát, điều
chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước
phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Quyết định số 3900/QĐ-UBND
ngày 16 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về Quy định tạm thời
các biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh,
Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành kế
hoạch tổ chức học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố Hồ
Chí Minh như sau:
I. MỤC ĐÍCH - YÊU
CẦU
- Đảm bảo an toàn, phù hợp với tình
hình dịch bệnh COVID-19 khi tổ chức hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp tại
các cơ sở giáo dục.
- Tận dụng tối đa khoảng thời gian học
trực tiếp ở những địa phương, những cơ sở giáo dục đủ điều kiện về an toàn phòng,
chống COVID-19 nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục và giúp ổn
định xã hội.
- Hỗ trợ cơ sở giáo dục thích ứng an
toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong hoạt động giáo dục và
đào tạo.
II. NỘI DUNG
1. Đối với cơ sở giáo dục mầm
non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên
1.1. Quan điểm
tổ chức
- Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số
128/NQ-CP và Quyết định số 3900/QĐ-UBND ; đảm bảo an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch
COVID-19 trong hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp tại các cơ sở giáo dục phù
hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19 của từng địa phương.
- Tổ chức dạy học trực tiếp học sinh ở
một số khối lớp để cơ sở giáo dục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu
quả dịch COVID-19 trong hoạt động giáo dục và đào tạo. Sau đó, tổng kết, đánh giá,
rút kinh nghiệm trước khi tổ chức dạy học trực tiếp đại trà.
- Ưu tiên đối với các cơ sở giáo dục
đáp ứng được các điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực và có kế hoạch cho học
sinh đi học trực tiếp hoàn chỉnh.
1.2. Nguyên tắc
tổ chức
Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và
các quận, huyện ban hành kế hoạch và quyết định việc tổ chức dạy học trực tiếp,
chuyển trạng thái hoạt động của các cơ sở giáo dục1
trên địa bàn:
- Cơ sở giáo dục có cấp học trung học
phổ thông hoạt động theo cấp độ dịch của Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ sở giáo
dục còn lại hoạt động theo cấp độ dịch của thành phố Thủ Đức hoặc quận, huyện
nơi trường trú đóng. Ưu tiên tổ chức dạy học trực tiếp trước ở những cơ sở giáo
dục có điều kiện cơ sở vật chất tốt, đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống
dịch COVID-19.
- Cơ sở giáo dục chuyển trạng thái tổ
chức dạy học theo cấp độ dịch được công bố vào sáng thứ hai hàng tuần do Ủy ban
nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công bố theo quy định.
- Cơ sở giáo dục phải được đánh giá
công tác an toàn trường học theo Bộ tiêu chí đánh giá an
toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với cơ sở giáo dục trước khi tổ chức
dạy học trực tiếp và được kiểm tra thường xuyên trong quá trình dạy học trực tiếp.
- Cá nhân tham gia dạy và học trực tiếp
là các cá nhân không thuộc diện phải cách ly y tế để phòng chống dịch
- Đối với học sinh, giáo viên đến từ
vùng đỏ thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn của y tế.
1.3. Thời gian
- Phạm vi - Đối tượng
1.3.1. Giai đoạn chuẩn bị
- Tổ chức họp phụ huynh: Triển khai
các vấn đề cần lưu ý trong công tác phối hợp với nhà trường chăm sóc, tổ chức
cho học sinh học trực tiếp tại trường trước ngày 05 tháng 12 năm 2021.
- Tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân
viên công tác phòng chống dịch trong tình hình mới: ngày 08 tháng 12 năm 2021.
- Tổ chức sinh hoạt hướng dẫn công
tác an toàn cho học sinh khi trở lại trường học trực tiếp ngày 10 tháng 12 năm
2021.
1.3.2. Giai đoạn tổ chức dạy học
trực tiếp
- Giai đoạn từ ngày 13 tháng 12 đến
ngày 25 tháng 12 năm 2021: thí điểm tổ chức dạy học trực tiếp (2 tuần)
+ Đối tượng: tất cả học sinh lớp 1, lớp
9 và lớp 12.
• Từ tuần thứ 2: trẻ mẫu giáo 5 tuổi.
• Đối với huyện Cần Giờ: trường mầm
non Thạnh An, trường Tiểu học Thanh An, trường THCS-THPT Thạnh An học trực tiếp
ở tất cả các khối lớp từ ngày 13 tháng 12 năm 2021.
