BỘ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 330/KH-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày 13 tháng 05 năm 2015
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI ĐỀ
ÁN “HỖ TRỢ, PHÁT TRIỂN NHÓM TRẺ ĐỘC LẬP TƯ THỤC Ở KHU VỰC KHU CÔNG NGHIỆP, KHU
CHẾ XUẤT ĐẾN NĂM 2020” NGÀNH GIÁO DỤC
Căn cứ Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày
20 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Hỗ trợ, phát triển
nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020”;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP
ngày 19/3/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Thông tư 143/2014/TT-BTC ngày
30/9/2014 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết
toán kinh phí thực hiện Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở
khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020” từ nguồn ngân sách nhà nước;
Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch
triển khai Đề án Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục
ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Đề án)
cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH
1. Hướng dẫn sở giáo dục và đào tạo
các tỉnh/thành phố triển khai thực hiện đúng lộ trình, có hiệu quả mục tiêu của
Đề án;
2. Xác định vai trò, trách nhiệm của
ngành Giáo dục trong công tác tổ chức triển khai thực hiện Đề án;
3. Tăng cường công tác phối kết hợp
nhằm phát huy thế mạnh của các cơ quan/ tổ chức trong quá
trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đề án.
II. NỘI DUNG
1. Hỗ trợ, kiện toàn, phát triển nhóm
trẻ độc lập tư thục tại cộng đồng
- Rà soát các nhóm lớp độc lập tư thục trên địa bàn, khuyến khích, hỗ trợ các cá nhân, tổ
chức có điều kiện thành lập nhóm trẻ đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của
phụ huynh, đảm bảo an toàn cho trẻ.
- Hỗ trợ, giúp đỡ điều kiện về cơ sở
vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi; bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và người
chăm sóc trẻ để các nhóm trẻ độc lập tư thục hiện chưa được cấp giấy phép hoạt
động đảm bảo đủ các điều kiện để cấp phép.
2. Hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ
quản lý, giáo viên và người chăm sóc trẻ ở các nhóm trẻ độc lập tư thục và cha
mẹ trẻ tại khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất.
- Xây dựng tài liệu bồi dưỡng chuyên
môn, nghiệp vụ cho chủ nhóm trẻ và người chăm sóc trẻ tại các nhóm trẻ độc lập
tư thục.
- Xây dựng tài liệu hướng dẫn chăm
sóc, giáo dục trẻ tại gia đình
- Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về
chăm sóc, giáo dục trẻ cho chủ nhóm trẻ và người chăm sóc trẻ tại các nhóm trẻ
độc lập tư thục.
3. Truyền thông, vận động, giáo dục
nâng cao nhận thức cho cộng đồng về kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ; phát huy
vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, đoàn thể và các ban ngành liên
quan trong công tác quản lý nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục trên địa bàn.
- Xây dựng tài liệu truyền thông về tầm
quan trọng của gia đình và cộng đồng trong chăm sóc và phát triển trẻ thơ.
- Xây dựng tài liệu tuyên truyền về
kiến thức chăm sóc, giáo dục và đảm bảo an toàn cho trẻ.
4. Tăng cường các hoạt động phối hợp
giữa ngành Giáo dục và các ban ngành, đoàn thể ở địa
phương trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động của các nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục.
5. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính
sách nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục tại nhóm trẻ độc lập tư thục.
III. THỜI GIAN, ĐỊA BÀN TRIỂN
KHAI ĐỀ ÁN
1. Giai đoạn I (từ năm 2014 đến năm
2017)
- Thí điểm hỗ trợ, phát triển ít nhất
200 nhóm trẻ tại 10 tỉnh/thành phố có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, gồm:
Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Thành phố
Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Cần Thơ.
- Các tỉnh còn lại triển khai thực hiện
Đề án theo Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng
Chính phủ dựa trên cơ sở nhu cầu và tình hình thực tế của địa phương.
2. Giai đoạn II (từ năm 2017 đến năm
2020)
- Tiếp tục duy trì hoạt động của Đề
án tại 10 tỉnh/thành phố đã triển khai thí điểm giai đoạn
I, đồng thời triển khai Đề án tại 10 tỉnh/ thành phố khác (các tỉnh cụ thể
sẽ được Ban Điều hành Đề án Trung ương thông báo vào cuối giai đoạn
I).
