ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3916/KH-UBND
|
Quảng Nam, ngày
29 tháng 6 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM NĂM 2021
Căn cứ Nghị quyết số
21/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ
phát triển văn hóa đọc cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh,
giai đoạn 2021-2025; theo đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số
96/TTr-SGDĐT ngày 10/6/2021; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển văn hóa đọc
cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2021, cụ thể
như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
Xây dựng và phát triển thói
quen, nhu cầu, kĩ năng và phong trào đọc trong học sinh các trường phổ thông
trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, chú trọng học sinh ở vùng nông thôn, vùng có điều
kiện kinh tế - xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; giúp các em trở thành
người đọc độc lập, tăng vốn hiểu biết, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi
dưỡng đạo đức, nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh trong con người,
xã hội Việt Nam.
Xây dựng hệ thống thư viện trường
học với các tiêu chí mới, góp phần tích cực đáp ứng yêu cầu thúc đẩy phong trào
đọc, hình thành thói quen đọc, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường
và cộng đồng; đồng thời, khuyến khích học sinh tìm hiểu, thực hành các hoạt động
nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn.
2. Yêu cầu
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo
của các cấp, các ngành, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trong quá trình
triển khai thực hiện để đảm bảo hiệu quả việc thực hiện Kế hoạch.
Việc tuyên truyền, phổ biến, hướng
dẫn triển khai các nội dung về phát triển văn hóa đọc cho học sinh các trường
phổ thông trên địa bàn tỉnh được tiến hành thường xuyên, kịp thời, đầy đủ đến
các cấp, các ngành và các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.
II. NỘI DUNG
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
1. Đẩy mạnh
công tác truyền thông
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh và xã hội
về tác dụng, ý nghĩa của việc đọc. Xây dựng, phát triển văn hóa đọc phải được
thực hiện một cách bền bỉ, không chỉ là phong trào mang tính nhất thời. Biểu
dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong việc
phát triển văn hóa đọc.
2. Xây dựng
môi trường đọc
2.1. Xây
dựng phòng đọc học sinh của thư viện nhà trường
- Đầu tư nâng cấp, mở rộng diện
tích phòng đọc đảm bảo diện tích tối thiểu theo quy định, tạo không gian đọc
thoải mái cho học sinh của 01 lớp tham gia.
- Xây dựng phòng đọc theo mô
hình phù hợp với học sinh từng cấp học; đầu tư trang thiết bị, bố trí sắp xếp
theo hướng mở, thân thiện, lôi cuốn học sinh đến thư viện. Các trường tiểu học
(TH) theo mô hình thư viện thân thiện đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với
tổ chức Room to Read tập huấn.
- Rà soát, đánh giá toàn bộ
sách, tài liệu hiện có tại thư viện; thanh lí và thay thế dần các sách, tài liệu
không còn phù hợp.
- Phát triển và nâng cao chất
lượng vốn tài liệu trong thư viện, lựa chọn, bổ sung những cuốn sách thiết thực,
phù hợp với tâm lí lứa tuổi, phù hợp với mục tiêu giáo dục: truyện danh nhân,
truyện lịch sử, truyện giáo dục đạo đức; sách có ngôn ngữ giàu cảm xúc, hình tượng
nhân vật đẹp và gần gũi đưa đến cho các em những bài học, những ấn tượng đẹp và
những giá trị cuộc sống, các loại sách mang đến những tri thức thiết thực về từng
vùng đất, con người, lịch sử và văn hóa, bổ sung sách tham khảo phong phú thuộc
nhiều lĩnh vực: khoa học, văn học, toán học...và sách song ngữ, sách ngoại ngữ.
Lựa chọn các tác phẩm có chất lượng của nước ngoài để giới thiệu, phổ biến tại
thư viện nhà trường. Đối với các huyện miền núi cần lựa chọn tài liệu, học liệu,
tranh ảnh, băng đĩa do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn và các tài liệu tham khảo
khác phù hợp, thân thiện với học sinh người dân tộc thiểu số bổ sung cho thư viện.
