ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 163/KH-UBND
|
An Giang, ngày 25
tháng 3 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
GIAI ĐOẠN II THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TĂNG
CƯỜNG CHUẨN BỊ TIẾNG VIỆT CHO TRẺ EM MẦM NON VÀ HỌC SINH TIỂU HỌC VÙNG DÂN TỘC
THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2016-2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2025” TRÊN CƠ SỞ TIẾNG MẸ ĐẺ CỦA
TRẺ
Thực hiện Quyết định số
5006/QĐ-BGDĐT , ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Quyết
định Ban hành Kế hoạch giai đoạn 2 thực hiện Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng
Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn
2016-2020, định hướng đến 2025” trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ, Ủy ban nhân dân
(UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch giai đoạn II triển khai thực hiện Đề án với những
nội dung, cụ thể như sau:
A. ĐÁNH GIÁ
THỰC TRẠNG VỀ TĂNG CƯỜNG TIẾNG VIỆT CHO TRẺ MẦM NON VÀ TIỂU HỌC VÙNG DÂN TỘC
THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2016-2020
Căn cứ Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 02 tháng
6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường tiếng Việt (TCTV)
cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn
2016-2020, định hướng đến năm 2025; Công văn số 1099/BGDĐT-GDMN , ngày 21 tháng
3 năm 2017 của Bộ GDĐT về việc TCTV cho trẻ em DTTS trong các cơ sở giáo dục mầm
non (GDMN) và Kế hoạch số 263/KH-BGDĐT ngày 27 tháng 4 năm 2020 của Bộ GDĐT về
việc tổng kết giai đoạn I và triển khai hoạt động giai đoạn II của Đề án; Công
văn số 1949/BGDĐT- GDTH, ngày 13/5/2021 của Bộ GDĐT về việc triển khai thực hiện
các hoạt động và giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân
tộc thiểu số;
Căn cứ Kế hoạch 678/ KH-UBND ngày 15/11/2021 của
Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia
phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn
2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 tỉnh An Giang,
Mặc dù, tỉnh An Giang không có trong giai đoạn
I của Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt Đề án TCTV cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn
2016-2020, định hướng đến năm 2025 nhưng toàn tỉnh có 3 huyện Tri Tôn, Tịnh
Biên và Thoại Sơn có đông học sinh DTTS. Do đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GDĐT
ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai công tác TCTV cho trẻ vùng DTTS cấp
học mầm non và tiểu học, cụ thể:
- Công văn số 536/SGDĐT-GDMN, ngày 17 tháng 4
năm 2017 về việc TCTV cho trẻ em DTTS trong các cơ sở GDMN và tổ chức triển
khai thực hiện tại 03 huyện Tri Tôn; Tịnh Biên; Thoại Sơn có tỷ lệ trẻ dân tộc
thiểu số cao (chủ yếu là Dân tộc Khmer).
- Công văn số 130/SGDĐT-GDMN ngày 29 tháng 01
năm 2019 nâng cao chất lượng “TCTV cho trẻ em DTTS trong các cơ sở giáo dục mầm
non”.
- Kế hoạch số 1924/KH-SGDĐT, ngày 23 tháng 7
năm 2020 của Sở GDĐT về việc tập huấn bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý
(CBQL) và giáo viên mầm non (GVMN) năm học 2020-2021 trong đó có nội dung “Bồi
dưỡng lập kế hoạch giáo dục đối với lớp mẫu giáo ghép và tổ chức các hoạt động
TCTV cho trẻ vùng DTTS”.
- Các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học đối với
cấp tiểu học (từ năm học 2018-2019 đến năm học 2020-2021) của Sở GDĐT đều có
nêu rõ nhiệm vụ “TCTV cho trẻ em DTTS trong các cơ sở giáo dục tiểu học” (Công
văn số 28/HD-SGDĐT ngày 28/8/2018, Công văn số 23/HD-SGDĐT ngày 26/8/2019, Công
văn số 2370/HD-SGDĐT ngày 09/9/2020)
- Hằng năm, Sở GDĐT đều có ban hành văn bản hướng
dẫn về việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục dân tộc, trong đó yêu cầu các cơ sở
giáo dục tiểu học đặc biệt quan tâm “TCTV cho trẻ em vùng DTTS” (Công văn số
29/HD-SGDĐT ngày 06/9/2018, Công văn số 1609/SGDĐT-GDTrH.GDTX ngày 12/9/2019,
Công văn số 2668/SGD ĐT-GDTH.GDTX ngày 07/10/2020, Công văn số 2780/SGDĐT-GDTrH.GDTX
ngày 28/9/2021).
- Kế hoạch số 3245 /KH-SGDĐT ngày
05/11/2021của Sở GDĐT về việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đối với đồng
bào dân tộc thiểu số lĩnh vực GDĐT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm
2030.