- Giai đoạn từ ngày 27 tháng 12
năm 2021:
+ Tổ chức hội nghị sơ kết, rút kinh
nghiệm 2 tuần dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục (giai đoạn từ ngày 13
tháng 12 đến ngày 25 tháng 12 năm 2021) .
+ Căn cứ kết quả tổ chức dạy và học
sau 2 tuần và tình hình dịch COVID-19, Sở Giáo dục và Đào
tạo phối hợp Sở Y tế tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét việc và quyết định
việc tiếp tục, mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chức dạy học trực tiếp toàn Thành
phố từ ngày 03 tháng 01 năm 2022.
1.4. Quy định cụ
thể về công tác phòng, chống dịch khi tổ chức dạy học trực tiếp trở lại của cơ
sở giáo dục
1.4.1. Kế hoạch, phương án
phòng, chống dịch tại cơ sở giáo dục khi tổ chức dạy học trực tiếp trở lại
Các cơ sở giáo dục xây dựng và hoàn
chỉnh các kế hoạch, phương án phòng, chống dịch tại cơ sở giáo dục khi tổ chức
dạy học trực tiếp trở lại trước ngày 03 tháng 12 năm 2021.
Các cơ sở giáo dục trước khi tổ chức
dạy học trực tiếp phải được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố
Thủ Đức và các quận, huyện kiểm tra, thẩm định kế hoạch, phương án phòng chống
dịch khi tổ chức tại cơ sở giáo dục, cụ thể các nội dung như sau:
- Nội dung 1: Quyết định thành lập
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của cơ quan, đơn vị; quyết định thành lập
Tổ An toàn COVID-19 trường học.
- Nội dung 2: Bảng tự đánh giá công
tác an toàn phòng, chống COVID-19 được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố
Thủ Đức và quận, huyện công nhận đảm bảo an toàn theo Bộ tiêu chí đánh giá an
toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với cơ sở giáo dục2.
- Nội dung 3: Phương án xử lý các
tình huống khi có trường hợp nghi nhiễm COVID-19 tại cơ quan, đơn vị (theo Công
văn số 6666/BYT-MT ngày 16 tháng 8 năm 2021 của Bộ Y tế ), trong đó thể hiện
rõ:
+ Nhiệm vụ cụ thể, đầu mối liên hệ,
trách nhiệm của từng cá nhân trong cơ quan, đơn vị, trường học khi xảy ra tình
huống.
+ Sơ đồ và bố trí phân luồng di chuyển
theo hướng 1 chiều tại cơ quan, đơn vị, trường học.
+ Biên bản diễn tập Phương án khi
phát hiện trường hợp nghi nhiễm COVID-19 tại cơ quan, đơn vị, trường học.
- Nội dung 4: Kịch bản, phân công
công tác phòng, chống dịch COVID-19 hằng ngày tại cơ quan, đơn vị, trường học,
đảm bảo thực hiện tốt các nội dung:
+ Sử dụng mã QR điểm kiểm dịch để thực
hiện quản lý người ra vào và khai báo y tế.
+ Tổ chức đo thân nhiệt, yêu cầu người
lao động, khách đến làm việc khai báo y tế, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và giữ
khoảng cách theo quy định; quản lý Thẻ khách vào đơn vị; kiểm soát mật độ người
vào đơn vị.
+ Quản lý người ra/vào trường theo 1
chiều quy định.
+ Quản lý học sinh đầu giờ, cuối giờ,
giờ ra chơi, khu vực tập trung đông người.
+ Giám sát việc thực hiện 5K trong suốt
thời gian hoạt động trong ngày.
- Nội dung 5: Về cơ sở vật chất, quản
lý nhân sự
+ Cơ sở vật chất: bố trí phòng/khu vực
cách ly tạm thời, thực hiện vệ sinh khử khuẩn trường lớp và quản lý chất thải;
tăng cường thông khí tại trên phương tiện đưa đón, nơi làm việc, nhà ăn, phòng
họp; giảm tiếp xúc bố trí vách ngăn tại nhà ăn, suất ăn riêng; bố trí đủ thùng
đựng chất thải có nắp đậy; bố trí đầy đủ khu vực rửa tay, nhà vệ sinh, dung dịch
sát khuẩn tay,...
+ Nhân sự: quản lý người lao động về
các thông tin gồm họ tên, năm sinh, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ
chiếu, địa chỉ nơi ở, số điện thoại, địa chỉ quê quán; tổ chức theo dõi sức khỏe
của người lao động hằng ngày; hướng dẫn ký cam kết tuân thủ các quy định, hướng
dẫn về phòng, chống dịch COVID-19.