- Có kế hoạch tăng cường thời
gian các em đến đọc sách, sinh hoạt tại thư viện dưới hình thức cá nhân, nhóm
hoặc cả lớp; trong đó, định hướng mục tiêu, nội dung, phương pháp đọc và kiểm
tra đánh giá kết quả đọc một cách cụ thể.
2.1.1. Mô hình cụ thể của
phòng đọc học sinh tại thư viện trường TH
Đối với trường TH áp dụng theo
mô hình của tổ chức Room to Read, đã được kiểm chứng và công nhận của Bộ Giáo dục
và Đào tạo, Thư viện được triển khai dưới hình thức “Thư viện thân thiện”, với
3 yếu tố đảm bảo: phân loại sách truyện thiếu nhi theo trình độ học sinh, tổ chức
tiết đọc thư viện, trang thiết bị thư viện thân thiện với trẻ; 03 điểm thể hiện
sự thân thiện: cơ sở vật chất, thái độ, hệ thống và hoạt động. Cụ thể như sau:
- Phòng đọc đảm bảo có đủ chỗ
cho ít nhất 35 học sinh.
- Về cách bài trí, sắp xếp
trong phòng đọc học sinh của thư viện:
+ Tường phòng đọc được vẽ trang
trí: các bức tranh vẽ trên tường trích ra từ những câu chuyện quen thuộc với
các em học sinh TH: Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Cô bé Lọ Lem, Nàng tiên cá, Sự
tích cây vú sữa, Tấm Cám…
+ Có “ góc sáng tạo”, “góc trò
chơi phát triển ngôn ngữ”, “góc tra cứu”, “góc đọc”, “ Góc trưng bày sản phẩm của
em”, có bảng hướng dẫn tìm sách theo mã màu, nội quy thư viện, lịch hoạt động
thư viện, lịch tiết đọc thư viện, bảng giới thiệu sách…
+ Kệ sách: Để mở, sách được xếp
theo độ tuổi, theo mã màu trên kệ, vừa với chiều cao của học sinh.
+ Bàn thấp để các em có thể ngồi
thoải mái khi đọc sách (không nhất thiết phải có ghế ngồi).
+ Thảm trải sàn dày, nhiều màu
sắc.
+ Các loại thẻ đọc, xốp màu… để
vừa đọc vừa chơi được bố trí ở các góc thư viện.
- Về hoạt động trong phòng đọc
học sinh của thư viện:
+ Tiết đọc thư viện được các
giáo viên (do lãnh đạo trường phân công dựa vào điều kiện thực tế của nhà
trường) hoặc nhân viên thư viện tổ chức hàng tuần giúp các em đam mê đọc
sách, rèn kĩ năng đọc. Trong tiết đọc này, thầy cô giáo tổ chức nhiều trò chơi
với chủ đề về sách và từ ngữ.
+ Góc sáng tạo: Các em có thể
sáng tác nên những bức tranh, hoặc vẽ lại các bức tranh hay nhân vật trong truyện,
làm những tấm thiệp đẹp dành tặng bạn bè, thầy cô và bố mẹ nhân những ngày đặc
biệt…
+ Góc trò chơi ngôn ngữ: Các em
cùng chơi trò ghép chữ tiếng Việt, tiếng Anh để phát triển và làm phong phú vốn
từ ngữ.
- Danh mục sách: Danh mục của
Room to Read đề xuất, đã được phân loại theo trình độ học sinh TH hoặc các loại
sách phù hợp khác theo danh mục của Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Công tác tập huấn:
+ Tập huấn về thiết lập và quản
lý thư viện cho nhóm giảng viên cốt cán cấp tỉnh (do tổ chức Room to Read phối
hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn); nhóm giảng viên cốt cán cấp tỉnh tập
huấn lại cho các trường, lãnh đạo trường giới thiệu các nội dung đã được tập huấn
cho giáo viên và đại diện Hội cha mẹ học sinh của trường.