1. Một số kết
quả đạt công tác TCTV cho trẻ vùng DTTS cấp học mầm non và tiểu học giai đoạn
2016-2020
1.1. Qui mô trường, lớp; học sinh
Qui mô trường, lớp, học sinh: Mạng lưới trường
lớp mầm non,
tiểu học được
mở rộng và phân bố đến hầu hết các địa bàn dân cư trong tỉnh, đáp ứng phần lớn
nhu cầu về chăm sóc, giáo dục trẻ trong độ tuổi.
- Cấp học mầm non: Tính đến thời điểm
tháng 12/2021.
Toàn tỉnh có 198 đơn vị trường mầm non, mẫu
giáo, nhà trẻ (trong đó 179 trường công lập, 18 trường tư thục), ngoài
ra có 307 nhóm, lớp mẫu giáo độc lập, tư thục. TCTV cho trẻ vùng DTTS được triển
khai tại 03 huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và Thoại Sơn, có tỷ lệ trẻ dân tộc chiếm
đa số, gồm 40/179
trường mầm non, mẫu giáo công lập, chiếm tỷ lệ 22,2% với 188 lớp mẫu giáo tổ chức
các hoạt động TCTV.
Tỷ lệ huy động trẻ đến trường tăng hàng
năm: Nhà trẻ ra lớp 5,50%, mẫu giáo từ 3-5 tuổi 72,5%, riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi
ra lớp đạt tỷ lệ cao từ 98,5% đến 99,8%. Riêng tỷ lệ trẻ dân tộc huy động ra lớp
so với kế hoạch tại 03 huyện (Tịnh biên 32,8%; Tri Tôn 36,9% và Thoại Sơn
3,6%) với tổng số trẻ là 3.822/3.822 trẻ DTTS được TCTV, đạt tỷ lệ 100%. Tỷ
lệ trẻ dân tộc ra lớp ngày càng cao, đặc biệt đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi năm
2016 có 47% trẻ dân tộc đến trường, đến 2020 tăng 52,4%. Tỷ lệ trẻ dân tộc hoàn
thành chương trình mẫu giáo 5 tuổi hàng năm đều đạt trên 99%.
- Cấp học tiểu học:
Toàn tỉnh có 312 trường (trong đó có 3 trường
TH-THCS và 3 trường TH-THCS-THPT). TCTV cho trẻ vùng DTTS được triển khai tại
02 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, có tỷ lệ trẻ dân tộc chiếm đa số, (Tịnh biên
34,33%; Tri Tôn 38,77%) với tổng số là 537 lớp, 9.064 HS DTTS được TCTV. Tỷ
lệ huy động HS đạt trên 95% trở lên.
1.2. Phát triển đội ngũ giáo viên
- Cấp học mầm
non:
+ Tỷ
lệ giáo viên tăng hàng năm về số lượng và phát
triển về chất lượng, toàn tỉnh có 2,526 giáo
viên, trong đó có 97,5% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, còn 3,5%
giáo viên chưa đạt chuẩn theo Luật giáo dục 2019 (riêng tỷ lệ giáo viên tại
03 huyện thực hiện TCTV chưa đạt chuẩn là 27/623 giáo viên, tỷ lệ 4,3%). Giáo
viên đảm bảo thực hiện Chương trình GDMN, được bố trí (nhóm,
lớp bán trú 2.0; lớp 2 buổi/ngày 1,56 và lớp
1 buổi/ngày là 1.0 giáo
viên/lớp). Tổng số giáo viên dạy trẻ dân tộc tại
03 huyện là 194 người, trong đó 39 giáo viên người dân tộc khmer và 47 giáo
viên giáo viên người Kinh biết tiếng dân tộc.
+ Về
công tác nâng cao chất lượng đội ngũ: Hàng năm, Sở GDĐT đều tổ chức tập huấn, bồi
dưỡng nâng cao năng lực cho CBQL, GVMN dạy trẻ em người DTTS về công tác quản
lý, phương pháp, kỹ năng tổ chức các hoạt động giáo dục để TCTV phù hợp với đối
tượng trẻ vùng DTTS và hướng dẫn thực hiện chương trình đối với các lớp mẫu
giáo ghép. Năm học 2020-2021 tổ chức 03 lớp tập huấn tại huyện Tịnh biên, mỗi lớp
70 đại biểu tham dự, đều được trang bị đầy đủ các tài liệu, tham dự các hoạt động
thực hành tại nhóm, lớp với tổng kinh phí hơn 54 triệu đồng. Tất
cả GVMN đều được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách theo qui định về tiền
lương; phụ cấp chức vụ; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; chế độ làm việc của
GVMN.
- Cấp học tiểu học:
Toàn tỉnh
có 8.598 giáo viên. Đội ngũ đảm bảo về số lượng và đạt chuẩn theo quy định đạt
tỉ lệ 98%. Đối với vùng có học sinh dân tộc nhà trường bố trí giáo viên biết 2
thứ tiếng để dạy. Tổng số giáo viên dạy học sinh tiểu học dân tộc tại 02 huyện
là 715 người, trong đó 250 giáo viên người dân tộc khmer và 465 giáo viên người
Kinh biết tiếng dân tộc.