- Nội dung 6: Tổ chức tập huấn công
tác phòng, chống dịch COVID-19 trước khi dạy học trực tiếp; tổ chức thông tin,
tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn phòng, chống dịch trong hội đồng sư phạm nhà
trường, cha mẹ học sinh và học sinh toàn trường.
1.4.2. Các hoạt động trước và
khi học sinh đi học trực tiếp trở lại
a. Trước khi học sinh đi học trực tiếp
trở lại
- Tập huấn và giao nhiệm vụ cụ thể
cho giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên nhà trường quy trình phòng, chống dịch
bệnh để thực hiện và hướng dẫn học sinh thực hiện khi trở lại trường học.
- Rà soát và thực hiện đầy đủ những
việc đơn vị cần thực hiện để phòng, chống dịch COVID-19 nêu tại phụ lục 4, Công
văn số 6666/BYT-MT ngày 16 tháng 8 năm 2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn
phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ quan, đơn vị.
- Thực hiện vệ sinh khử khuẩn trường
lớp và quản lý chất thải theo hướng dẫn tại Phụ lục 2, Công văn số 6666/BYT-MT
ngày 16 tháng 8 năm 2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn phòng, chống dịch
COVID-19 tại cơ quan, đơn vị.
b. Khi học sinh đi học trực tiếp trở
lại
- Ngày đầu tiên học sinh đi học trở lại,
Thủ trưởng đơn vị không tổ chức các hoạt động học tập, chỉ tổ chức kiểm tra
tình trạng sức khỏe, khai báo y tế, tập huấn hướng dẫn cho
học sinh các biện pháp tự phòng ngừa và triển khai giờ học, kế hoạch học tập, kế
hoạch phòng, chống dịch bệnh của nhà trường để học sinh an tâm đi học và đảm bảo
an toàn khi đi học.
- Tổ chức thực hiện lệch ca, lệch giờ,
tăng cường giám sát nhằm đảm bảo việc giãn cách trước giờ
học, giờ chơi và giờ tan trường.
- Nếu học sinh, giáo viên, cán bộ,
nhân viên nhà trường có biểu hiện sốt, ho, khó thở, mất
vị giác, mất khứu giác thì phải nghỉ ở nhà, thông tin ngay cho
nhà trường, đồng thời đưa đến cơ sở y tế để được khám, tư
vấn, điều trị. Khi ghi nhận các trường hợp có thân nhiệt cao hoặc có những triệu
chứng đặc thù của COVID-19 trong trường thì phải xử lý theo đúng quy trình theo
hướng dẫn của ngành y tế.
- Nhà trường duy trì thực hiện vệ
sinh, tẩy trùng trường, lớp theo quy định; kiểm tra, rà soát và bổ sung kịp thời
nước sát khuẩn hoặc xà phòng và các vật dụng cần thiết
khác sau mỗi ngày học. Tổ chức lau khử khuẩn, vệ sinh các bề mặt thường xuyên
tiếp xúc, khu vực rửa tay, nhà vệ sinh, cầu thang theo quy định.
2. Đối với cơ sở
giáo dục đại học, các trường cao đẳng:
- Các cơ sở giáo dục đại học, các trường
cao đẳng tổ chức dạy học trực tiếp theo cấp độ dịch của Thành phố, trong đó:
+ Trên địa bàn được xác định dịch ở cấp
độ 1 và cấp độ 2 hoạt động đào tạo trực tiếp nếu bảo đảm các quy định về an
toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phải thực hiện theo hướng dẫn của Bộ
Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ tiêu chí đánh
giá an toàn trong phòng, chống COVID-19 đối với các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo
dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
+ Ở những địa bàn được xác định dịch ở
cấp độ 3 và cấp độ 4, các cơ sở đào tạo tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến hoặc
kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến tùy theo phương án cụ thể của nhà trường
được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận.
- Người tham gia dạy và học phải đáp ứng
đủ một trong các điều kiện sau: Đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc đã
khỏi bệnh Covid-19 không quá 6 tháng và thực hiện đầy đủ các quy định về bảo đảm
an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Riêng đối với các cơ sở giáo dục
nghề nghiệp: trước mắt trong năm 2021 và hết quý 1 năm 2022 cho phép học trực
tiếp lý thuyết và thực hành cho những học sinh, sinh viên, học viên năm cuối để
làm đồ án tốt nghiệp.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chủ động phối hợp Sở Y tế rà soát,
tham mưu việc điều chỉnh Bộ Tiêu chí an toàn đối với cơ sở giáo dục (khi cần
thiết).