+ Tập huấn tiết đọc thư viện
cho nhóm giảng viên cốt cán cấp tỉnh (do tổ chức Room to Read phối hợp Bộ
Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn); nhóm giảng viên cốt cán cấp tỉnh tập huấn lại
cho các trường, lãnh đạo trường giới thiệu các nội dung đã được tập huấn cho
giáo viên và đại diện Hội cha mẹ học sinh.
2.1.2. Mô hình cụ thể đối với
trường trung học
Đối với trường trung học theo
mô hình do Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất với 03 yếu tố đảm bảo: tài liệu, sách
phong phú đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và học tập của học sinh; hệ thống máy vi
tính thư viện được cài các chương trình tra cứu tài liệu, học tập, giải trí và
xem thông tin từ Internet; có các không gian đọc tiện nghi, và 03 điểm thể hiện
sự văn minh: cơ sở vật chất, thái độ, hệ thống và hoạt động. Cụ thể như sau:
- Phòng đọc đảm bảo có đủ chỗ
cho ít nhất 45 học sinh.
- Về cách bài trí, sắp xếp
trong phòng đọc học sinh của thư viện:
+ Có các không gian chính:
không gian đọc chung: có diện tích lớn nhất, để phục vụ việc đọc sách theo cá
nhân, nhóm hoặc cho cả lớp; có không gian tự học, không gian bố trí hệ thống
máy tính thư viện: phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí trên các
chương trình, nội dung (do trường thiết lập) hoặc trên internet.
+ Mỗi khu vực đều được thiết kế,
bài trí cẩn thận, có thiết bị nội thất kiểu dáng khác nhau và màu sắc đẹp: ghế
ngồi đọc sách được đặt ở những vị trí nhiều ánh sáng tự nhiên, cạnh các giá
sách; các bức tường được vẽ trang trí hoặc dán giấy (có thể là những hình khối
vuông màu sắc khác nhau…); các kệ sách để mở, có kiểu dáng cong hoặc thẳng.
- Sách, tài liệu, hệ thống máy
vi tính: sách, báo, tạp chí tại thư viện các trường trung học (ngoài các loại
sách đã nêu trên) còn phải có các loại sách: sách tri thức khoa học, công
nghệ, xã hội, sách ngoại văn, sách song ngữ, tài liệu các chuyên đề bồi dưỡng học
sinh giỏi, luyện thi đại học, các sách hướng nghiệp, lựa chọn ngành nghề...
- Tổ chức hoạt động: xây dựng mối
quan hệ phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau giữa cán bộ, nhân viên, giáo viên và cha mẹ
học sinh trong quá trình xây dựng và phát triển hoạt động thư viện. Đề cao vai
trò và sự tham gia của cha mẹ học sinh trong việc tổ chức các chương trình của
thư viện, tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng để xây dựng thư viện. Hoạt động của
thư viện trường trung học không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tài liệu mà còn
đào tạo cho học sinh những kĩ năng cơ bản như: làm việc nhóm, nghiên cứu, giao
tiếp… rèn luyện cho học sinh tư duy độc lập và học tập một cách tự giác. Các
trường cần nghiên cứu nội dung, phương pháp phục vụ và hướng dẫn của thư viện để
hỗ trợ học sinh đạt được các kết quả tốt bao gồm giúp học sinh: hiểu, định vị
và lựa chọn được thông tin phù hợp, truy cập và sử dụng công nghệ thông tin và
truyền thông, sử dụng, trình bày và phản ánh thông tin, tiếp cận tới các nguồn
lực thông tin đa dạng và có chất lượng.
- Công tác tập huấn: đội ngũ
cán bộ, giáo viên cốt cán của tỉnh chuẩn bị nội dung và triển khai cho các đơn
vị trường học về thiết lập và quản lý thư viện; các trường giới thiệu các nội
dung đã được tập huấn cho giáo viên và đại diện Hội cha mẹ học sinh của trường.
2.1.3. Hình thức thư viện đối
với trường phổ thông có nhiều cấp học
Trường phổ thông có nhiều cấp học
xây dựng mô hình phòng đọc học sinh có không gian riêng cho học sinh tiểu học
và học sinh trung học hoặc bố trí 02 phòng đọc riêng dành cho mỗi cấp học theo
mô hình trên.