Thường
xuyên dự giờ, thăm lớp, trao đổi chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng dạy-học. Đặc
biệt là các trường có đông học sinh DTTS. Sinh hoạt chuyên môn hàng tháng có tổ
chức dạy chuyên đề, thao giảng và giao lưu học tập kinh nghiệm giữa các trường
với nhau để trao đổi chuyên môn.
1.3. Tình hình thực hiện TCTV cho trẻ mầm non,
tiểu học vùng dân tộc thiểu số
- Cấp học mầm non: Theo chỉ đạo Bộ GDĐT, tỉnh
đã tăng cường thời lượng chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ DTTS thông qua tất cả các
hoạt động 01 ngày của trẻ tại trường mầm non, giáo viên thường xuyên
giao tiếp với trẻ bằng tiếng Việt:
+ 100% lớp có trẻ DTTS được xây dựng môi trường
phù hợp với nội dung giáo dục của từng độ tuổi, từng chủ đề phục vụ cho việc thực
hiện các mục tiêu, nội dung giáo dục nói chung và nội dung dạy TCTV nói riêng của
các lớp.
+ 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi DTTS được chuẩn
bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1, trẻ đã tự tin hơn trong quá trình giao tiếp
bằng tiếng Việt, trẻ có khả năng nghe, nói, sử dụng được các từ, câu phù hợp
trong sinh hoạt hằng ngày, các cháu mẫu giáo 5 tuổi đều nhận dạng, phát âm được
29 chữ cái, biết viết sao chép một số ký hiệu, chữ cái, tên của mình bằng tiếng
Việt.
- Cấp học Tiểu học: Trong những năm qua, ngành
Giáo dục đã có nhiều giải pháp nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về
công tác TCTV cho học sinh dân tộc thiểu số, góp phần cải thiện chất lượng học
tập của các em.
Qua việc chỉ đạo thực hiện dạy học tăng cường
tiếng Việt ở các trường có học sinh dân tộc Khmer đạt được kết quả như sau:
+ Tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học
tăng dần, số lượng học sinh chưa hoàn thành có giảm. Chất lượng học tập môn Tiếng
Việt của học sinh được nâng lên rõ rệt. Thể hiện rõ qua các tiết dự giờ, kết quả
kiểm tra đánh giá định kỳ cuối năm học trong giai đoạn đến năm học 2020- 2021.
* Chất lượng môn Tiếng Việt
Năm học
|
TS HSDT
|
Hoàn
thành tốt
|
Hoàn
thành
|
Chưa
hoàn thành
|
SL
|
TL%
|
SL
|
TL%
|
SL
|
TL%
|
2015- 2016
|
8.300
|
|
|
8.031
|
96.76
|
269
|
3.24
|
2016- 2017
|
8.430
|
2.976
|
35.3
|
5.147
|
61.06
|
307
|
3.64
|
2017- 2018
|
8.519
|
3.038
|
35.66
|
5.204
|
61.09
|
277
|
3.25
|
2018- 2019
|
8.818
|
3.045
|
34.53
|
5.509
|
62.47
|
264
|
2.99
|
2019-2020
|
9.051
|
2.639
|
29.16
|
6.113
|
67.54
|
299
|
3.3
|
2020-2021
|
9.064
|
2.454
|
27.07
|
6.311
|
69.63
|
299
|
3.3
|
*
Chất lượng giáo dục cuối năm
Năm học
|
TS HSDT
|
Hoàn
thành CT lớp học
|
Chưa HT
CT lớp học
|
HTCTTH
|
Chưa
HTCTTH
|
SL
|
TL%
|
SL
|
TL%
|
SL
|
TL%
|
SL
|
TL%
|
2015-
2016
|
8.300
|
8.004
|
96.43
|
296
|
3.57
|
1.412
|
17.01
|
28
|
0.34
|
2016-
2017
|
8.430
|
8.136
|
96.51
|
294
|
3.49
|
1.492
|
17.7
|
23
|
0.27
|
2017-
2018
|
8.519
|
8.275
|
97.14
|
244
|
2.86
|
1.483
|
17.41
|
12
|
0.14
|
2018-
2019
|
8.818
|
8.468
|
96.03
|
348
|
3.95
|
1.466
|
16.63
|
11
|
0.12
|
2019-2020
|
9.051
|
8.708
|
96.21
|
343
|
3.79
|
1.636
|
18.08
|
5
|
0.06
|
2020-2021
|
9.064
|
8.745
|
96.48
|
319
|
3.52
|
1.705
|
18.81
|
17
|
0.19
|
+ Giờ dạy Tiếng Việt của giáo viên cũng gần gũi,
sinh động và hấp dẫn hơn với học sinh, một số giáo viên chủ nhiệm là người địa
phương vừa đóng vai trò là một giáo viên chủ nhiệm lớp lại vừa là một trợ giảng
đắc lực giúp các em tiếp nhận kiến thức mới nhẹ nhàng hơn, có sự kết hợp với việc
sử tiếng mẹ đẻ của các em để hỗ trợ việc tăng cường hoạt động dạy học Tiếng Việt,
làm đồ dùng dạy học và sử dụng đồ dùng tự làm, các loại đồ dùng có sẵn ở địa
phương để tạo hứng thú trong học tập của học sinh, đã giúp học sinh nhận thấy học
tiếng Việt là có ích và thực sự cần thiết, tạo sự hứng thú trong học tập, tạo
môi trường thân thiện, các em tham gia càng nhiều vào hoạt động học tập.