- Triển khai các hướng dẫn chuyên môn
về phương án tổ chức học tập trực tiếp phù hợp đối với từng cấp học, bậc học và
linh hoạt theo cấp độ dịch.
- Chủ trì phối hợp Sở Y tế tổ chức họp
góp ý kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch COVID-19 của
một số cơ sở giáo dục thí điểm tổ chức dạy học trực tiếp trở lại.
- Phối hợp chặt chẽ với các địa
phương giám sát, kiểm tra việc tổ chức dạy học trực tiếp trở lại tại các địa phương; kịp thời báo cáo, tham mưu Ủy ban nhân dân
Thành phố.
- Rà soát, tham mưu kịp thời chính
sách hỗ trợ giáo viên, học sinh khó khăn, hỗ trợ các cơ sở giáo dục, nhất là cơ
sở giáo dục ngoài công lập.
- Chủ trì tiếp nhận phương án dạy học
của các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm
khi dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4 và phối hợp với Sở Y tế trình Ủy ban nhân dân
Thành phố chấp thuận.
2. Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội
- Chủ động phối hợp Sở Y tế rà soát,
tham mưu việc điều chỉnh Bộ Tiêu chí an toàn đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp
(khi cần thiết).
- Chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Trung
tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, Trung tâm y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch
COVID-19 của quận, huyện và thành phố Thủ Đức, nơi có cơ sở giáo dục nghề nghiệp
trú đóng để thẩm định và báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố về kế hoạch cho đi học
lại. Tổ chức các đoàn giám sát, kiểm tra việc tổ chức dạy học trực tiếp trở lại
của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, kịp thời chấn chỉnh các cơ sở giáo dục nghề
nghiệp không đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình dạy học
trực tiếp.
- Chủ động hướng dẫn các cơ sở giáo dục
nghề nghiệp thực hiện tiêu độc, khử trùng toàn bộ khuôn viên, phòng học, phòng
làm việc theo hướng dẫn của ngành Y tế trước khi tổ chức cho học sinh, sinh
viên, học viên đi học trở lại; bố trí đầy đủ các bình dung dịch khử khuẩn ở các
phòng học, phòng làm việc, xưởng thực hành, nhà vệ sinh. Xây dựng phòng cách ly
và phương án sử dụng phòng cách ly trong trường hợp phát hiện học sinh, sinh
viên có biểu hiện của bệnh cũng như kịch bản chi tiết để xử lý các tình huống
phát hiện học sinh, sinh viên có biểu hiện của bệnh; thực hiện khai báo y tế
theo hướng dẫn của ngành Y tế đối với tất cả cán bộ, nhà giáo, người lao động,
học sinh, sinh viên...
3. Sở Y tế
- Ban hành quy định về hướng dẫn thực
hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong cơ sở giáo dục theo quy định
hiện hành; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo phát hành Tờ rơi tuyên truyền
phòng, chống dịch trong trường học.
- Ban hành phương án xử lý khi phát
hiện F0, F1 trong trường học.
- Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ
chức họp góp ý kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch COVID-19 của 01 cơ sở giáo dục thí điểm tổ chức dạy học trực tiếp trở lại.
- Chỉ đạo Trung tâm y tế thành phố Thủ
Đức và các quận, huyện và đơn vị liên quan hướng dẫn các cơ sở giáo dục vệ sinh
khử khuẩn trước khi đưa vào hoạt động trở lại. Phối hợp thực
hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong suốt quá trình tổ chức thực hiện
học sinh học trực tiếp trở lại.
- Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo
tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố kế hoạch thí điểm dạy học trực tiếp trở
lại, tổ chức rút kinh nghiệm và mở rộng việc dạy học trực tiếp
trên địa bàn Thành phố.
4. Ủy ban nhân
dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện
- Ban hành kế hoạch tổ chức học tập
trực tiếp trở lại trên địa bàn phù hợp với tình hình thực
tiễn của địa phương, linh hoạt và an toàn.
- Chọn 01 cơ sở giáo dục để góp ý kế
hoạch, phương án thực hiện đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch COVID-19,
từ đó làm mẫu cho các cơ sở giáo dục còn lại trên địa bàn.
- Chỉ đạo Phòng
Giáo dục và Đào tạo làm đơn vị Thường trực triển khai Kế hoạch tổ chức học tập
trực tiếp trên địa bàn.