2.2. Xây
dựng “Thư viện lớp học” tại các trường TH và THCS
Mô hình “Thư viện lớp học”
chung cho các trường TH và THCS:
- Mục đích: mang đến cho các em
học sinh sự thuận tiện trong quá trình tiếp xúc với sách (đặc biệt các em ở các
điểm trường lẻ các huyện miền núi), có không gian đọc thoải mái, dần dần hình
thành thói quen và kĩ năng đọc, ngoài ra mô hình này tiết kiệm chi phí và tính
tiện lợi dành cho cả học sinh và giáo viên.
- Sắp xếp, bố trí “Thư viện lớp
học”: một vài góc nhỏ trong phòng học được thiết kế để đặt một hoặc vài kệ sách
nhỏ, trưng bày đẹp, với trên 200 quyển sách gồm nhiều thể loại, có thể tổ chức
theo chủ đề khác nhau (sách tra cứu, tham khảo: từ điển, sách bài tập, sách
khoa học…; sách truyện; sách giáo dục đạo đức, kĩ năng sống…) phù hợp với học
sinh từng cấp học.
- Tài liệu và kệ sách: được
hình thành bằng cách xã hội hóa, huy động tài trợ bởi cha mẹ học sinh hàng năm
(với trên 200 quyển sách gồm nhiều thể loại). Các “Thư viện lớp học” có thể
trao đổi, luân chuyển sách cho nhau để các lớp đều có nguồn sách phong phú, hấp
dẫn.
- Quản lí thư viện: học sinh quản
lí.
- Kết hợp với xây dựng “Thư viện
lớp học” các nhà trường phát động phong trào trang trí, sắp xếp lớp học thuận lợi
cho việc phát huy tính tích cực của học sinh (Tổ chức, quản lí lớp học theo Mô
hình trường học mới).
2.3. Tăng
cường các hình thức thư viện
Các trường mở rộng thêm các
hình thức thư viện: “Thư viện lưu động”, “Thư viện xanh”…nhằm tạo điều kiện về
không gian và thời gian đọc cho học sinh, tạo môi trường thuận lợi cho học sinh
tiếp cận thường xuyên với sách. Thư viện lưu động chuyển sách đến các điểm trường
xa của các trường TH, phục vụ sách cho “Thư viện lớp học”; đưa kệ sách đến sân
trường để phục vụ học sinh trong giờ ra chơi. “Thư viện xanh”: là mô hình thư
viện mang tính bền vững và thân thiện với môi trường, tiết kiệm tối đa nguồn
tài nguyên (nước, năng lượng điện…). Lựa chọn vị trí thuận lợi cho việc đi lại,
sinh hoạt và học tập của học sinh, tận dụng không gian thoáng mát, rộng rãi,
xây dựng những khu vực đọc sách yên tĩnh, thoải mái, gần gũi với thiên nhiên,
những kệ sách được đặt ngay dưới những tán cây xanh. Các em học sinh được đọc
sách, thảo luận trong một môi trường mới mẻ, trong lành và đẹp mắt.
3. Trang bị
kĩ năng và phương pháp đọc
3.1. Lồng ghép trang bị kĩ
năng và phương pháp đọc trong các giờ dạy chính khóa
Các trường phổ thông tăng cường
đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá
theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tạo sự ham thích tìm tòi
tư liệu phục vụ học tập trong học sinh; rèn luyện năng lực tự học, tự cập nhật
kiến thức, giúp các em trang bị kĩ năng và phương pháp đọc. Nâng cao chất lượng
học tập môn Ngữ văn (cấp TH là môn Tiếng Việt), bộ môn này có một
vị trí quan trọng trong giáo dục phổ thông. Thông qua hoạt động đọc, viết, nói
và nghe các kiểu loại văn bản, nhất là văn bản văn học, môn Ngữ văn giúp học
sinh phát triển văn hóa đọc tốt nhất.