+ Hầu hết, các em đều có khả năng nắm bắt ngôn
ngữ tiếng Việt, thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Việt, mạnh dạn, tự tin, có kiến
thức cơ bản để học tập các môn học khác, các em có khả năng nói, nghe hiểu để
giao tiếp trong sinh hoạt và đáp ứng yêu cầu học tập.
+ Giáo viên chủ nhiệm các lớp có quan tâm và
chú ý nhiều đến từng đối tượng học sinh dân tộc trong lớp như cuộc sống, môi trường
học tập, luôn tạo điều kiện để các em phát huy năng lực sở trường học tập của
mình.
2. Thuận lợi, khó khăn
vướng mắc và nguyên nhân
2.1. Thuận lợi:
- Đội ngũ giáo viên ổn định, đảm bảo về phẩm chất
chính trị, về số lượng; có nhận thức đúng đắn về chủ trương, đường lối của Đảng
chính sách pháp luật của nhà nước về công tác Giáo dục; Đa số nhiệt tình, năng
động, bám lớp, bám trường, có tinh thần trách nhiệm cao.
- Số học sinh trên lớp ở các trường vùng DTTS với
quy mô nhỏ, vì thế việc giáo viên quan tâm tới từng học sinh có rất nhiều thuận
lợi.
2.2. Khó khăn:
- Điều kiện về cơ
sở vật chất tuy có được quan tâm, tuy nhiên vẫn chỉ đáp ứng mức tối thiểu để thực
hiện chương trình GDMN. Công tác xã hội hóa huy động nguồn lực từ PHHS, cộng đồng
chưa hiệu quả do các huyện đều thuộc vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Đời sống vật
chất, tinh thần của đồng bào DTTS còn nhiều thiếu thốn, trình độ dân trí còn thấp
vì vậy chưa nhận thức đúng về sự cần thiết của công tác TCTV nhằm chuẩn bị tốt
tâm thế cho trẻ khi bước vào Tiểu học.
- Phần lớn trẻ mầm
non trước khi đến trường, giao tiếp hàng ngày chủ yếu bằng tiếng mẹ đẻ, vốn tiếng
Việt rất ít vì vậy trẻ không đủ tự tin, nhút nhát, rụt rè, ngại giao tiếp… khi
tham gia các hoạt động cùng các bạn trong lớp. Bên cạnh đó, các em chỉ nói tiếng
Việt khi ở trường, khi về với gia đình các em lại sống trong gia đình thuần tiếng
dân tộc dẫn đến tình trạng không thuần nhất, đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc
hình thành và phát triển kĩ năng sử dụng Tiếng Việt của trẻ gặp nhiều khó khăn.
- Học sinh DTTS khả năng đọc và viết còn hạn chế
về tiếng Việt cụ thể khi đọc và nói hoặc giao tiếp đa số học sinh đều nói - viết
chưa thật thành thạo, đặc biệt là học sinh lớp một do mới tiếp xúc với tiếng Việt
do vậy giáo viên phải hỗ trợ ngôn ngữ mẹ đẻ cho học sinh.
- Học sinh lớp 1 vùng dân tộc tuy đã học qua
chương trình mẫu giáo nhưng việc nói và hiểu tiếng Việt để giao tiếp trong sinh
hoạt và học tập còn chậm, chưa mạnh dạn giao tiếp bằng tiếng Việt với các bạn
cùng dân tộc trong trường và ở gia đình mà chỉ giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ.
- Về năng lực sử dụng tiếng Việt của học sinh
dân tộc thiểu số từ lớp 1 đến lớp 5 của các trường tiểu học vẫn còn hạn chế nhất
định, nhất là khả năng nói tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt trong học tập cũng
như giao tiếp. Trong học tập, cũng như trong sinh hoạt, đa số học sinh dân tộc
thiểu số ở lớp 1, 2 hạn chế khả năng giao tiếp, chưa chủ động, tích cực tham
gia dẫn đến chưa đáp ứng nhu cầu học tập.
B.
KẾ HOẠCH GIAI ĐOẠN II TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN (Giai đoạn 2021-2025)
I.
MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Tăng cường
chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn
2016-2020, định hướng đến 2025 trên cơ sở tiếng mẹ đẻ, nhằm bảo đảm kỹ năng cơ
bản trong việc sử dụng tiếng Việt để giúp trẻ hoàn thành chương trình GDMN và
GDTH; tạo tiền đề để học sinh lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo, góp
phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững các DTTS, đóng góp
vào sự tiến bộ, phát triển xã hội của tỉnh và đất nước.
2. Yêu cầu
- Đến năm
2025, có 50% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo được huy động ra lớp,
100% trẻ em trong các cơ sở GDMN và GDTH được tập trung TCTV phù hợp độ tuổi.