- Hỗ trợ, phát triển ít nhất 300 nhóm
trẻ độc lập tư thục tại 20 tỉnh (gồm 10 tỉnh/ thành phố giai đoạn I và 10 tỉnh/thành
phố triển khai giai đoạn II).
IV. KINH PHÍ
Nguồn kinh phí thực hiện Đề án bao gồm:
1. Ngân sách Nhà nước: theo phân cấp
quản lý ngân sách nhà nước hiện hành quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước (Theo
Thông tư 143/2014/TT-BTC ngày 30/9/2014 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự
toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện Đề án “Hỗ trợ, phát triển
nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020”)
2. Nguồn hỗ trợ hợp pháp của các
doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Vụ Giáo dục Mầm non
- Chủ trì xây dựng kế hoạch triển
khai Đề án của ngành Giáo dục
- Chủ trì tổ chức xây dựng tài liệu bồi
dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho chủ nhóm trẻ và người chăm sóc trẻ tại các nhóm
trẻ độc lập tư thục và tài liệu hướng dẫn chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình.
- Chủ trì tổ chức Hội thảo tham vấn
xây dựng cơ chế, chính sách nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục tại nhóm trẻ
độc lập tư thục.
- Phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp
Phụ nữ Việt Nam và các ban ngành liên quan trong quá trình chỉ đạo, kiểm tra,
giám sát việc triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án.
2. Các đơn vị liên quan
- Vụ Kế hoạch Tài chính bố trí kinh
phí thực hiện Đề án.
- Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở
giáo dục phối hợp với Vụ Giáo dục Mầm non chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo bồi
dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về chăm sóc, giáo dục trẻ cho chủ nhóm trẻ và người
chăm sóc trẻ tại các nhóm trẻ độc lập tư thục.
- Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường
học đồ chơi trẻ em phối hợp với Vụ Giáo dục Mầm non hướng dẫn điều kiện về cơ sở
vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi để các nhóm trẻ độc lập tư thục đảm bảo đủ các điều kiện để được cấp phép
hoạt động.
3. Sở Giáo dục các tỉnh/thành phố
- Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh/thành
phố xây dựng lộ trình triển khai thực hiện Đề án năm 2015 và giai đoạn
2016-2020.
- Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh/thành
phố và các ban ngành đoàn thể lựa chọn địa bàn triển khai thí điểm phù hợp, là
nơi tập trung nhiều lao động nữ làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất,
có nhu cầu cao về việc gửi trẻ ra nhóm, lớp mầm non, đặc biệt trẻ dưới 36 tháng
tuổi.
- Chủ động xây dựng danh mục cơ sở vật
chất, thiết bị hỗ trợ kiện toàn các nhóm trẻ thí điểm nhằm đảm bảo các điều kiện
theo quy định.
- Tăng cường các hoạt động chỉ đạo,
kiểm tra, giám sát, hoạt động của các nhóm, lớp độc lập tư
thục.
- Chỉ đạo các phòng GD&ĐT phối hợp
rà soát các nhóm, lớp độc lập tư thục trên địa bàn; đối với các nhóm lớp chưa
được cấp phép cần hướng dẫn chủ nhóm lớp đăng ký cấp phép hoạt động; đối với cá
nhân, tổ chức có nhu cầu thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo mới, tư vấn, hướng dẫn
hoàn thiện các điều kiện thành lập nhóm, lớp mẫu giáo độc lập tư thục theo quy
định.
- Tăng cường công tác tuyên truyền,
nâng cao nhận thức về kiến thức chăm sóc, giáo dục và đảm bảo an toàn cho trẻ
giáo dục tại cộng đồng.
Trên đây là kế hoạch triển khai thực
hiện Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập, tư thục ở khu công nghiệp, khu
chế xuất đến năm 2020” của ngành Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các sở
giáo dục và đào tạo căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của đơn vị và tình hình thực
tế địa phương để tham mưu, chỉ đạo việc triển khai thực hiện
Đề án phù hợp, hiệu quả.
Trong quá trình triển khai thực hiện
Đề án, có khó khăn, vướng mắc báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Giáo dục
Mầm non) để được hướng dẫn, giải quyết.
Nơi nhận:
- Sở GD&ĐT các tỉnh/TP: để t/h;
- Bộ trưởng: (để báo cáo);
- TW Hội LHPNVN: (để p/h);
- Các Vụ, Cục: Vụ KHTC, Cục
NG&CBQLCSGD, Cục CSVC&TBĐCTE: (để p/h);
- Lưu: VT, GDMN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Nghĩa
|