3.2. Tổ chức tốt các hoạt động
- Giáo viên được phân công phối
hợp với nhân viên thư viện tổ chức tiết đọc thư viện tại phòng đọc hoặc tại lớp
học. Tiết đọc thư viện được tổ chức hàng tuần giúp các em đam mê đọc sách, rèn
kĩ năng đọc; trong tiết đọc này, thầy cô giáo tổ chức nhiều trò chơi với chủ đề
về sách và từ ngữ.
- Tổ chức các hoạt động nhằm
phát huy hiệu quả “Góc sáng tạo”, “Góc trò chơi ngôn ngữ”… theo mô hình đã triển
khai, giúp học sinh phát triển các kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng nghiên cứu,
kĩ năng giao tiếp… rèn luyện cho học sinh tư duy độc lập và học tập một cách tự
giác.
- Tổ chức tốt các hình thức thư
viện, giúp học sinh được đọc sách, thảo luận trong một môi trường thuận lợi,
thoải mái.
- Bố trí lịch đọc sách tại thư
viện phù hợp và tăng cường cho học sinh mượn sách về nhà, giáo dục học sinh có
cách ứng xử văn hóa với sách.
- Thường xuyên tổ chức các hoạt
động: giới thiệu sách; triển lãm sách; thi kể chuyện, vẽ tranh theo sách. Tổ chức
các buổi nói chuyện theo chủ đề, giao lưu giữa học sinh và các nhà thơ, nhà
văn, các diễn giả. Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Sách Việt Nam.
- Các trường có điều kiện tổ chức
cho học sinh tham quan các nhà sách; tham quan, trải nghiệm thực tế tại các di
tích lịch sử, văn hóa trong và ngoài tỉnh. Tích cực cho học sinh tham gia các sự
kiện liên quan đến phát triển văn hóa đọc.
- Tuyên dương, khen thưởng học
sinh tham gia tốt các hoạt động ngoại khóa, phong trào thi đua đọc sách của nhà
trường và địa phương.
- Tăng cường công tác phối hợp
giữa ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch với ngành Giáo dục nhằm nâng cao chất
lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện các trường phổ thông trên địa
bàn tỉnh; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, luân chuyển, phục vụ sách, báo của
các thư viện công cộng đến với thư viện nhà trường ở địa phương theo Chương
trình phối hợp công tác giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Giáo dục và
Đào tạo hằng năm.
4. Đẩy mạnh
xã hội hóa, thu hút nguồn lực trong và ngoài nước tham gia phát triển văn hóa đọc
cho học sinh phổ thông
- Bên cạnh việc tạo môi trường
đọc, tài liệu đọc và thời gian đọc hợp lí ở trường, các đơn vị liên quan cần đầu
tư, phát triển hơn nữa hệ thống thư viện cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; các
thôn/khối phố phát động phong trào xây dựng thư viện gia đình…để đáp ứng nhu cầu
đọc sách của người dân và học sinh trong ngày nghỉ, trong dịp hè.
- Nhà trường vận động cha mẹ học
sinh nêu gương trong việc đọc sách, tham gia vào các hoạt động ngoại khóa của
trường, tạo sự gắn kết nhằm thúc đẩy niềm yêu thích, say mê đọc sách của học
sinh.
- Phối hợp giữa ngành giáo dục
và các sở, ngành, đoàn thể các cấp tổ chức ngày hội đọc sách, hoạt động tôn
vinh văn hóa đọc, đưa sách đến phục vụ các em học sinh vùng xa với phương châm
“sách đi tìm người”…
- Xã hội hóa các nguồn lực, huy
động cha mẹ học sinh, các tập thể, cá nhân trên tinh thần tự nguyện tham gia
tích cực xây dựng thư viện trường học, trang trí lớp học với các phong trào:
“Nhiều người góp nhỏ để tạo ra hệ thống tủ sách lớn”, “Cựu học sinh góp sách
đưa về trường cũ”, “Phụ huynh góp sách cho con”, "Góp một cuốn sách nhỏ đọc
ngàn cuốn sách hay", “Giờ vàng tặng sách”, xây dựng phong trào thi đua
trang trí lớp học; các đơn vị có điều kiện thuận lợi tổ chức chia sẻ sách cho học
sinh vùng miền núi, khó khăn với phong trào “Xây dựng tủ sách vùng cao”.