- 100% giáo
viên cấp tiểu học và mầm non vùng DTTS đạt chuẩn theo qui định, 100% được bồi
dưỡng các kỹ năng về công tác quản lý; phương pháp, kỹ năng tổ chức các hoạt động
TCTV và tiếng dân tộc phục vụ công tác.
- Bổ sung đủ
cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học, đồ dùng, đồ chơi, học liệu… phục
vụ cho giáo viên và học sinh thực hiện việc TCTV phù hợp cho tất cả các nhóm, lớp;
điểm trường mầm non, tiểu học tại các xã khó khăn có trẻ em dân tộc. Tổ chức
biên soạn, lựa chọn tài liệu, học liệu… phù hợp với địa phương trên cơ sở tài
liệu hướng dẫn của Bộ GDĐT.
- Mở rộng
mô hình TCTV hiệu quả, xác định được khung chương trình, thời lượng được tăng
cường, xây dựng tiêu chí và yêu cầu cần đạt hợp lý và đánh giá được.
II.
NỘI DUNG, LỘ TRÌNH THỰC HIỆN
1. Giai
đoạn 2021-2023
* Chỉ tiêu
- Huy
động 5% trẻ độ tuổi nhà trẻ và phấn đấu có 35% trẻ em độ tuổi mẫu giáo người
DTTS được huy động ra lớp; 100% trẻ em trong các cơ sở GDMN được tập trung TCTV
phù hợp độ tuổi; 95% học sinh tiểu học người DTTS được tập trung TCTV.
- 95% GVMN
và GVTH dạy trẻ vùng DTTS đạt chuẩn theo qui định; 80% GVMN và 90% GVTH dạy trẻ
vùng DTTS được bồi dưỡng kỹ năng công tác quản lý; phương pháp, kỹ năng tổ chức
các hoạt động TCTV và tiếng dân tộc phục vụ công tác.
* Nhiệm
vụ
- Phấn
đấu huy động trẻ nhà trẻ vùng DTTS ra lớp; tăng tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo
vùng DTTS đến lớp từ 35-40% và 95% HS TH; đảm bảo các điều kiện để ít nhất 80%
số trẻ mẫu giáo và HS TH vùng DTTS được học 02 buổi/ngày, trong đó trẻ 5 tuổi đạt
100%.
- Phòng
giáo dục và đào tạo cấp huyện chỉ đạo các trường tiểu học xây dựng kế hoạch,
chuẩn bị các điều kiện để mở lớp trong hè: “Chuẩn bị tiếng Việt cho học sinh
trước tuổi vào lớp 1.
- Đối với những
điểm trường, trường tiểu học có đa số học sinh là người DTTS cần thực hiện dạy
phần “Chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp 1” theo Chương trình 60 bài
trong tài liệu “Chuẩn bị Tiếng Việt” cho trẻ em trước tuổi đến trường. Tùy thuộc
vào tình hình của từng địa phương bố trí người dạy một cách linh hoạt và hợp
lí.
- Những trường
không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để dạy 02 buổi/ngày, tổ chức phụ đạo cho học
sinh chưa hoàn thành môn Tiếng Việt được thực hiện bằng cách tăng tiết vào các
buổi dạy ít tiết hoặc dạy tăng buổi.
- Nhà trường
phối hợp với gia đình, cộng đồng trong việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh
DTTS.
- Tổ
chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa và
sự cần thiết của việc TCTV cho trẻ dân tộc thiểu số đến phụ huynh học sinh và cộng
đồng.
- Rà soát
các điều kiện về phòng học, trang thiết bị từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất
trường, lớp trong các cơ sở GDMN, GDTH đặc biệt tại các điểm lẻ, các xã khó
khăn có trẻ em người dân tộc thiểu số để nâng cao chất lượng giáo dục địa
phương, phục vụ việc TCTV.
- Bồi dưỡng
tiếng dân tộc cho giáo viên dạy trẻ em người DTTS. Tăng cường bồi dưỡng tiếng
Việt cho cha, mẹ trẻ em là người dân tộc thiểu số. Nghiên cứu xác định yêu cầu,
khung chương trình, biên soạn tài liệu nguồn từ tài liệu hướng dẫn của Bộ GDĐT.
Tham dự tập huấn và tập huấn lại cho cán bộ quản lý, giáo viên dạy trẻ em người
dân tộc thiểu số, cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ. Hướng dẫn giáo viên khai thác,
sử dụng tài liệu biên soạn.
- Xây dựng
mô hình thí điểm TCTV cấp học mầm non, tiểu học. Chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu
quả việc dạy học lồng ghép, tích hợp TCTV cho cấp học mầm non tại các huyện có
đông trẻ em người dân tộc thiểu số. Hướng dẫn xây dựng môi trường tiếng Việt
trong các cơ sở GDMN, GDTH có trẻ em người dân tộc thiểu số.