- Tổ chức kiểm tra và thẩm định kế hoạch,
phương án đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở giáo dục
(theo mục 1.4 - Phần II).
- Thường xuyên kiểm tra và điều chỉnh
hình thức học tập theo cấp độ dịch tại địa phương.
- Chỉ đạo các
Phòng chuyên môn liên quan đảm bảo các điều kiện hoạt động của nhà trường (đội
ngũ, kinh phí,...).
- Xây dựng đội phản ứng nhanh với sự
tham gia của ngành giáo dục và y tế địa phương để kịp thời tiếp nhận thông tin,
đề xuất hướng xử trí đối với các ca nghi nhiễm phát sinh trong trường học trong
quá trình hoạt động trực tiếp.
5. Cơ sở giáo dục
5.1 Đối với cơ sở giáo dục đại học,
cao đẳng
- Giao Hiệu trưởng
các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng tự chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch,
phương án đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch COVID-19, căn cứ quy mô
trường lớp để bố trí số lượng học sinh, sinh viên, học viên tham gia học tập trực
tiếp đảm bảo mức độ giãn cách và an toàn phòng, chống dịch bệnh; bố trí một
phòng cách ly y tế nhằm chuẩn bị cho phương án có F0.
- Triển khai tập huấn công tác phòng,
chống dịch COVID-19 cho toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học
sinh, sinh viên, học viên trước khi tổ chức đi học trở lại.
5.2 Đối với các cơ sở giáo dục phổ
thông
- Xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo
an toàn công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở giáo dục (theo mục 1.4 -
Phần II), trình Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Thủ Đức và các
quận, huyện thẩm định và phê duyệt.
- Xây dựng kế hoạch dạy học trực tiếp
theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Triển khai các phương án, kịch bản,
kế hoạch dạy và học phù hợp với tình hình cơ sở vật chất, nguồn lực và học sinh
của đơn vị.
- Các cơ sở giáo dục ngoài công lập
có nội trú xây dựng các phương án cơ sở vật chất, nhân lực cho kế hoạch tổ chức
dạy và học đúng quy định, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
- Triển khai tập huấn công tác phòng,
chống dịch COVID-19 cho toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo
viên, nhân viên và cả học sinh, cha mẹ học sinh trước khi tổ chức đi học trở lại.
- Các cơ sở giáo dục tổ chức họp cha
mẹ học sinh triển khai, phổ biến kế hoạch dạy học trực tiếp trong điều kiện đảm
bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19; công tác phối hợp giữa nhà trường và
cha mẹ học sinh trong quá trình học sinh đi học trực tiếp trở lại nhằm đảm bảo
an toàn trong phòng chống dịch cho học sinh.
6. Cha mẹ học
sinh
- Có trách nhiệm phối hợp nhà trường
tổ chức cho học sinh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng
dẫn ngành y tế và học tập trực tiếp trở lại theo kế hoạch của cơ sở giáo dục.
- Chăm sóc và theo dõi sức khỏe của học
sinh, hướng dẫn học sinh thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch
COVID-19. Không để học sinh đến trường khi có các biểu hiện ho, sốt, khó thở,..
hoặc thuộc diện cách ly theo quy định của ngành y tế.
- Kịp thời thông tin đến giáo viên chủ
nhiệm, nhà trường những vấn đề bất thường về sức khỏe của
học sinh, đặc biệt có liên quan đến dịch COVID-19.
Trên đây là Kế hoạch tổ chức học trực
tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị các đơn
vị có liên quan nghiêm túc thực hiện, trong quá trình triển khai nếu có khó
khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo cho Ủy ban nhân dân Thành phố (thông qua Sở
Giáo dục và Đào tạo) để xem xét, tháo gỡ./.
Nơi nhận:
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban MTTQVN Thành phố;
- Văn phòng Thành ủy;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố;
- UBND Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện;
- VPUB: CPVP;
- Các phòng NCTH;
- Lưu: VT, (VX-VN).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Dương Anh Đức
|
1
Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông,
giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt; trung tâm ngoại ngữ, tin học; cơ sở
giáo dục, đơn vị hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ
chính khóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
2
Quyết định số 3588/QĐ-BCĐ ngày 15 tháng 10
năm 2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành
phố Hồ Chí Minh về ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch
COVID-19 đối với cơ sở giáo dục mầm non; cơ sở giáo dục phổ
thông; trung tâm ngoại ngữ, tin học; cơ sở giáo dục, đơn vị hoạt động giáo dục
kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa trên địa bàn Thành phố
Hồ Chí Minh.