- Phối hợp với tổ chức Room to
Read xây dựng thư viện thân thiện tại các trường TH trên địa bàn tỉnh.
5. Ứng dụng
công nghệ thông tin trong phát triển văn hóa đọc
- Tăng cường hệ thống vi tính
có kết nối mạng nhằm giúp học sinh khai thác thông tin nhanh chóng, thuận lợi,
phù hợp cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau, rút ngắn quá trình tìm kiếm, học
sinh được cung cấp thông tin một cách thuận tiện và đạt hiệu quả cao.
- Sử dụng phần mềm quản lí thư
viện để thực hiện tốt công tác quản lí, đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu và học
tập của học sinh.
6. Đào tạo,
bồi dưỡng cán bộ/nhân viên thư viện trường học
- Cán bộ/nhân viên thư viện trường
học được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, biết ứng dụng
công nghệ thông tin trong công tác quản lí, tổ chức các hoạt động thư viện.
- Có tinh thần trách nhiệm, tâm
huyết với nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc.
III. KINH
PHÍ
Năm 2021 kinh phí ngân sách hỗ
trợ cho 24 trường TH; 22 trường THCS; 5 trường THPT (10% các trường) các nội
dung sau:
- Kinh phí mua sắm trang bị thiết
bị phòng đọc thư viện.
- Kinh phí bổ sung tài liệu đảm
bảo phục vụ cho học sinh, giáo viên:
+ Đối với cấp TH, THCS: ít nhất
4 quyển/1 học sinh.
+ Đối với cấp THPT: ít nhất 5
quyển/1 học sinh.
1. Tổng kinh phí của 3 cấp học
thực hiện trong năm 2021 khoảng 5.227.848.000 đồng (năm tỉ, hai trăm hai
mươi bảy triệu, tám trăm bốn mươi tám nghìn đồng).
Cấp học
|
Số trường
|
Kinh phí trang thiết bị phòng đọc
|
Kinh phí bổ sung sách
|
TỔNG
|
Kinh phí/1 đơn vị
|
Tổng
|
Số lượng học sinh
|
Số lượng sách bổ sung
|
Đơn giá (1 quyển)
|
Tổng
|
Tiểu học
|
24
|
18.877.000
|
453.048.000
|
12045
|
48180
|
30.000
|
1.445.400.000
|
1.898.448.000
|
THCS
|
22
|
43.900.000
|
965.800.000
|
12265
|
49060
|
30.000
|
1.471.800.000
|
2.437.600.000
|
THPT
|
5
|
43.900.000
|
219.500.000
|
4482
|
22410
|
30.000
|
672.300.000
|
891.800.000
|
Tổng
|
51
|
|
1.638.348.000
|
28.792
|
119.650
|
30.000
|
3.589.500.000
|
5.227.848.000
|
(Danh sách cụ thể các trường
được hỗ trợ kinh phí năm 2021 xem Phụ lục Ia, Ib, Ic đính kèm).
2. Nguồn kinh phí thực hiện:
- Vốn ngân sách tỉnh:
1.244.030.400 đồng, trong đó:
+ Vốn sự nghiệp chi cho các trường
THPT: 713.440.000 đồng.
+ Vốn sự nghiệp hỗ trợ một phần
kinh phí cho 09 huyện miền núi thực hiện việc mua sắm thiết bị, tài liệu cho
các trường TH và THCS: 530.590.400 đồng.
- Vốn ngân sách huyện (vốn sự
nghiệp chi cho các trường TH và THCS): 2.938.248.000 đồng.
- Vốn xã hội hóa (bằng tiền hoặc
hiện vật, tương đương 20% tổng kinh phí): 1.045.569.600 đồng.
(Phụ lục II: dự toán kinh
phí trang thiết bị 01 phòng đọc và tổng hợp kinh phí năm 2021 đính kèm).