- Rút kinh
nghiệm, điều chỉnh, hoàn thiện các mô hình TCTV cấp học mầm non, tiểu học hiệu
quả, phù hợp để triển khai nhân rộng. Tổ chức sơ kết giai đoạn I “Tăng cường
chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn
2016-2020, định hướng đến 2025”.
2. Giai đoạn
2023-2025
* Chỉ tiêu
- Huy động
10% trẻ độ tuổi nhà trẻ và phấn đấu tăng 50% trẻ em độ tuổi mẫu giáo người DTTS
được huy động ra lớp; 100% trẻ em trong các cơ sở GDMN và GDTH được tập trung
TCTV phù hợp theo độ tuổi.
- 100% Giáo
viên mầm non, tiểu học dạy trẻ vùng DTTS đạt chuẩn theo qui định; 100% giáo viên
cấp mầm non, tiểu học vùng DTTS được bồi dưỡng kỹ năng công tác quản lý; phương
pháp, kỹ năng tổ chức các hoạt động TCTV và được bồi dưỡng tiếng dân tộc phục vụ
công tác.
* Nhiệm vụ
- Nâng tỷ lệ
huy động trẻ nhà trẻ, mẫu giáo vùng DTTS đến lớp từ 40%-50%, đảm bảo các điều
kiện để ít nhất 90% số trẻ mẫu giáo được học 2 buổi/ngày, trong đó trẻ 5 tuổi
và HS TH đạt 100%.
- Thực
hiện tốt các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tăng cường Tiếng Việt cho học
sinh tiểu học người dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nói
chung và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông vùng DTTS nói riêng. Việc triển
khai thực hiện tăng cường Tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng DTTS phải đảm bảo
hiệu quả, thiết thực, huy động được các nguồn lực cùng tham gia.
- Thực hiện theo yêu cầu chương trình bổ sung
cho tăng cường tiếng Việt.
- Cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên, gia đình
và cộng đồng đã nắm vững yêu cầu việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh và cộng
đồng.
- Chất lượng thực hiện đúng theo yêu cầu chuẩn.
- Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kế
hoạch TCTV cho trẻ DTTS đến phụ huynh học sinh và cộng đồng. Triển khai nhân rộng
mô hình TCTV trong các cơ sở GDMN và GDTH.
- Tiếp tục rà soát, bổ sung thay thế trang thiết
bị hết niên hạn sử dụng, hỏng không thể khắc phục được; lựa chọn, triển khai một
số trang thiết bị đồ dùng đặc thù theo hướng hiệu quả, phù hợp và hiện đại hóa.
- Tiếp tục các hoạt động bồi dưỡng CBQL, GVMN
thích ứng với chương trình GDMN sau sửa đổi bổ sung đảm bảo mục tiêu TCTV cho
trẻ em vùng DTTS.
- Hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế
hoạch TCTV. Tổ chức tổng kết việc thực hiện Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt
cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn
2016-2020, định hướng đến 2025” giai đoạn II.
III.
GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tăng cường
công tác lãnh đạo, chỉ đạo
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy
Đảng, chính quyền. Tổ chức tốt công tác phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể…
trong việc thực hiện kế hoạch. Xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể nhằm
đạt mục tiêu Đề án, tăng tỉ lệ trẻ mầm non, tiểu học thụ hưởng và nâng cao chất
lượng thực hiện.
- Cân đối, bố trí, lồng ghép nguồn lực để thực hiện
Đề án; tận dụng các điều kiện hiện có của địa phương; đẩy mạnh công tác xã hội
hóa huy động nguồn vốn hợp pháp để từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất trường,
lớp, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, học liệu trong các cơ sở GDMN,GDTH.
2. Đẩy mạnh
công tác truyền thông
Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng mục đích, ý
nghĩa và sự cần thiết của Đề án nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp
ủy đảng, chính quyền địa phương, CBQL giáo dục, giáo viên, cộng đồng đối với việc
TCTV cho trẻ em vùng DTTS. Chủ động phối hợp tuyên truyền, hỗ trợ các bậc cha,
mẹ trong việc TCTV cho trẻ em qua việc tạo cơ hội, môi trường giao tiếp, tham
gia vào các hoạt động giáo dục trẻ... Biên soạn, lựa chọn tài liệu, bồi dưỡng
tiếng Việt cho các bậc cha, mẹ là người DTTS, cộng đồng vùng đồng bào DTTS để
xây dựng môi trường tiếng Việt tại gia đình và cộng đồng.
3. Tăng cường
học liệu, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, xây dựng môi trường tiếng
Việt trong các cơ sở giáo dục
- Tổ chức biên soạn, bổ sung tài liệu, học liệu,
tranh ảnh, băng đĩa phù hợp, thân thiện với trẻ em người DTTS; rà soát, bổ sung
trang thiết bị xuống cấp tại các nhóm, lớp, điểm trường mầm non, tiểu học ở các
xã khó khăn, đặc biệt khó khăn có trẻ em người DTTS.