IV. Tổ chức
thực hiện
1. Sở
Giáo dục và Đào tạo
- Xây dựng danh mục sách, tài liệu
cần mua sắm đảm bảo thiết thực, đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện học sinh.
- Phối hợp với Sở Tài chính
trong việc cân đối ngân sách, giao dự toán cho các địa phương, đơn vị để thực
hiện Kế hoạch Phát triển văn hóa đọc cho học sinh các trường phổ thông trên địa
bàn tỉnh Quảng Nam năm 2021; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện của
từng địa phương.
- Dựa trên bố trí ngân sách sự
nghiệp năm 2021 của tỉnh để triển khai thực hiện tại các trường THPT.
- Hướng dẫn, chỉ đạo các trường
trung học phổ thông (THPT), phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), Phòng Giáo dục
và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện
phát triển văn hóa đọc cho học sinh tại đơn vị; có giải pháp tăng cường thu hút
các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách vào thực hiện hiệu quả chính sách.
- Cuối năm, tiến hành rà soát,
kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện Kế hoạch và báo cáo UBND tỉnh.
2. Sở Tài
chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục
và Đào tạo cân đối dự toán ngân sách tỉnh năm 2021 (chi sự nghiệp), đảm bảo
kinh phí thực hiện chính sách theo quy định về phân cấp ngân sách hiện hành.
3. Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch
- Phối hợp với Sở Giáo dục và
Đào tạo tổ chức các hoạt động luân chuyển sách; giới thiệu sách, báo, tạp chí
giáo dục; tổ chức các hội thi, tuyên truyền, kể chuyện theo sách cho học sinh
các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.
- Thực hiện các giải pháp để
nâng cao chất lượng hệ thống thư viện ngoài nhà trường trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức Giải thưởng phát triển
văn hóa đọc hằng năm.
- Phát động phong trào xây dựng
tủ sách gia đình.
4. Sở
Thông tin và Truyền thông
- Tuyên truyền, quảng bá phát
triển văn hóa đọc; chủ động lồng ghép với các chương trình, đề án khác liên
quan thuộc lĩnh vực quản lý được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Tổ chức hoạt động nhằm phát
triển văn hóa đọc trong cộng đồng; phổ biến, tuyên truyền mục tiêu của chính
sách hỗ trợ phát triển văn hóa đọc cho học sinh các trường phổ thông trên địa
bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025.
5. Hội
Văn học - Nghệ thuật tỉnh
- Giới thiệu tác phẩm mới, chất
lượng đến thư viện, học sinh của các trường phổ thông để tham khảo, nghiên cứu.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo
dục và Đào tạo mời các nhà thơ, nhà văn, các diễn giả trao đổi, giao lưu với
giáo viên, học sinh các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.
6. UBND
các huyện, thị xã, thành phố
- Ban hành Kế hoạch cụ thể và bố
trí ngân sách sự nghiệp năm 2021 triển khai thực hiện trên địa bàn, đảm bảo đạt
mục tiêu, chỉ tiêu đề ra; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra kế hoạch thực hiện ở từng
cơ sở giáo dục.
- Chủ động lồng ghép các nguồn
vốn để triển khai thực hiện; đồng thời, có giải pháp tăng cường thu hút các nguồn
lực đầu tư ngoài ngân sách vào thực hiện hiệu quả chính sách.
- Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào
tạo, các trường TH, THCS trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền trong cán bộ quản
lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh, tạo sự đồng thuận đối với việc xã hội hóa
phát triển văn hóa đọc trong nhà trường; tổ chức khen thưởng, tôn vinh học
sinh, những người tâm huyết và có đóng góp tích cực phát triển văn hóa đọc tại
địa phương. Tiến hành rà soát, kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm tiến độ thực
hiện Kế hoạch, kịp thời báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
Đề nghị các Sở, Ban, ngành,
UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch
này./.
Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- CPVP;
- Lưu: VT, KGVX (Hậu).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Văn Tân
|