- Thực hiện đầu tư, bổ sung CSVC, phòng học, bổ
sung trang thiết bị dạy học tối thiểu cho GDMN, GDTH. Bảo đảm duy trì và phát
triển môi trường tiếng Việt trong các cơ sở GDMN, GDTH vùng DTTS; quan tâm thực
hiện đồng bộ ở điểm trường chính và các điểm trường lẻ; quy hoạch mạng lưới điểm
trường theo hướng giảm điểm trường, lớp ghép để đầu tư tập trung, hiệu quả.
- Xây dựng và triển khai thí điểm mô hình về
TCTV tại các địa bàn phù hợp với điều kiện, đặc điểm vùng miền để CBQL, GV thăm
quan, học tập, triển khai nhân rộng mô hình. Tăng cường các hoạt động khám phá,
trải nghiệm cho trẻ vùng DTTS. Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, sử dụng
linh hoạt các tiện ích, phần mềm, tư liệu, hình ảnh để nâng cao hiệu quả TCTV
cho trẻ.
4. Nâng cao
năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở GDMN và GDTH có trẻ em người
DTTS
- Thành lập Ban biên soạn. Tổ
chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định, triển khai tài liệu tập huấn, bồi dưỡng
cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ.
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng
nâng cao năng lực cho 100% CBQL, GV dạy trẻ em người DTTS về công tác quản lý;
phương pháp, kỹ năng tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục để TCTV phù hợp với
đối tượng trẻ em vùng DTTS. Quan tâm công tác quản lý dạy học tại điểm trường,
nghiệp vụ, kỹ năng dạy học lớp ghép.
- Bồi dưỡng tiếng dân tộc
(Khmer) cho giáo viên người kinh, dạy trẻ em vùng DTTS; khuyến khích giáo viên
tự bồi dưỡng, tự học tập tiếng DTTS địa phương phục vụ yêu cầu công việc.
5. Thực hiện chính sách đặc
thù đối với đội ngũ GVMN, GVTH tham gia TCTV cho trẻ em vùng DTTS
Thực hiện kịp thời, đầy đủ
các chế độ chính sách đối với GVMN dạy lớp ghép, TCTV cho trẻ vùng DTTS qui định
tại Điều 9, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP , theo Công văn số 1224/UBND-KGVX, ngày
23 tháng 11 năm 2020 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP
ngày 08/9/2020 của Chính phủ. Rà soát, xem xét hỗ trợ giáo viên tham gia các lớp
tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn; hỗ trợ tài liệu tham khảo; kết hợp với các hoạt
động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phát triển văn hóa địa phương.
Nghị định 76/2019/NĐ-CP ngày
08/10/2019 của Chính phủ ban hành Nghị Định về chính sách đối với cán bộ, công
chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang
công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Nghị định số
82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ Quy định việc dạy và học tiếng nói,
chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm
giáo dục thường xuyên.
6. Tăng cường
công tác xã hội hóa
- Đẩy mạnh
công tác xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực của các tổ chức chính trị - xã hội,
đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ
trợ thực hiện TCTV cho trẻ em người DTTS.
- Huy động
các tổ chức đoàn thể: Đoàn Thanh niên, Hội khuyến học, Hội Liên hiệp Phụ nữ
tham gia hỗ trợ TCTV cho cha, mẹ và trẻ em người DTTS, gắn với hoạt động xóa mù
chữ và đề án xây dựng xã hội học tập.
- Tiếp thu
chọn lọc các kinh nghiệm tổ chức, phương pháp bồi dưỡng giáo viên, dạy tiếng
DTTS và TCTV (lựa chọn các tài liệu, chương trình tiếng Việt, học tập kinh nghiệm
một số tỉnh bạn có điều kiện tương đồng).
IV.
KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Nhu cầu
về kinh phí
a) Ước tính
hiện trạng CSVC, học sinh, giáo viên mầm non, tiểu học vùng DTTS (phụ lục 01).
b) Tổng dự
trù kinh phí thực hiện giai đoạn II Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho
trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020,
định hướng đến 2025” trên cơ sở tiếng mẹ đẻ là: 713.480.000 đồng (phụ lục 02)
c) Thuyết
minh chi tiết Dự trù kinh phí chia ra thành 02 giai đoạn với các nội dung chi:
tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ,
tài liệu, sách giáo khoa cho GVMN, GVTH (chi tiết phụ lục 03)
2.
Nguồn kinh phí
- Kinh phí
thực hiện Kế hoạch do ngân sách nhà nước cấp từ nguồn kinh phí thường xuyên cho
giáo dục và các nguồn kinh phí huy động, tài trợ từ các chương trình, dự án hợp
pháp từ cộng đồng, doanh nghiệp… đặc biệt là các dự án hỗ trợ giáo dục vùng khó
khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Lồng ghép
các chương trình hỗ trợ chi phí học tập; chương trình hỗ trợ sách, vở học tập
cho học sinh vùng khó để kết hợp trang bị tài liệu, đồ dùng TCTV cho học sinh.
V.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giáo
dục và Đào tạo
- Chủ trì,
phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện những nội
dung của Đề án theo từng năm và giai đoạn.
- Tổ chức
biên soạn, lựa chọn, thẩm định, điều chỉnh, chuẩn hóa và triển khai tài liệu
TCTV, tài liệu bồi dưỡng chuyên môn, bồi dưỡng tiếng dân tộc cho đội ngũ CBQL,
GV, tài liệu cho cộng tác viên ngôn ngữ, cha mẹ trẻ em người DTTS phù hợp với đặc
điểm địa phương.
- Tổ chức
hiệu quả các lớp tập huấn, bồi dưỡng CBQL, GV; quản lý hoạt động bồi dưỡng thường
xuyên và tự bồi dưỡng.
- Chỉ đạo
xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình thí điểm; tăng cường tài liệu, học
liệu và các trang thiết bị cho các cơ sở GDMN, TH, đặc biệt đối với vùng khó
khăn, đặc biệt khó khăn.
- Kiểm tra,
giám sát, tổng hợp đánh giá kết quả hàng năm và giai đoạn; tổ chức sơ kết, tổng
kết, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Sở Kế hoạch
và Đầu tư
Phối hợp với
các cơ quan liên quan bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện kế hoạch.
3. Sở Tài
chính
Căn cứ Kế
hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, hằng năm Sở Tài chính phối hợp với Sở Giáo dục
và Đào tạo, các cơ quan đơn vị và địa phương có liên quan xem xét, thẩm định
tham mưu cấp thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện theo khả năng cân đối, trên
cơ sở lồng ghép với kinh phí chi thường xuyên được giao hàng năm, các Chương
trình, Dự án và các nguồn huy động hợp pháp khác theo phân cấp của Luật Ngân
sách nhà nước.
4. Sở Nội vụ
Chủ trì, phối
hợp với các sở, ngành tham mưu tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng CBQL, GV đáp ứng
tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và yêu cầu TCTV cho trẻ em người DTTS; tham
mưu đảm bảo chế độ chính sách theo quy định.
5. Sở Thông
tin và Truyền thông
Định hướng
nội dung và chỉ đạo thông tin, tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, hệ
thống Đài truyền thanh cấp huyện tăng cường tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa của
Kế hoạch
6. Ban Dân
tộc tỉnh: Phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền
nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS về phát triển giáo dục, sự cần thiết TCTV
đối với trẻ em người DTTS. Tham mưu thực hiện các chế độ chính sách dân tộc ở địa
phương đối với CBQL, GV và học sinh trong thực hiện Đề án. Phối hợp kiểm tra việc
thực hiện kế hoạch.
7. Bộ Chỉ
huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Hội khuyến học, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh:
Huy động cán bộ, chiến sỹ, hội viên, đoàn viên tham gia dạy tiếng
Việt và các hoạt động hỗ trợ TCTV cho cha, mẹ và trẻ em người DTTS ở khu vực
biên giới gắn với hỗ trợ thực hiện xóa mù chữ, chống tái mù chữ và xây dựng xã
hội học tập.
8. Đài phát
thanh và Truyền hình An Giang
Tăng cường
công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về mục tiêu, ý nghĩa của
Kế hoạch.
9. UBND các
huyện, thị, thành phố
- Chỉ đạo
Phòng Giáo dục và Đào tạo, các phòng chức năng xây dựng kế hoạch và triển khai
thực hiện tại địa phương để thực hiện thống nhất, đồng bộ, phù hợp với Kế hoạch
của tỉnh; xây dựng và triển khai nhân rộng mô hình thí điểm TCTV trong các nhà
trường, tổ chức bồi dưỡng CBQL, GV; sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện
hàng năm, báo cáo về cơ quan đầu mối (Sở Giáo dục và Đào tạo).
- Chỉ đạo,
phối hợp tổ chức hoạt động của cộng tác viên ngôn ngữ trên địa bàn, dạy tiếng
Việt cho cha mẹ trẻ em người DTTS, tổ chức xây dựng môi trường giao tiếp tiếng
Việt tại gia đình và cộng đồng. Xây dựng và ban hành cơ chế cần thiết, phù hợp
với địa phương nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và TCTV cho học sinh DTTS.
- Bố trí
kinh phí theo phân cấp, đẩy mạnh xã hội hóa để huy động các nguồn lực hợp pháp
nhằm triển khai hiệu quả kế hoạch tại địa phương; từng bước đầu tư xây dựng,
hoàn thiện CSVC, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, học liệu trong các cơ sở
GDMN, TH, đặc biệt đối với các đơn vị ở vùng khó khăn, các điểm trường.
Trên đây là
Kế hoạch giai đoạn II thực hiện Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ
em mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định
hướng đến 2025” trên cơ sở tiếng mẹ đẻ trên địa bàn tỉnh An Giang. Yêu cầu Thủ
trưởng các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
-
Bộ GDĐT (b/c);
- TT. TU, HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo TU;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Ban Dân tộc tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo AG, Đài PT-THAG;
- VP UBND tỉnh: LĐVP, KGVX, TH;
- Lưu: VT, KGVX.
|
TM. ỦY
BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Văn Phước
|